Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 302/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 302/2023/DS-PT NGÀY 21/11/2023 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 21 tháng 11 năm 2023, tại Trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 217/2023/TLPT-DS ngày 27 tháng 10 năm 2023 về “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2023/DS-ST ngày 23 tháng 6 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 162/2023/QĐ-PT ngày 06 tháng 11 năm 2023 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: bà Emma T; sinh năm: 1989; địa chỉ: B H, P, K, BR5 1EZ, E, Vương Quốc A; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn:

1. Bà Lê Thị H;

2. Ông Nghiêm Thanh T1; Cùng địa chỉ: Phòng F, Tòa nhà C, A T, quận C, Hà Nội; bà H vắng mặt, ông T1 có mặt.

Theo Giấy uỷ quyền của bà Emma T; đã được chứng nhận/hợp pháp hoá lãnh sự tại L, ngày 04-10-2021, cơ quan cấp: Đ1 tại VQ Anh và CH Ai-len, số: 5369.

Bị đơn: Công ty cổ phần D Bà N; Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Lâm A1, chức vụ: Giám đốc;

địa chỉ: thôn A, xã H, huyện H, thành phố Đà Nẵng; vắng mặt.

Người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn:

1. Bà Thái Thu H1; địa chỉ: L, xã Đ, thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam;

2. Ông Lý Quang L;

3. Ông Phạm Sĩ H2;

4. Ông Hồ Sỹ H3; Cùng địa chỉ: Công ty L1, số A Đ, quận H, Hà Nội; bà H1 và ông H2 vắng mặt, ông L và ông H3 có mặt.

Theo các Giấy uỷ quyền lập ngày 09-02-2022 và ngày 17-3-2022 của Giám đốc Công ty.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH B (Việt Nam); địa chỉ: A, tầng A, Tòa nhà M, B Đ, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh; vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt.

- Người làm chứng: bà Nguyễn Thị H4; sinh năm 1991; địa chỉ: thôn D, N, thị xã N, tỉnh Khánh Hòa; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn - bà Emma T trình bày tại Đơn khởi kiện, Bản tự khai, các phiên hoà giải và phiên toà sơ thẩm:

Vào ngày 05-8-2018, nguyên đơn - bà Emma T và bạn của mình là bà Elizabeth A2, đã mua gói đi nghỉ kéo dài 17 ngày đến Việt Nam và Campuchia trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến ngày 22-10-2018 từ Công ty G Inc.

Ngày 12-10-2018 trong quá trình đi nghỉ ở Việt Nam, bà Emma T và bà Elizabeth A2 đã quyết định đến thăm S. Trước khi lên cáp treo đến đỉnh núi, khi bà Emma T và bạn mua vé đã được nhân viên của N1 bị kiện - Công ty Cổ phần D Bà N bảo đảm rằng tuy tầm nhìn bị kém ở đỉnh núi, nhưng sẽ rõ ràng khi họ lên đến đỉnh. Tuy nhiên, khi bà Emma T và bạn lên đến đỉnh núi thì tầm nhìn rất kém và họ không thể nhìn xa quá 60cm trước mặt. Do điều kiện thời tiết kém, bà Emma T và bạn quyết định xuống núi và không tham quan các địa điểm cho du khách trên núi.

Bà Emma T và bạn đi bộ dọc theo con đường dẫn đến ga đi của cáp treo để rời khỏi S thì bà E1 bất ngờ bị trượt và do vậy mất thăng bằng và ngã xuống vùng nền đất cùng với chân trái của bà E1 bị kẹt giữa hai viên đá lót đường. Sau đó được bên người bị kiện đưa đi cấp cứu tại bệnh viện H7 vào ngày thứ Sáu, 12-10-2018, với chấn thương là vỡ xương mắt cá ở hai nơi. Bà E1 được sơ cứu tại bệnh viện H7, sau đó về nước điều trị.

Yêu cầu của nguyên đơn:

- Đơn khởi kiện ngày 30-9-2021, yêu cầu Công ty Cổ phần D Bà N bồi thường các chi phí do đau đớn, mất mát và thiệt hại về tinh thần bằng số tiền 29.990,12 bảng Anh, tương đương 1.266.016.417 đồng Việt Nam (“đồng Việt Nam” viết tắt là “đ”).

