Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm số 13/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BN

BẢN ÁN 13/2021/DS-PT NGÀY 21/12/2021 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TÀI SẢN BỊ XÂM PHẠM

Trong ngày 21 tháng 12 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh BN xét xử phúc thẩm vụ án thụ lý số: 26/2021/TLPT-DS ngày 10/11/2021 về “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm”.Do bản án dân sự sơ thẩm số: 14/2021/DS-ST ngày 29/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện GB, tỉnh BN bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 18/2021/QĐ-PT, ngày 02/12/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh BN, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Gia Kh, sinh năm 1945 (có mặt).

- Bị đơn: Ông Nguyễn Văn X, sinh năm 1958 (có mặt). Cùng địa chỉ: Thôn Tân H, xã Thái B, huyện GB, tỉnh BN.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan :

1. Bà Đào Thị Ch, sinh năm 1952 (vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của bà Chuyện: Ông Nguyễn Gia Kh.

2. Anh Nguyễn Hồng Th, sinh năm 1974 (vắng mặt).

3. Anh Nguyễn Quang D, sinh năm 1977 (vắng mặt).

4. Anh Nguyễn Quang Kh, sinh năm 1979 (vắng mặt).

5. Chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1982 (vắng mặt).

Ông Kh đề nghị Tòa án báo gọi, triệu tập anh Th, anh D, anh K, và chị L theo địa chỉ: Thôn Tân H, xã Thái B, huyện GB, tỉnh BN.

6. Bà Nguyễn Thị Ph, sinh năm 1956.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Phàn: Ông Nguyễn Văn X.

Cùng địa chỉ: Thôn Tân H, xã Thái B, huyện GB, tỉnh BN.

- Người làm chứng :

1. Ông Vũ Văn T, sinh năm 1955 (vắng mặt).

2. Ông Nguyễn Văn X, sinh năm 1960 và bà Đỗ Thị N, sinh năm 1960 (đều vắng mặt).

3. Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1963 (vắng mặt).

4. Bà Đỗ Thị C, sinh năm 1958 (vắng mặt).

5. Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1977 (vắng mặt).

6. Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1966 và bà Nguyễn Thị Hiên (đều vắng mặt).

7. Ông Nguyễn Văn T2, sinh năm 1969 (vắng mặt).

Cùng địa chỉ: Thôn Tân H, xã Thái B, huyện GB, tỉnh BN.

Người có kháng cáo: Ông Nguyễn Gia Kh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu trong hồ sơ thì vụ án có nội dung như sau: Nguyên đơn là Ông Nguyễn Gia Kh trình bày: Tháng 10/2009, thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, hợp tác xã thôn Tân Hương chia ruộng cho gia đình ông, trong đó ở xứ đồng Đám Mạ được chia 176m2, xứ đồng Cầu Dúc được chia 360m2. Ngoài ra, gia đình ông còn được chia ruộng ở các xứ đồng khác nữa. Trước khi thực hiện chính sách dồn điển đổi thửa, các thành viên trong hộ gia đình ông có đất gồm có: Ông Kh được quyền sử dụng 01 sào bắc bộ tương đương diện tích 360m2 và 06 thước đất phần trăm tương đương 144m2 đất. Anh Nguyễn Hồng Th được quyền sử dụng 01 sào bắc bộ tương đương diện tích 360m2 và 03 thước đất phần trăm tương đương 72m2 đất. Anh Nguyễn Quang D được quyền sử dụng 01 sào bắc bộ tương đương diện tích 360m2 và 03 thước đất phần trăm tương đương 72m2 đất. Anh Nguyễn Quang Kh được quyền sử dụng 1/2 sào bắc bộ tương đương diện tích 180m2 và 03 thước đất phần trăm tương đương 72m2 đất. Chị Nguyễn Thị L được quyền sử dụng 1/3 sào bắc bộ tương đương diện tích 120m2 về ruộng phần trăm của chị Loan có hay không thì ông không nhớ. Bà Đào Thị Ch được đất phần trăm là 03 thước, tương đương 72m2 đất. Sau khi dồn điền, đổi thửa và chia đất xong, ông cùng vợ và các con trai, con gái đã tự thống nhất với nhau phần diện tích đất của từng người. Theo đó, ông và vợ ông được sử dụng diện tích đất ở xứ đồng Đám Mạ là 176m2, ở xứ đồng Cầu Dúc là 360m2 và phần diện tích đất này đang tranh chấp với nhà Ông X liên quan đến việc sử dụng. Các phần ruộng đất còn lại là của con trai và con gái ông. Đất của các con trai, con gái ông ở chỗ khác, và không có tranh chấp gì với Ông X nên không có quyền lợi và nghĩa vụ gì liên quan đến vụ án. Trên thực tế toàn bộ phần đất ruộng được chia, chỉ có ông và vợ ông sử dụng để sản xuất, canh tác trồng lúa, nếu không làm được thì sẽ khoán cho người khác làm, chứ các con ông đều đi làm ăn xa hoặc ra ngoài công tác nên không trực tiếp canh tác, sử dụng.

