Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 50/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BẢN ÁN 50/2023/DS-PT NGÀY 09/03/2023 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 152/2022/DS-ST ngày13/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện AP, tỉnh An Giang bị kháng cáo.

Trong 09 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 281/2022/TLPT-DS ngày 19/12/2022 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 02/2023/QĐ-PT ngày 09/01/2023, Quyết định hoãn phiên tòa số 33/2023QĐ-PT ngày 09/02/2023, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: ông Lê Xuân H, sinh năm 1975; nơi cư trú: phường CP, thành phố CD, tỉnh An Giang.

Người đại diện theo ủy quyền của ông H: ông Phan Văn B, sinh năm 1970;

nơi cư trú: xã MD, huyện CP, tỉnh An Giang, theo văn bản ủy quyền ngày 30/12/2022 (có mặt).

- Bị đơn: ông Phạm Tiến C, sinh năm 1987; nơi cư trú: thị trấn CV, huyện PT, tỉnh An Giang (có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Nguyễn Thu Bu (mẹ ông C), sinh năm 1963; nơi cư trú: thị trấn CV, huyện PT, tỉnh An Giang (có mặt).

2. Ông Huỳnh Tấn V, sinh năm 1989; nơi cư trú: xã UT, huyện PT, tỉnh An Giang (vắng mặt).

3. Ông Nguyễn Hải D, sinh năm 1987; nơi cư trú: phường VN, thành phố CD, tỉnh An Giang (vắng mặt).

4. Ông Võ Hoàng A, sinh năm 1990; nơi cư trú: xã UT, huyện PT, tỉnh An Giang (vắng mặt).

5. Ông Ngô Văn Na, sinh năm 1976; nơi cư trú: phường CP, thành phố CD, tỉnh An Giang (vắng mặt).

6. Ông Lê Ngọc Minh Ho, sinh năm 1983; nơi cư trú: phường CP, thành phố CD, tỉnh An Giang (vắng mặt).

7. Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1967; nơi cư trú: phường CP, thành phố CD, tỉnh An Giang (vắng mặt).

Người kháng cáo: bị đơn ông Phạm Tiến C.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện và quá trình giải quyết tại Tòa án, ông Lê Xuân H trình bày:

Ông là chủ xe tải hiệu DF, biển kiểm soát AG1234; trọng tải hàng hóa xe được chở 17.850 kg, ngày 03/02/2020, ông nhận vận chuyển hàng hóa (bắp hạt) từ xã PH, huyện AP, tỉnh An Giang đến tỉnh Đồng Nai cho ông V. Theo thỏa thuận giữa ông và ông V thì ông nhận chở bắp hạt với số lượng 350 bao, trọng lượng 01 bao = 50 kg, tổng số lượng bắp 17.500 kg, chi phí vận chuyển 6.125.000 đồng, sau đó ông thuê tài xế D (có đủ điều kiện lái xe theo quy định của pháp luật – có giấy phép lái xe) điều khiển xe nhận bắp tại AP và chở bắp lên tỉnh Đồng Nai.

Khoảng 18 giờ ngày 03/02/2020, D nhận xe tải của ông tại thành phố CD đến xã PH, huyện AP nhận hàng, theo tuyến xe thì phải qua đò ĐK huyện AP, nên lái xe ông D chạy xe qua đò ĐK nhận hàng hóa là bắp, xong D điều khiển xe quay lại qua phà ĐK lúc 22 giờ 20 phút qua xã VL, huyện AP, chi phí xe tảỉ qua lại 02 lần phà là 500.000 đồng. Khi xe đến phà, nhân viên bến phà xem, kiểm tra xong hàng hóa trên xe và yêu cầu tài xế cho xe xuống phà (xe vận chuyển bắp đã xuống phà) khi xe vận hành lên phà an toàn nhân viên cho phà qua sông. Khi phà cập bến, nhân viên phà ông C yêu cầu tài xế cho xe chạy lên, D cho xe từ từ lên đường dẫn theo hướng đi lùi, khi bánh hai xe sau lăn vừa tới mối giáp giữa phà và mỏ bàn phà thì lúc này hai sợi cáp bị đứt, xe rơi xuống sông lúc 01 giờ khuya ngày 04/02/2020, ông cùng chủ hàng là ông V đến ngay bến phà, đến khoảng 02 giờ cùng ngày ông C mới đến, khi đó ông yêu cầu trình báo sự việc đến Công an giải quyết thì ông C nói đều là chỗ quen biết nhau, cứ trục vớt xong thiệt hại bao nhiêu ông C sẽ khắc phục, hai ngày sau trục vớt hàng hóa và xe xong thì ông và ông V gặp ông C, ông C nói với ông là ông cứ đi sửa xe đi hết bao nhiêu tiền thì anh em mình tính, còn hàng hóa ông C nói sẽ xem xét thiệt hại thực tế bồi thường.

Ông sửa xe tại Garage TT (có đăng ký kinh doanh) tại địa chỉ đường quốc lộ 91, phường CP, thành phố CD, trong quá trình sửa xe, ông có điện thoại kêu ông C đến nhưng ông C không đến xem thiệt hại thực tế xe như thế nào. Ngày 15/3/2020, sau khi sửa xe xong, ông cùng ông V đến gặp ông C yêu cầu bồi thường thì ông C không đồng ý. Nay ông yêu cầu ông C bồi thường tiền sửa xe 189.155.000 đồng (kèm chứng từ chứng minh), bồi thường tiền hàng (bắp hạt) của ông V 122.500.000 đồng, tổng cộng yêu cầu ông C bồi thường 311.655.000 đồng.

