TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH SƠN, TỈNH QUẢNG NGÃI
BẢN ÁN 08/2023/DS-ST NGÀY 21/09/2023 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM
Ngày 15 và 21 tháng 9 năm 2023 tại trụ sở, Tòa án nhân dân huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 96/2023/TLST– DS ngày 28 tháng 4 năm 2023 về việc “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 131/2023/QĐXXST-DS ngày 21 tháng 8 năm 2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số 32/2023/QĐST-DS ngày 29 tháng 8 năm 2023, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Bùi Thị T, sinh năm 1964; nơi cư trú: Xóm Đ, thôn C, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi; có mặt.
Bị đơn: Ông Nguyễn H, sinh năm 1968; nơi cư trú: Xóm C, thôn C, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện đề ngày 30/3/2023, các văn bản khác, quá trình tố tụng nguyên đơn bà Bùi Thị T trình bày:
Bà và ông Nguyễn H là người cùng xã B, có làm ruộng gần nhau nên biết nhau. Vào khoảng 15 giờ 00 phút, ngày 17/9/2022, bà T ra đồng để làm cỏ trên thửa đất của mình tại thôn C, xã B, huyện B thì thấy 03 con bò đang ăn đậu và bắp của Bà nên B đứng giữ 03 con bò này lại để xem ai là chủ của 03 con bò này. Đến khoảng 17 giờ 00 phút cùng ngày bà T thấy ông Nguyễn H đi ngang qua chỗ Bà nên B nghĩ rằng 03 con bò mà Bà đang giữ là của ông Nguyễn H, nên B cầm nhánh dương liễu dài khoảng 70 cm đường kính 1cm chỉ vào mặt ông Nguyễn H và nói “Sao bò ông phá quá vậy ông”. Nghe vậy ông H tiến đến dùng tay đẩy vào người Bà làm Bà ngã xuống đất, vì bị đẩy ngã bất ngờ nên Bà dùng tay phải chống xuống đất, hậu quả làm Bà bị gãy tay phải. Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 308/TgT ngày 30/9/2022 của Trung tâm pháp y tỉnh Q thì tỉ lệ tổn thương cơ thể là 08%.
Từ ngày 18/9/2022 đến ngày 16/10/2022, Bà nhiều lần đến bệnh viện B21 và bệnh viện P để điều trị, băng bó tay bị gãy nhưng vẫn còn sưng, đau. Đến ngày 21/10/2022, B tiếp tục thuê xe taxi ra bệnh viện C và Phục hồi chức năng Đà Nẵng để điều trị. Trong suốt quá trình điều trị vì bị gãy tay, bà T không lao động nên Bà có thuê bà Võ Thị M thực hiện việc chăm lo đàn lợn hơn 20 con cho B trong thời gian 60 ngày với tổng số tiền là 12 triệu đồng. Ngoài ra khi bị ông Nguyễn H đẩy gãy tay đến nay thì sức khỏe của Bà bị suy giảm nghiêm trọng, cánh tay gãy còn yếu vận động rất khó khăn.
Trong quá trình điều trị vết thương, bà T có làm đơn trình báo vụ việc gửi đến Công an xã B, huyện B, sau đó Công an xã B chuyển toàn bộ hồ sơ đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện B để giải quyết theo thẩm quyền. Qúa trình làm việc tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện B, ông Nguyễn H đã thừa nhận hành vi dùng tay đẩy Bà ngã xuống đất, thể hiện tại biên bản ghi lời khai ngày 28/10/2022 và tại Thông báo số 87/TB-CSĐT ngày 15/11/2022 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện B về việc thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm kết luận rằng: Ông Nguyễn H có hành vi dùng tay đẩy bà Bùi Thị T ngã xuống đất, dẫn đến bà Bùi Thị T bị gãy đầu dưới xương quay cẳng tay phải với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 08%. Tuy nhiên, sau khi có hành vi gây thương tích cho B thì ông Nguyễn H không những không thăm hỏi, động viên, bồi thường một khoản tiền nào cho Bà để lo tiền thuốc, tiền viện phí mà còn có những lời lẽ thách thức đối với Bà. Chính vì vậy, ngày 30-3-2023 Bà khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề gồm: Buộc ông Nguyễn H phải bồi thường cho Bà tổng số tiền là 65.715.000 đồng, cụ thể các khoản như sau:
- Chi phí điều trị tại bệnh viện và bồi dưỡng phục hồi sức khỏe: 4.885.000 đồng.