Do không có điều kiện trực tiếp trồng lúa, khai thác, sử dụng đất nên phần diện tích đất ở xứ đồng Đám Mạ và xứ đồng Cầu Dúc từ khoảng năm 2015 ông đã khoán cho người khác sử dụng, trồng lúa. Ông chỉ nhớ là năm 2019 ông khoán cho anh Nguyễn Văn Tăng trồng lúa. Còn trước đó ông đã khoán ruộng cho những ai thì ông không nhớ cụ thể. Khi anh Tăng và một số nhà khác cấy ruộng khoán thì họ đã trả sản đầy đủ cho ông qua các năm, không thiếu năm nào, trả sản theo đúng diện tích đất khoán. Họ cũng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, địa phương trên phần diện tích đất được khoán. Giữa ông với những gia đình nhận cấy ruộng khoán của ông đã thanh toán tiền sản đầy đủ với nhau theo đúng diện tích đất mà nhà nước đã chia cho nhà ông, không còn bất cứ tranh chấp và vướng mắc gì.

Tháng 4/2019 ông phát hiện ra nhà ông sử dụng thiếu so với diện tích đất đã được chia. Cụ thể ở khu đồng Đám Mạ sử dụng thiếu 38m2, ở khu đồng Cầu Dúc, sử dụng thiếu 8,5m2, phần diện tích đất gia đình ông sử dụng thiếu này là do nhà Ông X đang sử dụng thừa. Do phát hiện ra thiếu đất như vậy nên ông xác định từ năm 2009 đến tháng 4/2019 tổng số năm Ông X cấy lấn sang ruộng nhà ông là 10 năm = 46,5m2 x 19 vụ = 883,5m2= 02 sào và 6,5 thước (Một thước bằng 24m2; 6,5 thước= 156m2). Ông khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết buộc Ông X phải bồi thường sản lượng cho gia đình ông theo thống kê của hợp tác xã hàng năm bằng 180kg thóc/1 sào, ông tự trừ chi phí 60kg thóc/1 sào. Tổng số 438kg thóc. Trừ chi phí: 60kg thóc/1 sào = 146kg thóc. Ông Xuyềnh phải trả 292kg thóc x 7.000đ/1 kg = 2.044.000đ.

Tiền sản lượng 180kg thóc/1 sào mà ông đòi Ông X phải trả ở đây tức là: Trung bình mỗi một vụ, khi cấy 01 sào lúa thì sẽ thu hoạch được 180kg thóc. Do có 46,5m2 đất ở hai xứ đồng Đám Mạ và Cầu Dúc của nhà ông bị Ông X cấy lấn sang 19 vụ nên ông Xuyềnh phải trả ông sản lượng của 19 vụ này x 46,5m2. Ông Kh xác định đã tính toán rất kỹ và chính xác về con số, chịu trách nhiệm về số liệu tính toán, đề nghị Tòa án giải quyết theo yêu cầu của ông, buộc Ông X phải trả tiền sản lượng thu hoạch của 19 vụ là 2.044.000đ.

Ngoài ra ông còn yêu cầu Ông X phải bồi thường tổn hại về sức khỏe và kinh tế trong thời gian Ông Kh đến các cơ quan nộp đơn từ khiếu nại, kiến nghị, mỗi lần đi bằng 100.000đ (là chi phí tiền xăng xe, tiền công đi lại).

Cụ thể như sau: 07 lần xã mời ông đến giải quyết (Không có Ông X); 04 lần xuống huyện ủy; 06 lần xuống UBND huyện; 02 lần xuống Công an huyện; 04 lần xuống Tòa án huyện; 02 lần xuống Viện kiểm sát; 02 lần gửi đơn lên tỉnh ủy;

02 lần lên UBND tỉnh. (07 lần xuống xã, 04 lần xuống huyện hủy và 06 lần xuống ủy ban là những lần ông đi đến các cơ quan này nộp đơn từ, hỏi các vấn đề liên quan và tham gia giải quyết đến tranh chấp đất giữa Ông Kh và Ông X; 02 lần xuống Công an và xuống Viện kiểm sát để hỏi về việc giải quyết liên quan đến tranh chấp giữa Ông Kh với Ông X, 02 lần lên tỉnh ủy và 02 lần lên UBND tỉnh là để nộp đơn kiến nghị, đề xuất để giải quyết vấn đề tranh chấp, 04 lần xuống Tòa án để làm các thủ tục để nộp đơn khởi kiện và hoàn thiện hồ sơ khởi kiện tại Tòa án);

