Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (bồi thường sáu trăm triệu đồng) số 32/2021/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 32/2021/DS-PT NGÀY 03/11/2021 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Trong các ngày 27 tháng 10 và ngày 03 tháng 11 năm 2021 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 54/2020/TLPT-DS ngày 14 tháng 12 năm 2020 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.Do bản án Dân sự sơ thẩm số 12/2020/DS-ST ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện K, tỉnh Hưng Yên bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 07/2021/QĐPT-DS ngày 08 tháng 3 năm 2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Ông Tạ Trọng T, sinh năm 1959; “vắng mặt”

2. Bà Đỗ Thị T1, sinh năm 1962; “có mặt”

Người đại diện theo ủy quyền của ông Tạ Trọng T: Bà Đỗ Thị T1, sinh năm 1962 (Văn bản ủy quyền ngày 14 tháng 7 năm 2016) Đều địa chỉ: thôn A, xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên;

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông Lê Tiến L, Luật sư Văn phòng luật sư P và Cộng Sự thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Hưng Yên; “có mặt”.

- Bị đơn:

1. Ông Tạ Xuân T2, sinh năm 1960; “vắng mặt”

2. Bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1960; “có mặt” Đều địa chỉ: thôn x, xã T, huyện T, tỉnh Sơn La;

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Ông Nguyễn Khắc A, Luật sư Văn phòng luật sư H thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Hưng Yên; “có mặt”.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Anh Tạ Xuân T3, sinh năm 1987; Địa chỉ: thôn x, xã T, huyện T, tỉnh Sơn La; “vắng mặt”

Người đại diện theo ủy quyền của ông Tạ Xuân Th2, anh Tạ Xuân T3: bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1960 (văn bản ủy quyền ngày 04 tháng 11 năm 2016 và ngày 02 tháng 6 năm 2017); “có mặt”

- Người giám định: Công ty cổ phần tư vấn kinh tế - kỹ thuật xây dựng Việt Nam. Địa chỉ: Số 66, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Văn T4, sinh năm 1980 - Giám định viên; Địa chỉ: Số 1/53, phố N, phường T, quận C, Thành phố Hà Nội“có mặt”.

- Người làm chứng:

1. Bà Đỗ Thị P, sinh năm 1971; “vắng mặt”

2. Ông Đỗ Như C, sinh năm 1964; “vắng mặt”

3. Chị Tạ Thị T5, sinh năm 1998; “vắng mặt”

4. Chị Phạm Hồng P2, sinh năm 1982; “vắng mặt”

5. Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1968; “vắng mặt”

6. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1975; “vắng mặt”

7. Ông Tạ Quang S, sinh năm 1965; “vắng mặt”

8. Bà Tạ Thị T6, sinh năm 1963; “vắng mặt”

9. Bà Hoàng Thị O, sinh năm 1970; “vắng mặt”

10. Bà Tạ Thị T7, sinh năm 1969; “vắng mặt”

11. Bà Hoàng Thị X, sinh năm 1963; “vắng mặt”

12. Chị Đỗ Thị T8, sinh năm 1989; “vắng mặt”

13. Bà Tạ Thị H1, sinh năm 1956; “vắng mặt”

14. Bà Đào Thị N2, sinh năm 1948; “vắng mặt”

15. Bà Tạ Thị V2, sinh năm 1966; “vắng mặt”

16. Ông Đào Tiến T8, sinh năm 1939; “vắng mặt”

17. Bà Đào Thị N3, sinh năm 1949; “vắng mặt”

18. Ông Phan Đình T9, sinh năm 1962; “vắng mặt”

19. Bà Nguyễn Thị P3, sinh năm 1970; “vắng mặt”

20. Chị Dương Thị T10, sinh năm 1996; “vắng mặt”

21. Ông Bùi Đắc D, sinh năm 1955; “vắng mặt”

22. Anh Phạm Văn D1, sinh năm 1983; “vắng mặt”

23. Ông Nguyễn Danh T11, sinh năm 1952; “vắng mặt”

24. Anh Tạ Đăng T12, sinh năm 1971; “vắng mặt”

25. Ông Nguyễn Ngọc K, sinh năm 1941; “vắng mặt”

26. Ông Nguyễn Đăng C, sinh năm 1966; “vắng mặt” Đều địa chỉ: thôn A, xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên.

