Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tài sản số 89/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 89/2022/DS-PT NGÀY 15/09/2022 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG TÀI SẢN

Ngày 15 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số12/2021/TLPT-DS ngày 12 tháng 4 năm 2022 về việc Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản”.Do Bản án Dân sự sơ thẩm số 22/2021/DS-ST ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bình Phước bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số12/2022/QĐXXPT-DS ngày 05 tháng 5 năm 2022, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Lê Văn T, sinh năm 1945; (có mặt) Địa chỉ: Tổ 4, ấp 4, xã N, huyện C, tỉnh Bình Phước

- Bị đơn: Ông Trần Văn H, sinh năm 1980; (có đơn xin xét xử vắng mặt) Địa chỉ: KP.3, TT. C, huyện C, tỉnh Bình Phước;

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1948; (có mặt) Địa chỉ: Tổ 4, ấp 4, xã N, huyện C, tỉnh Bình Phước

- Người làm chứng:

1. Bà Nguyễn Thị Phương Đ, sinh năm 1983; (có đơn xin xét xử vắng mặt) Địa chỉ: Ấp 4, xã N, huyện C, tỉnh Bình Phước

2. Ông Cao Đức T1, sinh năm 1981; (có đơn xin xét xử vắng mặt) Địa chỉ: Ấp 4, xã N, huyện C, tỉnh Bình Phước

3. Ông Lâm D, sinh năm 1954; (có đơn xin xét xử vắng mặt) Địa chỉ: Ấp 4, xã N, huyện C, tỉnh Bình Phước ;

Người kháng cáo: Bị đơn ông Trần Văn H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện ngày 03/12/2020 và quá trình giải quyết vụ án, tại phiên tòa nguyên đơn ông Lê Văn T trình bày:

Ông T là chủ sử dụng thửa đất diện tích 30.596,7m2 thuộc thửa số 10, tờ bản đồ 14 tọa lạc tại ấp 4, xã N, huyện C, tỉnh Bình Phước. Đất của ông T nằm sau Bàu Sen và được ông T trồng cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt… và cây cao su từ năm 1995 đến năm 2019 chưa bao giờ ngập nước vì ông D có mương thoát nước cố định đi giữa đất và 01 mương mương thoát nước bao quanh đất để cho nước thoát xuống cống dưới lộ và theo cống này chảy qua đường lộ và chạy qua suối. Tuy nhiên, từ khi ông Lâm D chuyển nhượng thửa đất của ông D cho ông Trần Văn H thì ông H đã tiến hành đào ao ngăn dòng, san lấp mặt bằng và lấp đường mương thoát nước, gây ngập úng trên toàn bộ diện tích đất ăn trái của ông T làm cho cây ăn trái của ông T bị chết hoàn toàn gây thiệt hai cho ông T. Ngày 27/8/2020 Ủy ban nhân dân xã N có giải quyết vụ việc nêu trên nhưng nước chỉ thoát được 50% mặc dù ông T đã thuê máy cuốc thêm một lần nữa nhưng vẫn bị ngập.

Ông T cho rằng gia đình của ông T chủ yếu dựa vào diện tích đất nêu trên để canh tác đem lại nguồn sống của cả gia đình. Cây măng cụt của gia đình ông T trồng có tuổi thọ trên 100 tuổi, một cây măng cụt một năm cho thu hoạch từ 60 -100 kg, giá bán trung bình khoảng 40.000 đồng/kg. Ngoài ra ông T còn trồng xen bưởi, dừa, chôm chôm được gần 3 năm nay. Nhưng do ông H lấp mương ngăn dòng chảy đã khiến cho toàn bộ diện tích cây trồng ngập úng, kinh tế gia đình ông điêu đứng không còn thu nhập, ông T nhiều lần liên hệ ông H để thỏa thuận giải quyết nhưng ông H không hợp tác.