- Chi phí thuê xe đi bệnh viện và chở về: 1.130.000 đồng.
- Chi phí thuê người nuôi heo: 12.000.000 đồng.
- Bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm: 44.700.000 đồng.
Tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải Bà thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu ông Nguyễn H phải bồi thường cho Bà tổng cộng số tiền 29.935.000 đồng, trong đó gồm:
- Tiền chi phí điều trị tại bệnh viện và bồi dưỡng phục hồi sức khỏe 4.885.000 đồng;
- Tiền chi phí thuê xe (lần đi, lần về) 1.130.000 đồng;
- Tiền chi phí thuê người nuôi heo 12.000.000 đồng (một ngày 200.000 đồng x 60 ngày);
- Tiền bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm 8 tháng lương tối thiểu tại thời điểm Bà bị thương tích tháng 9/2022 (1.490.000 đồng) là 11.920.000 đồng.
Tại phiên tòa, B trình bày: Ông H có ý hỗ trợ cho Bà 3.000.000 đồng và yêu cầu Bà rút đơn khởi kiện, Bà không đồng ý với 3.000.000 đồng hỗ trợ của ông H, Bà không rút đơn khởi kiện. Tuy nhiên, đối với tiền chi phí thuê người nuôi heo Bà không yêu cầu ông H bồi thường, thay vào đó Bà yêu cầu ông H phải bồi thường cho Bà tiền mất thu nhập trong thời gian 10 tháng, với số tiền 150.000 đồng/ngày = 45.000.000 đồng, những yêu cầu khác Bà vẫn giữ nguyên như tại biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải. Tổng cộng Bà yêu cầu ông H bồi thường là 62.935.000 đồng. Do Bà bị gãy một tay, Bà tự chăm sóc bản thân được nên Bà không yêu cầu tiền công lao động của người chăm sóc. Ngoài ra, Bà không có yêu cầu gì khác.
Tại Bản trình bày ý kiến ngày 18-5-2023 và Bản tự khai ngày 29/5/2023, bị đơn ông Nguyễn H trình bày: Vào ngày 17/9/2022, Ông đi ăn đám cưới nên không thả bò ra đồng, vào lúc 17 giờ ngày 17/9/2022 khi Ông đi ngang qua đám đậu của bà T1, thì bà T đứng trên thửa đất của mình nhìn thấy Ông, lúc này trên tay bà T có cầm nhánh dương liễu dài khoảng 1m, to bằng ngón cái chân người trưởng thành, chạy tới phía ông H và cầm nhánh dương liễu liên tục xỉa vào mặt ông H và chửi bới “Sao bò ông phá quá vậy ông”. Ông H lùi lại phía sau để tránh hành động xỉ nhánh dương liễu của bà T và nói “Muốn biết chủ bò là ai thì bà giữ bò, chiều ra thì biết chủ bò là ai thôi”. Tuy nhiên Ông càng nói thì bà T càng xỉ nhánh dương liễu vào mặt Ông, nên buộc Ông phải dùng cánh tay phải của mình phòng vệ chính đáng, đẩy bà T ra khỏi người Ông, nhưng Ông không đẩy bà T mạnh đến mức làm cho bà T té, mà do chính bản thân bà Tâm t lui về phía sau vấp phải ranh đất gạch không nung cao khoảng 20cm rồi bà T tự té xuống. Vào lúc 17 giờ 46 phút, bà T lên nhà Ông chửi bới, thái độ bà T hung dữ. Khi đó, Ông có gọi cho Công an xã B để giải quyết. Vài hôm sau Công an xã B có mời Ông xuống làm việc. Sau đó, Công an xã B đã chuyển toàn bộ hồ sơ đến Cơ quan cảnh sát điều tra huyện B để giải quyết theo đúng thẩm quyền và kết luận: Ông H có hành vi dùng tay đẩy bà Bùi Thị T ngã xuống đất và gây thương tích 08% nên Công an không khởi tố vụ án. Ngày 28-11-222 Công an huyện B đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Ông về hành vi gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với mức phạt là 6.000.000 đồng. Ngày 16-01-2023 Ông đã nộp 6.000.000 đồng tiền phạt. Tuy nhiên, bà T vẫn cố tình làm lớn chuyện và gửi đơn khởi kiện đến Tòa án để yêu câu Ông bồi thường với những khoản tiền vô lý, hoàn toàn không có căn cứ pháp lý phù hợp nên Ông không đồng ý bồi thường và việc bà T làm đơn khởi kiện ra Tòa án đã gây tổn thất tinh thần quá lớn đối với Ông, làm Ông suy nghĩ rất nhiều, bị xúc phạm về danh dự, nhân phẩm nên Ông yêu cầu Tòa án công tâm, để giải quyết công lý và lấy lại công bằng, danh dự, nhân phẩm cho Ông. Tại phiên tòa, Ông giữ nguyên ý kiến trình bày trên và trình bày bổ sung: Ông không đồng ý bồi thường cho bà T, tuy nhiên, do ông có dùng tay đẩy bà T nên ông đồng ý hỗ trợ cho bà T 3.000.000 đồng tiền thuốc và yêu cầu bà T rút đơn khởi kiện.
