Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 53/2023/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 53/2023/DS-PT NGÀY 24/07/2023 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Trong các ngày 19 tháng 7 và ngày 24 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 72/2022/TLPT-DS ngày 14 tháng 11 năm 2022 về việc Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 26/2022/DS-ST ngày 29/9/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương bị kháng cáo;

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 16/2023/QĐPT-DS ngày 04 tháng 4 năm 2023 và các Quyết định hoãn phiên tòa và Thông báo thay đổi thời gian mở phiên tòa giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:Công ty TNHH O. Địa chỉ: KCN K Q, phường K Q, thành phố V Y, tỉnh V P. Người đại diện theo pháp luật: Ông Min J, chức vụ: Tổng giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: 1. Ông Đặng Quý T, sinh năm 1987. Luật sư Công ty Luật TNHH N. Địa chỉ: phòng 602, tầng 6, tòa nhà số 169 đường Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. 2. Bà Nguyễn Thị Lan H, sinh năm 1982. Địa chỉ: KCN K Q, phường K Q, thành phố V Y, tỉnh V P.

2. Bị đơn: Công ty TNHH E. Người đại diện theo pháp luật: Ông Lee Jong S, chức vụ: Tổng giám đốc. Địa chỉ: Nhà xưởng số 5 và số 6, lô NQ, khu công nghiệp Đ, KM51, quốc lộ 5, phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn gồm:

1. Ông Ngô Ngọc D, sinh năm 1976.

2. Ông Nguyễn Đình N, sinh năm 1975.

3. Ông Trần Trọng N, sinh năm 1998.

4. Ông Ngô Huỳnh Đ, sinh năm 1996.

Đều có địa chỉ: Công ty luật TNHH T P1001 Tòa nhà CT3-3; Khu đô thị M, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

5. Ông Jung Chang S, sinh năm 1976. Địa chỉ: số CT1 chung cư T, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Người phiên dịch: Bà Nguyễn Thị Phương L – Phiên dịch viên tiếng Hàn Quốc của Công ty.

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH D. Địa chỉ: Nhà xưởng số 3 và nhà xưởng số 4, lô NQ, khu công nghiệp Đ, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Người đại diện theo pháp luật: Ông Bae Si H – chức vụ: Tổng giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: 1. Ông Park Y, sinh năm 1974. Địa chỉ: Nhà xưởng số 3 và nhà xưởng số 4, lô NQ, khu công nghiệp Đ, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Người phiên dịch: Bà Đỗ Thị Hương – Phiên dịch viên tiếng Hàn Quốc của Công ty D.

2. Bà Mai Thị Tr, sinh năm 1988. Địa chỉ: thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty TNHH D.

1. Ông Đỗ Quang H, sinh năm 1981. Luật sư – Công ty Luật TNHH L. Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà IC, số 82 D, phường D, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

2. Bà Đoàn Thu N sinh năm 1978. Luật sư – Công ty Luật TNHH T. Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà IC, số 82 D, phường D, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Người kháng cáo gồm:

1. Bị đơn: Công ty TNHH E.

2. Công ty TNHH D – là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương kháng nghị bản án.

Tại phiên tòa có mặt: Ông T, bà H, ông Min J, ông D, ông N, ông Jung Chang S, bà L, ông Park Y; bà Tr, bà Đỗ Thị H, ông H.

Vắng mặt: Ông Lee Jong S, ông Ng, ông Đ, ông Bae Si H, bà N.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện, các biên bản lấy lời khai, hòa giải nguyên đơn cùng người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn thống nhất trình bầy: Ngày 10/6/2020 Công ty TNHH O (được viết tắt là Công ty O) ký kết hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH E (được viết tắt là công ty E). Nội dung hợp đồng thể hiện. Công ty O có nhiệm vụ gia công hàng hóa là chi tiết các bản mạch FPCB của bộ mạch in điện cho công ty E. Vị trí gia công tại nhà xưởng của Công ty D Electro – Materials (được viết tắt là Công ty D). Máy móc gia công là của Công ty O đã được đặt tại xưởng của Công ty D. Quá trình thực hiện hợp đồng nguyên tắc, mặc dù trong hợp đồng không thỏa thuận về giá thuê nhà xưởng cũng như các chi phí khác nhưng khi thực hiện Công ty O vẫn phải thanh toán những khoản tiền trên cho công ty E bằng phương thức trừ trực tiếp vào giá trị sản phẩm. Ngày 25/4/2021 Công ty D xẩy ra cháy nhà xưởng, trong đó có xưởng mà Công ty O đặt máy móc sản xuất. Sự kiện cháy nhà xưởng đã có kết luận của Viện khoa học hình sự Bộ công an. Điểm xuất phát cháy từ phòng Etching của công ty E. Nhà xưởng bị cháy gây thiệt hại rất lớn đến máy móc của Công ty O đặt tại xưởng, tổng giá trị thiệt hại từ máy móc bị cháy là 27.293.297.960 đồng. Giá trị thiệt hại trên gồm có 14 hạng mục. Cụ thể: Tổn thất nguyên vật liệu: 1.208.189.659đ; giá trị tổn thất công cụ, dụng cụ:

