Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 23/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 23/2021/DS-PT NGÀY 10/06/2021 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 10 tháng 6 năm 2021 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 54/2020/TLPT- DS ngày 12 tháng 10 năm 2020 về “Tranh chấp chia di sản thừa kế”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 10/2020/DS-ST ngày 21 tháng 7 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc bị kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 69/2020/QĐ-PT ngày 04 tháng 12 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Trần Thị Tr, sinh năm 1954;

Địa chỉ: Tổ dân phố Đ, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt. Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Lâm Quang Đ, sinh năm 1992, địa chỉ: Xóm Ch, xã Đ1, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc (theo văn bản ủy quyền ngày 11 tháng 11 năm 2019), có mặt.

2. Bị đơn: Bà Trần Thị S, sinh năm 1949;

Địa chỉ: Tổ dân phố V, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Chị Đặng Thị Q, sinh năm 1992, địa chỉ: Tổ dân phố Đ1, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc (theo văn bản ủy quyền ngày 08 tháng 7 năm 2020), có mặt.

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Trần Thị U, sinh năm 1935;

Địa chỉ: Tổ dân phố Nh, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt - có đơn xin xét xử vắng mặt.

3.2. Bà Trần Thị C, sinh năm 1942;

Địa chỉ: Tổ dân phố Th, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt - có đơn xin xét xử vắng mặt.

3.3. Bà Trần Thị D, sinh năm 1945;

Địa chỉ: Tổ dân phố Ph, phường Ng, thành phố Y, tỉnh Yên Bái, vắng mặt - có đơn xin xét xử vắng mặt.

3.4. Bà Trần Thị S1, sinh năm 1954;

Địa chỉ: Tổ dân phố V, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt - có đơn xin xét xử vắng mặt.

3.5. Bà Trần Thị B, sinh năm 1958;

Nguyên quán: Tổ dân phố V, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc (nay không rõ địa chỉ), vắng mặt.

3.6. Bà Vũ Thị G, sinh năm 1937;

Địa chỉ: Tổ dân phố Đ, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc (đã chết ngày 17/01/2021).

3.7. Anh Trần Ngọc E, sinh năm 1971;

Địa chỉ: Tổ dân phố Đ, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt - có đơn xin xét xử vắng mặt.

3.8. Anh Trần Ngọc X, sinh năm 1979;

Nơi đăng ký nhân khẩu thường trú: Tổ dân phố Đ, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc (nay không rõ địa chỉ nơi cư trú), vắng mặt.

4. Người kháng cáo: Không.

5. Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện đề ngày 09 tháng 11 năm 2019, đơn khởi kiện sửa đổi, bổ sung ngày 11 tháng 12 năm 2019 và trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Bà Trần Thị Tr là con đẻ của cụ Trần K (Cụ K, sinh năm 1912, chết ngày 05 tháng 01 năm 1996) và cụ Trần Thị Kh (Cụ Kh, sinh năm 1915, chết ngày 19 tháng 9 năm 1992). Cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh có tất cả 08 người con chung là: Ông Trần Ngọc M (Ông M, sinh năm 1933, chết ngày 19 tháng 11 năm 1992), bà Trần Thị U, Trần Thị C, Trần Thị D, Trần Thị S, Trần Thị Tr, Trần Thị S1 và bà Trần Thị B. Bố mẹ đẻ của cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh đều đã chết trước hai cụ và không có bố mẹ nuôi nào khác. Ngoài 08 người con chung, cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh không có con riêng hoặc con nuôi.

Ông Trần Ngọc M có vợ là bà Vũ Thị G và 02 người con là anh Trần Ngọc E, và anh Trần Ngọc X, ông M chết trước cụ Trần K, khi ông M chết cũng không có di chúc và không để lại di sản, tài sản gì cho cụ K.

Di sản thừa kế mà cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh để lại là thửa đất số 155, tờ bản đồ số 09 theo bản đồ 299 (theo bản đồ VN 2000 là thửa đất số 374, tờ bản đồ số 86), diện tích 128m2 tại Tổ dân phố V, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc. Thửa đất này chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích theo hiện trạng là 131,8m2.