Trong quá trình tố tụng đơn ông C trình bày:

Ông là chủ hợp pháp bến phà ĐK – PH, khoảng đầu tháng 02/2020 (không nhớ ngày), ông có nhận chuyển xe tải cùng hàng hóa cho xe ông H qua phà với chi phí qua lại 02 lần cước phí là 500.000 đồng, ông H giao tài xế không có kinh nghiệm chạy lên xuống phà nhiều lần, lên không nổi vì hàng hóa rất nặng và xe DF của TQ sản xuất năm 2014 nên xảy ra sự cố đứt cáp mỏ phà, xe tải của ông H cùng hàng hóa rơi xuống sông. Sau khi sự việc xảy ra ông và ông H có thỏa thuận kêu Công an đến giải quyết vì phà của ông có bảo hiểm thân tàu, ông H nói xe ông H không có bảo hiểm thân xe, ông H nói với ông tuyến đường này ông H còn chạy xe, sợ ảnh hưởng chuyện làm ăn nên không cho ông kêu Công an giải quyết.

Ông H nói với ông đưa xe lên theo ý của ông H là trục vớt xe lên bằng thợ lặn đôn phi hơi cho xe nổi lên từ từ để giảm thiệt hại, thỏa thuận hai bên xe ai hư nấy sửa, phà ai hư nấy sửa, hàng hóa trục vớt lên ai hư nấy chịu nên ông mới thuê đội trục vớt và thợ lặn để trục vớt hàng hóa và xe lên. Xe cứu hộ đưa xe của ông H về tới Garage tại CD, chi phí này ông tự chịu. Người lái phà kể cho ông khi xảy ra sự việc là ông A. Nay ông không đồng ý theo yêu cầu của ông H do ông cũng bị thiệt hại tổng số tiền 203.500.000 đồng bao gồm tiền sửa phà, chi phí thợ lặn, chi phí xe cứu hộ cẩu xe lên. Ông chỉ hỗ trợ tiền hàng cho ông V 20.000.000 đồng, chiếc phà do mẹ ông đứng tên bà Bu.

Trong quá trình tố tụng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông V (chủ hàng hóa bắp) trình bày: Ngày 03/02/2020, ông có thỏa thuận với ông H chở bắp hạt cho ông với số lượng 350 bao, trọng lượng 01 bao = 50kg, tổng số lượng bắp 17.500kg, chi phí vận chuyển 6.125.000 đồng. Vận chuyển bắp hạt từ xã PH, huyện AP, tỉnh An Giang lên tỉnh Đồng Nai. Khoảng 01 giờ ngày 04/02/2020, ông nhận được tin xe tải của ông H cùng hàng hóa của ông bị rơi xuống sông khi qua phà từ hướng PH qua ĐK. Ông và ông H yêu cầu kêu Công an thì ông C nói chỗ quen biết, tự mình giải quyết đi khỏi kêu Công an, để ông C kêu người trục vớt xe lên, mọi chi phí hao hụt ông C chịu. Khoảng 19 giờ ngày 04/02/2020 thì hàng hóa và xe trục vớt xong. Số lượng bắp của ông còn khoảng 12.500kg. Số bắp này ông đã xử lý và đã bán số lượng bắp này với giá 2.000đ/kg. Thiệt hại hàng hóa của ông do phía ông H chịu trách nhiệm, ông H có quyền yêu cầu ông C bồi thường hàng cho ông, theo đơn khởi kiện của ông H nên ông không có ý kiến.

- Ông D (lái xe) trình bày: Ông là tài xế lái xe cho ông H, ông có giấy phép lái xe đúng quy định. Khoảng 21 giờ 15 phút ngày 03/02/2020, ông nhận được điện thoại của ông H đi lấy hàng (bắp hạt) ở PH chở lên Đồng Nai. Khi đến bến phà ĐK, ông cho xe xuống phà (đầu xe xuống trước) an toàn đến bờ xã PH lấy hàng là bắp của ông V, sau khi lấy hàng xong, thấy nước cạn nên ông V có đến hỏi ông U (người quản lý bến phà của ông C) xe có xuống phà được hay không thì ông U đến hỏi tài công và ra hiệu cho ông xuống phà, theo hướng dẫn của tài công ông chạy xe xuống phà theo hướng (đầu xe xuống trước) an toàn, xe và Hàng hóa đậu an toàn trên thân Phà ông C, trên phà tại thời điểm này ngoài xe ông, còn có 02 xe honda, 02 khách và tài công.