- Đơn bổ sung ngày 10-12-2021, yêu cầu bổ sung mức bồi thường do đau đớn, chịu đựng và mất mát thoải mái bao gồm thiệt hại về tinh thần bằng 50 lần mức lương cơ sở là 74.500.000đ và chi phí 1.496.999đ đối với các khoản phát sinh liên quan đến cấp cứu, điều trị tai nạn, bao gồm:

+ Chi phí cấp cứu tại Bệnh viện H7 vào ngày 12-10-2018: 696.000đ.

+ Chi phí di chuyển từ Bệnh viện H7 về Khách sạn V 2 tại H: 500.000đ.

+ Chi phí mua nạng inox: 300.000đ.

Tổng số tiền đối với yêu cầu bổ sung là 75.996.999đ.

Như vậy, tổng hợp hai khoản yêu cầu Công ty Cổ phần D Bà N phải bồi thường khoản tiền 1.342.013.416đ.

Trên tinh thần hòa giải, chúng tôi đồng ý ở mức bồi thường 35.000 Bảng Anh. Nếu không hòa giải được thì chúng tôi giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

Bên nguyên đơn đưa Công ty B vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan với lý do: Bên QBE có văn bản trả lời trách nhiệm như thế nào cho chúng tôi.

Tại phiên toà sơ thẩm, người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện về chi phí pháp lý là 596.224.070,8đ. Tổng cộng số tiền nguyên đơn yêu cầu Công ty Cổ phần D Bà N phải bồi thường là 1.938.237.486,8đ.

* Bị đơn và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn - Công ty cổ phần D Bà N trình bày tại Bản tự khai, các phiên hoà giải và phiên toà sơ thẩm:

Tai nạn trượt, ngã của Nguyên đơn xảy ra vào ngày 12-10-2018 tại Khu D (“Khu du lịch”) đơn thuần chỉ là tai nạn cá nhân và do sự sơ xuất, bất cẩn của chính Nguyên đơn mà không phải lỗi cố ý hay vô ý của Công ty Cổ phần D Bà N, cụ thể:

- Việc thời tiết có mưa phùn, sương mù, tầm nhìn thấp tại Khu du lịch trong các tháng 10, 11 và 12 hằng năm là điều kiện thời tiết bình thường, đặc trưng và có tính chất quy luật từ trước đến nay. Việc thông báo về điều kiện thời tiết để khách cân nhắc và quyết định tham quan Khu du lịch và ngày 12-10-2018 đã được Công ty Cổ phần D Bà N thực hiện đúng quy trình;

- Trong ngày 12-10-2018, ngoài tai nạn cá nhân của Nguyên đơn, Công ty Cổ phần D Bà N không ghi nhận bất kỳ tai nạn nào khác có tính chất tương tự và/hoặc xảy ra tại cùng địa điểm hoặc tại địa điểm khác của Khu du lịch;

- Kể từ khi Khu du lịch được đưa vào khai thác cho đến nay, Công ty Cổ phần D Bà N cũng chưa ghi nhận bất kỳ tai nạn nào có tính chất tương tự xảy ra trong các tháng mùa mưa (tháng 10, 11 và 12) hàng năm;

- Nguyên đơn không cung cấp được bằng chứng nào chứng minh được cơ sở vật chất của Khu du lịch tại thời điểm xảy ra tai nạn đang trong tình trạng hư hỏng, cần sửa chữa và không bảo đảm các quy định, yêu cầu về an toàn xây dựng, an toàn du lịch cho khách đến Khu du lịch như đã nêu trong Đơn khởi kiện và Đơn khởi kiện bổ sung.

Trong vụ án cụ thể này, Nguyên đơn đã mua vé vào cổng Khu du lịch để sử dụng các dịch vụ vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng mà Công ty Cổ phần D Bà N cung cấp tại đây. Theo đó, Nguyên đơn và Công ty Cổ phần D Bà N đã phát sinh quan hệ hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, Nguyên đơn lại yêu cầu Công ty Cổ phần D Bà N bồi thường đối với thiệt hại NGOÀI HỢP ĐỒNG. Như vậy, căn cứ khởi kiện của Nguyên đơn là không có cơ sở và không phù hợp với quy định của pháp luật.