Khi chết cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh đều không để lại di chúc, khi các cụ còn sống thì toàn bộ anh em, con cháu trong gia đình cùng lo toan, chăm sóc. Khi các cụ chết, các con cháu trong gia đình đều có trách nhiệm chung để lo tang lễ cho các cụ và đều thờ cúng chung khi giỗ, tết; nơi các cụ sinh sống là nhà bà Trần Thị S, toàn bộ phần đất này do bà S quản lý, sử dụng từ khi hai cụ chết đến nay; các công trình và tài sản trên đất đều do bà Trần Thị S tạo lập và sở hữu. Những tài sản khác của cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh hiện nay không còn gì ngoài diện tích đất trên. Các cụ cũng không có nợ chung của ai và không cho ai vay chung, không dùng tài sản thế chấp ở một tổ chức tín dụng nào khác.

Sau khi hai cụ chết, do gia đình không thống nhất được phương án phân chia di sản thừa kế của hai cụ để lại; nay bà Trần Thị Tr khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết phân chia di sản thừa kế là thửa đất số 155, tờ bản đồ số 09 theo bản đồ 299, diện tích 128m2; theo bản đồ VN 2000 diện tích là 131,8m2, thửa đất số 374, tờ bản đồ số 86, tại Tổ dân phố V, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc. Giá trị suất thừa kế mà bà Trần Thị Tr đề nghị được hưởng là 11.200.000 đồng (Mười một triệu hai trăm nghìn đồng), bà Trần Thị Tr đề nghị được hưởng bằng tiền.

Hiện nay một trong các đồng thừa kế của cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh là bà Trần Thị B không có mặt tại địa phương, không rõ đang làm ăn, cư trú ở đâu, không biết còn sống hay đã chết nên bà đề nghị giao kỷ phần được hưởng của bà B cho bà S để bà được trực tiếp quản lý, sử dụng, nếu sau này bà B về sẽ đề nghị giải quyết bằng vụ kiện khác.

Về chi phí định giá và chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ bà Trần Thị Tr xin chịu toàn bộ, không đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết.

Bị đơn là bà Trần Thị S và người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày: Về quan hệ gia đình, các thành viên trong gia đình, thời điểm các cụ chết, tài sản các cụ để lại, những người thuộc hàng thừa kế của cụ K và cụ Kh cũng như thừa kế thế vị của ông M, về những tài sản còn lại, những tài sản mới, những người vắng mặt như đại diện nguyên đơn trình bày là đúng. Bố mẹ đẻ của cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh đã chết trước hai cụ và không có bố mẹ nuôi nào khác. Ngoài 08 người con chung, cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh không có con riêng hoặc con nuôi.

Di sản thừa kế mà cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh để lại là thửa đất số 155, tờ bản đồ số 09 theo bản đồ 299 (theo bản đồ VN 2000 là thửa đất số 374, tờ bản đồ số 86), diện tích 128m2, đo hiện trạng là 131,8m2 tại Tổ dân phố V, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay, thửa đất này chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khi chết cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh đều không để lại di chúc. Sau khi cụ K và cụ Kh chết, bà S là người trực tiếp quản lý, sử dụng và sinh sống trên phần đất này.

Quá trình sử dụng bà có xây dựng một căn nhà cấp bốn và các công trình phụ trên đất; khoảng đầu năm 2019, bà Trần Thị Tr có đưa ra yêu cầu chia di sản thừa kế là thửa đất của các cụ để lại nhưng vì bà Tr đòi hỏi số tiền quá cao nên bà không đồng ý.

Nay bà Trần Thị Tr có đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế với số tiền là 11.200.000 đồng, bà có quan điểm như sau: Bà chỉ đồng ý trả cho bà Trần Thị Tr giá trị suất thừa kế bằng tiền tính theo khung giá đất của Nhà nước quy định và bà đề nghị nhận di sản thừa kế bằng đất và thanh toán tiền chênh lệch cho các đồng thừa kế khác, đối với những phần di sản chia cho các đồng thừa kế khác nếu không nhận mà cho bà thì bà cũng xin nhận.