Phà vượt sông Tiền chạy qua bến ĐK nước vẫn còn cạn thấy được chỗ giáp nhau giữa dốc lên phà và mỏ bàn phà bị hở nên tài công liên tục đạp nước để chỉnh phà ngay dốc cho xe lên dễ dàng. Khi nhận được tín hiệu của tài công, ông cho xe lên dốc theo hướng lài (đuôi xe lên trước) tuy nhiên khi vừa điều khiển xe để lên dốc thì mỏ bàn phà và dốc lên phà tạo khe hở sụt xuống nước làm đứt dây chằng phà và rớt xe xuống nước, phà dạt ra xa cabin xe vẫn còn nằm trên mỏ bàn phà nên ông phóng ra khỏi xe an toàn. Sau khi sự việc xảy ra ông vẫn ở tại hiện trường đến khi ông H và ông C đến. Việc thỏa thuận giữa ông H và ông C như thế nào ông không biết, đến gần sáng thì ông rời khỏi hiện trường vẫn không thấy Công an đến, ông xác định số lượng hàng hóa trên xe của ông 350 bao bắp, loại 50kg/bao. Ông xác định để xe rơi xuống nước là do lỗi của phà không đảm bảo an toàn kỹ thuật như không có hàng rào, không có dây neo phà.

- Bà Bu (mẹ ông C) trình bày: Bà là mẹ ruột của ông C, chiếc phà do ông C sử dụng chở khách tại bến phà ĐK do bà mua và đứng tên. Ông C hợp đồng với Phòng Tài chính và Kế hoạch huyện AP khai thác bến đò từ ĐK qua PH, việc ông H yêu cầu ông C bồi thường bà không đồng ý do các bên đã thỏa thuận với nhau trước khi ông C trục vớt xe và phà lên, bà không ý kiến, yêu cầu khác.

- Ông A (tài công trực tiếp vận hành Phà) trình bày: Ông là Tài công phà cho ông C vào ngày xảy ra sự việc, ông có giấy phép lái tàu đúng quy định, do thời gian lâu nên ông không nhớ rõ ngày tháng, chỉ nhớ khoảng vào đầu năm 2020, lúc đó trời khuya nhưng ông không biết mấy giờ, có xe tải lớn yêu cầu vận chuyển qua phà từ bến PH qua ĐK, khi xe xuống phà, ông không kiểm tra hàng hóa vận chuyển là gì chỉ yêu cầu tài xế cho xe xuống phà. Tuy nhiên, ông là người lái phà có kinh nghiệm, thấy khi tài xế xuống phà thì lại cho đầu xe xuống trước, ông nghĩ là do tài xế có kinh nghiệm và xe nhẹ không có hàng hóa. Đến bến ĐK thì tài xế điều khiển cho xe chạy lùi để lên dốc khoảng 2 lần nhưng không được trong khi nước vừa lớn nên dốc và đoạn đường lên đến lộ rất xa. Khi thấy sự việc ông có đến nói với tài xế là sẽ chở về bến bên PH để quay đầu xe cho dễ lên vì xe chở nặng. Tuy nhiên tài xế không đồng ý và yêu cầu đưa vào bờ để xe chạy lên lần nữa, trong lần này xe ông H ve lên bờ làm dứt dây dạt mỏ bàn phà và xe rớt xuống nước.

- Ông Na (người làm máy, sửa chữa máy xe tải) trình bày: Ông là chủ cơ sở sửa xe ô tô Na tại thành phố CD, có đăng ký kinh doanh, vào đầu tháng 02/2020, ông H đem xe tải biển số AG1234, hiệu DF đến cơ sở sửa chữa xe do ông làm chủ sửa xe do xe của ông H bị chìm phà tại bến phà ĐK, xã QT, huyện AP. Toàn bộ xe của ông H bị hư hỏng nặng do xe nằm dưới nước khoảng 02 ngày (ông chỉ nhận làm máy xe tải) tổng số tiền sau khi sửa xe là 72.940.000 đồng (có 02 biên nhận kèm theo).

- Ông T (người sửa chữa khung, sườn xe tải) trình bày: Ông là chủ Garage TT tại thành phố CD, không có đăng ký kinh doanh, vào đầu tháng 02/2020, ông H đem xe tải biển số AG1234, hiệu DF đến Garage của ông sửa xe do xe của ông H bị chìm phà tại bến phà ĐK, xã QT, huyện AP. Khung xe, thân xe của ông H bị hư hỏng nặng do xe nằm dưới nước khoảng 02 ngày nên phải làm đồng khung, dầm toàn bộ xe, Thời gian làm khoảng 07 ngày, tổng số tiền sau khi sửa xe là 73.615.000 đồng (có 03 biên nhận kèm theo).

- Ông Ho (người sửa chữa hệ thống điện xe tải) trình bày: Ông là chủ tiệm sửa điện Ho, ông không có đăng ký kinh doanh. Vào đầu tháng 02/2020, ông H đem xe tải biển số AG1234, hiệu DF đến tiệm điện của ông sửa xe do xe của ông H bị chìm phà tại bến phà ĐK, xã QT, huyện AP. Toàn bộ xe của ông H bị hư hỏng nặng do xe nằm dưới nước khoảng 02 ngày nên phải sửa toàn bộ xe. Cửa hàng ông phụ trách sửa điện xe gồm hệ thống điện, đèn, kèn Dynamo, quạt gió, gạt nước. Thời gian làm khoảng 01 tuần. Tổng số tiền sau khi sửa xe là 34.600.000 đồng (có biên nhận kèm theo). Ông thấy xe của ông H hư hỏng nặng. Ông chỉ nhận làm hệ thống điện cho ông H, còn sửa máy thì ông H đến tiệm sửa xe khác làm, ông không có sửa. Yêu cầu khởi kiện của ông H thì ông không có ý kiến.

