Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tài sản bị xâm phạm số 109/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BẢN ÁN 109/2021/DS-PT NGÀY 01/12/2021 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG DO TÀI SẢN BỊ XÂM PHẠM

Ngày 01 tháng 12 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 104/2021/TLPT-DS ngày 14 tháng 6 năm 2021 về việc tranh chấp “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tài sản bị xâm phạm”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 59/2021/DS-ST ngày 26 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Phú Tân, tỉnh An Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 125/2021/QĐPT-DS ngày 15 tháng 6 năm 2021 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Anh Tạ Hoàng S, sinh năm 1982;

Nơi cư trú: Số 408, tổ 10, ấp Ph Tr, xã Ph Th, huyện Ph T, tỉnh A G.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Anh Lê Hữu Ng., sinh năm 1983, nơi cư trú: Ấp T, xã TT, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang là người đại diện theo ủy quyền theo Giấy ủy quyền ngày 25/02/2021 (Có mặt);

2. Bị đơn: Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh.

Địa chỉ: Số 168, lộ K16, ấp Ph Đ A, xã Ph Th, huyện Ph T, tỉnh A G.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Văn L, chức vụ Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh là người đại diện theo ủy quyền theo Giấy ủy quyền ngày 22/02/2021 (Có mặt).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Chị Ngô Thị Cẩm T, sinh năm 1983 (Vắng mặt);

Nơi cư trú: Số xx, tổ 10, ấp Phú Trung, xã Ph Th, huyện Ph T, tỉnh A G.

4. Người kháng cáo: Anh Tạ Hoàng S là nguyên đơn và chị Ngô Thị Cẩm T là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn là anh Tạ Hoàng S ủy quyền cho anh Lê Hữu Ng. trình bày:

Anh S là nông dân có đất nông nghiệp trồng lúa nước với diện tích 6.313m2, tọa lạc tại xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CS05846 ngày 20/6/2016 cho anh S.

Theo Kế hoạch số 519/KH-UBND ngày 12/3/2020 của Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân về chuyển đổi trồng cây ăn trái từ vùng đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả trên địa bàn huyện năm 2020, tại xã Phú Thành, huyện Phú Tân có nông dân chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng dưa leo có hiệu quả và lợi nhuận cao (gấp mười lần trồng lúa) nên vụ 3 năm 2020 anh chuyển đổi toàn bộ diện tích 6.313m2 để trồng bầu diện tích 1.313m2 và trồng dưa leo diện tích 5.000m2.

Ngày 27/9/2020 anh S và chị Tú xuống giống trồng dưa leo, theo chu kỳ một tháng sau thu hoạch và thu hoạch liên tục 30 ngày tính từ ngày 26/10/2020 đến ngày 25/11/2020 là hết vụ. Anh S và chị Tú thu hoạch dưa leo từ ngày 26/10/2020 đến ngày 29/10/2020 được 04 ngày là 5.300kg, giá bán 6.000đ/kg bằng 31.800.000đ. Anh S xác định vào các ngày 28 và 29/10/2020 Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh bơm nước vượt mức giới hạn nên bị tràn bờ ruộng gây ngập úng làm chết toàn bộ dưa leo không thu hoạch được.

Anh S xác định dưa leo bị thiệt hại một phần do các ngày 28, 29/10/2020 Hợp tác xã bơm nước quá định mức, một phần do bão số 9 nhưng anh vẫn xác định thiệt hại dưa leo là lỗi của Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh gây ra.

Tại phiên tòa, anh S thừa nhận anh có lỗi một phần là 10%, vì chỉ lên bờ bao cao 3,5 tấc đúng ra phải có bờ bao cao hơn để kiểm soát mực nước nhưng anh sợ bị chuột phá lúa của người dân liền kề; do bão số 9 gây ra là 20%, còn lại lỗi của HTX là 70%. Chứng cứ để chứng minh lỗi của hợp tác xã là 05 bản ảnh dưa leo chết, Phiếu thu lúa nước số 1069 ngày 15/12/2020 của Hợp tác xã thu vụ 3 năm 2020 của diện tích 5.000m2 bằng 480.000đ (5.000m2 x 96.000đ/1.000m2). Anh S không chứng minh lỗi của Hợp tác xã bằng các chứng cứ trên và không chứng minh bằng Kế hoạch số 519/KH-UBND ngày 12/3/2020, vì kế hoạch này không đề cập trồng hoa màu mà trồng cây ăn trái. Anh S trình bày trước đây trồng lúa có lợi nhuận từ 1.000.000đ đến 1.500.000đ/1.000m2, anh thấy trồng dưa leo có lợi nhuận cao hơn gấp mười lần trồng lúa nên anh tự chuyển qua trồng dưa leo là tự phát, anh không thông báo cho Hợp tác xã biết nhưng anh nghĩ Hợp tác xã cũng biết anh trồng dưa leo, vì đất trồng dưa leo gần với trạm bơm của Hợp tác xã.