06 lần xuống Tòa để làm việc giải quyết liên quan đến đơn khởi kiện của ông tại Tòa án, 06 lần này là kể từ sau thời điểm Tòa án đã thụ lý vụ án. Tòa án đã báo gọi, triệu tập xuống làm việc hoặc là tự ông xuống Tòa nộp các đơn từ, giấy tờ, chứng cứ và hỏi các vấn đề liên quan đến vụ án của ông khi đang giải quyết tại Tòa; 02 lần lên thành phố BN để lấy giấy tờ xác minh, ủy quyền của các con ông nộp cho Tòa án, giấy tờ con trai ông là Khiêm ở miền nam, gửi vào điện thoại cho ông, ông phải lên Thành phố BN mới phô tô giấy tờ đó ra và giao nộp cho Tòa án được. Tổng số 37 lần, bằng 3.700.000đ.

Toàn bộ các khoản tiền bồi thường nêu trên, ông đề nghị Tòa án giải quyết buộc Ông X phải trả ông. Vợ ông cũng nhất trí là buộc Ông X phải trả cho ông, bà Chuyện là vợ ông đã ủy quyền toàn bộ cho ông tham gia tố tụng.

Ngoài ra Ông Kh còn trình bày, thời điểm năm 2009 khi thực hiện chính sách dồn điển đổi thửa, chính quyền địa phương có tiến hành đo đạc, kiểm đếm và phân chia diện tích đất đầy đủ cho từng nhà. Sau khi đo đạc và phân chia xong, địa phương có gọi từng hộ gia đình ra nhận đất và bàn giao mô mốc cụ thể. Thời điểm đó ông có ra thực địa nhận đất, ông xác định đã nhận đúng, nhận đủ diện tích đất được địa phương chia, có mô mốc cụ thể. Quá trình cấy lúa đến năm 2019 ông mới phát hiện ra diện tích đất nhà ông bị thiếu. Do đã xác định phần diện tích đất thiếu là 46,5m2 nên phải xác định thời gian Ông X đã cấy lấn sang ruộng nhà ông là từ năm 2009 đến năm 2019. Còn nhà Ông X cho rằng ông chỉ cấy nhầm sang 01 vụ của năm 2019 nhưng không có căn cứ gì để chứng minh đề nghị HĐXX xem xét. Đến nay, phần diện tích đất nhà ông bị thiếu đã được thôn, xã xác định và các bên không có gì tranh chấp. Từ vụ mùa năm 2019 toàn bộ phần diện tích đất Ông X cấy thừa của nhà ông ở xứ đồng Đám Mạ và cầu Dúc đã được chính quyền địa phương giải quyết và bàn giao trả lại cho ông đầy đủ.

- Bị đơn là Ông Nguyễn Văn X trình bày: Phần diện tích đất trồng lúa nhà ông được chia theo chính sách dồn điển đổi thửa năm 2009 có hai mảnh giáp với nhà Ông Kh, một mảnh ở xứ đồng Cầu Dúc và một mảnh ở xứ đồng Đám Mạ. Toàn bộ phần đất này do ông và vợ là bà Phàn trực tiếp canh tác trồng lúa và sử dụng. Các con ông đi làm ăn ở ngoài nên không sử dụng canh tác mà giao cho vợ chồng ông sử dụng và phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ về tài chính đối với Nhà nước và chính quyền địa phương.

Phần diện tích đất trồng lúa của nhà ông đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Liên quan đến yêu cầu khởi kiện của Ông Kh ông hoàn toàn không đồng ý. Ông thừa nhận ở khu đồng Đám Mạ đã sử dụng thừa 38m2, ở khu đồng Cầu Dúc sử dụng thừa 8,5m2, phần diện tích sử dụng thừa này là của nhà Ông Kh. Về nội dung này ông không có ý kiến và không có tranh chấp. Tuy nhiên, ông chỉ thừa nhận là năm 2019 có cấy thừa sang phần ruộng của nhà Ông Kh tại khu đồng Đám Mạ là 38m2, khu đồng Cầu Dúc là 8,5m2 một vụ chiêm. Sau khi cấy xong một vụ chiêm, gia đình nhà Ông Kh phát hiện ra phần diện tích đất cấy ruộng còn thiếu nên đã tranh chấp, chính quyền địa phương, thôn, xã đã tổ chức đo đạc, xem xét và khẳng định vụ chiêm năm 2019 nhà ông đã cấy lúa lấn sang nhà Ông Kh. Sau đó tiến hành đo đạc, ngăn cách mô mốc lại, nhà ông đã trả lại nhà Ông Kh đúng phần diện tích đã cấy lúa lấn sang. Từ vụ mùa 2019 trở đi nhà Ông Kh đã cấy đúng đủ phần diện tích đất lúa của mình. Đối với phần diện tích đất nhà ông cấy lúa thừa của nhà Ông Kh vào vụ chiêm năm 2019, gia đình nhà ông đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính liên quan với thôn, xã theo đúng quy định.

