Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 142/2023/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 142/2023/DS-PT NGÀY 28/03/2023 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 28 tháng 3 năm 2023 tại trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 298/2022/TLPT-DS ngày 15 tháng 9 năm 2022 về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế” do có kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2022/DS-ST ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 2306/2023/QĐ-PT ngày 03 tháng 3 năm 2023 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Đỗ Quang T, sinh năm 1959; địa chỉ: số 16, ngõ A9, tập thể Đại học Hà N, phường Trung V, quận Nam Từ L, thành phố Hà Nội, (có mặt).

Bị đơn: Ông Đỗ Văn C, sinh năm 1949 và bà Nguyễn Thị C1, sinh năm 1951. Địa chỉ: thôn Nhân V, xã Nam T, huyện Phú X, thành phố Hà Nội, (có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Nguyễn Ngọc T1 và Luật sư Lưu Quang N-Văn phòng luật sư số 08 thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, (có mặt).

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Đỗ Hùng S, sinh năm 1965; trú tại: thôn Kính N, xã Uy N, huyện Đông A, thành phố Hà Nội, (có mặt).

2. Anh Đỗ Ngọc A, sinh năm 1972; địa chỉ: thôn Nhân V, xã Nam T, huyện Phú X, thành phố Hà Nội, (có mặt);

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh Đỗ Ngọc A là Luật sư Nguyễn Ngọc T1 và Lưu Quang N-Văn phòng Luật sự số 08 thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, (có mặt);

3. Bà Đỗ Thị S1, sinh năm 1954; địa chỉ: Thôn Nam Q, xã Nam T, huyện Phú X, thành phố Hà Nội, (vắng mặt, đã làm thủ tục thông báo mất tích);

4. Ủy ban nhân dân huyện Phú X, thành phố Hà Nội Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đỗ Thành C2 - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, (vắng mặt);

5. Ủy ban nhân dân xã Nam T, huyện Phú X, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Văn T2 - Chủ tịch UBND xã Nam T, (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo Đơn khởi kiện đề ngày 12/11/2019, các lời khai trong quá trình tố tụng nguyên đơn là ông Đỗ Quang T trình bày:

Vợ chồng cụ Đỗ Quang K (mất năm 1987) và cụ Trần Thị S2 (mất năm 1990) có 04 người con là ông Đỗ Văn C, bà Đỗ Thị S1, ông Đỗ Quang T và ông Đỗ Hùng S. Hiện cả 03 ông C, T, S còn sống; bà S1 không rõ tung tích và được Tòa tuyên bố mất tích năm 2019.

Khi còn sống, vợ chồng cụ K – S2 được ông cha để lại 01 thửa đất thổ cư có diện tích 297m2, thửa đất số 217, tờ bản đồ số 04 tại thôn Nhân V, xã Văn N (nay là xã Nam T), Phú X, Hà Nội và đã xây dựng được 01 ngôi nhà cấp bốn, khung gỗ, lợp ngói trên đất.

Do ông T, ông S đi làm kinh tế và lập gia đình xa nhà, không cư trú ở địa phương còn bà S1 đi lấy chồng ở xã Nam T và sau đó bị mất tích nên chỉ có vợ chồng ông C, bà C1 ở cùng hai cụ K – S2 tại nhà đất nêu trên.

Năm 1987, trước khi mất cụ K có lập di chúc chia toàn bộ khối tài sản trên cho 03 con trai (không chia cho bà S1), cụ S2 cũng biết việc cụ K lập di chúc và nhất trí với nội dung di chúc nêu trên. Theo đó, ông C là anh cả nên được chia nhiều hơn với diện tích 153m2; ông T, ông S mỗi người được 72m2 cùng các tài sản nằm trên phần đất mỗi người được hưởng. Việc cụ K lập di chúc do ông C và anh A trực tiếp chứng kiến, anh A giúp cụ K ghi lại một phần nội dung di chúc. Di chúc được lập thành 3 bản như nhau, ông C, ông T, ông S mỗi người giữ một bản. Việc ông T, ông S nhận được di chúc là do trước khi cụ K mất, có người nhà mang lên giao nhưng không nhớ là ai. Di chúc có nhiều chỗ tẩy xóa, gạch chéo, nhiều màu mực, nhiều loại chữ khác nhau, phía dưới có chữ ký của cụ K, ông C và anh A.

Năm 2012, lợi dụng việc ông T, ông S không sinh sống ở địa phương nên vợ chồng ông C bà C1 tự ý kê khai và được UBND huyện Phú X cấp GCN quyền sử dụng đất đối với 297m2 đất ở nêu trên.

Năm 2013, khi ông T về quê họp gia đình bàn bạc, thỏa thuận phân chia di sản theo di chúc thì ông T, ông S mới biết vợ chồng ông C đã được cấp GCN quyền sử dụng đất đối với thửa đất 297m2 cụ K cụ S2 để lại. Ban đầu vợ chồng ông C bà C1 đồng ý ký Biên bản họp gia đình ngày 04/5/2013 với nội dung chia đất như di chúc của cụ K. Đến tháng 10/2016, để thực hiện việc tách thửa, vợ chồng ông C ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (giả cách) cho vợ chồng ông T, bà M và vợ chồng ông S, bà T3 mỗi bên 65,5m2 đất với giá chuyến nhượng 40.000.000đ nhưng thực tế không phải trả đồng nào cho ông C.

Tuy nhiên, ngay sau đó, vợ chồng ông C bà C1 lại thay đổi ý định và làm đơn đề nghị ngăn chặn việc sang tên thửa đất dẫn đến tranh chấp đồng thời không chấp nhận chia đất cho ông T, ông S.

Do việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn bộ thửa đất nêu trên cho vợ chồng ông C bà C1 là trái pháp luật vì các đồng thừa kế chưa họp phân chia di sản, cũng không có văn bản nào thể hiện cụ K cụ S2 để lại toàn bộ thửa đất nêu trên cho vợ chồng ông C bà C1. Mặt khác, tuy di chúc của cụ K lập năm 1987 là sự thật nhưng do di chúc bị tẩy xóa, nhiều loại chữ viết, nội dung không rõ ràng... nên không đủ cơ sở để chia thừa kế theo di chúc này... Vì vậy, ông T đề nghị Tòa án:

- Tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BI 152361 do UBND huyện Phú X cấp ngày 28/3/2012 thửa đất số 217, tờ bản đồ số 04 ở thôn Nhân V, xã Văn N, huyện Phú X, thành phố Hà Nội, diện tích 297m2 mang tên bà Nguyễn Thị C1 và ông Đỗ Văn C.

- Chia thừa kế theo pháp luật bằng hiện vật đối với toàn bộ di sản của cụ các K, S2 để lại là 297m2 đất ở nêu trên cùng các tài sản trên đất; Trường hợp trên phần đất được chia có tài sản của ông C, bà C1 hoặc anh A, nếu di chuyển được thì đề nghị họ chuyển ra khỏi phần đất ông được hưởng, nếu không thể di chuyển mà còn giá trị thì ông T sẽ thanh toán theo trị giá mà Hội đồng định giá đã định.

- Đối với kỷ phần thừa kế mà bà Đỗ Thị S1 được hưởng, do bà S1 bị tuyên bố mất tích, để tránh xảy ra tranh chấp sau này, ông T đề nghị giao cho ông C sở hữu, sử dụng nhưng phải thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế của bà S1 được hưởng nếu bà S1 trở về;

- Ngoài ra, ông T thừa nhận vợ chồng ông C bà C1 có công sức trông nom, tôn tạo, giữ gìn thửa đất nên đề nghị Tòa án xem xét phần công sức này cho vợ chồng ông C bà C1 khi chia thừa kế cho phù hợp.

* Đồng bị đơn: Ông Đỗ Văn C và bà Nguyễn Thị C1 và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn đồng thời cũng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là anh Đỗ Ngọc A thống nhất trình bày:

Vợ chồng ông C, bà C1 và anh A xác nhận việc cụ K, S2 có 04 người con cũng như thời điểm chết của các cụ đúng như ông T trình bày; khối tài sản đang tranh chấp là 297m2 đất ở và ngôi nhà cấp 4 trên đất có nguồn gốc là của cụ K, cụ S2 để lại. Ngôi nhà do đã xuống cấp nên vợ chồng ông C, bà C1 có sửa chữa cải tạo nhưng vẫn giữ kết cấu nhà cấp 4, chỉ xây dựng lại bếp, nhà vệ sinh và trồng một số cây xanh trên đất.

Ngày 04/5/2013, ông T đến nhà và bảo vợ chồng ông C, bà C1 ký vào một văn bản để thuận tiện cho ông T xin việc. Vì quá tin tưởng ông T là em trai nên vợ chồng ông C, bà C1 đã ký mà không đọc nội dung. Đến ngày 11/5/2013 vợ chồng ông C, bà C1 mới biết nội dung văn bản đó là Biên bản họp gia đình để chia đất đề ngày 04/5/2013. Do vợ chồng ông C, bà C1 bị ông T lừa dối ký vào Biên bản họp gia đình ngày 04/5/2013, nên phía bị đơn đề nghị Tòa án không công nhận tính pháp lý của Biên bản họp gia đình nêu trên.

Vợ chồng ông C, bà C1 thừa nhận có ký, điểm chỉ tại Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 2016 (không có ngày, tháng) với nội dung chuyển nhượng đất cho vợ chồng ông T và vợ chồng ông S mỗi bên 65,5m2 đất, với giá chuyển nhượng là 40.000.000đ. Tuy nhiên, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ do trưởng thôn và cán bộ địa chính chứng kiến, không được công chứng theo đúng quy định và thực tế các bên cũng chưa giao nhận tiền nên không có giá trị.

Về Giấy di chúc của cụ K lập năm 1987 mà nguyên đơn giao nộp: Phía ông C, bà C1, anh A không thừa nhận lưu giữ bất kỳ bản di chúc nào của cụ K như ông T trình bày; bản thân anh A cũng không còn nhớ, không nhận ra chữ ký, chữ viết được cho là của anh A, cụ K, ông C trong bản di chúc mà ông T xuất trình; mặt khác do di chúc bị tẩy xóa, sửa chữa, viết bằng nhiều màu mực và không phải do cùng một người viết ra... nên không đủ tính hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Vợ chồng ông C bà C1 và anh A cho rằng tuy thửa đất 297m2 nêu trên đúng là di sản có nguồn gốc của cụ K, cụ S2 để lại, tuy nhiên, do thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đã hết kể từ ngày 10/9/2000 (theo Pháp lệnh thừa kế năm 1990Nghị quyết số 02/HĐTP hướng dẫn pháp lệnh thừa kế) di sản trên đương nhiên thuộc về người đang quản lý di sản là vợ chồng ông C bà C1 nên phía bị đơn mới làm các thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác, vợ chồng ông C bà C1 đã quản lý sử dụng đất công khai, ổn định, lâu dài, liên tục từ năm 1990 không có tranh chấp gì, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất; việc UBND huyện Phú X cấp GCN quyền sử dụng đất cho ông C, bà C1 là đúng trình tự, thủ tục; bản thân ông T, ông S và mọi người xung quanh đều biết việc cấp GCN quyền sử dụng đất nêu trên, vì thủ tục được thực hiện công khai và không thấy ai có bất cứ ý kiến phản đối nào... Vì vậy, ông C, bà C1, anh A đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Quang T.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan - ông Đỗ Hùng S trình bày:

Ông S nhất trí với toàn bộ lời trình bày của ông Đỗ Quang T, theo đó: Xác định di sản thừa kế của cụ K, cụ S2 để lại là thửa đất số 217, tờ bản đồ số 04, diện tích 297m2 ở thôn Nhân V, xã Nam T, huyện Phú X, thành phố Hà Nội;

thừa nhận di chúc của cụ K không có giá trị pháp lý và đề nghị Tòa án tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông C, bà C1 đối với thửa đất nêu trên; Đề nghị chia thừa kế theo pháp luật và bằng hiện vật đối với di sản mà các cụ để lại sau khi đã trừ đi công sức trông nom, giữ gìn thửa đất cho vợ chồng ông C, bà C1; đề nghị giao kỷ phần thừa kế của bà S1 bằng giá trị cho ông C quản lý và ông C có trách nhiệm thanh toán trả cho bà S1 nếu bà quay về.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là UBND xã Nam T do ông Nguyễn Văn T2 là người đại diện theo pháp luật trình bày:

Việc UBND xã Văn N (nay là UBND xã Nam T) lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông C, bà C1 thời điểm tháng 3/2012 là căn cứ vào việc ông C, bà C1 quản lý, sử dụng đất trên 20 năm liên tục tính từ khi cụ K mất (1987) và cụ S2 mất (1990), không có tranh chấp. Quá trình lập hồ sơ, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, địa phương đã lập danh sách, thông báo công khai trên hệ thống loa truyền thanh tại địa phương, niêm yết danh sách các hộ gia đình được cấp GCN, song không thấy phía ông C, ông T, ông S có ý kiến phản ánh, khiếu nại gì. Các hộ liền kề cũng ký xác nhận ranh giới không có tranh chấp với thửa đất trên. Quá trình sử dụng đất, ông C, bà C1 thực hiện đầy đủ, đúng nghĩa vụ đối với nhà nước. Tại thời điểm lập hồ sơ, thủ tục cấp GCN quyền sử dụng đất không thấy ai xuất trình “Giấy di chúc” ký ngày 06/9/1987 của cụ K, cụ S2 và các bên chưa họp gia đình (ngày 04/5/2013) để thống nhất việc phân chia đất của các cụ.

* Người có quyền lơi, nghĩa vụ liên quan là UBND huyện Phú X do ông Đỗ Thành C2 là người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Tại thời điếm cấp GCN quyền sử dụng đất cho ông C, bà C1 năm 2011- 2012, trên bản đồ, sổ theo dõi đất đai lập năm 1991 xã Văn N thể hiện thửa đất 217, tờ bản đồ số 04, diện tích 297m2 thôn Nhân V, xã Văn N kê khai tên ông Đỗ Văn C. Khi làm thủ tục cấp GCN, chính quyền địa phương đã tiến hành thông báo công khai và niêm yết công khai danh sách các hộ gia đình được xét cấp GCN quyền sử dụng đất, tuy nhiên không nhận được ý kiến, khiếu nại gì đối với ông C, bà C1 đề nghị cấp GCN quyền sử dụng đất. Các hộ giáp ranh cũng không có tranh chấp gì về quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên. Quá trình UBND huyện Phú Xuyên làm thủ tục cấp GCN quyền sử dụng đất ở cho ông C, bà C1 thì phía ông C, bà C1, ông T, ông S, không có ai cung cấp “Giấy di chúc” đề ngày 06/9/1987 của cụ K cho UBND huyện. Nay, phía ông T, ông S mới xuất trình “Giấy di chúc” nêu trên và các Biên bản họp gia đình vào các ngày 04/5/2013 và 30/9/2015 về nội dung phân chia đất của cụ K, cụ S2. Để đảm bảo quyền lợi cho tất cả những người con của cụ K, cụ S2, UBND huyện Phú X đề nghị Tòa án xem xét giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

* Những người làm chứng là các cụ Đỗ Thị C3 và cụ Tạ Thị D trình bày:

- Cụ Đỗ Thị C3 là em gái ruột của cụ K. Cụ K mất năm 1987 do bệnh phổi, trước khi mất cụ K vẫn minh mẫn. Cụ C3 không chứng kiến cụ K lập di chúc phân chia di sản mà chỉ nghe cụ K nói lại việc lập di chúc chia nhà đất cho các con, trong đó ông C được chia già nửa còn 2 ông T, S được non nửa. Cụ K còn nói phải làm đến lần thứ ba thì ông C mới đồng ý, hai lần đầu cụ K viết thì ông C không đồng ý nên lần thứ ba do anh A viết. Cụ C3 không được xem di chúc, không nghe nói gì về việc di chúc bị tẩy xóa.

- Cụ Tạ Thị D là em dâu cụ K, cụ S2, có chồng là cụ Đỗ N2 (em ruột cụ K). Cụ D chỉ nghe chồng cụ (đã mất) kể lại việc trước khi mất, cụ K có lập di chúc để phân chia di sản cho các con. Cụ D không được trực tiếp chứng kiến việc cụ K lập di chúc, nội dung di chúc cụ thể như thế nào thì cụ D cũng không được biết.

* Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2022/DSST ngày 30/6/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, quyết định:

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Đỗ Quang T.

1. Tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BI 152361, số vào sổ cấp GCN: “CH” 00228 đối với thửa đất số 217, tờ bản đồ số 04, diện tích 297m2 ở thôn Nhân V, xã Văn N, huyện Phú X, TP Hà Nội do UBND huyện Phú X cấp ngày 28/3/2012 mang tên vợ chồng ông Đỗ Văn C, bà Nguyễn Thị C1.

2. Chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cụ Đỗ Quang K và cụ Trần Thị S2, theo đó:

2.1. Xác định di sản thừa kế của cụ Đỗ Quang K và cụ Trần Thị S2 là thửa đất số 217, tờ bản đồ số 04, diện tích 297m2 ở thôn Nhân V, xã Văn N, huyện Phú X, TP Hà Nội.

2.2. Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Đỗ Quang K và cụ Trần Thị S2 gồm: Ông Đỗ Văn C, bà Đỗ Thị S1, ông Đỗ Quang T và ông Đỗ Hùng S.

2.3. Phân chia di sản của cụ Đỗ Quang K và cụ Trần Thị S2 như sau:

- Ông Đỗ Văn C được sở hữu, sử dụng toàn bộ nhà, công trình phụ trên diện tích 167m2 đất thổ cư nằm trong thửa đất số 217, tờ bản đồ số 04, diện tích 297m2 ở thôn Nhân V, xã Văn N, huyện Phú X, TP Hà Nội được giới hạn bởi các mốc 1,2,3,4,5,10,1 có tứ cận: Phía bắc giáp nhà ông N; phía nam giáp đất ông V và phần đất giao cho ông T; phía đông giáp nhà ông A, ông V; phía tây giáp đường làng... nhưng phải thanh toán trả bà Đỗ Thị S1 390.000.000đ phần giá trị kỷ phần thừa kế mà bà S1 được hưởng và thanh toán trả bà Nguyễn Thị C1 111.000.000 đ tiền công sức bảo quản, duy trì di sản.

Giao ông Đỗ Văn C quản lý 390.000.000đ phần giá trị kỷ phần thừa kế mà bà Đỗ Thị S1 được hưởng nêu trên cho đến khi bà S1 trở về hoặc có sự thay đổi theo quy định của pháp luật.

- Ông Đỗ Quang T được sử dụng và sở hữu các tài sản trên 65m2 đất thổ cư nằm trong thửa đất 217, tờ bản đồ số 04, diện tích 297m2 ở thôn Nhân V, xã Văn N, huyện Phú X, TP Hà Nội được giới hạn bởi các mốc 10, 5, 6, 9, 10 có tứ cận: Phía bắc giáp phần đất giao cho ông C; phía nam giáp phần đất giao cho ông S; phía đông giáp nhà ông V; phía tây giáp đường làng.

- Ông Đỗ Hùng S được sử dụng và sở hữu các tài sản trên 65m2 đất thổ cư nằm trong thửa đất 217, tờ bản đồ số 04, diện tích 297m2 ở thôn Nhân V, xã Văn N, huyện Phú X, TP Hà Nội được giới hạn bởi các mốc 9, 6, 7, 8, 9 có tứ cận: Phía bắc giáp phần đất giao cho ông T; phía nam giáp ngõ xóm, phía đông giáp nhà ông V; phía tây giáp đường làng.

(Có sơ đồ phân chia chi tiết kèm theo) - Ông Đỗ Văn C, bà Nguyễn Thị C1, anh Đỗ Ngọc A phải di chuyển toàn bộ số cây xanh ra khỏi phần đất đã giao cho ông T, ông S nói trên.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 07/7/2022, bị đơn là ông Đỗ Văn C, bà Nguyễn Thị C1, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Đỗ Ngọc A kháng cáo toàn bộ bản án.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bị đơn là ông Đỗ Văn C, bà Nguyễn Thị C1 có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, anh Đỗ Ngọc A giữ kháng cáo và trình bày thống nhất với trình bày như nội dung của bản án sơ thẩm và cũng như đề nghị của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo và hủy bản án sơ thẩm, với lý do (nội dung tóm tắt theo bản kiến nghị) và trình bày tại phiên tòa:

1. Tòa án cấp sơ thẩm xác định diện tích 297m2 đất cấp cho bà C1, ông C là di sản thừa kế của cụ K và cụ S2 là không phù hợp với tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, trái ngược với thực tế khách quan, bởi: Thực tế diện tích đất tranh chấp chia thừa kế là của cha ông của cụ K để lại. Cụ K là người nối tiếp sử dụng cũng như ông C, bà C1 cũng vậy (nếu có chia thì chỉ được chia 1/5 thửa đất là phần của cụ K được hưởng) chưa tính công sức khác.

2. Tòa án cấp sơ thẩm bỏ sót người tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, phải đưa 04 người con của cố G (cố G là bố của cụ K) vào tham gia tố tụng.

3. Tòa án cấp sơ thẩm vẫn tiến hành xét xử vụ án trong khi qui định của pháp luật là hoãn phiên tòa (vắng mặt bà S1 lần thứ nhất).

4. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng sai pháp luật khi tuyên hủy GCN quyền sử dụng đất đã cấp cho ông C, bà C1. Trường hợp này phải xác định việc cấp GCN quyền sử dụng đất cho ông C, bà C1 là đúng pháp luật.

Thứ nhất: Theo Điều 645 BLDS năm 2005 (thời hiệu chia di sản thừa kế là 10 năm) thì thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế đã hết.

Thứ hai: Không có cơ sở nào để khẳng định ông C không trung thực trong việc kê khai cấp GCN quyền sử dụng đất và cho đến nay UBND huyện và UBND xã vẫn khẳng định cấp GCN quyền sử dụng đất cho ông C, bà C1 là đúng quy định tại thời điểm cấp GCN.

Thứ ba: Việc cấp GCN quyền sử dụng đất đã được cấp cho đúng đối tượng theo qui định tại khoản 4 Điều 50 Luật đất đai 2003; điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 84/2007/NĐ-CP.

Thứ tư: Việc cấp GCN quyền sử dụng đất đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo đúng qui định tại Điều 135 Nghị định 181/2004/NĐ-CP.

Ngoài ra, còn có những sai phạm khác như việc định giá tại Biên bản định giá tài sản tranh chấp không hợp pháp khi chưa đầy đủ thành viên (thiếu cán bộ Phòng tài chính), việc phân công thành viên Hội đồng xét xử không đúng thẩm quyền.

- Ông Đỗ Quang T và ông Đỗ Hùng S trình bày thống nhất với nội dung của bản án sơ thẩm và đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

Về tố tụng: Kháng cáo của bị đơn là ông Đỗ Văn C, bà Nguyễn Thị C1, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Đỗ Ngọc A trong thời hạn luật định nên được xem xét giải quyết.

Về nội dung: Các đương sự thừa nhận về huyết thống, thừa nhận cụ K, cụ S2 có nhà trên đất tranh chấp chia thừa kế. Tòa án cấp sơ thẩm xác định di sản của cụ K và cụ S2 để lại là thửa đất số 217, diện tích 297m2 tại thôn Nhân V, xã Văn N và theo Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 30 năm và vẫn còn thời hiệu, là có căn cứ. Về di chúc, bị đơn không thừa nhận, Tòa án cấp sơ thẩm đã không chấp nhận di chúc và chia thừa kế theo pháp luật, cũng như tính công sức cho phía bị đơn là có căn cứ, anh A cho rằng tài sản trên đất tranh chấp là của bố mẹ anh và trong đó anh có đóng góp, tạo dựng là không phù hợp với trình bày tại Tòa án cấp sơ thẩm. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm giao tài sản của vợ chồng ông C, bà C1 tạo lập được trên đất tranh chấp chia thừa kế cho ông C là không đúng, mà phải giao cho vợ chồng ông C, bà C1 thì mới phù hợp. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông C, anh A; căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận một phần kháng cáo của bà C1; sửa bản án dân sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu Đơn kháng cáo và các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở lời trình bày của các bên đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Kháng cáo của ông Đỗ Văn C, bà Nguyễn Thị C1 và anh Đỗ Ngọc A trong thời hạn luật định, nên được xem xét giải quyết.

[1.1] Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định quan hệ pháp luật, đối tượng khởi kiện, thời hiệu, thẩm quyền và xác định tư cách những người tham gia tố tụng là có căn cứ.

[1.2] Tại phiên tòa phúc thẩm vắng mặt bị đơn nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ và có quan điểm trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm và sau khi xét xử sơ thẩm không có kháng cáo. Do đó, việc vắng mặt những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không ảnh hưởng đến việc giải quyết nội dung vụ án.

[2] Về nội dung vụ án:

[2.1] Về yêu cầu chia thừa kế:

[2.1.1] Về quan hệ huyết thống: Cụ Đỗ Quang K (chết năm 1987) và vợ là cụ Trần Thị S2 (chết năm 1990) có 04 người con là ông Đỗ Văn C, bà Đỗ Thị S1, ông Đỗ Quang T và ông Đỗ Hùng S. Ngoài ra cụ K, cụ S2 không có con đẻ, con riêng, con nuôi nào khác. Hiện cả 03 ông C, ông T, ông S còn sống; bà S1 không rõ tung tích và được Tòa tuyên bố mất tích năm 2019.

[2.1.2] Các đương sự đều thống nhất: Khi còn sống vợ chồng cụ K, cụ S2 được cha ông để lại 01 thửa đất thổ cư có diện tích 297m2 là thửa số 217, tờ bản đồ số 04 ở thôn Nhân V, xã Văn N (nay là xã Nam T), huyện Phú X, TP Hà Nội. Về nhà ở và các công trình khác trên đất, các bên đương sự cũng xác nhận cụ K, cụ S2 xây dựng được 01 ngôi nhà cấp 4, khung gỗ, lợp ngói có diện tích đo đạc thẩm định được là 69,8m2, đến nay đã hết khấu hao, không còn giá trị.

[2.1.3] Về di chúc: Quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là ông Đỗ Quang T và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Đỗ Hùng S giao nộp “Giấy di chúc” đề ngày 06/9/1987 của cụ Đỗ Quang K, trong đó có chữ ký được cho rằng là của cụ Đỗ Quang K, ông Đỗ Văn C và anh Đỗ Ngọc A.

- Phía ông C và anh A đều không thừa nhận tính hợp pháp của di chúc này, vì cho rằng di chúc bị tẩy xóa, nhiều màu mực và không phải do cùng một người viết ra; Bản thân anh A là người được cho là đã viết một phần di chúc và đã ký vào bản di chúc cũng không xác định được có phải là chữ ký hay chữ viết của mình hay không vì thời điếm đó anh A mới chỉ 15 tuổi.

- Mặc dù là tài sản chung của vợ chồng các cụ K, S2 và tại thời điểm được cho là lập di chúc thì cụ S2 vẫn còn sống nhưng trong Bản di chúc nói trên lại định đoạt toàn bộ tài sản của vợ chồng mà không thấy quan điểm chữ ký của cụ S2.

- Người làm chứng là cụ Đỗ Thị C3 và cụ Tạ Thị D chỉ xác nhận có nghe nói cụ Kh lập di chúc chia đất ở cho các con chứ cả hai đều không được trực tiếp chứng kiến việc lập di chúc, không biết nội dung di chúc... như phía nguyên đơn trình bày.

- Bản thân ông T và ông S đều thừa nhận không được trực tiếp chứng kiến việc cụ K lập di chúc với ông C, anh A diễn ra như thế nào và không nhớ mình nhận được di chúc từ đâu...

- Ngoài ra, ông T và ông S cũng thừa nhận: Di chúc có nhiều chỗ gạch xóa, nhiều màu mực, không do cùng một người viết ra nên không có cơ sở để xác định rõ nội dung thực sự của di chúc; ông C, anh A không thừa nhận chữ ký, chữ viết của mình trong bản di chúc; các chữ ký và chữ viết nêu trên cách đây 35 năm, đến nay đã có sự thay đổi, lại không có bút tích đối chứng để làm cơ sở so sánh, giám định... nên cả hai không yêu cầu việc giám định chữ viết, chữ ký của cụ K, ông C, anh A trong Bản di chúc đã xuất trình mà thống nhất đề nghị Tòa án phân chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản mà cụ K, cụ S2 để lại.

Từ căn cứ nêu trên, việc xác định cụ K có lập di chúc hay không, có đúng là bản di chúc mà phía nguyên đơn xuất trình hay không, di chúc có còn nguyên bản hay không, ai là người đã viết vào phần quan trọng nhất của di chúc, phần gạch chéo trong di chúc là có trước hay sau khi lập di chúc và có phải một phần của di chúc không, lý do cụ S2 không có tên trong bản di chúc... đều không đủ cơ sở để khẳng định bởi lẽ: Những người có tên trong di chúc là ông C, anh A không thừa nhận di chúc; anh A không khẳng định mình là người đã viết vào phần quan trọng nhất của di chúc; nguyên đơn, bị đơn không cung cấp được bút tích của cụ K, ông C, anh A thời điểm xác lập di chúc để so sánh, đối chứng, giám định; những người làm chứng là cụ C3, cụ D không những không được chứng kiến việc lập di chúc mà còn chưa được thấy di chúc và cũng không biết rõ nội dung di chúc ra sao; ông T, ông S là người xuất trình di chúc cũng thừa nhận di chúc không có giá trị pháp lý.

[2.1.4] Về việc cấp GCN quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông C, bà C1: Vợ chồng ông C bà C1 cho rằng diện tích đất hiện nay các bên tranh chấp để chia thừa kế; vợ chồng ông bà đã quản lý sử dụng đất công khai, ổn định, lâu dài, liên tục từ năm 1990 không có tranh chấp gì, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất; việc UBND huyện Phú X cấp GCN quyền sử dụng đất cho ông C, bà C1 là đúng trình tự, thủ tục; bản thân ông T, ông S và mọi người xung quanh đều biết việc cấp GCN quyền sử dụng đất nêu trên, vì thủ tục được thực hiện công khai và không thấy ai có bất cứ ý kiến phản đối nào và thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đã hết... Vì vậy, ông C, bà C1, anh A đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Quang T.

Thấy rằng, Cụ Đỗ Quang K (chết năm 1987) và vợ là cụ Trần Thị S2 (chết năm 1990) có 04 người con là ông Đỗ Văn C, bà Đỗ Thị S1, ông Đỗ Quang T và ông Đỗ Hùng S. Năm 2019, ông Đỗ Quang T khởi kiện chia thừa kế, nên thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Vợ chồng ông C bà C1 quản lý và sử dụng diện tích 297m2 đất từ những năm 1990 và được cấp GCN quyền sử dụng đất năm 2012. Tuy nhiên, kiểm tra xác minh hồ sơ đề nghị cấp GCN quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông C, bà C1 đối với 297m2 đất ở nêu trên không thấy có văn bản, tài liệu chứng cứ nào thể hiện có sự tặng cho, chuyển nhượng từ vợ chồng cụ K hay từ các đồng thừa kế cho vợ chồng ông C1 được toàn quyền sử dụng và kê khai cấp GCN đối với toàn bộ thửa đất.

Việc UBND huyện Phú X trong quá trình làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Đỗ Văn C, bà Nguyễn Thị C1 đối với thửa đất số 217, tờ bản đồ số 04, diện tích 297m2 ở thôn Nhân V, xã Văn N, huyện Phú X, TP Hà Nội chỉ căn cứ vào hồ sơ trình cấp của UBND xã Văn N, không thẩm tra nguồn gốc đất và hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận... để xác định lý do chuyển dịch, chuyển nhượng từ cụ K, cụ S2 sang cho ông C, bà C1... Do đó, dẫn đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng không đúng đối tượng đối với thửa đất nêu trên.

Do Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BI 152361, sổ vào sổ cấp GCN: “CH” 00228 ngày 28/3/2012 cấp cho vợ chồng ông C, bà C1 là không đúng pháp luật cả về trình tự thủ tục lẫn đối tượng được cấp.

Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Phú X cấp cho vợ chồng ông C bà C1 đối với thửa đất số 217, tờ bản đồ số 04, diện tích 297m2 ở thôn Nhân V, xã Văn N (nay là xã Nam T), huyện Phú X, thành phố Hà Nội là có căn cứ.

[2.1.5] Về chia thừa kế theo pháp luật:

- Về thời điểm mở thừa kế: Cụ Đỗ Quang K chết ngày 27/9/1987 là thời điểm mở thừa kế thứ nhất, cụ Trần Thị S2 chết ngày 20/4/1990 là thời điểm mở thừa kế thứ hai. Tuy nhiên, xét từ thời điểm cụ K chết đến thời điểm cụ S2 chết không có sự biến động gì về diện, hàng thừa kế cũng như di sản thừa kế... nên không cần thiết phải chia thừa kế tài sản ở từng thời điểm một, mà chỉ cần chia một lần sau thời điểm cụ S2 chết là phù hợp và vẫn không làm ảnh hưởng đến phần tài sản được chia thừa kế của họ theo qui định của pháp luật.

- Về diện và hàng thừa kế theo pháp luật: Xác định những người thừa kế theo pháp luật thuộc hành thừa kế thứ nhất của vợ chồng cụ K, cụ S2 gồm: ông Đỗ Văn C, bà Đỗ Thị S1, ông Đỗ Quang T, ông Đỗ Hùng S.

Mặc dù bà Đỗ Thị S1 bị Tòa án tuyên bố mất tích năm 2019, không xác định được thời điểm trở về, không rõ còn sống hay đã chết. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền và lợi ích của người bị tuyên bố mất tích, nên quyết định chia thừa kế cho bà S1 được hưởng theo giá trị suất thừa kế đồng thời giao cho một trong các đồng thừa kế quản lý phần di sản của bà S1 là phù hợp với quy định tại Điều 616 BLDS về người quản lý di sản và Điều 69 BLDS về quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích.

- Về xác định di sản thừa kế:

Các đương sự đều thống nhất: Khi còn sống vợ chồng cụ K, cụ S2 được cha ông để lại 01 thửa đất thổ cư có diện tích 297m2 là thửa số 217, tờ bản đồ số 04 ở thôn Nhân V, xã Văn N (nay là xã Nam T), huyện Phú X, TP Hà Nội. Về nhà ở và các công trình khác trên đất, các bên đương sự cũng xác nhận cụ K, cụ S2 xây dựng được 01 ngôi nhà cấp 4, khung gỗ, lợp ngói có diện tích đo đạc thẩm định được là 69,8m2, đến nay đã hết khấu hao, không còn giá trị.

Trên đất cũng có nhà bếp, nhà vệ sinh, bể nước, sân gạch, cổng, tường bao đều không còn giá trị sử dụng. Phía anh A trình bày cuối năm 2020 có xây sửa cải tạo lại nhà nhưng không đề nghị thẩm định, định giá lại. Ngoài ra, trên đất còn có một số cây xanh nhưng các bên đương sự đề nghị không định giá và nếu phải phân chia thì sẽ bỏ lại hoặc di chuyển ra chỗ khác cho phù hợp.

Như vậy, xác định di sản mà các cụ K, S2 để lại đến thời điểm hiện tại chỉ còn thửa đất thổ cư có diện tích 297m2 là thửa số 217, tờ bản đồ số 04 ở thôn Nhân V, xã Văn N (nay là xã Nam T), huyện Phú X, TP Hà Nội có trị giá là:

297m2 X 6.000.000đ/m2 = 1.782.000.000đ.

Ông T, ông S đi thoát ly từ trước năm 1987; bà S1 cũng đi lấy chồng ở thôn Nam Q, xã Nam T từ năm 1978 và sau đó bị mất tích; vợ chồng cụ K, cụ S2 chủ yếu sinh sống ăn ở cùng vợ chồng ông C, bà C1 trên nhà đất của các cụ; Sau khi cụ K rồi cụ S2 chết, từ năm 1990 trở đi di sản nêu trên cơ bản không có gì thay đổi... nên việc việc tính công sức tôn tạo di sản không đặt ra.

Tuy nhiên, sau khi cụ S2 mất, toàn bộ nhà đất mà các cụ để lại nêu trên đều do vợ chồng ông C, bà C1 quản lý, trông nom, gìn giữ, bảo quản... đến nay đã 32 năm; mặt khác, quá trình tố tụng, phía ông T, ông S cũng đề nghị Tòa án xem xét phần công sức trông nom giữ gìn thửa đất cho vợ chồng ông C, bà C1 bằng từ 5 đến 10% giá trị di sản... Nên việc tính công sức duy trì, bảo quản di sản cho ông C, bà C1 là phù hợp với tinh thần của Án lệ số 02/2016/AL ngày 06/4/2016 của Hội đồng thấm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Vì vậy, công sức trông nom, giữ gìn thửa đất được tính cho vợ chồng ông C, bà C1 và bằng hiện vật tương đương với 1/2 của 01 suất thừa kế theo pháp luật, cụ thể như sau:

01 suất thừa kế theo pháp luật = 297m2 : 4 = 74,25m2.

Phần công sức trông nom, giữ gìn thửa đất = 1/2 X 74,25m2 = 37,125m2 làm tròn thành 37m2. Trong đó ông C, bà C1 mỗi người được 18,5m2 X 6.000.000đ = 111.000.000 đ. Để tiện cho việc phân chia, sử dụng sau này, phần công sức của bà C1 nên giao cho ông C sử dụng nhưng ông C phải thanh toán trả bà C1 111.000.000đ.

+ Về phân chia di sản:

- Sau khi trừ đi 37m2 công sức trông nom, giữ gìn thửa đất cho vợ chồng ông C, bà C1, phần di sản thừa kế còn lại là 260m2 đất được chia đều cho 04 người con thuộc hàng thừa kế thứ nhất của các cụ K, cụ S2 gồm: ông Đỗ Văn C, bà Đỗ Thị S1, ông Đỗ Quang T, ông Đỗ Hùng S, mỗi người được hưởng 01 suất thừa kể bằng nhau và bàng 260 : 4 = 65m2.

- Do ông T, ông S đề nghị được hưởng bằng đất; mặc dù ông C không đồng ý chia thừa kế nhưng được xác định chia thừa kế theo pháp luật, do đó chia thừa kế cho ông C, ông T, ông S đều được hưởng bằng đất để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự. Theo đó, ông C1, ông T, ông S, mỗi người được chia 01 suất thừa kế tương ứng 65m2 đất.

- Do bà S1 bị tuyên bố mất tích, để tiện cho việc phân chia, sử dụng của các đồng thừa kế khác cũng như tiện cho việc quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích và tránh làm phát sinh các tranh chấp khác... toàn bộ kỷ phần thừa kế mà bà S1 được hưởng được giao cho ông C sử dụng nhưng ông C phải thanh toán trả cho bà S1 giá trị của kỷ phần thừa kế nêu trên tại thời điểm xét xử và bằng 65m2 X 6.000.000 đ = 390.000.000đ khi bà S1 trở về.

- Như vậy, sau khi phân chia di sản: Ông Đỗ Quang T và ông Đỗ Hùng S mỗi người được hưởng 65m2 đất; ông Đỗ Văn C được hưởng 01 suất thừa kế bằng 65m2 (của ông C) + 65m2 (của bà S1) + 37m2 (công sức trông nom, gìn giữ bảo quản di sản = 167m2 đất, trị giá 1.002.000.000đ (Một tỷ không trăm lẻ hai triệu đồng) nhưng phải thanh toán cho bà Đỗ Thị S1 giá trị suất thừa kế của bà S1 là 390.000.000đ (Ba trăm chín mươi triệu đồng) và thanh toán cho bà Nguyễn Thị C1 1/2 phần công sức trông nom, giữ gìn thửa đất là 111.000.000đ (Một trăm mười một triệu đồng).

+ Về phân chia trên hiện trạng: Thửa đất số 217, tờ bản đồ số 04 ở thôn Nhân V, xã Nam T, huyện Phú X, TP Hà Nội trên sơ đồ được giới hạn bởi các mốc 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 1 với các chiều tiếp giáp: Phía bắc giáp nhà ông N1, phía nam giáp ngõ xóm, phía đông giáp nhà ông A, ông V và phía tây giáp đường làng rộng. Tổng diện tích theo hiện trạng là 297m2 được phân chia như sau:

- Phần đất giao cho ông Đỗ Văn C có diện tích 167m2 được giới hạn bởi các mốc 1,2,3,4,5,10,1 có tứ cận: Phía bắc giáp nhà ông N1; phía nam giáp đất ông V và phần đất giao cho ông T; phía đông giáp nhà ông A, ông V; phía tây giáp đường làng.

- Về phần đất giao cho ông Đỗ Quang T có diện tích 65m2 được giới hạn bởi các mốc 10, 5, 6, 9, 10 có tứ cận: Phía bắc giáp phần đất giao cho ông C; phía nam giáp phần đất giao cho ông S; phía đông giáp đất nhà ông V; phía tây giáp đường làng.

- Phần đất giao cho ông Đỗ Hùng S có diện tích 65m2 được giới hạn bởi các mốc 9, 6, 7, 8, 9 có tứ cận: Phía bắc giáp phần đất giao cho ông T; phía nam giáp ngõ xóm, phía đông giáp nhà ông V; phía tây giáp đường làng.

+ Về các tài sản trên đất: Ông Đỗ Văn C được sở hữu, sử dụng các tài sản nằm trên 167m2 đất ông C được giao; Ông T, ông S được sở hữu, sử dụng các tài sản trên phần đất được giao và do các tài sản đã hết khấu hao, các bên không đề nghị định giá xác định giá trị nên đều không phải thanh toán chênh lệch đối với các tài sản này.

Một số cây xanh trên đất phía bị đơn chấp nhận di chuyển đi nên không đặt ra nghĩa vụ thanh toán đối với các tài sản là cây xanh trên đất.

[3] Với nhận định nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định như phần quyết định của bản án sơ thẩm là có căn cứ.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Đỗ Văn C, bà Nguyễn Thị C1 và anh Đỗ Ngọc A kháng cáo.

[4] Xét kháng cáo: Tại phiên tòa phúc thẩm phía người có kháng cáo cũng như người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không đưa ra được tài liệu, chứng cứ nào mới làm thay đổi bản chất, nội dung của vụ án để chấp nhận kháng cáo. Do đó, Hội đồng xét xử không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo.

Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm giao tài sản tạo lập của vợ chồng ông C, bà C1 trên đất tranh chấp chia thừa kế cho một mình ông C là không đúng. Cần phải giao tài sản này cho vợ chồng ông C, bà C1 thì mới phù hợp với pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bà C1; sửa bản án sơ thẩm về phần này và phù hợp với đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Ngoài ra, anh A cho rằng tài sản trên đất tranh chấp là của bố mẹ anh và trong đó anh có đóng góp, tạo dựng, tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm anh A mới đề nghị và mâu thuẫn với trình bày tại cấp sơ thẩm. Do đó, không có căn cứ chấp nhận đề nghị này của anh A.

[4] Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Đỗ Văn Ch, anh Đỗ Ngọc A không được chấp nhận kháng cáo nên phải nộp án phí phúc thẩm, tuy nhiên ông C là người cao tuổi nên Hội đồng xét xử xem xét miễn án phí cho ông C; do chấp nhận một phần kháng cáo nên bà Nguyễn Thị C1 không phải nộp án phí;

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không xem xét.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1, 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận kháng cáo của ông Đỗ Văn C và anh Đỗ Ngọc A; Chấp nhận một phần kháng cáo của bà Nguyễn Thị C1;

Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2022/DSST ngày 30/6/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Đỗ Quang T.

1. Tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BI 152361, số vào sổ cấp GCN: “CH” 00228 đối với thửa đất số 217, tờ bản đồ số 04, diện tích 297m2 ở thôn Nhân V, xã Văn N, huyện Phú X, TP Hà Nội do UBND huyện Phú X cấp ngày 28/3/2012 mang tên vợ chồng ông Đỗ Văn C, bà Nguyễn Thị C1.

2. Chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cụ Đỗ Quang K và cụ Trần Thị S2, theo đó:

2.1. Xác định di sản thừa kế của cụ Đỗ Quang K và cụ Trần Thị S2 là thửa đất số 217, tờ bản đồ số 04, diện tích 297m2 ở thôn Nhân V, xã Văn N, huyện Phú X, TP Hà Nội.

2.2. Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Đỗ Quang K và cụ Trần Thị S2 gồm: Ông Đỗ Văn C, bà Đỗ Thị S1, ông Đỗ Quang T và ông Đỗ Hùng S.

2.3. Phân chia di sản của cụ Đỗ Quang K và cụ Trần Thị S2 như sau:

2.3.1. Ông Đỗ Văn C được sử dụng diện tích 167m2 đất thổ cư nằm trong thửa đất số 217, tờ bản đồ số 04, diện tích 297m2 ở thôn Nhân V, xã Văn N, huyện Phú X, TP Hà Nội được giới hạn bởi các mốc 1,2,3,4,5,10,1 có tứ cận: Phía bắc giáp nhà ông N1; phía nam giáp đất ông V và phần đất giao cho ông T;

phía đông giáp nhà ông A, ông V; phía tây giáp đường làng, nhưng phải thanh toán trả bà Đỗ Thị S1 390.000.000đ phần giá trị kỷ phần thừa kế mà bà S1 được hưởng và thanh toán trả bà Nguyễn Thị C1 111.000.000 đ tiền công sức bảo quản, duy trì di sản.

Ông Đỗ Văn C, bà Nguyễn Thị C1 được sở hữu, sử dụng toàn bộ nhà, công trình phụ trên diện tích đất đã giao cho ông C nêu trên.

Giao ông Đỗ Văn C quản lý 390.000.000đ phần giá trị kỷ phần thừa kế mà bà Đỗ Thị S1 được hưởng nêu trên cho đến khi bà S1 trở về hoặc có sự thay đổi theo quy định của pháp luật.

2.3.2. Ông Đỗ Quang T được sử dụng và sở hữu các tài sản trên 65m2 đất thổ cư nằm trong thửa đất 217, tờ bản đồ số 04, diện tích 297m2 ở thôn Nhân V, xã Văn N, huyện Phú X, TP Hà Nội được giới hạn bởi các mốc 10, 5, 6, 9, 10 có tứ cận: Phía bắc giáp phần đất giao cho ông C; phía nam giáp phần đất giao cho ông S; phía đông giáp nhà ông V; phía tây giáp đường làng.

2.3.3. Ông Đỗ Hùng S được sử dụng và sở hữu các tài sản trên 65m2 đất thổ cư nằm trong thửa đất 217, tờ bản đồ số 04, diện tích 297m2 ở thôn Nhân V, xã Văn N, huyện Phú X, TP Hà Nội được giới hạn bởi các mốc 9, 6, 7, 8, 9 có tứ cận: Phía bắc giáp phần đất giao cho ông T; phía nam giáp ngõ xóm, phía đông giáp nhà ông V; phía tây giáp đường làng.

(Có sơ đồ phân chia chi tiết kèm theo bản án sơ thẩm) 3. Ông Đỗ Văn C, bà Nguyễn Thị C1, anh Đỗ Ngọc A phải di chuyển toàn bộ số cây xanh ra khỏi phần đất đã giao cho ông T, ông S nêu trên.

4. Về án phí:

4.1. Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Đỗ Văn C, bà Nguyễn Thị C1, ông Đỗ Quang T, bà Đỗ Thị S1 không phải nộp án phí dân sự sơ thẩm.

Ông Đỗ Hùng S phải chịu 19.490.625 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Trả lại cho ông Đỗ Quang T số tiền tạm ứng án phí 7.200.000 đồng đã nộp tại Biên lai thu tiền số AE/2010/0005615 ngày 12/12/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Phú X, thành phố Hà Nội.

4.2. Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Đỗ Văn C, bà Nguyễn Thị C1 không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm.

Anh Đỗ Ngọc A phải nộp 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, nhưng được đối trừ số tiền đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2012/0000904 ngày 15/7/2022 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự .

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

271
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 142/2023/DS-PT

Số hiệu:142/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 28/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về