- Tại biên bản xác minh ngày 30/10/2020, được Công an xã QT cho biết: Sự việc chìm phà xảy ra ngày 03/02/2020, Công an xã QT nhận thông tin đến hiện trường là công tác bảo vệ. Sau đó Công an giao thông đường thủy đến bàn giao và thực hiện nghiệp vụ chuyên môn.

- Tại biên bản xác minh ngày 12/9/2022, đội Cảnh sát giao thông Công an huyện AP cho biết: Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện AP không biết, không nhận được thông tin, tin báo về sự việc chìm phà xảy ra ngày 03/02/2020 tại bến phà ĐK, xã QT, huyện AP giữa ông H và ông C.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 152/2022/DS-ST ngày13/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện AP, tỉnh An Giang căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 228, Điều 273 và Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự; căn cứ các Điều 364 của Bộ luật Dân sự 2015; căn cứ khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 ngày 30/12/2016, xử:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông H.

- Buộc ông C phải bồi thường thiệt hại cho ông H số tiền 189.155.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không thi hành đầy đủ khoản tiền nêu trên thì còn phải chịu lãi phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian và số tiền chưa thi hành.

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H về vệc yêu cầu ông C bồi thường thiệt hại về tiền hàng số tiền 122.500.000 đồng.

- Về án phí: Ông H phải chịu 6.125.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Khấu trừ 7.790.000 đồng tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0001088 ngày 22/5/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện AP, ông H được nhận 1.665.000 đồng. Ông C phải chịu 9.457.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án của các đương sự theo quy định pháp luật.

Tòa sơ thẩm tuyên án ngày 13/9/2022, ngày 14/9/2022 trong hạn luật định bị đơn ông C kháng cáo, yêu cầu Tòa phúc thẩm xem xét lại toàn bộ án sơ thẩm, các đương sự khác tham gia tố tụng trong vụ án không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị.

Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm:

Ông C xác định trước đây ông kháng cáo toàn bộ án sơ thẩm, nay ông rút lại yêu cầu kháng cáo liên quan đến bồi thường hàng hóa (bắp hạt), chỉ kháng cáo đến số tiền bồi thường thiệt hại do xe tải ông H bị chìm. Theo đó ông C khai tại thời điểm đứt 02 đây cáp mỏ bàn phà sắt tải trọng 45 tấn của ông làm xe ông H rớt chìm xuống sông Hậu trên phà chỉ có tài công, không có nhân viên mở rào chắn, móc cáp vào đường dẫn cho xe vận hành lên bờ, ông C còn xác định tại đường dẫn không có trụ chịu lực móc cáp bàn phà để giữ thăng bằng cho phà, sau đó ông C lại khai chỉ có dây bẹ từ phà cuộc vào cây còng trên đường đất, việc đứt 02 dây cáp chịu lực tại mỏ bàn phà với trụ chịu lực thân phà là có thật, nhưng không phải lỗi của ông gây ra việc chìm xe tải của ông H, lỗi của tài xế lùi xe làm đứt cáp, nên không đồng ý bồi thường cho ông H, chỉ đồng ý hỗ trợ sửa xe cho ông H 20.000.000đ vì xe ông H rơi xuống sông Hậu do tài xế của ông H không có kinh nghiệm trong việc lái xe lên xuống phà, khi xe đã lùi lên bến phà nhiều lần, xe lên không nổi dẫn đến đứt 02 sợi cáp nối giữa trụ chịu lực phà và mỏ bàn phà sắt của ông nên xe và hàng hóa rớt chìm xuống sông Hậu. Ông C xác định không cung cấp thêm chứng cứ mới cho Hội đồng xét xử, nếu đại diện nguyên đơn ông B không đồng ý, ông đề nghị xét xử theo pháp luật.

Bà Bu (mẹ ông C) thừa nhận có lỗi và thiếu sót khi con bà là C khai thác vận hành phà qua sông Hậu, thời điểm xảy ra việc chìm xe của H, trên phà không có nhân viên thực hiện kéo cáp phà móc vào trụ chịu lực tại đường dẫn, giữ thân bằng cho phà, chỉ có tài công. Bà đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét các chứng cứ trong vụ án, để xét xử theo pháp luật, ngoài ra bà không yêu cầu gì khác.

Ông B đại diện theo ủy quyền cho nguyên đơn ông H không tranh luận với ông C, nhưng cho rằng lỗi dẫn đến đứt 02 dây cáp chịu lực làm xe của ông H và hàng hóa rớt tại mỏ bàn phà chìm xuống sông Hậu là do lỗi bên ông C, phương tiện vận hành phà ông C không đảm bảo thiết bị an toàn theo quy định (không có trụ chịu lực móc cáp phà lên đường dẫn cho xe lên xuống, không người thực hiện hướng dẫn cho xe vận hành, chính ông C, bà Bu mẹ ông C thừa nhận có lỗi và thiếu sót tại phiên tòa phúc thẩm), nên đề nghị tòa phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo của ông C.

Ý kiến phát biểu Kiểm sát việc tuân theo pháp luật, về nội dung vụ án của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Thư ký, Hội đồng xét xử, những người thanm gia tố tụng trong vụ án thực hiện đúng quy định pháp luật tố tụng dân sự.