Do đó, ông T khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông H phải bồi thường thiệt hại cho ông T như sau:

- 01 cây măng cụt là 1 năm cho thu nhập 1.800.000 đồng x 92 cây = 165.000.000 đồng, măng cụt bồi thường 30 năm khai thác còn lại là 165.000.000 đồng x 30 năm = 4.968.000.000 đồng - Sầu riêng 33 cây x 1.000.000 đồng = 33.000.000 đồng;

- Bưởi 55 cây x 800.000 đồng = 44.000.000 đồng;

- Chôm chôm 03 cây x 100.000 đồng = 300.000 đồng;

- Dừa 06 cây x 300.000 đồng = 1.800.000 đồng;

Tổng số tiền ông T yêu cầu ông H bồi thường là 5.047.100.000 đồng.

Ngày 13/10/2021 ông T khởi kiện bổ sung yêu cầu ông Trần Văn H phải bồi thường thêm cho ông T 19 cây măng cụt mới chết với số tiền 01 cây măng cụt là 1 năm cho thu nhập 1.800.000 đồng x 19 cây = 165.000.000 đồng, măng cụt bồi thường 30 năm khai thác còn lại là 165.000.000 đồng x 30 năm = 1.026.000.000 đồng. Tuy nhiên, ngày 26/10/2021 ông H đã rút phần yêu cầu khởi kiện này Quá trình giải quyết vụ án, ông T cung cấp chứng cứ gồm: Báo cáo kết quả hòa giải (bản sao); Đơn đề nghị giải quyết (photo); Biên bản hòa giải ngày 27/8/2020 (bản photo); 02 hình cây ngập (có chữ ký xác nhận của ông T); Giấy chứng nhận QSD đất (bản photo)

Quá trình giải quyết vụ án bị đơn ông Trần Văn H trình bày:

Vào khoảng tháng 02/2020 ông H có nhận chuyển nhượng 01 thửa đất tại ấp 4, xã N, huyện C, tỉnh Bình Phước, trên đất có 02 cái ao và một số cây ăn trái nhưng do nguồn gốc đất của ông H là đất bàu trũng nên ông H có xin cải tạo đất và nâng cấp phần diện tích đất này. Khoảng tháng 4/2020 ông H có cho múc ao và lấy đất dưới ao lên phía trên để cải tạo đất. Sau đó ông H nhận được giấy mời của Ủy ban nhân dân xã N mời lên hòa giải về việc bồi thường thiệt hại cho cây trồng bị ngập úng. Do Ủy ban nhân dân xã N nhận được đơn khiếu nại của ông T cho rằng cây cối của ông bị ngập nên khiếu nại ra Ủy ban nhân dân xã, ông T cho rằng do ông H cải tạo đất nên đất ông bị ngập. Ủy ban nhân dân xã vận động bên ông H cho múc mương để giải quyết vấn đề nước ngập cấp bách cho người dân đến mua khô sẽ cải tạo lại. Lúc đó ông H đồng ý và ai múc mương của ông H ông cũng không biết. Tại buổi hòa giải ông H đồng ý cho hộ ông T múc mương trên phần diện tích đất của ông để giải quyết tạm thời cho việc thoát nước nhưng do phần đất của ông T quá thấp nên không thể thoát nước được. Theo ông H trước khi ông nâng cấp cải tạo đất thì nước của khu vực này thoát ra cống sẽ tràn tự nhiên từ hướng phía trên xuống theo độ nghiêng và hướng phía ông T tràn sang ông Hiếu (chủ sử dụng liền kề giữa ông H và ông T) và tràn sang bên ông H thoát qua cống dưới đường. Ông H xác định bên ông có cống nhưng cống thoát nước từ ao ông D chảy xuống cống dưới lộ chảy qua suối chứ không có cống thoát nước từ ông T sang ông D và không có mương thoát nước như ông T trình bày. Việc ông H múc ao lấp đất thì dẫn đến ngập cục bộ phía bên đất phía trong phía ông T, ông Hiếu nhưng đất của ông H thì ông H cải tạo nâng cấp, ông H không nghĩ phải có trách nhiệm gì với đất của những người này. Đồng thời khi ông H cải tạo là mùa khô nên cũng không biết gì đến việc đất sẽ bị ngập khi múc ao lấp đất. Do đó trước yêu cầu khởi kiện của ông T thì ông H không đồng ý.