Về công sức quản lý di sản: Bà từ bỏ các quyền lợi liên quan đến việc quản lý di sản, bà đề nghị Tòa án tiến hành phân chia di sản cho các đồng thừa kế theo đúng quy định pháp luật mà không cần tính đến công sức quản lý di sản của bà.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị U, Trần Thị C, Trần Thị D, Trần Thị S1 đều thống nhất trình bày: Về quan hệ gia đình, các thành viên trong gia đình, thời điểm các cụ chết, tài sản các cụ để lại, những người thuộc hàng thừa kế và thừa kế thế vị của ông M, về những tài sản còn lại, những tài sản mới phát sinh như đại diện nguyên đơn, bị đơn trình bày là đúng. Sau khi hai cụ chết, các chị em trong gia đình có bàn bạc về việc phân chia di sản thừa kế của hai cụ nhưng không thống nhất được phương án. Đối với yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Tr thì bản thân các bà không có ý kiến gì và đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật; đối với toàn bộ kỷ phần thừa kế mà các bà được hưởng các bà tự nguyện tặng cho bà Trần Thị S và không yêu cầu bà Trần Thị S phải thanh toán bất cứ khoản tiền nào.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Vũ Thị G trình bày: Bà là con dâu của cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh; chồng bà là ông Trần Ngọc M. Vợ chồng bà có hai người con là anh Trần Ngọc E và anh Trần Ngọc X; ông Trần Ngọc M là con cả, đồng thời là con trai duy nhất của cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh. Ngoài ra cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh còn có 7 người con là bà U, bà C, bà D, bà S, bà Tr, bà S1 và bà B. Bố mẹ đẻ của cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh đã chết trước hai cụ và không có bố mẹ nuôi nào khác. Ngoài 08 người con chung, cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh không có con riêng hoặc con nuôi.

Di sản thừa kế mà cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh để lại là thửa đất số 155, tờ bản đồ số 09 theo bản đồ 299 (theo bản đồ VN 2000 là thửa đất số 374, tờ bản đồ số 86), diện tích 128m2, hiện trạng là 131,8m2 tại Tổ dân phố V, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc. Thửa đất này chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Khi chết, cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh đều không để lại di chúc. Toàn bộ phần đất này do bà Trần Thị S quản lý, sử dụng từ khi hai cụ chết đến nay. Các công trình và tài sản trên đất đều do bà Trần Thị S tạo lập và xây dựng, kiến thiết lên.

Nay bà Trần Thị Tr khởi kiện yêu cầu chia di sản đối với thửa đất số 155, tờ bản đồ số 09 diện tích 128m2, hiện trạng là 131,8m2 tại Tổ dân phố V, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, thì bà không có ý kiến gì và đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật và nếu bà được chia theo kỷ phần của ông M thì bà xin tặng cho toàn bộ kỷ phần thừa kế của bà được hưởng trong khối di sản trên cho bà S và không yêu cầu bà S phải thanh toán bất cứ khoản tiền nào.

Hiện nay con trai bà là anh Trần Ngọc X không biết đang sinh sống, cư trú ở đâu, làm gì, còn sống hay đã chết, không liên lạc gì với bà và gia đình.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Trần Ngọc E trình bày: Anh là con đẻ của ông Trần Ngọc M và bà Vũ Thị G, về quan hệ gia đình, các thành viên trong gia đình, thời điểm các cụ chết, tài sản các cụ để lại, những người thuộc hàng thừa kế của cụ K, cụ Kh và thừa kế thế vị của ông M, những tài sản còn lại, những tài sản mới phát sinh như đại diện nguyên đơn trình bày là đúng. Bố mẹ anh còn có 01 người con nữa anh Trần Ngọc X, là em của anh xong hiện tại anh không biết anh Dũng cư trú, sinh sống, làm ăn ở đâu.

Khi chết, cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh và cả bố anh là ông Trần Ngọc M đều không để lại di chúc. Toàn bộ phần đất của cụ K, cụ Kh do bà Trần Thị S quản lý, sử dụng từ khi hai cụ chết đến nay. Các công trình và tài sản trên đất đều do bà Trần Thị S tạo lập và sở hữu.

Nay bà Trần Thị Tr khởi kiện yêu cầu chia di sản; cá nhân anh không có ý kiến gì và đề nghị Tòa án giải quyết giao toàn bộ kỷ phần thừa kế của anh được hưởng trong khối di sản trên cho bà Trần Thị S và không yêu cầu bà Trần Thị S phải thanh toán bất cứ khoản tiền nào.

Đối với anh Trần Ngọc X là em trai anh, hiện nay anh không biết ở đâu, không liên lạc gì với anh và gia đình anh, anh không biết là còn sống hay đã chết.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 10/2020/DS-ST ngày 21 tháng 7 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định:

Căn cứ các Điều 609, 611, 620, 623, 651, 652 và 660 của Bộ luật dân sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

1. Xác nhận diện tích đất 131.8m2; ở thửa đất số 155, tờ bản đồ số 09 theo bản đồ 299 (theo bản đồ VN 2000 là thửa đất số 374, tờ bản đồ số 86); tại Tổ dân phố V, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc là di sản thừa kế của cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh.

