Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 378/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 378/2023/DS-PT NGÀY 07/08/2023 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 07 tháng 8 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử công khai vụ án dân sự thụ lý số 122/2020/TLPT-DS ngày 15 tháng 4 năm 2020 về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế”, do có kháng cáo của bị đơn đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2019/DS-ST ngày 05 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 8642/2023/QĐ-PT ngày 20 tháng 7 năm 2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, giữa các đương sự sau:

* Nguyên đơn: Bà Phạm Thị H, sinh năm 1975; địa chỉ: Đội 3, thôn Tiến Thọ, xã Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Lê Thị Hoài T - Văn phòng luật sư tư vấn pháp luật Tấn Ph, Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa; có mặt.

* Bị đơn:

1. Ông Phạm Văn H1, sinh năm 1959; địa chỉ: số 27/76 đường V, phố Y 1, phường Q, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; có mặt.

2. Ông Phạm Văn H2, sinh năm 1955; địa chỉ: số 23/76 đường V, phố Y 1, phường Q, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; có mặt.

3. Ông Phạm Văn H3, sinh năm 1966; địa chỉ: số 25/76 đường V, phố Y 1, phường Q, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ủy ban nhân dân Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Anh X - Chủ tịch; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Minh T1 - Phó Trưởng phòng TN&MT; có đơn xin xét xử vắng mặt.

2. Ủy ban nhân dân phường Q, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Văn T2 - Phó Chủ tịch; có đơn xin xét xử vắng mặt.

3. Bà Phạm Thị Ch, sinh năm 1953; địa chỉ: số 04/43 đường V, phố Y 1, phường Q, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; có mặt.

4. Ông Phạm Ngọc H4 (tức Phạm Văn H4), sinh năm 1960; địa chỉ: số 23/76, đường V, phố Y 1, phường Q, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt; Người đại diện theo ủy quyền của ông H4: Bà Phạm Thị H; có mặt.

5. Bà Phạm Thị H5, sinh năm 1965; địa chỉ: số 20 N1, MBQH 526, phố 2, phường Q, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; có mặt.

6. Ông Phạm Văn H6, sinh năm 1970; địa chỉ: B1/23 Khu phố 5, phường An Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; vắng mặt; Người đại diện theo ủy quyền của ông Phạm Văn H6: Bà Phạm Thị Ch; có mặt.

7. Bà Đặng Thị L, sinh năm 1964; địa chỉ: số 27/76 đường V, phố Y 1, phường Q, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt, Người đại diện theo ủy quyền của bà L: Ông Phạm Văn H1; có mặt.

8. Anh Nguyễn Đình Th, sinh năm 1975; địa chỉ: xóm M, xã H, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; vắng mặt.

9. Chị Nguyễn Thị Thu Th1, sinh năm 1977; địa chỉ: số 23 đường P, khối D, phường Quán Bàu, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; vắng mặt.

10. Chị Nguyễn Thị H Gi, sinh năm 1981; địa chỉ: xóm M, xã H, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của anh Th, chị Th1, chị Gi (con của bà Phạm Thị A): Bà Phạm Thị Ch; có mặt.

11. Bà Lê Thị B, sinh năm 1956; vắng mặt.

12. Bà Đỗ Thị M, sinh năm 1958; chị Lê Thị Ng, sinh năm 1984, chị Lê Thị Q, sinh năm 1986; anh Lê Đình Đ, sinh năm 1990 (vợ và các con của ông Lê Đình A); đều vắng mặt.

13. Bà Lê Thị H7, sinh năm 1964; vắng mặt.

14. Ông Lê Đình N, sinh 1966; vắng mặt.

15. Bà Lê Thị H8, sinh năm 1972; vắng mặt.

Cùng địa chỉ: Phố 2, phường Q, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

16. Bà Lê Thị H9, sinh năm 1969; địa chỉ: số 328 Đồng Khởi, khu phố 1, phường Tráng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bà M, chị Ng, chị Q, anh Đ, bà H7, ông N, bà H8 và bà H9 (con, cháu của cụ Phạm Thị Ch): Bà Lê Thị B; vắng mặt; Bà B ủy quyền lại cho bà Phạm Thị H; có mặt.

17. Bà Đỗ Thị H10, sinh năm 1955; địa chỉ: số 326 Q, phường Đ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt.

18. Bà Hoàng Thị Th2, sinh năm 1960; chị Đỗ Thị H Th1, sinh năm 1985; chị Đỗ Ngọc S, sinh năm 1987; chị Đỗ Tuyết Nh, sinh năm 1994; cùng địa chỉ: số 14/30 N, phường Q, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; đều vắng mặt.

19. Bà Đỗ Thị K, sinh năm 1958; vắng mặt.

20. Bà Đỗ Thị D, sinh năm 1962; vắng mặt.

21. Bà Đỗ Thị Q, sinh năm 1970; vắng mặt.

22. Ông Đỗ Khắc Đ, sinh năm 1975; vắng mặt.

23. Ông Đỗ Khắc L1, sinh năm 1977; vắng mặt.

Cùng địa chỉ: số 16/100 đường V, Y 1, phường Q, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

24. Bà Đỗ Thị T3, sinh năm 1959; địa chỉ: khu Tái Định cư MBQH 5226 phường Q, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt.

25. Bà Đỗ Thị Gi1, sinh năm 1964; địa chỉ: số 76, đường Lê Hưng, phường Q, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Hà, bà Th2, chị Th1, chị S, chị Nh, bà K, bà D, bà Gi1, bà Q, ông Đ, bà T3, ông L1 (con, cháu của bà Phạm Thị N1): Bà Đỗ Thị H10; vắng mặt: Bà H10 ủy quyền lại cho bà Phạm Thị H; có mặt.

