Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 06/2024/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

BẢN ÁN 06/2024/DS-PT NGÀY 25/01/2024 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 25 tháng 01 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh P xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 76/2023/TLPT-DS ngày 08 tháng 11 năm 2023 về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2023/DS-ST ngày 12 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân thị xã P T, tỉnh P có kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 93/2023/QĐXXPT-DS ngày 25 tháng 12 năm 2023; Quyết định hoãn phiên tòa số 01/2024/QĐ-PT ngày 09/01/2024, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Vi Văn N, sinh năm 1967, địa chỉ: Số nhà X, đường M Đ, Tổ dân phố Y, N M, M Đ, quận N T L, thành phố Hà Nội; ĐT: 0385 910 471; Có mặt.

Bị đơn: Ông Vi Quang H, sinh năm 1962, địa chỉ: Khu T B, phường T V, thị xã P T, tỉnh P; Có mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Vi Thị Huyền N, sinh năm 1952, địa chỉ: Khu T B, phường T V, thị xã P T, tỉnh P; Có đơn xin vắng mặt.

- Bà Vi Thị B, sinh năm 1952, địa chỉ: Khu T B, phường T V, thị xã P T, tỉnh P; Vắng mặt đã được triệu tập hợp lệ.

- Bà Vi Thị V, sinh năm 1954, địa chỉ: Khu T B, phường T V, thị xã P T, tỉnh P; Vắng mặt đã được triệu tập hợp lệ.

- Ông Vi Văn H, sinh năm 1957, địa chỉ: Khu T B, phường T V, thị xã P T, tỉnh P; Có mặt.

- Bà Hán Thị Đ, sinh năm 1943, địa chỉ: Thôn Đ S (khu X), xã Đ S, huyện T B, tỉnh P; Vắng mặt đã triệu tập hợp lệ.

1 - Anh Nguyễn Đức N, sinh năm 1970, địa chỉ: Thôn Đ S (khu X), xã Đ S, huyện T B, tỉnh P; Vắng mặt đã triệu tập hợp lệ.

- Chị Hán Thị L, sinh năm 1972, địa chỉ: Thôn Đ S (khu X cũ), xã Đ S, huyện T B, tỉnh P; Vắng mặt đã triệu tập hợp lệ.

- Chị Hán Thị H, sinh năm 1977, địa chỉ: Khu 2, phường T V, thị xã P T; Vắng mặt đã triệu tập hợp lệ.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 19 tháng 12 năm 2022 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là ông Vi Văn N trình bày:

Bố mẹ đẻ ông là cụ Vi Văn T, sinh năm 1926 (đã chết năm 2016) và cụ Lê Thị C sinh năm 1924 (đã chết năm 1984). Cụ T và cụ C sinh được 06 người con gồm: Bà Vi Thị Huyền N, Bà Vi Thị B, Bà Vi Thị V, ông Vi Văn H, Ông Vi Quang H và ông Vi Văn N. Khi chết, bố mẹ ông để lại đồ đạc nhưng không để lại di chúc. Hiện còn 01 bộ đỉnh hương anh trai cả là Vi Văn H giữ, 01 chiếc gương, 01 cái bàn cắt may và 01 bộ trường kỷ anh Vi Quang H đang quản lý và sử dụng. Tuy nhiên bộ trường kỷ của bố mẹ, ông H đã bán để lấy tiền mua bộ bàn ghế salon mới. Đối với 01 bộ đỉnh hương thì ông H là anh trai cả giữ để thờ cúng tổ tiên nên ông không đề nghị. Ông đề nghị Tòa án chia thừa kế các tài sản gồm 01 chiếc gương, 01 bàn cắt may (bàn gỗ) và 01 giá trị bộ bàn ghế salon, tổng giá trị các tài sản khoảng 10.000.000đồng. Sau đó tại Biên bản hòa giải ngày 30/3/2023 và đến nay ông N thay đổi yêu cầu chỉ đề nghị Tòa án giải quyết chia tài sản thừa kế của bố mẹ để lại gồm 01 chiếc gương và 01 bàn cắt may (bàn gỗ). Nếu ông H muốn sử dụng toàn bộ thì ông H phải thanh toán cho ông 10.000.000 đồng. Nếu ông H không đồng ý thì ông xin sở hữu, sử dụng 01 chiếc gương vì đó là vật kỷ niệm của bố mẹ ông để lại.