27. Ông Hà Văn T13, sinh năm 1964; Địa chỉ: thôn T, xã T T, huyện K, tỉnh Hưng Yên; “vắng mặt”

28. Anh Giang Lê T14, sinh năm 1976; Địa chỉ: thôn Đ, xã Đô, huyện K, tỉnh Hưng Yên; “vắng mặt”

29. Ông Nguyễn Ngọc Đ, sinh năm 1960; Địa chỉ: 20/28/xxx tổ 59, phường B, quận H, Thành phố Hà Nội; “vắng mặt”

30. Anh Lê Văn C1, sinh năm 1980; Địa chỉ: thôn H, xã T, huyện K, tỉnh Hưng Yên; “vắng mặt”

31. Ông Đỗ Văn H2, sinh năm 1984; Địa chỉ: đội 7, xã T, huyện T, Thành phố Hà Nội; “có mặt”

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 14 tháng 7 năm 2016, bản tự khai, các biên bản ghi lời khai, nguyên đơn ông Tạ Trọng T, bà Đỗ Thị T1 trình bày: Năm 2006, vợ chồng bà xây ngôi nhà 01 tầng, làm móng kè sắt rộng khoảng 1,2m, sâu khoảng 02m. Năm 2008, gia đình bà xây tiếp lên tầng 2 và 01 tum lợp tôn để chống nóng. Diện tích tầng một và tầng hai mỗi sàn khoảng 79m2, diện tích tum khoảng 12m2. Nguyên liệu xây tầng 1 là gạch, xi măng, cát, đá sỏi, sắt thép và vôi (tầng 2 và tum thì không dùng vôi). Cả 02 tầng đều xây bổ cột, khi đổ giằng bằng cát vàng, xi măng và sắt, tổng kinh phí xây dựng ngôi nhà khoảng 1,4 tỷ đồng, là tiền của ông bà. Gia đình đã sống ổn định, ngôi nhà không có dấu hiệu xuống cấp chưa phải sửa chữa, tu bổ.

Tháng 3 năm 2016, hàng xóm liền kề của gia đình là ông Tạ Xuân T2, bà Nguyễn Thị V xây nhà 03 tầng kiên cố, ép cọc móng sát ngay cạnh nhà, khoảng cách giữa hai ngôi nhà gần như là không có làm cho ngôi nhà của bà bị nứt rạn gây thiệt hại cho gia đình bà ước tính khoảng 500.000.000 đồng. Tại đơn khởi kiện ngày 14/7/2016, nguyên đơn đề nghị Tòa án buộc ông T2, bà V phải bồi thường số tiền 500.000.000 đồng, nhưng do ngôi nhà bị xuống cấp trầm trọng, làm ông bà phải dọn ra ngoài ở để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nên ngày 22/02/2017, nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, đề nghị Tòa án buộc ông T2, bà V phải bồi thường số tiền 1.000.000.000 đồng. Tại phiên họp kiểm tra việc giao nhận, tiếp cận công khai chứng cứ ngày 15/9/2020. bà T1 lại thay đổi yêu cầu khởi kiện, đề nghị Tòa án buộc ông T2, bà V phải bồi thường cho gia đình bà số tiền 785.832.000 đồng. Đối với chi phí thực hiện việc giám định đã có hóa đơn đỏ cụ thể là 100.000.000đ, bà T1 đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Tại bản tự khai ngày 21/02/2017 nguyên đơn ông Tạ Trọng T trình bày: Nhất trí lời khai của bà T1 là hoàn toàn đúng sự thật và có quan điểm đồng nhất với quan điểm của bà T1. Ông T đã ủy quyền cho bà T1 có toàn quyền thay ông quyết định mọi vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án và xin được vắng mặt khi Tòa án đưa vụ án ra giải quyết, xét xử.