Do anh S cũng có lỗi nên anh yêu cầu Hợp tác xã bồi thường chi phí ban đầu là 36.000.000đ. Anh xin rút một phần yêu cầu khởi kiện là 120.000.000đ, vì Đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường 156.000.000đ (26 ngày không thu hoạch được do dưa leo bị chết, tính thu nhập bình quân 6.000.000đ/ngày được trừ các chi phí một ngày là 1.016.000đ gồm: phân bón là 16.000đ, thuốc bảo vệ thực vật là 100.000đ, tiền thuê nhân công hái và vác dưa leo là 900.000đ).

Bị đơn là Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Lanh trình bày:

Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh (Sau đây viết tắt là HTX), hoạt động nhiều dịch vụ, trong đó có dịch vụ tưới tiêu nước trồng lúa cho bà con nông dân toàn xã Phú Thạnh với tổng diện tích hơn 1.600 ha. Hằng năm (đầu năm từ vụ Đông Xuân) HTX đều có hiệp thương với bà con nông dân về giá bơm nước tưới tiêu trồng lúa, không có bơm nước tưới tiêu trồng hoa màu. Trước khi tiến hành hiệp thương, HTX thông báo trên đài truyền thanh của xã về giá bơm tưới tiêu của một năm và thời gian hiệp thương, nhân viên HTX đến từng nhà để gửi thư mời cho biết ngày hiệp thương. Đến ngày hiệp thương giữa HTX và bà con nông dân nếu thống nhất giá bơm nước tưới tiêu thì ký biên bản hiệp thương, nếu có người vắng mặt thì coi như thống nhất với biên bản hiệp thương.

Đối với diện tích 6.313m2 của anh S là đất trồng lúa, HTX chỉ thu tiền lúa nước, không thu tiền trồng hoa màu, Phiếu thu lúa nước số 1069 ngày 15/12/2020 HTX thu tiền của anh S vụ 3 năm 2020 số tiền 480.000đ là tiền lúa nước của diện tích 5.000m2 (96.000đ/1.000m2 x 5.000m2), còn 1313m2 anh S làm kho chứa rơm, nên HTX không thu tiền lúa nước.

Việc anh S chuyển đổi cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng dưa leo là tự phát, anh S không thông báo cho HTX biết việc anh trồng dưa leo, nếu anh S có thông báo thì HTX sẽ vận động anh lên bờ bao kiểm soát mực nước, vì vùng đất của anh S thuộc vùng đìa lớn là vùng nà trũng nhất trong khu vực HTX quản lý, anh S trồng dưa leo là không phù hợp và anh S không lên bờ bao để ngăn nước tràn vào khi có mưa lớn. Hơn nữa, HTX phục vụ tưới tiêu cho sản xuất lúa, nếp của nông dân trên địa bàn toàn xã, chứ không phải phục vụ trồng hoa màu cho cá nhân anh S và không ký hợp đồng phục vụ tưới tiêu nước cho diện tích trồng dưa leo; HTX bơm nước theo đúng lịch trình, phải bơm đủ nước cho những vùng lúa đang trổ bông, ngậm sửa, nếu không đủ nước thì những vùng này sẽ bị ảnh hưởng năng suất, HTX phải chịu trách nhiệm với bà con nông dân. Ngoài ra, các ngày 29, 30/10/2020 có thiên tai mưa, bão số 9 nên HTX đã thực hiện bơm tiêu úng hết công suất nhưng do lượng nước lớn, đất anh S thuộc vùng nà trũng nên nước rút chậm hơn so với nơi khác.

HTX không đồng ý bồi thường theo yêu cầu khởi kiện của anh S, vì HTX không có lỗi.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Ngô Thị Cẩm Tú trình bày: Chị là vợ của anh S, vợ chồng chị trồng dưa leo trên diện tích 5.000m2, chị yêu cầu Hợp tác xã bồi thường thiệt hại cho vợ chồng chị như yêu cầu của anh S, chị Tú đề nghị xét xử vắng mặt.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 59/2021/DS-ST ngày 26 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Phú Tân đã tuyên xử:

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của anh Tạ Hoàng S và yêu cầu của chị Ngô Thị Cẩm Tú buộc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh bồi thường thiệt hại số tiền 36.000.000 đồng.

2. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của anh Tạ Hoàng S với số tiền 120.000.000 đồng.

3. Về án phí dân sự sơ thẩm: anh S và chị Tú phải chịu 1.800.000 đồng, được trừ vào số tiền 3.900.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0001808 ngày 15/01/2021, còn lại 2.100.000 đồng hoàn trả cho anh S tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo và thi hành án.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 07 tháng 5 năm 2021 anh Tạ Hoàng S và chị Ngô Thị Cẩm Tú nộp Đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án theo hướng chấp nhận một phần yêu cầu của anh chị. Buộc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh phải có nghĩa vụ bồi thường số tiền 50.000.000 đồng.