Ý kiến phát biểu của Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Sơn tại phiên tòa: Đề nghị áp dụng Điều 584, 585, 586, 588, 590 Bộ luật dân sự; Điều 7 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Cụ thể như sau:
+ Chi phí điều trị tại bệnh viện và bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ là 825.500 đồng.
+ Chi phí thuê xe đi bệnh viện và chở về là: 565.000 đồng.
+ 02 tháng lương bị mất thu nhập do không có sức khỏe để lao động: 9.000.000 đồng.
+ Bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm là 4 tháng lương cơ sở tại thời năm 2022 theo yêu cầu của bà T: 5.960.000 đồng.
Tổng cộng các khoản trên là: 16.350.500 đồng. Tuy nhiên bà T có 01 phần lỗi nên ông H chỉ bồi thường 50% các khoản chi phí trên là: 8.175.250 đồng.
+ Ông Nguyễn H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thời hiệu khởi kiện: Sự việc xảy ra và bà T cho rằng sức khỏe bị xâm hại vào ngày 17/9/2022. Ngày 02-3-2023 bà T nộp (ĐƠN YÊU CẦU KHỞI TỐ DÂN SỰ” và đến ngày 30-3-2023 bà T nộp đơn khởi kiện bổ sung đến Tòa án nhân dân huyện Bình Sơn. Do vậy, căn cứ Điều 588 của Bộ luật dân sự 2015 thì bà T khởi kiện trong thời hạn luật định.
[2] Về tố tụng:
Về thẩm quyền giải quyết vụ án: Sự việc xảy ra ngày 17/9/2022 tại thôn C, xã B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 15-11-2022 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện B ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Do đó, bà T khởi kiện, yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Bình Sơn giải quyết buộc ông H bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm và Tòa án nhân dân huyện Bình Sơn thụ lý giải quyết vụ án dân sự là đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[3] Về nội dung:
[3.1] Nội dung các đương sự thống nhất: Vào khoảng 15 giờ 00 phút, ngày 17/9/2022, bà T ra đồng để làm cỏ trên thửa đất của mình tại thôn C, xã B, huyện B thì thấy 03 con bò đang ăn đậu và bắp của bà T nên bà T đứng giữ 03 con bò này lại để xem ai là chủ của 03 con bò này. Đến khoảng 17 giờ 00 phút cùng ngày bà T thấy ông Nguyễn H đi đến nên bà T nghĩ rằng 03 con bò mà bà T đang giữ là của ông Nguyễn H, nên bà T cầm nhánh dương liễu dài khoảng 70 cm đường kính 1cm xỉ vào mặt ông Nguyễn H nhiều lần và nói “Sao bò ông phá quá vậy ông”. Nghe vậy ông H có dùng tay đẩy vào người bà T, làm bà T ngã xuống đất, vì bị đẩy ngã bất ngờ nên bà T dùng tay phải để chống xuống đất, hậu quả bà T bị gãy tay phải với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 08%. Nội dung các đương sự không thống nhất: Nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại về sức khỏe với tổng số tiền là 62.935.000 đồng. Bị đơn cho rằng bị đơn có dùng tay đẩy người nguyên đơn nhưng lực đẩy không mạnh, mà do nguyên đơn lùi lại vấp đường ranh giữa hai đám đất nên té ngã và số tiền nguyên đơn yêu cầu hoàn toàn không có căn cứ vì bị đơn cho rằng là phòng vệ chính đáng nên bị đơn không đồng ý bồi thường.