79.389.271đ; Máy đo thiết bị kiểm tra mạ đồng: 97.257.463đ; Máy đo độ dày bản mạch: 25.857.190đ; Đầu đo độ dày bản mạch: 19.403.046đ; Hệ thống máy mạ đồng: 25.726.756.263đ; Màn hình cảm ứng Alutop 1.750.000đ; Chi phí trả trước tương lai: 13.978.498đ; HD 103346315702: 46.701.570đ; Máy tính xách tay: 8.230.000đ; Máy tính xách tay: 8.230.000đ; Máy thiết bị khử trùng nước bằng tia cực tím UV8gpm + phí vận chuyển: 3.905.000đ; Chi phí mua bơm hóa chất: 26.150.000đ; Máy in: 27.500.000đ. Tất cả các máy móc trên bị thiệt hại, công ty đã có chứng thư thẩm định giá. Căn cứ vào thiệt hại thực tế và kết quả của chứng thư thẩm định, Công ty O yêu cầu công ty E phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền 27.293.297.960đ. Trong quá trình xét xử sơ thẩm. Công ty O đã thay đổi, bổ sung một phần yêu cầu khởi kiện. Công ty O đề nghị Tòa án buộc công ty E và Công ty D phải có trách nhiệm liên đới bồi thường giá trị thiệt hại cho công ty là 26.196.696.000đ. Căn cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện gồm: Hợp đồng nguyên tắc được ký kết giữa Công ty O và công ty E, các hóa đơn chứng từ liên quan đến máy móc bị thiệt hại, chứng thư thẩm định giá.

Quan điểm của bị đơn công ty E: Ngày 01/6/2020 Công ty D và công ty E có ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Nội dung thể hiện: Công ty E gia công sản phẩm cho Công ty D, vị trí gia công khu xưởng C, D tại nhà xưởng của Công ty D. Máy móc thực hiện việc gia công là do Công ty D cung cấp hoặc công ty E trang bị nếu thấy cần thiết cho việc gia công sản phẩm. Ngày 10/6/2020 công ty E ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty O, nội dung hợp đồng như Công ty O trình bầy là chính xác. Quá trình thực hiện hợp đồng nguyên tắc, Công ty O thanh toán tiền nhà xưởng và các khoản phí khác bằng hình thức trừ vào sản phẩm. Máy móc của Công ty O đã được đặt trước tại xưởng của Công ty D. Khi thực hiện hợp đồng, các bên đã thực hiện đúng thỏa thuận, không có tranh chấp về nội dung hợp đồng ký kết. Công ty E không phải chủ thuê nhà xưởng, nơi đặt máy móc của Công ty O. Ngày 25/4/2021 xẩy ra vụ cháy tại Công ty D gây thiệt hại, trong đó có máy móc của Công ty O. Nguyên nhân cháy đã được kết luận bởi cơ quan nhà nước thẩm quyền. Bị đơn xác định, sự kiện cháy xẩy ra là bất khả kháng, khi vụ cháy xẩy ra là ngày nghỉ, nhân viên của công ty E cũng đã nỗ lực cùng lực lượng chức năng chữa cháy nhưng không được. Căn cứ vào Kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Bộ công an, Thông báo của Công an huyện Cẩm Giàng. Nguyên nhân cháy là do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện làm cháy lớp vỏ cách điện sau đó cháy lan ra xung quanh, không rõ bắt nguồn từ đâu, không do lỗi của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Công ty E không phải là chủ xưởng sản xuất, không phải đơn vị có máy móc đặt tại xưởng, không phải là chủ thể dẫn đến vụ cháy nêu trên. Công ty O thay đổi yêu cầu khởi kiện, buộc công ty E cùng Công ty D phải liên đới bồi thường số tiền 27.293.297.960đ, Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên đơn thay đổi số tiền yêu cầu còn lại là 26.196.696.000đ. Công ty E không đồng ý, đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Quan điểm của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty D trình bầy: Ngày 04/6/2020 Công ty D ký hợp đồng với công ty cổ phẩn Đ. Cụ thể Công ty D thuê khu C và D lô XN6 – 11 khu Đ mở rộng, thuộc địa phận thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Mục đích thuê nhà xưởng là để sản xuất các sản phẩm bản mạch điện tử PFC, đơn vị đang chạy thử, có hệ thống công tác phòng cháy, chữa cháy đảm bảo an toàn do Phòng cháy, chữa cháy công an tỉnh Hải Dương thực hiện và được ký kết ngày 23/4/2021. Khi tiếp nhận nhà xưởng tại khu C, Công ty D có biết được sự việc máy móc của công ty Ilshin vẫn để tại xưởng, chưa di dời. Quá trình sử dụng nhà xưởng thì Công ty D đã ký hợp đồng mua bán điện với công ty Điện lực Hải Dương. Mục đích mua điện để sản xuất các sản phẩm bản mạch điện tử. Ngày 01/6/2020 Công ty D đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với công ty E để cùng sản xuất sản phẩm PFC. Theo nội dung hợp đồng hợp tác, các bên đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ, không tranh chấp về nội dung hợp đồng ký kết. Cụ thể. Công ty E sản xuất sản phẩm PFC tại nhà xưởng của Công ty D, công ty E sử dụng nguồn điện của Công ty D dưới sự giám sát của Công ty D. Máy móc được sản xuất là của Doosan hoặc Eduen. Phí thuê nhà xưởng. Công ty E không phải thanh toán cho Doosan. Công ty D không ký kết bất kỳ hợp đồng kinh doanh nào liên quan đến Công ty O. Ngày 25/4/2021 xẩy ra vụ cháy tại nhà xưởng của Công ty D. Nguyên nhân vụ cháy cũng được kết luận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và công an huyện Cẩm Giàng và Viện khoa học hình sự Bộ công an. Sự việc cháy xẩy ra làm thiệt hại không chỉ máy móc của Công ty O đặt tại xưởng của Công ty D mà Công ty D cũng bị thiệt hại nặng nề do vụ cháy gây nên. Nay Công ty O khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc công ty E và Công ty D phải liên đới bồi thường giá trị máy móc bị thiệt hại là 26.196.696.000đ, công ty không đồng ý bởi các lý do sau. Nguyên nhân vụ cháy là do bất khả kháng, không có yếu tố tác động của con người. Hơn nữa, Công ty D không ký hợp đồng kinh tế nào với Công ty O, việc Orchem đặt máy móc tại xưởng của Công ty D mà không được Công ty D cho phép là xâm phạm đến quyền sử dụng xưởng của Công ty D. Khi vụ cháy xẩy ra Công ty D là đơn vị thiệt hại nhiều nhất, công ty không thu phí thuê nhà xưởng, phí điện nước từ Công ty O nên không có căn cứ gì xác định trách nhiệm của Công ty D trong thiệt hại của Orchem. Đề nghị Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại bản kết luận giám định số 3622/C09 – P2 ngày 03/6/2021 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Điểm xuất phát cháy nằm ở khu vực giáp tường phía Nam, cách tường phía Tây khoảng 18m bên trong phòng Etching thuộc khu Zone 6 của Công ty D Việt Nam có địa chỉ khu C + D lô XN6 –II khu Công nghiệp Đ. Điểm xuất phát cháy: Do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện làm cháy lớp vỏ cách điện sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy.