2. Chia cho bà Trần Thị S được quyền sử dụng diện tích đất 131.8m2; ở thửa đất số 155, tờ bản đồ số 09 theo bản đồ 299 (theo bản đồ VN 2000 là thửa đất số 374, tờ bản đồ số 86); tại Tổ dân phố V, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, (có sơ đồ kèm theo).

Bà Trần Thị S có quyền liên hệ cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

3. Buộc bà Trần Thị S phải thanh toán kỷ phần thừa kế cho bà Trần Thị Tr với số tiền là 47.774.600 đồng (Bốn mươi bảy triệu bảy trăm bảy tư nghìn sáu trăm đồng); Tạm giao kỷ phần thừa kế của bà Trần Thị B được hưởng là 47.774.600 đồng (Bốn mươi bảy triệu bảy trăm bảy tư nghìn sáu trăm đồng); kỷ phần anh Trần Ngọc X được hưởng là 23.887.300 đồng (Hai mươi ba triệu tám trăm tám mươi bảy nghìn ba trăm đồng) cho bà Trần Thị S quản lý. Bà Trần Thị S có trách nhiệm trả cho bà Trần Thị B, anh Trần Ngọc X số tiền trên khi bà Trần Thị B, anh Trần Ngọc X có yêu cầu.

Kể từ ngày bà Trần Thị Tr có đơn yêu cầu thi hành án, bà Trần Thị S chưa thanh toán số tiền nêu trên thì hàng tháng bà S còn phải chịu lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ tương ứng với thời gian chậm thực hiện theo quy định tại Điều 357 khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự.

4.Về án phí dân sự sơ thẩm: Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bà Trần Thị S và bà Trần Thị Tr.

Ngoài ra bản án còn tuyên thi hành án dân sự và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 05/8/2020 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện B Quyết định kháng nghị số 409/QĐKNPT-VKS-DS đề nghị sửa bản án sơ thẩm vì cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm phân chia phần di sản thừa kế không đúng, vi phạm Điều 651 Bộ luật dân sự, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự và vi phạm trong việc cho bà S miễn án phí đối với phần di sản bà S được anh E tặng cho bà.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Lâm Quang Đ và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là chị Đặng Thị Q trình bày đồng ý với nội dung kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện B, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu quan điểm:

- Về việc tuân thủ pháp luật tố tụng: Thông qua kiểm sát việc giải quyết vụ án từ khi thụ lý vụ án đến trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án, Thẩm phán và các đương sự đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về phiên tòa phúc thẩm.

- Về việc giải quyết vụ án: Viện kiểm sát đề nghị Tòa án chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện B và sửa bản án sơ thẩm theo hướng chia phần di sản ông M nhận thừa kế của cụ Kh cho hàng thừa kế thứ nhất của ông M gồm: Cụ K, bà G, anh E, anh Dũng và buộc bà S phải chịu án phí đối với phần di sản mà bà được anh E tặng cho.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng:

Quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện B trong thời hạn luật định, căn cứ vào Điều 278 và Điều 280 của Bộ luật tố tụng dân sự Hội đồng xét xử phúc thẩm xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Bà Trần Thị U, bà Trần Thị C, bà Trần Thị D, bà Trần Thị S1 và anh Trần Ngọc E có đơn xin xét xử vắng mặt nên Hội đồng xét xử vắng mặt các đương sự này.

Bà Trần Thị B và anh Trần Ngọc X đã được Tòa án cấp sơ thẩm thông báo, triệu tập, tống đạt hợp lệ và nhắn tin tìm kiếm về để tham gia tố tụng, giải quyết vụ án xong không có mặt, tự từ bỏ quyền được trình bày ý kiến quan điểm. Tại cấp phúc thẩm, Tòa án đã thông báo, triệu tập hợp lệ nhưng anh Dũng, bà B vắng mặt và không có đơn xin xét xử vắng mặt nên Hội đồng xét xử đã phải hoãn phiên tòa ngày 28 tháng 12 năm 2020; tại phiên tòa hôm nay bà B và anh Dũng vẫn vắng mặt nên Hội đồng xét xử giải quyết vắng mặt bà B, anh Dũng.