Bị đơn Ông Vi Quang H trình bày: Bố mẹ đẻ ông là cụ Vi Văn T (chết năm 2016) và cụ Lê Thị C (chết năm 1984) sinh được 06 người con gồm: Bà Vi Thị Huyền N, Bà Vi Thị B, Bà Vi Thị V, ông Vi Văn H, Ông Vi Quang H, ông Vi Văn N. Bố mẹ ông chết, có để lại tài sản gồm diện tích đất 4032m2đất, trên đất có nhiều cây cối và 01 nhà gỗ cổ, có bếp, giếng nước kèm theo. Còn các vật dụng khác như bàn ghế, gương tủ, đỉnh hương đã chia cho các con sử dụng. Ai có thì tự quản lý, không phân chia lại nữa nên việc ông N nhắc lại tài sản là các vật dụng đã nêu ở trên là ý kiến không có giá trị. Theo bản án số 17/2019/DS-ST ngày 26/12/2019 của Tòa án nhân dân thị xã P T về việc tranh chấp chia tài sản thừa kế, theo bản án trên, Tòa án đã phân chia cụ thể và ông N cũng không có ý kiến gì. Nay ông N làm đơn khởi kiện để đòi chia tài sản, ông không N trí vì Tòa án đã phân chia minh bạch. Ông thừa nhận đang quản lý và sử dụng 01 chiếc gương và 01 bàn cắt may (bàn gỗ). Chiếc bàn gỗ và chiếc gương là tài sản của bố mẹ ông. Mẹ ông chết năm 1984 không để lại di chúc. Sau khi ông đi bộ đội về, đến năm 1990 ông ra ở riêng. Vì ông là người duy nhất trong gia đình kế thừa nghề may của cụ T nên bố ông cùng toàn thể gia đình, các anh chị em đã nhất trí cho ông chiếc gương và bàn cắt may. Vào thời điểm năm 1990, cụ T đã 66 tuổi, mắt kém không làm nghề may nữa. Lúc này cụ ở một mình, cách nhà ông 200m nên ông là người thường xuyên chăm sóc cụ. Năm 2006 Bà N về ở với cụ nhưng đến năm 2007 xảy ra mâu thuẫn với cụ nên ông đón cụ T về ở nhà ông từ đó đến năm 2016 cụ chết. Khi cụ T cho ông chiếc gương và bàn gỗ thì chỉ nói bằng miệng, không có giấy tờ gì nhưng có các anh em xác nhận. Do thời gian đã lâu, phần đế của chiếc gương đã bị mục nát nên ông phải sửa chữa mất 2.000.000đ. Bộ salon hiện nay ông đang sử dụng là do ông mua của cửa hàng Duy Hùng bằng tiền của ông, còn bộ trường kỷ bố ông đã bán lúc còn sống. Gia đình ông đã sở hữu chiếc gương được khoảng 33 năm, không có tranh chấp gì. Hiện nay ông vẫn đang sử dụng chiếc gương và chiếc bàn gỗ làm nghề may. Phần tài sản của mẹ ông là ½ di sản nên đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện, còn phần tài sản của bố ông là ½ đã cho ông từ năm 1990 có các người con khác của cụ T là B, V, H thừa nhận. Do vậy ông không chấp nhập yêu cầu khởi kiện của ông N.Qúa trình giải quyết vụ án ông có giao nộp cho Tòa án giấy xác nhận về nội dung ông thuê ông Vi Văn H, sinh năm 1968, địa chỉ khu X, Đ T, T B, P sửa chữa chiếc gương cho ông với chi phí là 2.000.000đ. Ngoài ra có bà Chu Thị B, sinh năm 1970, ông Vi Văn H, sinh năm 1968, Vi Văn H, sinh năm 1971, Phạm Thị T, sinh năm 1949 đều là hàng xóm của ông H, ông Tống Văn H, sinh năm 1972 địa chỉ khu T X, phường T V, thị xã P T là khách đến may vá quần áo và các Bà B, Vệ và ông H (anh chị em ruột của ông H) đều xác nhận đã thấy ông H sử dụng bàn và gương từ năm 1990 đến nay. Đối với phần sửa chữa, do ông quản lý và sử dụng nên ông tự sửa chữa để sử dụng, vì vậy ông không có yêu cầu gì.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Bà Vi Thị Huyền N trình bày: Bà thừa nhận bố, mẹ của bà có để lại 01 chiếc gương và 01 cái bàn cắt may (bàn gỗ), khi chết bố, mẹ của bà không để lại di chúc, không có văn bản cho ai các tài sản trên, bố bà chỉ cho ông H mượn để sử dụng làm nghề may là nghề truyền thống của gia đình. Ông H quản lý và sử dụng từ năm 1990, đến năm 2007 cụ T về ở với ông H thì cụ T tiếp tục sử dụng tài sản các tài sản trên cho đến khi chết vào năm 2016, còn các tài sản khác bố mẹ bà đã bán hoặc chia cho các con nên bố mẹ bà không còn tài sản gì. Nay quan điểm của bà nhất trí với quan điểm của ông N, đề nghị Tòa án giao cho ông N sở hữu chiếc gương, giao cho ông H sở hữu bàn cắt may để làm kỷ niệm.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Bà Vi Thị B, Bà Vi Thị V, ông Vi Văn H đều trình bày: Các ông bà thừa nhận tài sản của bố mẹ đã chia cho các con như ông H đã trình bày là đúng. Đối với chiếc gương và cái bàn cắt (bàn gỗ), cụ T khi còn sống có nói với các ông, bà là cả nhà chỉ có ông H làm nghề cắt may nên cụ T giao cho ông H để ông H hành nghề. Các ông bà nhất trí để lại cho ông H sử dụng toàn bộ. Bộ trường kỷ thì cụ T đã bán lúc còn sống. Còn các tài sản khác bố mẹ đã chia cho các con nên bố mẹ không còn tài sản gì. Nay quan điểm của các ông bà không N trí chia tài sản thừa kế như đơn khởi kiện của ông N.

