TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 06/2024/KDTM-PT NGÀY 11/01/2024 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
Trong ngày 11/01/2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân TP H xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 282/2023/KTPT ngày 06/12/2023 về việc tranh chấp tranh chấp bồi thường thiệt hại do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 111/2023/KDTM-ST ngày 27 và 28/09/2023 của Tòa án nhân dân quận Đ bị kháng cáo và kháng nghị, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 749/2023/QĐXX- PT ngày 06/12/2023, Quyết định hoãn phiên tòa số 22 ngày 28/12/2023, giữa:
Nguyên đơn: Công ty TNHH quốc tê LP Trụ sở: .............. phường Niệm Nghĩa, quận L, TP H1. Người đại diện theo pháp luật: ông Phạm Văn T- Tổng giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền: ông Nguyễn Xuân H (theo giấy ủy quyền số 68/2023/GUQ-LP ngày 14/6/2023) (ông H có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa).
Người bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Luật sư Nguyễn Văn N, Công ty Luật Đ, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ Anh (ông N vắng mặt tại phiên tòa).
Bị đơn: Trung tâm trọng tài ............... Trụ sở: .................... quận Đ, TP H. Người đại diện theo pháp luật: ông Vũ Tiến L- Chủ tịch. Người đại diện theo ủy quyền: ông Lưu N Q, Phó trưởng phòng, Ban thư ký ..... (theo giấy ủy quyền số 81/UQ-..... ngày 12/07/2023) (ông Q có mặt tại phiên tòa).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Nguyễn T, Văn phòng Luật sư T, thuộc Đoàn Luật sư TP H (ông T có mặt tại phiên tòa).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và lời tự khai trong quá trình giải quyết vụ án người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Công ty TNHH quốc tế LP (sau đây gọi tắt là nguyên đơn) trình bày:
Nguyên đơn thuê tàu của Công ty vật tư hàng hải H.P.C để quản lý và khai thác, gọi là tàu LP Fortune (sau đây gọi tắt là tàu LPF). Ngày 11/03/2017, tàu LPF xảy ra va chạm với tàu Sky Challenge (sau đây gọi tắt là tàu SC) mang quốc tịch Hàn Quốc khi di chuyển trên biển TP Hồ Chí Minh (tàu SC đâm vào phía sau tàu LPF).
Ngày 24/3/2017, chủ tàu SC (sau đây gọi tắt là CK) đệ trình thư bảo lãnh của Công ty BH B phát hành tới Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh với số tiền bảo lãnh là 1.818.500 đô la Mỹ và tàu SC được thả cùng ngày.
Nguyên đơn và CK cam kết “Trong vòng 30 ngày sau khi tàu LPF được sửa, nguyên đơn sẽ cấp cho Luật sư của CK yêu cầu bồi thường và các văn bản chứng minh để 2 bên tiếp tục đàm phán về tổn số tiền bồi thường cuối cùng. Ngoài ra, hai bên đồng ý đưa mọi tranh chấp đến khoản thiệt hại của nguyên đơn ra trước Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (sau đây gọi tắt là ...../bị đơn) để giải quyết”.
Tàu LPF được sửa xong nhưng nguyên đơn và CK không đàm phán được về số tiền bồi thường cuối cùng. Ngày 11/10/2017, CK khởi kiện nguyên đơn lên ......
Ngày 29/7/2017, ..... đưa ra Phán quyết trọng tài số 82/17/HCM.
Ngày 09/8/2019, nguyên đơn đưa ra yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài (sau đây viết tắt là PQTT).
Ngày 16/10/2019, Tòa án nhân dân TP HCM đưa ra Quyết định số 1420/2019/QĐ- PQTT hủy Phán quyết số 82/17/HCM của ...../bị đơn.
Trong thời gian giải quyết tại ....., nguyên đơn tạm ứng cho bị đơn số tiền 1.331.272.000 đồng. Sau khi Tòa án hủy PQTT, nguyên đơn đề nghị bị đơn hoàn trả số tiền tạm ứng. Bị đơn đề xuất chuyển trả số tiền 400.000.000 đồng nhưng nguyên đơn không đồng ý, đến nay vẫn chưa hoàn trả khoản tiền nào.
Trong đơn khởi kiện, nguyên đơn cho rằng mình đã bị thiệt hại từ PQTT không đúng quy định pháp luật của bị đơn, bao gồm:
- Phí tạm ứng cho bị đơn là 1.331.272.000 đồng;
- Lãi phát sinh từ tiền vay tạm ứng là 697.202.104 đồng (từ ngày 05/02/2018 đến 31/05/2023);
- Thiệt hại chứng thư bảo lãnh của Bảo hiểm B, tính lãi 943.029.260 đồng (từ 29/7/2019 đến 16/10/2019);
- Tiền vé máy bay, khách sạn trong quá trình giải quyết Trọng tài là 140.244.000 đồng;
- Tiền ăn uống tiếp khách trong quá trình giải quyết Trọng tài là 140.244.000 đồng.