Ngày 17/01/2021, bà G chết, về nguyên tắc khi bà G chết, cấp phúc thẩm phải triệu tập những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bà G tham gia tố tụng tại cấp phúc thẩm nhưng tại cấp sơ thẩm bà G có quan điểm nếu bà được hưởng di sản thì bà cho bà S toàn bộ. Do đó cấp phúc thẩm không triệu tập người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bà G.

[2] Về nội dung vụ án:

[2.1] Về di sản thừa kế: Nguồn gốc thửa đất số 155, tờ bản đồ số 09 theo bản đồ 299 (theo bản đồ VN 2000 là thửa đất số 374, tờ bản đồ số 86), diện tích 128m2, đo hiện trạng là 131.8m2, tại Tổ dân phố V, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay bà Trần Thị S là con của cụ Trần K, cụ Trần Thị Kh đang quản lý, sử dụng; thửa đất này chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, là di sản của cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh chưa được phân chia, khi các cụ chết không để lại di chúc nên di sản thừa kế của hai cụ sẽ được chia theo pháp luật.

[2.2] Về diện và hàng thừa kế: Cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh có 08 người con là Trần Ngọc M ,Trần Thị U, Trần Thị C, Trần Thị D, Trần Thị S, Trần Thị Tr, Trần Thị S1 và Trần Thị B (tên gọi khác là Bắc), các cụ không có con riêng, con nuôi nào nên các đương sự trên là hàng thừa kế thứ nhất và được chia tài sản thừa kế theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự.

Đối với ông Trần Ngọc M, chết ngày 19 tháng 11 năm 1992, là người chết sau cụ Trần Thị Kh và chết trước cụ Trần K, ông M cũng không có di chúc để lại và có hai người con là anh Trần Ngọc E và anh Trần Ngọc X nên theo quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự anh E và anh Dũng là người thừa kế thế vị của ông Trần Ngọc M.

[2.3] Xét nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng tòa án cấp sơ thẩm phân chia phần di sản thừa kế của ông M không đúng, vi phạm Điều 651 Bộ luật dân sự, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

[2.3.1] Ông Trần Ngọc M, chết ngày 19 tháng 11 năm 1992 (chết sau cụ Trần Thị Kh và chết trước cụ Trần K), ông M có vợ là bà Vũ Thị G và hai người con là anh Trần Ngọc E và anh Trần Ngọc X. Ông M chết không để lại di chúc nên hàng thừa kế thứ nhất của ông M gồm có bốn người: cụ Trần K, bà Vũ Thị G, anh Trần Ngọc E và anh Trần Ngọc X. Khi chia phần di sản thừa kế ông M được hưởng của cụ Kh, cấp sơ thẩm chỉ chia cho anh Trần Ngọc E và anh Trần Ngọc X là sai, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cụ K là mẹ ông M và bà G là vợ ông M. Vì vậy kháng nghị của Viện kiểm sát là có căn cứ cần được chấp nhận. Do đó cấp phúc thẩm sửa lại và phân chia như sau:

- Cụ Trần Thị Kh chết ngày 19 tháng 9 năm 1992, di sản của cụ có ½ diện tích đất 65,9m2 được chia đều cho 09 suất thừa kế gồm cụ Trần K và 08 con, mỗi suất thừa kế được hưởng là 7,322m2 - Ông Trần Ngọc M chết ngày 19 tháng 11 năm 1992, nên phần di sản thừa kế của ông M được hưởng từ cụ Kh là 7,322m2 được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông gồm 04 người: cụ Trần K, bà Vũ Thị G, anh Trần Ngọc E và anh Trần Ngọc X, mỗi suất thừa kế được hưởng là 7,322m2/4 = 1,831m2.

- Cụ Trần K chết ngày 05 tháng 01 năm 1996, di sản của cụ gồm có 65,9m2 + 7,322m2 (phần di sản thừa kế của cụ K được hưởng từ cụ Kh) + 1,831m2 (phần di sản thừa kế của cụ K được hưởng từ ông M) = 75,053m2; di sản thừa kế của cụ K được chia đều cho 08 suất thừa kế (gồm 07 người con và 01 suất thừa kế thế vị của ông M do anh Trần Ngọc E và anh Trần Ngọc X hưởng), mỗi suất thừa kế được hưởng là 75,053m2/8 = 9,382m2.