[3.2]. Xét ý kiến của bị đơn về việc không đồng ý bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà T với lý do hành vi đẩy bà T là hành vi phòng vệ chính đáng của ông. Hội đồng xét xử xét thấy: Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật hình sự 2015 “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”, xét thực tế sự việc diễn ra giữa bà T và ông H vào ngày 17/9/2022 thì bà T chỉ chửi và cầm cây dương liệu xỉ vào mặt ông, giữa bà T và ông H lúc đó vẫn có khoảng cách, bà T không có xỉ trực tiếp chạm với cơ thể ông H, không phải gây thiệt hại ngay tức khắc cho ông H, ông có nhiều cách để xử lý nhưng ông lại lựa chọn hành vi xử sự đẩy bà T làm bà T ngã. Như vậy hành vi của ông H không phải là phòng vệ chính đáng và đã xâm phạm đến sức khỏe của bà T nên phải bồi thường thiệt hại cho bà T.
[3.3] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu ông Nguyễn H phải bồi thường cho bà T tổng cộng số tiền 62.935.000 đồng, trong đó gồm:
- Tiền chi phí điều trị tại bệnh viện và bồi dưỡng phục hồi sức khỏe 4.885.000 đồng;
- Tiền chi phí thuê xe (lần đi, lần về) 1.130.000 đồng;
- Tiền ngày công do bị thương tích không lao động được trong thời gian 10 tháng (từ 9-2022 đến 6-2023) với số tiền 150.000 đồng/ngày = 45.000.000 đồng;
- Tiền bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm 8 tháng lương tối thiểu tại thời điểm Bà bị thương tích tháng 9/2022 (1.490.000 đồng) là 11.920.000 đồng.
[3.3.1] Theo tài liệu có tại hồ sơ và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn và bị đơn đều xác định: Ông H có dùng tay phải tác động vào người bà T, bà T ngã xuống đất và khi ngã thì bà T dùng tay phải chống xuống đất và bị gãy tay phải. Hành vi ông H dùng tay tác động đẩy vào người bà T làm bà T ngã là hành vi trái pháp luật và chính hành vi này là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại dẫn đến bà T bị gãy đầu dưới xương quay cẳng tay phải với tỷ lệ tổn thương cơ thể 08%. Điều này cũng đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện B xác định tại Quyết định không khởi tố vụ án số 87/CSĐT và Thông báo không khởi tố vụ án hình sự số 87/TB-CSĐT cùng ngày 15-11-2022. Ngày 28-11-222 Công an huyện B đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông H về hành vi gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với mức phạt là 6.000.000 đồng. Ngày 16-01-2023 ông H đã nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không có khiếu nại gì về quyết định xử phạt này và đã nộp phạt 6.000.000 đồng. Nguyên nhân và hậu quả bà T bị thương tích phải điều trị là do lỗi vô ý của ông H gây ra. Về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, ông H là người đầy đủ năng lực hành vi nên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của ông gây ra. Do đó, việc bà T khởi kiện yêu cầu ông H bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm là có căn cứ theo quy định tại các Điều 584, Điều 586 của Bộ luật dân sự.
