Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 119/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

BẢN ÁN 119/2022/DS-PT NGÀY 05/09/2022 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Trong các ngày 30 tháng 8 và ngày 05 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 35/2022/TLPT-DS ngày 13 tháng 4 năm 2022, về “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 05/2022/DS-ST ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Hậu Giang bị kháng cáo.

Theo Thông báo về việc mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm xử số:

17/2022/TB-TA ngày 12 tháng 8 năm 2022, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông S, sinh năm 1960.

Địa chỉ: Ấp A, xã B, huyện L, tỉnh Hậu Giang.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Đ, sinh năm 1985. Địa chỉ: đường H, phường A, thành phố T, tỉnh Hậu Giang.

2. Bị đơn: Công ty A.

Trụ sở: Số 1, đường 2, phường 3, thành phố 4, tỉnh Hậu Giang.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần H, sinh năm 1956 - Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Địa chỉ: Số C, phường D, Quận E, thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn H, sinh năm 1962.

Địa chỉ: Số C, đường D, phường F, quận N, thành phố C.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Th - Chức vụ: Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trương Cảnh Tuyên - Chức vụ: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. (Có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt).

Địa chỉ: Số 02, đường H, phường 1, thành phố 2, tỉnh Hậu Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang: Ông Q - Chức vụ: Phó Chi cục Trưởng Chi cục quản lý đất đai, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang.

2. Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Hậu Giang.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn G - Chức vụ: Chủ tịch UBND huyện L.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần L - Chức vụ: Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện L. (Có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt).

Địa chỉ: Ấp 1, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện L, tỉnh Hậu Giang.

3. Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê T - Chức vụ: Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn C - Chức vụ: Phó Trưởng phòng Bồi thường và Giải phóng mặt bằng tỉnh Hậu Giang. (Có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt).

Địa chỉ: Đường 1, phường 2, thành phố 3, tỉnh Hậu Giang.

4. Người kháng cáo: Công ty A.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ thì nội dung vụ án như sau:

Nguyên đơn ông S trình bày: Vào ngày 14/5/2009 Công ty A (gọi tắt là Công ty Casuco) và Trung Tâm giống B có ký kết hợp đồng giao khoán sản suất mía với nội dung như sau:

Công ty Agiao cho Trung Tâm giống B do ông S làm giám đốc Trung tâm nhận sản xuất mía với tổng diện tích là 188,65 ha, trong đó có 40 ha Trung tâm giống nhận chi phí đầu tư sản xuất với số tiền là 434.000.000 đồng mỗi năm và Trung tâm có trách nhiệm giao cho Công ty A 1.400 tấn mía (quy ra 10ccs), thời gian giao khoán là 04 năm 9 tháng, thời điểm kết thúc hợp đồng là 30/4/2013 nhưng sau đó giữa công ty và trung tâm giống có phụ lục hợp đồng thêm thời gian kết thúc là 31/12/2013. Ngoài 40ha nhận đầu tư sản xuất mía thì phần còn lại vào năm 2010 Trung tâm giống mượn đất của Công ty để trồng mía, phần diện tích tăng thêm này nếu thu được lợi nhuận thì Trung tâm giống hưởng.

Trong quá trình sản xuất mía năm 2009 – 2010 ông S thực hiện việc giao nộp đầy đủ về Công ty. Do đất líp thấp nên năm 2011 thì Công ty không tiếp tục đầu tư số tiền theo hợp đồng, tôi có đề nghị về Công ty các chi phí quản lý đất đai. Công ty cũng có đặt vấn đề không tiếp tục đầu tư mà để Trung tâm tự đầu tư và sản xuất mía để lấy tiền, không cần giao mía về Công ty nữa và có văn bản đồng ý của Tổng giám đốc.

Theo tờ trình ngày 06/6/2011 của Giám đốc tài chính – ông Đoàn Phước Bình (đã được tổng giám đốc là ông Nguyễn L phê duyệt) xác định, Công ty mía đường cho Ông S mượn tiền với tư cách cá nhân để sản xuất kinh doanh mía và Ông S phải chịu trách nhiệm về khoản tiền này. Nếu sản xuất không hiệu quả, không thu hồi được vốn thì Ông S phải lấy tiền cá nhân bồi thường cho công ty. Đối với số tiền mượn này Ông S phải đóng lãi, kể cả lãi suất quá hạn cho phía công ty. Giữa công ty và cá nhân Ông S không có bất kỳ hợp đồng nào về việc cho mượn hay cho thuê đất để trồng mía. Cuối năm 2011 Ông S tiến hành trồng mía trên diện tích là 67,16ha, với tổng vốn đầu tư là 3.497.021.200 đồng (ba tỷ bốn trăm chín mươi bảy triệu không trăm hai mươi mốt nghìn hai trăm đồng).