[2.3.2] Do phần diện tích của mỗi suất thừa kế được hưởng là quá nhỏ (16,704m2), không đủ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử đất và không đảm bảo để sử dụng nếu chia thừa kế bằng hiện vật. Mặt khác nguyên đơn đề nghị được chia bằng tiền và bị đơn xin chia bằng đất và thanh toán giá trị đất bằng tiền cho các đương sự khác. Cấp sơ thẩm đã xem xét, cân nhắc phân chia bằng hiện vật cho bị đơn vì kể từ sau khi những người để lại di sản chết đến nay bị đơn vẫn ở trên diện tích đất này và đã kiến thiết, tạo dựng những tài sản có trên đất nên cần giao cho bị đơn được quyền sử dụng diện tích đất này và thanh toán di sản thừa kế bằng tiền cho các đồng thừa kế là phù hợp.

[2.3.3] Vì không thể chia di sản thừa kế bằng hiện vật nên di sản thừa kế được chia bằng tiền tính theo giá trị Hội đồng định giá như sau:

- Bà Trần Thị U, được chia 7,322m2 di sản của cụ Kh + 9,382m2 di sản của cụ K = 16,704m2 x 2.900.000đ/m2 = 48.441.600 đồng.

- Bà Trần Thị C, được chia 7,322m2 di sản của cụ Kh + 9,382m2 di sản của cụ K = 16,704m2 x 2.900.000đ/m2 = 48.441.600 đồng.

- Bà Trần Thị D, được chia 7,322m2 di sản của cụ Kh + 9,382m2 di sản của cụ K = 16,704m2 x 2.900.000đ/m2 = 48.441.600 đồng.

- Bà Trần Thị Sửa, được chia 7,322m2 di sản của cụ Kh + 9,382m2 di sản của cụ K = 16,704m2 x 2.900.000đ/m2 = 48.441.600 đồng.

- Bà Trần Thị Tr, được chia 7,322m2 di sản của cụ Kh + 9,382m2 di sản của cụ K = 16,704m2 x 2.900.000đ/m2 = 48.441.600 đồng.

- Bà Trần Thị S1, được chia 7,322m2 di sản của cụ Kh + 9,382m2 di sản của cụ K = 16,704m2 x 2.900.000đ/m2 = 48.441.600 đồng.

- Bà Trần Thị B (tên gọi khác là Bắc), được chia 7,322m2 di sản của cụ Kh + 9,382m2 di sản của cụ K = 16,704m2 x 2.900.000đ/m2 = 48.441.600 đồng.

- Anh Trần Ngọc E, được chia 1,831m2 (suất thừa kế của ông M) + 9,382m2/2 (suất thừa kế thế vị của ông M) = 6,522m2 x 2.900.000đ = 18.913.800 đồng.

- Anh Trần Ngọc X, được chia 1,831m2 (suất thừa kế của ông M) + 9,382m2/2 (suất thừa kế thế vị của ông M) = 6,522m2 x 2.900.000đ = 18.913.800 đồng.

- Bà Vũ Thị G, được chia 1,831m2 (suất thừa kế của ông M) x 2.900.000đ/m2 = 5.309.900 đồng.

[2.3.4] Đối với bà Trần Thị B (tức Bắc) là người được hưởng một suất thừa kế là 16,704m2 tương đương 48.441.600 đồng và anh Trần Ngọc X là người thừa kế thế vị của ông Trần Ngọc M được hưởng 6,522m2, tương đương 18.913.800 đồng. Do bà Trần Thị B và anh Trần Ngọc X không có mặt tại địa phương; căn cứ vào điểm a khoản 3 Điều 6 của Nghị quyết số 04/2017/NQ- HĐTP, ngày 05 tháng 5 năm 2017 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì phần tài sản của bà B được hưởng là 48.441.600 đồng và anh Dũng được hưởng là 18.913.800 đồng sẽ tạm giao cho bà Trần Thị S quản lý, sử dụng; nếu sau này các đương sự có yêu cầu sẽ được xem xét, giải quyết bằng vụ án khác.

[2.3.5] Đối với phần di sản được chia cho bà Trần Thị U, Trần Thị C, Trần Thị D, Trần Thị S1, bà Vũ Thị G và anh Trần Ngọc E. Các đương sự đều tự nguyện cho kỷ phần của mình cho bà Trần Thị S và không yêu cầu bà S thanh toán tiền. Xét thấy việc cho, tặng này hoàn toàn tự nguyện, không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ nào khác cấp phúc thẩm xác nhận sự tự nguyện này và giao cho bà S, quản lý, sử dụng toàn bộ di sản của bà Trần Thị U, Trần Thị C, Trần Thị D, Trần Thị S1 và anh Trần Ngọc E được hưởng và bà S không phải thanh toán tiền cho các hàng thừa kế này.

