Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 16/2022/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUỲNH PHỤ, TỈNH THÁI BÌNH

BẢN ÁN 16/2022/DS-ST NGÀY 29/09/2022 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 29 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 14/2022/TLST-DS ngày 23 tháng 3 năm 2022 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 10/2022/QĐXXST-DS ngày 22 tháng 07 năm 2022; Quyết định hoãn phiên tòa số 09/2022/QĐHPT-ST ngày 19 tháng 8 năm 2022 và số 14A/2022/QĐHPT-ST ngày 16 tháng 9 năm 2022 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Ch, sinh năm 1964 Địa chỉ: Thôn T, xã A, huyện Q, tỉnh Thái Bình.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Anh Nguyễn Văn M, sinh năm 1987; Địa chỉ: Thôn 9x, xã C, huyện Th, Tp. Hà Nội.

2. Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Th, sinh năm 1940 Địa chỉ: Thôn V, xã A, huyện Q, tỉnh Thái Bình.

3. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

+ Bà Nguyễn Thị Gi, sinh năm 1942

+ Bà Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1962

+ Bà Nguyễn Thị Th, sinh năm 1967 Cùng địa chỉ: Thôn V, xã A, huyện Q, tỉnh Thái Bình.

+ Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1953 Địa chỉ: Thôn Đ, xã A, huyện Q, tỉnh Thái Bình.

+ Bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1957 Địa chỉ: Thôn V, xã Đ, huyện T, tỉnh Thái Bình.

+ Anh Nguyễn Thái H, sinh năm 1971 Địa chỉ: Số nhà 032x, đường Ng, tổ 3x, phường B, thành phố L, tỉnh Lào Cai.

+ Anh Nguyễn Ngọc Tr, sinh năm 1973 Địa chỉ: Số nhà 030A đường Ng, tổ 2x, phường K, thành phố L, tỉnh Lào Cai.

+ Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1975 Địa chỉ: Số nhà 12x, đường T, tổ 5x, phường K, thành phố L, tỉnh Lào Cai.

(Tại phiên tòa có mặt: Bà Ch, anh M, bà L, bà Đ, bà Th; vắng mặt ông Th, bà Gi, bà S, anh H, anh Tr, chị H đồng thời đều có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Trong đơn khởi kiện được bổ sung bằng bản tự khai, biên bản lấy lời khai và tại các phiên họp, phiên tòa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Ch và người đại diện theo ủy quyền của bà Ch là anh Nguyễn Văn M trình bày như sau:

Bố mẹ đẻ của bà Ch là cụ Nguyễn Văn L (chết năm 1996) và cụ Nguyễn Thị H (chết năm 2018). Trước khi 2 cụ chung sống với nhau. Cụ L đã có một đời vợ là cụ Nguyễn Thị M (chết khoảng năm 1950-1951). Cụ L và cụ M chung sống với nhau từ trước năm 1940. Cụ L và cụ M sinh được 02 người con là ông Nguyễn Văn Th (sinh năm 1940) và bà Nguyễn Thị Gi (sinh năm 1942). Sau khi cụ M chết, cụ L lấy cụ H vào khoảng năm 1952. Cụ H tiếp tục cùng cụ L nuôi dưỡng, chăm sóc ông Th, bà Gi coi như con đẻ.

Về phần cụ H, trước khi cụ H chung sống với cụ L, cụ H có đã có một đời chồng ở xã Q, huyện Q là cụ Nguyễn Văn T (liệt sĩ chống Pháp). Cụ T với cụ H có với nhau một người con chung là bà Nguyễn Thị B, sinh năm 1947. Sau khi cụ T hi sinh, bà B lúc đó khoảng 3 tuổi ở cùng gia đình bên nội, còn cụ H về xã A xây dựng gia đình với cụ L. Bà B trưởng thành, kết hôn với ông Nguyễn Ngọc Á có 03 người con chung gồm: anh Nguyễn Thái H, anh Nguyễn Ngọc Tr và chị Nguyễn Thị H đều ở Lào Cai (ngoài ra không còn con nuôi, con riêng nào khác). Bà B không có bố, mẹ nuôi nào, không có nghĩa vụ nuôi dưỡng ai khác. Khi còn sống bà B cùng chồng con vẫn về thăm cụ L và chị em bà Ch. Năm 1999 bà B bị bệnh chết.

Cụ L, cụ H sinh được 05 người con chung là: Nguyễn Thị L, sinh năm 1953; Nguyễn Thị S, sinh năm 1957; Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1962, Nguyễn Thị Ch, sinh năm 1964 và Nguyễn Thị Th, sinh năm 1967. Ngoài ra các cụ L, cụ M, cụ H không còn người con chung, con riêng, con nuôi nào khác. Bố mẹ của các cụ đều đã chết trước khi các cụ qua đời.

Bà Ch cho rằng cụ L và cụ H chết đi có để lại di sản là: Quyền sử dụng thửa đất số 274, tờ bản đồ số 14, tại thôn V, xã A, huyện Q, hiện chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Diện tích theo đo đạc VLAP là 259.3m2 (trong đó 200m2 đất ở, 59.3m2 đất LNK), diện tích thực tế theo kết quả đo đạc thẩm định là: 248.8m2 (trong đó có 200m2 đất ở có giá trị theo định giá là: 6.500.000đ/m2 = 1.300.000.000 đồng, 48.8m2 đất LNK có giá trị theo định giá là 45.000đ/m2 = 2.196.000 đồng). Tổng giá trị di sản theo định giá là: 1.302.196.000 đồng.

Về nguồn gốc quyền sử dụng đất thửa đất số 274 là của tổ tiên cụ L để lại. Từ khi lấy cụ M, hai cụ L và Màu đã sinh sống, sử dụng mảnh đất này. Sau khi cụ M chết, cụ L lấy cụ H và 2 cụ tiếp tục sinh sống trên thửa đất. Trên đất hiện vẫn còn nhà và công trình phụ trợ gồm bếp, sân gạch và tường bao đã xuống cấp nghiêm trọng không còn giá trị (= 0 đồng) do cụ H xây dựng từ những năm 2000 (đúng như kết quả xem xét thẩm định và định giá).