26. Bà Lê Thị Gi, sinh năm 1950; chị Nguyễn Thị Th3, sinh năm 1975; anh Nguyễn Văn H2, sinh năm 1979; chị Nguyễn Thị Th4, sinh năm 1977; cùng địa chỉ: số 10A, ngõ 35, P, phường Đ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; đều vắng mặt và ủy quyền cho chị Nguyễn Thị D1, sinh năm 1979; địa chỉ: Cụm 1, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội; có mặt.

27. Bà Trịnh Thị D2, sinh năm 1955; chị Nguyễn Thị D1, sinh năm 1979; anh Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1981; chị Nguyễn Hoài L, sinh năm 1984; cùng địa chỉ: số 141 đường N, phường T, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; bà D2, anh Đ, chị L đều vắng mặt và ủy quyền cho chị Nguyễn Thị D1; có mặt.

28. Bà Nguyễn Thị O, sinh năm 1957; địa chỉ: số 70, đường Đ, phố C, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt.

29. Bà Nguyễn Thị L2, sinh năm 1960; địa chỉ: số 190 Mặt bằng 121, phường Đ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của chị Th3, anh H2, chị Th4, bà D2, anh Đ, chị L, bà O, bà L2 (con, cháu của cụ Phạm Văn Ch1): Bà Lê Thị Gi; vắng mặt; Bà Gi ủy quyền lại cho chị Nguyễn Thị D1; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện ngày 12/3/2018 và quá trình giải quyết tại Toà án, nguyên đơn bà Phạm Thị H trình bày:

Bố bà là cụ Phạm Văn L3 (tức Phạm Văn D3), chết năm 2002, mẹ bà là cụ Trịnh Thị A, chết năm 2015 đều không để lại di chúc, bố mẹ bà sinh được 09 người con gồm các ông, bà: Phạm Thị A; Phạm Thị Ch, Phạm Văn H2, Phạm Văn H1, Phạm Văn H4 (Phạm Ngọc H4), Phạm Văn H3, Phạm Thị H5, Phạm Văn H6 và Phạm Thị H. Bà Phạm Thị A và chồng là Nguyễn Đình Đ đã chết, có 03 người con là: Nguyễn Đình Th, Nguyễn Thị H Gi và Nguyễn Thị Thu Th1.

Sau khi chết bố mẹ bà để lại khối di sản gồm:

- Diện tích 1.050m2 đất tại thửa số 18, tờ bản đồ 03, bản đồ địa chính phường Q đo đạc năm 1994 hiện nay ông Phạm văn H2 đang quản lý. Nguồn gốc đất của ông bà nội để lại cho bố mẹ, năm 1987 Ủy ban nhân dân (UBND) thị xã Thanh Hóa đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho cụ Phạm Văn L3 và cụ Trịnh Thị Ẩ, đến ngày 10/9/2013 UBND thành phố Thanh Hóa cấp lại GCNQSDĐ đứng tên cụ Ẩ. Di sản trên đất có 5 gian nhà gỗ lợp ngói và 1 nhà thờ 3 gian với diện tích 200m2.

- Diện tích 1.300m2 đất tại thửa số 16, tờ bản đồ 03, bản đồ địa chính năm 1994, hiện nay ông Phạm Văn H1 và ông Phạm Văn H3 đang quản lý. Nguồn gốc đất của ông bà nội chia cho 03 người con trước năm 1980 gồm: cụ Phạm Văn L3, cụ Phạm Văn Ch1 và cụ Lê Thị B đã được Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa giải quyết năm 1989 giao cho cụ Phạm Văn L3. Di sản trên đất có căn nhà ngói ba gian do ông Phạm Văn H1 đang quản lý.

Năm 2014 thực hiện dự án “Tiêu úng Đông Sơn”, Nhà nước đã thu hồi 292m2 tại thửa 18 (cụ A nhận bồi thường) và 378m2 tại thửa 16, khi đó bà Đặng Thị L là vợ ông H1 xuất trình GCNQSDĐ được UBND thị xã cấp năm 1995 để nhận bồi thường với số tiền là 838.414.000 đồng, nhưng do đang có khiếu nại nên chưa được chi trả tiền bồi thường. Ngoài ra, gia đình còn thuộc diện được nhận 02 suất đất tái định cư tại mặt bằng Q.

Toàn bộ di sản của bố mẹ bà để lại chưa phân chia, do đó bà Phạm Thị H khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa giải quyết:

1. Yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của bố mẹ gồm:

- Quyền sử dụng đất tại thửa đất số 18, tờ bản đồ 03, trên đất có 06 gian nhà gỗ (trừ diện tích đất có căn nhà thờ ba gian bằng gỗ không yêu cầu chia);

- Quyền sử dụng đất tại thửa số 16, tờ bản đồ 03, trên đất có ba gian nhà cấp bốn hiện gia đình ông Phạm Văn H1 đang sử dụng;

- Khoản tiền bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi một phần diện tích tại thửa số 16 để thực hiện Dự án tiêu úng Đông Sơn và yêu cầu chia đất tái định cư cho các đồng thừa kế.

2. Yêu cầu hủy GCNQSDĐ số E0732310 vào sổ cấp GCNCNQSDĐ 000132 QSDĐ/132/UBTP do UBND thành phố Thanh Hóa cấp ngày 12/04/1995 cho bà Đặng Thị L tại thửa số 16, tờ bản đồ 03, bản đồ địa chính (nay là đường V, phố 1, phường Q, thành phố Thanh Hóa).

Tại Đơn đề nghị ngày 11/10/2019: Bà Phạm Thị H đề nghị thay đổi tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phạm Văn H2 và ông Phạm Văn H3 thành bị đơn vì lý do ông H2 hiện đang trực tiếp quản lý, sử dụng toàn bộ di sản tại thửa số 18, ông H3 đang quản lý, sử dụng một phần thửa số 16, tờ bản đồ 03, bản đồ địa chính phường Q.

