Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 338/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

BẢN ÁN 338/2022/DS-PT NGÀY 28/12/2022 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Trong các ngày 22, 28 tháng 12 năm 2022, tại Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 333/2022/TLPT-DS ngày 11 tháng 11 năm 2022 về việc tranh chấp “Chia di sản thừa kế”.Do Bản án dân sự sơ thẩm số 147/2022/DS-ST ngày 25 tháng 8 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 401/2022/QĐ-PT ngày 28 tháng 11 năm 2022, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Lê Văn S, sinh năm 1970 (có mặt); Địa chỉ: ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

- Bị đơn: Bà Lê Thị B, sinh năm 1972 (có mặt); Địa chỉ: ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Lê Quang T, sinh năm 1968 (có mặt);

2. Ông Lê Văn Th, sinh năm 1943 (có mặt);

3. Bà Lê Thị N, sinh năm 1959 (có mặt);

4. Anh Lê Quang T1, sinh năm 1993 (có mặt);

Cùng địa chỉ: ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

5. Bà Lê Thị T2, sinh năm 1956 (vắng mặt);

Đại diện hợp pháp của bà T2: Ông Nguyễn Văn T3, sinh năm 1955 - Là đại diện theo ủy quyền (Hợp đồng ủy quyền ngày 12/12/2022 - vắng mặt) Cùng địa chỉ: ấp M, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang

6. Bà Lê Thị B1, sinh năm 1957 (có mặt); Địa chỉ: ấp P, xã N, huyện T, tỉnh Long An.

7. Bà Lê Thị U, sinh năm 1978 (có mặt);

8. Chị Lê Thanh Nh, sinh năm 1991 (vắng mặt);

9. Chị Lê Thanh N1, sinh năm 1995 (vắng mặt);

10. Anh Lê Thanh N2, sinh năm 2000 (vắng mặt);

Cùng địa chỉ: số 21/08/96 L, phường A, quận T, thành phố Hồ Chí Minh.

11. Ủy ban nhân dân xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang (vắng mặt). Địa chỉ: xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

12. Phòng Công chứng S (vắng mặt);

Địa chỉ: 17/1 đường 868, phường 5, thị xã C, tỉnh Tiền Giang 13. Anh Lê Văn T4, sinh năm 1990 (vắng mặt);

14. Chị Trần Thị Tr, sinh năm 1968 (vắng mặt);

15. Anh Nguyễn Văn T5, sinh năm 1983 (có mặt); Cùng địa chỉ: ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang

- Người kháng cáo: Bị đơn bà Lê Thị B, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Lê Thị U, Lê Thị B1.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm, 

Nguyên đơn ông Lê Văn S và người đại diện hợp pháp cho ông Sự trình bày: Cha mẹ ông là Lê Quang B2 và Nguyễn Thị P có tạo lập khối tài sản chung gồm: 27.832m2 đất ruộng tại ấp M, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang và 02 phần đất vườn diện tích 2.895m2 (thửa 605 diện tích 2.230m2 và thửa 724 diện tích 665m2), tại ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang, do cụ B2 đại diện hộ đứng tên. Năm 2008, cha mẹ ông lập di chúc số 06/DC/2008 ngày 23/8/2008 tại Uỷ ban nhân dân xã H để chia đất ruộng cho các con, phần đất vườn gồm 02 thửa 605 và 724 chia cho Lê Văn T 1.000m2, phần đất vườn còn lại dùng để thờ cúng. Việc phân chia 27.832m2 đất ruộng đã thực hiện xong và không có tranh chấp. Ngày 02/12/2008, cha ông mất. Năm 2013, mẹ ông lập di chúc số 115 tại Phòng công chứng S, tỉnh Tiền Giang để lại toàn bộ tài sản của bà cho cháu nội là Lê Quang T1, có trách nhiệm phụng dưỡng và thờ cúng ông bà. Ông công nhận cả 02 bản di chúc. Theo quyết định giám đốc thẩm số 128/2016/DS-GĐT ngày 03/8/2016 của Uỷ ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hủy bản án dân sự phúc thẩm số 485/2012/DSPT ngày 16/11/2012 và bản án dân sự sơ thẩm số 110/2012/DSST ngày 07/8/2012. Theo bản di chúc của cha mẹ lập ngày 23/8/2008, sau khi cha ông mất phần tài sản là 02 thửa đất vườn chia như sau: ông Lê Quang B2 và Nguyễn Thị P mỗi người ½ tài sản. Như vậy phần tài sản của cụ B2 theo đo đạc thực tế là 1.285,6m2 trong tổng diện tích 2.571,2m2 (thửa 605 đo thực tế là 2.141,1m2 và thửa 724 đo thực tế 430,1m2). Phần tài sản của mẹ ông có di chúc cho Lê Quang T1, ông không ý kiến. Cha mẹ ông có 09 người con gồm Lê Văn Th, Lê Thị T2, Lê B1, Lê Thị N, Lê Văn T6 (chết 2006), Lê Quang T, Lê Văn S, Lê Thị B, Lê Thị U. Hiện ông đang quản lý ½ thửa 605 gồm nhà thờ, mộ và đất vườn, ông T quản lý ½ thửa đất 605. Thửa đất 724 có nhà của bà T2 và ông Th. Do trước đây bà B quản lý nhà thờ ở thửa 605 có hành vi bán tài sản trong nhà thờ nên anh em mới khởi kiện. Bà B quản lý nhà thờ khi cụ P mất đến năm 2020 bị đuổi về Hòa Khánh ở. Khi cha mẹ còn sống thì ở 01 mình. Trong di chúc 2008 ghi tên M là tên thường gọi của bà Lê Thị U, còn Lê Thị M là tên gọi ngoài của bà Lê Thị N, ông T trước là Lê Văn T sau đổi thành Lê Quang T.

Ông yêu cầu Tòa án giải quyết: Công nhận di sản của cụ Lê Quang B2 chết để lại là ½ diện tích của 02 thửa đất vườn là 1.285,6m2. Công nhận 500m2 của di chúc mà cụ B2 chết để lại cho ông T trong tổng 1.285,6m2 của cụ B2. Phần diện tích còn lại của cụ B2 là 785,6m2 sau khi trừ cho ông T, ông yêu cầu hưởng 01 kỷ phần thừa kế. Tại phiên tòa, đại diện hợp pháp của ông S trình bày, ông S không yêu cầu chia căn nhà trên mà giao cho Lê Quang T1 để thờ cúng ông bà, phần còn lại của thửa 605 sau khi trừ phần của ông T thì yêu cầu chia thừa kế làm 09 phần, ông S nhận 01 kỷ phần. Đối với thửa đất 724, ông đồng ý chia cho ông Lê Văn Th và bà Lê Thị T2.