Đến năm 2012 thì Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ra quyết định thanh tra đất đã giao cho công ty và có quyết định thu hồi các phần đất của Công ty Ađể thực hiện dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hậu Giang. Ủy ban tỉnh có lập đoàn kiểm tra, kiểm đếm và tổng hợp báo cáo về Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang để làm cơ sở lập phương án bồi thường. Vào thời điểm kiểm kê thì mía Ông S trồng đã bắt đầu cho thu hoạch được một số, phần còn lại đang phát triển. Khi đó Ông S có thu hoạch khoảng 05 đến 06 ha và có trồng lại trên phần mía đã thu hoạch.

Tại báo cáo số 158/BC.KH KT & NCTH ngày 01 tháng 11 năm 2013 của Công ty A, tại mục ý kiến của Tổng giám đốc, tại mục 3 có ý kiến như sau: Đồng chí Sử và Tưởng lập hồ sơ báo cáo về bộ phận Kế hoạch - kỹ thuật theo yêu cầu để lập thủ tục bồi hoàn.

Tháng 12/2013 có Tổ Công tác của Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Hậu Giang xuống để kiểm tra thực tế nhưng không có đo đạc lại để kiểm tra lại kết quả của báo cáo số 28/BC.MĐ ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Công ty A.

Đến năm 2015 thì Công ty A cũng chưa có hỗ trợ gì đối với Trung tâm, kéo dài cho đến nay thì hai bên vẫn chưa thanh lý hợp đồng. Phía công ty cũng không có ý kiến gì về việc thu hoạch hay không được thu hoạch nên ông Sở cứ đợi cho đến khi mía chết hết.

Nguyên nhân Ông S yêu cầu công ty bồi thường: Mía là do cá nhân Ông S trồng với hai nguồn vốn gồm tiền Ông S vay và tiền của cá nhân Ông S. Việc Ông S trồng trên phần đất của Trung tâm giống đã được công ty thông nhất. Theo Ông S trình bày tại tờ trình số 01-06/TT-TC ngày 06/6/2011 như sau: Để hỗ trợ cho Trung tâm giống trong năm sản xuất vừa qua công ty sẽ không thu hoạch sản phẩm của Trung tâm, giao cho Trung tâm tự bỏ vốn ra để sản xuất và tự thu hồi sản phẩm. Về vốn công ty sẽ xem xét cho mượn một phần, nhưng phải trả lãi theo lãi suất vay ngắn hạn tại ngân hàng, vì khoản tiền cho mượn này công ty phải vay ngắn hạn của ngân hàng và bút phê của Tổng giám đốc về việc cho vay tiền với tư cách cá nhân nên từ đó công ty đã chuyển từ trung tâm giống sang với tư cách cá nhân Ông S.

Theo Ông S được biết thì Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang có văn bản (không rõ là có quyết định hay không) bồi thường phần tài sản của Công ty A nhưng không có phần hoa màu, Ông S không biết là có văn bản nào khác hay không. Ông S có khiếu nại về công ty về việc không bồi thường phần hoa màu bị thiệt hại nhưng Ông S không có ý kiến gì đối với văn bản của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đối với việc không bồi thường đối với phần hoa màu. Công ty cũng có thông báo cho Ông S biết về việc không có bồi thường phần hoa màu, công ty chỉ căn cứ vào thông báo số 252/TB-VP.UBND ngày 31 tháng 12 năm 2015 của đồng chí Trương Cảnh Tuyên xác định là không bồi thường phần hoa màu, Công ty A chỉ thống nhất hỗ trợ 980.000.000 đồng nhưng Ông S không thống nhất. Toàn bộ phần đất trên Ông S đã giao lại cho công ty vào năm 2018, 2019 và đến năm 2020 thì đã bàn giao toàn bộ.

