TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH CHÁNH, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 128/2021/HNGĐ-ST NGÀY 01/02/2021 VỀ TRANH CHẤP CẤP DƯỠNG NUÔI CON
Ngày 01 tháng 02 năm 2021, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 235/2020/TLST-HNGĐ ngày 24 tháng 3 năm 2020 về “Tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 378/2020/QĐXXST-HNGĐ ngày 30 tháng 11 năm 2020, Quyết định hoãn phiên tòa số: 313/2020/QĐST- HNGĐ ngày 28 tháng 12 năm 2020 và Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 04/2021/QĐST-HNGĐ ngày 25 tháng 01 năm 2021 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Võ Thị Cẩm H, sinh năm: 1977 (có mặt) Hộ khẩu thường trú: ấp H, xã B, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh.
Địa chỉ liên lạc: Số X đường N, phường F, Quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Lương ữu P, sinh năm:
1964; Địa chỉ: Số X đường N, phường F, Quận T, Thành phố Hồ Chí Minh (Theo Giấy ủy quyền ngày 01/02/2020 tại Văn phòng công chứng C, số công chứng:
000588, quyển số: 01 TP/CC-SCC-HĐGD).
Ông Lương Hữu Phúc ủy quyền lại cho bà Nguyễn Thị Ngọc Q, sinh năm:
1996; Địa chỉ liên hệ: Số X đường N, phường F, Quận T, Thành phố Hồ Chí Minh (Theo Hợp đồng ủy quyền lập ngày 17/11/2020 tại Văn phòng công chứng C, số công chứng: 007574, quyển số: 04 TP/CC-SCC-HĐGD). (có mặt) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông Huỳnh Phi Long là Luật sư của Văn phòng Luật sư Quốc Luật thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt)
2. Bị đơn: Ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N, sinh năm: 1973 (có mặt) Địa chỉ: Số 25 Đường số 10, Khu dân cư Phong Phú 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 28 tháng 10 năm 2020, đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện ngày 03 tháng 6 năm 2020, các bản tự khai, các biên bản hòa giải, nguyên đơn bà Võ Thị Cẩm H có đại diện theo ủy quyền là bà Nguyễn Thị Ngọc Q trình bày:
Bà Võ Thị Cẩm H và ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N là vợ chồng. Trong quá trình chung sống, bà H và ông N có hai con chung là Kiều Minh Trí, sinh năm 1997, đã trưởng thành và trẻ Kiều Minh T, sinh ngày 10/11/2003. Bà H và ông N đã ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 319/2019/QĐST-HNGĐ ngày 02/5/2019 của Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi ly hôn, bà H là người được chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ Kiều Minh T, sinh ngày 10/11/2003. Hiện trẻ T đang ăn học nên bà H yêu cầu ông N có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con. Theo đó, bà H là người trực tiếp thực hiện các công việc như đi chợ lo việc ăn uống hàng ngày, sinh hoạt cá nhân cũng như chi trả các chi phí liên quan đến tiền học phí, chi tiêu cá nhân, điện nước và các khoản chi phí phát sinh khác cho cháu Thanh. Bà H yêu cầu ông N có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con chung là trẻ Kiều Minh T, sinh ngày 10/11/2003 cho đến khi trẻ T đủ 18 tuổi với mức cấp dưỡng mỗi tháng là 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng). Bà H yêu cầu ông N cấp dưỡng nuôi con một lần tương đương với 25 tháng x 5.000.000 đồng = 125.000.000 đồng (Một trăm hai mươi lăm triệu đồng), tính từ tháng 10/2019 đến tháng 11/2021.
Nhu cầu học hành và sinh hoạt hàng tháng của trẻ T cụ thể như sau:
- Tiền học phí: 500.000 đồng/tháng.
- Tiền học thêm Anh văn: 800.000 đồng/tháng.
- Tiền học thêm môn Toán: 1.000.000 đồng/tháng.
- Tiền học thêm môn Hóa: 700.000 đồng/tháng.
- Tiền học thêm môn Lý: 700.000 đồng/tháng.
- Tiền thuê nhà: 1.500.000 đồng/tháng.
- Tiền ăn: 3.000.000 đồng/tháng.
- Điện thoại: 300.000 đồng/tháng.
- Chi phí khác: xăng xe, sinh hoạt cá nhân: 1.500.000 đồng/tháng. Tổng cộng: 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng).
Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn có yêu cầu thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện. Bà H yêu cầu ông N có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con chung là trẻ Kiều Minh T, sinh ngày 10/11/2003 cho đến khi trẻ T đủ 18 tuổi với mức cấp dưỡng mỗi tháng là 4.780.000 đồng (Bốn triệu, bảy trăm tám mươi nghìn đồng) theo phương thức cấp dưỡng một lần tính từ tháng 11/2019 đến tháng 11/2021 tương đương với 24 tháng x 4.780.000 đồng/tháng = 114.720.000 đồng (Một trăm mười bốn triệu, bảy trăm hai mươi nghìn đồng).
Các chi phí phục vụ cho nhu cầu học hành và sinh hoạt hàng tháng của trẻ T cụ thể như sau:
- Tiền học phí: 500.000 đồng/tháng.
- Tiền học thêm môn Anh văn: 460.000 đồng/tháng.
- Tiền học thêm môn Toán: 1.100.000 đồng/tháng.
- Tiền học thêm môn Hóa: 400.000 đồng/tháng.
- Tiền học thêm môn Lý: 800.000 đồng/tháng.
- Tiền thuê nhà: 1.500.000 đồng/tháng.
- Tiền ăn: 3.000.000 đồng/tháng.
- Tiền điện thoại: 300.000 đồng/tháng.
- Chi phí khác: xăng xe, sinh hoạt cá nhân: 1.500.000 đồng/tháng.
Tổng cộng: 9.560.000 đồng (Chín triệu, năm trăm sáu mươi nghìn đồng).
Nguyên đơn bà Võ Thị Cẩm H thống nhất với phần trình bày của đại diện theo ủy quyền, bà H không bổ sung ý kiến.
Tại bản tự khai ngày 20 tháng 5 năm 2020 và trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N trình bày:
Ông và bà Võ Thị Cẩm H là vợ chồng đã ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 319/2019/QĐST-HNGĐ ngày 02/5/2019 của Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi ly hôn, ông đã thực hiện cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng là 7.500.000 đồng (Bảy triệu, năm trăm nghìn đồng), ông đã cấp dưỡng cho trẻ Kiều Minh T đầy đủ bao gồm tiền học, tiền sinh hoạt nên ông không đồng ý cấp dưỡng theo yêu cầu của bà H nữa.
Tại biên bản hòa giải ngày 23 tháng 6 năm 2020, ông N có ý kiến ông chỉ đồng ý cấp dưỡng nuôi trẻ Kiều Minh T mỗi tháng là 2.500.000 đồng (Hai triệu, năm trăm nghìn đồng) theo phương thức cấp dưỡng hàng tháng và chuyển vào tài khoản ngân hàng cho con.
Tại biên bản hòa giải ngày 02 tháng 10 năm 2020, ông N có ý kiến ông không đồng ý cấp dưỡng nuôi con theo yêu cầu của bà H vì ông vẫn thực hiện việc gửi tiền cấp dưỡng cho trẻ Kiều Minh T sử dụng bằng phương thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng của trẻ T. Ông có yêu cầu thay đổi quyền nuôi con vì bà H không có việc làm, không có thu nhập ổn định để đảm bảo nuôi con; nếu được nuôi con thì ông không yêu cầu bà H cấp dưỡng nuôi con.
Tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải ngày 28 tháng 10 năm 2020 và ngày 26 tháng 11 năm 2020, bị đơn vắng mặt không lý do.
Tại phiên tòa, bị đơn ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N trình bày: Ông không đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và có yêu cầu thay đổi quyền nuôi con.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn – Ông Huỳnh Phi Long trình bày quan điểm phát biểu ý kiến, tranh luận và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị Cẩm H, buộc ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con chung là trẻ Kiều Minh T, sinh ngày 10/11/2003 cho đến khi trẻ T đủ 18 tuổi với mức cấp dưỡng mỗi tháng là 4.780.000 đồng (Bốn triệu, bảy trăm tám mươi nghìn đồng) theo phương thức cấp dưỡng một lần tính từ tháng 11/2019 đến tháng 11/2021, tổng cộng 114.720.000 đồng (Một trăm mười bốn triệu, bảy trăm hai mươi nghìn đồng).