Năm 2018 cụ H chết, nhà đất không ai trực tiếp ở, 05 chị em bà Ch, L, S, Đ, Th là người giữ chìa khóa cổng và thay nhau qua lại quản lý, hương khói cho cụ L, cụ H. Các cụ L, H chết đi đều không để lại di chúc và không để lại nghĩa vụ tài chính nào.

Đầu năm 2020, các bà Ch, L, S, Đ Th đã gặp ông Th để bàn bạc việc chia di sản thừa kế của cụ L, cụ H nhưng ông Th không có ý kiến gì, con trai ông Th là Nguyễn Văn Tr không đồng ý, nói các bà không có quyền, dẫn đến anh chị em bà không thỏa thuận được việc phân chia di sản thừa kế.

Nay bà Ch khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ L, cụ H để lại đối với thửa đất nêu trên cụ thể như sau:

- Đề nghị Tòa án chia theo pháp luật đối với di sản là nhà đất tại thửa số274, tờ bản đồ số 14, tại thôn V, xã A, huyện Q. Bà Ch và các bà L, Sồi, Đũi, Thêm xin được chia phần thừa kế bằng hiện vật và xin nhận về phần đất giáp bên đất của cụ M và đất của vợ chồng anh A, chị Ch (phần không có nhà). Phần thừa kế được hưởng của các bà L, S, Đ, Th và các anh chị H, Tr, H (con bà B) nhường cho bà Ch được hưởng, bà Ch đồng ý nhận.

- Bà Ch không yêu cầu ông Th, bà Gi phải thanh toán giá trị chênh lệch tài sản trong trường hợp kỷ phần của bà được hưởng (gồm cả phần những người thừa kế khác đã nhường cho bà) có giá trị cao hơn phần hiện vật mà thực tế bà được chia.

Đối với công sức chăm sóc cụ H, cụ L lúc ốm đau, mai táng, cúng giỗ. cũng như công sức quản lý di sản bà Ch không yêu cầu trích trả vì các con đều có trách nhiệm chung.

Ngoài thửa số 274, tờ bản đồ số 14, cụ L và cụ H còn có diện tích đất ruộng cơ bản ở thôn V, xã A. Tuy nhiên bà không yêu cầu chia diện tích đất ruộng, khi cần sẽ thỏa thuận chia sau.

Bà Ch cũng không yêu cầu chia diện tích đất mà trước đây cụ L đã tách cho ông Th đứng tên hay diện tích cụ H đã cho anh Nguyễn Văn S (con trai ông Th) mà vợ chồng anh S đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà Ch công nhận phần đất đã tách cho ông Th, anh S là đất thuộc quyền sử dụng riêng của họ, không nằm trong di sản thừa kế.

- Về kết quả thẩm định, định giá tài sản: Bà Ch nhất trí, không có ý kiến khiếu nại, thắc mắc gì.

* Tại biên bản ghi lời khai và các tài liệu, chứng cứ khác, bị đơn là ông Nguyễn Văn Th thể hiện quan điểm như sau:

Về quan hệ hôn nhân, huyết thống, con chung, con riêng của các cụ L, M và H, thời điểm các cụ qua đời... thống nhất như ý kiến của bà Nguyễn Thị Ch. Ông và bà Nguyễn Thị Gi là con chung của cụ L và cụ M; còn 05 bà: L, S, Đ, Ch, Th là con chung của cụ L và cụ H; bà B là con riêng của cụ H. Khi cụ H về chung sống với cụ L, cụ H chăm sóc ông và bà Gi (lúc đó còn nhỏ) như con đẻ của cụ, lớn lên dựng vợ, gả chồng cho ông và bà Gi. Ông và bà Gi cũng coi cụ H như mẹ đẻ, quan tâm, chăm sóc nhau. Các cụ M, cụ L, cụ H chết đi không để lại di chúc.

Về nguồn gốc thửa đất số 274, tờ bản đồ số 14 mà bà Ch có yêu cầu chia thừa kế là do tổ tiên cụ L để lại. Từ khi cụ L và cụ M lấy nhau đã chung sống trên thửa đất và quản lý, sử dụng thửa đất này. Sau khi cụ M chết (khoảng năm 1951), cụ L lấy cụ H (khoảng năm 1953) và 2 cụ tiếp tục quản lý, sử dụng thửa đất. Khoảng năm 2000 cụ H làm lại nhà như hiện trạng. Năm 2018 cụ H chết không ai sửa chữa, cơi nới gì. Cụ H chết, nhà đất trên không ai trực tiếp ở nhưng người quản lý, thu hoa màu, giữ chìa khóa cổng, nhà là các bà Ch, L, S, Đ, Th.

Khi cụ L, cụ H ốm, chết cả 7 anh chị em ông gồm Th, Gi, L, S, Đ, Ch, Th đều chăm sóc, lo ma chay không có điều tiếng gì. Hàng năm ông cúng giỗ cả 3 cụ nhưng riêng cụ H ông chỉ cúng vong vì các bà con cụ H không đồng ý cho ông đưa bát hương của cụ H về nhà ông thờ cúng.

Nay bà Ch khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với khối di sản trên, quan điểm của ông Th như sau:

- Ông nhất trí đề nghị Tòa án chia di sản bằng hiện vật và chia theo quy định của pháp luật, phải phân lô, bốc số, không người thừa kế nào được chọn vị trí. Kỷ phần thừa kế mà bà Gi được hưởng nhường cho ông hưởng, ông nhất trí nhận.

- Ông Th không yêu cầu xem xét công sức chăm sóc, mai táng, cúng giỗ các cụ khi sống cũng như khi chết vì đó là nghĩa vụ, trách nhiệm của con cái với cha mẹ.

- Đối với diện tích đất trồng lúa của cụ L và cụ H hiện ông không quản lý và không yêu cầu chia.

- Đối với diện tích đất của ông và của anh S đã tách riêng không nằm trong di sản có yêu cầu chia thừa kế.

- Về kết quả thẩm định, định giá tài sản: Ông Th tuy không có mặt tại buổi thẩm định, định giá ngày 12/7/2022 nhưng có anh Nguyễn Văn Tr và anh Nguyễn Văn S (con trai ông Th) chứng kiến việc thẩm định, định giá. Đồng thời ông Th đã được thông báo kết quả thẩm định, định giá và không có ý kiến khiếu nại, thắc mắc gì.