* Tại bản tự khai ngày 02/10/2018 và quá trình giải quyết tại Tòa án, bị đơn ông Phạm Văn H1 (vợ là Đặng Thị L) trình bày:

Gia đình ông H1 đang sử dụng thửa đất số 16, tờ bản đồ 03, bản đồ địa chính xã Q. Nguồn gốc đất là của cụ Phạm Văn Th5 và cụ Trịnh Thị B (ông bà nội của ông) sử dụng từ năm 1920 đã được Sở địa chính Thanh Hóa thuộc Đại Nam - Trung Kỳ - Chánh Phủ cấp giấy Trích lục địa bộ. Cụ Th5, cụ B có 07 người con là: Phạm Văn T, Phạm Văn Ch1, Phạm Thị Quạch, Phạm Thị Các, Phạm Thị K, Phạm Văn L3, Phạm Thị Th3. Sau khi cụ Th5 mất, năm 1960 cụ B đã chia đất cho 03 người con là: Phạm Văn Ch1, Phạm Văn L3 và Lê Thị B (vợ của cụ Phạm Văn T) mỗi người một phần để sử dụng làm nơi ở, đến năm 1970 cụ B mất.

Năm 1984 cụ Lê Thị B đi ở với con gái nên đã giao lại toàn bộ diện tích đất được chia cho ông H1 để ông lo hương hỏa, thờ cúng, khi đó ông chưa lập gia đình nên cụ L3 quản lý. Đến năm 1985 thì cụ L3 giao cho ông quản lý mảnh đất này và cụ L3 đã báo cáo với UBND xã Q. Năm 1987 ông lấy vợ và đến ngày 12/4/1995 được UBND thành phố Thanh Hóa cấp GCNQSDĐ tại thửa số 16 mang tên vợ ông là Đặng Thị L, khi đó bố mẹ ông còn sống không có ý kiến gì. Từ đó đến nay gia đình ông ở ổn định, xây dựng sửa chữa nhà cửa và các công trình phục vụ cuộc sống đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất. Năm 1999 bố ông đã có bản di chúc cụ thể việc chia đất đai cho các người con trai. Do vậy thửa đất số 16 là tài sản riêng của gia đình ông.

Năm 2014, UBND thành phố Thanh Hóa có Quyết định thu hồi đất gia đình ông đang sử dụng tại thửa 16, diện tích thu hồi là 378,20m2, trong đó, đất ở là 322,00m2, đất trồng cây lâu năm là 56,20m2. UBND thành phố Thanh Hóa đã ra Quyết định phê duyệt phương án bồi thường về đất là 838.414.000 đồng, tài sản trên đất là 32.090.000 đồng, tiền hoa màu là 4.064.000 đồng, tổng cộng 874.568.000 đồng. Ngoài ra Nhà nước có thông báo về việc giao đất tái định cư tại bằng mặt Q cho gia đình ông, nhưng do bà Ch và bà H có đơn khiếu nại nên ông chưa được nhận tiền đền bù, cũng chưa nhận đất tái định cư, UBND thành phố Thanh Hóa cũng chưa giải phóng mặt bằng, gia đình ông mới chỉ được nhận tiền hoa màu và tài sản trên đất.

Đối với thửa số 18, tờ bản đồ số 03, diện tích 788m2 đã được UBND thành phố Thanh Hóa cấp GCNQSDĐ số BP951722 ngày 10/9/2013 là di sản của bố mẹ để lại, hiện nay đang sử dụng làm nhà thờ cành họ Phạm, nếu phải chia thừa kế ông đề nghị để lại 200m2 tiếp tục làm nhà thờ, phần còn lại chia theo pháp luật.

* Bị đơn ông Phạm Văn H2 trình bày:

Đối với thửa đất số 16, tờ bản đồ 03 ông thống nhất xác định đây là tài sản riêng của vợ chồng ông H1 không yêu cầu Tòa án chia. Đối với thửa 18 ông xác định đây là di sản của bố mẹ để lại, bố ông đã có di chúc chỉ chia đất cho các con trai, không chia cho con gái. Từ năm 2007 ông đã về ở trông coi và có công sức trong việc quản lý, tôn tạo, trông cây cối tại thửa số 18, ông đề nghị để làm nơi thờ phụng. Nếu phải chia ông không yêu cầu xem xét công sức.

Tại phiên tòa ngày 02/7/2019, ông Phạm Văn H2 xuất trình và đề nghị Tòa án xem xét“Giấy giao quyền chủ sử dụng nhà và đất ở cho các con trai” do cụ Phạm Văn L3 lập ngày 16/2/1999 và “Giấy thỏa thuận nhường nhà đất ở” do con gái và con rể của cụ Phạm Thị B lập ngày 21/11/1991.

* Ông Phạm Văn H3 trình bày:

Tại thửa số 16, tờ bản đồ 03, năm 1990 ông đã được bố và anh em trong gia đình đồng ý mốc giới cho ông làm nhà ở với diện tích 260m2, quá trình sử dụng ông đã thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước nên không đồng ý chia. Tại thửa số 18 ông đề nghị không chia 06 gian nhà gỗ và 03 gian nhà cấp bốn, phần đất còn lại đề nghị chia cho con trai 10 phần, con gái 6 phần.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông, bà: Phạm Văn H6, ông Phạm Văn H4, bà Phạm Thị Ch, bà Phạm Thị H5 và các con của bà Phạm Thị A (gồm Nguyễn Đình Th, Nguyễn Thị H Gi, Nguyễn Thị Thu Th1): Thống nhất với quan điểm yêu cầu của nguyên đơn.