- Tại bản tự khai, biên bản lấy lời khai bị đơn ông Tạ Xuân T2, và bà Nguyễn Thị V trình bày: Tháng 02/2016 (Âm lịch) ông bà có xây 01 ngôi nhà liền kề với ngôi nhà của ông T, bà T1 về phần phía sau nhà chứ không xây dựng song song. Ngôi nhà được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu kiên cố như xi măng, cát vàng, sắt thép chứ không dùng vôi, vị trí xây nhà của ông, bà cách tim đường 39A khoảng 22 m, ép cọc móng cách nhà ông T, bà T1 01m, còn tường liền kề phần đuôi cách nhà ông T, bà T1 là 20 cm. Trước khi xây nhà, ông bà có thuê kỹ sư xây dựng nghiên cứu địa hình, thổ nhưỡng để thiết kế bản vẽ chi tiết cho ngôi nhà. Do vậy, việc xây dựng ngôi nhà này đảm bảo được về kỹ thuật, chất lượng cũng như độ an toàn của ngôi nhà và các nhà liền kề. Toàn bộ tường đều được xây trên các đầu cọc, móng đổ bè trên đầu cọc, nên việc xây nhà của ông bà không thể ảnh hưởng đến ngôi nhà liền kề của ông T, bà T1. Toàn bộ tiền xây nhà là của ông bà không liên quan đến con cái.

Trước khi xây dựng hai bên không chụp ảnh, không lập biên bản hiện trạng và cũng không thường xuyên sang nhà nhau chơi nên ông bà không biết ngôi nhà của ông T, bà T1 rạn nứt trước hay sau khi ông bà xây nhà. Theo ông T2, bà V thì nguyên nhân khiến ngôi nhà của ông T, bà T1 bị nứt rạn, nứt vì ông T, bà T1 xây nhà không có bản vẽ thiết kế, xây chắp vá làm nhiều lần chứ không liền mạch, xây nhà quá gần quốc lộ 39A, trong khi Quốc lộ 39A hàng ngày có rất nhiều phương tiện như xe ô tô, container tải trọng lớn chạy suốt ngày đêm. Hơn nữa, nhà ông T, bà T1 lại có lò đúc nhôm hoạt động ở nhiệt độ cao ngay bên cạnh nên ngôi nhà của họ bị rạn, nứt cũng là điều dễ hiểu. Do vậy, ông T2, bà V không phải chịu trách nhiệm về việc rạn nứt nhà của ông T, bà T1.

- Tại lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phía bị đơn anh Tạ Xuân T3 trình bày: Mặc dù tại dự án VLAP năm 2009, thửa đất của ông T2, bà V xây nhà được tách thành 02 thửa trong đó 01 thửa mang tên anh, nhưng việc tách đất này chỉ là trên dự án VLAP chứ chưa làm thủ tục tách đất cho anh theo quy định của pháp luật. Do vậy, thửa đất này vẫn thuộc quyền quản lý sử dụng, định đoạt của bố mẹ anh. Việc bố mẹ anh xây nhà anh không có đóng góp gì nên không có ý kiến gì.

- Ngày 13/4/2017, Tòa án nhân dân huyện K đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ ngôi nhà của ông T, bà T1. Quá trình xem xét thẩm định thì thấy rằng khoảng cách giữa nhà ông T, bà T1 và nhà ông T2, bà V là 0,19m. Vị trí nhà ông T, bà T1 cách tim đường quốc lộ 39A là 16,69m; nhà ông T2, bà V cách tim đường 39A là 29,15m. Ngôi nhà của ông T1, bà T có nhiều vết rạn, nứt có kích thước và vị trí khác nhau. Tuy nhiên, để tìm ra nguyên nhân cũng như tính toán mức độ thiệt hại, biện pháp khắc phục, kinh phí khắc phục là bao nhiêu thì cần phải có cơ quan có trình độ chuyên môn liên quan đến xây dựng. Nên quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân huyện K đã thực hiện đầy đủ các biện pháp thu thập tài liệu chứng cứ cũng như có Công văn trao đổi với các cơ quan Nhà nước, cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đề nghị các cơ quan này phối hợp, hỗ trợ Tòa án và đương sự xác định chính xác nguyên nhân gây rạn nứt công trình, mức độ an toàn của công trình, giá trị còn lại của công trình, phương án khắc phục …, đồng thời yêu cầu ông T và bà T1 cung cấp cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc ông T2 và bà V xây nhà là nguyên nhân làm cho ngôi nhà của ông, bà bị rạn nứt, hư hỏng, xuống cấp.