* Tại các bản tự khai, bản tự khai bổ sung, biên bản ghi lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các bà Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị S, Nguyễn Thị Đ, Nguyễn Thị Th trình bày:

Các bà nhất trí với ý kiến trình bày và yêu cầu khởi kiện của bà Ch, đề nghị Tòa án chia theo pháp luật đối với di sản có yêu cầu chia thừa kế. Các bà xin được chia phần thừa kế bằng hiện vật và xin nhận về phần đất giáp bên cụ Mượt (phần không có nhà). Kỷ phần thừa kế được hưởng của các bà (L, S, Đ, Th), các bà đều nhất trí nhường hết cho bà Ch được hưởng và quản lý, sử dụng, không yêu cầu bà Ch phải thanh toán giá trị. Các bà cũng không yêu cầu ông Th hay bà Gi phải thanh toán tiền chênh lệch tài sản trong trường hợp kỷ phần của chị em bà (L, Sồi, Đ, Ch, Th) có giá trị cao hơn so với giá trị phần di sản thực tế các bà được chia.

Các bà thống nhất không yêu cầu xem xét công sức chăm sóc, mai táng các cụ khi sống cũng như khi chết. Đối với diện tích đất trồng lúa của cụ L và cụ H, các bà không yêu cầu chia, để tự thỏa thuận. Đối với diện tích đất của ông Th và của anh S đã tách riêng không nằm trong di sản thừa kế, không yêu cầu chia.

* Tại biên bản ghi lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là bà Nguyễn Thị Gi thể hiện:

Bà Gi thống nhất như ý kiến trình bày của ông Nguyễn Văn Th, nay bà Ch khởi kiện yêu cầu chia di sản trên, ý kiến của bà: Đề nghị Tòa án phân chia theo quy định của pháp luật. Phần di sản bà được hưởng, bà nhường cho ông Th được hưởng, không yêu cầu thanh toán giá trị.

Bà Gi không yêu cầu xem xét công sức chăm sóc, mai táng các cụ khi sống cũng như khi chết. Đối với diện tích đất trồng lúa của cụ L, cụ H bà thống nhất không yêu cầu chia, để tự thỏa thuận. Đối với diện tích đất của ông Th và của anh S đã tách riêng không nằm trong di sản thừa kế, không yêu cầu chia.

* Tại các bản tự khai gửi Tòa án, các anh Nguyễn Thái H, Nguyễn Ngọc Tr và chị Nguyễn Thị H là con của bà Nguyễn Thị B đều thống nhất trình bày:

Các anh chị đều là con đẻ của bà Nguyễn Thị B, cháu ngoại của cụ Nguyễn Thị H và cụ Nguyễn Văn T (liệt sĩ chống Pháp, hi sinh năm 1950). Sinh thời bà B không có con nuôi, con riêng, bố mẹ nuôi nào khác. Ngày 01/10/1999 bà B bị bệnh nặng qua đời, không để lại di chúc. Năm 2018 cụ H chết, các anh chị cùng bố đẻ (là ông Nguyễn Ngọc Á, chồng bà B) có về đội tang. Về nguồn gốc đất di sản có tranh chấp thừa kế các anh chị sinh sống ở xa nên không nắm được. Nay bà Nguyễn Thị Ch khởi kiện chia thừa kế trong đó có phần di sản cụ H để lại, quan điểm của các anh, chị: Nhất trí với yêu cầu khởi kiện của bà Ch. Kỷ phần thừa kế mà các anh chị được hưởng thế vị của bà B, các anh chị nhường lại cho bà Ch được hưởng.

* Các biên bản xác minh tại Uỷ ban nhân dân xã A đều có nội dung phù hợp với lời trình bày của các đương sự:

Theo Ủy ban nhân dân xã A và cơ sở thôn V, xã A thì nguồn gốc thửa đất có yêu cầu chia thừa kế là có từ thời cụ Nguyễn Văn L và cụ Bùi Thị Màu chung sống. Sau khi cụ M chết (năm 1951), cụ L lấy cụ Nguyễn Thị H. Cụ L và cụ H quản lý, sử dụng thửa đất cho đến khi qua đời. Hiện tại UBND xã chỉ còn lưu trữ sổ sách địa chính từ năm 1986 trở lại đây còn các tài liệu sổ sách địa chính thời kỳ trước không còn.

- Theo Bản đồ năm 1986, thửa đất có số thửa 280, tờ bản đồ số 03, thôn V, xã A, diện tích đất được ghi là 300m2, loại đất “thổ”, không thể hiện tên chủ sử dụng thửa đất.

- Theo bản đồ đo đạc năm 1993 và sổ giao năm 1993, thửa đất có số thửa 405, tờ bản đồ số 05, địa chỉ cũng thôn V, xã A, diện tích 280m2, trong đó đất ở là 200m2, đất lâu năm khác là 80m2, ghi tên chủ sử dụng là cụ “Lạo” - Theo Biên bản xác định hiện trạng sử dụng đất năm 1998 là thửa số 254, tờ bản đồ địa chính số 4, xã A, địa chỉ thửa đất: Khu vực V, thuộc xóm 3, diện tích đo đạc là 280m2, loại đất ở. Phần “Nội dung xác định” ghi “Chủ sử dụng đất: Nguyễn Thị H (Chồng chết).

- Theo kết quả đo đạc VLAP năm 2010 và bản cung cấp thông tin dữ liệu thửa đất trên bản đồ địa chính của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Quỳnh Phụ ghi: thửa đất số 274, tờ bản đồ địa chính số: 14, địa chỉ thửa đất: Thôn V, xã A, diện tích: 259.3m2. Trong đó đất ở nông thôn là 200m2 và đất lâu năm khác là 59.3m2. Tên chủ sử dụng là “Nguyễn Thị H”.

- Theo kết quả thẩm định tại chỗ ngày 12/7/2022 do công ty TNHH tài nguyên và môi trường Thái Bình đo đạc theo Quyết định xem xét và thẩm định tại chỗ số 11/2022/QĐST-DS ngày 30/6/2022 của Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Phụ thì thửa đất số 274, tờ bản đồ địa chính số: 14, địa chỉ thửa đất: Thôn V, xã A, diện tích:

248.8m2 tức là giảm 10.5 m2 so với kết quả đo đạc VLAP.

