TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
BẢN ÁN 18/2022/DS-PT NGÀY 27/04/2022 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ
Trong ngày 27 tháng 4 năm 2022, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 02/2022/TLPT-DS ngày 13 tháng 01 năm 2022 về Tranh chấp chia di sản thừa kế.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2021/DS-ST ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện HA, tỉnh Cao Bằng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 30/2022/QĐ-PT ngày 13 tháng 4 năm 2022 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Trần Văn H - sinh năm 1958. Địa chỉ: Số nhà 248, PG, thị trấn NH, huyện HA, tỉnh Cao Bằng. Có mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của ông Trần Văn H đồng thời là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thúy L, sinh năm 1962.
Địa chỉ: Số nhà 248, PG, thị trấn NH, huyện HA, tỉnh Cao Bằng. Có mặt.
- Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Kim N - sinh năm 1962. Địa chỉ: Số nhà 236, PG, thị trấn NH, huyện HA, tỉnh Cao Bằng. Có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Trần Thị U (tức S) - sinh năm 1953. Địa chỉ: Tổ 1 (Xóm N cũ), phường DT, thành phố C, tỉnh Cao Bằng. Có mặt.
2. Bà Trần Thị D – sinh năm 1967. Địa chỉ: Tổ 14, phường N, quận L, thành phố Hà Nội. Có mặt.
3. Bà Trần Thị A - sinh năm 1963. Địa chỉ: Thôn C, xã Đ, huyện B, tỉnh H. Có mặt.
4. Bà Trần Thị O – sinh năm 1961. Địa chỉ: Số nhà 32, ngõ 26 đường H, phường M, quận C, thành phố Hà Nội. Vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của bà Trần Thị O: Ông Trần Văn H. Địa chỉ: Số nhà 248, PG, thị trấn NH, huyện HA, tỉnh Cao Bằng. Có mặt.
5. Chị Trần Thị Phương Ln – sinh năm 1988. Địa chỉ: Xóm 6 B, thị trấn NH, huyện HA, tỉnh Cao Bằng. Có mặt.
6. Chị Trần Thị Phương Lm – sinh năm 1990. Số nhà 236, PG, thị trấn NH, huyện HA, tỉnh Cao Bằng. Có mặt.
7. Bà Trần Hn B, sinh năm 1961.
8. Ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1956.
Cùng địa chỉ: PG, thị trấn NH, huyện HA, tỉnh Cao Bằng. Đều vắng mặt.
9. Ủy ban nhân dân huyện HA, tỉnh Cao Bằng Người đại diện theo pháp luật: Ông Lâm Đức X – Chủ tịch. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lý Minh S – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện HA. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
10. Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện HA.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Hoàng Anh V – Phó Giám đốc phụ trách. Vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị D, Viên chức Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện HA. Vắng mặt.
- Người làm chứng:
1. Ông Trần Trọng H, sinh năm 1961.
2. Ông Vũ Quốc T, sinh năm 1957.
3. Ông Hà Minh Tn, sinh năm 1962.
4. Ông Hoàng Văn S, sinh năm 1956.
5. Ông Lý Minh M, sinh năm 1955.
6. Ông Lã Đông N, sinh năm 1959.
7. Bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1958.
8. Ông Dương Trọng H, sinh năm 1958.
9. Ông Lưu Quốc B, sinh năm 1956.
Cùng địa chỉ: PG, thị trấn NH, huyện HA, tỉnh Cao Bằng.
10. Bà Đinh Thị L, sinh năm 1937.
11. Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1951.
Cùng địa chỉ: Phố D, thị trấn NH, huyện HA, tỉnh Cao Bằng.
12. Bà Trần Thị Th, sinh năm 1937.
13. Ông Tạ Ngọc S, sinh năm 1976.
Cùng địa chỉ: Tổ 1 (Xóm N cũ), phường D, thành phố C, tỉnh Cao Bằng. Những người làm chứng đều vắng mặt.
- Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị Kim N (Bị đơn), bà Nguyễn Thúy L (Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn), bà Trần Thị A (Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan).
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện ngày 15/11/2020, lời khai trong quá trình tố tụng và tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Cụ Trần Văn NG (chết tháng 12/2002) và cụ Lê Thị Hn (chết 11/1987) không để lại di chúc. Hai cụ có 06 người con gồm các ông, bà: Trần Thị U (tức S), sinh năm 1953; Trần Thị D, sinh năm 1955; Trần Văn H, sinh năm 1958; Trần Văn C, sinh năm 1960 (đã chết năm 2018 có vợ là bà Nguyễn Thị Kim N và 02 con là chị Trần Thị Phương Lm và Trần Thị Phương Ln); Trần Thị O, sinh năm 1961; Trần Thị A, sinh năm 1963. Ngoài ra hai cụ không có con nuôi, con riêng nào khác.
Trong thời kỳ hôn nhân cụ NG và cụ Hn đã tạo lập được khối tài sản là 626,6 m2 đất tại khu D (nay là PG thị trấn NH, huyện HA, tỉnh Cao Bằng) có chiều rộng giáp đường quốc lộ 203 là 20,16m, nguồn gốc đất do khai phá trước năm 1950. Năm 1963 hai cụ xây 01 ngôi nhà cấp IV rộng ba gian lợp ngói đắp cầu, bếp và các công trình phụ trên diện tích 221,6m2 trong tổng số 626,6m2 đất khai phá. Do nhà chật không đủ phòng ngủ cụ NG đã xây một trãi phía sau nhà chính rộng khoảng 2m, để đặt giường ngủ cho cụ Hn, phía sau nhà có căn nhà bếp.
Năm 1985, ông H lập gia đình và được cụ NG cho phép xây nhà ở riêng tại mảnh vườn bên cạnh nhà phần tiếp giáp nhà ông Lý Minh M có chiều rộng 6m. Vợ chồng ông C vẫn sống chung với cụ NG tại căn nhà của cụ NG. Năm 1992, cụ NG viết “giấy giao đất vườn” với nội dung “Cụ có 6 người con, con gái đi lấy chồng đã có cơ sở bên chồng và ở xa, nay còn mảnh vườn đất giáp nhà ông M, cụ giao cho hai con là Trần Văn H và Trần Văn C được toàn quyền sử dụng, kể cả phạm vi chưa sử dụng sau nhà và trước nhà”. Sau khi đươc cụ NG giao đất ông Trần Văn H đã viết giấy chuyển nhượng toàn bộ nhà cửa, đất đai, hoa màu cho ông Trần Văn C, có xác nhận của Ủy ban nhân dân thị trấn NH ngày 19/12/1992.
Năm 1996, vợ chồng ông C bà N chuyển nhà sang đối diện nhà cụ NG sống riêng, cụ NG vẫn sinh sống một mình tại ngôi nhà ba gian lợp ngói đắp cầu, bếp và các công trình phụ cụ xây dựng trước đó. Lúc cuối đời ông H là người chăm sóc cụ NG khi ốm đau và lo mai táng phí khi cụ chết.