[3.3.2] Về số tiền 62.935.000 đồng bà T cho rằng thiệt hại và yêu cầu ông H bồi thường, Hội đồng xét xử nhận định:
[3.3.2.1] Đối với số tiền 4.885.000 đồng tiền chi phí điều trị và bồi dưỡng phục hồi sức khỏe. Bà T yêu cầu ông H bồi thường, trong đó số tiền có chứng từ là 825.000 đồng, không có chứng từ là 4.060.000 đồng. Tuy nhiên ngoài chứng từ hợp lệ thì bà T có cung cấp 3 đơn thuốc đề ngày 18-9-2022; 25-9-2022; 18-9-2022 do bác sỹ của Bệnh xá B21 chỉ định và 01 đơn thuốc ngày 29-9-2022 do bác sỹ của Bệnh viện P chỉ định sau khi khám, chụp phim. Bà T trình bày sau khi bệnh viện chỉ định thuốc thì bà T đến các đại lý thuốc mua thuốc về uống, ngoài ra bà T còn đi đến các thầy thuốc nam để mua lá thuốc nam về bó với tổng số tiền là 2.060.000 đồng, đồng thời ngoài mua thuốc, mua lá bó thì bà có mua hai lon sửa can xi để uống bồi dưỡng sức khỏe cho mau lành xương với số tiền 2.000.000 đồng, do không hiểu biết nên bà T không có lấy hóa đơn chứng từ. Hội đồng xét xử nhận thấy, đối với số tiền chi phí điều trị, bồi dưỡng 4.060.000 đồng mặc dù không có hóa đơn chứng từ, tuy nhiên căn cứ vào thương tích của bà T là gãy đầu dưới xương quay cẳng tay phải với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 08% và đơn thuốc theo chỉ định thuốc uống của bác sỹ thì việc bà T phải mua thuốc uống theo chỉ định thuốc của bác sỹ và mua sữa bồi dưỡng để nhanh lành xương là phù hợp với thực tế, nên có căn cứ xác định đây là thiệt hại thực tế quy định tại khoản 1 Điều 590 của Bộ luật dân sự.
[3.3.2.2] Đối với số tiền 1.130.000 đồng tiền chi phí thuê xe đi lại để điều trị vết thương, bà T yêu cầu ông H bồi thường. Bà T trình bày, sau khi bị thương tích bà T đến điều trị ở Bệnh xá B21 3 lần và Bệnh viện P 1 lần, vì bà T đang bị gãy tay và không biết lái xe nên phải thuê xe ôm chở đi và khi tay còn sưng đau không bớt phải ra Bệnh viện chỉnh hình ở Đà Nẵng thì phải đi xe ô tô thuê, do thuê xe ôm và do không hiểu biết nên bà T không có lấy hóa đơn chứng từ. Hội đồng xét xử nhận thấy, mặc dù không có hóa đơn tiền thuê xe, tuy nhiên theo tài liệu có tại hồ sơ thể hiện vào các ngày 18-9-2022; 25-9-2022; 16-10-2022 bà T có đến Bệnh xá B21; ngày 29-9-2022 bà T có đến Bệnh viện P; ngày 21-10-2022 bà T có đến Bệnh viện chỉnh hình phục hồi chức năng Đà Nẵng để khám điều trị thương tích ở tay phải và có đơn thuốc theo chỉ định của bác sỹ, phiếu đo điện cơ đồ của bệnh viện vào các ngày nêu trên, nên có căn cứ xác định đây là thiệt hại thực tế quy định tại khoản 1 Điều 590 của Bộ luật dân sự.