Về nội dung vụ án: Trên cơ sở phân tích, viện dẫn các chứng cứ, tài liệu có tại hồ sơ, Kiểm sát viên nhận thấy án sơ thẩm đã xem xét toàn diện chứng cứ, xác định đúng lỗi của người gây ra thiệt hại là ông C, người quản lý, khai thác phà sắt tại bến đò ĐK tại huyện AP gây thiệt hại chìm xe tải ông H, mức độ thiệt hại thực tế, nên tuyên xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông H về bồi thường thiệt hại, buộc ông C bồi thường về chi phí sửa xe 189.155.000 đồng cho ông H, không chấp nhận yêu cầu việc ông H yêu cầu ông C phải bồi thường thệt hại về tiền hàng hóa (bắp hạt) số tiền 122.500.000 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật. Ông C kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, tại phiên tòa hôm nay, ông C rút lại yêu cầu kháng cáo liên quan đến bồi thường hàng hóa (bắp hạt), chỉ kháng cáo đến số tiền bồi thường thiệt hại do xe tải ông H bị chìm, nhưng ông C không cung cấp được chứng cứ mới chứng minh ông không có lỗi gây ra thiệt hại thực tế việc xe tải ông H rớt chìm xuống sông Hậu, nên đề nghị Hội đồng xét xử tòa phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông C, đình chỉ xét xử phúc thẩm nội dung ông C rút yêu cầu kháng cáo, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 152/2022/DS-ST ngày13/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện AP, tỉnh An Giang, buộc ông C chịu án phí phúc thẩm theo quy định.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, kết quả thẩm tra tại phiên tòa; kết quả tranh luận tại phiên tòa; ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1] Về thủ tục tố tụng:

[1.1] Tòa sơ thẩm tuyên án ngày 13/9/2022, ngày 14/9/2022 trong hạn luật định bị đơn ông C kháng cáo, yêu cầu Tòa phúc thẩm xem xét lại toàn bộ án sơ thẩm và nộp án phí phúc thẩm đúng quy định, nên kháng cáo của ông C là hợp lệ nên đủ cơ sở xem xét kháng cáo của ông C theo trình tự phúc thẩm, các đương sự khác gia tố tụng trong vụ án không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị.

[1.2] Những người tham gia tố tụng khác trong vụ án này không kháng cáo, Tòa phúc thẩm đã triệu tập các đương sự hợp lệ theo tố tụng để nghe xét xử, nhưng vẫn vắng mặt không lý do, xét việc vắng mặt các đương sự này không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, nên Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự như đề nghị của Kiểm sát viên là phù hợp với pháp luật tố tụng.

[1.3] Về tư cách bị đơn trong vụ án để xác định nghĩa vụ dân sự, xác định lỗi trong bồi thường thiệt hại thấy rằng, mặc dù chiếc phà tàu sắt của bà Bu (mẹ ông C) trọng tải toàn phần 47,53 tấn theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa tỉnh An Giang cấp cho chủ phương tiện là bà Bu (mẹ ông C), nhưng thực tế bà Bu giao phương tiện này cho ông C quản lý khai thác kinh doanh phà sắt này, chính Sở Giao thông vận tải tỉnh An Giang cấp giấy phép kinh doanh cho chiếc phà sắt này cho ông C hoạt động từ ngày 10/01/2017 đến ngày 31/12/2021 (BL89), ngày 26/12/2018 ông C là người ký hợp đồng khai thác bến khách vận chuyển hàng hóa, phương tiện qua sông Hậu tại bến phà QT – ĐK, huyện AP vượt sông Hậu sang xã PH – VL, huyện AP với Phòng Tài chính - Kế Hoạch huyện AP (BL53 đến BL59) thời hạn 20 năm. Do đó, sau khi xảy ra tai nạn xe tải của ông H hiệu DF, biển kiểm soát AG1234 cùng hàng hóa trên xe là 17.500 kg hạt bắp rơi xuống sông Hậu tại bờ xã QT, ông H khởi kiện trực tiếp đối với ông C yêu cầu ông C bồi thường thiệt hại (không kiện, không yêu cầu bà Bu mẹ ông C bồi thường) nên tòa sơ thẩm xác định ông C là bị đơn trong vụ án để xem xét nghĩa vụ dân sự của ông C theo yêu cầu khởi kiện của ông H, xác định bà Ba người liên quan trong vụ án là đúng quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Về nội dung vụ án:

[2.1] Xét yêu cầu kháng cáo của ông C thì thấy:

Ông C trước đây ông kháng cáo toàn bộ án sơ thẩm, tại phiên tòa phúc thẩm ông C tự nguyện rút lại yêu cầu kháng cáo liên quan đến bồi thường hàng hóa (bắp hạt), chỉ kháng cáo đến số tiền bồi thường thiệt hại do xe tải ông H bị chìm, nên Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm phần nội dung ông C rút yêu cầu kháng cáo, chỉ xem xét nội dung kháng cáo của ông C đối với số tiền bồi thường thiệt hại do xe tải ông H bị chìm theo quy định pháp luật.