Sau khi cụ NG chết, ông H quản lý, sử dụng căn nhà ba gian, bếp cụ NG để lại nên ông Trần Văn C đã khởi kiện từ năm 2006 đến 2010 yêu cầu ông Trần Văn H trả lại ngôi nhà cụ NG để lại khi mất với lý do căn nhà nằm trên diện tích đất cụ NG đã chia cho ông C năm 1992 nên thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông C. Qua các cấp xét xử Sơ thẩm, Phúc thẩm, năm 2010 Quyết định Giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân Tối cao hủy Bản án Sơ thẩm, Phúc thẩm yêu cầu Tòa án nhân dân huyện HA xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
Đến tháng 6 năm 2011 ông C rút đơn khởi kiện, căn cứ kết quả dự án đo đạc của Nhà nước, khảo sát lại toàn bộ đất đai trên toàn tỉnh Cao Bằng năm 2011, gia đình ông H xác định phần diện tích đất xây dựng căn nhà của cụ Hn và cụ NG để lại là 228m2 (Bao gồm cả phần đất chưa sử dụng phía ngoài tường rào của trường tiểu học NH) trên thửa đất 29; tờ Bản đồ số 20 do cán bộ địa chính Ủy ban nhân dân thị trấn NH đo đạc năm 2011.
Ngày 10/10/2012 hai gia đình ông Trần Văn H và Trần Văn C đã lập biên bản họp gia đình phân chia đất nhà của bố, mẹ để lại là 228m2 đất, cụ thể:
Ông Trần Văn H hưởng một phần của mảnh đất 228 m2, có tứ cận:
+ Phía Đông: Giáp tường nhà văn hóa tổ 2 PG (lấy mốc từ góc nhà ông V);
kích thước 3,90m);
+ Phía Tây: Giáp Quốc lộ 203; kích thước 4,20m;
+ Phía Nam: Giáp đất của ông Trần Văn C; kích thước 25,29m (kéo thẳng từ mốc 4,20m đến 3,90m);
+ Phía Bắc: Giáp đất của ông Khúc Ngọc V; kích thước 23,26m.
Ông Trần Văn C hưởng phần còn lại của diện tích đất 228 m2, có các vị trí tiếp giáp là:
+ Phía Đông: Giáp tường nhà văn hóa tổ 2 PG;
+ Phía Tây: Giáp Quốc lộ 203;
+ Phía Nam: Giáp đất bà Nguyễn Thị Kim N;
+ Phía Bắc: Giáp đất ông Trần Văn H.
Biên bản có xác nhận của Ủy ban nhân dân thị trấn NH, huyện HA, tỉnh Cao Bằng.
Căn cứ biên bản họp gia đình ông C và ông H thống nhất cùng hưởng phần đất nền nhà của Cụ NG để lại nên cùng ngày 10/10/2012 vợ chồng ông Trần Văn H giao số tiền 150.000.000,đ (Một trăm năm mươi triệu đồng) cho vợ chồng ông C với nội dung vì gia đình ông Trần Văn H, bà Nguyễn Thúy L sử dụng phần đất (đã ghi rõ trong biên bản họp gia đình ngày 10/10/2012) nên gia đình ông H mua lại một nửa số đất ông C được hưởng. Bà L là người trực tiếp thỏa thuận và giao dịch mua một phần đất với gia đình ông C, bà N với lý do ông C cho rằng theo Bản án Phúc thẩm số 14/2007/DS-ST ngày 22/5/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng, ông C được hưởng 5/6 kỷ phần bao gồm của các chị em gái tự nguyện cho ông, nếu vợ chồng ông H muốn sử dụng cả thửa đất 56 phải mua lại với ông C một phần, nên bà đã giao cho ông C, bà N số tiền 150.000.000,đ. Việc giao nhận tiền giữa hai bên gia đình ông H và ông C có ông Vũ Quốc T, trú tại PG thị trấn NH làm chứng.
Thời gian sau, gia đình ông H xin làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được cấp trên trả lời biên bản thỏa thuận chia di sản thừa kế phải có sự tham gia của tất cả các chị em ruột. Việc này chưa thực hiện được thì năm 2018 ông C không may qua đời đến nay đã gần 3 năm, gia đình ông H muốn giải quyết cho xong thủ tục thừa kế thì bà N (vợ ông C) không chấp nhận 221,6 m2 thuộc hai thửa đất 55, 56 trên bản đồ địa chính đo đạc năm 2011 là khối di sản do cụ NG, cụ Hn để lại và gây khó khăn cho việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Theo ông H khối di sản thừa kế có giá trị 1.000.000.000,đ (Một tỷ đồng).
Nay ông Trần Văn H khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề cụ thể như sau:
1. Chia di sản thừa kế theo pháp luật khối di sản của cụ NG, cụ Hn để lại theo quy định của pháp luật là 221,6m2 đất thuộc hai thửa đất 55, 56 tờ bản đồ số 20;
2. Ngoài kỷ phần được hưởng, ông H yêu cầu được hưởng thêm một phần di sản của cụ NG để lại vì ông H là người trông nom và lo mai táng cho cụ NG lúc cụ NG ốm đau và qua đời. Ông H yêu cầu được thanh toán chi phí mai táng cho cụ NG với số tiền 27.135.000,đ trong đó: Chi phí phục vụ đám tang 17.255.000,đ; Chi phí khâm liệm áo quan 9.880.000,đ.
Số tiền này ông yêu cầu được quy đổi bằng diện tích đất không nhận bằng tiền mặt.
3. Yêu cầu bà Nguyễn Thị Kim N giao diện tích đất ông H đã mua lại của vợ chồng ông C trong khối di sản của cụ NG để lại theo giấy giao tiền ngày 10/10/2012 hoặc bằng tiền mặt tương đương với giá đất thị trường hiện nay.
* Tại các Bản tự khai, biên bản ghi lời khai và tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn bà Nguyễn Thị Kim N trình bày:
Nhà đất và lịch sử gia đình như ông Trần Văn H trình bày là đúng. Do vợ chồng ông H, bà L có nhu cầu mua nhà (đang ở hiện nay) nhưng không đủ tiền nên ngày 03/9/1992 cụ NG giao phần đất vườn cho hai con trai là ông Trần Văn H và Trần Văn C (chồng bà N) sử dụng. Ngày 09/9/1992 ông H đã chuyển nhượng cho vợ chồng bà N toàn bộ phần đất mà ông H được hưởng (gồm nhà cửa, đất đai và hoa màu bằng giấy viết tay). Tuy nhiên, do ông H viết không rõ ràng, cụ thể, bà N yêu cầu ông H viết lại nhưng ông H nói bà N tự viết để ông H ký nên bà N đã viết lại với tiêu đề “Giấy chuyển nhượng nhà và hoa màu” phía Tây giáp mặt đường 203 có chiều rộng là 9m; phía Đông giáp bờ rào vật tư; phía Nam giáp nhà ông M với tổng diện tích 261m2 (trên đất có căn nhà do ông H xây dựng năm 1988) với giá khoảng hai cây vàng. Cả hai giấy chuyển nhượng đã được Ủy ban nhân dân thị trấn xác nhận ngày 19/12/1992, do đó toàn bộ diện tích 626,6m2 đất do cụ NG khai phá là thuộc quyền quản lý, sử dụng của vợ chồng bà N. Năm 1997 Nhà nước làm đường quốc lộ 203, gia đình ông C nhận toàn bộ tiền đền bù. Năm 2005 vợ chồng ông C, bà N đã chuyển nhượng phần đất nhận chuyển nhượng từ ông H, bà L cho bà Trần Thu B, trú tại SN 161, khu G thị trấn NH, huyện HA với chiều rộng mặt đường 4m, phần đất vườn còn lại gia đình bà N đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số BL727341 thửa đất số 30, tờ bản đồ số 20 ngày 04/11/2013. Khi ông C chết, bà N là người quản lý, sử dụng. Do đó, di sản cụ NG để lại chỉ còn diện tích xây dựng ngôi nhà của cụ NG xây dựng từ năm 1963 là 40m2 và căn bếp 14m2 nằm cùng chiều với ngôi nhà chính để chia đều cho 6 người con. Bà N yêu cầu được tính công sức quản lý, duy trì di sản thừa kế từ năm 2003 đến năm 2011, quy đổi bằng diện tích đất, không nhận tiền mặt. Căn nhà 3 gian, bếp và công trình phụ phía sau nhà của cụ NG ở lúc còn sống (đã đổ năm 2010) nằm trên cả hai thửa đất 55, 56 (trước đây là thửa đất số 29) tờ bản đồ số 20.