[3.3.2.3] Đối với số tiền ngày công do bị thương tích không lao động được trong thời gian 10 tháng (từ tháng 9-2022 đến tháng 6-2023) với số tiền 150.000 đồng/ngày là 45.000.000 đồng. Hội đồng xét xử nhận thấy: Đối với tiền ngày công lao động, bà T trình bày bà T không có nghề nghiệp ổn định, thường ngày làm nông trồng đậu, bắp và thuê ruộng người khác làm lúa lấy gạo ăn, đồng thời ở nhà có nuôi heo, nếu ngày đi làm thì tranh thủ thời gian vào sáng sớm và chiều tối lo cho heo ăn. Do đó bà T xác định, mức thu nhập bình quân hằng ngày của bà vào thời điểm bị gãy tay là 150.000 đồng. Ngày 03-8-2023 Tòa án đã tiến hành xác minh và Uỷ ban nhân xã B xác nhận: Mức thu nhập bình quân hàng năm của người làm nông tại địa phương xã B trong năm 2022 là khoảng 60.000.000 đồng (khoảng 166.000 đồng/ngày), đối với trường hợp của bà T, bà T thuê đất của người khác làm nông và nuôi heo tại nhà thì mức thu nhập bình quân hằng ngày của bà T là 150.000 đồng như bà T trình bày là đúng. Tại phiên tòa bà T vẫn yêu cầu bồi thường tiền mất thu nhập 2 tháng với mức thu nhập 150.000 đồng/ngày, xét thấy mức thu nhập mà bà T yêu cầu không vượt quá mức thu nhập bình quân của lao động cùng loại tại địa phương, nên có căn cứ xác định đây là mức thu nhập thực tế bị mất không lao động được trong thời gian bị gãy tay với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 08% . Đối với thời gian tính ngày công mất thu nhập, Hội đồng xét xử nhận thấy: Bà T bị gãy đầu dưới xương quay cẳng tay phải vào ngày 17-9-2022, sau thời gian điều trị đến ngày 21-10-2022 vẫn chưa lành vết thương nên Bệnh viện chỉnh hình phục hồi chức năng Đà Nẵng kết luận: Kết quả hiện tại: Kéo dài thời gian tiền vận động và cảm giác thần kinh giữa ngoại vi tay (P), hội chứng ống cổ tay (P) mức độ nhẹ. Bà T bị gãy đầu dưới xương quay cẳng tay phải, không phải gãy xương trụ, đồng thời bà T trình bày sau hai tháng thì bà T có thể làm việc nhẹ được nên bà T không thuê người nuôi heo nữa, do đó, bà T yêu cầu bồi thường tiền công không lao động được với thời gian 10 tháng là không phù hợp, nên Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận với thời gian ngày công bà T không lao động được là 2 tháng (từ 17-9- 2022 đến 17-11-2022) x 4.500.000 đồng = 9.000.000 đồng là thu nhập thực tế bị mất theo quy định tại khoản 1 Điều 590 của Bộ luật dân sự và không chấp nhận 8 tháng tiền ngày công mất thu nhập là 36.000.000 đồng.
[3.3.2.4] Đối với số tiền 11.920.000 đồng (8 tháng lương tối thiểu tại thời điểm Bà bị thương tích tháng 9/2022 (1.490.000 đồng)), bà T yêu cầu ông H bồi thường để bù đắp tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã giải thích cho bà T về mức lương cơ sở tại thời điểm hiện tại là 1.800.000 đồng, tuy nhiên bà T vẫn giữ nguyên yêu cầu ông H bồi thường tổn thất tinh thần với mức lương cơ sở 1.490.000 đồng. Hội đồng xét xử nhận thấy: Việc bà T yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm theo mức lương cơ sở tại thời điểm bà T bị thương tích (tháng 9/2022) với mức 1.490.000 đồng, mức yêu cầu này không vượt quá mức lương cơ sở hiện tại, nên có căn cứ chấp nhận. Tuy nhiên, bà T bị gãy đầu dưới xương quay cẳng tay phải với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 08%, ngày 21-10-2022 Bệnh viện C kết luận: Kết quả hiện tại: Kéo dài thời gian tiền vận động và cảm giác thần kinh giữa ngoại vi tay (P), hội chứng ống cổ tay (P) mức độ nhẹ. Do đó, bà yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần đến 8 tháng lương cơ sở là không phù hợp, đồng thời do hành vi dùng cành cây xỉ vào mặt ông H là nguyên nhân xuất phát vụ việc, nên mức độ tổn thất tinh thần của bà T là không lớn, do đó, Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận tiền bù đắp tổn thất tinh thần là 4 tháng lương cơ sở là 5.960.000 đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 590 của Bộ luật dân sự và không chấp nhận tiền bù đắp tổn thất tinh thần là 4 tháng lương cơ sở còn lại theo yêu cầu của bà T là 5.960.000 đồng.