Bị đơn, bà Lê Thị B trình bày: Thống nhất với các đương sự trong vụ án về việc bà là con của cụ P và cụ B2, cha mẹ bà có 09 người con và tài sản của cha mẹ tạo lập. Năm 2008, cha mẹ bà lập di chúc trong đó chia cho ông T 1.000m2 đất trong thửa 605 và 724, phần đất còn lại của 02 thửa đất dùng vào việc thờ cúng. Ông T đã cất 01 căn nhà và sử dụng 01 phần thửa đất 605 khoảng 600m2. Năm 2013, cụ P lập di chúc cho Lê Quang T1 hưởng toàn bộ tài sản của cụ và có trách nhiệm phụng dưỡng, thờ cúng sau khi cụ chết. Bà yêu cầu hủy di chúc ngày 23/8/2008 chia cho ông T 1.000m2 và di chúc 18/4/2013 chia cho Lê Quang T1 hưởng phần đất còn lại của cụ P, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng nhà và 02 thửa đất trên để thờ cúng ông bà, bà tự nguyện hoàn lại giá trị tương đương 01 kỷ phần cho ông Th, bà T2, bà B1 khoảng 100.000.000 đồng.

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, bà B thay đổi yêu cầu phản tố, bà yêu cầu thực hiện di chúc ngày 23/8/2008 được Uỷ ban nhân dân xã H chứng thực. Bà sẽ nhận căn nhà của cha mẹ và 02 thửa đất 605 và 724 để thờ cúng ông bà. Bà T2, ông Th, ông T phải giao trả đất đang ở lại đất cho bà. Bà không phải hoàn trả lại giá trị tương đương cho các đồng thừa kế.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông Lê Quang T trình bày: Thống nhất với lời trình bày của anh chị em về tài sản của cha mẹ. Năm 2008 cụ B2 và cụ P lập di chúc phân chia đất ruộng và đất vườn, trong đó ông được chia 1.000m2 đất vườn thuộc thửa 605. Thực tế ông được cha mẹ chia và quản lý sử dụng từ năm 1999. Ông yêu cầu thực hiện di chúc do cha mẹ lập ngày 23/8/2008 là phân chia cho ông 1.000m2 đất vườn thuộc thửa 605. Yêu cầu chia thừa kế theo qui định đối với căn nhà và phần đất còn lại của thửa 605, thửa 724. Ông nhận 01 phần đất gắn liền căn nhà ông đang ở. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông đồng ý chia cho ông Lê Văn Th và bà Lê Thị T2 thửa đất số 724, không yêu cầu chia căn nhà của cha mẹ. Đối với phần di sản là đất còn lại của thửa 605, nếu chia thừa kế theo pháp luật thì ông nhận một kỷ phần.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Lê Thị B1 trình bày: Cha mẹ bà có lập di chúc chung ngày 23/8/2008. Trong đó phân chia cho ông Lê Quang T 1.000m2 đất vườn thuộc thửa 605, thực tế phần đất này ông T đã được cha mẹ phân chia và quản lý, sử dụng từ năm 1999 đến nay. Tháng 12/2008, cụ B2 chết. Năm 2011, cụ P khởi kiện yêu cầu chia ½ căn nhà và thửa 605, 724 và yêu cầu chia thừa kế ½ tài sản cụ B2 để lại. Quyết định giám đốc thẩm số 128/2016/DS- GĐT ngày 03/8/2016 của Uỷ ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hủy bản án dân sự phúc thẩm số 485/2012/DSPT ngày 16/11/2012 và bản án dân sự sơ thẩm số 110/2012/DSST ngày 07/8/2012. Sau đó những người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng rút yêu cầu khởi kiện, ông T rút yêu cầu phản tố và Tòa án đã đình chỉ vụ án năm 2018. Trong vụ án vụ án này, bà yêu cầu hủy di chúc ngày 18/4/2013 của cụ P; yêu cầu chia thừa kế theo qui định đối với căn nhà và phần đất còn lại của thửa 605 sau khi trừ 1.000m2 mà ông T hưởng theo di chúc ngày 23/8/2008 và thửa 724, diện tích 665m2, tại ấp H, xã H. Bà yêu cầu nhận bằng hiện vật.

Quá trình giải quyết vụ án, bà B1 đồng ý với di chúc năm 2008 của cha mẹ, di chúc năm 2013 của mẹ. Phần còn lại của thửa đất 605 và căn nhà của cụ P, cụ B2, bà yêu cầu chia thừa kế và nhận 01 kỷ phần bằng hiện vật. Bà đồng ý chia cho ông Lê Văn Th và bà Lê Thị T2 thửa đất số 724.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Lê Thị T2 trình bày: Thống nhất với yêu cầu độc lập của bà Lê Thị B1. Trong vụ án vụ án bà yêu cầu hủy di chúc ngày 18/4/2013 của cụ P; yêu cầu chia thừa kế theo qui định đối với căn nhà và phần đất còn lại của thửa 605 sau khi trừ 1.000m2 mà ông T hưởng theo di chúc ngày 23/8/2008, thửa 724, diện tích 665m2, tại ấp H, xã H. Bà yêu cầu nhận bằng hiện vật.