Đối với diện tích đất vợ chồng bà N bán cho vợ chồng ông Trần Văn H năm 2012 không có hợp đồng chuyển nhượng, chỉ có giấy giao tiền ngày 10/10/2012 với nội dung thống nhất cùng hưởng phần đất nền nhà của cụ NG để lại vì gia đình ông Trần Văn H bà Nguyễn Thúy L sử dụng nền đất số 56 nên gia đình ông H mua lại một nửa số đất phần ông C được hưởng với số tiền 150.000.000,đ (Một trăm năm mươi triệu đồng) mà không thể hiện diện tích là bao nhiêu. Vợ chồng bà N đã giao phần đất cho vợ chồng ông H quản lý, sử dụng đúng theo thỏa thuận từ năm 2012 đến nay. Việc ông H không xin được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất là do gia đình ông H muốn viết vào văn bản là diện tích đất đó được chia thừa kế nhưng gia đình bà N không đồng ý. Việc nhận tiền và giao đất giữa hai gia đình đã thực hiện xong, bà N chỉ quản lý và sử dụng thửa đất số 55 và được Ủy ban nhân dân huyện HA cấp giấy phép xây dựng số 24/GPXD ngày 1/4/2015 để xây dãy nhà trọ cấp 4 trên toàn bộ thửa đất. Nếu việc giao dịch vi phạm pháp luật bà N đề nghị HĐXX giải quyết theo pháp luật.
Về mai táng phí cho cụ NG: Bà N xác nhận vợ chồng ông H, bà L đứng ra lo mai táng phí cho cụ NG nhưng không nhất trí với mức ông H đưa ra. Bà N đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định.
Trong quá trình giải quyết vụ án, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Bà Trần Thị D, bà Trần Thị U (tức S), bà Trần Thị A trình bày: Bà D, bà U (S) và bà A nhất trí với lịch sử gia đình, nhà đất như ông H, bà N đã trình bày. Bà D nhất trí với ý kiến bị đơn đã trình bày, không có ý kiến bổ sung, đối với kỷ phần thừa kế được hưởng bà D giao cho bà N, khi có nhu cầu sử dụng bà D và bà N sẽ tự thỏa Hnận với nhau.
Bà Trần Thị U (tức S) xác nhận di sản của cụ NG để lại bao gồm diện tích đất xây dựng căn nhà, trãi, bếp và công trình phụ cụ NG đã ở một mình khi còn sống. Trước đây bà đi chợ huyện nên phiên chợ NH bà đều đến thăm cụ NG, vì vợ chồng ông C đã sống riêng từ năm 1996 ở dãy đối diện nhà cụ NG, vợ chồng ông C cũng thường xuyên đi lại động viên cụ NG. Đến khi cụ NG ốm thì chuyển xuống nhà ông H cho đến khi chết. Căn nhà của cụ NG ở trên taluy cao hơn mặt đường khoảng 2m, nhà xây cấp 4 lợp ngói đắp cầu, có một trãi nhà liền kề mái nhà phía sau. Bếp nằm ở phía bên phải căn nhà theo hướng thành phố Cao Bằng đi HQ, cửa bếp hướng về phía thành phố, trước cửa bếp có một khoảng sân để ông cụ đặt tổ ong, khoảng cách giữa bếp và trãi là 0,5m. Phía sau bếp là chuồng lợn và nhà vệ sinh.
Bà Trần Thị A xác nhận di sản của cụ NG để lại bao gồm diện tích đất xây dựng căn nhà, bếp và công trình phụ cụ NG đã ở một mình khi còn sống, trước đây các con gái đi lại thăm nom cụ NG cũng tại căn nhà này.
Bà U (S), bà D và bà A có ý kiến chia di sản thừa kế của cụ NG, cụ Hn để lại bằng m2 đất. Kỷ phần thừa kế được hưởng bà D giao cho bà N, khi có nhu cầu sử dụng bà D và bà N sẽ tự thỏa Hnận với nhau. Tại phiên tòa bà U (S), bà A tự nguyện giao kỷ phần thừa kế được hưởng cho ông H ½, ông C ½ để ông H, bà N sử dụng để chị em gái đi lại sau này không yêu cầu ông H, bà N thanh toán giá trị bằng tiền mặt.
Bà Trần Thị O trình bày: Nhà đất và lịch sử gia đình như ông Trần Văn H trình bày là đúng, di sản của cụ NG để lại không chỉ là diện tích đất xây dựng căn nhà như ý kiến của bà N mà còn có cả phần đất xây dựng bếp và công trình phụ phía sau nhà. Bà đồng ý việc chia di sản thừa kế của cụ NG để lại như quan điểm của ông H. Kỷ phần thừa kế được hưởng bà O tự nguyện giao lại cho ông H và bà N mỗi người ½ không yêu cầu ông H, bà N thanh toán giá trị bằng tiền mặt.
Chị Trần Thị Phương Ln và chị Trần thị Phương Lm trình bày: Các chị là con ruột của ông C và bà N, chị Lm, chị Ln nhất trí với ý kiến trình bày của bà N, xin nhận phần di sản của ông C được hưởng theo quy định của pháp luật.