Ngày 24/11/2018, bà T1 giao nộp cho Tòa án các tài liệu chứng minh đơn vị có đủ năng lực thực hiện việc giám định và có đơn đề nghị Tòa án ra quyết định trưng cầu Công ty CP Tư vấn Kinh tế Kỹ thuật Xây dựng Việt Nam (Sau đây ghi tắt là Công ty) thực hiện việc giám định sự cố công trình xây dựng cho gia đình bà. Tại Công văn trả lời Tòa án số 19/CV-VNECT ngày 24/01/2019, Công ty đã khẳng định có đủ năng lực về chuyên môn, kỹ thuật và điều kiện để thực hiện nội dung trưng cầu của Tòa án nhân dân huyện K. Theo đó, Tòa án nhân dân huyện K đã ra Quyết định trưng cầu giám định số 01/2019/QĐ-TCGĐ ngày 28/01/2019, trưng cầu Công ty thực hiện giám định các nội dung theo yêu cầu của Tòa án. Ngày 20/3/2019, Công ty đã thực hiện khảo sát, giám định và ngày 25/4/2019, Công ty đã có Báo cáo kết quả, khảo sát đánh giá hiện trạng công trình số 287/2019/HĐKT ngày 25/4/2019 (gọi tắt là báo cáo số 1).

Qua nghiên cứu nội dung của Báo cáo, Tòa án nhân dân huyện K nhận thấy Báo cáo số 01 của Công ty còn chung chung chưa có kết luận về các nội dung mà Tòa án trưng cầu nên đã có nhiều công văn yêu cầu Công ty kết luận vào trọng tâm những vấn đề Tòa án yêu cầu.

Ngày 06/5/2020, phía nguyên đơn giao nộp cho Tòa án Báo cáo kết quả, khảo sát đánh giá hiện trạng công trình số 287/2019/HĐKT không ghi ngày tháng (gọi tắt là báo cáo số 2). Đến ngày 04/8/2020, phía nguyên đơn lại tiếp tục giao nộp cho Tòa án Báo cáo kết quả, khảo sát đánh giá hiện trạng công trình số 287/2019/HĐKT ngày 25/4/2019 (gọi tắt là báo cáo số 3).

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 12/2020/DS-ST ngày 30 tháng 10 năm 2020, Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Hưng Yên đã quyết định:

Căn cứ Khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 39, Điều 91, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 161, Khoản 1 Điều 227, Điều 228; Điều 229, Điều 271, Điều 273 của BLTTDS năm 2015; Điều 584, Điều 589, Điều 605 của BLDS năm 2015. Điều 12 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:

- Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của đồng nguyên đơn ông Tạ Trọng T và bà Đỗ Thị T1 về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với số tiền 785.832.000đ (Bảy trăm tám mươi năm triệu tám trăm ba mươi hai nghìn đồng).

- Về chi phí giám định: Ông Tạ Trọng T và bà Đỗ Thị T1 phải chịu 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng) tiền chi phí giám định (ông T, bà T1 đã nộp tạm ứng số tiền này cho Công ty CP-TVKT-KTXD Việt Nam nên được đối trừ với nghĩa vụ của mình, do vậy ông T, bà T1 đã thi hành xong nghĩa vụ nộp chi phí giám định).

Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo theo quy định.

Ngày 11 tháng 11 năm 2020, nguyên đơn ông Tạ Trọng T và bà Đỗ Thị T1 kháng cáo toàn bộ bản án đề nghị xét xử theo trình tự phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện buộc bị đơn bồi thường chi phí khắc phục thiệt hại 785.832.000 đồng và chi phí giám định 100.000.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Các đương sự không thỏa thuận được về việc giải quyết vụ án.