Trên tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ, ngay sau khi tai nạn xảy ra, nhân viên Công ty Cổ phần D Bà N đã kịp thời tiếp cận, hỗ trợ, sơ cứu cho Nguyên đơn tại trạm y tế của Khu du lịch, đồng thời hộ tống Nguyên đơn đến Bệnh viện H7 bằng ô tô và ở lại theo dõi tình hình cho đến khi Nguyên đơn xuất viện trong cùng ngày. Như vậy, việc Nguyên đơn cho rằng phía Công ty đã không cung cấp phương tiện cho Nguyên đơn để đi khỏi Khu du lịch là không phù hợp với diễn biến khách quan của vụ việc.

Biên bản ngày 12-10-2018 không có giá trị pháp lý do nhân viên Công ty Cổ phần D Bà N không có thẩm quyền và cũng không được ủy quyền để ký. Ngoài ra, Nguyên đơn đã thiếu trung thực, khách quan khi đưa ra các lý do để thuyết phục nhân viên Công ty ký vào biên bản này.

Ngoài ra, hồ sơ, tài liệu đính kèm Đơn khởi kiện và Đơn khởi kiện bổ sung do Nguyên đơn cung cấp chưa đảm bảo tính hợp pháp. Cụ thể, tại cuối các trang Chứng nhận Công chứng của hồ sơ khởi kiện đều có ghi như sau: “This Apostille is not to be used in the UK and only confirms the authenticity of the signature seal or stamp on the attached UK public document. It does not confirm the authenticity of the underlying document. Apostilles attached to documents that have been photocopied and certified in the UK confirm the signature of the UK official who conducted the certification only. It does not authenticate either the signature on the original document or the contents of the original document in any way”; tạm dịch: “Chứng nhận công chứng này không được sử dụng tại V và chỉ xác nhận tính chân thực của chữ ký hoặc con dấu tại văn bản công được đính kèm của Vương Quốc A. Các Chứng nhận công chứng này không xác nhận tính chân thực của tài liệu liên quan. Các chứng nhận Công chứng đính kèm tài liệu được sao chụp và chứng nhận tại Vương Quốc A chỉ xác nhận chữ ký của vị công chức của Vương Quốc A là người đã thực hiện công việc xác nhận. Nó không xác thực chữ ký cũng như nội dung của văn bản gốc trong mợi trường hợp”. Theo đó, Công chứng viên Vương Quốc A chỉ xác nhận và Công chứng chữ ký của Nguyên đơn trên Đơn khởi kiện, Đơn khởi kiện bổ sung và Danh sách tài liệu, chứ không xác nhận Công chứng đối với từng hồ sơ, tài liệu đính kèm theo Đơn khởi kiện, Đơn khởi kiện bổ sung và cũng khẳng định, xác thực nội dung của các tài liệu này như các email trao đổi, email đặt vé máy bay, bảng lương của Nguyên đơn… Như vậy, các hồ sơ, tài liệu đính kèm theo Đơn khởi kiện, Đơn khởi kiện bổ sung không được xem là chứng cứ hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Xem xét các vấn đề nêu trên, Công ty Cổ phần D Bà N kính đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xem xét, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn tại Đơn khởi kiện tháng 9-2020 và Đơn khởi kiện bổ sung ngày 10- 12-2021, và tuyên Công ty Cổ phần D Bà N không phát sinh bất kỳ trách nhiệm nào đối với tai nạn của Nguyên đơn trong vụ án này.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Công ty TNHH B (Việt Nam) trình bày tại văn bản gửi Toà án:

Trong vụ án cụ thể này, QBE và Nguyên đơn không có bất kỳ hợp đồng bảo hiểm hay hợp đồng nào khác. Do đó, QBE không có bất kỳ nghĩa vụ hay trách nhiệm theo hợp đồng nào đối với yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn phát sinh từ và liên quan đến tai nạn được cho là đã xảy ra vào ngày 12/10/2018 tại khu D, Đà Nẵng. Đồng thời, QBE cũng không có bất kỳ hành vi xâm phạm trực tiếp hay gián tiếp đến sức khỏe, quyền và lợi ích của Nguyên đơn trong vụ án cụ thể này. Theo đó, QBE cũng không có bất kỳ nghĩa vụ hay trách nhiệm ngoài hợp đồng nào đối với yêu cầu của Nguyên đơn phát sinh từ và liên quan đến tai nạn.

Hơn nữa, hợp đồng bảo hiểm giữa QBE và Bị đơn là quan hệ độc lập, tách biệt đối với Nguyên đơn. Theo đó, các quyền và nghĩa vụ của QBE và Bị Đ sẽ được điều chỉnh và giải quyết trên cơ sở các điều khoản, điều kiện của Hợp đồng bảo hiểm, Đơn bảo hiểm và Quy tắc bảo hiểm mà hai bên đã ký kết.