[2.2] Xét yêu cầu kháng cáo của ông C không đồng ý tiền bồi thường thiệt hại số tiền 189.155.000 đồng do xe tải ông H bị chìm cho ông H thì thấy:

Chứng cứ trực quan bản ảnh có tại hồ sơ vụ, lời khai các đương sự tham gia tố tụng trong vụ án, vụ tai nạn xảy ra việc xe tải của ông H hiệu DF, biển kiểm soát AG1234 cùng hàng hóa (bắp hạt) trên xe ông H qua phà ĐK lúc 01 giờ khuya ngày 04/02/202022 thuộc địa bàn xã QT, huyện AP, tỉnh An Giang rơi nguyên xe xuống sông Hậu thể hiện thời gian di chuyển của xe (xe chưa có hàng hóa) là lúc khoảng giờ 18 giờ 20 phút ngày 03/02/2020 tại xã QT, huyện AP tài xế D cho xe chạy xuống phà ĐK bờ xã QT qua Sông Hậu đến đường dẫn lên phà tại xã PH-VL, huyện AP, nhận xong số lượng bắp 17.500kg (đúng tải trọng cho phép), tài xế xe tải cho xe chạy xuống phà theo hướng đầu xe xuống phà đậu trọn vẹn trên phà theo chỉ dẫn, sắp xếp của tài công phà. Khoảng 01 giờ ngày 04/02/2020 khi phà vượt Sông Hậu sang bờ thuộc địa bàn xã QT, huyện AP, tỉnh An Giang thì phà sắt của ông C bị đứt 02 sợi cáp nối liền trụ chịu tải trên thân phà với mỏ bàn phà, nên xe tải của ông H hiệu DF, biển kiểm soát AG1234 cùng hàng hóa trên xe là 17.500kg bắp hạt rơi, chìm xuống sông Hậu tại bờ xã QT, huyện AP, tài xế H nhảy khỏi xe, hậu quả thiệt hại xảy ra là có trong thực tế.

Phương tiện phà sắt trọng tải toàn phần 47,53 tấn (theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa tỉnh An Giang cấp cho chủ phương tiện là bà Bu (mẹ ông C) ngày 08/4/2020 có hiệu lực đến hết ngày 03/01/2021 (BL91), nhưng thực tế ông C là người trực tiếp quản lý, sử dụng, khai thác chiếc phà này, điều này được chứng minh chính Sở Giao thông vận tải tỉnh An Giang cấp giấy phép kinh doanh chiếc phà sắt này cho ông C hoạt động từ ngày 10/01/2017 đến ngày 31/12/2021 (BL89). Hơn nữa ngày 26/12/2018 ông C là người ký hợp đồng khai thác bến khách vận chuyển hàng hóa, phương tiện qua sông Hậu tại bến phà QT-ĐK, huyện AP vượt sông Hậu sang xã PH-VL, huyện AP với Phòng Tài chính – Kế Hoạch huyện AP (BL59 đến BL53) thời hạn 20 năm, nên ông C phải có nghĩa vụ dân sự khi phát sinh tranh chấp việc thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định pháp luật.

Thực tế tai nạn xe tải của ông H hiệu DF, biển kiểm soát AG1234 cùng hàng hóa trên xe là 17.500kg hạt bắp (đúng tải trọng cho phép) rơi xuống sông Hậu tại bờ xã QT, ông H kiện trực tiếp đối với ông C yêu cầu ông C bồi thường thiệt hại (không kiện, không yêu cầu bà Bu mẹ ông C bồi thường) là đúng quy định, tòa sơ thẩm xác định ông C là bị đơn trong vụ án, bà Bu người liên quan là phù hợp quy định pháp luật.

Ông C kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách tại bên phà ĐK, xã QT, ngày 03/02/2020 ông C nhận dịch vụ vận chuyển xe tải của ông H hiệu DF, biển kiểm soát AG1234 cùng hàng hóa (bắp hạt) cho ông H qua phà ĐK 02 lượt với chi phí qua lại 02 lượt là 500.000 đồng, cụ thể khoảng 18 giờ 20 phút ngày 03/02/2020 tại xã QT, huyện AP tài xế D xe chạy không tải xuống phà ĐK bờ xã QT qua sông Hậu đến đường dẫn lên phà tại xã PH-VL, huyện AP, D cho xe lên phà nhận xong số lượng bắp 17.500kg (đúng tải trọng xe cho phép) thì D cho xe chạy xuống Phà theo hướng đầu xe xuống phà và đậu xe trọn vẹn trên phà theo chỉ dẫn, sắp xếp tài công phà. Khoảng 01 giờ khuya ngày 04/02/2020 khi phà ĐK vượt sông Hậu sang bờ thuộc địa bàn xã QT, huyện AP, tỉnh An Giang đến đường dẫn cho xe và người lên phà, khi đó D cho xe lùi lên đường dẫn lên bờ xã QT theo chỉ dẫn, sắp xếp của tài công phà. Khi xe tải de ra đến mỏ bàn sắt của phà theo hướng lên đường dẫn khi mỏ bàn sắt chiếc phà sắt của ông C đã cập bờ thì 02 sợi cáp nối liền trụ chịu tải trên thân phà với phần mỏ bàn phà bị đứt, xe tải của ông H hiệu DF, biển kiểm soát AG1234 cùng hàng hóa trên xe là 17.500kg bắp rớt, chìm xuống ngay tại mỏ bàn phà xuống sông Hậu tại bờ xã QT, huyện AP, tài xế H thoát khỏi xe, nên hậu quả không chết người. Khi sự việc xảy ra, ông H yêu cầu trình báo sự việc đến Công an giải quyết thì ông C nói đều là chỗ quen biết có gì trục vớt xong thiệt hại bao nhiêu ông C sẽ khắc phục, còn hàng hóa ông C nói sẽ xem xét thiệt hại thực tế bồi thường. Nhưng sau khi trục vớt xe và hàng hóa lên thì ông C không đồng ý bồi thường nên phát sinh tranh chấp, ông C khởi kiện yêu cầu cá nhân ông H bồi thường thiệt hại tiền sửa xe 189.155.000 đồng, tiền hàng hóa (hạt bắp) của ông V 122.500.000 đồng, tổng cộng yêu cầu ông C bồi thường 311.655.000 đồng (đính kèm đầy đủ hóa đơn, chứng từ). Ông C cho rằng tài xế ông H không có kinh nghiệm chạy lên xuống phà nhiều lần, lên không nổi vì hàng hóa rất nặng làm đứt cáp chịu lực của mỏ bàn phà nên không phải lỗi của phương tiện phà do ông khai thác kinh doanh, nên không đồng ý bồi thường.