Tại phiên tòa ông H có khai là bố của ông đã giao cho ông H quản lý, sử dụng nhưng không được bán. Sau đó ông H khai là bố ông đã cho ông H, ông chỉ khuyên ông H là không nên bán vì là đồ vật kỷ niệm của bố, mẹ và để sử dụng làm nghề may truyền thống của gia đình.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Hán Thị Đ, anh Nguyễn Đức N, chị Hán Thị L, chị Hán Thị H vắng mặt nhưng đã có lời khai trình bày: Bà Đ có 03 con chung với cụ Vi Văn T là anh Nguyễn Đức N, chị Hán Thị L và chị Hán Thị H. Bà Đ và ông Thận không có tài sản chung gì. Nay ông N khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế là 01 chiếc gương và 01 bàn cắt may, quan điểm của bà Đ và các con là bà và các con không liên quan và cũng không có yêu cầu gì vì không có công sức đóng góp đến các tài sản này. Đề nghị Tòa án không đưa bà và các anh chị tham gia tố tụng. Nếu phải tham gia bà và các anh chị xin vắng mặt tất cả quá trình giải quyết, xét xử.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2023/DS-ST ngày 12 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Thị xã P T, tỉnh P đã quyết định:

Căn cứ vàoĐiều 688, Điều 623, 650, 651, 656 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 147, khoản 2 Điều 227, khoản 1, 3 Điều 228, khoản 1 Điều 165, Điều 166, Điều 271, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự, Khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hộiquy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

Chấp nhận yêu cầu của ông Vi Văn N về việc yêu cầu chia di sản thừa kế đối với 01 cái gương và 01 cái bàn mà Ông Vi Quang H đang quản lý, sử dụng.

Giao cho Ông Vi Quang H được sở hữu 01 cái bàn và 01 cái gương.

Ông Vi Quang H có nghĩa vụ thanh toán cho ông Vi Văn N giá trị phần thừa kế mà ông Vi Văn N được hưởng là 166.600 đồng (Một trăm sáu sáu nghìn sáu trăm đồng).

Về chi phí tố tụng: Ông Vi Văn N tự nguyện chịu toàn bộ chi phí định giá tài sản là 1.500.000 đồng (Một triệu năm trăm nghìn đồng). Xác nhận ông Vi Văn N đã nộp đủ số tiền chi phí định giá tài sản là 1.500.000 đồng (Một triệu năm trăm nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Bản án còn tuyên về án phí dân sự sơ thẩm, về quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 13 tháng 9 năm 2023 ông N có đơn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm số 03/2023/DS-ST ngày 12 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân thị xã P T, tỉnh P, cụ thể đề nghị:

Sửa bản án sơ thẩm giao cho ông được hưởng di sản bằng hiện vật, cụ thể là ông xin được nhận phần di sản là 01 cái gương.

Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn ông N vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn ông N vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm giao cho ông được hưởng di sản bằng hiện vật, cụ thể là ông xin được nhận phần di sản là 01 cái gương.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn ông H đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh P phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; Việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đều tuân theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Về nội dung vụ án:

Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự, không chấp nhận kháng cáo của ông N, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 03/2023/DS-ST ngày 12/9/2023 của Tòa án nhân thị xã P T, tỉnh P. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông Vi Văn N do Ông Vi Quang H đề nghị áp dụng thời hiệu chia di sản thừa kế.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở ý kiến trình bày của các bên đương sự, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh P tham gia phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1]Về hình thức đơn kháng cáo của ông N trong hạn luật định, đơn kháng cáo hợp lệ.

[2] Xét về nội dung kháng cáo: Ông N đề nghị sửa bản án sơ thẩm với lý do ông xin được nhận di sản thừa kế là 01 cái gương bằng hiện vật mà không nhận thanh toán chênh lệch tài sản bằng tiền.

Hội đồng xét xử xét thấy: Kháng cáo của ông N xin được hưởng di sản bằng hiện vật là không có căn cứ chấp nhận, bởi lẽ:

Di sản thừa kế do cụ C và cụ T để lại nay còn là 01 cái gương trị giá 700.000đ và 01 bàn gỗ trị giá 300.000đ tổng trị giá là 1.000.000đ (tài sản đã được Hội đồng định giá cấp sơ thẩm thực hiện đúng quy định của pháp luật).

Về hàng thừa kế của cụ T và cụ C được xác định gồm có Bà N, Bà B, Bà V, ông H, ông H, ông N. Ngoài những người trên hàng thừa kế của cụ T còn có bà Đ, anh N, chị L, chị h, tuy nhiên những người này từ chối nhận di sản thừa kế. Vì vậy, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản của cụ T gồm có 6 người là bà Ngân, Bà B, Bà V, ông H, ông H, ông N.

Các cụ khi chết đều không để lại di chúc, di sản đến nay vẫn đang do ông H quản lý. Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 thì thời hiệu để yêu cầu chia di sản thừa kế là 10 năm đối với động sản, cụ C đã chết từ năm 1984 nên thời hiệu để những người thừa kế yêu cầu chia di sản về ½ chiếc gương và ½ bàn gỗ của cụ C đã hết, do vậy quyền sở hữu đối với phần di sản này thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó là Ông Vi Quang H. Đối với phần di sản của cụ T trong khối di sản chung nêu trên gồm có ½ chiếc gương và ½ bàn gỗ có trị giá là (300.000 đồng + 700.000 đồng) : 2 = 500.000 đồng, phần di sản này không có di chúc để lại, chưa được chia, nay ông N đề nghị chia nên cần xem xét chia di sản theo pháp luật. Do di sản thừa kế được chia trong vụ án gồm 01 chiếc gương và 01 chiếc bàn, các tài sản này không thể phân chia bằng hiện vật cho toàn bộ các đồng thừa kế nên cần giao cho một người thừa kế trực tiếp sở hữu hiện vật và có trách nhiệm thanh toán cho những người thừa kế còn lại. Xét thấy ông H đã quản lý, sử dụng các di sản nêu trên (Từ khi các cụ còn sống), quá trình sử dụng ông H cũng đã chi tiền để cải tạo, sửa chữa tài sản, bản thân ông được hưởng quyền tài sản của cụ C là ½ chiếc gương và ½ chiếc bàn nên giao cho ông H được quyền trực tiếp sử dụng các tài sản này là phù hợp. Do có 6 đồng thừa kế nên mỗi suất thừa kế được xác định là: 500.000 đồng : 6 = 83.300 đồng (làm tròn)/suất. Bà N yêu cầu phần bà được chia, bà cho ông N nên ông N được hưởng giá trị tài sản thừa kế hai suất là: 83.300 đồng x 2 = 166.600 đồng. Các ông bà gồm Bà B, Bà V, ông H đều xác định nhận phần của các ông bà được chia thì các ông bà đều cho ông H, như vậy ông H có nghĩa vụ thanh toán cho ông N số tiền là 166.600 đồng là phù hợp như cấp sơ thẩm đã tuyên là phù hợp.