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử vụ án, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án; phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án với nội dung đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, quá trình thẩm tra tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án: Bà Võ Thị Cẩm H khởi kiện yêu cầu ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N cấp dưỡng nuôi con, đây là tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con được quy định tại khoản 5 Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Bị đơn ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N có nơi cư trú tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, do đó căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Về yêu cầu của đương sự: Trong quá trình giải quyết vụ án, bà H yêu cầu ông N có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con chung là trẻ Kiều Minh T, sinh ngày 10/11/2003 cho đến khi trẻ T đủ 18 tuổi với mức cấp dưỡng mỗi tháng là 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng), yêu cầu ông N cấp dưỡng nuôi con một lần tính từ tháng 10/2019 đến tháng 11/2021 tương đương với 25 tháng x 5.000.000 đồng = 125.000.000 đồng (Một trăm hai mươi lăm triệu đồng). Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn xin thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện. Bà H yêu cầu ông N có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con chung là trẻ Kiều Minh T, sinh ngày 10/11/2003 cho đến khi trẻ T đủ 18 tuổi với mức cấp dưỡng mỗi tháng là 4.780.000 đồng (Bốn triệu, bảy trăm tám mươi nghìn đồng) theo phương thức cấp dưỡng một lần tính từ tháng 11/2019 đến tháng 11/2021 tương đương với 24 tháng x 4.780.000 đồng/tháng = 114.720.000 đồng (Một trăm mười bốn triệu, bảy trăm hai mươi nghìn đồng). Xét thấy, việc thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nhưng không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[3] Xét về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con:
[4] Tại khoản 2 Điều 82 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”.
[5] Tại Điều 110 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.
[6] Tại khoản 1 Điều 119 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó”.
[7] Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 319/2019/QĐST-HNGĐ ngày 02/5/2019 của Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh thì bà H và ông N thỏa thuận giao trẻ Kiều Minh T cho bà H trực tiếp nuôi dưỡng.
[8] Tại phiên tòa, bà H và ông N cùng xác nhận trẻ Kiều Minh T hiện đang sống với bà H. Từ những cơ sở trên, Hội đồng xét xử xét thấy hiện tại trẻ Kiều Minh T chưa thành niên và hiện đang do bà Võ Thị Cẩm H trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng nên bà H nộp đơn yêu cầu ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con là phù hợp với Điều 82, 110, 119 của Luật Hôn nhân và gia đình.
[9] Về mức cấp dưỡng nuôi con:
[10] Tại khoản 1 Điều 116 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.
[11] Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn và bị đơn không thỏa thuận được với nhau về mức cấp dưỡng nuôi con.
[12] Ngày 26/6/2020 và ngày 19/10/2020, Tòa án ban hành công văn số 979/TAHBC và 1908/TAHBC lần lượt đã gửi cho Ủy ban nhân dân xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 01/7/2020 và 26/10/2020 để xác minh mức sinh hoạt trung bình tại địa phương của trẻ đang học cấp 3 và đang học lớp 12. Tuy nhiên, Tòa án không nhận được công văn cung cấp thông tin từ Ủy ban nhân dân xã Bình Hưng do đó Hội đồng xét xử căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để làm cơ sở giải quyết vụ án.
[13] Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn xác định các chi phí phục vụ nhu cầu học hành và các chi phí sinh hoạt hàng tháng trẻ Kiều Minh T tổng cộng là 9.560.000 đồng (Chín triệu, năm trăm sáu mươi nghìn đồng), trong đó bao gồm:
- Tiền học phí: 500.000 đồng/tháng.
- Tiền học thêm môn Anh văn: 460.000 đồng/tháng.
- Tiền học thêm môn Toán: 1.100.000 đồng/tháng.
- Tiền học thêm môn Hóa: 400.000 đồng/tháng.
- Tiền học thêm môn Lý: 800.000 đồng/tháng.
- Tiền thuê nhà: 1.500.000 đồng/tháng.
- Tiền ăn: 3.000.000 đồng/tháng.
- Tiền điện thoại: 300.000 đồng/tháng.
- Chi phí khác: xăng xe, sinh hoạt cá nhân: 1.500.000 đồng/tháng.
[14] Tại khoản 20 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định: “Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”.
