TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
BẢN ÁN 42/2021/DS-PT NGÀY 30/08/2021 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM
Ngày 30 tháng 8 năm 2021 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 11/2021/TLPT-DS ngày 28 tháng 6 năm 2021 về việc “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 02/2021/DS-ST ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện S, tỉnh Vĩnh Phúc bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 39/2021/QĐ-PT ngày 05 tháng 8 năm 2021 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị Bích P, sinh năm 1976; Có mặt Địa chỉ: Thôn Ph, xã L, huyện S, tỉnh Vĩnh Phúc.
Bị đơn: Anh Nguyễn Kim Q, sinh năm 1970; Có mặt Địa chỉ: Thôn Ph, xã L, huyện S, tỉnh Vĩnh Phúc.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1. Anh Trần Dự Th, sinh năm 1980; Vắng mặt Địa chỉ: Khu 7, phường Đ, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc;
2. Chị Nguyễn Thị M, sinh năm 1976; Vắng mặt Địa chỉ: Thôn Đ1, xã H, huyện L1, tỉnh Vĩnh Phúc.
Những người làm chứng:
1. Ông Nguyễn Khắc V, sinh năm 1937; Có mặt Địa chỉ: Thôn Ph, xã L, huyện S, tỉnh Vĩnh Phúc.
2. Ông Nguyễn Văn K, sinh năm 1960; Có mặt Bà Đỗ Thị L2, sinh năm 1964; Vắng mặt Cùng địa chỉ: Thôn S, xã L, huyện S, tỉnh Vĩnh Phúc.
3. Anh Lê Ngọc I, sinh năm 1989; Có mặt Địa chỉ: Thôn S1, xã L, huyện S, tỉnh Vĩnh Phúc;
Người kháng cáo: Chị Nguyễn Thị Bích P, nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện và các lời khai tiếp theo, tại phiên tòa nguyên đơn chị Nguyễn Thị Bích P trình bày: Anh Nguyễn Kim Q là anh trai ruột của chị. Ngày 17/4/2019 do hiểu lầm chị nói xấu vợ anh Q trên mạng xã hội nên anh Q có đến nhà chị dùng tay để đánh vào vùng mặt, vùng đầu và bắp tay gây thương tích cho chị. Ngay sau khi sự việc xảy ra chị đã trình báo công an xã L và công an huyện S nhưng hành vi của anh Q không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên công an huyện S đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Do bị anh Q đánh vào nhiều vị trí trên cơ thể nên chị bị đa chấn thương phải đi điều trị nội trú ở hai cơ sở khám chữa bệnh là tại trung tâm y tế huyện S, bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc nhiều đợt. Ngoài ra chị còn phải đi khám bệnh nhiều lần tại các bệnh viện khác ngoài tỉnh Vĩnh Phúc như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh viện quân đội 108, bệnh viện Bạch Mai; bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương; Bệnh viện Việt Đức Hà Nội.
Chị P xác định chị làm lao động tự do như giúp việc gia đình, làm bảo vệ khu chung cư, bán hàng tự do, phiên dịch tiếng trung cho công ty Lợi Tín… với mức lương trung bình khoảng 6.000.000 đồng đến 6.500.000 đồng/tháng. Chị xác nhận quá trình điều trị ở bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc và Trung tâm y tế huyện S thì anh Trần Dự Th và chị Nguyễn Thị M là người trực tiếp chăm sóc chị và chị đã thanh toán cho anh Th và chị M 300.000 đồng/ngày. Cụ thể chị đã thanh toán cho anh Th 26 ngày trị giá 7.800.000 đồng và đã thanh toán cho chị M 03 ngày trị giá 900.000 đồng.
Nay chị đề nghị anh Q phải bồi thường về sức khỏe bị xâm phạm cho chị tổng cộng: 226.282.000 đồng, cụ thể các khoản như sau:
Tiền viện phí: 15.553.831 đồng;
Tiền thuốc: 24.739.000 đồng;
Tiền khám bệnh: 12.856.000 đồng;
Tiền xe đi lại: 8.354.000 đồng;
Tiền ăn uống sinh hoạt khi đi điều trị và khám bệnh: 6.780.000 đồng;
Tiền công người chăm sóc: 8.700.000 đồng;
Tiền bồi thường tổn thất tinh thần: 30.000.000 đồng;
Tiền mất thu nhập: 42.000.000 đồng;
Tiền bồi thường phục hồi sức khỏe: 74.500.000 đồng;
Tiền khám giám định: 1.130.000 đồng;
Chi phí đi lại khi đến công an và tòa án làm việc: 2.000.000 đồng.