Phần diện tích mía Ông S bị thiệt hại trong 67,16 ha (trong đó có 40ha công ty giao khoán cho trung tâm giống) gồm: Mía trồng 12 tháng là 60,62 ha; mía trồng 06 tháng là 3,36 ha; mía trồng 04 tháng là 3,18 ha. Đối với những khoản tiền Ông S mượn của công ty thì Ông S đã thanh toán cho công ty xong. Theo Ông S thì trong phần Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang bồi thường cho công ty thì đã có phần hoa màu của Ông S trong đó. Việc Công ty A cho rằng Ông S vẫn còn nợ tiền mía là không đúng, Ông S đã thanh toán toàn bộ các khoản nợ cho công ty liên quan đến phần mía, đối với chứng từ bàn giao mía cho công ty theo nội dung giao khoán từ năm 2011 – 2013 thì Ông S sẽ cung cấp sau.

Đối với việc Công ty không cho Trung tâm thu hoạch mía được thể hiện tại báo cáo số 158/BC.KH KT & NCTH ngày 01 tháng 11 năm 2013 của Công ty A và báo cáo số 28/BC.MĐ ngày 19 tháng 1 năm 2013 của Tổng giám đốc thì đây là cơ sở chứng minh Công ty A không cho thu hoạch mía. Vì khi Công ty A gửi báo cáo về diện tích trồng mía về Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang xem xét thì phải chờ kết quả phúc tra báo cáo của Công ty từ Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang. Do đó nếu Ông S thu hoạch thì khi có đoàn phúc tra sẽ không còn mía nên Ông S không thể nào thu hoạch được và Công ty cũng không có ý kiến cho Ông S thu hoạch mía trong thời gian chờ kết quả.

Nay Ông S khởi kiện Công ty A (CASUCO) yêu cầu bồi thường số tiền thiệt hại phát sinh từ hợp đồng thuê khoán sản xuất mía với số tiền 6.996.880.000 đồng (sáu tỷ chín trăm chín mươi sáu triệu tám trăm tám mươi nghìn đồng).

Bị đơn Công ty A trình bày: Sau khi có quyết định bàn giao Trại giống L cho Công ty A thì Công ty A có phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm đếm và định giá bồi thường hỗ trợ, sau khi bồi hoàn hỗ trợ, Công ty có thu hồi được 188,650ha. Sau đó, Công ty tiến hành đầu tư phát triển sản xuất mía nguyên liệu cho Trung tâm Giống Long Mỹ.

Đến ngày 13/5/2009 Công ty A có giao khoán cho Trung Tâm giống Bchi phí và chỉ tiêu sản xuất mía cung cấp cho Công ty. Ngày 15/5/2009 hai bên có lập biên bản giao khoán giữa Trung tâm (bên B) và Công ty (bên A) mà không phải là Hợp đồng giao khoán với một số nội dung cơ bản như sau:

Theo nội dung biên bản thì Công ty giao khoán cho Trung Tâm giống Bcó Ông S làm Giám đốc Trung tâm tổng diện tích là 188,650ha, trong đó diện tích đất đầu tư giao khoán sản xuất mía là 40 ha đất liếp, mỗi năm Công ty cấp chi phí sản xuất mía là 434.000.000 đồng, Trung tâm giống phải giao nộp về Công ty 1.400 tấn. Thời gian giao khoán là từ ngày 01/4/2009 – 31/12/2013. Ngoài ra, theo nội dung thỏa thuận giao khoán thì Ông S vẫn được hưởng lương và các chế độ khác từ Công ty đúng theo quy định của Nhà nước.

Đến tháng 06/2011 do Trung tâm làm ăn thua lỗ nên công ty thay đổi phương thức về vốn, công ty sẽ cho Ông S vay tiền 450.000.000 đồng/năm để sản xuất mía với tư cách cá nhân Ông S không với tư cách trung tâm giống. Các điều khoản trong văn bản thỏa thuận vẫn thực hiện bình thường, còn việc Ông S trồng mía là do cá nhân Ông S. Giữa công ty và cá nhân Ông S không phát sinh bất kỳ hợp đồng giao khoán hay cho thuê nào cả. Toàn bộ phần mía trồng trên phần đất của trung tâm là thuộc quyền sở hữu của công ty còn việc Ông S vay tiền để làm gì thì công ty không biết. Phía công ty cũng không có văn bản nào yêu cầu Ông S ngưng canh tác.

Giữa công ty và cá nhân Ông S chỉ có mối quan hệ cho vay tiền. Nên giữa công ty và cá nhân Ông S không phát sinh thiệt hại gì. Từ năm 2011 đến năm 2018 thì Ủy ban nhân dân huyện L và Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cũng như công ty không có văn bản nào không cho Ông S sản xuất cũng như thu hoạch mía. Đối với quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh không bồi thường hoa màu trên đất thì công ty thống nhất và không có ý kiến gì. Trước đây công ty thống nhất hỗ trợ chi phí trồng mía cho trung tâm giống số tiền 980.000.000 đồng. Nhưng nay Ông S khởi kiện với tư cách cá nhân nên công ty không đồng ý hổ trợ.