[15] Trẻ Kiều Minh T hiện là học sinh lớp 12A13 Trường Trung học phổ thông Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Vì vậy, ngoài tiền học phí thì trẻ T còn học thêm các môn Anh văn, Toán, Lý, Hóa. Hội đồng xét xử xét thấy, trẻ T hiện nay là học sinh lớp 12 là một năm học hết sức quan trọng vì trẻ T sắp phải thi tốt nghiệp và trung học phổ thông quốc gia. Do đó, nhu cầu học thêm để củng cố kiến thức là rất cần thiết để trẻ có đầy đủ lượng kiến thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và đáp ứng được yêu cầu của các kỳ thi cuối cấp 3. Ngoài các chi phí học hành thì đi kèm là nhu cầu về đi lại, ăn ở, liên lạc, vui chơi, giải trí và các chi phí phục vụ nhu cầu khác để đảm bảo cho trẻ phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần là chính đáng và cần thiết.
[16] Căn cứ vào các biên nhận thu tiền học phí và các biên lai thu tiền học thêm môn Toán, môn Lý, môn Hóa, các phiếu giao dịch chuyển khoản (để đóng tiền học thêm môn Anh văn) (bút lục từ 56 đến 84) và theo trình bày tại phiên tòa của đại diện nguyên đơn thì tổng cộng các chi phí cho việc học tập của trẻ T là 3.260.000 đồng/tháng.
[17] Đối với chi phí thuê nhà ở thì do hiện nay bà H và trẻ T đang thuê nhà ở, tiền thuê nhà là 5.000.000 đồng/tháng (bao gồm tiền điện, nước) cho nên bà H yêu cầu ông N cấp dưỡng nuôi trẻ T bao gồm tiền thuê nhà là 1.500.000 đồng/tháng nhằm đảm bảo nơi ở cho trẻ T là phù hợp. Ngoài ra, các chi phí còn lại như tiền ăn uống, xăng xe, tiền điện thoại, sinh hoạt cá nhân có chi phí là 4.800.000 đồng/tháng. Xét thấy, đây là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi con người, đặc biệt trẻ T hiện là học sinh lớp 12 thì đây là các nhu cầu rất thiết thực đối với độ tuổi ăn học và chuẩn bị sắp bước sang giai đoạn mới.
[18] Căn cứ Công văn số 8744/ĐKKD-T6 ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh kèm theo bản photo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thể hiện ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N là chủ sở hữu của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại dịch vụ Khách sạn Nhật Kiều với ngành nghề kinh doanh là dịch vụ lưu trú ngắn ngày.
[19] Căn cứ Tờ khai thuế giá trị gia tăng quý 1/2020, quý 2/2020, Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 và bản kết xuất thuế thu nhập cá nhân đã nộp của ông N (bút lục từ 119 đến 128) thể hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại dịch vụ Khách sạn Nhật Kiều có doanh thu thường xuyên và ổn định.
[20] Tại phiên tòa, bị đơn xác nhận thu nhập trung bình hàng tháng của ông từ việc kinh doanh khách sạn và các nguồn thu nhập khác (gia đình hỗ trợ) trong khoảng từ 15.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng. Đồng thời, bị đơn trình bày hiện tại ông còn nuôi dưỡng một người bà 89 tuổi.
[21] Xét về nghĩa vụ nuôi dưỡng con chung thì cả cha và mẹ đều phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng con chung cho nên bà H yêu cầu ông N cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 4.780.000 đồng (Bốn triệu, bảy trăm tám mươi nghìn đồng) là hợp lý. Căn cứ vào nguồn thu nhập và mức thu nhập trung bình hàng tháng của bị đơn thì nguyên đơn yêu cầu bị đơn cấp dưỡng với mức 4.780.000 đồng (Bốn triệu, bảy trăm tám mươi nghìn đồng)/tháng là phù hợp với khả năng thực tế của bị đơn nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[22] Về phương thức cấp dưỡng:
[23] Tại Điều 117 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về phương thức cấp dưỡng như sau: “Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần…”.
[24] Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn và bị đơn không thỏa thuận được với nhau về phương thức cấp dưỡng nuôi con. Do đó, căn cứ vào quy định trên, Hội đồng xét xử nghĩ cần buộc bị đơn có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con theo phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.
[25] Về thời gian cấp dưỡng nuôi con:
[26] Bà H và ông N ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 319/2019/QĐST-HNGĐ ngày 02/5/2019. Hai bên thỏa thuận giao trẻ T cho bà H trực tiếp nuôi dưỡng, tạm hoãn nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đối với ông N khi có đơn yêu cầu.