Các đương sự khác trong vụ án không kháng cáo và Viện kiểm sát không kháng nghị.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang tham gia phiên tòa và phát biểu ý kiến: Tại giai đoạn phúc thẩm những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và tuân thủ đúng pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định về phiên tòa phúc thẩm, đảm bảo đúng nguyên tắc xét xử, thành phần HĐXX, thư ký phiên tòa và thủ tục phiên tòa theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 308, khoản 2 Điều 312 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, phúc xử: Không chấp nhận kháng cáo của anh Tạ Hoàng S; giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số: 59/2021/DS-ST ngày 26/4/2021 của Tòa án nhân dân huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của chị Ngô Thị Cẩm Tú. Anh S và chị Tú mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Anh Tạ Hoàng S và chị Ngô Thị Cẩm Tú kháng cáo và nộp tiền tạm ứng án phí trong thời hạn luật định nên đủ cơ sở pháp lý để xem xét yêu cầu kháng cáo của anh chị theo trình tự phúc thẩm.

Tại phiên tòa sơ thẩm, chị Ngô Thị Cẩm Tú có yêu cầu được vắng mặt nhưng tại Bản án ghi chị Tú được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án là chưa chính xác, đề nghị cấp sơ thẩm cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn là anh Tạ Hoàng S giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo đề nghị xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án theo hướng chấp nhận một phần yêu cầu của anh. Buộc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh phải có nghĩa vụ bồi thường số tiền 50.000.000 đồng, tại phiên tòa phúc thẩm anh S ủy quyền cho anh Ng. yêu cầu số tiền 36.000.000 đồng.

Chị Ngô Thị Cẩm Tú có kháng cáo nhưng đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất để xét xử vào lúc 08 giờ ngày 08/11/2021 và lần thứ hai vào lúc 14 giờ ngày 01/12/2021 nhưng chị Tú vẫn vắng mặt không có lý do nên được coi như đã từ bỏ việc kháng cáo. Căn cứ vào khoản 2 Điều 312 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của chị Tú.

[3] Về kháng cáo của anh S, xét thấy vào ngày 27/9/2020 anh S chuyển đổi cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng dưa leo trên phần đất diện tích 5.000m2 (còn diện tích 1.313m2 trồng bầu) theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CS05846 ngày 20/6/2016 cấp cho anh S với diện tích 6.313m2, tờ bản đồ số 32, thửa đất số 575 và số 649, tọa lại tại xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Sau khi trồng dưa leo 01 tháng sẽ cho thu hoạch liên tục 30 ngày là hết vụ, tuy nhiên anh S mới thu hoạch từ ngày 26/10/2020 đến ngày 29/10/2020 được 04 ngày bằng 31.800.000đ thì bị ngập nước gây úng và toàn bộ dưa leo bị chết. Anh S cho rằng do Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh bơm nước vượt hạn mức gây ngập úng nên yêu cầu Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh bồi thường số tiền 36.000.000đ. Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh cho rằng diện tích đất 5.000m2 của anh S nằm vùng nà trũng không phù hợp trồng dưa leo, anh S không làm bờ bao kiểm soát mực nước và do bão số 9 gây mưa ngập úng. Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh bơm nước theo quy trình sản xuất và hợp đồng tưới tiêu nước trồng lúa phục vụ cho toàn xã mà không hợp đồng tưới tiêu trồng dưa leo nên thiệt hại dưa leo bị chết không phải do Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh bơm nước làm ngập úng gây ra. Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh không đồng ý bồi thường theo yêu cầu khởi kiện của anh S.

Tại Biên bản xác minh do Tòa án lập ngày 03/3/2021 được Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phú Tân cho biết theo Kế hoạch số 519/KH-UB ngày 12/3/2020 của UBND huyện Phú Tân về chuyển đổi trồng cây ăn trái từ vùng đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả trên địa bàn huyện năm 2020. Kế hoạch khuyến khích chuyển đổi trồng cây ăn trái, chứ không khuyến khích chuyển đổi trồng hoa màu và khuyến khích chuyển đổi theo vùng tập trung mà không khuyến khích nhỏ lẽ. Anh S tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng dưa leo không thuộc diện theo các kế hoạch trên mà do tự phát, nếu có thiệt hại anh S tự chịu trách nhiệm. Theo Công văn số 103/BCĐ-PCTT ngày 28/10/2020 của Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc tỉnh An Giang về việc triển khai công tác ứng phó mưa dông do ảnh hưởng bão số 9 trên địa bàn tỉnh An Giang thì tháng 10/2020 anh S thu hoạch dưa leo là ngay mấy ngày bị mưa bão số 9. Thiệt hại dưa leo của anh S không thuộc diện hỗ trợ thiên tai vì diện tích nhỏ lẽ. Trường hợp diện tích gieo trồng bị ảnh hưởng thiên tai được UBND tỉnh An Giang công bố thì mới được hỗ trợ. Xác định thiệt hại dưa leo tính năng suất bình quân và giá bán bình quân. Cụ thể từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch là 30 ngày, bắt đầu thu hoạch khoảng 20 ngày. Vụ thu đông năm 2020 thu hoạch khoảng 04 tấn/1.000m2 với giá từ 6.000đ/kg đến 8.000đ/kg, về chi phí vụ thứ nhất là 15.000.000đ/vụ, từ vụ thứ hai trở đi chi phí là 8.000.000đ/vụ.