Nay Ông S khởi kiện yêu cầu Công ty bồi thường số tiền 6.996.880.000 đồng (sáu tỷ chín trăm chín mươi sáu triệu tám trăm tám mươi nghìn đồng) thì công ty không thống nhất. Đối với số tiền công ty cho Ông S vay với tư cách cá nhân là 450.000.000 đồng thì công ty không có yêu cầu gì trong vụ kiện này, khi nào có tranh chấp công ty sẽ khởi kiện thành vụ kiện khác khi có yêu cầu.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang do ông Trương T là người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Về giao đất, cho thuê đất Công ty: Căn cứ Thông tư số 130/1998/TT BTC ngày 30/9/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc bàn giao, tiếp nhận và xử lý các tồn tại về tài chính của Doanh nghiệp nhà nước khi sáp nhập, hợp nhất. Ngày 03/10/2000, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ ban hành Quyết định số 2342/QĐ-CT.UB về việc bàn giao Trại giống huyện L cho công ty quản lý, với diện tích 326,1144 ha làm trại giống mía cho Công ty, tại Điều 2 của Quyết định này, có nội dung “Sau khi tiếp nhận bàn giao, Giám đốc Công ty mía đường Cần Thơ phối hợp với Sở địa chính, Sở kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện các thủ tục về quyền sử dụng đất, bổ sung nhiệm vụ kinh doanh, theo các quy định hiện hành”, nhưng sau khi nhận bàn giao Công ty chưa thực hiện các thủ tục về quyền sử dụng đất.

Ngày 03/12/2004, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 1927/QĐ-UBND về việc chuyển Công ty mía đường Cần Thơ thành Công ty A, Công ty là Doanh nghiệp Nhà nước, đến ngày 01/01/2005 chính thức hoạt động theo hình thức Cổ phần hóa, theo quy định của pháp luật về đất đai thì Công ty thuộc trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất. Ngày 16/9/2005, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang có thông báo số 61/TB-VP.UBND kết luận của Phó Chủ tịch tỉnh: thống nhất chủ trương cho Công ty thuê đất để tiếp tục làm Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm giống mía và hệ thống canh tác, nhưng Công ty chưa lập thủ tục thuê đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai nên chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Về thu hồi đất, hoàn trả giá trị tài sản đã đầu tư trên đất đối với Công ty: Ngày 24/3/2016, Công ty A có văn bản số 69/CV MĐ về việc bàn giao đất, nhận tiền bồi thường và thu hoạch cây trồng tại Trung tâm giống và Khu lâm ngư huyện L. Ngày 11/4/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang có văn bản số 523/UBND-KTN, có nội dung: thống nhất hoàn lại giá trị tài sản đã đầu tư tại Khu Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm giống, hệ thống canh tác mía và khu lâm ngư của Công ty trên địa bàn huyện L, với tổng số tiền 12.452.046.210 đồng, theo văn bản số 198/UBND-KTN ngày 12/02/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Đề nghị Công ty chịu trách nhiệm thu hoạch dứt điểm đối với cây lâm nghiệp (tràm, bạch đàn) và hoa màu trong vòng 45 ngày, kể từ khi nhận tiền hoàn lại giá trị tài sản đã đầu tư tại Khu Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm giống, hệ thống canh tác mía và Khu lâm ngư và bàn giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tiếp nhận.

Phần đất tại xã Lương Nghĩa và xã Lương Tâm, Công ty sử dụng nhưng chưa thực hiện các thủ tục về đất đai, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Do đó, khi Nhà nước thu hồi đất Công ty không được bồi thường, hổ trợ về đất, chỉ hoàn trả giá trị tài sản đã đầu tư, về hoa màu yêu cầu Công ty thu hoạch, không bồi thường, không hỗ trợ là phù hợp với chủ trương, chính sách, được Công ty thống nhất nhận tiền hoàn trả giá trị tài sản và bàn giao đất theo quyết định thu hồi đất.