Tổng cộng = 3.241.347.365 đồng.
Tại đơn khởi kiện nguyên đơn đề nghị Tòa án giải quyết, buộc bị đơn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn tổng số tiền là 3.241.347.365 đồng.
Bị đơn do người đại diện theo ủy quyền trình bày:
- Việc lựa chọn giải quyết theo thủ tục Trọng tài là hoàn toàn tự nguyện giữa các bên như tự lựa chọn thủ tục, tự lựa chọn Trọng tài viên, … bị đơn chỉ thực hiện chức năng tổ chức, điều phối hoạt động và hỗ trợ về mặt hành chính, văn phòng và các hỗ trợ khác.
- Theo Luật TTTM, bị đơn không có khả năng đưa ra quyết định về nội dung tranh chấp hay đưa ra quyết định yêu cầu của bên này thuộc hay không thuộc thẩm quyền Trọng tài. Mục 1 Điều 38 Điều khoản chung của .......... quy định “Trung tâm không tự mình giải quyết các vụ tranh chấp. Việc giải quyết được tiến hành bởi Hội đồng trọng tài (sau đây viết tắt là HĐTT).
- HĐTT đã độc lập đưa ra Phán quyết và bị hủy bởi quyết định của Tòa án.
Đối với đơn khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn có 3 ý kiến như sau:
- Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đã hết thời hiệu (Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP). Đối với thời hiệu 03 năm kể từ biết quyền lợi bị xâm phạm, khi nguyên đơn gửi yêu cầu hủy PQTT tới Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh ngày 09/8/2019, thì muộn nhất là ngày 09/8/2022, nguyên đơn phải thực hiện khởi kiện về việc lợi ích bị xâm phạm.
- Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không có cơ sở pháp lý. Việc PQTT của bị đơn bị Tòa án hủy không phải là “hành vi xâm phạm” đối với bất cứ bên nào. Vụ việc giải quyết tranh chấp Trọng tài của nguyên đơn và CK không thuộc các trường hợp được hoàn phí tại Phần II Hoàn trả phí Trọng tài theo Biểu phí trọng tài của bị đơn (bị đơn đã có hướng dẫn cụ thể cho nguyên đơn).
- HĐTT trong vụ tranh chấp số 82/17/HCM là những người đã giải quyết tranh chấp và đưa ra Phán quyết, nên họ là những người liên quan trực tiếp với vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại. Trong các thành phần phí Trọng tài, sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, phần lớn khoản thu phí được bị đơn chuyển trả thù lao cho các Trọng tài viên. Vậy nên nếu yêu cầu khởi kiện được chấp nhận thì quyền và nghĩa vụ của 3 Trọng tài viên là liên quan trực tiếp, nên phải đưa họ vào người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Bị đơn đề nghị Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án vì hết thời hiệu khởi kiện. Bác toàn bộ yêu cầu bồi thường của nguyên đơn vì không có căn cứ và ra quyết định đưa các Trọng tài viên trong vụ Tranh chấp trọng tài số 82/17/HCM vào vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tại phiên tòa ngày 27 và 28/9/2023:
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện về khoản lãi phát sinh của số tiền tạm ứng phí Trọng tài; thiệt hại đối với khoản lãi suất phát sinh từ chứng thư bảo lãnh do Bảo hiểm B phát hành; chi phí máy bay, phòng nghỉ, chi phí ăn uống tiếp khách trong quá trình giải quyết tại ......... và Tòa án.
Nguyên đơn chỉ yêu cầu, buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại toàn bộ số tiền mà nguyên đơn đã tạm ứng cho bị đơn trong quá trình giải quyết tranh chấp tại ..... là 1.331.272.000 đồng.
Đại diện theo ủy quyền của bị đơn giữ nguyên quan điểm đã trình bày và đề nghị Hội đồng xét xử: áp dụng điểm e mục 1 Điều 217 BLTTDS ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do thời hiệu khởi kiện đã hết; Bác toàn bộ các yêu cầu đòi bồi thường của nguyên đơn vì không có căn cứ; Ra quyết định thông báo và đưa các thành viên HĐTT vụ tranh chấp số 82/17HCM là ông Jaya P, ông Chu Khắc Hoài Dvà ông Ngô Khắc Lvào tham gia tố tụng với tư các là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án; Ra quyết định chuyển vụ án lên Tòa án nhân dân TP H để giải quyết theo thẩm quyền vì có yếu tố nước ngoài.
Bị đơn không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 111/2023/KDTM- ST ngày 27 và 28/9/2023 của Tòa án nhân dân quận Đ đã xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
- Buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền 1.331.272.000 đồng.