Quá trình giải quyết vụ án, bà T2 có thay đổi yêu cầu. Theo bà T2, ngày 27/7/2014, cụ P có lập giấy cho bà 220m2, thuộc thửa 724, bà đã nhận đất sử dụng và cất 01 căn nhà kết cấu vách tường, cột xi măng, mái tole nền bê tông, sàn gỗ ngang 06m, dài 08m từ năm 2014. Bà yêu cầu các đồng thừa kế thực hiện theo giấy cho đất do cụ Nguyễn Thị P lập ngày 28/7/2014 cho bà phần đất 220m2, thuộc thửa 724, tại ấp H, xã H. Bà nhận diện tích thực tế sau khi trừ căn nhà của ông Th ra. Bà được liên hệ với cơ quan có thẩm quyền lập thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất trên. Đối với nhà gắn liền thửa đất 605 của cụ P và cụ B2, bà không yêu cầu chia thừa kế.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Lê Thị N trình bày: Bà Thống nhất với đơn khởi kiện của ông Lê Văn S. Tên Lê Thị M trong di chúc 2008 là tên của bà. Bà công nhận di chúc 2008 và 2013. Bà yêu cầu Tòa án giải quyết, công nhận di sản của cụ Lê Quang B2 chết để lại là ½ tài sản của 02 thửa đất vườn là 1.285,6m2. Công nhận 500m2 của di chúc mà cụ B2 chết để lại cho ông T trong tổng diện tích 1.285,6m2 đất của cụ B2. Phần diện tích còn lại của cụ B2 là 785,6m2 sau khi trừ cho ông T và T1, bà yêu cầu hưởng 01 kỷ phần thừa kế theo pháp luật, bà xin nhận bằng đất. Đối với căn nhà của cụ P, cụ B2 trên thửa 605 để làm nhà thờ không yêu cầu chia. Bà đồng ý chia cho bà T2 và ông Th thửa đất 724.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông Lê Văn Th trình bày: Ông thống nhất với đơn yêu cầu độc lập của bà Lê Thị B1, Lê Thị T2. Ông yêu cầu các đồng thừa kế thực hiện theo giấy cho đất do cụ Nguyễn Thị P lập ngày 28/7/2017 cho ông phần đất 200m2, thuộc thửa 724, tại ấp H, xã H. Ông được liên hệ với cơ quan có thẩm quyền lập thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần đất trên. Đối với căn nhà cụ P, cụ B2 và thửa đất 605, ông không yêu cầu chia.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, anh Lê Quang T1 và đại diện hợp pháp của anh trình bày: Anh công nhận bản di chúc năm 2008 của cụ B2 và cụ P, bản di chúc năm 2013 của cụ P. Anh yêu cầu được hưởng thừa kế theo di chúc ½ diện tích đất của cụ P đối với 02 thửa đất 605 và 724 với diện tích là 1.285m2. Trường hợp căn nhà được chia thừa kế thì anh T1 sẽ hoàn trả lại giá trị suất thừa kế cho các đồng thừa kế có yêu cầu. Tại phiên tòa, đại diện hợp pháp của anh T1 có ý kiến, anh T1 thống nhất giao thửa đất 724 cho ông Th và bà T2.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Lê Thị U trình bày: Bà là con của cụ B2 và cụ P, cha mẹ bà có 09 người con như các anh chị bà trình bày. Bà không có ý kiến gì trong vụ án này. Tên M trong di chúc 2008 là tên thường gọi của bà. Bà thống nhất di chúc năm 2008 của cha mẹ, di chúc 2013 của mẹ. Bà từ chối nhận di sản. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà công nhận cả 02 di chúc ngày 23/8/2008 và 18/4/2013, phần di sản còn lại nếu chia thì bà sẽ nhận 01 phần.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, anh Nguyễn Văn T5 trình bày: Anh là con ruột của bà Lê Thị T2. Năm 2014, mẹ anh có cất căn nhà ngang khoảng 06, dài 08m cặp kênh 28 sau đó mẹ anh để lại cho anh quản lý sử dụng. Anh không có ý kiến gì trong vụ án.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Uỷ ban nhân dân xã H trình bày:

Không có ý kiến đối với yêu cầu hủy di chúc của bà B.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Phòng công chứng S trình bày: Ngày 18/4/2013, cụ Nguyễn Thị P có lập di chúc được Công chứng viên Phòng công chứng S chứng nhận, theo đó cụ P để lại toàn bộ quyền sử dụng đất của cụ theo bản án của Tòa án tỉnh Tiền Giang cho Lê Quang T1. Việc công chứng di chúc đảm bảo quy định pháp luật. Đề nghị Tòa án công nhận di chúc.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Trần Thị Tr và anh Lê Văn T4 có đơn xin vắng mặt, không có lời trình bày.

Bản án dân sự sơ thẩm số 147/2022/DS-ST ngày 25 tháng 8 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang đã áp dụng Điều 147, 244 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 658, 663, 664, 670 Bộ luật dân sự 2005; Điều 357, 609, 611, 612, 613, 614, 616, 617, 618, 623, 645, 649, 650, 651, 652, 660 Bộ luật dân sự 2015; Điều 95, 97 Luật đất đai 2013; Nghị quyết 326/NQ - UBTVQH14 ngày 30/12/2016.

Xử:

1. Công nhận di chúc lập ngày 23/8/2008 của cụ Lê Quang B2 và Nguyễn Thị P có hiệu lực ½ đối với phần di sản của cụ B2 từ ngày 02/12/2008.

Công nhận di chúc lập ngày 18/4/2013 của cụ Nguyễn Thị P có hiệu lực từ ngày 17/7/2018.

2. Xác định di sản của cụ Lê Quang B2 gồm ½ thửa đất 605, diện tích đo đạc thực tế là 1.050,8m2 cùng ½ căn nhà, hàng rào của cụ trên đất diện tích 75,88m2, ½ thửa đất 724, diện tích đo đạc thực tế là 107,5m2.

Xác định di sản của cụ Nguyễn Thị P gồm ½ thửa đất 605, diện tích đo đạc thực tế là 1.050,8m2 cùng ½ căn nhà, hàng rào của cụ trên đất diện tích 75,88m2, ½ thửa đất 724, diện tích đo đạc thực tế là 107,5m2.

3. Chấp nhận yêu cầu của ông Lê Văn S yêu cầu công nhận ½ thửa đất 605 và căn nhà cụ B2, cụ P trên đất, thửa đất 724 là di sản của cụ B2. Đối với thửa 724 đồng ý chia cho ông Lê Văn Th và bà Lê Thị T2.

Chấp nhận 01 phần yêu cầu khởi kiện của ông S yêu cầu công nhận theo di chúc ngày 23/8/2008 của cụ B2 và cụ P ông Lê Quang T được 500m2 đất trong thửa 605, không yêu cầu chia căn nhà trên mà giao cho Lê Quang T1 để thờ cúng ông bà.

Không chấp nhận yêu cầu của ông S yêu cầu chia phần di sản còn lại của cụ B2 trong thửa 605 sau khi trừ phần của ông T.

4. Chấp nhận 01 phần yêu cầu phản tố của bà Lê Thị B yêu cầu công nhận di chúc ngày 23/8/2008 của cụ B2 và cụ P.

Không chấp nhận yêu cầu của bà B yêu cầu giữ nguyên hiện trạng thửa đất 605 và 724 và giao cho bà để làm đất hương quả.

Chia cho bà B 16.561.000 đồng (di sản của cụ B2 được chia).