* Tại Văn bản ý kiến tháng 4/2018 và Văn bản số 449/CV-TNMT ngày 28/10/2019, người đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa trình bày:

Thửa số 18, tờ bản đồ 03, bản đồ địa chính phường Q đo vẽ năm 1994 đã được UBND thành phố Thanh Hóa cấp GCNQSDĐ cho cụ Trịnh Thị A (chồng là cụ Phạm Văn L3). Năm 2014, Nhà nước đã thu hồi một phần diện tích là 299,2m2 để thực hiện dự án tiêu úng Đông Sơn (cụ A đã nhận bồi thường). Nay cụ A đã chết, các đồng thừa kế yêu cầu phân chia di sản là đúng quy định của pháp luật.

Thửa số 16, tờ bản đồ 03, UBND thành phố Thanh Hóa đã cấp GCNQSDĐ số E0732310 ngày 12/4/1995 cho bà Đặng Thị L (vợ ông Phạm Văn H1), hiện nay không có hồ sơ lưu về việc cấp GCNQSDĐ. Năm 2014 khi thu hồi đất xác định bà L là chủ sử dụng hợp pháp nên UBND thành phố Thanh Hóa đã thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư theo quy định. Diện tích thu hồi 378,2m2, trong đó bồi thường về đất là 838.414.000 đồng, tài sản trên đất là 32.090.000 đồng, cây cối là 4.064.000 đồng, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là 874.568.000 đồng. Hộ bà L đã nhận tiền bồi thường tài sản trên đất là 36.154.000 đồng.

Về đất tái định cư, hộ ông H1, bà L được giao 02 lô gồm: số 09L2 và số 10L2, diện tích mỗi lô 100m2 với giá 400.000.000đ/lô, tại MBQH 5226 phường Q, nhưng chưa ban hành Quyết định bàn giao đất.

Do có khiếu nại nên số tiền bồi thường về đất 838.414.000 đồng UBND thành phố Thanh Hóa chưa chỉ trả và cũng chưa bàn giao đất tái định cư. UBND thành phố Thanh Hóa đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật, UBND thành phố Thanh Hóa sẽ căn cứ theo bản án của Tòa án để chi trả đền bù và giao đất tái định cư.

* Tại Văn bản ý kiến số 364/UBND-ĐC ngày 22/8/2018; Biên bản xác minh ngày 01/4/2019 và phiên tòa ngày 25/10/2019, đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND phường Q trình bày:

+ Theo hồ sơ 299 năm 1984, tờ bản đồ 02 bao gồm 05 thửa: Thửa 05, mục kê ghi cụ Phạm L3, diện tích 282m2; thửa 06 cụ Phạm Văn Ch1, diện tích 420m2; thửa 07 cụ Lê Thị B, diện tích 192m2; thửa 08 cụ Phạm Văn Ch1, diện tích 356m2 và thửa 09 cụ Phạm Văn L3, diện tích 670m2; loại đất T.

+ Theo hồ địa chính 1994 gồm 02 thửa: Thửa số 16, tờ bản đồ 03 được hình thành từ các thửa 05, 06, 07 và một phần của thửa 08, diện tích 1.116m2, mục kê ghi chủ sử dụng Phạm Văn H1, loại đất T. Hiện nay trên thửa 16 có 2 hộ đang sử dụng gồm: ông Phạm Văn H3 228m2; ông Phạm Văn H1, bà Đặng Thị L 717m2.

+ Thửa số 18 có nguồn gốc của cụ Phạm Văn Th5 và cụ Trịnh Thị B để lại cho các con, đã được giải quyết bằng bản án chia di sản thừa kế tại Tòa án nhân dân thị xã Thanh Hóa giao cho cụ Phạm Văn L3 và cụ Trịnh Thị A, cụ A đã được cấp GCNQSDĐ năm 2013.

+Theo bản đồ số lập năm 2010, toàn bộ diện tích đất thuộc thửa 12, tờ bản đồ số 05, diện tích 2.396,6m2, mục kê ghi chủ sử dụng là Phạm Văn L3 - Trịnh Thị A, loại đất ONT.

+ Cụ Phạm Văn Ch1 và cụ Phạm Thị B đã mất từ nhiều năm, cụ B có 02 con gái là bà Phạm Thị Ch và bà Phạm Thị N1 (đều đã chết); cụ Ch1 có các con, cháu sống tại phường Quảng Thành (không có địa chỉ cụ thể).

+ Năm 1994 việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ được giao đất nông nghiệp theo Nghị định số 64/NĐ-CP trên địa bàn xã Q, gia đình ông H1 bà L đã được cấp GCNQSDĐ số E0732310 ngày 12/4/1995 với tổng diện tích đất nông nghiệp 1.509,0m2. Việc cấp GCNQSDĐ cho bà Đặng Thị L tại thửa 16 không có hồ sơ, không đảm bảo trình tự thủ tục. Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

* Tại đơn yêu cầu độc lập ngày 20/5/2019 và quá trình giải quyết tại Tòa án, các con của cụ Phạm Văn Ch1 gồm: Lê Thị Gi, Nguyễn Thị Th3, Nguyễn Văn H2 và các cháu gồm: Nguyễn Thị Th4; Trịnh Thị D2, Nguyễn Thị D1, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn L; Nguyễn Thị O và Nguyễn Thị L2 (đều ủy quyền cho bà Lê Thị Gáo) trình bày:

Cụ Phạm Văn Ch1 chết năm 1997, vợ là cụ Nguyễn Thị K chết năm 1996, có 05 người con gồm: Nguyễn Văn Th2, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Thị O và Nguyễn Thị L2. Trong đó: Ông Nguyễn Văn Th2 chết 1967 (chưa có vợ con); ông Nguyễn Văn Đ chết năm 1998, có vợ là bà Lê Thị Gi và các con là Nguyễn Văn Th3, Nguyễn Văn H2, Nguyễn Thị Th4; ông Nguyễn Văn Đ chết năm 2011, có vợ là Trịnh Thị D2 và các con là Nguyễn Thị D1, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn L.