Về số liệu diện tích đất có sự thay đổi qua các lần đo đạc ngoài lý do: do sai số trong đo đạc và do trước đây cụ H có cho gia đình anh S khoảng 09 m2, thì còn lý do khác là: do cụ H có hiến đất để mở rộng đường thôn trước thửa đất theo chủ trương xây dựng nông thôn mới. Ủy ban nhân dân xã A xác định việc giảm diện tích đất nêu trên là giảm vào loại đất lâu năm khác, như vậy thửa đất hiện có 248.8m2 thì: đất ở nông thôn là 200m2 và đất lâu năm khác là 48.8m2 Diện tích đất thực tế của thửa đất số 274, tờ bản đồ địa chính số 14 không phải là đất lấn chiếm, không bị kê biên, hay thế chấp, không vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đất sử dụng ổn định, từ trước đến nay không có tranh chấp với các hộ liền kề và với tổ chức, cá nhân nào. Hiện không có hoạt động chuyển dịch. Đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì gia đình chưa làm thủ tục đề nghị cấp.

Sau khi cụ H chết năm 2018, thửa đất không ai trực tiếp ở. Các con của cụ H là các bà Th, Ch, L, Đ, S là người trông nom. Về việc đóng thuế nhà đất, khi cụ H còn sống và sau khi cụ H chết, nhà đất này không phải đóng thuế vì dưới hạn mức quy định.

Đối với đất trong chỉ giới quy hoạch giao thông (theo bản cung cấp dữ liệu thửa đất) thì đây chỉ là dữ liệu quy hoạch, thực tế phần đất này vẫn là đất thuộc quyền quản lý sử dụng của chủ sử dụng đất vì họ đã sử dụng trước khi có quy hoạch.

Ngoài ra cụ L, cụ H mỗi cụ còn có 540m2 đất trồng lúa ở cánh đồng thôn V, xã A tuy nhiên diện tích đất trồng lúa của 2 cụ các đương sự không có tranh chấp và không ai có yêu cầu phân chia. Trường hợp sau này các bên có yêu cầu chia, UBND xã sẽ giải quyết trên cơ sở thỏa thuận và theo tiêu chuẩn quy định.

Đối với các thửa đất mà vợ chồng ông Nguyễn Văn Th, vợ chồng anh Nguyễn Văn S đang quản lý, sử dụng không nằm trong di sản thừa kế.

Việc tranh chấp di sản thừa kế là thửa đất số 274, tờ bản đồ số 14, thôn V, xã A, các đương sự không yêu cầu UBND xã A và thôn V hòa giải nên không tiến hành hòa giải tại địa phương. Nay bà Ch yêu cầu chia di sản thừa kế đối với thửa đất trên, UBND xã đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

* Biên bản xác minh tại xã Q, huyện Q: Xác nhận cụ Nguyễn Thị H và cụ Nguyễn Văn T (liệt sĩ chống Pháp, hi sinh năm 1950) có 01 người con chung là bà Nguyễn Thị B, sinh năm 1947, sau khi cụ T hi sinh cụ H đi bước nữa với cụ Nguyễn Văn L ở xã A. Bà B lớn lên đi làm ăn ở Lào Cai và sinh sống trên đó.

* Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ và biên bản định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản, ngày 12/7/2022 thể hiện: Hiện trạng thửa đất và các tài sản trên đất đúng như các đương sự đã trình bày; giá trị 01m2 đất ở là: 6.500.000 đồng/m2; giá trị 01m2 đất lâu năm khác là: 45.000 đồng/m2; các tài sản trên đất gồm:

01 nhà cấp bốn, 01 công trình phụ, tường bao, sân lát gạch chỉ đều hết giá trị và giá trị sử dụng (giá trị còn lại: 0 đồng) cùng một số khóm chuối đương sự không yêu cầu định giá, tự xác định giá trị không đáng kể.

* Tại phiên tòa: Nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đề nghị Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đề nghị Tòa án chia theo pháp luật đối với di sản thừa kế và chia bằng hiện vật. Bà Ch tự nguyện không yêu cầu ông Th, bà Gi phải thanh toán tiền chênh lệch kỷ phần cho bà trong trường hợp diện tích đất thực tế mà bà được Tòa án chia cho quản lý, sử dụng nhỏ hơn tổng kỷ phần mà bà và những người thừa kế khác nhường cho bà hưởng. Bà Ch nhận nộp toàn bộ chi phí thẩm định, định giá tài sản; tự nguyện nộp toàn bộp phần án phí của bà Nguyễn Thị Th và các anh chị H, Tr, H do những người này đều nhường kỷ phần thừa kế cho bà được hưởng và không yêu cầu bà thanh toán giá trị. Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa gồm các bà L, Đ, Th nhất trí với ý kiến của nguyên đơn và người đại diện của nguyên đơn.

* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Quỳnh Phụ tại phiên tòa phát biểu ý kiến: Hồ sơ vụ án từ giai đoạn thụ lý vụ án đến khi xét xử, Thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án đã lập và thu thập đầy đủ các tài liệu và chứng cứ, tuân thủ đúng trình tự luật định. Tại phiên tòa việc xét xử vụ án, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã tuân thủ theo đúng trình tự pháp luật. Các đương sự trong các giai đoạn tố tụng và tại phiên tòa đã chấp hành cơ bản đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Về nội dung giải quyết vụ án, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào các Điều 26, 35, 39, 147, 266, 271, 273, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 1, 3 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 609, 611, 612, 613, 623, 649, 650, 651, 652, 654, 660 Bộ luật dân sự năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 27 Nghị quyết 326/2016 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của nguyên đơn, cụ thể:

- Xác định di sản chung của cụ Nguyễn Văn L và cụ Nguyễn Thị H để lại là: thửa đất số 274, tờ bản đồ số 14, địa chỉ tại thôn V, xã A, huyện Q, tỉnh Thái Bình có diện tích theo đo đạc thẩm định là 248,8m2 (trong đó đất ở là 200m2; đất lâu năm khác là: 48,8m2), tổng giá trị là: 1.302.196.000 đồng.