* Tại phiên tòa người đại diện Ủy ban nhân dân huyện HA trình bày: Đối với việc xác định mục đích sử dụng đất hai thửa 55, 56 tờ bản đồ số 20, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành nhiều công văn và có nội dung mâu thuẫn nhau. Căn cứ đơn khiếu nại của ông Trần Văn H và Công văn của Tòa án nhân dân huyện HA, UBND huyện HA đã xem xét nguồn gốc sử dụng đất, đối chiếu các tài liệu, giấy tờ liên quan, xác định thửa đất số 55, 56 (tách từ thửa 29). Các thửa đất 29, 30, 31 được tách từ thửa 142, tờ bản đồ số 05 do ông cụ NG khai phá từ năm 1952, được khu phố và UBND thị trấn NH xác nhận nguồn gốc. Từ khi cụ NG còn sống cho đến nay đã có sự trao đổi, tặng cho, chuyển nhượng giữa hai con trai của cụ NG, bà N và bà B nên thửa 30 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Kim N, thửa 31 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Trần Thu B và ông Nguyễn Văn C. Tại thời điểm giao đất vườn cho hai con trai thì cụ NG, ông H, ông C đã trở thành các chủ thể sử dụng đất khác nhau, nên việc xem xét cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất của các chủ thể là hoàn toàn độc lập. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất 30, 31 tờ bản đồ số 20 đúng theo quy định của luật đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, căn cứ Điều 50, Điều 87 Luật đất đai năm 2003; Điều 103 Luật đất đai năm 2013; Điều 6 Quyết định số 987/QĐ-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2006 của UBND tỉnh Cao Bằng xác định toàn bộ hai thửa đất 55, 56 đều là đất ở tại đô thị. Bản trích lục thửa đất 55, 56 của Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện HA theo loại đất trồng cây lâu năm là chưa chính xác.
* Tại phiên tòa, đại diện Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện HA trình bày: Tại thời điểm cấp trích lục thửa đất 55, 56 tờ bản đồ số 20 thì căn nhà và các tài sản trên đất đã không còn nên Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện HA cấp theo hiện trạng. Việc cấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất thửa 30, 31 được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Văn phòng sẽ xem xét và thu hồi các trích lục cũ đã cấp và cấp trích lục mới phù hợp với ý kiến của UBND huyện HA.
* Những người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án đã cung cấp đầy đủ lời khai cho Tòa án.
Vụ án đã được hòa giải nhưng không thành.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2021/DS-ST ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện HA, tỉnh Cao Bằng đã:
Căn cứ khoản 2 Điều 101 và khoản 1 Điều 203 Luật đất đai 2013; Căn cứ các Điều 164 và 236 Bộ luật dân sự 2015;
Căn cứ khoản 9 Điều 26, Điều 35; Điều 39; Điều 91; các Điều 143; 147; 157; 158; 165; 166; khoản 1 Điều 227; khoản 2 Điều 229; Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Căn cứ điểm d Điều 12; Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức Thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc chia di sản thừa kế là 220,3m2 đất xây dựng căn nhà cấp 4 ba gian, liền bếp và công trình phụ của cụ NG tại thửa 55, 56 tờ bản đồ số 20, bản đồ địa chính Thị trấn NH năm 2019. Sau khi đã trừ đi khoản mai táng phí, công sức tôn tạo, bảo quản di sản còn lại là 212,8m2 để chia cho 6 kỷ phần = 35,47m2 /1 kỷ phần.
Nguyên đơn được hưởng 9.880.000 đồng tiền mai táng phí cho cụ NG tương đương với 2,8m2 đất và công sức tôn tạo, bảo quản di sản là 3.800.000 đồng tương đương với 1,07m2 đất. Tổng cộng diện tích đất di sản thừa kế nguyên đơn được hưởng là: 2,5/6 X 35,47 m2 = 88,68m2 + 2,78m2 +1,07m2 = 92,55 m2, tương ứng với giá trị là 325.848.200,đ (Ba trăm hai mươi năm triệu tám trăm bốn mươi tám nghìn hai trăm đồng). Giao cho ông H được sở hữu và sử dụng diện tích 92,55m2 thuộc thửa đất số 56, có tứ cận:
Phía Đông giáp đất tổ chức mặt bằng của trường tiểu học NH rộng 3,9m. Phía Tây giáp đường Hồ Chí Minh rộng 3,9m.
Phía Nam giáp thửa đất số 55 dài 24,14m.
Phía Bắc giáp đất nhà ông Khúc Ngọc V dài 23,26m.
Bị đơn được hưởng 12.000.000,đ tiền dọn dẹp mặt bằng, san gạt cùng với số tiền nộp thuế hàng năm từ 2003 đến năm 2011 là 1.030.000,đ tương đương 3,65 m2 đất. Tổng cộng bà N, chị Ln, chị Lm được hưởng phân thừa kế của ông C là 3,5/6 X 35,47 =124,1m2 + 3,65 m2 = 127,75 m2, tương ứng với giá trị 455.301.000,đ (Bốn trăm năm mươi năm triệu ba trăm linh một nghìn đồng). Giao diện tích đất 127,75 m2, trong đó 121m2 là toàn bộ thửa đất 55 cho bà Nguyễn Thị Kim N, chị Trần Thị Phương Lm và chị Trần Thị Phương Ln.
Phía Đông giáp đất tổ chức mặt bằng của trường tiểu học NH rộng 4,61m. Phía Tây giáp đường Hồ Chí Minh rộng 5,18m.
Phía Nam giáp thửa đất số 30 của nhà bà Nguyễn Thị Kim N dài 25,80m Phía Bắc giáp thửa đất số 56 dài 24,58m.
Trên thửa đất 55 có dãy nhà trọ cấp 4 của bà Nguyễn Thị Kim N xây dựng năm 2015.
Diện tích còn lại 6,7m2 nằm trên thửa 56, có diện tích mặt tiền giáp đường Hồ Chí Minh là 0,24m, phía đông giáp đất tổ chức mặt bằng của trường tiểu học NH rộng 2,05m, Phía Nam giáp thửa đất số 56 dài 24,58m, Phía Bắc giáp phần đất đã chia cho ông H dài 24,14m.
Các đương sự được quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để xác lập quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
2. Tuyên bố giao dịch chuyển nhượng 60m2 đất ở năm 2012 giữa ông C, bà N và ông H, bà L tại thửa 56, tờ bản đồ số 20 với giá 150.000.000 đồng là vô hiệu.
Buộc bà N hoàn trả cho ông H, bà L số tiền 150.000.000 đồng vì giao dịch chuyển nhượng đất vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật và 31.740.000 đồng tiền bồi thường thiệt hại chênh lệch giá đất do hợp đồng vô hiệu. Tổng cộng bà N phải trả cho ông H, bà L là 181.740.000 đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án đối với khoản tiền trên cho đến khi thi hành án xong thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.
3. Đối với chi phí đo đạc, thẩm định và chi phí tố tụng khác:
Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 3.480.000,đ đã chi buộc nguyên đơn và các đồng thừa kế phải chịu phần chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản tương ứng với kỷ phần tài sản mà họ được hưởng. Nguyên đơn phải chịu 1.450.000 đồng, bị đơn phải chịu 2.030.000 đồng. Do nguyên đơn đã tạm ứng nên bị đơn phải hoàn lại 2.030.000 đồng cho nguyên đơn.