Theo hồ sơ 299, cụ Ch1 có diện tích đất tại thửa 06 là 420m2 và thửa 08 là 356m2 hiện nay ông H1 đang quản lý. Năm 1958, do cụ Ch1 trai gái nên cụ Kế đưa các con về bên ngoại ở và đổi họ của các con theo họ mẹ. Khi còn sống cụ Ch1 có căn dặn các con về việc cụ Ch1 có đất đai ở Quảng Th sau này về làm nhà ở. Nay các con, cháu của cụ Ch1 yêu cầu Tòa án hủy GCNQSDĐ do UBND thành phố Thanh Hóa đã cấp cho bà Đặng Thị L và đòi lại phần đất của cụ Ch1 theo pháp luật.

* Tại đơn yêu cầu độc lập ngày 20/5/2019, các con, cháu của bà Phạm Thị Ch (con của cụ Lê Thị B) ủy quyền cho bà Lê Thị B trình bày:

Cụ Lê Thị B (chết năm 1988), chồng là cụ Phạm Văn T (chết 1932), cụ B có 02 người con gái là Phạm Thị Ch và Phạm Thị N1.

Bà Phạm Thị Ch chết năm 2005, (chồng là Lê Đình Tuyển chết 2008), có 06 người con gồm: Lê Thị B, Lê Đình A, Lê Thị H7, Lê Đình N, Lê Thị H9 và Lê Thị H8. Trong đó ông Lê Đình A đã chết năm 2012, có vợ là Đỗ Thị M và các con là Lê Thị Ng, Lê Thị Q, Lê Đình Đ.

Nay các con, cháu của bà Phạm Thị Ch yêu cầu đòi lại phần đất của bà ngoại là cụ Lê Thị B theo pháp luật.

* Tại đơn yêu cầu độc lập ngày 20/5/2019, các con, cháu của bà Phạm Thị N1 ủy quyền cho bà Đỗ Thị H trình bày với nội dung:

Bà Phạm Thị N1 chết năm 2009 (chồng là Đỗ Khắc H, chết năm 2014), có 09 người con là: Đỗ Thị H, Đỗ Khắc S, Đỗ Thị K, Đỗ Thị T3, Đỗ Thị D, Đỗ Thị Gi1, Đỗ Thị Q, Đỗ Khắc Đ, Đỗ Khắc L1. Trong đó, ông Đỗ Khắc S đã chết năm 2011, có vợ là Hoàng Thị Th2 và các con là Đỗ Thị H Th1, Đỗ Ngọc S và Đỗ Tuyết Nh.

Nay các con, cháu của bà Phạm Thị N1 yêu cầu đòi lại phần đất của bà ngoại là cụ Lê Thị B theo pháp luật.

Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2019/DSST ngày 05/11/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã quyết định: Căn cứ khoản 5 Điều 26, Điều 34, Điều 37, Điều 266, khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 609, khoản 1 Điều 623, Điều 631, Điều 633, Điều 645, Điều 649, Điều 650, Điều 651, Điều 652, Điều 658, Điều 659, Điều 660 và khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự:

1. Chấp nhận đơn khởi kiện của bà Phạm Thị H và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E0 732310 do UBND thành phố Thanh Hóa đã cấp cho bà Đặng Thị L ngày 12/04/1995, tại thửa số 16, tờ bản quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E0732310 do UBND thành phố đồ 03, bản đồ địa chính phường Q (phần đất thổ cư nông thôn và đất vườn).

2. Chia di sản của cụ Phạm Văn L3 và cụ Trịnh Thị A cho các con tại thửa số 16 và thửa số 18, tờ bản đồ số 3, bản đồ địa chính phường Q (đường V, Y 1, phường Q, thành phố Thanh Hóa), có sơ đồ kèm theo:

2.1. Chia cho ông Phạm Văn H2 sử dụng diện tích đất 278,7m2, trị giá 557.400.000 đồng có ranh giới: Phía Bắc giáp ngõ đi chung 5,6m; phía Nam giáp đất ông O dài 12,49m; phía Tây giáp đất nhà thờ dài 23,34m + 11,87m; phía Đông giáp đất chia cho ông H6 33,34m.

2.2. Chia cho ông Phạm Văn H6 được sử dụng diện tích đất 134,8m2, trị giá 269.600.000 đồng, có ranh giới: Phía Bắc giáp ngõ đi chung 4m; phía Nam giáp đất ông O 4,06m; phía Tây giáp đất ông H2 dài 33,74m; phía Đông giáp đất chia cho ông H4 dài 33,31m.

2.3. Chia cho ông Phạm Văn H4 được sử dụng diện tích đất 132,6m2, trị giá 265.200.000 đồng, có ranh giới: Phía Bắc giáp ngõ đi chung 4,0m; phía Nam giáp đất ông O 4,06m; phía Tây giáp đất chia cho ông H6 dài 33,31m; phía Đông giáp ngõ đi chung dài (20,84m + 4,45m + 7,51m).

Ông Phạm Văn H4 có trách nhiệm thanh toán cho ông Phạm Văn H3 số tiền 36.949.000 đồng (Ba sáu triệu chín trăm bốn chín ngàn đồng) 2.4. Tài sản vật kiến trúc (đã hết khấu hao không định giá) và cây cối nằm trên phần đất chia cho ai đến đâu, người được chia được sở hữu và sử dụng đến đó.

2.5. Chia cho ông Phạm Văn H3 được tiếp tục sử dụng diện tích đất 228m2, trị giá 456.000.000 đồng, có ranh giới: Phía Bắc giáp đường bờ sông dài 9,45m; phía Nam giáp đất ông O dài 10,3m; phía Tây giáp đất ông H1 dài 37,6;

phía Đông giáp nhà dài thờ 23,21m.

Ông H3 có trách nhiệm dành ngõ đi rộng 2m dài 9,45m cho gia đình ông Phạm Văn H1 sử dụng cho đến khi giải phóng xong đường bờ sông.