Tại văn bản số 277/UBND-TCD về việc nêu ý kiến bổ sung và cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến khởi kiện của ông S, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang có ý kiến: Ngày 16/9/2005, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có thông báo số 61/TB-VP.UBND về kết luận của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, có nội dung: “Thống nhất chủ trương cho Công ty A thuê đất (phần diện tích mà Nhà nước đã bồi thường thiệt hại - Giải phóng mặt bằng) để tiếp tục làm Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm giống mía và hệ thống canh tác”. Ngày 04/4/2012, Công ty A có báo cáo số 09/BC-MD về việc cung cấp hồ sơ và giải trình liên quan đến khu đất Trung tâm giống và Khu lâm ngư theo yêu cầu của Đoàn Thanh tra, có nội dung: Do đất tại Trung tâm giống và Khu lâm ngư bị nhiễm phèn, chung bào, nhiễm mặn nên việc trồng mía không đạt hiệu quả, năng suất thấp, chữ đường thấp, do đó các cổ đông đề nghị giao trả lại đất cho tỉnh nên không đề nghị các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang ký kết hợp hợp đồng thuê đất.

Ngày 19/6/2012, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kết luận Thanh tra số 01/KL-UBND về việc quản lý, sử dụng đất và chấp hành pháp luật đất đai tại Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm giống, hệ thống canh tác mía và Khu lâm ngư thuộc Công ty A, có nội dung: “Năm 2000, Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ quyết định bàn giao Trại giống huyện L cho Công ty mía đường Cần Thơ nhưng chưa lập thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất; năm 2005 Công ty chuyển sang hình thức Cổ phần hóa, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã họp với Sở, ngành và Công ty có văn bản kết luận tiếp tục cho Công ty thuê đất nhưng từ đó đến nay chưa lập thủ tục thuê đất, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai. Do đó, đến nay Công ty chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp tiền thuê đất cho Nhà nước”.

Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 107 Luật đất đai năm 2003 (nay là khoản 2, 3 Điều 170 Luật đất đai năm 2013) thì Công ty A chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân huyện L, tỉnh Hậu Giang do ông Trần Điền Lâm là người đại diện theo ủy quyền trình bày: Ủy ban nhân dân huyện L đã thực hiện thủ tục thu hồi đất và phê duyệt phương án hoàn lại giá trị tài sản đã đầu tư tại Khu trung tâm nghiên cứu thực nghiệm giống, hệ thống canh tác mía và Khu lâm ngư cho Công ty A là đúng quy định và đúng đối tượng.

Việc ông S có đơn khởi kiện Công ty A là một vụ án dân sự khác không liên quan đến việc Nhà nước thu hồi đất và phê duyệt hoàn lại kinh phí giá trị tài sản đã đầu tư của Công ty A.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang do ông Nguyễn Thanh Chiến là người đại diện theo ủy quyền trình bày: Ông S sử dụng phần đất thuộc quyền sử dụng của Công ty A, không đủ điều kiện được bồi thường, hỗ trợ về đất. Đồng thời, Ông S không chứng minh được tài sản trên đất mà ông yêu cầu thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông để được bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Điều 88 Luật đất đai nên Trung tâm phát triển quỹ đất không thực hiện đo đạc, kiểm kê, khảo sát đối với đất và tài sản trên đất.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 05/2022/DS-ST ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Hậu Giang. Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn S đối với bị đơn Công ty A.

2. Buộc Công ty A bồi thường cho nguyên đơn S số tiền 6.996.880.000 đồng (sáu tỷ chín trăm chín mươi sáu triệu tám trăm tám mươi nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Ngày 24/01/2022, đại diện theo ủy quyền của Công ty A có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Nội dung: Yêu cầu cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của ông S.

Tại phiên tòa phúc thẩm đương sự trình bày:

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện yêu cầu Công ty A bồi thường thiệt hại với số tiền 6.996.880.000 đồng (Sáu tỷ chín trăm chín mươi sáu triệu tám trăm tám mươi nghìn đồng) và yêu cầu giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của ông S.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang phát biểu quan điểm: Về tố tụng, từ khi thụ lý đến khi đưa vụ án ra xét xử Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký, đương sự đã tiến hành đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận kháng cáo của Công ty A, bác yêu cầu khởi kiện của ông S.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Năm 2000 Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ có Quyết định bàn giao Trại giống huyện L cho Công ty A (Quyết định số 2342/QĐ-CT.UB ngày 03/10/2000). Theo đó, UBND huyện L bàn giao Trại giống huyện L cho Công ty A quản lý, với diện tích 326,1144 ha đất (trong bờ bao) làm Trại giống mía cho Công ty, số diện tích đất còn lại 4.7256 ha gồm 13 thửa (ngoài bờ bao) giao cho UBND huyện L quản lý.