[2.3.6] Đối với phần di sản được chia cho bà Vũ Thị G, tại cấp sơ thẩm bà G không được chia thừa kế nhưng bà G có quan điểm nếu được hưởng thừa kế, bà tặng cho bà S và không yêu cầu bà S thanh toán tiền. Tại cấp phúc thẩm phát sinh tình tiết mới, ngày 17/01/2021 bà G chết, về nguyên tắc khi bà G chết, cấp phúc thẩm phải triệu tập những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bà G tham gia tố tụng tại cấp phúc thẩm nhưng tại cấp sơ thẩm bà G có quan điểm nếu bà được hưởng di sản thì bà cho bà S toàn bộ. Tòa án cấp phúc thẩm đã tiến hành lấy lời khai của anh E là con trai của bà G, anh E đồng ý phần di sản của bà G được hưởng cho bà S và không yêu cầu bà S phải thanh toán tiền. Anh E xác định mẹ anh chết nhưng anh không phải thực hiện nghĩa vụ gì của mẹ anh để lại. Xét thấy việc bà G cho, tặng bà S phần di sản được hưởng là hoàn toàn tự nguyện, không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ nào khác cấp phúc thẩm xác nhận sự tự nguyện này và giao cho bà S quản lý, sử dụng phần di sản của bà G được hưởng và bà S không phải thanh toán tiền cho bà G.

[2.3.7] Đối với phần di sản được chia cho bà Trần Thị Tr, bà Tr đề nghị được nhận bằng tiền nên cần buộc bà Trần Thị S phải thanh toán cho bà Trần Thị Tr số tiền 48.441.600 đồng.

[2.3.8] Đối với những tài sản có trên đất, công duy trì, bảo vệ phát triển trên diện tích đất chia cho bà S do các đương sự không yêu cầu giải quyết nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[2.4] Xét nội dung Viện kiểm sát kháng nghị cho rằng bản án sơ thẩm vi phạm trong việc tính án phí, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

Trong vụ án này những người được nhận thừa kế không ai từ chối nhận di sản thừa kế nhưng bà Trần Thị U, bà Trần Thị C, bà Trần Thị D, bà Trần Thị S1, bà Vũ Thị G và anh Trần Ngọc E có quan điểm toàn bộ phần di sản thừa kế được hưởng cho bà S. Do bà U, bà C, bà D, bà Tr, bà S1, bà S, bà G là người cao tuổi và thuộc trường hợp được miễn án phí nên được miễn án phí theo quy định pháp luật. Riêng phần di sản anh E được hưởng thì theo quy định pháp luật anh E phải chịu án phí đối với phần di sản anh được chia.

Tại phiên tòa phúc thẩm anh E vắng mặt nhưng tại biên bản lấy lời khai ngày 17/3/2021, anh E đề nghị bà S phải chịu phần án phí đối với phần tài sản anh được chia. Người đại diện theo ủy quyền của bà S đồng ý với quan điểm của anh E. Đây là những tình tiết mới tại cấp phúc thẩm. Vì vậy theo quy định pháp luật bà S phải chịu phần án phí tương ứng với phần di sản thừa kế mà anh E được chia tặng cho bà là 18.913.800 đồng x 5% = 945.690 đồng, làm tròn là 945.000 đồng (Chín trăm bốn mươi lăm nghìn đồng). Vì vậy kháng nghị của viện kiểm sát là có căn cứ cần được chấp nhận.

[2.5] Về chi phí tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn đã tạm nộp chi phí cho việc thu thập chứng cứ và xin tự nguyện chịu toàn bộ chi phí, không yêu cầu Tòa án giải quyết nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

[2.6] Về án phí dân sự sơ thẩm: Do các đương sự bà U, bà C, bà D, bà Tr, bà S1, bà S, bà G là người cao tuổi và thuộc trường hợp được miễn án phí nên được miễn án phí theo quy định pháp luật. Riêng phần di sản thừa kế bà S nhận của anh E, bà Trần Thị S phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là: 945.000 đồng (Chín trăm bốn mươi lăm nghìn đồng).

Về án phí dân sự phúc thẩm: các đương sự không phải chịu.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308; khoản 1 Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, xử:

1. Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện B.

2. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 10/2020/DS-ST ngày 21 tháng 7 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc 3. Căn cứ các Điều 609, 611, 620, 623, 651, 652 và 660 của Bộ luật dân sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

3.1. Xác nhận diện tích đất 131.8m2; ở thửa đất số 155, tờ bản đồ số 09 (bản đồ 299); (theo bản đồ VN 2000 có số thửa là 374, tờ bản đồ số 86); tại Tổ dân phố V, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc là di sản thừa kế của cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh.

3.2. Chia cho Bà Trần Thị U, Trần Thị C, Trần Thị D, Trần Thị S, Trần Thị Tr, Trần Thị S1, Trần Thị B (tên gọi khác là Bắc) mỗi bà được 16,704m2 đất, tương đương 48.441.600 đồng;

Anh Trần Ngọc E được chia 6,522m2, tương đương 18.913.800 đồng (Mười tám triệu chín trăm mười ba nghìn tám trăm đồng);

Anh Trần Ngọc X, được chia 6,522m2, tương đương 18.913.800 đồng (Mười tám triệu chín trăm mười ba nghìn tám trăm đồng);

Bà Vũ Thị G, được chia 1,831m2, tương đương 5.309.900 đồng (Năm triệu ba trăm lẻ chín nghìn chín trăm đồng).

3.3. Ghi nhận tự nguyện tặng cho của bà Trần Thị U, Trần Thị C, Trần Thị D, Trần Thị S1, bà Vũ Thị G và anh Trần Ngọc E đối với phần di sản cuả mỗi người được hưởng cho bà Trần Thị S.

3.4. Xác nhận bà Trần Thị S được quyền sử dụng thửa đất số 155, tờ bản đồ số 09 theo bản đồ 299 (theo bản đồ VN 2000 là thửa đất số 374, tờ bản đồ số 86), diện tích 128m2, đo hiện trạng là 131.8m2 ,tại Tổ dân phố V, thị trấn H, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, (có sơ đồ kèm theo).

Bà Trần Thị S có quyền liên hệ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

3.5. Buộc bà Trần Thị S phải thanh toán kỷ phần thừa kế cho bà Trần Thị Tr số tiền là 48.441.600 đồng (Bốn mươi tám triệu bốn trăm bốn mươi mốt nghìn sáu trăm đồng);

Kể từ ngày bà Trần Thị Tr có đơn yêu cầu thi hành án, bà Trần Thị S chưa thanh toán số tiền nêu trên thì hàng tháng bà S còn phải chịu lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ tương ứng với thời gian chậm thực hiện theo quy định tại Điều 357 khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự.

3.6. Tạm giao kỷ phần thừa kế của bà Trần Thị B được hưởng là 48.441.600 đồng (Bốn mươi tám triệu bốn trăm bốn mươi mốt nghìn sáu trăm đồng); kỷ phần anh Trần Ngọc X được hưởng là 18.913.800 đồng (Mười tám triệu chín trăm mười ba nghìn tám trăm đồng) cho bà Trần Thị S quản lý, sử dụng. Khi nào bà B, anh Dũng có yêu cầu sẽ được Tòa án xem xét, giải quyết bằng vụ án khác.

3.7. Về án phí:

Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bà Trần Thị Tr.

Bà Trần Thị S phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là: 945.000 đồng (Chín trăm bốn lăm nghìn đồng).

Án phí dân sự phúc thẩm: Các đương sự không phải chịu.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

3.8. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết kháng cáo, kháng nghị.

3.9. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1128
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 23/2021/DS-PT

Số hiệu:23/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:10/06/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về
Cụ Trần K và cụ Trần Thị Kh có 08 người con là Trần Ngọc M ,Trần Thị U, Trần Thị C, Trần Thị D, Trần Thị S, Trần Thị Tr, Trần Thị S1 và Trần Thị B. Những người con này là hàng thừa kế thứ nhất của hai cụ. Ông M chết sau cụ Trần Thị Kh và chết trước cụ Trần K, ông M cũng không có di chúc và có hai người con là anh Trần Ngọc E và anh Trần Ngọc X.

Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị, hàng thừa kế thứ nhất của ông M gồm có bốn người: cụ Trần K, bà Vũ Thị G, anh Trần Ngọc E và anh Trần Ngọc X, nên chỉ chia di sản cho anh E và anh X là sai.

Tòa án phán quyết chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát.