Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 120/2023/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 120/2023/DS-PT NGÀY 09/03/2023 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Trong các ngày 08 và 09 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý 118/2021/TLPT-DS ngày 08 tháng 4 năm 2021 về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế” do có kháng cáo của Bị đơn đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 37/2020/DS-ST ngày 10 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh P.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1837/2023/QĐ-PT ngày 16 tháng 02 năm 2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, giữa các đương sự sau:

* Nguyên đơn: Ông Đỗ Chí Công M, sinh năm 1962; địa chỉ: số 17, tổ 3G, khu 2, phường G, thành phố V, tỉnh P (Có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Chu Văn Quyền - Công ty luật hợp danh Hùng Vương P thuộc Đoàn luật sư tỉnh P (Có mặt).

* Bị đơn: Bà Đỗ Thị Minh T, sinh năm 1955; địa chỉ: khu 6, xã T, huyện C, tỉnh P (Có mặt).

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. UBND huyện C, tỉnh P (Vắng mặt).

2. UBND xã H, huyện C, tỉnh P (Vắng mặt).

3. Ông Đỗ Đình T1, sinh năm 1946; địa chỉ: số 10/9 phố T, phường N, quận H, thành phố Hà Nội (Vắng mặt và có văn bản trình bày quan điểm).

4. Ông Đỗ Văn T2, sinh năm 1948 (đã chết ngày 01/7/2021);

Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của Ông T2:

- Bà Bùi Thị Minh T3, sinh năm 1953 và chị Đỗ Hoàng M1, sinh năm 1983; Cùng trú tại: trú tại: Tổ 16B, khu 2A, phường N, thành phố V, tỉnh P; (Đều vắng mặt).

- Anh Đỗ Sơn T4, sinh năm 1985 (Có mặt);

Người đại diện theo ủy quyền của Bà T3, chị M1: Anh Đỗ Sơn T4; Địa chỉ: Thôn V, xã L, huyện T, TP. Hà Nội (Có mặt).

5. Bà Đỗ Thị T5, sinh năm 1950; địa chỉ: số 43, tổ 3, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Thái Bình (Vắng mặt).

6. Bà Đỗ Thị Kim D, sinh năm 1959; địa chỉ: Tổ 5, khu 9, phường N, thành phố V, tỉnh P (Vắng mặt).

7. Bà Đỗ Thị O, sinh năm 1960; địa chỉ: khu 5, phường B, thành phố Y, tỉnh Vĩnh Phúc (Có mặt tại phiên tòa 08/3/2023, vắng mặt khi tuyên án).

Người đại diện theo ủy quyền của Ông T1, Bà D, Bà O: Ông Đỗ Chí Công M (Có mặt).

8. Anh Hà Bắc C, sinh năm 1981; hiện đang ở Trung tâm X tỉnh P (Vắng mặt).

9. Anh Hà Phú T6, sinh năm 1985; địa chỉ: số 419, khu chung cư P/H, phường H, thành phố H, tỉnh Hưng Yên (Có mặt).

10. Chị Hà Thị Thanh V, sinh năm 1987; địa chỉ: số 28, tổ 5, khu 9, phường N, thành phố V, tỉnh P (Vắng mặt).

11. Ông Hà Công V1, sinh năm 1954; địa chỉ: khu Đ, xã T, huyện C, tỉnh P (Vắng mặt); Ông V1 ủy quyền cho Bà Đỗ Thị Minh T (Có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ông V1: Ông Lê Hữu L- Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm E tỉnh P (Vắng mặt và có văn bản từ chối của Ông V1).

12. Cụ Trần Thị N, sinh năm 1928; địa chỉ: khu Đ, xã T, huyện C, tỉnh P (Vắng mặt); Cụ N ủy quyền cho Bà Đỗ Thị Minh T (Có mặt).

13. Chị Đỗ Thị N1, sinh năm 1992; địa chỉ: khu Đ, xã T, huyện C, tỉnh P (Vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Căn cứ tài liệu chứng cứ trong hồ sơ và bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

1. Nguyên đơn Ông Đỗ Chí Công M khởi kiện trình bày và yêu cầu: Bố mẹ đẻ Ông Đỗ Chí Công M là cụ Đỗ Văn H(chết năm 1997) và cụ Phạm Thị D2 (chết năm 2014). Cụ D2 và cụ H có 07 người con chung là: Ông Đỗ Đình T1, Ông Đỗ Văn T2, Bà Đỗ Thị T5, Bà Đỗ Thị Minh T, Bà Đỗ Thị Kim D, Bà Đỗ Thị O, Ông Đỗ Chí Công M. Ngoài ra cụ H, cụ D2 không còn người con chung, con riêng nào khác. Tài sản của các cụ H, cụ D2 để lại gồm: Thửa đất số 111 (gò Chúc), diện tích 1.621m2 (400m2 đất thổ cư, 1.221m2 đất vườn); Thửa số 114 (gò Chúc), diện tích 280m2 đất vườn; Thửa số 07 (Dộc Huyện), diện tích 408m2 đất lúa; Thửa số 09 (Dộc Huyện), diện tích 288m2 đất lúa mạ; Thửa số 185 (Đầu Sậu), diện tích 24m2 đất mạ; Thửa số 368-4 (Đầu Sậu), diện tích 48m2 đất mạ; Địa chỉ thửa đất: Đội 3, xã T (nay là xã H), huyện C, tỉnh P. Năm 1991, hộ cụ Đỗ Văn H đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây viết tắt là GCNQSDĐ) lần đầu đối với diện tích đất trên. Trên đất có 05 gian nhà gỗ lợp lá cọ tường đất, 02 gian nhà bếp lợp lá cọ. Năm 1997, cụ H chết không để lại di chúc, gia đình Ông M không họp gia đình để phân chia di sản thừa kế. Năm 1998, cụ D2 chuyển xuống G để sống cùng con trai là Ông Đỗ Đình T1 (anh trai Ông M), nhờ Bà Đỗ Thị Minh T cất giữ bìa đỏ và chìa khóa nhà. Đến năm 2014, cụ D2 chết và cũng không để lại di chúc. Sau khi cụ D2 chết, Ông M mới biết UBND huyện C, đã cấp GCNQSDĐ cho Bà Đỗ Thị Minh T toàn bộ di sản mà cụ H, cụ D2 để lại. Ông M khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy GCNQSDĐ số Q 238242, do UBND huyện C cấp cho hộ Bà Đỗ Thị Minh T theo Quyết định số 345/QĐ-UB ngày 24/9/1999 đối với thửa đất số 11b, tờ bản đồ số 5b, diện tích 1.621m2 (đất ở nông thôn 400m2, đất trồng cây lâu năm 1.221m2) địa chỉ thửa đất tại khu 3, xã T (nay là xã H), huyện C, tỉnh P và chia di sản thừa kế theo pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án, Ông M với tư cách là nguyên đơn, đồng thời là đại diện theo ủy quyền của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đề nghị chia di sản thừa kế để các đồng thừa kế được quyền sử dụng diện tích đất có chiều rộng mặt đường 44,62m, chiều sâu 39,38m. Còn diện tích đất lúa Ông M đề nghị chia cho bà T thừa kế theo quy định pháp luật. Luật sư bổ sung ý kiến: quá trình giải quyết không chứng minh được việc Ông M đã nhận tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bà T tự kê khai nhưng Ông V1 lại ký tên, UBND xã xác nhận không có ngày tháng, không có nội dung. Đề nghị chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn.

2. Bị đơn Bà Đỗ Thị Minh T trình bày: Về mối quan hệ gia đình và tài sản của cụ H, cụ D2 như Ông M trình bày như trên là đúng. Tuy nhiên, vợ chồng bà đã mua lại toàn bộ diện tích đất của bố mẹ bà với giá 15.000.000đồng, đã được sự thống nhất của mẹ bà là cụ D2 và toàn thể các anh em trong gia đình tại buổi họp gia đình vào ngày tổ chức 49 ngày của cụ H. Hiện nay, bà đang cho Chị Đỗ Thị N1 thuê đất để làm quán bán hàng. Đối với diện tích đất lúa 768m2 tại thửa 114, sau khi dồn điền đổi thửa chỉ còn 708m2 và vẫn do bà quản lý canh tác. Năm 2009, mẹ bà có nhu cầu trở về quê ở, nên vợ chồng bà đã viết giấy chuyển nhượng lại cho cụ D2 240m2 đất để làm nhà, nhưng chưa làm nhà ở và cụ D2 chưa được cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đất đó. Bà T không nhất trí yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày:

3.1. . Ông Hà Công V1 (chồng bà T): Về nguồn gốc và việc mua bán đất, Ông V1 trình bày thống nhất như bà T đã trình bày, cho rằng đã mua toàn bộ tài sản với giá mười lăm triệu đồng, không nhất trí chia thừa kế. Luật sư bổ sung ý kiến: đề nghị bác đơn khởi kiện vì đã thể hiện việc bán toàn bộ tài sản.

3.2. Anh Hà Phú T6: Anh T6 không đồng ý với yêu cầu chia di sản của Ông M, anh ủy quyền cho em gái của anh là Chị Hà Thị Thanh V. Quan điểm của Chị V là quan điểm của anh.

3.3. Chị Hà Thị Thanh V: Chị được biết vào tổ chức 49 ngày mất của cụ H, bà ngoại chị là cụ D2 đã họp toàn thể các con (con trai, con gái, con dâu, con rể) và các anh chị em của ông bà ngoại chị họp, thống nhất bán toàn bộ mảnh đất cho mẹ chị là bà T với giá 15.000.000đồng. Mẹ chị đã trả số tiền trên. Chị đề nghị Tòa án giải quyết đảm bảo quyền lợi cho mẹ chị.

3.4. Bà Đỗ Thị T5: Bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Ông M. Nếu được chia di sản thừa kế của bố mẹ, bà từ chối nhận kỷ phần thừa kế của mình và bà không cho ai kỷ phần đó.

3.5. Cụ Trần Thị N: (mẹ Ông V1) ủy quyền cho . Ông Hà Công V1 tham gia giải quyết công việc.

3.6. Đại diện Ủy ban nhân dân huyện C trình bày: Hộ Bà Đỗ Thị Minh T đã được UBND huyện S (nay là huyện C), cấp GCNQSDĐ số Q 238242 theo Quyết định số 345/QĐ-UB ngày 24/9/1999 đối với thửa đất số 11b, tờ bản đồ số 5b, diện tích 1.621m2 (đất ở nông thôn 400m2, đất trồng cây lâu năm 1.221m2) địa chỉ thửa đất tại khu 3, xã T (nay là xã H), huyện C, tỉnh P. Nguồn gốc sử dụng đất do bố mẹ để lại. Năm 2002, thu hồi 44m2 (loại đất nông thôn) để mở rộng đường quốc lộ 32C; diện tích thửa số 11, tờ bản đồ số 5b, còn lại là 1.577m2 (trong đó 124,97m2, đất trồng cây lâu năm 1.221m2). Năm 2009, thu hồi 231,03m2 (loại đất nông thôn); diện tích thửa số 11, tờ bản đồ số 5b, còn lại là 1.345,97m2 (trong đó 356m2, đất trồng cây lâu năm 1.221m2). Hồ sơ cấp GCNQSDĐ của hộ Bà Đỗ Thị Minh T được Hội đồng đăng ký đất đai xã T nhất trí, UBND huyện S (nay là huyện C) cấp đảm bảo đúng quy định pháp luật.

3.7. Đại diện Ủy ban nhân dân xã H trình bày: Về nguồn gốc đất của cụ Đỗ Văn H: Năm 1971, do ngập lụt gia đình cụ H chuyển từ ngoài soi (khu B) vào ở. Năm 1991, cụ H được công nhận quyền sử dụng đất. Năm 1995, gia đình ông H kê khai để cấp GCNQSDĐ tại tờ khai ngày 14/4/1999. Năm 1997, cụ H chết. Năm 1998, con gái cụ H là Bà Đỗ Thị Minh T kê khai và cấp đổi GCNQSDĐ, đứng tên hộ Bà Đỗ Thị Minh T và được cấp GCNQSDĐ ngày 24/9/1999. Từ năm 1998 đến nay, gia đình bà T quản lý sử dụng ổn định, không tranh chấp với ai. Qúa trình sử dụng đất bà T đã được cấp đổi GCNQSDĐ 02 lần, chuẩn bị cấp 1 lần. Trong suốt thời gian sử dụng đất, Ông Đỗ Chí Công M và gia đình không có ý kiến đề nghị gì với UBND xã, UBND huyện về tranh chấp QSDĐ của gia đình bà T. Các lần cấp đổi GCNQSDĐ, đơn vị thực hiện dự án và UBND xã đều thực hiện theo trình tự, thủ tục công khai theo quy định. Đề nghị giải quyết theo quy định pháp luật.

3.8. Chị Đỗ Thị N1 (là người thuê đất của bà T) trình bày: Chị N1 có thuê đất của bà T để làm quán bán hàng. Chị đã làm 01 nhà lá bốn gian, 03 chòi lá, các tài sản phục vụ kinh doanh đều là của chị. Chị đề nghị tiếp tục được thuê đất để kinh doanh và đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt chị.

Bà Đỗ Thị Minh T, Ông Đỗ Chí Công M thống nhất sử dụng kết quả xem xét thẩm định tại chỗ ngày 26/9/2019 để làm căn cứ giải quyết vụ án. Quan điểm của UBND huyện C, UBND xã H về diện tích xem xét thẩm định tại chỗ ngày 26/9/2019 (diện tích thực tế có tăng lên 830,83m2 so với GCNQSDĐ của bà T) là do phép đo.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 37/2020/DS-ST ngày 10/11/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh P đã quyết định: Áp dụng khoản 5 Điều 26, khoản 4 Điều 34, Điều 35, Điều 37, các Điều 147, 157, 165 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 609, 610, 612, 613, 620, 623, 649, 650, 651 Bộ luật Dân sự 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí lệ phí toà án; Xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ông Đỗ Chí Công M về yêu cầu chia di sản của cụ Đỗ Văn H và cụ Phạm Thị D2 .

Hủy GCNQSDĐ số Q238242 do UBND huyện C cấp ngày 24/9/1999 mang tên chủ hộ Bà Đỗ Thị Minh T.

Xác định cụ Đỗ Văn H chết năm 1997 và cụ Phạm Thị D2 chết năm 2014 đều không để lại di chúc.

- Xác định những người trong hàng và diện thừa kế tài sản của cụ Đỗ Văn Hàn và cụ Phạm Thị D2 gồm có: Ông Đỗ Đình T1, Ông Đỗ Văn T2, Bà Đỗ Thị T5, Bà Đỗ Thị Minh T, Bà Đỗ Thị Kim D, Bà Đỗ Thị O, Ông Đỗ Chí Công M.

Xác nhận di sản thừa kế của cụ Đỗ Văn Hvà cụ Phạm Thị D2 để lại gồm có tài sản sau:

- Thửa đất số 111, thửa đất số 5b diện tích 1.929,9m2 (Trong đó có 124,7m2 đất ở và 1.805,2m2 đất vườn) = 185.298.240 đồng.

Tài sản gắn liền với thửa đất số 111, tờ bản đồ số 5b: 01 ngôi nhà cấp bốn 05 gian bằng gỗ lợp lá cọ giá trị = 0 đồng; 02 gian bếp lợp lá cọ giá trị = 0 đồng;

Thửa đất số 114 (đất vườn), tờ bản đồ số 05, diện tích theo GCNQSDĐ và diện tích thực tế là 280m2. Trị giá tài sản: 280m2 x 61.200đ/m2 = 17.136.000đồng.

Thửa số 114, 09, 185, 286.4 (đất lúa) nay dồn thành thửa số 471 diện tích 708m2. Trị giá tài sản: 708m2 x 30.600đ/m2 = 21.664.800 đồng.

Địa chỉ thửa đất: Đội 3, xã T (nay là xã H), huyện C, tỉnh P.

Chia di sản thừa kế của cụ Đỗ Văn H và cụ Phạm Thị D2 như sau:

- Chia cho Ông Đỗ Chí Công M được hưởng phần di sản là thửa đất có diện tích 517,6m2 (60m2 đất ở + 457,6m2 đất vườn) = 64.005.120 đồng (Sáu mươi tư triệu không trăm linh năm nghìn một trăm hai mươi đồng) theo các chỉ giới 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 9 thuộc tờ bản đồ số 111, thửa số 5b, địa chỉ: đội 3, xã T (nay là xã H), huyện C, tỉnh P (có sơ đồ trích đo hiện trạng sử dụng đất ngày 26/9/2019 kèm theo) và được sở hữu toàn bộ tài sản cây cối lâm lộc trên phần diện tích đất được hưởng.

- Chia cho Bà Đỗ Thị O được hưởng phần di sản là thửa đất có diện tích 282,5m2 đất vườn trị giá 17.289.000đồng (Mười bảy triệu hai trăm tám mươi chín nghìn đồng) theo các chỉ giới 7, 8, 9, 16, 17, 7 thuộc tờ bản đồ số 111, thửa số 5b, địa chỉ: đội 3, xã T (nay là xã H), huyện C, tỉnh P (có sơ đồ trích đo hiện trạng sử dụng đất ngày 26/9/2019 kèm theo) và được sở hữu toàn bộ tài sản cây cối lâm lộc trên phần diện tích đất được hưởng.

- Chia cho Ông Đỗ Đình T1 được hưởng phần di sản là thửa đất có diện tích 282,5m2 đất vườn trị giá 17.289.000đồng (Mười bảy triệu hai trăm tám mươi chín nghìn đồng) theo các chỉ giới 6, 7, 17, 18, 6 thuộc tờ bản đồ số 111, thửa số 5b, địa chỉ: đội 3, xã T (nay là xã H), huyện C, tỉnh P (có sơ đồ trích đo hiện trạng sử dụng đất ngày 26/9/2019 kèm theo) và được sở hữu toàn bộ tài sản cây cối lâm lộc trên phần diện tích đất được hưởng.

- Chia cho Ông Đỗ Văn T2 được hưởng phần di sản là thửa đất có diện tích 282,5m2 đất vườn trị giá 17.289.000đồng (Mười bảy triệu hai trăm tám mươi chín nghìn đồng) theo các chỉ giới 5, 6, 18, 19, 5 thuộc tờ bản đồ số 111, thửa số 5b, địa chỉ: đội 3, xã T (nay là xã H), huyện C, tỉnh P (có sơ đồ trích đo hiện trạng sử dụng đất ngày 26/9/2019 kèm theo) và được sở hữu toàn bộ tài sản cây cối lâm lộc trên phần diện tích đất được hưởng.

- Chia cho Bà Đỗ Thị Kim D được hưởng phần di sản là thửa đất có diện tích 282,4m2 đất vườn trị giá 17.282.880 đồng (Mười bảy triệu, hai trăm tám mươi hai nghìn, tám trăm tám mươi đồng) theo các chỉ giới 4, 5, 19, 20, 4 thuộc tờ bản đồ số 111, thửa số 5b, địa chỉ: đội 3, xã T (nay là xã H), huyện C, tỉnh P (có sơ đồ kèm theo) và được sở hữu toàn bộ tài sản cây cối lâm lộc trên phần diện tích đất được hưởng.

- Chia cho Bà Đỗ Thị Minh T được hưởng phần di sản gồm:

+) Thửa đất có diện tích 282,4m2 (Trong đó 64,7m2 đất ở và 217,7m2 đất vườn) trị giá 52.143.240 đồng (Năm mươi hai triệu, một trăm bốn mươi ba nghìn, hai trăm bốn mươi đồng) theo các chỉ giới 1, 2, 3, 4, 20, 21, 1 thuộc tờ bản đồ số 111, thửa số 5b, địa chỉ: đội 3, xã T (nay là xã H), huyện C, tỉnh P (có sơ đồ trích đo hiện trạng sử dụng đất ngày 26/9/2019 kèm theo) và được sở hữu toàn bộ tài sản cây cối lâm lộc trên phần diện tích đất được hưởng.

+) Thửa đất số 471, diện tích 791,6m2 đất lúa trị giá 24.222.960 đồng (Hai mươi bốn triệu, hai trăm hai mươi hai nghìn, chín trăm sáu mươi tư đồng) theo các chỉ giới 1, 2, 3, 4, 5, 1 tại khu xóm Chùa, xã H, huyện C, tỉnh P (có sơ đồ kèm theo).

- Thửa đất số 578 diện tích 280m2 đất cây lâu năm trị giá 17.136.000 đồng (mười bảy triệu, một trăm ba mươi sáu nghìn đồng) theo các chỉ giới 1, 2, 3, 4, 5, l tại khu xóm Chùa, xã H, huyện C, tỉnh P (có sơ đồ kèm theo).

Tổng cộng Bà Đỗ Thị Minh T được hưởng 90.944.040 đồng (Chín mươi triệu, chín trăm bốn mươi bốn nghìn, không trăm bốn mươi đồng).

Bà Đỗ Thị Minh T có trách nhiệm thanh toán chênh lệch tài sản cho Bà Đỗ Thị O, Ông Đỗ Đình T1, Ông Đỗ Văn T2, Bà Đỗ Thị Kim D, mỗi người số tiền là 11.850.000 đồng (Mười một triệu tám trăm năm mươi nghìn đồng).

- Ông Đỗ Chí Công M có trách nhiệm thanh toán chênh lệch tài sản cho Bà Đỗ Thị O, Ông Đỗ Đình T1, Ông Đỗ Văn T2, Bà Đỗ Thị Kim D, mỗi người số tiền là 6.950.000 đồng (Sáu triệu, chín trăm năm mươi nghìn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu người có nghĩa vụ không thi hành thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng thời gian chậm trả. Lãi suất do chậm trả tiền được thực hiện theo quy định khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự.

Chị Đỗ Thị N1 là người thuê đất của bà T có nghĩa vụ tháo dỡ 01 nhà lá bốn gian, 03 chòi lá và các tài sản phục vụ kinh doanh khi đương sự có yêu cầu.

Chị Đỗ Thị N1 thuê đất của bà T để làm quán bán hàng. Chị N1 đã làm 01 nhà lá bốn gian, 03 chòi lá và các tài sản phục vụ kinh doanh. Khi bản án có hiệu lực Chị N1 phải có nghĩa vụ tháo dỡ tài sản chuyển đi khi có yêu cầu của đương sự.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về chi phí tố tụng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 20/11/2020, bị đơn Bà Đỗ Thị Minh T kháng cáo đề nghị: Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị bác đơn khởi kiện của Ông M.

Nguyên đơn đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm; Luật sư đề nghị bác kháng cáo, y án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm: Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án đảm bảo đúng quy định pháp luật; Về đường lối giải quyết, đề nghị sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 37/2020/DS-ST ngày 10/11/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh P theo hướng: xác định thửa số 47, diện tích 791m2 không chia thừa kế; các quyết định còn lại giữ nguyên như quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng: Toà án cấp sơ thẩm cơ bản tuân thủ Bộ luật Tố tụng dân sự; đơn kháng cáo trong thời hạn luật định, được xem xét theo trình tự phúc thẩm; tại phiên tòa phúc thẩm vắng mặt một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nhưng đã được Toà án triệu tập hợp lệ nên Toà án cấp phúc thẩm xét xử vắng mặt theo quy định của pháp luật. Bà T đề nghị hoãn vì vắng Ông T1, nhưng phiên toà đã hoãn nhiều lần để triệu tập Ông T1, tuy nhiên Ông T1 đã có văn bản xin vắng mặt vì sức khoẻ không đảm bảo và uỷ quyền cho Ông M, nên Hội đồng xét xử xét thấy đề nghị hoãn của bị đơn không có căn cứ để chấp nhận.

[2]. Về thẩm quyền, quan hệ pháp luật: Căn cứ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, quan điểm của bị đơn và các đương sự trong vụ án. Quan hệ pháp luật giải quyết là tranh chấp yêu cầu chia di sản thừa kế, hủy quyết định cá biệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tòa án cấp sơ thẩm xác định đối tượng, thẩm quyền, quan hệ pháp luật, thụ lý và giải quyết là có căn cứ, phù hợp Điều 26, Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3]. Về nội dung:

[3.1]. Về thời hiệu khởi kiện: Các đương sự đều thừa nhận cụ Đỗ Văn H chết năm 1997, cụ Phạm Thị D2 chết năm 2014. Căn cứ ngày khởi kiện chia thừa kế tại đơn khởi kiện của Ông M, Toà án cấp sơ thẩm xác định còn thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3.2]. Về hàng thừa kế: Các đương sự đều thống nhất, cụ H và cụ D2 có 07 người con gồm Ông T1, Ông T2, Bà T5, bà T, Bà D, Bà O, Ông M, hai cụ không có con nuôi, con riêng. Toà án cấp sơ thẩm xác định là có căn cứ. Việc này tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm, các đương sự đều công nhận, không có ý kiến gì.

[3.3]. Về di sản thừa kế: Tại cấp sơ thẩm, phúc thẩm các đương sự đều thống nhất di sản của cụ H và cụ D2 để lại gồm: Diện tích đất 1.621m2 (400m2 đất thổ cư, 1.221m2 đất vườn); Diện tích đất 280m2 đất vườn; Diện tích đất 408m2 đất lúa; Diện tích đất 288m2 đất lúa mạ; Diện tích đất 24m2 đất mạ; Diện tích đất 48m2 đất mạ và 05 gian nhà gỗ lợp lá cọ tường đất, 02 gian nhà bếp lợp lá cọ. Do vậy, Toà án cấp sơ thẩm xác định di sản gồm các tài sản trên là có căn cứ.

[3.4]. Xét quan điểm của các đương sự:

[3.4.1]. Xét nguồn gốc đất: Ông Đỗ Chí Công M và quan điểm của Ông T1, Ông T2, Bà D, Bà O (uỷ quyền cho Ông M) đề nghị chia thừa kế và huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các thửa đất: Thửa đất số 111 (Gò Chúc) diện tích 1.621m2 (nay là thửa số 111, diện tích 1.929m2), thửa đất số 114 (Gò Chúc) diện tích 280m2 (nay là thửa số 578, diện tích 280m2), thửa đất số 07 diện tích 408m2 đất lúa, thửa đất 09 diện tích 288m2, thửa đất số 185 diện tích 24m2, thửa đất số 368-4 diện tích 48m2, nay dồn thành thửa số 471 diện tích 791m2. Đối với thửa số 111, quá trình sử dụng bị thu hồi để làm đường, bà T đã nhận tiền đền bù, Ông M không yêu cầu. Xét thấy, nguồn gốc đất của cụ H và cụ D2 vào năm 1971, do ngập lụt gia đình cụ H chuyển từ ngoài soi (khu B) vào ở. Năm 1991, cụ H được công nhận quyền sử dụng đất. Năm 1995, gia đình cụ H kê khai để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại tờ khai ngày 14/4/1999. Năm 1997, cụ H chết. Năm 1998, con gái cụ H là Bà Đỗ Thị Minh T kê khai và hộ bà T đã được UBND huyện SÔng T2 (huyện C) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định số 345 ngày 24/9/1999. Đối với thửa số 11b, tờ bản đồ 5b, diện tích 1.621m2 (400m2 đất ở, 1.221m2 trồng cây), nguồn gốc sử dụng đất do bố mẹ để lại. Năm 2002 thu hồi 44m2 (loại đất nông thôn) để mở rộng quốc lộ 32C; diện tích còn lại là 1.577m2. Năm 2009 thu hồi 231,03m2 đất ở, diện tích còn lại là 1.345,97m2. Hồ sơ cấp GCNQSDĐ của hộ bà T được Hội đồng đăng ký đất đai xã T nhất trí, UBND huyện SÔng T2 (nay là huyện C) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà T. Quá trình sử dụng bà T đã được cấp đổi 02 lần giấy chứng nhận. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận trước năm 1999 địa phương không lưu trữ. Căn cứ cung cấp của địa phương, lời khai của nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tại cấp sơ thẩm, phúc thẩm đều khẳng định: Đất tranh chấp là của cụ H và cụ D2 .

[3.4.2]. Xét quan điểm của bị đơn: Bà T xác định sau khi cụ H chết, cúng 49 ngày cụ H thì cụ D2 cùng các con có họp, thống nhất chuyển nhượng lại toàn bộ đất, nhà 2 cụ cho bà T và thống nhất với giá 15.000.000đồng. Việc này có toàn thể anh em trong gia đình và các cô chú đều thống nhất. Xét thấy, bà T xác định có cuộc họp gia đình thống nhất chuyển nhượng đất, nhưng không xuất trình được biên bản họp gia đình để thống nhất việc chuyển nhượng này. Tại phiên toà, bà T xác định chỉ thống nhất bằng miệng, không lập văn bản gì. Trong khi đó, các thừa kế (Ông M, Ông T1, Ông T2, Bà D, Bà O) đều không thừa nhận có việc này, khẳng định không có việc chuyển nhượng, 49 ngày cụ H không họp bàn chuyển nhượng đất cho vợ chồng bà T. Bà T xác định có các cô chú bác chứng kiến. Tuy nhiên, chính những người hưởng thừa kế không công nhận, không có cuộc họp, không có văn bản, nên không có căn cứ để xác định khi cúng 49 ngày cụ H, các anh em, cụ D2 họp thống nhất chuyển nhượng đất cho gia đình bà T. Về việc trả số tiền 15.000.000đồng cho Ông M, xét thấy quá trình giải quyết, Ông M không công nhận việc bà T đưa cho Ông M số tiền 15.000.000đồng, trong khi đó bà T cũng không có tài liệu chứng minh việc giao nhận tiền, cũng không có người làm chứng. Đối với những nhân chứng bà L1, ông L2, ông B1 xác nhận Ông M đã nhận đủ tiền, nhưng không ai chứng kiến việc giao nhận tiền. Anh Q1, anh P xác nhận có việc cụ D2 cùng 07 người con thống nhất bán nhà đất cho bà T với giá 15.000.000đồng, nhưng không chứng kiến việc giao nhận tiền. Trong khi đó, chính bà T xác định họp gia đình không có biên bản họp, giao tiền cho Ông M không có biên bản vì là tình cảm anh em tin tưởng. Như vậy, với nhận định trên, không có căn cứ xác định việc gia đình cụ D2 và 07 người con khi cúng 49 ngày cụ H, đã thống nhất chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng bà T, không có căn cứ việc Ông M nhận 15.000.000đồng do bà T đưa trả. Bà T chứng minh từ việc họp, giao tiền chuyển nhượng thì mới có việc lập giấy ngày 15/10/1998. Xét thấy, văn bản bà T xuất trình là Giấy chuyển quyền sử dụng đất đai, nhà cửa lập vào ngày 15/10/1998 có nội dung: Nay tôi là mẹ của cháu T, cùng toàn thể các con tôi đều đã thống nhất trao quyền sử dụng toàn bộ đất đai, nhà cửa cho con tôi là Đỗ Thị Minh T, cụ D2 ký, đến ngày 18/10/1999 thì Ông T2 ký xác nhận chữ ký của cụ D2 , sau đó có dấu và chữ ký của chính quyền địa phương. Xét văn bản này, Hội đồng xét xử thấy rằng: Tại phiên toà, chính bà T thừa nhận là người viết văn bản này, sau đó đưa cụ D2 ký. Căn cứ nội dung văn bản thì chính bà T viết là Giấy chuyển quyền sử dụng đất và nhà cửa, không thể hiện bất cứ việc mua bán, chuyển nhượng, không ghi cụ thể giá tiền như đã thoả thuận. Tại phiên toà, bà T xác định văn bản ghi nội dung như thế là để trốn thuế. Nội dung văn bản này đã thể hiện không có việc chuyển nhượng, trong văn bản nêu rõ có sự thống nhất của các con, nhưng không có chữ ký của các con (sau 03 ngày mới có chữ ký của Ông T2 xác nhận chữ ký của cụ D2 ). Như vậy, việc bà T tự viết, sau đó đưa cụ D2 ký, trong khi cụ D2 gần 80 tuổi, không có các con, không có người làm chứng, bà T ghi chuyển quyền cho chính bà T, Ông T2 không chứng kiến trực tiếp cụ D2 ký mà chỉ ký xác nhận chữ ký. Sau đó mới có dấu xác nhận của xã, không vào sổ sách đăng ký, xã xác nhận cũng không đúng vì xác nhận không có mặt cụ D2 , không biết đó có phải là chữ cụ D2 hay không. Trong khi đó, chính bà T xác nhận đã có cuộc họp gia đình anh em thống nhất, có việc giao tiền cho Ông M, nhưng không yêu cầu lập biên bản để làm căn cứ. Việc bà T xác định nhận chuyển nhượng nhưng lập giấy chuyển quyền với mục đích trốn thuế là không phù hợp pháp luật. Cũng như việc nhận chuyển nhượng thì các anh em đều không ai biết, cụ D2 có bảo không biết chữ nên việc này là không khả quan, không thể hiện đúng ý chí của cụ D2 cũng như sự tự nguyện chuyển quyền sử dụng đất và tài sản của cụ D2 , nên văn bản này là không phù hợp với quy định của pháp luật. Mặc dù bà T xuất trình 01 bản photo lá thư của Ông T2, đưa ra các phương án về đất nhưng đây chỉ tài liệu photo, nên không có căn cứ để xác định của sự kiện theo quy định của pháp luật. Mặt khác, theo hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho bà T thể hiện: Có 02 đơn đăng ký quyền sử dụng đất, 01 đơn đăng ký quyền sử dụng đất ngày 15/4/1995 phần tên Đỗ Văn H bị gạch chéo; 01 đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất 03/5/1995 tên chủ sử dụng đất là Đỗ Thị Minh T đối với các thửa đất đang tranh chấp, trong đơn là . Ông Hà Công V1 ký và được Hội đồng đăng ký đất đai xã T xét duyệt ngày 23/8/1999. Tuy nhiên, theo trích lục khai tử thì cụ H chết năm 1997, như vậy đơn Đăng ký quyền sử dụng đất của bà T ngày 03/5/1995 là có trước khi cụ H chết. Điều này cũng thể hiện chưa minh bạch, nên không có căn cứ xác định cụ D2 và các đồng thừa kế của cụ H chuyển nhượng tài sản là các thửa đất nêu trên cho bà T. Do vậy, căn cứ bà T đưa ra, Toà án cấp sơ thẩm không chấp nhận là có căn cứ.

[3.4.3]. Xét quan điểm của nguyên đơn thấy: Việc mua bán chuyển nhượng mà bà T đưa ra không có căn cứ như nhận định trên, nên yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của nguyên đơn là có căn cứ, Toà án cấp sơ thẩm căn cứ hiện trạng, giá trị di sản, công sức, nhu cầu sử dụng đất đã chia cho các đương sự là đúng pháp luật.

[3.5]. Đối với yêu cầu huỷ Giấy chứng nhận: Xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm xem xét trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận là không đúng pháp luật, ảnh hưởng quyền lợi của đương sự, nên cấp sơ thẩm đã huỷ GCNQSD đất số Q238242 do UBND huyện C cấp ngày 24/9/1999, mang tên chủ hộ Bà Đỗ Thị Minh T là có căn cứ.

[4]. Với những căn cứ trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm đồng tình với nhận định và quyết định tại Bản án dân sự sơ thẩm số 37/2020/DSST ngày 10/11/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh P. Do vậy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị đơn, Hội đồng xét xử bác kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[5]. Quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội: Xét thấy, các căn cứ và lập luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa được chấp nhận một phần.

[6]. Về án phí: Kháng cáo không được chấp nhận, tuy nhiên bà T là người cao tuổi, nên cấp phúc thẩm miễn án phí dân sự phúc thẩm theo pháp luật.

Vì các lẽ trên, Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

QUYẾT ĐỊNH

1. Không chấp nhận kháng cáo của Bà Đỗ Thị Minh T.

2. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 37/2020/DSST ngày 10/11/2020 của Toà án nhân dân tỉnh P.

3. Về án phí: Bà Đỗ Thị Minh T không phải nộp án phí phúc thẩm dân sự.

4. Các quyết định khác của bản án dân sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

287
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 120/2023/DS-PT

Số hiệu:120/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 09/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về