Bị đơn cung cấp chứng cứ gồm: Giấy chứng nhận QSD đất (bản sao)

Tại bản tự khai ngày 17/10/2021 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị S trình bày:

Bà S là vợ của ông Lê Văn T, đối với việc ông T khởi kiện ông Trần Văn H yêu cầu ông H phải bồi thường toàn bộ số cây ăn trái bao gồm măng cụt, sầu riêng, dừa, bưởi…tại thửa đất 30.596,7m2 tại ấp 4, xã N, huyện C, tỉnh Bình Phước do ông H múc ao lấp mương ngăn dòng chảy gây ngập chết cây của gia đình bà thì bà thống nhất với ý kiến của ông T. Bà S để ông T toàn quyền quyết định mọi vấn đề, bà S không yêu cầu tòa án giải quyết vấn đề gi cho bà Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2021/DS-ST ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bình Phước đã quyết định:

“Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn T. Buộc ông Trần Văn H phải bồi thường cho ông Lê Văn T số tiền 194.150.000 đồng.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn T về việc buộc ông Trần Văn H phải bồi thường cho ông Lê Văn T số tiền 4.852.650.000 đồng Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông T về việc yêu cầu ông H phải bồi thường số tiền 300.000 đồng giá trị 03 cây chôm chôm và yêu cầu khởi kiện của ông T về việc yêu cầu ông Trần Văn H phải bồi thường thêm cho ông T 19 cây măng cụt mới chết với số tiền là 1.026.000.000 đồng” Ngoài ra còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.

Ngày 18/02/2022, bị đơn ông Trần Văn H có đơn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm trên, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước hủy bản án dân sự sơ thẩm và giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bị đơn ông Trần Văn H vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt đồng thười gửi bản tự khai trình bày ý kiến và yêu cầu kháng cáo.

- Nguyên đơn ông Lê Văn T đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị S đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

Ý kiến của Kiểm sát viên - Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước tại phiên tòa:

- Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử, kể từ khi thụ lý vụ án và tại phiên tòa, Thẩm phán và Hội đồng xét xử tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về hướng giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Khoản 2 Điều 308, 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Trần Văn H, sửa toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 22/2021/DS-ST ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bình Phước.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và quan điểm của đại diện Viện kiểm sát đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng:

Đơn kháng cáo của bị đơn ông Trần Văn H được nộp trong hạn luật định nên được chấp nhận xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm, vì vậy Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước thụ lý và giải quyết phúc thẩm vụ án là đúng theo quy định tại Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Xét kháng cáo của bị đơn ông Trần Văn H thấy rằng:

[2.1] Về nguồn gốc đất:

Phần diện tích đất hiện nay các bên đương sự đang tranh chấp có nguồn gốc vào tháng 2/2020 ông Trần Văn H có nhận chuyển nhượng thửa đất 11765,1m2 tọa lạc tại ấp 4, xã N, huyện C, tỉnh Bình Phước (sau khi nhận chuyển nhượng ông H đã chuyển nhượng một phần còn lại phần diện tích là 8347,2m2). Theo sơ đồ do chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện C thửa đất ông H có vị trí cách phần đất diện tích 30.596,7m2 thuộc thửa số 10, tờ bản đồ 14 của hộ ông T là một phần của thửa số 7, tờ bản đồ số 14. Trong tổng phần diện tích đất này có một phần ông T trồng cây ăn trái bao gồm măng cụt, sầu riêng, bưởi, dừa… Khoảng tháng 4/2020 ông H có cho múc ao và lấy đất dưới ao lên phía trên để cải tạo đất mà ông đã nhận chuyển nhượng từ ông Lâm D. Ông T cho rằng việc ông H tiến hành đào ao ngăn dòng, san lấp mặt bằng và lấp đường mương thoát nước, gây ngập úng trên toàn bộ diện tích đất của ông T làm cho cây trồng của ông T bị chết hoàn toàn gây thiệt hại cho ông T tổng cộng là 5.047.100.000 đồng. Ông H không đồng ý và cho rằng không có mương thoát nước như lời ông T mà là do nước chảy theo chiều nghiêng, đất ông H và đất ông T là vùng trũng, nước thoát từ hướng đất ông T sang ông H để chảy qua suối. Đất là của ông H thì ông cải tạo nâng đất nên ông không có trách nhiệm gì với ông T.