Tại phiên tòa chị P xác nhận anh Q đã bồi thường cho chị 13.000.000 đồng. Ngoài ra anh Q có đưa chị đi khám tại bệnh viện Việt Đức và anh Q đã chi trả các chi phí như chụp CT, mua thuốc, tiền xe đi lại và tiền ăn nhưng chị không đồng ý đối trừ khoản chi phí này. Chị P yêu cầu anh Q phải tiếp tục bồi thường cho chị số tiền sau khi đối trừ là 213.282.000 đồng.
Bị đơn anh Nguyễn Kim Q trình bày: Anh là anh trai ruột của chị P. Do chị P có lời nói, cách ứng xử không đúng với bố mẹ và các anh chị em trong gia đình nên ngày 17/4/2019 anh có đến nhà chị P để anh em nói chuyện. Trong quá trình nói chuyện hai bên có xảy ra cãi nhau do chị P không chịu thừa nhận những lời nói, việc làm sai nên anh nóng giận đã dùng tay tát hai cái vào bên má trái chị P. Ngoài ra anh xác định không đánh vào vị trí khác trên người chị P như chị P trình bày. Sau đó anh và chị P có sang nhà bố mẹ đẻ để nói chuyện nhưng hai bên vẫn tiếp tục cãi nhau một lúc rồi ai về nhà đó. Sau khi sự việc xảy ra chị P có đơn trình báo công an xã L để giải quyết và hai bên đã thống nhất tự thỏa thuận giải quyết nội bộ. Nhưng không biết vì lý do gì chị P lại tiếp tục yêu cầu công an huyện S giải quyết nhưng hành vi của anh không đủ yếu tố cấu thành tội phạm vì thương tích của chị P được xác định là 0% và Công an huyện S đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Mặc dù vậy sau khi sự việc xảy ra anh vẫn bồi thường cho chị P 18.650.000 đồng bao gồm 13.000.000 đồng khi hai bên hòa giải và các chi phí khám tại bệnh viện Việt Đức gồm hóa đơn tiền mua thuốc: 1.500.000 đồng, tiền chụp CT 2.300.000 đồng; tiền taxi đi bệnh viện 1.200.000 đồng, tiền viện phí tại trung tâm y tế huyện S 250.000 đồng; tiền xe đi từ viện sông Lô đi viện tỉnh Vĩnh Phúc 400.000 đồng.
Nay chị P đề nghị anh phải bồi thường cho chị số tiền 213.282.000 đồng thì anh không đồng ý. Anh xác định đã bồi thường cho chị P theo thỏa thuận và không đồng ý bồi thường thêm cho chị P bất cứ khoản tiền nào khác.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan anh Trần Dự Th vắng mặt tại phiên tòa nhưng có quan điểm trình bày: Anh là bạn của chị P và không có anh em họ hàng gì. Khoảng ngày 17/4/2020 chị P có gọi điện cho anh nhờ đưa chị đi bệnh viện. Anh đã đưa chị P đi viện S và viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Trong thời gian chị P nằm viện thì anh có trực tiếp chăm sóc chị P (anh không nhớ cụ thể bao nhiêu ngày). Khi chị P nằm viện anh có giúp chị P về vệ sinh cá nhân, giặt quần áo, mua cơm ... Anh xác định mặc dù chị P không được bác sỹ chỉ định nằm bất động trên giường bệnh nhưng có căn dặn hạn chế đi lại và hạn chế thay đổi tư thế, vận động nhưng chị P do sức khỏe yếu, bị choáng, nôn mửa nên anh phải phục vụ sinh hoạt tại giường bệnh. Nay chị P đề nghị tính công người chăm sóc tại bệnh viện là 26 ngày thì anh đồng ý và đề nghị tính trung bình 300.000 đồng/ ngày tổng số tiền là 7.800.000 đồng.
Tại phiên tòa người làm chứng là ông Nguyễn Khắc V, anh Nguyễn Văn K, chị Đỗ Thị L2 đều xác nhận có sự việc khi hai bên hòa giải anh Q đã bồi thường cho chị P số tiền 13.000.000 đồng. Anh I xác nhận có đi cùng anh Q và chị P khi đưa chị P đi khám bệnh tại Bệnh viện Việt Đức và anh Q là người trực tiếp chi trả các khoản chi phí khám bệnh, tiền mua thuốc, tiền xe và tiền ăn uống.