[2.3] Xét nguyên nhân, lỗi gây ra thiệt hại dẫn đến việc xe tải và hàng hóa (bắp hạt) chìm tại bờ QT tại bến phà ĐK thì thấy:

Ông C là người ký hợp đồng khai thác bến khách vận chuyển hàng hóa, phương tiện qua sông Hậu tại bến phà QT-ĐK, huyện AP vượt sông Hậu sang xã PH-VL, huyện AP với Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện AP (BL59 đến BL53) để vận chuyển người và phương tiện, hàng hóa qua lại sông Hậu, nên phát sinh tránh nhiệm, quyền và nghĩa vụ trong vận chuyển. Cụ thể giữa ông H với ông C đã phát sinh dịch vụ vận chuyển xe tải của ông H hiệu DF, biển kiểm soát AG1234 cùng hàng hóa cho xe ông H qua phà ĐK 02 lượt với chi phí qua lại 02 lần là 500.000 đồng. Cụ thể khoảng 18 giờ 20 phút ngày 03/02/2020 tại xã QT, nguyên nhân xe tải và hàng hóa (bắp hạt) rớt chìm xuống sông Hậu lúc 01 giờ ngày 04/02/2020 là do lỗi của phương tiện phà sắt (do ông C khai thác dịch vụ vận chuyển) bị đứt 02 sợi cáp đấu nối liền trụ chịu tải trên thân phà với phần bàn phà bị đứt, nên xe tải của ông H hiệu DF, biển kiểm soát AG1234 cùng hàng hóa trên xe là 17.500kg bắp đúng tải rớt, chìm xuống ngay mỏ bàn xuống sông Hậu do thiết bị dây cáp chịu lực của phà không đảm bảo, không trang bị cáp chịu lực kết nối từ mỏ bàn phà đến trụ cố định chịu lực tại đường dẫn khi phà cập bến cho phương tiện xe lên xuống phà, mà lại dùng dây bẹ không được kiểm định nối một đầu vào mỏ bàn phà đầu còn lại cuộc vào cây còng trên bờ tại đường đất, đây chính là nội dung do ông C khai nhận tại phiên tòa phúc thẩm. Hơn nữa lời khai của ông C tại tòa phúc thẩm là xe và hàng hóa bị chìm xuống sông Hậu do điểm đứt 02 dây cáp mỏ bàn phà sắt tải trọng 45 tấn của ông, trên phà chỉ có tài công, không có nhân viên mở rào chắn, không có móc 02 dây cáp móc vào đường dẫn cho xe vận hành lên bờ, sau đó lại khai do tài xế lên phà rồi lùi xe lại làm đứt 02 dây cáp mỏ phà. Ông C còn xác định tại đường dẫn không có trụ chịu lực móc cáp bàn phà để giữ thăng bằng cho phà, sau đó ông C lại khai chỉ có dây bẹ từ phà cuộc vào cây còng trên đường đất. Mẹ ông C lại khai có trụ chịu lực tại đường dẫn cho phương tiện vận hành lên và xuống phà khi phà cập bến, nhưng tại thời điểm này không có nhân viên trên phà thực hiện việc móc dây cáp chịu lực lên trụ tại đường dẫn cho xe lên và xuống, từ đây cho thấy lời khai của ông C mâu thuẫn với lời khai của ông tại giai đoạn sơ thẩm, mâu thuẫn với chính ông tại phiên tòa phúc thẩm, mâu thuẫn với lời thừa nhận của mẹ ông là bà Bu tại phiên tòa phúc thẩm. Sở dĩ ông C khai không thống nhất nhằm tránh trách nhiệm bồi thường do lỗi của người khai thác, quản lý tàu sắt này, để không bồi thường thiệt hại do lỗi của mình. Trên cơ sở chứng cứ tại hồ sơ đủ căn cứ xác định lỗi gây ra việc chìm xe tải có hàng hóa tại bến phà ĐK thuộc phía ông C bởi lẽ, phương tiện phà sắt của ông C chưa bảo trì phương tiện dây cáp phà sắt do ông C trực tiếp khai thác kinh doanh vận chuyển người, hàng hóa (có lợi nhuận) đúng quy chuẩn, phương tiện phà sắt vận hành qua lại tuyến sông Hậu thiếu trụ chịu lực móc cáp khi cập bến để giữ thăng bằng cho phà, không đảm bảo an toàn về thiết bị dây cáp chịu lực, không có nhân viên thực hiện móc cáp vào trụ chịu lực tại đường dẫn cho phương tiện lên xuống phà theo quy chuẩn an toàn giao thông đương thủy nội địa, vi phạm điều kiện vận hành nên ông C phải chịu trách nhiệm khi có thiệt hại xảy ra trong thực tế xảy ra là xe DF, biển kiểm soát 67C-05090 chở hàng hóa (bắp hạt) chìm dưới lòng sông Hậu 02 ngày đêm, thực tế là đứt cáp mỏ bàn nên xe và hàng hóa chìm xuống sông Hậu, gây thiệt hại thực tế cho xe và hàng hóa là có thật nên ông C phải có trách nhiệm bồi thường cho ông H. Phương tiện xe DF, biển kiểm soát AG1234 của ông H là tài sản phục vụ kinh doanh vận chuyển thường xuyên, việc chìm xe tải này nhiều ngày làm mất thu nhập cho ông H là có trong thực tế, nên việc ông H khởi kiện yêu cầu ông C phải bồi thường tổng số tiền sửa chữa xe gồm: chi phí làm máy xe 72.940.000 đồng có 02 biên nhận kèm theo, chi phí làm đồng toàn bộ khung xe 73.615.000 đồng có 03 biên nhận kèm theo, chi phí sửa hệ thống điện xe 34.600.000 đồng, tổng cộng 189.155.000 đồng là có căn cứ.