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo. Nguyên đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho nguyên đơn xác định theo kết luận giám định thì ngôi nhà được xây dựng đảm bảo kỹ thuật, nguyên nhân lún, nứt là do tác động bên ngoài cụ thể là do ông T2, bà V xây nhà tải trọng lớn sát nhà ở của nguyên đơn, ép cọc bê tông gây rung lắc nên đề nghị áp dụng Điều 584, 585, 586, 588 và 605 Bộ luật Dân sự, sửa bản án dân sự sơ thẩm, chấp nhận sự tự nguyện của bà T1, buộc ông T2, bà V bồi thường một phần chi phí sửa chữa, bảo trì nhà ở bị lún nứt và chi phí thuê khảo sát, giám định, thuê thừa phát lại tổng cộng số tiền 600.000.000 đồng.

Bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho bị đơn xác định theo công văn số 139 ngày 27/5/2019 của Công ty nguyên nhân rạn nứt ngôi nhà là do rung chấn mạnh gây ảnh hưởng kết cấu ngôi nhà trong khi nhà xây sát Quốc lộ 39A nên bị rung chấn do phương tiện giao thông gây ra, và ngôi nhà bị đơn xây phía sau, quá trình xây dựng phía nguyên đơn không có phản ánh về việc nhà bị rạn nứt nên không có căn cứ xác định bị đơn có lỗi. Tổ chức kiểm định là tổ chức giám định tư pháp nên công ty không có chức năng giám định, Công ty có nhiều kết luận, công văn số 172 tự điều chỉnh báo cáo mà không thẩm định lại nên vi phạm Điều 7, 8, khoản 3 Điều 11, Điều 18, 19, 20 Luật Giám định tư pháp. Đối tượng yêu cầu bồi thường là ngôi nhà nhưng không được định giá tài sản nên không có căn cứ xác định giá trị còn lại của ngôi nhà làm căn cứ tính giá trị bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan và chủ quan do đó không thể xác định tỷ lệ lỗi của các bên nên nguyên đơn yêu cầu bồi thường số tiền 785.532.000 đồng là không có căn cứ. Do chưa xác định được lỗi của bị đơn nên không thể buộc bị đơn phải bồi thường chi phí định giá, nguyên đơn tự thuê công ty thứ hai để khẳng định kết quả kiểm định và mời thừa phát lại lập vi bằng thì phải tự chịu chi phí. Do đó đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự bác yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo buộc bị đơn bồi thường số tiền 885.832.000 đồng cùng chi phí giám định và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên phát biểu ý kiến:

- Việc chấp hành pháp luật của Thẩm phán, những người tiến hành tố tụng, các đương sự tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự từ khi thụ lý vụ án đến trước khi Hội đồng xét xử nghị án. Kể từ khi thụ ký vụ án đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, và các đương sự đã tuân theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự;

- Về nội dung: Kết luận số 139 ngày 27/5/2019 của Công ty về nguyên nhân gây rạn nứt ngôi nhà của bà T1 là do rung chấn mạnh, gây ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của căn nhà là có căn cứ khoa học, khách quan. Công văn số 172/CV-VNECT ngày 31/7/2020 về việc điều chỉnh báo cáo kiểm định không khách quan, khoa học. Người tham gia giám định không có chứng chỉ để chứng minh có khả năng chuyên môn và thẩm quyền theo pháp luật là vi phạm Luật Giám định tư pháp và Thông tư số 04/2014/TT- BXD ngày 22/4/2014 của Bộ Xây dựng do đó căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự bác yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo của ông T, bà T1 giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan, đầy đủ các chứng cứ, lời trình bầy của các đương sự, luật sư, người bảo về quyền và lợi ích hợp pháp, quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Xét quan điểm Công ty cổ phần Tư vấn Kinh tế Kỹ thuật Xây dựng Việt Nam (Sau đây ghi tắt là Công ty) không có chức năng giám định, người thực hiện giám định không phải là giám định viên nên kết quả giám định của Công ty không có giá trị pháp lý, thấy ngày 12/3/2020 Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên có văn bản số 178/SXD-QLCL yêu cầu Công ty “Cung cấp bản kết luận giám định theo yêu cầu của Tòa án nhân dân huyện K theo Khoản 1, Điều 1, Hợp đồng tư vấn số 2307/HĐ-HCQC đã ký kết với bà Đỗ Thị T1” và công văn số 312/SXD-QLCL ngày 27 tháng 4 năm 2020 của Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên đã xác định “Tại Điều 6, Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BXD ngày 30/3/2020 của Bộ xây dựng hợp nhất Thông tư hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng quy định Tổ chức giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc là tổ chức kiểm định xây dựng có năng lực phù hợp với đối tượng và nội dung được trưng cầu, yêu cầu giám định. Như vậy Công ty cổ phần tư vấn kinh tế kỹ thuật xây dựng Việt Nam là đơn vị đủ điều kiện giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc lĩnh vực đã được Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng số BXD- 00003442 ngày 28/8/2017 (Theo chứng chỉ Công ty được Bộ Xây dựng cấp phép hoạt động lĩnh vực Kiểm định xây dựng công trình Dân dụng hạng II)”. Theo yêu cầu của Sở Xây dựng, Công ty đã cung cấp chứng cứ chứng minh ông Trần Văn T4 có đủ điều kiện giám định nên theo Điều 18, Điều 19, và Điều 20 Luật Giám định tư pháp có đủ căn cứ xác định Kết luận giám định của Công ty phù hợp quy định của pháp luật.