- Đình chỉ các yêu cầu khác của nguyên đơn.
2. Về án phí:
Nguyên đơn được chấp nhận yêu cầu khởi kiện nên không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả nguyên đơn số tiền 48.000.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0072152 ngày 28/6/2023.
Bị đơn phải nộp 51.938.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Ngoài ra, Bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Không đồng ý với Bản án sơ thẩm nêu trên, bị đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm số 111/2023/KDTM-ST ngày 28 và 29/9/2023 của Toà án nhân dân quận Đ.
Viện kiểm sát nhân dân TP H kháng nghị vụ án và đề nghị Tòa án nhân dân TP H hủy Bản án sơ thẩm và giữ lại vụ án để giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
Tại giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án:
Ngày 03/01/2024, nguyên đơn có xin rút yêu cầu khởi kiện vì nguyên đơn cho rằng việc nguyên đơn khởi kiện ..... tại Toà án nhân dân quận Đ là không đúng thẩm quyền của Toà án theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật TTTM. Đồng thời nguyên đơn xin vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn có kháng cáo trình bày, bị đơn nhất trí với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân TP H và Đơn xin rút yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì Tòa án nhân dân quận Đ thụ lý vụ án là không đúng thẩm quyền, đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ việc giải quyết vụ án và xem xét là ..... không phải nộp tiền án phí theo Bản án sơ thẩm vì ..... không có lỗi gì trong việc nguyên đơn khởi kiện và vụ án bị hủy.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP H đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của Viện kiểm sát nhân dân TP H và đình chỉ việc giải quyết vụ án do nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Việc thụ lý và giải quyết vụ án của Tòa án nhân dân quận Đ là không đúng thẩm quyền do đây không phải là vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quận, huyện. Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết những vụ việc liên quan đến Trọng tài thương mại được quy định trong Luật TTTM cụ thể là khoản 5 Điều 49 Luật TTTM. Để nghị Hội đồng xét xử không buộc ..... phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
Về tố tụng:
Đây là tranh chấp giữa nguyên đơn là một doanh nghiệp và bị đơn là một Trung tâm trọng tài thương mại (là đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý) nên là tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 30, Điều 31, điểm b khoản 1 Điều 35, Điều 37, Điều 38 Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 7 Luật TTTM. Thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp này thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cụ thể là thuộc Tòa Kinh tế, Tòa án nhân dân TP H. Tòa án nhân dân quận Đ thụ lý và và giải quyết vụ tranh chấp theo thủ tục sơ thẩm là không đúng thẩm quyền.
Ngoài ra, Luật TTTM chỉ quy định Trọng tài phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp HĐTT áp dụng khác hoặc vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tại thời theo quy định tại khoản 5 Điều 49 Luật TTTM. Trong vụ án này, Tòa án nhân dân quận Đ thụ lý vụ án giữa nguyên đơn là một doanh nghiệp và bị đơn là một Trung tâm trọng tài thương mại, xác định quan hệ tranh chấp là đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là không đúng tinh thần quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và tinh thần quy định của Luật TTTM.
Bị đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Do vậy, kháng cáo của bị đơn là hợp lệ.
Viện kiểm sát kháng nghị Bản án sơ thẩm phù hợp với quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn đồng ý với việc rút yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP H đề nghị Hội đồng xét xử hủy Bản án sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án. Hội đồng xét xử nhận thấy đề nghị của bị đơn và đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự và phù hợp với tinh thần quy định của Luật TTTM.
Về án phí, do Tòa án nhân dân quận Đ thụ lý vụ án không đúng thẩm quyền và nguyên đơn có đơn rút yêu cầu khởi kiện nên Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án. Vì vậy, nguyên đơn và bị đơn không phải chịu án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm kinh doanh thương mại.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ:
- Các điều 293, 294, 308 và 311 Bộ luật tố tụng dân sự;
- Căn cứ Điều 7 Luật trọng tài thương mại;
- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Xử:
1. Hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 111/2023/KDTM- ST ngày 27 và 28/9/2023 của Tòa án nhân dân quận Đ và đình chỉ giải quyết vụ án.
2. Hoàn trả Công ty TNHH quốc tế LP số tiền 48.000.000 (bốn mươi tám triệu) đồng tạm ứng án phí đã nộp tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0072152 ngày 28/6/2023 của Chi cục thi hành án dân sự quận Đ.
Hoàn trả Trung tâm trọng tài .......... số tiền 300.000 (ba trăm nghìn) đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 2884 ngày 26/10/2023 của Chi cục thi hành án dân sự quận Đ.
Bản án phúc thẩm xử công khai và có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại số 06/2024/KDTM-PT
Số hiệu: | 06/2024/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 11/01/2024 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về