Tòa án đã tiến hành thu thập kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm của công an huyện S kết luận: Khoảng 10 giờ 00 phút ngày 17/4/2019 chị Nguyễn Thị Bích P đang ở nhà tại Thôn Ph, xã L, huyện S thì anh Nguyễn Kim Q (là anh trai ruột chị P) đến nhà và hai bên có lời qua tiếng lại, sau đó anh Q dùng tay không đánh vào mặt gây thương tích cho chị P. Hậu quả chị P phải đi điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Kết luận giám định thương tích của chị P là 0%. Công an huyện S đã ra thông báo về việc không đủ yếu tố cấu thành tội phạm và quyết định không khởi tố vụ án hình sự ngày 03/10/2019. Đồng thời ngày 05/10/2019 công an huyện S ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với anh Nguyễn Kim Q vì có hành vi xâm phạm sức khỏe của người khác.
Tòa án đã tiến hành thông báo cho chị M đến Tòa án làm việc nhưng chị M đi làm ăn và không có mặt tại địa phương xã H, huyện L1 nên không đến Tòa án làm việc và không có quan điểm trình bày. Địa phương cũng cung cấp chị M là người lao động tự do, không ổn định. Xác định chị P cũng đã thanh toán tiền công chăm sóc cho chị M 03 ngày x 300.000đồng/ngày = 900.000đồng nên việc chị M không đến Tòa án làm việc, không có quan điểm trình bày cũng không làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.
Tòa án đã tiến hành xác minh tại Ủy ban nhân dân xã H, huyện L1 và Ủy ban nhân dân phường Đ, thành phố V để xác định thu nhập bình quân đối với những công dân lao động tự do tại địa phương.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2021/DS- ST ngày 26 tháng 3 năm 2021 và quyết định sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm số 01/2021/TB-TA ngày 02/8/2021 và số 02a/2021/TB-TA ngày 12/8/2021 của Toà án nhân dân huyện S, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định:
Căn cứ vào Điều 584; Điều 585 và Điều 590; Điều 357; khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự; điểm a khoản 2 Điều 482; Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 4 Điều 26 Nghị quyết: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị Bích P.
1. Buộc anh Nguyễn Kim Q phải bồi thường thiệt hại cho chị Nguyễn Thị Bích P do sức khỏe bị xâm phạm là 19.729.161đồng (Mười chín triệu bảy trăm hai chín nghìn một trăm sáu mươi mốt đồng). Xác nhận anh Q đã bồi thường cho chị P 18.650.000đồng (Mười tám triệu sáu trăm năm mươi nghìn đồng). Anh Q phải tiếp tục bồi thường cho chị P số tiền đã làm tròn là 1.079.000 đồng (Một triệu không trăm bảy chín nghìn đồng).
Khoản tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe được thi hành ngay, mặc dù bản án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Kể từ ngày chị P có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành khoản tiền trên thì hàng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.
Ngoài ra bản án còn tuyên án phí, quyền kháng cáo và thi hành án cho các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 16 tháng 4 năm 2021, chị Nguyễn Thị Bích P là nguyên đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm tăng mức bồi thường, buộc anh Q phải bồi thường cho chị số tiền 226.282.000 đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn chị Nguyễn Thị Bích P giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo, chị đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tăng mức bồi thường, buộc anh Q phải bồi thường cho chị 226.282.000 đồng.
Tại phiên tòa đại diện viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu quan điểm: đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự: không chấp nhận kháng cáo của chị P, giữ nguyên bản án sơ thẩm số:
03/2021/DS – ST ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện S, tỉnh Vĩnh Phúc. Buộc anh Nguyễn Kim Q phải bồi thường thiệt hại về tiền thuê xe đi viện, viện phí, chi phí giám định sức khỏe, công mất thu nhập, công người đi chăm nuôi cho chị Nguyễn Thị Bích P là 19.729.161 đồng (Mười chín triệu bảy trăm hai chín nghìn một trăm sáu mươi mốt đồng). Xác nhận anh Q đã bồi thường cho chị P 18.650.000 đồng (Mười tám triệu sáu trăm năm mươi nghìn đồng). Anh Q phải tiếp tục bồi thường cho chị P số tiền đã làm tròn là 1.079.000 đồng (Một triệu không trăm bảy chín nghìn đồng).
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về hình thức: Kháng cáo của chị Nguyễn Thị Bích P được làm trong hạn luật định, được chấp nhận xem xét.
[2] Về nội dung: chị Nguyễn Thị Bích P đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tăng mức bồi thường, buộc anh Q phải bồi thường cho chị 226.282.000 đồng.