[2] Theo Điều 174 Bộ luật Dân sự và Điều 8 Thông tư 05/2015/TT-BXD, ngày 30/10/2015 của Bộ Xây dựng thì khi xây dựng công trình, chủ sở hữu cần phải tuân theo các quy định pháp luật, không được làm ảnh hưởng và gây thiệt hại cho tài sản của nhà liền kề và xung quanh. Trước khi thi công chủ sở hữu công trình phải có trách nhiệm chủ động liên hệ các chủ sở hữu công trình lân cận kiểm tra hiện trạng trước khi thi công và trong quá trình thi công nếu công trình liền kề, lân cận có dấu hiệu bị lún nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ sập đổ do ảnh hưởng của việc xây dựng nhà ở gây ra, chủ nhà phải phối hợp với chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận để kiểm tra, xác định nguyên nhân và thống nhất biện pháp khắc phục. Bị đơn không thực hiện trách nhiệm của mình trước khi thi công để bảo vệ quyền lợi của của mình khi có tranh chấp nên không có căn cứ chấp nhận quan điểm của bị đơn xác định nguyên nhân lún, nứt là do nhà xây không có thiết kế, bị rung chấn do gần đường, và có lò nung gần nhà.

[3] Xét kháng cáo của nguyên đơn, thấy theo khoản 1 Điều 2 Luật giám định tư pháp “Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.” và quy định tại Điều 3 Thông tư 02/2014/TT -BXD thì trong trường hợp một bên không thống nhất với kết quả do tổ chức giám định đưa ra, bên đó có quyền mời một tổ chức khác và tự chi trả chi phí. Kết quả giám định này là căn cứ để xác định mức bồi thường... Bị đơn không phản đối kết luận của tổ chức giám định được Tòa án trưng cầu giám định, không mời tổ chức giám định tư pháp khác giám định nguyên nhân lún, nứt và không xuất trình được chứng cứ nào chứng minh cho lý do đưa ra để từ chối bồi thường cũng như chứng minh việc xây dựng nhà ở tuân thủ đúng quy định pháp luật như hồ sơ khảo sát xây dựng, phương án thi công công trình nên kết luận giám định của Công ty là căn cứ để xác định nguyên nhân lún nứt cho công trình nhà bà T1 vì có cơ sở khoa học. Thực tế gia đình ông T, bà T1 đang sinh sống bình thường trước khi gia đình ông T2, bà V xây dựng nhà liền kề và theo kết luận giám định thì “Tính toán độ lún ban đầu do tải trọng ngôi nhà nằm trong giới hạn cho phép. Hiện tượng lún nứt của công trình là do tác động từ bên ngoài” nên yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng liền kề của ông T, bà T1 là có căn cứ.

[4] Theo Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự nguyên đơn đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định tư pháp và được Tòa án chấp nhận, Kết luận và kiến nghị số 287/HĐKT ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Công ty đã xác định nguyên nhân gây xuống cấp ngôi nhà:

1. Xét công trình nhà ở của gia đình bà Thuần theo như bà Thuần trình bày được xây dựng bằng vật liệu đạt tiêu chuẩn, thi công đúng quy định, nền đất chịu tải tốt nên tự thân công trình không có sự hao tổn lún nứt. Tính toán độ lún ban đầu do tải trọng ngôi nhà nằm trong giới hạn cho phép. Do đó hiện tượng lún nứt của công trình có thể do tác động từ bên ngoài.