5. Chấp nhận 01 phần yêu cầu khởi kiện của Lê Quang T Chia cho ông T 623,3m2 trong thửa 605 (phần đất hiện do ông quản lý sử dụng). Có sơ đồ minh họa kèm theo.

6. Chấp nhận 01 phần yêu cầu của bà Lê Thị B1.

Chia cho bà B1 16.561.000 đồng (di sản của cụ B2 được chia).

Không chấp nhận yêu cầu của bà yêu cầu chia thừa kế phần đất còn lại của cụ B2.

7. Chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Lê Thị T2, Lê Văn Th:

Chia cho ông Lê Văn Th 91,8m2 đất trong thửa 427. Vị trí số T3, T4 trên sơ đồ minh họa.

Chia cho bà Lê Thị T2 122,3m2 đất trong thửa 427. Vị trí số T1, T2 trên sơ đồ minh họa.

Ông T, Ông Th, bà T2 được quyền liên hệ cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định pháp luật đất đai.

8. Chấp nhận 01 phần yêu cầu bà Lê Thị N yêu cầu công nhận 623,3m2 đất thuộc thửa 605 (theo diện tích đo đạc thực tế) cho ông Lê Quang T. Đối thửa đất 724 đồng ý chia cho bà T2 và ông Th.

Không chấp nhận yêu cầu bà N chia thừa kế di sản của ông B2 và cụ P.

9. Chấp nhận yêu cầu độc lập của anh Lê Quang T1.

Giao cho anh Lê Quang T1 quản lý 1.050.8m2 đất là ½ di sản của cụ P và căn nhà là di sản của cụ B2 và cụ P dùng để thờ cúng.

Giao cho anh T1 quản lý 427,5m2 đất là di sản còn lại của cụ B2 dùng để thờ cúng. Tổng cộng là 1.478,3m2 trong thửa đất 605, diện tích 2.230m2 (đo đạc thực tế 2.101,6m2), tờ bản đồ MDTC4, tại ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang theo quy định của Luật đất đai. (có sơ đồ thửa đất kèm theo).

Anh T1 có trách nhiệm thờ cúng ông bà theo di chúc ngày 23/8/2008 và 18/4/2013.

Anh T1 phải giao lại cho bà Lê Thị B1, Lê Thị B mỗi người 16.561.811 đồng.

Anh T1 có quyền, nghĩa vụ quản lý di sản theo quy định tại điều 617, 618 Bộ luật dân sự 2015.

Anh T1 được quyền liên hệ cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định pháp luật đất đai.Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chậm thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 07/9/2022, bị đơn bà Lê Thị B có đơn kháng cáo, yêu cầu sửa bản án sơ thẩm số 147/2022/DS-ST ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân huyện C; Ngày 06/9/2022, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Lê Thị B1, Lê Thị U có đơn kháng cáo, yêu cầu hủy bản án sơ thẩm số 147/2022/DS-ST ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân huyện C để xét xử lại theo thủ tục chung.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn giữ nguyên yêu cầu phản tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan giữ nguyên yêu cầu độc lập. Các đương sự không thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về quan điểm giải quyết yêu cầu kháng cáo:

Tại phiên tòa, bà U có yêu cầu xem xét chia cho bà kỷ phần thừa kế theo pháp luật nhưng Bản án sơ thẩm nhận định: trong quá trình giải quyết vụ án, bà có văn bản từ chối nhận di sản, tại phiên tòa thì yêu cầu chia và trong quá trình giải quyết vụ án bà không khởi kiện nên không xem xét, con những người thừa kế thế vị của ông T6 không có yêu cầu chia nên cũng không xem xét chia trong vụ án này. Xét nhận định như trên của bản án sơ thẩm là không đúng với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Tại phiên tòa phúc thẩm, anh T1 đồng ý chia cho bà U cũng như những người thừa kế thế vị của ông T6 suất thừa kế đối với di sản là căn nhà của cụ B2, cụ P nên ghi nhận. Do các anh chị Lê Thanh Nh, Lê Thanh N1, Lê Thanh N2 vắng mặt tại phiên tòa nên tạm giao suất thừa kế của các anh chị cho anh T1 quản lý đến khi họ có yêu cầu thì giao lại. Nếu có tranh chấp sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác.

Hai di chúc của cụ B2 và cụ P là hợp pháp, di sản là đất đã được định đoạt theo di chúc nên chị U, bà B1 yêu cầu chia thừa kế đất và bà B yêu cầu được quản lý di sản, hủy di chúc ngày 18/4/2013 là không có căn cứ. Đối với thửa đất 724, các đương sự thống nhất bà T2 và ông Th cất nhà trên đất ổn định khi hai cụ B2 và P còn sống và đồng ý công nhận quyền sử dụng thửa đất này cho ông Th, bà T2 theo diện tích thực tế nên ghi nhận. Về án phí, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định anh T1 phải chịu án phí nhưng phần quyết định lại không buộc anh phải chịu án phí là trái với quy định của pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bà U, bà B; không chấp nhận kháng cáo của bà B1, sửa một phần án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện C.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Qua nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, lời trình bày của các đương sự và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Xét đơn kháng cáo do bà Lê Thị U, Lê Thị B1, Lê Thị B nộp còn trong thời hạn và hợp lệ, đúng với quy định tại Điều 271, 272, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự nên được xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp yêu cầu giải quyết: Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp “Chia di sản thừa kế”, là chính xác với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Các tranh chấp được Bộ luật dân sự điều chỉnh và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại Khoản 5 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự.

[3] Các đương sự gồm: Ủy ban nhân dân xã H, Phòng công chứng S có đơn xin vắng mặt; Các anh chị Lê Văn T4, Trần Thị Tr, Lê Thanh Nhi, Lê Thanh N1, Lê Thanh N2 vắng mặt lần thứ hai dù được triệu tập hợp lệ nên căn cứ Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử xét xử vắng mặt các đương sự.