Gia đình ông H3 tiếp tục được sở hữu công trình vật kiến trúc và cây cối trên đất do vợ chồng ông xây dựng gồm: 01 nhà hai tầng lợp mái tôn diện tích xây dựng 52,8m2; 01 nhà bếp mái bê tông 7,2m2; 01 nhà vệ sinh mái bằng 3,1m2, trị giá nhà 145.094.400đ; 03 cây vối, 02 cây bưởi, 03 cây si.

Ông H3 được nhận thêm từ ông Phạm Văn H4 số tiền là 36.955.000 đồng (Ba sáu triệu chín trăm năm mươi lăm nghìn đồng).

2.6. Chia cho ông Phạm Văn H1 tiếp tục sử dụng diện tích đất 717,0m2, trị giá 1.434.000.000 đồng, có ranh giới: Phía Bắc giáp đường bờ sông dài 28,9m; phía Nam giáp đất ông Nhuệ dài 12,6m và giáp ông O 18,86m; phía Tây giáp đất bà D dài 31m; phía Đông giáp đất ông H3 dài 36,6m.

Gia đình ông H1, bà L tiếp tục được sở hữu công trình vật kiến trúc và cây cối do vợ chồng ông xây dựng gồm: 01 nhà mái bằng 56,8m2, công trình phụ khép kín trị giá 243.672.000 đồng; 01 cây khế; 01 cây vú sữa, 01 cây sung, 01 cây Lộc vừng, 02 cây đào.

2.7. Chia cho bà Phạm Thị A, bà Phạm Thị Ch, bà Phạm Thị H5, bà Phạm Thị H mỗi người được hưởng kỷ phần của cụ Trịnh Thị A là 91.210.000 đồng (Chín mươi mốt triệu hai trăm mười nghìn đồng). Cụ thể:

Mỗi người được nhận tiền đền bù về đất tại UBND thành phố Thanh Hóa là 91.210.000đ x 4 chị em = 364.840.000đ (Ba trăm sáu tư triệu tám trăm bốn mươi nghìn đồng).

Bà Phạm Thị H, bà Phạm Thị Ch, bà Phạm Thị H5 và các con của bà Phạm Thị A gồm: Anh Nguyễn Đình Th, chị Nguyễn Thị Thu Th1, chị Nguyễn Thị H Gi (do bà Ch đại diện) được liên hệ với UBND thành phố Thanh Hóa để nhận 01 suất đất tái định cư tại lô số 09L2, MBQH 5226 phường Q, thành phố Thanh Hóa, diện tích 100m2 x 4.000.000đ/m2 = 400.000.000 đồng và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định (có sơ đồ kèm theo).

3. Chấp nhận đơn yêu cầu độc lập của các con, cháu cụ Phạm Văn Ch1 do bà Lê Thị Gi đại diện:

Buộc các con của cụ Phạm Văn L3 + cụ Trịnh Thị A trả lại giá trị di sản của cụ Phạm Văn Ch1 là 616.454.000 đồng, cụ thể:

Bà Lê Thị Gi được đại diện cho các con, cháu của cụ Ch1 (gồm: Ông Nguyễn Văn Th3, ông Nguyễn Văn H2, bà Nguyễn Thị Th4, bà Trịnh Thị D2, bà Nguyễn Thị D1, ông Nguyễn Văn Đ, ông Nguyễn Văn L; bà Nguyễn Thị O và bà Nguyễn Thị L2) nhận tiền đền bù về đất tại UBND thành phố Thanh Hóa với số tiền là 473.574.000 đồng (Bốn trăm bảy ba ngàn năm trăm bảy mươi tư nghìn đồng);

Ông Phạm Văn H1 có trách nhiệm thanh toán cho bà Lê Thị Gi số tiền là 49.094.000 đồng (Bốn chín triệu không trăm chín tư nghìn đồng);

Ông Phạm Văn H4 có trách nhiệm thanh toán cho bà Lê Thị Gi số tiền là 5.694.000 đồng (Năm triệu sáu trăm chín mươi tư nghìn đồng);

Ông Phạm Văn H6 có trách nhiệm thanh toán cho bà Lê Thị Gi số tiền là nhận từ ông H6 88.092.000 đồng (Tám mươi tám triệu không trăm chín hai nghìn đồng).

Bà Lê Thị Gi được đại diện cho các con của cụ Phạm văn Ch1 gồm ông Nguyễn Văn Th3, ông Nguyễn Văn H2 và các cháu: Nguyễn Thị Th4, Trịnh Thị D2, Nguyễn Thị D1, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn L; Nguyễn Thị O và Nguyễn Thị L2 liên hệ với UBND thành phố Thanh Hóa để nhận 01 suất đất tái định cư tại lô số 10L2, MBQH 5226 phường Q, thành phố Thanh Hóa, diện tích100m2 x 4.000.000đ = 400.000.000 đồng và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định (có sơ đồ kèm theo).

4. Chấp nhận đơn yêu cầu độc lập của các con, cháu của cụ Lê Thị B do bà Đỗ Thị H và bà Lê Thị B đại diện.

Buộc các con của cụ L3 + cụ A trả lại cho các con, cháu của cụ Lê Thị B giá trị di sản là 198.180.310 đồng, cụ thể:

4.1. Chấp nhận sự tự nguyện của các con bà Phạm Thị Ch, giao kỷ phần của bà Ch là 99.090.000 đồng (Chín chín triệu không trăm chín mươi ngàn đồng) cho ông Phạm Văn H2 quản lý để sử dụng vào việc thờ cúng, tôn tạo nhà thờ Cành hai họ Phạm.