Theo Thông báo số 831/TB ngày 26/7/2021 của Công an huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương kết luận: Thiệt hại: Vụ cháy không thiệt hại về người nhưng toàn bộ khu nhà xưởng rộng 8.559,6m2 thuộc Công ty D và các máy móc, thiết bị, hàng hóa bên trong nhà xưởng bị cháy hoặc bị tác động gây hư hỏng. Nguyên nhân cháy: Do chập điện trên đường dây dẫn điện làm cháy lớp vỏ cách điện sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy. Dấu hiệu vi phạm: Vụ cháy không có dấu hiệu tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự nên không có căn cứ khởi tố vụ án.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 26/2022/DS-ST ngày 29/9/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã áp dụng: khoản 3 Điều 26; khoản 1 Điều 35; khoản 1 Điều 39; Điều 147; 271; 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 584; 585; 586; 588; khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 601; Điều 357; Điều 468 Bộ luật dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Xử. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH O. Buộc Công ty TNHH E và công ty TNHH Doosan Electro – Materials phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho Công ty TNHH O toàn bộ thiệt hại về máy móc, thiết bị số tiền là 26.196.696.000đ. Công ty TNHH E phải bồi thường số tiền 18.337.678.200đ. Công ty TNHH Doosan Electro – Materials phải bồi thường số tiền là 7.859.008.800đ. Ngoài ra bản án còn tuyên về quyền yêu cầu lãi suất, án phí, quyền kháng cáo, quyền thỏa thuận thi hành án của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Công ty TNHH E và công ty TNHH Doosan kháng cáo, đề nghị cấp phúc sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương kháng nghị: Đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm vì vi phạm trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm. Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bởi các lý do sau. Công ty D có nhà xưởng, Công ty O có máy móc đặt tại nhà xưởng của Công ty D. Công ty E chỉ ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty D và ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty O. Không liên quan đến các hợp đồng điện, hợp đồng thuê nhà xưởng, khi sự việc cháy xẩy ra, kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định do chập mạch điện, không có yếu tố tác động của con người nên xác định là trường hợp bất khả kháng. Mặt khác, cấp sơ thẩm áp dụng điều luật về nguồn nguy hiểm cao độ là không chính xác bởi vị trí cháy tại nhà xưởng của Công ty D, không thuộc hệ thống tải điện theo quy định tại Điều 601 BLDS. Trường hợp không phải là nguồn nguy hiểm gây ra thì phải đánh giá yếu tố lỗi để bồi thường. Công ty E xác định không có lỗi trong vụ hỏa hoạn xẩy ra nên không có trách nhiệm bồi thường. Theo hợp đồng hợp tác kinh doanh số 2020-06-DSEVN/EDUEN giữa công ty E và Công ty D thì phía Eduen chỉ có quyền quản lý, chỉ đạo nhân sự thực hiện gia công các công đoạn mà hai bên đã phân chia, trong hợp đồng không có thỏa thuận giao hệ thống điện. Công ty D có nhà xưởng nên phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn, chữa cháy trước khi đi vào sản xuất, phía Eduen không biết và không buộc phải biết về việc Doosan chưa có phương án phòng cháy, chữa cháy nên không có nghĩa vụ liên đới bồi thường cùng Doosan nên đề nghị cấp phúc thẩm xem xét làm sao đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp. Mặt khác, giá trị thiệt hại của Công ty O cũng không có căn cứ chứng minh. Đối với chứng thư thẩm định giá được thực hiện theo yêu cầu của Công ty O, không phải cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên không có giá trị pháp lý. Không có căn cứ chứng minh những thiết bị của Công ty O bị cháy có đặt tại xưởng khi vụ cháy xẩy ra. Do đó, việc chứng minh giá trị thiệt hại của Công ty O là không còn nên đề nghị cấp phúc thẩm không chấp nhận.