[4] Về nội dung kháng cáo: Xét kháng cáo của bà Lê Thị U, Lê Thị B1:

Tại đơn kháng cáo ngày 06/9/2022, bà U và bà B1 kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án số 147/2022/DS-ST ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang để xét xử lại theo thủ tục chung. Hai bà cho rằng, bản án xét xử không khách quan, không phù hợp với quy định của pháp luật, vì các lý do sau: 02 phần đất vườn diện tích 2.895m2 (thửa 605 diện tích 2.230m2 và thửa 724 diện tích 665m2) tại ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang do cha bà là cụ Lê Quang B2 đại diện hộ đứng tên. Tòa án chưa làm rõ các thành viên trong hộ nhưng công nhận di chúc ngày 23/8/2008 và di chúc ngày 18/4/2013 có hiệu lực là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, ảnh hưởng tới quyền lợi của các thành viên trong hộ mà hai bà là thành viên; Tại phiên tòa sơ thẩm, bà U có yêu cầu xem xét chia cho bà kỷ phần thừa kế theo pháp luật nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại không chia di sản thừa kế là căn nhà cho bà U với nhận định bà có văn bản từ chối nhận di sản và không có đơn khởi kiện. Quyết định của bản án sơ thẩm làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của bà U cũng như những người thừa kế thế vị của ông T6.

Để xem xét kháng cáo của bà B, bà U, cần xem xét thửa đất 724, 605 là tài sản chung của hộ Lê Quang B2 hay là tài sản của vợ chồng cụ B2. Tại phiên tòa, các đương sự đều thừa nhận, nguồn gốc hai thửa đất nói trên do cha mẹ của các đương sự là cụ Lê Quang B2 và cụ Nguyễn Thị P tạo lập, các con trong gia đình không có đóng góp trong việc tạo lập, phát triển khối tài sản trên. Căn cứ vào hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bút lục 285-291) thể hiện, việc cấp quyền sử dụng đất theo Giấy chứng nhận ngày 01/12/1997 đối với hai thửa đất 724, 605 cho hộ cụ B2 trên cơ sở danh sách được Hội đồng xét duyệt của Ủy ban nhân dân xã H, huyện C thông qua ngày 03/10/1997. Vào thời điểm ngày 01/12/1997, Bộ luật dân sự 1995 đang có hiệu lực thi hành, quyền sử dụng đất được coi là tài sản của hộ gia đình được quy định tại Điều 118 như sau: “Tài sản chung của hộ gia đình gồm tài sản do các thành viên cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ. Quyền sử dụng đất hợp pháp của hộ gia đình cũng là tài sản chung của hộ”.

Như vậy, hai thửa đất 605 và 724 có nguồn gốc do vợ chồng cụ B2 tạo lập nhưng khi cấp quyền sử dụng đất, trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại ghi cấp cho hộ là không phù hợp với quy định của pháp luật vì tài sản này không do các thành viên trong hộ cùng đóng góp tạo lập nên và nguyên đơn cũng không có chứng cứ chứng minh có sự thỏa thuận của các thành viên trong hộ về việc thống nhất hai thửa đất này là tài sản chung của hộ. Trong khi đó, khi còn sống, cụ Lê Quang B2 và Nguyễn Thị P đã xác định đây là tài sản chung của hai cụ nên cùng lập di chúc ngày 23/8/2008 để định đoạt khối tài sản này. Do đó, bà U, bà B1 cho rằng việc chia thừa kế hai thửa đất 605, 724 là tài sản chung của hộ gia đình nhưng không xem xét đến phần của các thành viên trong hộ trong đó có hai bà là không có căn cứ.

Theo nội dung di chúc ngày 23/8/2008, cụ P và cụ B2 chia cho các con đất ruộng (đã được các con cụ đăng ký kê khai cấp quyền sử dụng đất) và chia cho con trai Lê Quang T 1.000m2 đất vườn (ông T chưa làm thủ tục sang tên), phần còn lại làm đất hương hỏa thờ cúng ông bà (bút lục 47- 48). Sau đó, đến ngày 18/4/2013, cụ Nguyễn Thị P đã hủy bỏ một phần di chúc liên quan đến phần tài sản của cụ trong khối tài sản chung của vợ chồng là hai thửa đất 605, 724. Theo nội dung di chúc này, cụ P để lại toàn bộ phần tài sản của cụ cho cháu là Lê Quang T1 (bút lục 326-327). Hai di chúc trên được chứng thực theo quy định. Các đương sự hoàn toàn không có chứng cứ chứng minh cụ P, cụ B2 không còn minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Như vậy, xét về nội dung và hình thức, di chúc ngày 23/8/2008 và ngày 18/4/2013 phù hợp với quy định của pháp luật theo quy định tại Điều 653, Điều 657, Điều 658, Điều 661 nên được xem là di chúc hợp pháp theo quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2005. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chia thừa kế theo di chúc đối với thửa đất 605 cho ông Lê Quang T và anh Lê Quang T1 là có căn cứ, đúng pháp luật. Do thửa đất trên đã được định đoạt theo di chúc nên bà U, bà B1 yêu cầu chia thừa kế thửa đất này là không có căn cứ.

Đối với căn nhà của cụ B2, cụ P trên thửa đất 605 không được định đoạt theo các di chúc trên nên Tòa án cấp sơ thẩm đã chia thừa kế theo pháp luật tài sản này là phù hợp với quy định tại Điều 650 Bộ luật dân sự 2015. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét chia thừa kế cho bà U di sản này với nhận định bà U có văn bản từ chối nhận di sản, tại phiên tòa thì yêu cầu chia nhưng trong quá trình giải quyết vụ án bà không khởi kiện; Những người thừa kế thế vị là con của ông T6 không có yêu cầu chia nên cũng không xem xét chia trong vụ án này. Nhận thấy, Tòa án cấp sơ thẩm không chia thừa kế theo pháp luật cho bà U đối với di sản là căn nhà là không đúng với quy định tại Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự. Mặc dù, tại Biên bản hòa giải ngày 21/3/2022 (bút lục 322) và ngày 22/7/2022 (bút lục 368), bà Lê Thị U không yêu cầu chia thừa kế, từ chối nhận di sản nhưng quá trình giải quyết vụ án, bà có quyền thay đổi yêu cầu của mình, đồng thời việc thay đổi yêu cầu này không vượt quá phạm vi khởi kiện của nguyên đơn cũng như yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu độc lập của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, bà U không cần phải làm đơn khởi kiện độc lập thì mới được xem xét chia thừa kế. Bản án sơ thẩm nhận định bà có văn bản từ chối nhận di sản là không chính xác, không phù hợp với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Tại phiên tòa, bà U có yêu cầu nhận kỷ phần thừa kế nếu chia di sản theo pháp luật nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không chia thừa kế cho bà, cũng không tạm giao suất thừa kế của bà được hưởng theo pháp luật cho người được chỉ định quản lý để bà có thể khởi kiện bằng một vụ án khác là có sai sót.