Chi phí trưng cầu giám định: Buộc ông Trần Văn H phải chịu là 5.100.000,đ do kết quả giám định chứng minh yêu cầu của ông H là không có căn cứ.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 04/11/2021 bị đơn Nguyễn Thị Kim N có đơn kháng cáo không nhất trí với Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2021/DS-ST ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện HA, tỉnh Cao Bằng, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngày 08/11/2021, Tòa án nhân dân huyện HA nhận được đơn kháng cáo đề ngày 04/11/2021 của bà Trần Thị A người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2021/DS-ST ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện HA, tỉnh Cao Bằng yêu cầu ông H, bà N sau khi nhận ½ kỷ phần thừa kế của bà phải có trách nhiệm thanh toán giá trị bằng tiền mặt mỗi người 50% cho bà.
Ngày 09/11/2021, bà Nguyễn Thúy L đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn có đơn kháng cáo không đồng ý với Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2021/DS- ST ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện HA, tỉnh Cao Bằng, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm, gia đình bà có nguyện vọng được quản lý nguyên trạng thửa đất số 56 và trả giá trị đất bằng tiền cho những người có quyền lợi liên quan theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Kim N - bị đơn, bà Nguyễn Thúy L - đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, Trần Thị A - người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét, giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án:
Đối với kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Trần Thị U (tức S), tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự đã thỏa thuận được với nhau, thống nhất đồng ý phần di sản đất được chia của bà S và bà A giao cho ông H, bà N quản lý. Đồng thời ông H và bà N có trách nhiệm thanh toán giá trị tiền mặt cho hai bà tương ứng với diện tích đất đã nhận. Do vậy, căn cứ Điều 300 BLTTDS năm 2015, đề nghị HĐXX chấp nhận nội dung kháng cáo này của bà Trần Thị U (tức S).
Kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Nguyễn Thúy L, đối với phần công san gạt bà cho rằng bản án số 08 ngày 25/10/2012 của Tòa án nhân dân huyện HA giải quyết chưa thỏa đáng. Tuy nhiên trong quá trình giải quyết vụ án bà không có giấy tờ gì chứng minh về khoản tiền công san gạt.
Đối với các khoản chi phí này cả hai bên đương sự đều không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh. Các chi phí được cả hai bên đương sự thừa nhận nên HĐXX đã chấp nhận các khoản chi phí thực tế cả hai bên bỏ ra để tôn tạo di sản. Do đó yêu cầu kháng cáo này của bà L là không có căn cứ để chấp nhận. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tiến hành thành lập Hội đồng xem xét thẩm định tại chỗ đối với thửa đất và diện tích đất tranh chấp, trên cơ sở tuân thủ pháp luật tố tụng dân sự và trực tiếp làm việc đo đạc hiện trạng thực tế và đối khớp với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quá trình đo đạc do cơ quan chuyên môn tiến hành, đồng thời các đương sự có mặt đầy đủ để thực hiện quyền lợi của mình, các đương sự được trực tiếp chỉ mốc giới ranh giới từ đó cơ quan chuyên môn mới đo đạc và cung cấp số liệu cũng như sơ đồ cho Tòa án cũng như định giá tài sản, đó là chứng cứ quan trọng để làm căn cứ giải quyết vụ án, do đó không thể nói việc chia hiện vật không đúng hiện trạng thực tế. Căn cứ Điều 3, 97, Điều 101, Điều 104 BLTTDS năm 2015 đề nghị HĐXX bác nội dung kháng cáo này của bà Nguyễn Thúy L.
Đối với kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị Kim N, Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết vụ án một cách khách quan, tuân thủ đúng trình tự thủ tục của pháp luật tố tụng dân sự, đánh giá chứng cứ khách quan, hợp lý. Do đó kháng cáo của bà không có căn cứ để chấp nhận.
Căn cứ Điều 3, Điều 4, khoản 2 Điều 5, Điều 97, Điều 101, Điều 104, Điều 225, Điều 236, Điều 300, khoản 2 Điều 308 BLTTDS năm 2015 đề nghị HĐXX sửa một phần bản án sơ thẩm số 08 ngày 25/10/2021 của Tòa án nhân dân huyện HA, tỉnh Cao Bằng.
Sau khi xem xét đơn kháng cáo; tài liệu chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa; kết quả tranh tụng tại phiên tòa; quan điểm giải quyết vụ án của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng:
[1.1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết: Tòa án nhân dân huyện HA đã căn cứ khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a, c khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp về thừa kế tài sản”, thụ lý và giải quyết vụ án là có căn cứ, đúng thẩm quyền.
[1.2] Tại phiên tòa phúc thẩm vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị O, bà Trần Thị D và những người làm chứng, tuy nhiên trong hồ sơ đã có đầy đủ lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng, bà Trần Thị D đã có đơn xin xét xử vắng mặt, bà Trần Thị O đã ủy quyền cho ông Trần Văn H, việc vắng mặt những người này không ảnh hưởng đến phiên tòa. HĐXX tiến hành xét xử vắng mặt người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người làm chứng theo quy định tại khoản 2 Điều 228, Điều 229 của Bộ luật Tố tụng dân sự là phù hợp quy định của pháp luật.
[1.3] Về xác định thời hiệu khởi kiện: Ngày 15/11/2021 nguyên đơn khởi kiện chia di sản thừa kế, thời điểm mở thừa kế của cụ Trần Văn NG ngày 01/12/2002, thời điểm mở thừa kế của cụ Lê Thị Hn ngày 23/12/1987. Căn cứ khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 và Công văn số 01/GĐ-TBDTC ngày 05/01/2018 của TBDTC về Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, do đó, thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ Hn đã hết, thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ NG vẫn còn. Tuy nhiên, trong vụ án này thì từ năm 2006 - 2010 ông Trần Văn C – em trai ông H đã có yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của bố mẹ và vụ án bị Tòa án nhân dân Tối cao hủy nên khoảng thời gian nay được coi là trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với vụ án, bị đơn yêu cầu giải quyết theo quy định về thời hiệu khởi kiện. Đồng thời, ngày 10/10/2012 các bên đương sự đã tự hòa giải với nhau - nguyên đơn, bị đơn thống nhất phân chia di sản thừa kế của bố, mẹ để lại. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 157 Bộ luật dân sự 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án được tính bắt đầu lại kể từ ngày 11/10/2012, cấp sơ thẩm xác định thời hiệu để chia di sản thừa kế của cụ Lê Thị Hn và cụ Trần Văn NG vẫn còn nên áp dụng BLDS năm 2015 để giải quyết vụ án là phù hợp với quy định của pháp luật.
[2] Về nội dung:
[2.1] Về di sản thừa kế:
Việc cụ NG giao đất vườn cho hai con trai, căn cứ khoản 2 Điều 33 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và Điều 15 Pháp lệnh về Hợp đồng dân sự năm 1991, cấp sơ thẩm xác định việc cụ NG giao đất cho hai con trai chỉ có hiệu lực một phần, còn phần vượt quyền định đoạt của cụ NG bị vô hiệu nên cần được xem xét chia di sản cho các đồng thừa kế là có căn cứ.