- Xác định di sản riêng của cụ Nguyễn Thị H để lại gồm nhà và các công trình xây dựng trên đất đã hết giá trị và giá trị sử dụng.

- Xác định những người thừa kế của cụ Nguyễn Văn L gồm: Cụ Nguyễn Thị H, ông Nguyễn Văn Th, bà Nguyễn Thị Gi, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị Đ, bà Nguyễn Thị Ch và bà Nguyễn Thị Th.

- Xác định những người thừa kế của cụ H gồm: Ông Nguyễn Văn Th, bà Nguyễn Thị Gi, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị Đ, bà Nguyễn Thị Ch, bà Nguyễn Thị Th và những người thừa kế thế vị của bà Nguyễn Thị B là: Anh Nguyễn Thái H, anh Nguyễn Ngọc Tr và chị Nguyễn Thị H.

- Chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Ch về việc chia thừa kế theo pháp luật và bằng hiện vật. Ghi nhận sự tự nguyện nhường kỷ phần di sản của bà Nguyễn Thị Gi cho ông Nguyễn Văn Th hưởng; ghi nhận sự tự nguyện nhường kỷ phần thừa kế của các bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị Đ, bà Nguyễn Thị Th và các anh Nguyễn Thái H, anh Nguyễn Ngọc Tr và chị Nguyễn Thị H cho bà Nguyễn Thị Ch hưởng.

- Đề nghị chia và giao cho bà Nguyễn Thị Ch và ông Nguyễn Văn Th mỗi người được quyền quản lý, sử dụng một phần di sản thừa kế bằng hiện vật tương đương với kỷ phần của bà Ch, ông Th được hưởng (bao gồm cả phần những người thừa kế khác nhường cho bà Ch, ông Th).

- Ghi nhận việc bà Ch tự nguyện không yêu cầu ông Th trả tiền do chênh lệch kỷ phần thừa kế trong trường hợp ông Th được chia (nhận) phần di sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần ông Th được hưởng (bao gồm cả phần bà Gi nhường).

- Không đặt ra giải quyết chia di sản thừa kế đối với diện tích đất trồng lúa của các cụ L, cụ H để lại do các đương sự không yêu cầu Toà án giải quyết.

- Về án phí, chi phí tố tụng: Các đương sự phải chịu án phí trên phần giá trị được hưởng, được chia. Riêng ông Th, bà Gi, bà L, bà Đ, bà S là người cao tuổi nên được miễn án phí dân sự sơ thẩm; Chấp nhận việc bà Ch tự nguyện nộp toàn bộ phần án phí của bà Th, anh H, anh Tr và chị H; Chấp nhận việc bà Ch tự nguyện chịu toàn bộ chi phí thẩm định và định giá tài sản.

Ngoài ra đại diện Viện kiểm sát không có yêu cầu, kiến nghị gì thêm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả thẩm vấn tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Di sản thừa kế có tranh chấp là bất động sản có địa điểm tại thôn V, xã A, huyện Q, tỉnh Thái Bình nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình theo quy định tại các Điều 26, 35, 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Bị đơn ông Nguyễn Văn Th, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là bà Nguyễn Thị Gi, anh Nguyễn Thái H, anh Nguyễn Ngọc Tr, chị Nguyễn Thị H có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, vì vậy Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt những người này là phù hợp quy định tại các Điều 227, 228 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Về thời hiệu khởi kiện: Cụ Nguyễn Văn L chết ngày 10/10/1996, cụ Nguyễn Thị H chết ngày 06/7/2018, đến ngày 22/3/2022 nguyên đơn bà Nguyễn Thị Ch khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ L và cụ H để lại, căn cứ vào Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 thì yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với di sản của cụ L, cụ H vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện.

[3] Về quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống giữa cụ L, cụ M, cụ H và nguồn gốc di sản:

Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ thể hiện, cụ Nguyễn Văn L và cụ Bùi Thị Màu chung sống với nhau từ trước năm 1940. Cụ L, cụ M sinh được 02 người con chung là ông Nguyễn Văn Th (sinh năm 1940) và bà Nguyễn Thị Gi (sinh năm 1942). Khoảng năm 1950 cụ M qua đời, cụ L lấy cụ Nguyễn Thị H vào khoảng năm 1951- 1952 và sinh được 05 người con chung là các bà Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị S, Nguyễn Thị Đ, Nguyễn Thị Ch và Nguyễn Thị Th. Thời kỳ đó không có giấy tờ thể hiện việc kết hôn của các cụ song cả hai cuộc hôn nhân giữa cụ L và cụ M, cụ L và cụ H đều là hôn nhân thực tế, được pháp luật thừa nhận. Cụ H, trước khi chung sống với cụ L đã có một đời chồng là cụ Nguyễn Văn T (liệt sĩ chống Pháp đã hi sinh năm 1950) ở xã Q, huyện Q và có một người con riêng với cụ T là bà Nguyễn Thị B, sinh năm 1947 (chết năm 1999), bà B có 03 người con đẻ là các anh chị H, Tr, H hiện sinh sống, làm việc tại Lào Cai. Ngoài ra ba cụ L, M, H không còn người con chung, con riêng, con nuôi nào khác. Bố mẹ đẻ của các cụ đều đã chết trước khi các cụ chết.

Về nguồn gốc thửa đất số số 274, tờ bản đồ số 14, tại thôn V, xã A, huyện Q (hiện chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) được các đương sự và chính quyền địa phương thừa nhận là của tổ tiên cụ L để lại. Từ khi cụ L lấy cụ M, hai cụ đã sinh sống, sử dụng mảnh đất này. Sau khi cụ M chết, cụ L lấy cụ H và 2 cụ tiếp tục sinh sống, quản lý và sử dụng thửa đất trên.

Mặc dù có căn cứ xác định cụ M có thời gian quản lý, sử dụng thửa đất cùng cụ L (từ khoảng trước năm 1940 đến khoảng năm 1950). Khi đó Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới được thành lập (02/9/1945) và cho đến năm 1952 vẫn chưa có luật đất đai, chưa có quy định nào điều chỉnh về vấn đề quyền sở hữu, sử dụng hay để lại thừa kế của cá nhân đối với đất đai. Năm 1953 Luật cải cách ruộng đất được Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành bắt đầu thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân và đến năm 1987 nước ta mới chính thức có Luật đất đai đầu tiên (xuất hiện thuật ngữ “thừa kế”) thì cụ M đã chết. Mặt khác, cụ M cũng không có tên trong bất cứ giấy tờ sổ sách địa chính nào còn lưu trữ do đó xác định cụ M chết đi không có di sản để lại.

Từ năm 1986, thửa đất trên được thể hiện trên Bản đồ năm 1986, có số thửa 280, tờ bản đồ số 03, thôn V, xã A, diện tích đất là 300m2, loại đất “thổ”, không thể hiện tên chủ sử dụng thửa đất. Đến năm 1993, tại bản đồ và sổ giao đất năm 1993, thửa đất có số thửa là 405, tờ bản đồ số 05, diện tích 280m2, trong đó đất ở là 200m2, đất lâu năm khác là 80m2, ghi tên chủ sử dụng là cụ “L”. Biên bản xác định hiện trạng sử dụng đất năm 1998 là thửa số 254, tờ bản đồ địa chính số 4, xã A, địa chỉ thửa đất: Khu vực Vũ Xá, thuộc xóm 3, diện tích đo đạc là 280m2, loại đất ở. Phần “Nội dung xác định” ghi “Chủ sử dụng đất: Nguyễn Thị H (Chồng chết). Theo kết quả đo đạc VLAP năm 2010 và bản cung cấp thông tin dữ liệu thửa đất trên bản đồ địa chính của Chi nhánh VPĐK Đất đai huyện Quỳnh Phụ ghi: thửa đất số 274, tờ bản đồ địa chính số: 14, địa chỉ thửa đất: Thôn V, xã A, diện tích: 259.3m2. Trong đó đất ở nông thôn là 200m2 và đất lâu năm khác là 59.3m2. Tên chủ sử dụng là “Nguyễn Thị H”. Như vậy cụ L, cụ H đã có quá trình sử dụng thửa đất từ năm 1951 - 1952, đứng tên trong các giấy tờ địa chính nên xác định là tài sản chung của hai cụ.

Ngoài ra cụ H còn có tài sản riêng là nhà ở, bếp trên thửa đất song theo kết quả thẩm định, định giá thì đã hoàn toàn hết giá trị và giá trị sử dụng (= 0 đồng) nên trên thực tế chỉ chia di sản là quyền sử dụng đất.

Hai cụ chết đi không để lại di chúc nên về nguyên tắc di sản của các cụ được chia theo pháp luật và theo từng thời điểm mở thừa kế.

Cụ L chết năm 1996, có di sản để lại là ½ thửa đất số 274, tờ bản đồ số 14, tại thôn V, xã A, tương đương với 100m2 đất ở và 24,4m2 đất lâu năm khác, có giá trị: 1.302.196.000 đồng : 2 = 651.098.000 đồng. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ L gồm 08 người là: Cụ H, ông Th, bà Gi, bà L, bà S, bà Đ, bà Ch, bà Th nên mỗi kỷ phần thừa kế (gồm 12,5m2 đất ở và 3,05 m2 đất lâu năm khác) có giá trị là: 651.098.000đ : 8 = 81.387.250 đồng.

Như vậy sau khi cụ L chết, tài sản của cụ H là gồm: ½ thửa đất số 274 tờ bản đồ số 14, tại thôn A Mễ, xã Quỳnh Trang (651.098.000 đồng), 01 suất thừa kế của cụ L (81.387.250 đồng) cùng nhà ở, công trình trên đất là bếp, sân gạch, tường bao (0 đồng), tổng cộng là: 732.485.250 đồng (tương đương 112,5m2 đất ở + 27,45m2 đất lâu năm khác). Cụ H chết năm 2018, những người thừa kế của Hiền được xác định gồm:

+ Các con chung của cụ H với cụ L là: bà L, bà S, bà Đ, bà Ch, bà Th (mỗi người một kỷ phần thừa kế);

+ Những người thừa kế thế vị của bà Nguyễn Thị B là con riêng của cụ H (do bà B chết năm 1999 và chết trước cụ H) là: Anh Nguyễn Thái H, anh Nguyễn Ngọc Tr và chị Nguyễn Thị H (chung 01 kỷ phần thừa kế).

+ Các con riêng của ông L mà cụ H (là mẹ kế) có quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc coi như con đẻ (đều được các đương sự thừa nhận trong lời khai) gồm: Ông Nguyễn Văn Th, bà Nguyễn Thị Gi (mỗi người được 1 kỷ phần thừa kế).

Nên tổng cộng có 08 kỷ phần thừa kế đối với phần di sản của cụ H để lại, mỗi kỷ phần có giá trị: 732.485.250 đồng : 8 = 91.560.656 đồng (tương ứng với 14,0625m2 đất ở và 3, 43125m2 đất lâu năm khác).

Do đó 07 người gồm: ông Th, bà Gi, bà L, bà S, bà Đ, bà Ch và bà Th có kỷ phần thừa kế ngang nhau đối với di sản của cả hai cụ L + cụ H để lại = 172.947.906 đồng (tương đương mỗi người được hưởng 26,5625m2 đất ở và 6,48125m2 đất lâu năm khác).

Các con bà B là anh H, anh Tr, chị H chung 01 kỷ phần thừa kế di sản của cụ H nên mỗi người được hưởng: 91.560.656 đồng : 3 = 30.520.219 đồng (tương ứng với 14,0625m2: 3 = 4,6875m2 đt ở và 3,43125m2: 3 = 1,14375m2 đất lâu năm khác).

[5] Xét về cách thức chia, giao di sản thừa kế:

Xét bà Nguyễn Thị Gi tự nguyện nhường kỷ phần thừa kế mà bà Gi được hưởng cho ông Th được hưởng, không yêu cầu ông Th thanh toán giá trị và ông Th đồng ý nhận nên tổng kỷ phần ông Th được hưởng là: 172.947.906 đồng x 2 = 345.896.000 đồng (đã làm tròn), tương ứng: 53m2 đất ở và 13m2 đất lâu năm khác (đã làm tròn), tổng diện tích đất là 66m2.