Ngoài ra, đối với suất thừa kế của những người thừa kế thế vị là các anh chị Lê Thanh Nh, Lê Thanh N1, Lê Thanh N1 (con của ông Lê Văn T6, mất năm 2006, mất trước cha mẹ là cụ B2, cụ P): Tại Đơn xin vắng mặt tại tòa (bút lục 373), các đương sự này chỉ xin vắng mặt tại phiên tòa, không có ý kiến từ chối nhận di sản thừa kế. Mặc dù, các anh chị Nh, N1, N2 không làm đơn yêu cầu chia thừa kế tại Tòa án cấp sơ thẩm, cũng không kháng cáo bản án sơ thẩm nhưng khi chia thừa kế theo pháp luật của cụ B2, cụ P, Tòa án cấp sơ thẩm không tạm giao suất thừa kế mà họ được hưởng theo pháp luật cho người được giao quản lý khối di sản để họ có thể khởi kiện bằng một vụ án khác chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Do Tòa án cấp sơ thẩm có sai sót như trên nên Tòa án cấp phúc thẩm cần chia thừa kế theo pháp luật cho bà U đối với di sản là 01 căn nhà kết cấu cột dầm bê tông, vách tường, mái ngói + tole + bê tông, nền gạch đất nung + gạch bông trị giá là 141.908.142 đồng. Đối với hàng rào lưới B40, trụ đá diện tích 54,4m2 (bút lục 347) trên thửa đất 605, trị giá 7.148.160 đồng, các bên thừa nhận do bà B xây dựng nên đây là tài sản thuộc quyền sở hữu của bà B nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chia thừa kế tài sản này là không chính xác.

Hội đồng xét xử nhận thấy, các bên đương sự thống nhất, trước khi anh T1 quản lý di sản của vợ chồng cụ B2, bà B là người có thời gian dài quản lý di sản, có công trong việc chăm sóc, bảo quản căn nhà. Do đó cần chia cho bà một phần công sức quản lý, gìn giữ di sản tương đương với một suất thừa kế theo pháp luật. Hàng thừa kế theo pháp luật của cụ B2 và cụ P gồm: Lê Văn Th; Lê Thị T2; Lê Thị B1; Lê Thị N; Lê Văn T6 (chết 2006) thừa kế thế vị là Lê Thanh N2, Lê Thanh N1, Lê Thanh Nh; Lê Quang T; Lê Văn S; Lê Thị B Lê Thị U nên di sản thừa kế của vợ chồng cụ B2 cần được chia làm 10 suất, mỗi đồng thừa kế được chia 14.190.814 đồng. Riêng bà B được chia thêm một phần công sức quản lý di sản là 14.190.814 đồng.

Do anh T1 là người được chia thừa kế theo di chúc phần lớn quyền sử dụng đất của vợ chồng cụ B2 nên Tòa án cấp sơ thẩm giao anh được quyền sở hữu căn nhà của vợ chồng cụ trên đất là phù hợp với quy định của pháp luật. Anh T1 đồng ý giao lại suất thừa kế cho các đồng thừa kế có yêu cầu nên ghi nhận. Đối với suất thừa kế thế vị mà các anh chị Lê Thanh N2, Lê Thanh N1, Lê Thanh Nh được chia là 14.190.814 đồng, giao cho anh T1 quản lý, khi nào các anh chị này có yêu cầu sẽ giao lại. Nếu không thỏa thuận được sẽ giải quyết bằng một vụ kiện khác.

Đối với hàng rào do bà B xây dựng trên phần đất chia cho anh T1 nên anh T1 có nghĩa vụ giao lại bà B giá trị tài sản này là 7.148.160 đồng, kỷ phần thừa kế bà B được chia và phần công sức quản lý di sản tương đương một suất thừa kế, tổng cộng là: 14.190.814 đồng × 2 + 7.148.160 đồng = 35.529.788 đồng.

Từ các phân tích trên, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bà Lê Thị U, không chấp nhận kháng cáo của bà Lê Thị B1.

[5] Xét kháng cáo của bà Lê Thị B:

Ngày 08/9/2022, bị đơn Lê Thị B kháng cáo cho rằng, hai thửa đất 605 và 724 là tài sản chung của hộ nên mẹ bà là cụ P định đoạt ½ khối tài sản này theo di chúc ngày 18/4/2013 là trái pháp luật. Như nhận định tại phần [4], thửa đất 605 và 724 nêu trên không phải là tài sản chung của hộ gia đình trong đó bà B là thành viên mà là tài sản chung của vợ chồng cụ B2, cụ P nên việc cụ P lập di chúc để lại phần tài sản của cụ trong khối tài sản chung của vợ chồng cho anh Lê Quang T1 là có cơ sở. Do đó, di chúc ngày 18/4/2013 là hoàn toàn hợp pháp.

Ngoài ra, bà B yêu cầu giữ nguyên hiện trạng hai thửa đất 605, 724 và giao lại toàn bộ di sản của cha mẹ cho bà quản lý, bà không đồng ý giao lại giá trị phần thừa kế cho các đồng thừa kế khác.

Hội đồng xét xử nhận thấy, phần đất thuộc thửa số 605 đã được vợ chồng cụ B2, cụ P để lại theo di chúc ngày 23/8/2008 và ngày 18/4/2013. Theo nội dung di chúc ngày 23/8/2008, ngoài chia đất ruộng (đất lúa) cho các con, cụ B2 và cụ P còn chia cho ông Lê Quang T 1000m2 đất vườn, phần còn lại để làm đất hương hỏa thờ cúng ông bà (bút lục 47 - 48). Ngày 18/4/2013, cụ P hủy một phần nội dung di chúc ngày 23/8/2008 liên quan đến phần tài sản của cụ và ngày 18/4/2013, cụ P lập di chúc để lại toàn bộ phần đất của cụ trong hai thửa đất 724, 605 (1/2 diện tích các thửa đất) cho anh Lê Quang T1 “được trọn quyền thừa hưởng”. Đồng thời, anh T1 có trách nhiệm phụng dưỡng cụ và thờ cúng ông bà (bút lục 326- 327). Xét hai di chúc nêu trên là hợp pháp nên Tòa án cấp sơ thẩm chia thừa kế theo di chúc phần đất diện tích 1478,3m2, thuộc thửa 605, giao căn nhà gắn với phần đất này cho anh Lê Quang T1, đồng thời chia thừa kế theo di chúc phần đất diện tích 623,3m2, thuộc thửa 605 cho ông Lê Quang T là có căn cứ, phù hợp với ý chí của cụ B2, cụ P khi còn sống. Do đó, bà B kháng cáo yêu cầu giao căn nhà của cụ B2, cụ P và phần đất còn lại của thửa 605 sau khi chia thừa kế theo di chúc cho ông T là không có cơ sở.