Tại cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự đều thống nhất về việc sáng ngày 17/4/2019 tại nhà chị P ở Thôn Ph, xã L, huyện S giữa anh Q và chị P có xảy ra mâu thuẫn. Chị P cho rằng sau khi hai bên có lời qua tiếng lại thì anh Q dùng tay không nhiều lần đánh vào vùng mặt, vùng đầu và tay gây thương tích cho chị. Tuy nhiên anh Q chỉ thừa nhận đã dùng tay tát hai cái vào má trái chị P. Sau khi sự việc xảy ra chị P có trình báo công an xã L. Tại công an xã L, chị P và anh Q đã tự nguyện thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, sau đó chị P lại làm đơn đề nghị giải quyết gửi đến công an huyện S. Tại kết luận giám định pháp y về thương tích số 246/TgT ngày 24/7/2019 của Trung tâm pháp y tỉnh Vĩnh Phúc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra của chị Nguyễn Thị Bích P ở thời điểm hiện tại là 0%. Ngày 02/8/2019 chị P đề nghị giám định lại thương tích. Tại bản kết luận giám định pháp y số 199/19/TgT của Viện pháp y quốc gia xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra của chị Nguyễn Thị Bích P ở thời điểm hiện tại là 0%.
Công an huyện S đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền 1.500.000đ đối với anh Nguyễn Kim Q vì có hành vi xâm phạm sức khỏe của người khác tại xã L, huyện S.
Quá trình giải quyết, chị P xác nhận anh Q đã bồi thường cho chị số tiền 13.000.000đồng tiền mặt, ngoài ra Anh Q là người đưa chị đi khám và trực tiếp thanh toán toàn bộ chi phí khám bệnh, tiền thuốc, tiền xe tại Bệnh viện Việt Đức là 5.650.000đồng. Tổng số tiền anh Q đã bồi thường và thanh toán tiền viện, thuốc cho chị P là 18.650.000đồng.
[2.1] Tại cấp sơ thẩm chị P yêu cầu anh Q bồi thường rất nhiều khoản chi phí tiền khám, tiền thuốc, tiền thuê xe, tiền giám định tại các bệnh viện nhưng cấp sơ thẩm đã xem xét và chấp nhận những khoản tiền sau:
- Chi phí khám và điều trị tại khoa cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 17/4/2019 đến ngày 20/4/2019 là 3.984.833 đồng. Bao gồm tiền viện phí: 723.833 đồng; Tiền thuốc điều trị: 2.461.000 đồng; tiền thuê xe đi viện: 400.000 đồng /lượt x 2 lần = 800.000 đồng;
- Chi phí khám và điều trị tại khoa nội thần kinh bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc từ 23/4/2019 đến 27/4/2019 là 1.307.181 đồng. Bao gồm tiền viện phí: 507.181 đồng; tiền thuê xe đi viện: 400.000 đồng /lượt x 2 lần = 800.000 đồng;
- Tiền khám và điều trị tại trung tâm y tế huyện S từ ngày 26/4/2019 đến ngày 03/5/2019 là 657.147 đồng. Bao gồm tiền viện phí: 257.147 đồng; tiền thuê xe đi viện: 200.000 đồng /lượt x 2 lần = 400.000 đồng;
-Tiền giám định sức khỏe tại trung tâm pháp y tỉnh Vĩnh Phúc ngày 24/7/2019 là 1.790.000 đồng. Bao gồm chị phí khám theo yêu cầu 990.000 đồng; tiền thuê xe đi giám định: 400.000 đồng /lượt x 2 lần = 800.000 đồng;
- Chi phí thuê xe đi giám định lại tại Viện pháp y quốc gia: 1.300.000 đồng.
Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy: Cấp sơ thẩm xem xét chấp nhận những khoản tiền trên là hợp lý và có căn cứ vì nhưng khoản trên có hóa đơn chứng từ và phát sinh trong quá trình điều trị thương tích ban đầu của chị P.
Đối với các khoản chi phí khám bệnh và hóa đơn thuốc của Bệnh viện Quân y 108; Bệnh viện răng hàm mặt; bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Tai Mũi họng Trung ương, phòng khám vietlife (Lãng Công) do chị P giao nộp cấp sơ thẩm không chấp nhận vì theo kết quả giám định thương tích của chị P là 0%, các hóa đơn khám bệnh, đơn thuốc là do chị P tự đi khám bệnh và khám một số bệnh không phải hậu quả của thương tích bị anh Q dùng tay tát đánh vào mặt. Do vậy cấp sơ thẩm không chấp nhận là có căn cứ chấp nhận.