[27] Căn cứ đơn khởi kiện ghi ngày 28/10/2019 được Tòa án xác nhận nhận đơn khởi kiện vào ngày 05/11/2019. Do đó, Hội đồng xét xử có cơ sở xác định nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con của bị đơn bắt đầu phát sinh vào thời điểm nộp đơn khởi kiện là từ tháng 11 năm 2019.
[28] Tại bản sao kê tài khoản khách hàng từ ngày 17/6/2020 đến ngày 20/11/2020 của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Hưng, tài khoản số 17910000192644, tên tài khoản: Kiều Minh T có thể hiện việc ông N chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của trẻ T tổng cộng là 20.201.299 đồng (Hai mươi triệu, hai trăm lẻ một nghìn, hai trăm chín mươi chín đồng).
[29] Tại bản sao kê tài khoản khách hàng từ ngày 20/11/2020 đến ngày 29/01/2021 của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Hưng, tài khoản số 17910000192644, tên tài khoản: Kiều Minh T, có cơ sở xác định từ ngày 20/11/2020 đến ngày 27/01/2021, ông N có chuyển thêm vào tài khoản ngân hàng của trẻ T tổng cộng là 19.001.131 đồng (Mười chín triệu, không trăm lẻ một nghìn, một trăm ba mươi mốt đồng).
[30] Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn và bị đơn tại xác nhận tổng số tiền ông N chuyển vào tài khoản ngân hàng của trẻ T là 39.202.430 đồng (Ba mươi chín triệu, hai trăm lẻ hai nghìn, bốn trăm ba mươi đồng).
[31] Đại diện nguyên đơn xác định số tiền 39.202.430 đồng mà ông N chuyển vào tài khoản của trẻ T không phải là tiền cấp dưỡng nuôi con vì ông N không thông báo cho bà H biết ông N chuyển tiền cho trẻ T là để làm gì, bà H cũng không kiểm soát số tiền ông N chuyển cho trẻ T. Hội đồng xét xử nhận thấy, bà H là người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ T, bà biết trẻ T có tài khoản ngân hàng và có nhận tiền từ ông N nên bà phải có trách nhiệm quản lý các khoản tiền của trẻ (nhận tiền từ ai, tiền này để làm gì, sử dụng tiền ra sao?….).
[32] Tại khoản 24 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”.
[33] Xét cho cùng, việc ông N chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của trẻ T với mục đích là để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của trẻ T và thể hiện sự tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của bị đơn. Vì vậy, đại diện nguyên đơn cho rằng số tiền ông N chuyển vào tài khoản của trẻ T không phải là tiền cấp dưỡng là không hợp lý mà Hội đồng xét xử xác định số tiền 39.202.430 đồng (Ba mươi chín triệu, hai trăm lẻ hai nghìn, bốn trăm ba mươi đồng) mà ông N đã chuyển vào tài khoản ngân hàng cho trẻ T từ ngày 17/6/2020 đến ngày 27/01/2021 là tiền cấp dưỡng nuôi con. Trong đó, số tiền phát sinh trong tháng 6/2020 là 200.006 đồng để mở tài khoản và là số tiền không đáng kể, đến ngày 20/7/2020 ông N bắt đầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho trẻ T. Do đó, thời điểm ông N chuyển tiền để cấp dưỡng nuôi con được tính từ tháng 7/2020.
[34] Như vậy, tính trung bình mỗi tháng từ tháng 7/2020 đến tháng 01/2021 (07 tháng) trên tổng số tiền ông N chuyển vào tài khoản của trẻ T thì 39.202.430: 7 = 5.600.347 đồng, so với mức cấp dưỡng mà nguyên đơn yêu cầu bị đơn cấp dưỡng 4.780.000 đồng/tháng là có lợi cho bị đơn. Cho nên, xét về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con thì từ tháng 7/2020 cho đến tháng 01/2021 thì bị đơn đã thực hiện xong nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
[35] Bị đơn xác nhận từ sau khi ly hôn, ông đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào chứng minh ông đã cấp dưỡng nuôi con. Do đó, xét yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con tính từ tháng 11/2019 đến khi trẻ T đủ 18 tuổi (tháng 11/2021) thì trong khoảng thời gian từ tháng 11/2019 đến tháng 6/2020, Hội đồng xét xử nghĩ cần buộc bị đơn có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con và theo phương thức cấp dưỡng một lần ngay khi án có hiệu lực pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho trẻ T; và buộc bị đơn cấp dưỡng theo phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng từ tháng 02/2021 cho đến khi trẻ T thành niên.