Về thiệt hại, anh S cho rằng anh có lỗi 10% và do bão 20%, Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh bơm nước quá định mức gây thiệt hại hoa màu của anh nên có lỗi 70% nhưng Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh không thừa nhận và anh S không cung cấp được chứng cứ mới chứng minh cho yêu cầu kháng cáo. Quá trình giải quyết vụ án, anh S thừa nhận có lỗi một phần do lên bờ bao cao 3,5 tấc là chưa bảo đảm cho việc kiểm soát mực nước và tại thời điểm anh S thu hoạch dưa leo là ngày bị mưa bão số 9. Khi anh S trồng dưa leo cũng không thông báo cho Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh biết để cung cấp lượng nước phù hợp và anh S trồng dưa leo là tự phát, không có kế hoạch mà chỉ biết trồng dưa leo có lợi nhuận cao hơn trồng lúa nên tự chuyển đổi cây trồng mà không được Nhà nước khuyến khích hoặc cho phép chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng hoa màu là sử dụng đất không đúng mục đích. Như vậy, phần đất diện tích 5.000m2 trồng dưa leo của anh S bị thiệt hại là hoàn toàn do lỗi của anh S mà Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh không có lỗi nên cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh S là có căn cứ, phù hợp với khoản 4 Điều 585 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Tại phiên tòa phúc thẩm, anh S ủy quyền cho anh Ng. cho rằng cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tài sản bị xâm phạm” là không đúng mà đây là tranh chấp “Hợp đồng dịch vụ”, do xác định quan hệ pháp luật tranh chấp sai nên đề nghị hủy bản án sơ thẩm. Xét thấy, tại Đơn khởi kiện anh S yêu cầu Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh bồi thường thiệt hại cho anh với tổng số tiền 156.000.000đ nên cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tài sản bị xâm phạm” là phù hợp với khoản 6 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, nay anh S ủy quyền cho anh Ng. yêu cầu hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 59/2021/DS-ST ngày 26/4/2021 là không có cơ sở nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Các phần khác của bản án các đương sự không kháng cáo và Viện kiểm sát không kháng nghị nên được giữ nguyên.

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của anh S. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 59/2021/DS- ST ngày 26 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Phú Tân như đã nhận định trên và đề xuất của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang tại phiên tòa.

Về án phí: Yêu cầu kháng cáo của anh S không được chấp nhận và yêu cầu kháng cáo của chị Tú đã được đình chỉ nên anh S và chị Tú mỗi người phải nộp 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm được khấu trừ vào tiền tạm ứng đã nộp.

Vì các lẽ trên, 1. Căn cứ vào:

QUYẾT ĐỊNH

- Khoản 1 Điều 308, khoản 2 Điều 312 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

 - Khoản 4 Điều 585 của Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

2. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của chị Ngô Thị Cẩm Tú.

3. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh Tạ Hoàng S. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 59/2021/DS-ST ngày 26 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

4. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Tạ Hoàng S và chị Ngô Thị Cẩm Tú yêu cầu Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh bồi thường thiệt hại với số tiền 36.000.000 đồng.

5. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của anh Tạ Hoàng S yêu cầu Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh bồi thường thiệt hại với số tiền 120.000.000 đồng.

6. Về án phí dân sự sơ thẩm: Anh Tạ Hoàng S và chị Ngô Thị Cẩm Tú phải nộp 1.800.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Án phí được khấu trừ vào 3.900.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số 0001808 ngày 15/01/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Tân, tỉnh An Giang nên anh S còn được nhận lại 2.100.000 đồng.

7. Về án phí dân sự phúc thẩm: Anh Tạ Hoàng S và chị Ngô Thị Cẩm Tú mỗi người phải nộp 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm. Án phí được khấu trừ vào 600.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo các Biên lai thu số 0003936 và số 0003937 cùng ngày 17/5/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

372
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tài sản bị xâm phạm số 109/2021/DS-PT

Số hiệu:109/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân An Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:01/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về