Đối với việc đình chỉ một phần vụ án do Viện kiểm sát nhân dân tỉnh P đề nghị, Hội đồng xét xử nhận thấy: Ngày 09/8/2023 bị đơn là Ông Vi Quang H đã đề nghị áp dụng thời hiệu về thừa kế, ông H đề nghị áp dụng thời hiệu trước khi Toà án cấp sơ thẩm ra Bản án nên yêu cầu của ông H cần được xem xét. Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 thì thời hiệu để những người thừa kế yêu cầu chia di sản là ½ chiếc gương và ½ bàn gỗ của cụ C là đã hết (do cụ C chết năm 1984, đã trên 10 năm), do vậy phần quyền đối với di sản này thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó là Ông Vi Quang H. Vì vậy, Toà án cấp sơ thẩm phải đình chỉ giải quyết đối với một phần yêu cầu về việc chia thừa kế của ông N theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015; Viện kiểm sát tỉnh P đề nghị là có căn cứ; Tuy nhiên, xét thấy ông N cũng không kháng cáo về nội dung này và việc quyết định của cấp sơ thẩm cũng không ảnh hưởng đến nội dung giải quyết vụ án nên không cần sửa bản án sơ thẩm mà chỉ cần nhận định tại bản án phúc thẩm để Toà án cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm.

[3] Về quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh P đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự; Không chấp nhận đơn kháng cáo của ông N và giữ nguyên bản án sơ thẩm số 03/2023/DS-ST ngày 12/9/2023 của Tòa án nhân dân thị xã P T là có căn cứ được chấp nhận.

[4] Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của ông N, cần giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 03/2023/DS-ST ngày 12/9/2023 của Tòa án nhân dân thị xã P T, tỉnh P.

[6] Về án phí dân sự phúc thẩm: Kháng cáo của ông N không được chấp nhận nên ông N phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị, Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308; Khoản 1 điều 148 Bộ luật Tố tụng Dân sự; Khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án.

Xử: Không chấp nhận kháng cáo của ông Vi Văn N.

Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 03/2023/DS-ST ngày 12/9/2023 của Tòa án nhân dân thị xã P T, tỉnh P.

Căn cứ vào Điều 688, Điều 623, 650, 651, 656của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 147, khoản 2 Điều 227, khoản 1, 3 Điều 228, khoản 1 Điều 165, Điều 166, Điều 271, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự, Khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hộiquy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

Chấp nhận yêu cầu của ông Vi Văn N về việc yêu cầu chia di sản thừa kế đối với 01 cái gương và 01 cái bàn mà Ông Vi Quang H đang quản lý, sử dụng.

Giao cho Ông Vi Quang H được sở hữu 01 cái bàn và 01 cái gương.

Ông Vi Quang H có nghĩa vụ thanh toán cho ông Vi Văn N giá trị phần thừa kế mà ông Vi Văn N được hưởng là 166.600 đồng (Một trăm sáu sáu nghìn sáu trăm đồng).

Về án phí:

Ông Vi Văn N phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng). Xác nhận ông Vi Văn N đã nộp số tiền tạm ứng án phí là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai số 0002972 ngày 20/12/2022 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã P T.

Ông Vi Quang H không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm vì là người cao tuổi.

Về chi phí tố tụng: Ông Vi Văn N tự nguyện chịu toàn bộ chi phí định giá tài sản là 1.500.000 đồng (Một triệu năm trăm nghìn đồng). Xác nhận ông Vi Văn N đã nộp đủ số tiền chi phí định giá tài sản là 1.500.000 đồng(Một triệu năm trăm nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự”.

Về án phí dân sự phúc thẩm: Buộc ông Vi Văn N phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự phúc thẩm; được trừ vào số tiền ông Vi Văn N đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2020/0003125 ngày 22/9/2023 của Chi cục Thi hành án Dân sự thị xã P T, tỉnh P; Xác nhận ông Vi Văn N đã nộp đủ tiền án phí dân sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

73
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 06/2024/DS-PT

Số hiệu:06/2024/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Phú Thọ
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:25/01/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về