Tại thời điểm chuyển nhượng 60m2 đất năm 2012 giữa ông C, bà N và ông H, bà L đất ở tại thửa 56, tờ bản đồ số 20 với giá 150.000.000 đồng thì bà N, ông C là người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản. Theo quy định tại khoản 2 Điều 635 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản có các nghĩa vụ bảo quản di sản, không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác. Căn cứ Điều 128 Bộ luật dân sự năm 2005, cấp sơ thẩm xác định việc chuyển nhượng 60m2 đất giữa vợ chồng ông C, bà N và ông H, bà L là vô hiệu do vi phạm quy định tại 2 Điều 635 Bộ luật Dân sự năm 2005. Căn cứ Điều 137 Bộ Luật dân sự năm 2005 khi giao dịch dân sự vô hiệu thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cho các bên tham gia, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Do đó, nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm là có căn cứ, hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật thì hai bên có lỗi ngang nhau nên mỗi bên phải chịu ½ thiệt hại là 31.740.000 đồng, bà N có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho ông H, bà L số tiền 31.740.000 đồng. Số tiền 31.740.000 đồng còn lại ông H, bà L phải tự chịu. Bà N phải hoàn lại ông H, bà L số tiền 150.000.000 đồng và bồi thường 31.740.000 đồng. Tổng cộng bà N phải thanh toán cho ông H, bà L là 181.740.000 đồng.
Phần tài sản của cụ NG đã chia hết cho hai con trai, phần còn lại là di sản của cụ Hn là thửa 55, 56 có diện tích 220,3m2. Do không có di chúc nên di sản thừa kế của cụ Lê Thị Hn được chia theo pháp luật theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 675 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Tại Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ và Biên bản định giá tài sản ngày 13/01/2021, Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản thừa kế của cụ Hn để lại là toàn bộ hai thửa đất 55, 56 tờ bản đồ số 20, có tổng diện tích là 220,3m2, toàn bộ là đất ODT (đất ở tại đô thị). Do vậy, di sản thừa kế có giá trị là theo Hội đồng định giá đưa ra đất ở đô thị có giá 3.564.000,đ/m2 x 220,3 m2 = 785.149.200,đ. Căn cứ Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế, căn cứ Nghị quyết số 03/2006/HĐTP-TBDTC ngày 08 tháng 7 năm 2006 của Tòa án nhân dân Tối cao, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận cho nguyên đơn được hưởng chi phí mai táng phí thực tế và hợp lý cho cụ NG là 9.880.000 đồng, công sức tôn tạo, bảo quản di sản được hưởng tương ứng với diện tích đất là 3.800.000 đồng : 3.564.000 đồng = 1,07m2; Công sức tôn tạo, bảo quả di sản mà bị đơn được hưởng tương ứng với diện tích đất là 13.003.000 đồng : 3.564.000 đồng = 3,65m2. Sau khi đã trừ đi khoản mai táng phí và công sức tôn tạo, bảo quản diện tích đất di sản thừa kế của Hn còn lại là 220,3m2 - 2,78m2 - 3,65m2 - 1,07m2 = 212,8m2. Giá trị di sản thừa kế còn lại là 785.149.200,đ - 16.803.000,đ - 9.880.000,đ = 758.466.200,đ (Bẩy trăm năm mươi tám triệu bốn trăm sáu mươi sáu nghìn hai trăm đồng).
Đối với sự chênh lệch về diện tích đất giữa những lần đo đạc: Trong quá trình sử dụng, quản lý đã có nhiều biến đổi và cách đo đạc thời kỳ trước là bằng thủ công, thời kỳ sau này bằng máy nên có sự chênh lệch về diện tích, tuy nhiên việc sai số này nằm trong giới hạn cho phép, không có sự chênh lệch quá lớn, các bên đương sự đều nhất trí với kết quả thẩm định, số liệu đo đạc ngày 13/01/2021. Bà L cho rằng cấp sơ thẩm chia hiện vật đất không đúng với hiện trạng thực tế là không có căn cứ.
[2.2] Về diện và hàng thừa kế gồm: Theo lời khai của các đương sự và căn cứ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cụ Lê Thị Hn và cụ Trần Văn NG có 06 người con đẻ gồm các ông, bà: Trần Thị U (tức S), Trần Thị D, Trần Văn H, Trần Văn C (đã chết năm 2018), Trần Thị O, Trần Thị A. Ngoài ra hai cụ không có con nuôi, con riêng nào khác. Do đó theo quy định tại Điều 651 của Bộ luật Dân sự năm 2015 hàng thừa kế thứ nhất của cụ Hn là 06 người con. Do ông C chết năm 2018 nên con ông C là chị Trần Thị Phương Lm, chị Trần Thị Phương Ln và vợ bà Nguyễn Thị Kim N là đồng thừa kế của ông C được hưởng kỷ phần thừa kế của ông C.
Bà L cho rằng tại phiên tòa sơ thẩm bà S, bà A trình bày nguyện vọng của mình là phần di sản đất được chia xin giao cho hai gia đình ông H, bà N quản lý và nhận giá trị tiền mặt từ hai gia đình chứ không phải tặng cho như trong nội dung bản án sơ thẩm đã nêu.
Tại bản tự khai ngày 10/12/2020 của bà Trần Thị U (tức S) có ý kiến nếu được hưởng di sản thừa kế thì xin nhận bằng đất và ủy quyền cho bà N nhận hộ bằng m2 đất, bà N chịu trách nhiệm chi trả cho bà U (tức S) theo thỏa thuận của hai bên. Tại biên bản hòa giải ngày 25/12/2020 ghi nhận ý kiến của bà Trần Thị U đối với phần di sản mà bà U được hưởng là để lại cho gia đình ông C, bà N và nhận một khoản tiền tương ứng với giá trị phần di sản do bà N trả. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 22/10/2021, phần thủ tục hỏi bà Trần Thị U (tức S) và bà Trần Thị U xác định có thay đổi về việc nếu được hưởng di sản thừa kế của cụ Hn, cụ NG để lại sẽ giao lại kỷ phần thừa kế được hưởng cho ông H ½, bà N ½ sử dụng để chị em gái đi lại sau này và không yêu cầu ông H, bà N thanh toán giá trị bằng tiền mặt, việc giao lại kỷ phần cho ông H, bà N là tự nguyện, không bị ai ép buộc đe dọa. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định nguyện vọng của những người được hưởng thừa kế là tặng lại di sản thừa kế nên chấp nhận nguyện vọng của bà U (S), bà O, bà A là có căn cứ.
[2.3] Về thứ tự ưu tiên thanh toán: Căn cứ Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015 Đối với công sức tôn tạo, bảo quản di sản: Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm bị đơn yêu cầu được thanh toán công sức duy trì, bảo quản di sản bằng ½ kỷ phần là công dọn dẹp, san gạt mặt bằng 12.000.000 đồng và khoản thuế đã nộp từ 2003 đến năm 2011 là 1.003.100 đồng, nguyên đơn yêu cầu công san gạt là 3.800.000 đồng, tổng là 16.803.000 đồng. Đối với các khoản chi phí này mặc dù cả hai bên đương sự đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh. Lời khai của những người làm chứng và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều khẳng định căn nhà cấp IV của ông cụ NG nằm trên taluy cao hơn mặt đường khoảng 2m nên việc san gạt, dọn dẹp di sản như hiện nay là đúng thực tế. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định các chi phí được hai bên đương sự thừa nhận nên chấp nhận các khoản chi phí thực tế cả hai bên đã bỏ ra để tôn tạo di sản: công sức tôn tạo, bảo quả di sản bà N được hưởng tương ứng với diện tích đất là 13.003.000 đồng : 3.564.000 đồng = 3,65m2; công sức tôn tạo, bảo quả di sản ông H, bà L được hưởng tương ứng với diện tích đất là 3.800.000 đồng : 3.564.000 đồng = 1,07m2 là có căn cứ.