4.2. Trả lại kỷ phần của bà Phạm Thị N1 99.099.000 đồng cho các con, cháu của bà N1 gồm: Đỗ Thị H, Đỗ Khắc S, Đỗ Thị K, Đỗ Thị T3, Đỗ Thị D, Đỗ Thị Gi1, Đỗ Thị Q, Đỗ Khắc Đ, Đỗ Khắc L1, Đỗ Thị H Th1, Đỗ Ngọc S và Đỗ Tuyết Nh (do bà Đỗ Thị H đại diện), cụ thể:

Ông Phạm Văn H2 có trách nhiệm thanh toán cho bà Đỗ Thị H số tiền là 79.791.000 đồng (Bảy mươi chín triệu bảy trăm chín mươi mốt nghìn đồng);

Ông Phạm Văn H1 có trách nhiệm thanh toán cho bà Đỗ Thị H số tiền là 19.299.000 đồng (Mười chín triệu hai trăm chín mươi chín nghìn đồng).

Bà Đỗ Thị H có trách nhiệm phân chia lại giá trị di sản của bà Phạm Thị N1 cho các con, cháu đã ủy quyền cho bà theo quy định của pháp luật.

6. Giao cho ông Phạm Văn H2 tiếp tục quản lý, trông coi ba gian nhà thờ bằng gỗ, lợp ngói (không định giá) trên khuôn viên đất 241,9m2 để sử dụng làm nơi thờ cúng chung cho “Cành hai họ Phạm” và tiếp tục quản lý kỷ phần 98.960.000 đồng của bà Phạm Thị Ch để sử dụng vào việc tôn tạo nhà thờ.

7. Sau khi bản án có hiệu lực, các đương sự được quyền liên hệ với UBND thành phố Thanh Hóa để thực hiện việc đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 16/12/2019, bị đơn ông Phạm Văn H1 có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án hủy toàn bộ bản án sơ thẩm; bác toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị đơn ông Phạm Văn H1 vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và trình bày: Tòa án sơ thẩm đã không đưa con ông Phạm Văn Q (con cụ Phạm Văn Ch1) là người thừa kế quyền và nghĩa vụ vào tham gia tố tụng là thiếu sót; bản án nhận định nội dung vụ án sai, dẫn đến xác định và phân chia di sản không đúng; bỏ qua nội dung bản án án đã được phân chia trước đây.

Nguyên đơn bà Phạm Thị H và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Việc ông H1 yêu cầu hủy bản án sơ thẩm là không cần thiết, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét có cho các con cụ Ch1 được hưởng thừa kế hay không và không chấp nhận kháng cáo của ông H1, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông H1, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Quá trình tham gia tố tụng của các đương sự, quá trình tiến hành tố tụng của thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án và của Hội đồng xét xử tại phiên toà đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên và các bên đương sự, Tòa án nhận định:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Đơn kháng cáo của ông ông Phạm Văn H1 nộp trong thời hạn và đúng với quy định tại Điều 272, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự nên hợp lệ, được Hội đồng xét xử xem xét giải quyết.

[1.2] Về việc vắng mặt của các đương sự: Bị đơn ông Phạm Văn H3 và một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt. Do đó, căn cứ Điều 227, Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự xét xử vắng mặt các đương sự nói trên.

[2] Xét nội dung đơn kháng cáo của ông Phạm Văn H1 hủy toàn bộ bản án sơ thẩm; bác toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, thấy rằng:

[2.1] Tòa án sơ thẩm sơ thẩm xác định về diện và hành thừa kế của cụ Phạm Văn Ch1 (vợ là cụ Trần Thị K đã ly hôn năm 1960, có 5 người con Nguyễn Ngọc Th2 (Liệt sỹ), Nguyễn Trọng Đ (đã chết, có vợ là bà Lê Thị Gi, các con là Nguyễn Thị Th3, Nguyễn Văn H2, Nguyễn Thị Th4); ông Đại (đã chết năm 2011, có vợ là bà Trịnh Thị D2 (các con là Nguyễn Thị D1, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn L). Phần di sản của cụ Ch1 do bà Lê Thị Gi đại diện. Tuy nhiên, theo ông H cung cấp thì cụ Phạm Văn Ch1 có 4 người vợ: Vợ cả là cụ Lê Thị Thúc không có con, đã chết; vợ thứ hai là cụ Trịnh Thị Đ không có con, đã chết; vợ thứ ba là cụ Trần Thị K, đã ly hôn năm 1960, có 5 người con gồm: ông Nguyễn Ngọc Th2 (Liệt sỹ), ông Nguyễn Trọng Đ (đã chết, có vợ là bà Lê Thị Gi, các con là Nguyễn Thị Th3, Nguyễn Văn H2, Nguyễn Thị Th4); ông Nguyễn Xuân Đ (đã chết năm 2011, có vợ là bà Trịnh Thị D2, các con là Nguyễn Thị D1, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn L), bà Nguyễn Thị L và bà Nguyễn Thị O; vợ thứ tư là là cụ Trịnh Thị Hồ (đã chết, có con là Phạm Văn Q (đã chết), có con là Phạm Thị H, Phạm Thị P, Phạm Thị Ng, Phạm Văn B). Như vậy, Tòa án sơ thẩm chưa xác minh để đưa những người thuộc diện và hàng thừa kế của cụ Phạm Văn Ch1 vào tham gia tố tụng là thiếu sót.