[3.3.2.5] Đối với tiền mất thu nhập của người chăm sóc: Bà T cho rằng quá trình bị thương tích và điều trị bà tự chăm sóc cho bản thân, không có người chăm sóc và bà T không yêu cầu ông H bồi thường tiền mất thu nhập của người chăm sóc nên Hội đồng xét xử không giải quyết.
[3.4] Như vậy thiệt hại thực tế do bà T bị gãy đầu dưới xương quay cẳng tay phải với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 08%, được Hội đồng xét xử chấp nhận tổng cộng là: 20.975.000 đồng (gồm: 4.885.000 đồng tiền chi phí điều trị và bồi dưỡng phục hồi sức khỏe; 1.130.000 đồng tiền chi phí thuê xe đi lại; 9.000.000 đồng tiền mất thu nhập; 5.960.000 đồng tiền bù đắp tổn thất tinh thần). Tuy nhiên trong vụ án này, xét nguyên nhân của việc ông H gây thiệt hại về sức khỏe cho bà T cũng có một phần lỗi của bà T là mặc dù chưa biết có phải là bò của ông H ăn, dẫm đậu, bắp của mình hay không nhưng bà T đã chửi ông H và dùng cây dương liễu dài khoàng 70cm đường kính khoảng 1cm xỉa vào mặt ông H nhiều lần, làm ông H bực tức. Do vậy, bà T cũng phải chịu trách nhiệm một phần thiệt hại của bà, phần lỗi của bà T so với phần lỗi của ông H với tỷ lệ là 4:6. Cụ thể, bà T phải tự chịu 40% x 20.975.000 đồng = 8.390.000 đồng tiền thiệt hại thực tế và buộc ông H phải bồi thường 60% x 20.975.000 đồng = 12.585.000 đồng tiền bà T bị thiệt hại thực tế.
[4] Về án phí: Căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 12; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nguyên đơn bà T yêu cầu bồi thường về sức khỏe và có đơn xin miễn nộp tiền tạm ứng án phí, thuộc trường hợp miễn tiền án phí theo quy định tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; điểm d khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Bị đơn ông H phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu của bà T được Tòa án chấp nhận.
[5] Đối với ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Sơn về thủ tục tố tụng và một phần nội dung là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.
[6] Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn có mặt tại phiên tòa, bị đơn đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng, nên thời hạn kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn được tính từ ngày tuyên án.
Vì những lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào:
Khoản 6 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147; Điều 266, Điều 273 và Điều 280 của Bộ luật tố tụng dân sự;
Các điều 584, 585, 586, 588, Điều 590 của Bộ luật dân sự năm 2015;
Điều 2, Điều 3, Điều 7 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”;
Điểm d khoản 1 Điều 12, khoản 1, 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường thiệt về sức khỏe bị xâm phạm của bà Bùi Thị T đối với ông Nguyễn H.
2. Buộc ông Nguyễn H phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà Bùi Thị T tổng cộng là 12.585.000 đồng (mười hai triệu, năm trăm tám mươi lăm nghìn đồng).
3. Không chấp nhận yêu cầu của bà Bùi Thị T đối với ông Nguyễn H về tiền mất thu nhập là 36.000.000 đồng và tiền bù đắp tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm là 4 tháng lương cơ sở với số tiền 5.960.000 đồng. Tổng cộng là 41.960.000 đồng.
4. Án phí dân sự sơ thẩm:
Yêu cầu khởi kiện của bà Bùi Thị T thuộc trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí và án phí dân sự sơ thẩm.
Ông Nguyễn H phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm là 629.250 đồng (sáu trăm hai mươi chín nghìn, hai trăm năm mươi đồng).
5. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn có mặt tại phiên, bị đơn có mặt tại phiên tòa nhưng vắng mặt khi tuyên án không có lý do chính đáng, nên nguyên đơn và bị đơn có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án.
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015 tương ứng với thời gian chậm thi hành án cho đến khi thi hành xong.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a, Điều 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm số 08/2023/DS-ST
Số hiệu: | 08/2023/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 21/09/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về