Đối với tiền mai táng phí cho cụ NG: Nguyên đơn yêu cầu khoản mai táng phí cho ông cụ NG là 27.135.000 đồng. Trong đó, chi phí phục vụ đám tang 17.255.000 đồng, chi phí khâm liệm áo quan 9.880.000 đồng. Căn cứ Nghị quyết số 03/2006/HĐTP-TBDTC ngày 08 tháng 7 năm 2006 của Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, quy định các khoản mai táng phí được chấp nhận là các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất, không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ.... Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận cho nguyên đơn được hưởng chi phí mai táng phí thực tế và hợp lý cho cụ NG là 9.880.000,đ (Chín triệu tám trăm tám mươi nghìn đồng), còn các chi phí khác không hợp lý không được chấp nhận là phù hợp với quy định của pháp luật.
Do vậy, bà N cho rằng cấp sơ thẩm chưa thanh toán quyền lợi và nghĩa vụ trong bảo quản tôn tạo là không có căn cứ.
[2.4] Cách chia thừa kế: Tại cấp sơ thẩm, các đồng thừa kế có ý kiến giao kỷ phần thừa kế cho nguyên đơn và bị đơn nên Tòa án cấp sơ thẩm nhận định đủ điều kiệu chia bằng hiện vật, do đó xác định ông H được hưởng 2,5/6 kỷ phần, bà N, chị Lm, chị Ln được hưởng 3,5/6 kỷ phần, chia di sản của cụ Hn để lại cụ thể như sau:
Về diện tích mặt tiền: 9,32:6 = 1,55m/1 kỷ phần. Về hiện vật: 212,8m2: 6 = 35,47 m2/1 kỷ phần.
Về giá trị: 758.466.200,đ: 6 = 126.411.033,đ/1 kỷ phần.
Ông H hưởng di sản theo giá trị 126.411.033,đ X 2,5/6 + 9.880.000,đ + 3.800.000, đ = 325.848.200,đ (Ba trăm hai mươi năm triệu tám trăm bốn mươi tám nghìn hai trăm đồng).
Bà N hưởng di sản theo giá trị 126.411.033 X 3,5/6 + 16.803.000, đ = 455.301.000,đ (Bốn trăm năm mươi năm triệu ba trăm linh một nghìn đồng).
Căn cứ Điều 651, Điều 660 Bộ luật dân sự năm 2015, Tòa án cấp sơ thẩm đã chia thừa kế phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên quá trình tố tụng tại Tòa án cấp phúc thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị A, bà Trần Thị U (tức S) thay đổi ý kiến, chấm dứt việc ủy quyền tham gia tố tụng cho bị đơn Nguyễn Thị Kim N, yêu cầu được hưởng di sản bằng tiền, tại đơn xin xét xử vắng mặt của bà Trần Thị D thay đổi ý kiến tại cấp sơ thẩm yêu cầu được hưởng kỷ phần thừa kế và nhận giá trị bằng tiền mặt. Tại đơn trình bày ý kiến ngày 28/3/2022, bà Trần Thị O giữ nguyên ý kiến về việc tặng kỷ phần cho nguyên đơn, bị đơn, không yêu cầu được hưởng kỷ phần bằng tiền mặt. Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền và bị đơn, đều cùng đồng ý với ý kiến của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về việc nhận kỷ phần thừa kế được hưởng bằng tiền mặt, đồng ý thanh toán bằng tiền mặt cho họ. Xét thấy yêu cầu thay đổi của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nằm trong phạm vi khởi kiện ban đầu, việc thỏa thuận tại phiên tòa phúc thẩm của các đương sự là tự nguyện phù hợp với quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội do đó cần được chấp nhận. Theo đó, ông Trần Văn H, bà Nguyễn Thị Kim N được nhận hiện vật là phần đất theo kỷ phần những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được chia và có trách nhiệm thanh toán cho họ số tiền tương ứng với kỷ phần mà họ được hưởng.
Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử xét thấy có căn cứ chấp nhận một phần kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Nguyễn Thúy L, bà Trần Thị A. Không có căn cứ chấp nhận đối với kháng cáo của bà Nguyễn Thị Kim N.
[3] Về án phí: Do kháng cáo của bà Nguyễn Thúy L, bà Trần Thị A được chấp nhận nên không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Kháng cáo của bà Nguyễn Thị Kim N không được tòa án chấp nhận do đó bà N phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị D, Trần Thị A, Trần Thị U (tức S) phải chịu án phí tương ứng với kỷ phần được hưởng.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tại phiên tòa phù hợp với nhận định của HĐXX nên được chấp nhận.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 300; khoản 2 Điều 308; Điều 91; 143; 147; 157; 158; 165; 166; khoản 1 Điều 227 khoản 2 Điều 229; Điều 271, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Các Điều 122, 127, 128, 634, 635 của Bộ luật dân sự năm 2005.
Các Điều 164, 236, 618, 620, 651 và Điều 660 Bộ luật dân sự 2015;
Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy bB thường vụ Quốc hội quy định về mức Thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Chấp nhận một phần kháng cáo người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Nguyễn Thúy L, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Trần Thị A. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Nguyễn Thị Kim N.
Công nhận sự thỏa thuận của nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa phúc thẩm về việc bà U (tức S), bà A, bà D yêu cầu được hưởng phần thừa kế theo pháp luật như bản án cấp sơ thẩm đã chia, được hưởng bằng tiền mặt, nguyên đơn bị đơn phải thanh toán bằng tiền kỷ phần tương ứng bằng hiện vật mà họ được hưởng cho những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn bị đơn đồng ý với yêu cầu của họ.
Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2021/DS-ST ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện HA, tỉnh Cao Bằng Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc chia di sản thừa kế là 220,3m2 đất xây dựng căn nhà cấp 4 ba gian, liền bếp và công trình phụ của cụ NG tại thửa 55, 56 tờ bản đồ số 20, bản đồ địa chính Thị trấn NH năm 2019. Sau khi đã trừ đi khoản mai táng phí, công sức tôn tạo, bảo quản di sản còn lại là 212,8m2 để chia cho 6 kỷ phần = 35,47m2 /1 kỷ phần.
1.1. Nguyên đơn Trần Văn H được hưởng 9.880.000 đồng tiền mai táng phí cho cụ NG tương đương với 2,8m2 đất và công sức tôn tạo, bảo quản di sản là 3.800.000 đồng tương đương với 1,07m2 đất. Tổng cộng diện tích đất di sản thừa kế nguyên đơn được hưởng là: 2,5/6 x 35,47 m2 = 88,68m2 + 2,78m2 +1,07m2 = 92,53 m2, tương ứng với giá trị là 325.848.200,đ (Ba trăm hai mươi năm triệu tám trăm bốn mươi tám nghìn hai trăm đồng).