Các bà L, S, Đ, Th và các anh chị H, Tr, H tự nguyện nhường kỷ phần cho bà Ch được hưởng, không yêu cầu bà Ch phải thanh toán giá trị đồng thời bà Ch đồng ý nhận nên tổng kỷ phần bà Ch được hưởng là: (172.947.906 đồng x 5) + 91.560.656 đồng = 956.300.000 đồng (đã làm tròn) tương ứng với: 147m2 đất ở và 35,8m2 đất lâu năm khác (đã làm tròn), tổng diện tích đất là 182,8m2.

Xét thấy bà Ch và ông Th đều đề nghị chia theo pháp luật và nhận bằng hiện vật. Ông Th yêu cầu phải bốc số, phân lô, không ai được chọn vị trí. Tuy nhiên, đây là vụ án chia di sản thừa kế, không phải là đấu giá quyền sử dụng đất, hơn nữa phải đảm bảo giá trị sử dụng của mỗi phần diện tích đất được chia nên không chấp nhận ý kiến này của ông Th. Qua xem xét hiện trạng thửa đất và công trình tồn tại trên đất, đối chiếu với quy định của pháp luật và nguyện vọng chính đáng của các bên, có cơ sở để Hội đồng xét xử chia như sau:

Chia cho bà Nguyễn Thị Ch được hưởng 177.3m2 đất (ở bên phần có vườn), trong đó đất ở: 142m2; đất lâu năm khác: 35,3m2) trị giá 924.588.500 đồng; chia cho ông Th được hưởng: 71,5m2 đất thuộc phần đất hiện đang có nhà của cụ H (trong đó đất ở: 58m2; đất lâu năm khác: 13,5m2) tương đương giá trị đất: 377.607.500 đồng và sở hữu toàn bộ phần nhà ở, bếp, sân là di sản của cụ H để lại (các công trình đều đã hết giá trị). Như vậy về nguyên tắc ông Th phải trả chênh lệch kỷ phần cho bà Ch do được chia diện tích đất nhiều hơn 5,5m2 (trong đó đất ở: 5m2, đất lâu năm khác: 0,5m2) so với kỷ phần ông và bà Gi đáng lẽ được hưởng, tương ứng với số tiền là: 377.607.500 đồng - 345.896.000 đồng = 31.711.500 đồng. Tuy nhiên bà Ch tự nguyện không yêu cầu ông Th phải thanh toán khoản tiền do chênh lệch kỷ phần thừa kế nên cần ghi nhận.

[6] Đối với công sức chăm sóc cụ Th, cụ H khi còn sống; chi phí mai táng cho các cụ; công sức, thù lao quản lý di sản, chi phí bảo quản di sản các đương sự đều thống nhất khai không yêu cầu trích trả nên không đặt ra giải quyết.

[7] Đối với một số khóm chuối do các bà L, S, Đ, Ch, Th trồng và tự thu hoạch tại phần vườn thuộc thửa số 274, tờ bả đồ số 14, thôn V, xã A. Tại buổi xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản cũng như tại phiên toà, các bà thống nhất không yêu cầu định giá, tự xác định là không có giá trị (tức = 0 đồng) và để bà Ch được sở hữu, toàn quyền định đoạt nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[8] Đối với di sản cụ L, cụ H để lại là đất trồng lúa tại cánh đồng thôn V, xã A, huyện Q, các đương sự đều không yêu cầu chia thừa kế, để tự thoả thuận nên không xét.

[9] Đối với phần đất gia đình ông Th, gia đình anh S đang quản lý sử dụng (riêng đất của gia đình anh S giáp ranh với đất của cụ L, cụ H đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ chồng anh S). Kết quả xác minh các thửa đất này không nằm trong di sản thừa kế, các đương sự cũng không yêu cầu giải quyết việc trước đây các cụ đã tách cho ông Th, anh S nên không xem xét giải quyết là phù hợp.

[10] Về án phí, chi phí tố tụng:

[10.1] Về án phí: Bà Ch phải chịu án phí trên phần bà Ch được hưởng, được chia (sau khi đã đối trừ với số tiền chênh lệch tài sản mà bà Ch không yêu cầu ông Th phải thanh toán) và phần mà bà Th, anh H, anh Tr, chị H nhường cho bà hưởng. Cụ thể: Bà Nguyễn Thị Ch phải nộp tổng cộng 20.287.000 đồng (đã làm tròn) án phí dân sự sơ thẩm gồm: phần án phí của bà Ch phải nộp: 172.947.906 đồng – 31.711.500 đồng = 141.236.460 đồng x 5% = 7.061.820 đồng; phần bà Ch nhận nộp thay cho: bà Nguyễn Thị Th: 172.947.906 đồng x 5% = 8.647.400 đồng; anh Nguyễn Thái H, anh Nguyễn Ngọc Tr và chị Nguyễn Thị H, mỗi người là: 30.520.219 đồng x 5% = 1.526.000 đồng).

Ông Nguyễn Văn Th, bà Nguyễn Thị Gi, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị S và bà Nguyễn Thị Đ là người cao tuổi, có đề nghị hoặc đơn xin miễn tạm ứng án phí, án phí nên được miễn án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

[10.2] Về chi phí định giá và thẩm định: Bà Nguyễn Thị Ch nhận chịu toàn bộ tiền chi phí thẩm định và định giá tài sản (bà Ch đã nộp xong).

[11] Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn, bị đơn, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 26, 35, 39, 147, 266, 271, 273, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 1, 3 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 609, 611, 612, 613, 623, 649, 650, 651, 652, 654, 660 Bộ luật Dân sự năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 27 Nghị quyết 326/2016 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Ch về việc chia di sản thừa kế đối với di sản của cụ Nguyễn Văn L và cụ Nguyễn Thị H để lại:

- Xác định di sản chung của cụ Nguyễn Văn L và cụ Nguyễn Thị H để lại (có yêu cầu chia thừa kế) là: thửa đất số 274, tờ bản đồ số 14, địa chỉ tại thôn V, xã A, huyện Q, tỉnh Thái Bình có diện tích theo đo đạc thẩm định là 248,8m2 (trong đó đất ở là 200m2; đất lâu năm khác là: 48,8m2), tổng giá trị là: 1.302.196.000 đồng (một tỷ ba trăm linh hai triệu một trăm chín mươi sáu nghìn đồng).