Đối với thửa đất 724, theo Phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất ngày 05/11/2020 và 20/11/2020 kèm theo Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ của Tòa án nhân dân huyện C ngày 12/6/2020 (bút lục 183-185, 341- 342), phần đất thửa 724 có diện tích thực tế 214,1m2. Theo Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ của Tòa án nhân dân huyện C ngày 12/6/2020 và ngày 20/5/2022 (bút lục 341, 342), ông Th và bà T2 cất nhà trên thửa đất 724, trong đó ông Th sử dụng 91,8m2, bà T2 sử dụng 122,3m2. Việc ông bà cất nhà trên thửa đất này được sự đồng ý của cụ P khi còn sống theo hai văn bản là Đơn xin xác nhận cất nhà ngày 07/7/2017 và Giấy cho đất ngày 07/8/2014 đều có dấu lăn tay của cụ P (bút lục 126, 201), được các đồng thừa kế thừa nhận. Như vậy, việc cụ P làm giấy cho đất ông Th, bà T2 và các đồng thừa kế của cụ B2 không có ý kiến phản đối được xem như giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất nói trên đã thực hiện trên thực tế. Bởi lẽ, ông Th, bà T2 đều cất nhà sử dụng đất ổn định trong một thời gian dài, không có tranh chấp. Như vậy, thửa đất 724 không còn là di sản thừa kế của cụ B2 và cụ P. Tại phiên tòa, anh Lê Quang T1 là người được cụ P để lại di sản là quyền sử dụng đất theo di chúc và những người thừa kế theo pháp luật của hai cụ (ngoại trừ bà B) đồng ý giao cho ông Th và bà T2 thửa đất 724 theo diện tích thực tế mà ông bà đang sử dụng nên Tòa án cấp sơ thẩm ghi nhận là có căn cứ. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của bà B buộc ông Th, bà T2 phải giao cho bà thửa đất 724 là phù hợp với quy định của pháp luật như đã nhận định trên.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm cần có những lưu ý sau: Rà soát lỗi chính tả trước khi phát hành bản án để đảm bảo tính chính xác về họ tên đương sự: Lê Thị B1 không phải Lê B1 (bút lục 390), Phòng Công chứng S không phải Văn phòng công chứng S (bút lục 406g) và thửa đất tranh chấp: thửa đất 724 không phải thửa 427 (bút lục 387); Phần quyết định của bản án xác định giá trị suất thừa kế chia cho bà B, bà B1 là di sản của cụ B2 là không chính xác, trái với phần nhận định của bản án. Đồng thời, việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Bộ luật dân sự 2005 là không đúng quy định của pháp luật theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự 2015. Mặc dù, di chúc 23/8/2008 và 18/4/2013 được xác lập vào thời điểm Bộ luật dân sự 2005 có hiệu lực nhưng các giao dịch này chưa được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với di định của Bộ luật dân sự 2015 nên cấn áp dụng Bộ luật dân sự 2015 khi giải quyết tranh chấp.

Bên cạnh đó, quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm chưa hướng dẫn đương sự xác định cụ thể các yêu cầu khởi kiện cho phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi lẽ, có đương sự có ý kiến về việc thống nhất chia thừa kế theo di chúc cho anh T1, ông T (như ông S, bà B1, bà N), Các ý kiến này không thể xem là yêu cầu khởi kiện của các đương sự này để từ đó Tòa án xem xét giải quyết và quyết định chia thừa kế cho đương sự khác (anh T1, ông T). Tòa án cấp sơ thẩm chỉ cần ghi nhận các ý kiến này trong phần nhận định của bản án. Tương tự, có một số ý kiến khác của các đương sự cũng chỉ cần nhận định trong phần nhận định của bản án, không phải tuyên trong phần quyết định để tránh lặp lại không cần thiết, như việc xác định di chúc có hiệu lực pháp luật, xác định phần tài sản của cụ P, cụ B2 trong khối tài sản chung của vợ chồng.

Từ phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy cần sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 147/2022/DS-ST ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân huyện C.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị nên có hiệu lực thi hành từ thời điểm hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[6] Ý kiến và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.

[7] Về án phí: Do kháng cáo của bà U, bà B chấp nhận một phần nên hai bà không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Bản án dân sự sơ thẩm nhận định, anh T1 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với giá trị phần di sản anh được hưởng nhưng trong phần quyết định của bản án lại không buộc anh phải chịu án phí là có sai sót vì anh T1 được chia thừa kế theo di chúc. Bà B1, bà N, bà T2, ông Th là người cao tuổi nên được miễn án phí.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 308, Điều 309, Điều 313 Bộ luật tố tụng dân sự; Căn cứ vào Khoản 5 Điều 26, điểm b Khoản 1 Điều 38, Điều 147, Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 357, 609, 611, 612, 613, 614, 616, 617, 618, 623, 645, 649, 650, 651, 652, 660 Bộ luật dân sự 2015;

Căn cứ Điều 95, 97 Luật đất đai 2013;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.

Xử: Chấp nhận một phần kháng cáo của bà Lê Thị B, Lê Thị U. Không chấp nhận kháng cáo của bà Lê Thị B1.

Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 147/2022/DS-ST ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang.

1. Không chấp nhận yêu cầu của ông Lê Văn S về việc chia thừa kế di sản của cụ Lê Quang B2 là phần đất diện tích 785,6m2, thuộc thửa 605, tại ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang, sau khi trừ đi phần di sản ông T được hưởng theo di chúc.

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Lê Thị B về yêu cầu hủy di chúc số 115 được Phòng công chứng S tỉnh Tiền Giang công chứng ngày 18/4/2013.

Không chấp nhận yêu cầu của bà B về yêu cầu giữ nguyên hiện trạng và giao căn nhà gắn liền với thửa đất 605, thửa đất 724, tại ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang, cho bà quản lý thờ cúng ông bà.

3. Không chấp nhận yêu cầu của bà Lê Thị T2, Lê Thị B1 về việc hủy di chúc số 115 được Phòng công chứng S tỉnh Tiền Giang công chứng ngày 18/4/2013.

4. Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Lê Thị B1.