[2.2] Đối với yêu cầu về khoản tiền mất thu nhập của chị P là 42.000.000 đồng: cấp sơ thẩm xác minh chị P làm nghề tự do với thu nhập khoảng 6.000.000 đồng đến 6.500.000 đồng /tháng. Thương tích do anh Q gây ra cho chị P là 0% , tuy nhiên thực tế chị P có đi điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, trung tâm y tế huyện S và ngoài ra có đi thực hiện giám định sức khỏe tại trung tâm pháp y tỉnh Vĩnh Phúc và Viện pháp y Quốc gia trong khoảng thời gian 01 tháng. Do vậy cấp sơ thẩm chấp nhận đối với khoản tiền mất thu nhập thực tế của chị P trong 01 tháng là 6.000.000 đồng là phù hợp.
[2.3] Đối với yêu cầu về tiền mất thu nhập của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị là 8.700.000 đồng: Thực tế chị P điều trị nội trú tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc và trung tâm y tế huyện S là 16 ngày, chị P lần lượt nhờ anh Th và chị M chăm sóc. Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành xác minh thu nhập đối với lao động tự do tại địa phương của anh Th và chị M là 200.000 đồng /ngày. Do vậy cấp sơ thẩm chấp nhận tiền công người đi chăm sóc chị P là 16 ngày x 200.000 đồng/ ngày = 3.200.000 đồng là có căn cứ và phù hợp.
[2.4] Đối với yêu cầu về tiền bồi thường tổn thất tinh thần 30.000.000 đồng và bồi thường phục hồi sức khỏe 74.500.000 đồng: Với kết quả tỷ lệ tổn thương sức khỏe của chị P là 0% thì Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng việc chị P yêu cầu anh Q phải bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần và phục hồi sức khỏe như trên là không phù hợp. Cấp sơ thẩm chấp nhận khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần là 01 tháng lương cơ sở 1.490.000 đồng là phù hợp với thực tế và phù hợp với Điều 590 của Bộ luật dân sự.
Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy cấp sơ thẩm đã xem xét chấp nhận buộc anh Q phải bồi thường cho chị P số tiền là 19.729.161 đồng (mười chín triệu bảy trăm hai chín nghìn một trăm sáu mươi mốt đồng). Xác nhận anh Q đã bồi thường cho chị P 18.650.000đ (mười tám triệu sáu trăm năm mươi nghìn đồng). Anh Q phải tiếp tục bồi thường cho chị P số tiền đã làm tròn là 1.079.000 đồng, (một triệu không trăm bảy chín nghìn đồng) là có căn cứ và phù hợp.
Tại phiên tòa phúc thẩm chị P đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tăng mức bồi thường, buộc anh Q phải bồi thường cho chị 226.282.000 đồng nhưng chị không đưa ra được căn cứ gì mới cho việc tăng bồi thường, anh Q không nhất trí yêu cầu kháng cáo của chị P và đề nghị giữ nguyên như bản án sơ thẩm. Hội đồng xét xử thấy kháng cáo của chị P không có căn cứ nên không được cấp phúc thẩm chấp nhận. Cần giữ nguyên bản án sơ thẩm như đề nghị của đại diện viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
[3] Về án phí dân sự phúc thẩm: Chị P không phải chịu án phí theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự;
Không chấp nhận kháng cáo của chị Nguyễn Thị Bích P, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 02/2021/DS-ST ngày 26 tháng 3 năm 2021 và các quyết định sửa chữa, bổ sung bản án số 01/2021/TB-TA ngày 02/8/2021 và số 02a/2021/TB-TA ngày 12/8/2021 của Toà án nhân dân huyện S, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định:
Căn cứ vào Điều 584; Điều 585 và Điều 590; Điều 357; khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự; điểm a khoản 2 Điều 482; Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 4 Điều 26 Nghị quyết: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị Bích P.
1. Buộc anh Nguyễn Kim Q phải bồi thường thiệt hại cho chị Nguyễn Thị Bích P do sức khỏe bị xâm phạm là 19.729.161 đồng (Mười chín triệu bảy trăm hai chín nghìn một trăm sáu mươi mốt đồng). Xác nhận anh Q đã bồi thường cho chị P 18.650.000 đồng (Mười tám triệu sáu trăm năm mươi nghìn đồng).
Anh Q phải tiếp tục bồi thường cho chị P số tiền đã làm tròn là 1.079.000 đồng (Một triệu không trăm bảy chín nghìn đồng).Khoản tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe được thi hành ngay, mặc dù bản án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Kể từ ngày chị P có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành khoản tiền trên thì hàng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.
2. Về án phí dân sự sơ thẩm: Anh Nguyễn Kim Q phải nộp 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Trường hợp bản án được thi hành theo Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm số 42/2021/DS-PT
Số hiệu: | 42/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 30/08/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về