Xét thấy, mặc dù ông H không thừa nhận trên đất ông D chuyển nhượng cho ông có mương thoát nước nhưng quá trình lấy lời khai người làm chứng là ông Lâm D (người sang nhượng đất cho ông H), bà Nguyễn Thị Phương Đ, ông Cao Đức T1 (người dân sinh sống gần đó) và xác minh tại địa phương xác định được bên đất ông D trước đây khi chuyển nhượng cho ông H đã có mương thoát nước, việc ông H múc đất san lấp mặt bằng đã lấp cả mương thoát nước dẫn đến ngập khu vực bên trong, trong đó có vườn cây ăn trái của ông T. Đồng thời, ông H cũng thừa nhận ông có múc ao lấy đất sang lấp mặt bằng để nâng đất của ông cao lên, việc này ông có xin phép chính quyền phương nhưng chưa nhận được văn bản trả lời và ông cũng không báo cho ông T và các chủ sử dụng đất bên trong biết, trong khi đó đất tại khu vực này đang là vùng trũng thấp, ngước đang thoát từ khu vực phía bên trong ông T sẽ thoát sang đất ông H để thoát xuống cống dưới lộ để chạy sang suối do đó nước không thoát được dẫn tới ngập chết cây ăn trái của ông T. Việc thay đổi hiện trạng sử dụng đất của ông H đã vi phạm Điều 249, Điều 252 Bộ luật dân sự năm 2015, Điều 170 Luật đất đai năm 2013 hậu quả làm chết 92 cây măng cụt, 55 cây bưởi, 33 cây sầu riêng, 06 cây dừa (theo biên bản thẩm định ngày 04/02/2021) nên cần căn cứ vào các Điều 584, Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015 buộc ông H phải bồi thường thiệt hại cho ông T.

Ông T cho rằng măng cụt trồng năm 1995 và số cây trồng còn lại trồng được 3 năm tuổi việc này ông T tuy không xuất trình được chứng cứ chứng minh thời gian trồng số cây nêu trên nhưng người làm chứng là ông Lâm D xác nhận do ông D canh tác trên thửa đất của ông H nên biết rõ việc này.Tuy nhiên, việc ông T cho rằng số tiền 5.046.800.000 đồng ông yêu cầu ông H bồi thường được ông tính trên cơ sở 01 cây măng cụt là 1 năm cho thu nhập 1.800.000 đồng x 92 cây = 165.000.000 đồng, măng cụt bồi thường 30 năm khai thác còn lại là 165.000.000 đồng x 30 năm = 4.968.000.000 đồng, sầu riêng 33 cây x 1.000.000 đồng = 33.000.000 đồng, bưởi 55 cây x 800.000 đồng = 44.000.000 đồng, dừa 06 cây x 300.000 đồng = 1.800.000 đồng là không phù hợp tại quy định Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 vì việc mất thu nhập trên do ông T dự tính xảy ra trong tương lai không phải là thiệt hại thực tế. Tại tời điểm xảy ra thiệt hại số lượng cây măng cụt của ông T không phải mùa thu hoạch, cây bưởi, sâu riêng, dừa chưa cho thu hoạch đã ngập chết hoàn toàn. Mặc khác tại công văn số 113/NN&PTNT ngày 31/5/2021 của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện C xác định các cây trồng nêu trên đã chết không còn giá trị cho sản phẩm, do đó chỉ có thể căn cứ vào biên bản định giá tài sản ngày 30/6/2021 để xác định thiệt hại cho ông T, cụ thể như sau: Số cây chết gồm 92 cây măng cụt trồng năm 1995 có giá 1.920.000 đồng/cây x 92 cây = 176.640.000 đồng, 55 cây bưởi 03 năm tuổi có giá 170.000 đồng/cây x 55 cây = 9.350.000 đồng, 33 cây sầu riêng 03 năm tuổi có giá 230.000 đồng/cây x33 cây = 7.590.000 đồng, 06 cây dừa 03 năm tuổi có giá 95.000.đồng/cây = 570.000 đồng. Tổng cộng là 194.150.000 đồng. Như vậy, cần chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T, buộc ông H phải bồi thường cho ông T số tiền 194.150.000 đồng.