[2.2] Nguồn gốc đất tranh chấp tại thửa số 16 và thửa số 18 có nguồn gốc là đất của cố Phạm Văn Th5 (Chạch) và cố Trịnh Thị B để lại. Theo lời khai các đương sự con cụ L3, cụ A, xác minh tại UBND phường Q thì tài sản của 2 cố Th5 và B đã được giải quyết bằng bản án chia di sản thừa kế. Theo kết quả xác minh tại Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa thể hiện: Không tìm thấy Bản án số 17/1989/DSST. Tuy nhiên qua kiểm tra số án dân sự năm 1989 đến năm 1992 thể hiện thụ lý số 22 ngày 1/8; số bản án 17 ngày 22/9 giữa nguyên đơn ông Phạm Văn Ch1 và bị đơn ông Phạm Văn L3 có nội dung “xác định di sản của ông Phạm Văn Chạch và bà Trịnh Thị B để lại giá trị là 1.935.000, chia thừa kế cho từng phần cụ thể ông Phạm Văn Ch1 là 307.000- 135.000 ông đã bán 15 cây xoan + 900 viên gạch = 252.000, ông Phạm Văn L3 là 387.000, Phạm Thị K 387.000, Phạm Thị Th3 387.000, Lê Đình Tôn, Lê Thị Tân 387.000. Chấp nhận nguyện vọng của bà K, bà Th3, ông Tôn và chị L3 giao 5 gian nhà ngói cũ bằng gỗ trên diện tích 350m2 + các cây lưu niên có giá trị 01 cây vàng cho ông Phạm Văn L3 Trông coi nhưng ông phải chịu trách nhiệm thanh toán phần thừ kế cho ông Phạm Văn Ch1 là 252.000 (như vậy ông L3 được hưởng 2 phần trị giá tài sản bố mẹ để lại. Ông Ch1 nạp án phí sơ thẩm dân sự là 15.000đ”; phần quyết định của Tòa án sơ thẩm ghi “xong”. Xác minh tại Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa thì không tìm thấy bản án nêu trên. Mặt khác, tại sổ ghi nhật ký của cụ Phạm Văn L3 (bố của nguyên đơn và bị đơn) để lại, bia đá nhà thờ cành hai họ Phạm và biên bản họp họ có xác định người có trách nhiệm trông coi bảo quản nhà thờ cành hai họ Phạm năm 1989 thể hiện di sản của của cố Phạm Văn Th5 (Chạch) và cố Trịnh Thị B để lại đã được cụ Phạm Văn Ch1 và ông Phạm Văn L3 đã được Tòa án giải quyết thể hiện bằng bản án nêu trên với Hội đồng xét xử sơ thẩm ngày 22/9/1989 do ông Lê Q làm Thẩm phán chủ tọa và thư ký là ông Lê Văn T. Ngày 27/12/1989, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết phúc thẩm do các Thẩm phán Lê Đình Hòa, ông Đỗ Văn T, bà Lê K giải quyết. Tại Văn bản ý kiến số 364/UBND- ĐC ngày 22/8/2018; Biên bản xác minh ngày 01/4/2019 và phiên tòa ngày 25/10/2019, đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND phường Q xác định: Thửa số 18 có nguồn gốc của cố Phạm Văn Th5 và cố Trịnh Thị B để lại cho các con, đã được giải quyết bằng bản án chia di sản thừa kế tại Tòa án nhân dân thị xã Thanh Hóa giao cho cụ Phạm Văn L3 và cụ Trịnh Thị A, cụ A đã được cấp GCNQSDĐ năm 2013. Đáng lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu các đương sự thu thập chứng cứ và tiến hành lấy lời khai của những người đã tiến hành xét xử của Tòa án hai cấp, cũng như những người ký tên trong biên bản họp họ có xác định người có trách nhiệm trông coi bảo quản nhà thờ cành hai họ Phạm năm 1989 về việc di sản của cố Th5 và cố bồi đã được Tòa án giải quyết chưa? Từ đó mới có căn cứ xác định, di sản của cố Th5, cố B, cụ Ch1 có còn quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong thửa đất 16, 18 do bố mẹ để lại. Cấp sơ thẩm xác định cụ Ch1 vẫn còn quyền lợi tại thửa đất đang tranh chấp và chia thừa kế cho các con cháu của cụ là chưa có căn cứ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự là con của cụ L3, cụ A trong việc chia di sản thừa kế.

Ngoài ra, theo bản đồ 299 năm 1984 thể hiện thửa đất số 06 có diện tích 420m2 và thửa số 08 có diện tích 356m2 tên cụ Phạm Văn Ch1 là chủ sử dụng, nhưng thực tế gia đình cụ Ch1 đi khỏi địa phương năm 1954 nên bản đồ này không đúng với thực tế sử dụng đất.

Đối với “Giấy giao quyền chủ sử dụng nhà và đất ở cho các con trai” do cụ Phạm Văn L3 lập ngày 16/2/1999, thể hiện ý chí của cụ L3 chỉ chia nhà và đất ở cho các con trai; tại kết quả giám định số 2390 ngày 29/10/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa xác định toàn bộ chữ viết và chữ “Phạm Văn L3” ở cuối văn bản nêu trên là của cụ Phạm Văn L3 viết, không giám định được chữ viết của cụ Trịnh Thị A, các con cụ L3, cụ A xác nhận cụ Ầm không biết chữ. Cụ L3 có quyền định đoạt 1/2 khối di sản; phần của cụ A được chia cho các con theo pháp luật là có căn cứ. Tuy nhiên, như nội dung phân tích nêu trên diện tích đất tranh chấp tại thửa 18, năm 1989 có tranh chấp giữa cụ Ch1 và cụ L3 yêu cầu chia sản của bố mẹ để lại đã được xem xét giải quyết, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn xem xét chia di sản này cho con của cụ Ch1 là Lê Thị Gi, Nguyễn Văn Th3... ảnh hưởng đến quyền lợi của các con cụ L3.

Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử thấy những thiếu sót nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm chưa được thu thập làm rõ, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do vậy, cần chấp nhận một phần kháng cáo của ông Phạm Văn H1, hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 72/2022/DSST ngày 05/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa để giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

[3]. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[4]. Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên ông Phạm Văn H1 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 148, khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án;

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Phạm Văn H1, hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2019/DSST ngày 05/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử lại theo quy định của pháp luật.

3. Án phí: Ông Phạm Văn H1 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

132
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 378/2023/DS-PT

Số hiệu:378/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 07/08/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về