Quan điểm của Công ty D. Giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bởi. Thực tế Công ty O đặt máy móc tại xưởng của Công ty D không được Công ty D đồng ý. Công ty O không phải thanh toán tiền nhà xưởng cho Doosan. Khi sự kiện cháy xẩy ra là sự kiện bất khả kháng. Bên Doosan không có lỗi nên không có trách nhiệm bồi thường.

Quan điểm của Công ty O. Toàn bộ hệ thống máy móc của Công ty O đặt tại xưởng của Công ty D, mặc dù không có hợp đồng thuê nhà xưởng nhưng Công ty O đã đặt trước thời điểm Công ty D thuê lại xưởng sản xuất của công ty Đ. Máy móc bị thiệt hại là có. Nguyên nhân cháy mặc dù không phải do con người gây ra nhưng đó là nguồn nguy hiểm cao độ. Công ty D và công ty E là người quản lý nguồn nguy hiểm cao độ nên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Công ty O. Đề nghị cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương.

Tại phiên tòa, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương rút một phần kháng nghị về việc đánh giá chứng cứ, đồng thời thay đổi một phần nội dung kháng nghị, đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án dân sự sơ thẩm. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương phát biểu ý kiến: Tòa án cấp phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của BLTTDS từ khi thụ lý vụ án đến khi xét xử. Về quan điểm giải quyết vụ án: Sau khi đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương phân tích các tình tiết của vụ án, ý kiến của người kháng cáo cũng như các bên đương sự, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị HĐXX áp dụng: Khoản 2 Điều 308 BLTTDS. Chấp nhận kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Dương. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 26/2022/DS-ST ngày 29/9/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Về án phí phúc thẩm. Đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra công khai tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của đương sự, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng: Công ty D và công ty E kháng cáo bản án, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Dương kháng nghị bản án trong thời gian luật định và đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm nên được xác định là kháng cáo, kháng nghị hợp lệ. HĐXX sẽ xem xét giải quyết theo trình tự xét xử phúc thẩm.

[2] Về nội dung kháng cáo:

[2.1]. Đối với nội dung kháng cáo của Công ty E và Công ty D xác định. Nguyên nhân vụ cháy xẩy ra vào ngày 25/4/2021 dẫn đến thiệt hại không phải do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. HĐXX thấy rằng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật dân sự. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm: Phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện...Như vậy, hệ thống tải điện sẽ được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ. Theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 02/2022 ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Cơ sở để xác định thế nào là nguồn nguy hiểm cao độ thì phải căn cứ vào Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan. Đối với hệ thống tải điện được liệt kê tại khoản 1 Điều 601 BLDS sẽ được HĐXX áp dụng văn bản có liên quan là Luật Điện lực và các văn bản pháp luật khác. Theo công văn số 2668/EVNNPC-PC ngày 13/6/2023 của Tổng công ty điện lực miền Bắc xác định. Luật điện lực cũng như các văn bản hướng dẫn không có quy định chính xác về Hệ thống tải điện mà khoản 1 Điều 601 BLDS quy định là nguồn nguy hiểm cao độ. Tuy nhiên hệ thống tải điện được Tổng công ty điện lực miền Bắc trả lời khái niệm hệ thống tải điện gần nhất với khái niệm lưới điện. Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Điện lực “Lưới điện là hệ thống đường dây tải điện, máy biến áp và trang thiết bị phụ trợ để truyền dẫn điện. Lưới điện, theo mục đích sử dụng và quản lý vận hành, được phân biệt thành lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối”. Do không có hướng dẫn cụ thể của các văn bản pháp luật có liên quan đối với hệ thống tải điện mà tổng công ty Điện lực miền Bắc chỉ xác định định nghĩa hệ thống tải điện là gần nhất với lưới điện chứ không khẳng định lưới điện là hệ thống tải điện. Theo kết luận của Bộ công an, nguyên nhân cháy là do chập mạch điện, không có yếu tố tác động của con người. Vị trí chập cháy không được xác định là hệ thống tải điện theo quy định tại khoản 1 Điều 601 BLDS nên HĐXX nhận thấy không đủ căn cứ xác định nguyên nhân vụ cháy tại xưởng của Công ty D là do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Cấp sơ thẩm căn cứ vào khoản 4, khoản 22, khoản 24 và khoản 30 Điều 3 Thông tư số 25/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ công thương để xác định nguyên nhân cháy do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là chưa phù hợp nên cấp phúc thẩm sẽ sửa lại cho đúng.