Đối với yêu cầu khởi kiện của ông T về việc yêu cầu khởi kiện yêu cầu ông H phải bồi thường số tiền 300.000 đồng giá trị 03 cây chôm chôm và yêu cầu khởi kiện bổ sung của ông T về việc yêu cầu ông Trần Văn H phải bồi thường thêm cho ông T 19 cây măng cụt mới chết với số tiền 01 cây măng cụt là 1 năm cho thu nhập 1.800.000 đồng x 19 cây = 165.000.000 đồng, măng cụt bồi thường 30 năm khai thác còn lại là 165.000.000 đồng x 30 năm = 1.026.000.000 đồng. Do ông T đã rút yêu cầu khởi kiện về các phần yêu cầu khởi kiện này, việc rút đơn của ông T là hoàn toàn tự nguyện nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Trần Văn H, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 22/2021/DS-ST ngày 24/12/2021 của TAND huyện C, tỉnh Bình Phước.

[3] Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước là không có căn cứ, không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.

[4] Về chi phí tố tụng sơ thẩm:

[4.1] Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Ông H phải chịu án phí trên số tiền mà yêu cầu của ông T được Tòa án chấp nhận cụ thể: 194.150.000 đồng x 5% = 9.907.500 đồng.

- Ông T phải chịu án phí trên số tiền mà yêu cầu khởi kiện của ông T không được Tòa án chấp nhận 5.046.800.000 đồng - 194.150.000 đồng = 4.852.650.000 đồng là 112.852.650 đồng. Tuy nhiên do ông T là người cao tuổi có đơn xin miễn án phí thuộc trường hợp được miễn án phí quy định tại khoản 1, Điều 12, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án nên ông T không phải chịu.

[4.2] Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Do yêu cầu khởi kiện của ông T được Tòa án chấp nhận một phần nên ông H phải chịu toàn bộ. Ông T đã nộp tạm ứng chi phí định giá là 3.000.000 đồng, chi phí xem xét thẩm định tại chỗ là 1.000.000 đồng nên ông H phải thanh toán lại cho ông T số tiền 4.000.000 đồng nêu trên.

[5] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo của ông H không được chấp nhận nên ông H phải chịu.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Trần Văn H. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 22/2021/DS-ST ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bình Phước.

- Căn cứ khoản 3 Điều 26 điểm a khoản 1, Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 143, Điều 165, Điều 184, Điều 147, Điều 244, Điều 266, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự.

- Căn cứ các Điều 249, Điều 252, Điều 584, Điều 585, Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 170 Luật đất đai năm 2013

- Căn cứ khoản 1 Điều 12, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn T. Buộc ông Trần Văn H phải bồi thường cho ông Lê Văn T số tiền 194.150.000 đồng.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn T về việc buộc ông Trần Văn H phải bồi thường cho ông Lê Văn T số tiền 4.852.650.000 đồng Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông T về việc yêu cầu ông H phải bồi thường số tiền 300.000 đồng giá trị 03 cây chôm chôm và yêu cầu khởi kiện của ông T về việc yêu cầu ông Trần Văn H phải bồi thường thêm cho ông T 19 cây măng cụt mới chết với số tiền là 1.026.000.000 đồng.

Kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án có cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản lãi của số tiền còn phải thi hành theo theo mức lãi quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Ông Lê Văn T được miễn.

- Ông Trần Văn H phải nộp 9.907.500 đồng.

3. Về chi phí định giá, xem xét thẩm định tại chỗ: Ông Trần Văn H phải thanh toán cho ông Lê Văn T số tiền là 4.000.000 đồng.

4. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Trần Văn H phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự phúc thẩm, được khấu trừ vào 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0011697, ngày 19 tháng 01 năm 2022 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện C, tỉnh Bình Phước. Ông H đã nộp đủ.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7 và 9 của Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

228
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tài sản số 89/2022/DS-PT

Số hiệu:89/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 15/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về