Xem xét các vấn đề nêu trên và căn cứ Điều 70 và Điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. QBE phản đối và kính đề nghị Quý T2 không chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn về việc đưa QBE tham gia tố tụng với tư cách là Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trong trường hợp yêu cầu nêu trên không được chấp nhận, QBE cũng xin phép Quý Tòa được vắng mặt tại tất cả các phiên họp, phiên triệu tập, phiên làm việc, phiên tòa xét xử theo các Giấy triệu tập và Quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng, đồng thời sẽ không đưa ra bất kỳ ý kiến, văn bản, tài liệu hay chứng cứ nào khác đến Quý Tòa trong vụ án cụ thể này.

QBE xin được bảo lưu toàn bộ và đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo Đơn, Hợp đồng, Quy tắc bảo hiểm đã ký kết và quy định của pháp luật.

* Người làm chứng - bà Nguyễn Thị H4 trình bày tại văn bản gửi Toà án, được lập Vi bằng tại Văn phòng T4 ngày 20-5-2023:

Tại thời điểm khách xảy ra sự cố, tôi đang trực tại Trạm Y tế V1. Khi đó, tôi nhận được tin báo từ anh Trần Đình H5 (Giám sát viên Nhà Hàng) là có một du khách bị tai nạn tại cổng Chùa L2, sau này được biết là cô Emma T. Tôi lập tức đi đến khu vực xảy ra tai nạn và gặp anh H5 cùng một nhân viên An ninh (sau này được biết là anh Nguyễn Chấn T3) đang đẩy cô Emma T ngồi xe lăn ngang đoạn dốc trước khi qua cổng Chùa L2. Điều kiện thời tiết lúc đó có sương mù, nhưng là bình thường đối với khoảng tầm tháng 10 hàng năm.

Sau khi đưa cô E1 về Trạm Y tế để sơ cứu, tôi cùng chị Nguyễn Thị Ánh H6 (nhân viên Phòng Kinh doanh) đã gọi ô tô và tiếp tục hỗ trợ, hộ tống cô E1 đến Bệnh viện H7, thành phố Đà Nẵng, để cô được tiếp tục khám, chữa bệnh. Cô E1 chỉ trao đổi, nói chuyện chủ yếu với chị H6 và một hướng dẫn viên du lịch đi cùng, do trình độ tiếng Anh của tôi rất hạn chế, không thể giao tiếp bằng tiếng Anh được. Tuy nhiên, tại Bệnh viện H7, cô Emma T lại yêu cầu tôi ký vào một biên bản do cô viết tay. Do không hiểu cụ thể nội dung biên bản này là gì, tôi đã từ chối ký. Tôi xin khẳng định rằng bản thân không có thẩm quyền và cũng không nhận được bất kỳ ủy quyền nào từ Công ty Cổ phần D Bà N để thay mặt công ty ký xác nhận vào biên bản của cô Emma T. Trong suốt quá trình sơ cứu, hỗ trợ cô E1 từ Khu du lịch về đến Bệnh viện H7, cô E1 vẫn luôn vui vẻ cảm ơn. Nhưng sau khi chị H6 gửi phong bì hỗ trợ, và sau khi như tôi không đồng ý ký vào biên bản nêu trên thì thái độ của cô E1 thay đổi hoàn toàn. Do cô E1 liên tục gây áp lực và nài nỉ tôi ký biên bản để cô làm thủ tục bảo hiểm tại Anh Q, tôi đã miễn cưỡng ký vào biên bản. Tôi đã nỗ lực hết sức mình trong suốt quá trình hỗ trợ, sơ cứu cô E1 tại Khu du lịch và đưa cô đi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện H7. Chỉ khi cô E1 xuất viện tôi mới trở về Khu du lịch. Ngoài tai nạn của cô Emma T, trong ngày 12-10-2018 tôi không được biết và cũng không tiếp nhận bất kỳ sự cố hay tai nạn nào khác của du khách tại Khu du lịch nói chung và khu vực cổng Chùa L2 nói riêng.

