Bản án về tranh chấp cấp dưỡng số 05/2020/HNGĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

BẢN ÁN 05/2020/HNGĐ-PT NGÀY 14/05/2020 VỀ TRANH CHẤP CẤP DƯỠNG

Ngày 14 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Q xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 17/2019/TLPT-HNGĐ ngày 02 tháng 12 năm 2019 về “Tranh chấp về cấp dưỡng”.

Do bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số: 100/2019/HNGĐ-ST ngày 16 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Q bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 03/2020/QĐPT- HNGĐ ngày 03 tháng 02 năm 2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Trần Công C, sinh năm 1976.

Địa chỉ: Tổ 8, thôn T, xã B, huyện T, tỉnh Q. Có mặt.

2. Bị đơn: Bà Phạm Thị Đ, sinh năm 1979.

Địa chỉ: Tổ 3, Thôn 6, xã B, huyện T, tỉnh Q. Có mặt.

3. Người kháng cáo: Bị đơn bà Phạm Thị Đ.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, các văn bản có tại hồ sơ vụ án, nguyên đơn ông Trần Công C trình bày: Ông và bà Đ có một con chung tên Trần Thị Mỹ D, sinh năm 2005. Vợ chồng ông đã ly hôn và bà Đ là người trực tiếp nuôi con chung, ông là người phải cấp dưỡng nuôi con. Dù cuộc sống khó khăn nhưng ông vẫn cấp dưỡng cho con đầy đủ, để bà Đ đảm bảo việc nuôi con. Năm 2015, ông đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, thu nhập cũng khá hơn nên bà Đ đã yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con 2.000.000 đồng/tháng và được Tòa án chấp nhận. Hiện nay, bản thân ông đau ốm, không còn lao động ở nước ngoài được nữa mà đã về nước và làm bảo vệ công trình cho Công ty L, thu nhập bình quân mỗi tháng 4.500.000 đồng. Với số tiền lương này, ông phải lo cho bản thân đang bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, vừa phải nuôi vợ và hai con còn nhỏ, vừa cấp dưỡng nuôi con với số tiền quá lớn nên ông không thể đáp ứng được. Hiện nay, ông không còn làm việc ở Công ty L nữa mà ở nhà làm công việc lao động tự do, thu nhập không ổn định. Vì vậy, ông yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con Trần Thị Mỹ D bằng 50% mức cấp dưỡng theo quy định của pháp luật.

Tại các văn bản có tại hồ sơ vụ án, bị đơn bà Phạm Thị Đ trình bày: Bà không thống nhất với lời trình bày của ông C vì hiện nay cháu D ngày càng lớn, chi phí ăn học rất tốn kém, thường xuyên đau ốm, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng nên việc ông C cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 2.000.000 đồng là không đủ, chưa đảm bảo được cuộc sống của con. Nay, ông C yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con thì bà không thống nhất, trong trường hợp này chỉ có tăng mức cấp dưỡng hoặc giữ nguyên như đã thỏa thuận.

Với nội dung như trên, tại bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 100/2019/HNGĐ-ST ngày 16/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện B đã áp dụng các Điều 82, 83, 107, 110 và 116 Luật Hôn nhân và gia đình; khoản 5 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 227, khoản 1 Điều 228 và Điều 266 Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm đ khoản 6 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Công C về việc yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con. Buộc ông C có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con Trần Thị Mỹ D, sinh ngày 01/3/2005 mỗi tháng 750.000 (Bảy trăm năm mươi nghìn) đồng, thời hạn cấp dưỡng tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi cháu D tròn 18 tuổi.

Nếu ông Trần Công C chậm thi hành khoản tiền cấp dưỡng thì phải chịu lãi theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Bà Phạm Thị Đ là người đại diện nhận số tiền cấp dưỡng của cháu Trần Thị Mỹ D.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 07/10/2019 bị đơn bà Phạm Thị Đ có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Q xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Q phát biểu ý kiến:

- Về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm: Thẩm phán được phân công trực tiếp giải quyết vụ án đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc thụ lý vụ án, về thời hạn giải quyết vụ án, về việc chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nghiên cứu để tham gia xét xử. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Các đương sự thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình.

- Về việc giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Phạm Thị Đ, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, người kháng cáo không rút đơn kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm, giữ nguyên mức cấp dưỡng 2.000.000 đồng/tháng.

[2] Xét kháng cáo của bị đơn bà Phạm Thị Đ thì thấy:

[2.1] Bản án phúc thẩm số 06/2017/HNGĐ-PT ngày 01/6/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xử buộc ông Trần Công C có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung Trần Thị Mỹ D, sinh ngày 01/3/2005 với số tiền 2.000.000 đồng/tháng. Nay, ông C yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con từ 2.000.000 đồng/tháng xuống mức cấp dưỡng thấp nhất theo quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử xét thấy: Tại thời điểm Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử buộc ông C có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung với số tiền 2.000.000 đồng/tháng thì ông C đang đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, thu nhập mỗi tháng 24.000.000 đồng. Đến ngày 26/4/2018, ông C bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ nên chấm dứt hợp đồng trước thời hạn để về nước. Sau khi về Việt Nam, bản thân ông C bị bệnh nên không lao động nặng được, ông làm công việc bảo vệ thu nhập mỗi tháng 4.500.000 đồng. Do hiện nay mức thu nhập của ông C thấp hơn nhiều so với trước đây; hơn nữa, ông C còn đang phải nuôi hai con nhỏ và có khó khăn về kinh tế. Do đó, yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con của ông C là có căn cứ để xem xét.

[2.2] Trong quá trình giải quyết vụ án, ông C và bà Đ không tự thỏa thuận được mức cấp dưỡng nuôi con chung nên mức cấp dưỡng do Tòa án xem xét, quyết định trên cơ sở căn cứ vào mức thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng theo quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình. Tòa án cấp sơ thẩm đã xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Công C, buộc ông C có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con Trần Thị Mỹ D mỗi tháng 750.000 đồng là không đảm bảo nhu cầu sinh sống, học tập và phát triển của cháu D ở thời điểm hiện tại. Do đó, xét thấy cần phải buộc ông C có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung Trần Thị Mỹ D mỗi tháng 1.000.000 đồng, vừa phù hợp với mức thu nhập, khả năng thực tế của ông C, nhưng cũng vừa đảm bảo nhu cầu thiết yếu của cháu D hiện nay.

[2.3] Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy cần phải chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm.

[3] Án phí dân sự phúc thẩm: Do Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm nên bà Phạm Thị Đ không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn bà Phạm Thị Đ, sửa bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số: 100/2019/HNGĐ-ST ngày 16 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Q.

Căn cứ vào các Điều 82, 83, 107, 110, 116 và 117 Luật Hôn nhân và gia đình; khoản 2 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm đ khoản 6 Điều 27, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Công C về việc thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con.

Buộc ông Trần Công C có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con Trần Thị Mỹ D, sinh ngày 01/3/2005 mỗi tháng 1.000.000 (Một triệu) đồng (do bà Phạm Thị Đ là người đại diện nhận). Thời hạn cấp dưỡng tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi cháu D thành niên (đủ 18 tuổi) và có khả năng lao động.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Trần Công C phải chịu 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp theo biên lai thu số 0020984 ngày 29/3/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Q.

Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Phạm Thị Đ không phải chịu. Hoàn trả lại cho bà Phạm Thị Đ số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng đã nộp theo biên lai thu số 0005252 ngày 25/10/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Q.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (14/5/2020).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

33
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp cấp dưỡng số 05/2020/HNGĐ-PT

Số hiệu:05/2020/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Nam
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 14/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về