- Xác định di sản riêng của cụ Nguyễn Thị H để lại gồm: 01 nhà cấp 4 mái dàn tre lợp ngói xi măng, diện tích 25,1m2; 01 nhà bếp cấp 4, mái dàn tre lợp ngói mấp, diện tích 6m2; 01 sân lát gạch chỉ diện tích 25m2; tường bao xây gạch xỉ và gạch chỉ đỏ (nằm trên di sản chung của cụ L, cụ H để lại là thửa đất số 274, tờ bản đồ số 14, địa chỉ tại thôn V, xã A, huyện Q, tỉnh Thái Bình). Tất cả các công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, hết giá trị và giá trị sử dụng.

- Xác định những người thừa kế của cụ Nguyễn Văn L (tính đến thời điểm mở thừa kế của cụ L) gồm: Cụ Nguyễn Thị H, ông Nguyễn Văn Th, bà Nguyễn Thị Gi, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị Đ, bà Nguyễn Thị Ch và bà Nguyễn Thị Th.

- Xác định những người thừa kế của cụ H gồm: Ông Nguyễn Văn Th, bà Nguyễn Thị Gi, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị Đ, bà Nguyễn Thị Ch, bà Nguyễn Thị Th và những người thừa kế thế vị của bà Nguyễn Thị B là: Anh Nguyễn Thái H, anh Nguyễn Ngọc Tr và bà Nguyễn Thị H.

- Ghi nhận sự tự nguyện nhường kỷ phần di sản của bà Nguyễn Thị Gi cho ông Nguyễn Văn Th hưởng; ghi nhận sự tự nguyện nhường kỷ phần thừa kế của bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị Đ, bà Nguyễn Thị Th, anh Nguyễn Thái H, anh Nguyễn Ngọc Tr và chị Nguyễn Thị H cho bà Nguyễn Thị Ch hưởng.

- Chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Ch về việc chia thừa kế theo pháp luật và bằng hiện vật; không chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Văn Th về việc phải chia thừa kế dưới hình thức phân lô, bốc số.

- Xử: Chia và giao cho bà Nguyễn Thị Ch được quyền quản lý, sử dụng 177.3m2 đất (trong đó đất ở: 142m2; đất lâu năm khác: 35,3m2) tại thửa số 274, tờ bản đồ số 14, địa chỉ: Thôn V, xã A, huyện Q, tỉnh Thái Bình, giá trị: 924.588.500 đồng (chín trăm hai mươi tư triệu năm trăm tám mươi tám nghìn năm trăm đồng); có vị trí như sau:

Phía Đông dài 1.55m + 2.04m + 2.04m + 3.05m giáp đất của gia đình bà Nguyễn Thị Hoãn và đất của gia đình ông Nguyễn Văn Hải, bà Nguyễn Thị Vân; Phía Tây dài 6.76m giáp đường thôn Vũ Xá; Phía Nam dài 10.73m + 10.75m giáp đất của gia đình bà Bùi Thị Mượt và giáp đất của vợ chồng anh Nguyễn Văn Anh, chị Nguyễn Thị Chanh; Phía Bắc dài 12.26m + 4.48m +7.29m + 3.15m + 3.47m giáp đất chia cho ông Th và đất của vợ chồng anh Nguyễn Văn S và chị Nguyễn Thị Thuý. (Thể hiện chi tiết trong sơ đồ kèm theo).

Bà Ch được quyền sở hữu các tài sản gồm phần sân bê tông, phần tường bao và cây cối hiện đang tồn tại trên phần đất chia cho bà Ch.

+ Xử: Chia và giao cho ông Nguyễn Văn Th được quyền quản lý, sử dụng 71,5m2 đất (trong đó đất ở: 58m2; đất lâu năm khác: 13,5m2), tại thửa số 274 , tờ bản đồ số 14, địa chỉ: Thôn V, xã A, huyện Q, tỉnh Thái Bình, giá trị: 377.607.500 đồng (ba trăm bảy mươi bảy triệu sáu trăm linh bảy nghìn năm trăm đồng), có vị trí như sau:

Phía Đông dài 4.48m giáp đất chia cho bà Ch; Phía Tây dài 4.78m + 2.95m giáp đường thôn V; Phía Nam dài 12.26m giáp đất chia cho bà Ch; Phía Bắc dài 6.03m + 3.14m + 5.79m giáp đất của vợ chồng anh Nguyễn Văn S và chị Nguyễn Thị Th. (Thể hiện chi tiết trong sơ đồ kèm theo).

Ông Th được sở hữu toàn bộ nhà ở, bếp, phần sân và phần tường bao trên phần đất ông Th được chia.

- Ghi nhận việc bà Ch không yêu cầu ông Th phải thanh toán khoản tiền chênh lệch kỷ phần thừa kế là 31.711.500 đồng (ba mươi mốt triệu bảy trăm mười một nghìn năm trăm đồng).

- Không đặt ra giải quyết chia di sản thừa kế đối với diện tích đất trồng lúa mà các cụ L, cụ H để lại tại thôn V, xã A, huyện Q, tỉnh Thái Bình do các đương sự không yêu cầu Toà án giải quyết.

2. Về án phí: Bà Nguyễn Thị Ch phải nộp 20.287.000 đồng (hai mươi triệu hai trăm tám mươi bảy nghìn đồng) (đã làm tròn) án phí dân sự sơ thẩm (gồm phần của bà Ch phải nộp 7.061.820 đồng, phần bà Ch nhận nộp thay cho bà Nguyễn Thêm:

8.647.400 đồng, anh Nguyễn Thái H, anh Nguyễn Ngọc Tr và chị Nguyễn Thị H, mỗi người: 1.526.000 đồng).

Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông Th, bà Gi, bà L, bà S, bà Đ.

3. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, những người liên quan có mặt tại phiên tòa có quyền khác cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày tuyên án. Bị đơn và những người liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc niêm yết hợp lệ bản án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

148
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 16/2022/DS-ST

Số hiệu:16/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về