2. Loại trừ khả năng bị rung chấn do gần đường xe cộ qua lại vì nhiều gia đình khác có công trình tương tự không có hiện tượng nứt vậy.

3. Loại trừ nguyên nhân do động đất gây ra;

4. Căn cứ vào các đơn trình bày và xác nhận của nhiều hộ dân lân cận (có bản sao kèm theo) và lời trình bày của gia đình bà T1 có thể cho thấy tác động ngoại lực lớn gần đây nhất cho công trình là nhà hàng xóm thi công xây dựng có móng được ép cọc sát với công trình nhà bà T1. Quá trình thi công xây dựng có thể gây ra hiện tượng rung chấn và làm thay đổi cấu tạo nền đất xung quanh vị trí thi công (Ép chặt đất, phá vỡ kết cầu đất, làm đất nền trồi lên, thay đổi mực nước ngầm...) gây ra hiện tượng lún nứt cho công trình nhà bà T1 như hiện nay.

[5] Theo Công ty do không dùng phương pháp trực tiếp vì tại thời điểm khảo sát nhà bà T1 đã bị lún nứt nên dùng phương pháp loại trừ, do đó có căn cứ xác định nguyên nhân dẫn đến nhà bà T1 bị lún nứt là do quá trình thi công xây dựng nhà ông T2, bà V gây ra nên sẽ buộc ông T2, bà V phải liên đới bồi thường thiệt hại theo dự toán chi phí sửa chữa ngôi nhà của Công ty trong Kết luận giám định là số tiền 785.832.000 đồng.

[6] Theo khoản 1, 2 Điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên sẽ buộc bị đơn phải chịu chi phí giám định số tiền 100.000.000 đồng, và nguyên đơn phải chịu chi phí mời Công ty CP xúc tiến thương mại và đầu tư xây dựng Việt Nam khảo sát kiểm định và đánh giá hiện trạng công trình và thừa phát lại lập vi bằng vì không có giá trị chứng minh nguyên nhân gây lún nứt công trình.

[7] Tại phiên tòa nguyên đơn tự nguyện yêu cầu được bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng liền kề và chi phí giám định số tiền 600.000.000 đồng là phù hợp với thời gian thực tế sử dụng công trình nên được chấp nhận.

[8] Quan điểm của kiểm sát viên tại phiên tòa không phù hợp pháp luật nên không được chấp nhận.

[9] Án phí: Do sửa án sơ thẩm nên đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, bị đơn là người cao tuổi có đơn xin miễn án phí nên sẽ miễn án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự.

Chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Tạ Trọng T và bà Đỗ Thị T1, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 12/2020/DS-ST ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Hưng Yên, xử:

Áp dụng Điều 174, Điều 584, Điều 605 Bộ luật Dân sự. Khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 148, khoản 1 và 2 Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự. Nghị quyết số 01/2019/NQ- HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Nghị quyết số 326/2016/QH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận sự tự nguyện của bà Đỗ Thị T1 và ông Tạ Trọng T, buộc ông Tạ Xuân T2 và bà Nguyễn Thị V liên đới bồi thường ông Tạ Trọng T và bà Đỗ Thị T1 thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng gây ra và chi phí giám định tổng cộng số tiền 600.000.000 đồng (sáu trăm triệu đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Án phí: Ông Tạ Trọng T và bà Đỗ Thị T1 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm và án phí dân sự sơ thẩm; hoàn trả lại bà Đỗ Thị T1 số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm 12.000.000 đồng và số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm 300.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu số 0001662 ngày 07 tháng 11 năm 2016, và Biên lai thu số 0002434 ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Hưng Yên.

Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông Tạ Xuân T2, và bà Nguyễn Thị V.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự. Người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

493
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (bồi thường sáu trăm triệu đồng) số 32/2021/DS-PT

Số hiệu:32/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hưng Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 03/11/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về