[36] Tại phiên tòa, ông N có yêu cầu thay đổi quyền nuôi con vì bà H không có việc làm, không có thu nhập ổn định để đảm bảo nuôi con. Nếu ông được nuôi dưỡng trẻ T thì ông không yêu cầu bà H cấp dưỡng nuôi con. Đối với yêu cầu này của bị đơn, tại biên bản hòa giải ngày 02 tháng 10 năm 2020 Tòa án đã có yêu cầu ông N phải làm đơn và nộp cho Tòa án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày 02/10/2020. Tuy nhiên, đã hết thời hạn trên mà ông N không nộp đơn yêu cầu cho Tòa án. Do đó, ông N đã tự từ bỏ quyền yêu cầu của mình nên Tòa án không xem xét, giải quyết trong vụ án này. Tuy nhiên, nếu ông N có tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con thì có quyền khởi kiện bằng vụ án khác.
[37] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử xem xét về nhu cầu thiết yếu của người được cấp đưỡng cũng như để đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho trẻ T và căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người cấp dưỡng, có cơ sở chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung là trẻ Kiều Minh T, sinh ngày 10/11/2003 với mức cấp dưỡng là 4.780.000 đồng (Bốn triệu, bảy trăm tám mươi nghìn đồng)/tháng. Phương thức cấp dưỡng như sau:
[38] Từ tháng 11 năm 2019 đến tháng 6 năm 2020 (08 tháng): Ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N có nghĩa vụ cấp dưỡng với tổng số tiền là 8 x 4.780.000 đồng = 38.240.000 đồng (Ba mươi tám triệu, hai trăm bốn mươi nghìn đồng), thực hiện một lần ngay khi án có hiệu lực pháp luật.
[39] Từ tháng 02 năm 2021 cho đến khi trẻ Kiều Minh T thành niên, ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con theo phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng là 4.780.000 đồng (Bốn triệu, bảy trăm tám mươi nghìn đồng). Thời gian thực hiện cấp dưỡng vào ngày 10 tây hàng tháng.
[40] Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị Cẩm H về việc yêu cầu ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con trong thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 01/2021 do ông N đã thực hiện xong nghĩa vụ cấp dưỡng.
[41] Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 5 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 91 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ khoản 20, 24 Điều 3; các Điều 58, 81, 82, 83, 84, 107, 110, 116, 117, 118, 119 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
Căn cứ vào Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015;
Căn cứ vào Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm;
Căn cứ vào điểm a khoản 6 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Võ Thị Cẩm H đối với bị đơn ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N về việc cấp dưỡng nuôi con.
1.1. Buộc ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung là trẻ Kiều Minh T, sinh ngày 10/11/2003 với mức cấp dưỡng mỗi tháng là 4.780.000 đồng (Bốn triệu, bảy trăm tám mươi nghìn đồng). Phương thức cấp dưỡng như sau:
Từ tháng 11 năm 2019 đến tháng 6 năm 2020, ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con với tổng số tiền là 38.240.000 đồng (Ba mươi tám triệu, hai trăm bốn mươi nghìn đồng), thực hiện một lần ngay khi án có hiệu lực pháp luật.
Từ tháng 02 năm 2021 cho đến khi trẻ Kiều Minh T thành niên, ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con theo phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng là 4.780.000 đồng (Bốn triệu, bảy trăm tám mươi nghìn đồng). Thời gian thực hiện cấp dưỡng vào ngày 10 tây hàng tháng.
1.2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị Cẩm H về việc yêu cầu ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con trong thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 01/2021.
Các bên giao nhận tiền cấp dưỡng tại cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Vì lợi ích con chung, các bên có quyền xin thay đổi mức cấp dưỡng hoặc phương thức cấp dưỡng nuôi con sau này. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Kiều Đỗ Hoàng Minh N phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
3. Về quyền kháng cáo: Các đương sự được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp cấp dưỡng nuôi con số 128/2021/HNGĐ-ST
Số hiệu: | 128/2021/HNGĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Bình Chánh - Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 01/02/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về