Giao cho ông H được sở hữu và sử dụng diện tích 92,53m2 Hnộc thửa đất số 56, địa chỉ thửa đất tại PG, thị trấn NH, huyện HA, tỉnh Cao Bằng, thửa đất có tứ cận:
- Phía Đông giáp đất tổ chức mặt bằng của trường tiểu học NH rộng 3,9m.
- Phía Tây giáp đường Hồ Chí Minh rộng 3,9m.
- Phía Nam giáp thửa đất số 55 dài 24,14m.
- Phía Bắc giáp đất nhà ông Khúc Ngọc V dài 23,26m.
Ông Trần Văn H có trách nhiệm thanh toán cho các bà Trần Thị U (tức S), và bà Trần Thị A mỗi người với số tiền là: 63.205.516,5đ, làm tròn số là 63.205.516đ (Sáu mươi ba triệu hai trăm linh năm nghìn năm trăm mười sáu đồng).
1.2. Bị đơn được hưởng 12.000.000,đ tiền dọn dẹp mặt bằng, san gạt cùng với số tiền nộp thuế hàng năm từ 2003 đến năm 2011 là 1.030.000,đ tương đương 3,65 m2 đất. Tổng cộng bà N, chị Ln, chị Lm được hưởng phân thừa kế của ông C là 3,5/6 X 35,47 =124,1m2 + 3,65 m2 = 127,75 m2, tương ứng với giá trị 455.301.000,đ (Bốn trăm năm mươi năm triệu ba trăm linh một nghìn đồng). Giao diện tích đất 127,75 m2, trong đó 121m2 là toàn bộ thửa đất 55, địa chỉ thửa đất tại PG, thị trấn NH, huyện HA, tỉnh Cao Bằng cho bà Nguyễn Thị Kim N, chị Trần Trị Phương Lm và chị Trần Thị Phương Ln, thửa đất có tứ cận tiếp giáp:
- Phía Đông giáp đất tổ chức mặt bằng của trường tiểu học NH rộng 4,61m.
- Phía Tây giáp đường Hồ Chí Minh rộng 5,18m.
- Phía Nam giáp thửa đất số 30 của nhà bà Nguyễn Thị Kim N dài 25,80m - Phía Bắc giáp thửa đất số 56 dài 24,58m.
Trên thửa đất 55 có dãy nhà trọ cấp 4 của bà Nguyễn Thị Kim N xây dựng năm 2015.
Diện tích còn lại 6,7m2 nằm trên thửa 56, có diện tích mặt tiền giáp đường Hồ Chí Minh là 0,24m, phía đông giáp đất tổ chức mặt bằng của trường tiểu học NH rộng 2,05m, Phía Nam giáp thửa đất số 56 dài 24,58m, Phía Bắc giáp phần đất đã chia cho ông H dài 24,14m.
Bà Nguyễn Thị Kim N phải thanh toán số tiền tính theo kỷ phần cho bà Trần Thị D số tiền là 126.411.033đ (Một trăm hai mươi sáu triệu bốn trăm mười một nghìn không trăm ba mươi ba đồng), thanh toán cho các bà Trần Thị A, bà Trần Thị U (tức S) mỗi người số tiền là: 63.205.516,5đ, làm tròn số là 63.205.516đ (Sáu mươi ba triệu hai trăm linh năm nghìn năm trăm mười sáu đồng).
Các đương sự được quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để xác lập quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
2. Tuyên bố giao dịch chuyển nhượng 60m2 đất ở năm 2012 giữa ông C, bà N và ông H, bà L tại thửa 56, tờ bản đồ số 20 với giá 150.000.000 đồng là vô hiệu. Buộc bà N hoàn trả cho ông H, bà L số tiền 150.000.000 đồng vì giao dịch chuyển nhượng đất vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật và 31.740.000 đồng tiền bồi thường thiệt hại chênh lệch giá đất do hợp đồng vô hiệu. Tổng cộng bà N phải trả cho ông H, bà L là 181.740.000 đồng.
3. Đối với chi phí đo đạc, thẩm định và chi phí tố tụng khác:
Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 3.480.000,đ đã chi buộc nguyên đơn và các đồng thừa kế phải chịu phần chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản tương ứng với kỷ phần tài sản mà họ được hưởng. Nguyên đơn phải chịu 1.450.000 đồng, bị đơn phải chịu 2.030.000 đồng. Do nguyên đơn đã tạm ứng nên bị đơn phải hoàn lại 2.030.000 đồng cho nguyên đơn.
Chi phí trưng cầu giám định: Buộc ông Trần Văn H phải chịu là 5.100.000,đ do kết quả giám định chứng minh yêu cầu của ông H là không có căn cứ.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án đối với khoản tiền trên cho đến khi thi hành án xong thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
4. Về án phí:
Nguyên đơn Trần Văn H là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật người cao tuổi nên được miễn án phí. Hoàn lại cho ông Trần Văn H 300.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp tại biên lai số AA/2018/0001496 ngày 24 tháng 11 năm 2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện HA, tỉnh Cao Bằng.
Bị đơn Nguyễn Thị Kim N, chị Trần Thị Phương Ln, chị Trần Thị Phương Lm phải chịu án phí có giá ngạch đối với di sản được chia là: 6.972.051đ (Sáu triệu chín trăm bảy mươi hai nghìn không trăm năm mươi một đồng) và án phí dân sự có giá ngạch cho khoản phải hoàn trả và bồi thường thiệt hại chênh lệch giá đất do hợp đồng vô hiệu cho ông H, bà L là 9.087.000đ (Chín triệu không trăm tám mươi bảy nghìn) nộp ngân sách Nhà nước.
Bị đơn Nguyễn Thị Kim N phải chịu 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm, xác nhận bà N đã nộp 300.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lai số 0003529 ngày 15/11/2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện HA, tỉnh Cao Bằng.
Bà Trần Thị D phải chịu án phí dân sự có giá ngạch tương ứng với kỷ phần được hưởng với số tiền: 6.320.511,65đ, làm tròn: 6.320.511đ (Sáu triệu ba trăm hai mươi nghìn năm trăm mười một đồng).
Bà Trần Thị A phải chịu án phí dân sự có giá ngạch tương ứng với kỷ phần được hưởng với số tiền: 6.320.511,65đ, làm tròn: 6.320.511đ (Sáu triệu ba trăm hai mươi nghìn năm trăm mười một đồng).
Bà Trần Thị U (tức S) phải chịu án phí dân sự có giá ngạch tương ứng với kỷ phần được hưởng với số tiền: 6.320.511,65đ, làm tròn: 6.320.511đ (Sáu triệu ba trăm hai mươi nghìn năm trăm mười một đồng).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị A không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, trả lại số tiền 300.000đ tạm ứng án phí phúc thẩm bà U đã nộp là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai số 0003534 ngày 25/11/2021 do Chi cục Thi hành án dân sự huyện HA, tỉnh Cao Bằng.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án./
Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 18/2022/DS-PT
Số hiệu: | 18/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cao Bằng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 27/04/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về