HĐXX đánh giá nguyên nhân cháy không phải do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nên sẽ áp dụng Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn về áp dụng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng làm căn cứ xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Để xác định yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn có căn cứ hay không, HĐXX sẽ căn cứ vào các yếu tố liên quan đến yêu cầu bồi thường.

1. Về vấn đề thiệt hại. Theo quy định của BLDS thì thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bồi thường thiệt hại đối với tài sản bị cháy là 26.196.696.000đ. Đây được xác định là yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản theo Điều 589 BLDS. Căn cứ để xác định có thiệt hại xẩy ra hay không. Nguyên đơn xác định tổng thiệt hại là 14 hạng mục, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không thừa nhận thiệt hại nêu trên. HĐXX đánh giá. Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn Công ty O và bị đơn công ty E đều thừa nhận. Tại xưởng gia công có vị trí tại khu C của Công ty D có chứa máy móc, thiết bị của Orchem. Khi tiếp nhận xưởng C từ công ty Đ thì máy móc của Công ty O đã đặt sẵn tại xưởng của Công ty D. Quá trình sử dụng Công ty D đã có văn bản trao đổi, yêu cầu Công ty O dời máy móc khỏi xưởng C để trả lại mặt bằng cho Công ty D. Thời hạn chuyển từ tháng 8 – tháng 10 năm 2021. Tuy nhiên chưa đến thời hạn chuyển thì xẩy ra vụ cháy vào tháng 4/2021. Công ty E trực tiếp ký hợp đồng gia công sản phẩm với Công ty O, máy móc gia công là của Công ty O. Như vậy, HĐXX đánh giá Công ty D và công ty E đều biết máy móc của Công ty O đặt tại xưởng của Công ty D và máy móc có tại xưởng khi vụ cháy xẩy ra. Về giá trị thiệt hại. Công ty D và công ty E xác định. Không có cơ sở để công nhận giá trị thiệt hại theo chứng thư thẩm định của công ty thẩm định giá và đầu tư kinh doanh bất động sản. HĐXX thấy rằng. Về tư cách pháp nhân, Công ty thẩm định giá có đầy đủ giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật, công ty có tư cách pháp nhân với chức năng thẩm định giá tài sản nên kết quả thẩm định giá có giá trị pháp lý, buộc các bên liên quan phải thực hiện. Trong 14 hạng mục mà nguyên đơn yêu cầu, HĐXX sẽ đánh giá từng hạng mục làm căn cứ xác định thiệt hại.

- Đối với yêu cầu bồi thường tiền tổn thất giá trị nguyên vật liệu là 1.208.189.659. Nguyên vật liệu được xác định gồm 13 danh mục được thể hiện tại chứng thư thẩm định mục 4.4. Nguyên đơn xác định không có hóa đơn chứng từ để chứng minh về nguồn gốc cho 13 danh mục trên nhưng có xuất trình cho Tòa án biên bản bàn giao danh mục từ nhà máy của Công ty O tại Vĩnh Phúc chuyển xuống xưởng C thuộc khu công nghiệp Đ. Biên bản bàn giao này có xác nhận của lái xe vận chuyển và người nhận hàng tại Công ty O Hải Dương. Chứng cứ mà Công ty O xuất trình cho Tòa án tại cấp phúc thẩm không đủ cơ sở vững chắc để khẳng định 13 danh mục trên tồn tại tại xưởng của Công ty D khi sự kiện pháp lý cháy xẩy ra nên không được HĐXX phúc thẩm chấp nhận.

- Đối với yêu cầu về tổn thất công cụ dụng cụ với giá trị 79.389.271đ. Công cụ dụng cụ được xác định gồm 10 danh mục được thể hiện tại chứng thư thẩm định mục 4.3. Nguyên đơn cũng không xuất trình được tài liệu chứng cứ liên quan đến việc nhận chuyển nhượng 10 danh mục trên. Do vậy, cấp phúc thẩm cũng không có căn cứ chấp nhận.

- Đối với yêu cầu bồi thường máy đo thiết bị kiểm tra mạ đồng. Giá trị yêu cầu bồi thường là 97.257.463đ. Máy đo thiết bị kiểm tra mạ đồng được thể hiện tại mục 4.1 của chứng thư thẩm định. Đối với yêu cầu này nguyên đơn có xuất trình được tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu ngày 21/5/2018. Tờ khai thể hiện hàng hóa được nhập về trụ sở của Công ty O tại Vĩnh Phúc. Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm cũng như giai đoạn xét xử phúc thẩm, nguyên đơn không xuất trình được căn cứ chứng minh máy đo thiết bị kiểm tra mạ đồng có tại xưởng của Công ty D khi vụ cháy xẩy ra. Nguyên đơn chỉ xuất trình được biên bản bàn giao hàng hóa có xác nhận của người lái xe và người nhận hàng của Công ty O tại Hải Dương, theo quy định thì những hàng hóa trên phải được kê khai tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định giá trị hàng hóa có tại xưởng sản xuất. Do đó, chứng cứ nguyên đơn đưa ra không đủ cơ sở để HĐXX phúc thẩm chấp nhận.