Không chấp nhận yêu cầu của bà Lê Thị B1 về yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật di sản là quyền sử dụng đất của cụ B2 thuộc thửa 605, tại ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang, sau khi trừ đi phần di sản ông T được hưởng theo di chúc.

Chia thừa kế theo pháp luật cho bà B1 đối với di sản của cụ B2, cụ P là căn nhà kết cấu cột dầm bê tông, vách tường, mái ngói + tole + bê tông, nền gạch đất nung + gạch bông, trị giá 14.190.814 đồng.

5. Không chấp nhận yêu cầu của bà Lê Thị N về yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật di sản là quyền sử dụng đất của cụ B2 thuộc thửa 605, tại ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang, sau khi trừ đi phần di sản ông T, anh T1 được hưởng theo di chúc.

6. Chấp nhận yêu cầu độc lập của anh Lê Quang T1.

Chia thừa kế theo di chúc cho anh Lê Quang T1 phần đất diện tích 1.478,3m2, thuộc thửa đất 605, tờ bản đồ MDTC4, tại ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang, có vị trí như sau:

Đông giáp phần đất chia cho Lê Quang T; Tây giáp Phạm Quang S;

Nam giáp đường tỉnh 863 nhựa; Bắc giáp Nguyễn Văn M.

(có sơ đồ thửa đất kèm theo).

Anh T1 có trách nhiệm thờ cúng ông bà theo di chúc.

Giao cho anh T1 được quyền sở hữu 01 căn nhà kết cấu cột dầm bê tông, vách tường, mái ngói + tole + bê tông, nền gạch đất nung + gạch bông trên thửa đất 605, tại ấp H, xã H, huyện C, Tiền Giang, trị giá là 141.908.142 đồng.

Anh T1 có nghĩa vụ hoàn lại giá trị suất thừa kế theo pháp luật cho bà Lê Thị B1, Lê Thị U mỗi người là 14.190.814 đồng.

Giao cho anh T1 được quyền sở hữu hàng rào lưới B40, trụ đá, diện tích 54,4m2 trên thửa đất 605, trị giá 7.148.160 đồng. Anh T1 có nghĩa vụ hoàn lại giá trị suất thừa kế theo pháp luật, phần công sức bảo quản di sản và giá trị hàng rào cho bà Lê Thị B, tổng cộng là 35.529.788 đồng.

Giao cho anh T1 quản lý giá trị phần di sản của các anh chị Lê Thanh N2, Lê Thanh N1, Lê Thanh Nh được hưởng thừa kế thế vị là 14.190.814 đồng, cho đến khi các anh chị này có yêu cầu giao lại.

Thực hiện khi án có hiệu lực pháp luật.

7. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Lê Quang T Chia thừa kế theo di chúc cho ông T phần đất diện tích 623,3m2, thuộc thửa 605, tại ấp H, xã H, huyện C, Tiền Giang, vị trí như sau:

Đông giáp Nguyễn Văn L;

Tây giáp phần đất chia cho Lê Quang T1;

Nam giáp đường tỉnh 863 nhựa; Bắc giáp Nguyễn Văn M.

(có sơ đồ kèm theo).

8. Chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Lê Thị T2, Lê Văn Th:

Ông Lê Văn Th được quyền sử dụng phần đất diện tích 91,8m2, thuộc thửa 724, tại ấp H, xã H, huyện C, Tiền Giang, vị trí như sau:

Đông giáp đường tỉnh 863 nhựa;

Tây giáp phần đất chia cho Lê Thị T2; Nam giáp kênh 28;

Bắc giáp đường tỉnh 863 nhựa.

(Vị trí số T3, T4 trên sơ đồ kèm theo).

Bà Lê Thị T2 được quyền sử dụng phần đất diện tích 122,3m2, thuộc thửa 724, tại ấp H, xã H, huyện C, Tiền Giang, vị trí như sau:

Đông giáp đất chia cho Lê Văn Th; Tây giáp Phạm Thanh S;

Nam giáp kênh 28;

Bắc giáp đường tỉnh 863 nhựa.

(Vị trí số T1, T2 trên sơ đồ kèm theo).

Ông T, Ông Th, bà T2, anh T1 được quyền liên hệ cơ quan có thẩm quyền đăng ký để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo qui định pháp luật đất đai.

Các bên thực hiện khi án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án nếu bên phải thi hành án chậm thi hành số tiền thì còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo mức lãi suất qui định tại khoản 2 Điều 357 Bộ Luật dân sự tương ứng số tiền và thời gian chậm thi hành án.

9. Về án phí:

Án phí phúc thẩm: Bà Lê Thị U, Lê Thị B, Lê Thị B1 không phải chịu án phí phúc thẩm nên được hoàn lại cho bà B, bà U mỗi người là 300.000 đồng lần lượt theo các biên lai số 0010113 ngày 08/9/2022 và 0010109 ngày 07/9/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C.

Về án phí dân sự sơ thẩm:

Ông Lê Văn S phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Ông đã nộp 1.250.000 đồng tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0002904 ngày 24/12/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C nên được hoàn lại 950.000 đồng.

Bà Lê Thị B phải chịu 1.419.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Bà đã nộp 600.000 đồng tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0003228 ngày 09/3/2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C nên phải nộp tiếp 819.000 đồng.

Bà Lê Thị U phải chịu 709.500 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Ông Lê Quang T phải chịu 57.438.570 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Ông đã nộp 5.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0002981 ngày 10/01/2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C nên phải nộp tiếp 52.438.570 đồng.

Các ông bà Lê Thị B1, Lê Thị N, Lê Văn Th, Lê Thị T2 được miễn án phí dân sự sơ thẩm nên được được hoàn lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp, bà B1 được hoàn lại 1.250.000 đồng, bà N được hoàn lại 1.250.000 đồng, ông Th được hoàn lại 500.000 đồng, bà T2 được hoàn lại 1.750.000 đồng lần lượt theo các biên lai thu số 0002982 ngày 10/01/2020, 0003001 ngày 16/01/2020, 0003646 ngày 22/6/2020, 0002983 ngày 10/01/2020 và 0003188 ngày 03/3/2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C.

Anh Lê Quang T1 phải chịu 105.407.425 đồng án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp là 12.000.000 đồng theo biên lai thu số 0002905 ngày 24/12/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C nên phải nộp tiếp 93.407.425 đồng.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo các qui định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

191
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 338/2022/DS-PT

Số hiệu:338/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tiền Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 28/12/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về