Với các nội dung trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2023/DS-ST ngày 23 tháng 6 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định:

Căn cứ khoản 6 Điều 26; điểm c khoản 1 Điều 37; điểm a khoản 1 Điều 39 và các Điều 227, 228, 235, 266, 479 của Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 584, 585 của Bộ luật Dân sự; Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; Nghị quyết 326/2016 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc “Tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” của nguyên đơn - bà Emma T đối với bị đơn - Công ty Cổ phần D Bà N. Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí dân sự sơ thẩm và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 08/7/2023, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà E1 Thurlow là ông Nghiêm Thanh T1 có đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm: xác định và công nhận bị đơn là Công ty Cổ phần D Bà N đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn cho tính mạng, sức khỏe và quyền lợi của Người kháng cáo khi tham quan tại S; căn cứ vào các quy định của pháp luật và Văn thư thừa nhận trách nhiệm do cô Nguyễn Thị H4 là cán bộ của Sun W ký ngày 12/10/2018 để xác định và quyết định bị đơn phải chịu trách nhiệm đối với tai nạn của Người kháng cáo tại S vốn là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại cho người kháng cáo; chấp nhận yêu cầu của Người kháng cáo bồi thường thiệt hại với số tiền 1.342.013.416 đồng.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên toà, kết quả tranh tụng tại phiên tòa;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1.]. Ngày 08/7/2023, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Emma T là ông Nghiêm Thanh T1 có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Đơn kháng cáo của đương sự là trong thời hạn quy định tại Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự, do đó Hội đồng xét xử quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Tại phiên toà, người kháng cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo, các đương sự không thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết theo quy định.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu quan điểm: ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên toà và những người tham gia tố tụng đã tuân thủ đầy đủ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; về nội dung, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Emma T là ông Nghiêm Thanh T1. Tuy nhiên, việc nguyên đơn bị tai nạn và phải điều trị là có thật, trong quá trình giải quyết vụ án, phía bị đơn đồng ý hỗ trợ cho nguyên đơn số tiền 10.000 bảng Anh tương đương 320.000.000 đồng, đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận.

[2]. Xét nội dung kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Nghiêm Thanh T1: Ngày 12/10/2018, bà Emma T là khách tham quan khu du lịch Sun World của Công ty Cổ phần D Bà N trên đỉnh núi B thuộc huyện H, thành phố Đà Nẵng và bị tai nạn. Bà Emma T cho rằng phía bị đơn có lỗi vì không có hướng dẫn trong việc cảnh báo tình hình thời tiết, đảm bảo an toàn cho khách tham quan nên khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trên cơ sở các tài liệu khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện H7; quá trình điều trị, phục hồi tại nước A; các hình ảnh chụp tại khu D và văn bản xác nhận lỗi của một nhân viên Công ty Cổ phần D Bà N. Hội đồng xét xử thấy rằng:

Sự kiện bà Emma T xảy ra tai nạn tại khu du lịch Sun World vào ngày 12/10/2018, sau đó được thăm khám ban đầu tại Bệnh viện H7 và điều trị, phục hồi tại Anh quốc là có thật. Tuy nhiên, các tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn cung cấp không chứng minh được yếu tố lỗi của bị đơn là nguyên nhân dẫn đến tai nạn của bà Emma T, bởi lẽ:

Văn bản viết bằng tiếng Anh có nội dung Công ty Cổ phần D Bà N (sau đây gọi tắt là Công ty) nhận lỗi trong tai nạn của bà Emma T là do một nhân viên hợp đồng của Công ty ký xác nhận (BL 106), cụ thể là bà Nguyễn Thị H4. Tại Vi bằng số 337/2023/VB-VPTPLPT ngày 20/5/2023, bà H4 thừa nhận có ký vào văn bản nói trên nhưng bản thân bà không biết tiếng Anh và do bà Emma T liên tục gây áp lực, nài nỉ bà H4 ký để làm thủ tục bảo hiểm tại Anh quốc nên bà mới miễn cưỡng ký. Thời điểm đó, bà Nguyễn Thị H4 là nhân viên y tế tại khu du lịch Bà N, không có bất kỳ văn bản nào ủy quyền hay quyết định phân công nhiệm vụ cho bà H4 thay mặt Công ty ký xác nhận văn bản; vì vậy, việc bà Nguyễn Thị H4 ký vào văn bản xác nhận lỗi là không đúng thẩm quyền, không có giá trị pháp lý.