- Đối với yêu cầu bồi thường về máy đo độ dày bản mạch. Giá trị yêu cầu là 23.857.190đ. Máy đo độ dày bản mạch được thể hiện tại mục 4.1 của chứng thư thẩm định. Đối với yêu cầu này nguyên đơn có xuất trình được tờ khai hàng hóa nhập khẩu ngày 05/9/2018. Tờ khai thể hiện hàng hóa được nhập về trụ sở của công ty tại Vĩnh Phúc. Quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, nguyên đơn xuất trình cho Tòa án biên bản giao nhận hàng hóa từ trụ sở công ty tại Vĩnh Phúc về xưởng sản xuất của Công ty O tại Hải Dương nhưng cũng không có căn cứ chứng minh tại thời điểm cháy máy móc tồn tại tại nhà xưởng C do Công ty D thuê của công ty Đ nên không có căn cứ để HĐXX phúc thẩm chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn.

- Đối với yêu cầu bồi thường về đầu đo độ dày bản mạch. Giá trị yêu cầu là 19.403.046đ. Đầu đo độ dày bản mạch được thể hiện tại mục 4.1 của chứng thư thẩm định. Đối với yêu cầu này nguyên đơn có xuất trình được tờ khai hàng hóa nhập khẩu ngày 02/5/2019. Mặc dù tờ khai thể hiện hàng hóa được nhập về trụ sở của công ty tại Vĩnh Phúc và đã có biên bản giao nhận hàng về Công ty O Hải Dương. Tại biên bản bàn giao không thể hiện rõ nội dung hàng hóa, máy móc sẽ đặt tại vị trí nào của Công ty O tại khu công nghiệp Đ nên cũng không có căn cứ chứng minh tại thời điểm cháy máy móc tồn tại tại nhà xưởng C của Công ty D. Do đó yêu cầu bồi thường đối với hạng mục này của nguyên đơn không được HĐXX phúc thẩm chấp nhận.

- Đối với yêu cầu bồi thường hệ thống máy mạ đồng. Giá trị thiệt hại là 25.726.756.263đ. Nguyên đơn xác định toàn bộ hệ thống máy mạ đồng trên bao gồm: Thiết bị mạ đồng và thiết bị công trình phụ trợ. Theo chứng thư thẩm định giá thì các hạng mục trên được nằm tại mục 4.1 nhưng thiệt hại được xác định là 21.658.854.400đ không phải là 25.726.756.263đ như nguyên đơn trình bầy và cấp sơ thẩm xác định. Bị đơn công ty E cho rằng, đối với hệ thống máy mạ đồng có được đặt tại xưởng của Công ty D khi vụ cháy xẩy ra hay không để làm căn cứ xác định thiệt hại. HĐXX thấy rằng, toàn bộ hệ thống máy mạ đồng này của Công ty O được mua lại của công ty TNHH Ishin electronics Vina Việt Nam vào ngày 19/12/2019. Xưởng đặt máy móc được thể hiện rõ tại lô C, khu CN Đ mở rộng, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Nguyên đơn cũng xuất trình được xuất xứ toàn bộ máy móc của hệ thống mạ đồng là các hóa đơn giá trị gia tăng. Công ty E và Công ty D cũng thừa nhận máy móc của Công ty O là có, sự kiện cháy xẩy ra có gây thiệt hại cho Công ty O nhưng không xác định máy móc cháy là máy móc gì. HĐXX thấy rằng, ba công ty mặc dù không ký kết trực tiếp các hợp đồng với nhau nhưng có mối liên hệ trong quá trình gia công sản phẩm hàng hóa. Công ty D ký hợp đồng với công ty E để gia công sản phẩm, công ty E lại tiếp tục ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty O để gia công chính sản phẩm mà hai Công ty D và Eduen đã ký kết. Như vậy, bắt buộc công ty E và Công ty D phải biết được máy móc để gia công được sản phẩm đó phải là những máy móc gì. Hệ thống máy mạ đồng mà nguyên đơn yêu cầu bồi thường, nguyên đơn đã xuất trình được chứng cứ chứng minh về nguồn gốc, quá trình sản xuất thì máy móc trên có tại xưởng khi vụ cháy xẩy ra. Do vậy yêu cầu bồi thường đối với hạng mục này của Công ty O được chấp nhận với giá trị thiệt hại là 21.658.854.400đ.

- Đối với các yêu cầu bồi thường về màn hình cảm ứng Alutop có giá trị 1.750.000đ; chi phí trả trước tương lai 13.978.498đ; máy HD 103346315702 có giá trị 46.701.570đ; 02 máy tính xách tay có giá trị 16.460.000đ; Thiết bị khử trùng nước có giá trị 3.905.000đ; chi phí mua bơm hóa chất có giá trị 26.150.000đ; máy in có giá trị 27.500.000đ. Những hạng mục trên mặc dù có hạng mục nguyên đơn xuất trình được nguồn gốc, có hạng mục nguyên đơn không xuất trình được nguồn gốc hàng hóa. Tại phiên tòa nguyên đơn xin rút các hạng mục này có tổng giá trị là 136.445.068đ. Xét việc rút các hạng mục của nguyên đơn là tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật nên được HĐXX chấp nhận.