[2] Ngày 14/5/2009 Công ty A và Trung tâm giống huyện L, người đại diện là ông S (Giám đốc Trung tâm giống) có ký Văn bản thỏa thuận Giao khoán sản xuất Trung tâm giống Long Mỹ. Theo đó, Công ty A đồng ý giao khoán cho Trung tâm giống huyện L diện tích đất 188,650 ha và tài sản cố định, công cụ, dụng cụ cây lâm nghiệp để Trung tấm giống huyện L trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp, đầu tư sản xuất mía, … (BL số: 20,21,22,23). Thời hạn giao khoán là 4 năm, tính từ ngày 01/4/2009 đến ngày 31/03/2013. Đến ngày 01/10/2010, hai bên có phụ lục hợp đồng; theo đó thời gian giao khoán giữa hai bên được thống nhất điều chỉnh là 4 năm 9 tháng, tính từ ngày 01/4/2009 đến ngày 31/12/2013 (BL số 19).

[3] Theo đơn khởi kiện ngày 06/11/2020, ông S cho rằng: Đến năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ra quyết định thanh tra đất đã giao cho Công ty A, trong đó có đất của Trung tâm giống huyện L nhận khoán của Công ty A như nêu trên, và thu hồi đất để thực hiện dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, gây thiệt hại mía trồng trên 67,116 ha đất do không thu hoạch được, với số tiền là 6.996.880.000 đồng. Nên yêu cầu Công ty A có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản là hoa màu (mía).

[4] Còn Công ty A thì không thống nhất theo yêu cầu của ông S. Cho rằng, Công ty A không có lỗi.

[5] Theo quan hệ pháp luật của vụ án mà cấp sơ thẩm xác định, đây là vụ án “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[5.1] Ông S (nguyên đơn) khởi kiện nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh Công ty A gây thiệt hại về tài sản của ông. Bỡi lẽ, số tiền Ông S yêu cầu bên Công ty A bồi thường trong vụ án này là thiệt hại về hoa màu (mía) trồng trên diện tích đất giữa Công ty A giao khoán cho Trung tâm giống huyện L được xác lập theo Văn bản thỏa thuận lập ngày 14/5/2009, thiệt hại đó nếu có xảy ra trên thực tế thì không phải là thiệt hại về tài sản của Ông S.

[5.2] Nếu khởi kiện có liên quan đến thiệt hại như nêu trên, thì Trung tâm giống huyện L mới có quyền khởi kiện, cá nhân Ông S không có quyền khởi kiện. [6] Cấp sơ thẩm sử dụng Chứng thư thẩm định giá số 81/BĐS ngày 25/6/2019 của Công ty Cổ phần thẩm định giá Thống Nhất thẩm định giá trong vụ án tranh chấp giữa nguyên đơn là Trung Tâm giống Bvà bị đơn là Công ty A (vụ án thụ lý ngày 17/12/2018) để làm căn cứ giải quyết trong vụ án này (vụ án thụ lý ngày 09/11/2020) là không đúng qui định.

[7] Từ những phân tích như nêu trên, cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông S là không có căn cứ. Nên kháng cáo của Công ty A là có cơ sở.

[8] Về án phí:

[8.1] Án phí dân sự sơ thẩm: Ông S thuộc trường hợp là người cao tuổi và có đơn xin miễn án phí nên được miễn án phí theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[8.2] Án phí dân sự phúc thẩm: Không ai phải chịu. Công ty A được nhận lại 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309, Điều 91, Điều 92, Điều 147, Điều 148 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Điều 584, Điều 588, Điều 589 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

Chấp nhận kháng cáo của Công ty A.

Sửa bản án sơ thẩm.

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông S về việc yêu cầu Công ty A bồi thường thiệt hại với số tiền 6.996.880.000 đồng (Sáu tỷ chín trăm chín mươi sáu triệu tám trăm tám mươi nghìn đồng).

2. Về án phí:

2.1 Án phí dân sự sơ thẩm: Ông S được miễn án phí. (Ông S là người cao tuổi và có đơn xin miễn án phí nên được miễn án phí theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

2.2 Án phí dân sự phúc thẩm: Không ai phải chịu.

Công ty A được nhận lại 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0006167 ngày 27 tháng 01 năm 2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Hậu Giang.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án, ngày 05/9/2022.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

315
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 119/2022/DS-PT

Số hiệu:119/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hậu Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:05/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về