[2.4] Đối với thiệt hại hàng hóa (bắp hạt) của ông V là có trong thực tế là do lỗi của ông C, ông V khai nhận sau khi sự việc xảy ra, thì số lượng bắp của ông còn lại là 12.500kg và ông đã bán số bắp này với giá 2.000đ/kg. Ông V khai số bắp này sẽ bán được 122.500.000 đồng, tương ứng ¾ thiệt hại của 17.500kg bắp hạt trên xe tải bị chìm. Như vậy, có thể xác định ông V đã nhận được một số tiền bán bắp sau khi tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, ông H lại khởi kiện yêu cầu ông C phải bồi thường thiệt hại đối với toàn bộ số tiền ban đầu là 122.500.000 đồng là không thực tế, hơn nữa giữa ông H với ông V không có ký hợp đồng vận chuyển, ông V cũng chưa thanh toán tiền công vận chuyển cho ông H, trong vụ việc này ông V là người bị thiệt hại, nhưng ông H lại đứng đơn khởi kiện yêu cầu ông C phải bồi thường, trong khi ông V lại không có ý kiến yêu cầu ông C bồi thường. Do đó, việc ông H khởi kiện thay ông V yêu cầu ông C phải bồi thường số tiền 122.500.000 đồng cho ông H là không có căn cứ.

Tòa sơ thẩm đã xem xét toàn diện các chứng cứ, tài liệu có tại hồ sơ, lời khai của những người liên quan trong vụ án, ý kiến đề nghị giải quyết vụ án của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm và tuyên xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông H về bồi thường thiệt hại, buộc ông C bồi thường chi phí sửa xe 189.155.000 đồng cho ông H, không chấp nhận yêu cầu của ông H về việc yêu cầu ông C phải bồi thường thệt hại về tiền hàng hóa (bắp hạt) số tiền 122.500.000 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật.

Ông C kháng cáo, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm ông C không cung cấp được chứng cứ mới có giá trị chứng minh. Do đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của ông C, cần giữ nguyên án sơ thẩm như Kiểm sát viên đề nghị là phù hợp pháp luật. Ông C kháng cáo nhưng không được chấp nhận nên ông C phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, các phần nội dung khác của bản án sơ thẩm đã tuyên không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực thi hành.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 ngày 30/12/2016, phúc xử:

- Không chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Tiến C.

- Đình chỉ xét xử phúc thẩm việc ông Phạm Tiến C rút kháng cáo, không yêu cầu Hội đồng xét xử giải quyết nội dung bồi thường thiệt hại hàng hóa (bắp hạt).

- Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 152/2022/DS-ST ngày13/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện AP, tỉnh An Giang.

Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 228, Điều 273 và Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự; căn cứ Điều 364 của Bộ luật Dân sự 2015; căn cứ khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 ngày 30/12/2016, Tuyên xử:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Lê Xuân H.

- Buộc ông Phạm Tiến C phải bồi thường thiệt hại cho ông Lê Xuân H số tiền 189.155.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không thi hành đầy đủ khoản tiền nêu trên thì còn phải chịu lãi phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian và số tiền chưa thi hành.

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Xuân H về vệc yêu cầu ông Phạm Tiến C bồi thường thiệt hại về tiền hàng số tiền 122.500.000 đồng.

- Về án phí sơ thẩm:

Ông H phải chịu 6.125.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Khấu trừ 7.790.000 đồng tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0001088 ngày 22/5/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện AP, ông H được nhận lại 1.665.000 đồng.

Ông C phải chịu 9.457.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

- Về án phí phúc thẩm: Ông Phạm Tiến C phải chịu 300.000 đồng án phí phúc thẩm, nhưng được khấu trừ vào 300.000 đồng tạm ứng án phí phí phúc thẩm do ông C đã nộp theo biên lai thu số 0007130 ngày 28/9/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện AP, tỉnh An Giang (nên ông C không phải nộp thêm án phí phúc thẩm).

- Các phần nội dung quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực thi hành.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án dân sự, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

38
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 50/2023/DS-PT

Số hiệu:50/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân An Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:09/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về