Căn cứ vào các phân tích tại phần trên, HĐXX có đủ căn cứ xác định thiệt hại thực tế của Công ty O có tổng giá trị là 21.658.854.400đ. Sau khi hỏa hoạn xẩy ra Công ty O đã thanh lý phế liệu được số tiền 511.200.557đ nên giá trị thiệt hại còn lại được xác định là: 21.147.653.853đ.

2. Phải có yếu tố lỗi dẫn đến thiệt hại. Theo kết luận của Bộ công an và Công an huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương thì sự kiện pháp lý cháy xẩy ra không có yếu tố tác động của con người mà do mạch điện chập dẫn đến cháy và gây ra thiệt hại cho cả ba công ty. Mặc dù không có yếu tố tác động của con người nhưng HĐXX đánh giá trách nhiệm của từng công ty liên quan đến vụ việc cháy dẫn đến thiệt hại như sau.

Đối với Công ty D. Theo hợp đồng mua bán điện giữa Công ty D và Công ty Điện lực Hải Dương thì: Theo hồ sơ kỹ thuật liên quan được kèm theo hợp đồng mua bán điện thì vị trí chập mạnh điện thuộc quyền quản lý của Công ty D. Tại mục 11 quy định về các điều khoản cụ thể kèm theo hợp đồng mua bán điện thì: Tài sản thuộc sở hữu của bên nào thì nên đó có trách nhiệm đầu tư xây dựng, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật. Vị trí chập cháy thuộc quyền quản lý của Công ty D. Tuy nhiên Công ty D đã không có phương án kiểm tra, bảo dưỡng đảm bảo dẫn đến mạch điện thuộc quyền quản lý của công ty bị chập cháy gây ra thiệt hại. Mặt khác Công ty D đi vào hoạt động từ tháng 12/2020, mặc dù trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đến tháng 4/2021 vẫn không có phương án phòng cháy chữa cháy theo quy định nên không đảm bảo cho quá trình vận hành sản xuất. Hành vi này của Công ty D đã bị Công an huyện Cẩm Giàng ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định về phương án chữa cháy của cơ sở. Do vậy, HĐXX đánh giá Công ty D cũng có lỗi một phần dẫn đến thiệt hại xẩy ra.

Đối với công ty E: Công ty E ký hợp đồng với Công ty D để sản xuất các công đoạn của sản phẩm PFC. Trong hợp đồng nêu rõ công ty E được phép sử dụng nhà xưởng của Doosan để sản xuất. Công ty E ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty O, nội dung Công ty O gia công các loại hàng hóa là chi tiết các bản mạch FPCB của bộ mạch in điện tử. Công ty O thực hiện việc gia công sản phẩm tại xưởng nào thuộc quyền của Orchem, không phụ thuộc vào ý chí của Eduen. Tuy nhiên, tại hợp đồng hợp tác giữa Công ty D và công ty E có thỏa thuận. Việc gia công sản phẩm vi mạch điện tử phải được thực hiện tại xưởng của Công ty D. Vì Công ty O có máy móc đặt tại xưởng của Công ty D thì công ty E mới tiến hành ký kết hợp đồng nguyên tắc với Công ty O nhằm giữ bí mật kinh doanh. Như vậy, công ty E và Công ty D cùng phải có trách nhiệm bảo quản và quản lý xưởng sản xuất thuộc khu C. Quá trình sử dụng nhà xưởng công ty E cũng phải có trách nhiệm bảo quản, duy trì và xem xét hệ thống điện phục vụ sản xuất. Mặc dù sự kiện cháy xẩy ra vào ngày nghỉ, không có công nhân sản xuất nhưng trách nhiệm cùng nhau theo dõi bảo trì đường điện là một quá trình, không chỉ khi sản xuất. Vị trí phát cháy xẩy ra ngay khi công ty điện lực đóng điện trở lại cho Công ty D. Do vậy, công ty E cũng có lỗi một phần dẫn đến sự kiện phát lý cháy nêu trên.

Đối với Công ty O. Mặc dù Công ty O không phải là đơn vị thuê xưởng sản xuất nhưng có máy móc đặt trong xưởng sản xuất của Công ty D. Việc đặt máy móc tại xưởng C của Công ty D không thông qua bất kỳ thỏa thuận dân sự nào. Công ty D là chủ xưởng đã yêu cầu Công ty O di dời máy móc ra khỏi xưởng. HĐXX đánh giá, thiết bị máy móc bị cháy của Orchem đặt tại xưởng của Công ty D và Công ty O phải có trách nhiệm bảo quản máy móc thiết bị của công ty. Trách nhiệm không thuộc hoàn toàn về phía Công ty D và công ty E. Khi sự kiện cháy xẩy ra Công ty D cũng bị thiệt hại nặng nền nên Công ty O cũng phải chịu trách nhiệm đối với chính thiệt hại của công ty.

3. Mối quan hệ nhân quả giữa yếu tố lỗi và thiệt hại xẩy ra. Từ những đánh giá phân tích nêu trên. HĐXX xác định, sự kiện pháp lý cháy tại nhà xưởng thuộc khu C do Công ty D và công ty E quản lý, trong đó có máy móc của Công ty O. Các bên đều có lỗi và đều có trách nhiệm đối với thiệt hại xẩy ra. Đánh giá về trách nhiệm, HĐXX dựa trên quyền và nghĩa vụ khi giao kết hợp đồng hợp tác, hợp đồng gia công, quá trình thực hiện 02 hợp đồng trên để tính lỗi. Công ty O phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại là 70%, Công ty E chịu trách nhiệm 20%; Công ty D chịu trách nhiệm 10% đối với tổng thiệt hại xẩy ra.