Theo các tài liệu thể hiện hình ảnh tại khu du lịch Bà N do nguyên đơn cung cấp (BL 108 - 113) thì thấy, tại khu vực bà Emma T xảy ra tai nạn không có vật cản trở hay công trình, dịch vụ nào của Công ty đang bảo trì, sửa chữa gây ảnh hưởng đến quá trình di chuyển của du khách; mặt đường sạch sẽ. Việc bị hạn chế tầm nhìn là do tính chất địa hình núi cao và thời tiết nhiều sương mù, mưa phùn tại đỉnh núi Bà N vào các thời điểm nhất định trong năm; đặc điểm này mang tính phổ biến, đặc trưng và thường niên tại khu D. Vì thế, việc bà Emma T đi bộ giữa thời tiết có mưa phùn, đường trơn nên bị trượt ngã là tai nạn bất ngờ do sự bất cẩn của bà. Khi xác nhận giao dịch hợp đồng thông qua vé bán vào khu du lịch Sun World ngày 12/10/2018 (BL 579) thì các du khách như bà Emma T đồng thời đã chấp nhận trải nghiệm các hoạt động, dịch vụ do Công ty cung cấp trong điều kiện thời tiết đặc thù của khu du lịch. Phía Công ty cũng đặt nhiều bảng biểu hướng dẫn, cảnh báo du khách khi tham gia các hoạt động ở khu du lịch cũng như kịp thời tiếp cận, hỗ trợ, sơ cứu cho bà Emma T khi xảy ra tai nạn.

Do đó, Hội đồng xét xử thấy rằng nguyên nhân dẫn đến tai nạn của bà Emma T vào ngày 12/10/2018 không phải là do lỗi cố ý hay vô ý hoặc do sự cố của các dịch vụ mà Công ty Cổ phần D Bà N cung cấp.

Tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”; đồng thời theo quy định tại Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06 tháng 9 năm 2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 584 của Bộ luật Dân sự phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố gồm: có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác; có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần và có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Đối chiếu với các quy định trên, Tòa án cấp phúc thẩm thấy rằng, sự việc bà Emma T tai nạn tại khu D là có thiệt hại nhưng nguyên nhân gây ra thiệt hại không phải do lỗi của Công ty, phía Công ty không có hành vi xâm phạm để gây ra thiệt hại cho bà Emma T cũng như không có vi phạm nào khác trong hoạt động kinh doanh, không đảm bảo quy định về an toàn cho khách tham quan. Vì vậy, nguyên đơn yêu cầu Công ty Cổ phần D Bà N bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là không có căn cứ. Nguyên đơn kháng cáo nhưng không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ nào mới nên không có cơ sở để chấp nhận, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm về nội dung không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn hỗ trợ nguyên đơn số tiền 10.000 bảng Anh, tương đương 320 triệu đồng. Tuy nhiên, đại diện nguyên đơn không chấp nhận sự hỗ trợ của bị đơn. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận nội dung đề nghị này của Viện kiểm sát tại phiên tòa.

[3]. Đối với việc áp dụng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm, Hội đồng xét xử xét thấy, Bản án sơ thẩm áp dụng Bộ luật Dân sự 2015 để xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là đúng quy định nhưng lại áp dụng Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là không phù hợp trong khi Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06 tháng 9 năm 2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đang có hiệu lực pháp luật. Thực tế, Toà án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên việc viện dẫn và áp dụng Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 không ảnh hưởng đến quyền lợi của nguyên đơn, Hội đồng xét xử sửa lại phần áp dụng pháp luật cho phù hợp.

[4]. Về án phí dân sự phúc thẩm: mặc dù kháng cáo không được chấp nhận nhưng người kháng cáo được miễn nộp án phí phúc thẩm theo quy định.

[5]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm được thực hiện theo Bản án sơ thẩm số 18/2023/DS-ST ngày 23/6/2023 của Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Không chấp nhận kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Emma T là ông Nghiêm Thanh T1; - Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2023/DS-ST ngày 23/6/2023 của Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

2. Áp dụng các Điều 584, 585 của Bộ luật Dân sự;

Tuyên xử: không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc “Tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” của nguyên đơn - bà Emma T đối với bị đơn - Công ty Cổ phần D Bà N.

3. Áp dụng điểm d khoản 1 Điều 12, Điều 14, khoản 6 Điều 15 và khoản 1 Điều 29 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Emma T là ông Nghiêm Thanh T1 được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

4. Quyết định của bản án sơ thẩm về án phí sơ thẩm được thực hiện theo Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2023/DS-ST ngày 23/6/2023 của Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

999
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 302/2023/DS-PT

Số hiệu:302/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/11/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về