Căn cứ Điều 587 BLDS quy định: “Trường hợp nhiều người cùng gây ra thiệt hại thì những người đó phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho những người thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây ra thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người”. Như vậy, tổng thiệt hại của Công ty O là 21.147.653.853đ. Trên cơ sở đánh giá yếu tố lỗi thì Công ty O phải tự chịu trách nhiệm đối với thiệt hại là 14.803.357.697đ; Công ty E phải chịu trách nhiệm bồi thường là 4.229.530.771đ. Công ty D có trách nhiệm bồi thường là 2.114.765.385đ.

[3]. Đối với yêu cầu kháng cáo của công ty E và Công ty D đề nghị cấp phúc thẩm xem xét. Trường hợp nguyên nhân của vụ cháy do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nhưng là bất khả kháng vì sự việc xẩy ra vào ngày nghỉ, không có công nhân hoạt động. HĐXX thấy rằng. Đối với trách nhiệm bảo trì đường dây tải điện, các thiết bị điện thuộc trách nhiệm của các đơn vị quản lý. Mặc dù hai công ty vẫn trong giai đoạn chảy thử sản phẩm nhưng trách nhiệm phát sinh ngay sau khi ký hợp đồng mua bán điện với công ty điện lực Hải Dương. Do vậy, không có căn cứ xác định sự kiện trên là bất khả kháng như nội dung kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

[4]. Đối với nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương. Viện kiểm sát xác định hệ thống tải điện theo quy định tại khoản 1 Điều 601 là lưới điện truyền tải. Do hợp đồng mua bán điện được ký kết giữa Công ty D và công ty Điện lực Hải Dương có số kV là 20 thấp hơn so với hướng dẫn tại khoản 34 Điều 2 Thông tư số 25 ngày 30/11/2016 của Bộ công thương nên không được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ. HĐXX xác định, căn cứ vào công văn trả lời của Tổng công ty Điện lực miền Bắc thì khoản 34 Điều 2 của Thông tư số 25 không phù hợp với khái niệm hệ thống tải điện được quy định tại khoản 1 Điều 601 BLDS. Mặc dù căn cứ đưa ra của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Dương để lập luận số kV được hai bên ký kết thấp nên không phải do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là chưa phù hợp nhưng HĐXX căn cứ vào hướng dẫn của Tổng công ty Điện lực miền Bắc và đánh giá nguyên nhân chập cháy không phải do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Do đó, yêu cầu kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Dương vẫn được xác định là có căn cứ được chấp nhận.

[5] Về án phí dân sự sơ thẩm: Do bản án phúc thẩm sửa bản án dân sự sơ thẩm về phần bồi thường thiệt hại nên án phí sơ thẩm cũng được sửa lại cho phù hợp, đảm bảo quy định.

[6]. Về án phí phúc thẩm. Do yêu cầu kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được chấp nhận một phần nên không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

[7]. Các nội dung khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị, không được HĐXX xem xét giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự. Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Chấp nhận một phần kháng cáo bản án của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 26/2022/DST ngày 29/9/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Căn cứ Điều 584; Điều 585; Điều 587; Điều 589 BLDS. Nghị quyết 03/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Xử:

[1]. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH O. Xác định thiệt hại của Công ty O vina là 21.147.653.853đ.

[2]. Buộc Công ty TNHH E phải bồi thường cho Công ty TNHH O số tiền 4.229.530.771đ.

[3]. Buộc Công ty TNHH Doosan Electro – Materials phải bồi thường cho Công ty TNHH O số tiền là 2.114.765.385đ.

Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án chưa thi hành thì phải chịu trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự

[4]. Về án phí sơ thẩm. Công ty TNHH D phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là: 74.295.307,7đ (làm tròn 74.295.308đ). Công ty TNHH E phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là: 112.229.530,771đ (làm tròn 112.229.531đ). Công ty TNHH O phải chịu án phí đối với yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận là: 122.803.357,697đ (làm tròn 122.803.358đ) nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí mà công ty đã nộp là 67.647.000đ theo biên lai thu số AA/2020/0001855 ngày 16/3/2022 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Công ty còn phải nộp thêm số tiền án phí là 55.156.358đ.

[5]. Về án phí phúc thẩm. Công ty TNHH D và Công ty TNHH E không phải chịu án phí phúc thẩm. Hoàn trả Công ty TNHH D số tiền 300.000đ theo biên lai thu tiền tạm ứng AA/2021/0001246 ngày 13/10/2022 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Hoàn trả Công ty TNHH E số tiền 300.000đ theo biên lai thu tiền tạm ứng AA/2021/0001243 ngày 13/10/2022 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

[6]. Các nội dung khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị, không được HĐXX xem xét giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án ngày 24 tháng 7 năm 2023.

Bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

29
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 53/2023/DS-PT

Số hiệu:53/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 24/07/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về