Lý do ông đã cấy lấn sang nhà Ông Kh một vụ chiêm năm 2019 vì: Bắt đầu từ vụ chiêm năm 2019 toàn bộ phần diện tích ở khu đồng Cầu Dúc và khu đồng Đám Mạ của nhà Ông Kh đã khoán cho nhà ông Tăng cấy, ông Tăng khi cày bừa đã bừa hết mô mốc cũ đi, sau đó nhà ông Tăng ra cấy trước và đã cấy thụt vào không đúng mô mốc. Nhà ông có phát hiện ra và nói chuyện với nhà ông Tăng, thì nhà ông Tăng nói là đã chót cấy thụt vào rồi và bảo nhà ông cấy cả do vậy nhà ông mới cấy lúa cả lên phần đất ruộng mà ông Tăng chưa cấy hết. Còn trước vụ chiêm năm 2019 các nhà Nguyễn Văn Xuyênh, Nguyễn Văn Thành, Hoàng Văn Thành khi cấy ruộng khoán của nhà Ông Kh đều khẳng định vẫn cấy theo mô mốc cũ, không có thiếu thừa về diện tích và không có tranh chấp gì.

Thời điểm nhà Ông Kh không khoán ruộng cho người khác cấy mà Ông Kh tự cấy lúa thì giữa nhà ông và nhà Ông Kh cũng không có tranh chấp thiếu thừa gì về diện tích, mô mốc, các bên đều xác định là đã cấy đúng, đủ diện tích. Đến khi Ông Kh khoán ruộng cho người khác cấy thì mô mốc, tứ cận phần diện tích đất cấy lúa giáp ranh giữa nhà ông với nhà Ông Kh không có gì thay đổi, các hộ cấy lúa trên diện tích đất khoán của Ông Kh vẫn cứ mô mốc cũ mà làm.

Đối với phần diện tích đất nhà ông cấy lúa thừa của nhà Ông Kh xã, thôn đã hòa giải và thống nhất là do hộ cấy lúa của nhà Ông X đã nộp tiền sản và các khoản đóng góp đối với phần diện tích 46,5m2 đất này vào Hợp tác xã, nên Hợp tác xã sẽ trả tiền sản và các khoản đóng góp cho gia đình Ông Kh với phần diện tích đất cấy lúa thừa là 46,5m2 đất của 01 vụ chiêm là 13.200đ (Trong đó có tiền sản là 46,5m2 = 1,9kg thóc x 6000đ/1kg = 11.400đ và các khoản đóng góp 46,5m2 = 0,3kg thóc x 6.000đ/ 1kg = 1.800đ) nhưng Ông Kh không nhận. Nay Ông Kh khởi kiện, ông chỉ đồng ý trả sản và trả các khoản đóng góp cho Ông Kh của số diện tích đất cấy thừa là 46,5m2 với tổng số tiền là 13.200đ của 01 vụ chiêm năm 2019. Còn số tiền 13.200đ mà ông đã nộp vào hợp tác xã theo tính toán của hợp tác xã thì ông sẽ tự về thỏa thuận trao đổi và thống nhất với hợp tác xã sau, không yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết trong vụ án này. Việc Ông Kh đòi gia đình ông phải trả sản lượng 10 năm là không có căn cứ, ông không nhất trí.

Ông cũng không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của Ông Kh buộc ông phải trả các khoản tiền do Ông Kh phải đi đến xã, đi đến các cơ quan ban ngành của huyện, của tỉnh để nộp đơn từ, hỏi các vấn đề liên quan và tham gia giải quyết đến tranh chấp đất giữa ông và Ông Kh, các lần xuống Tòa án để làm các thủ tục để nộp đơn khởi kiện và hoàn thiện hồ sơ khởi kiện tại Tòa án, các lần Ông Kh xuống Tòa để giải quyết vụ án kể từ sau thời điểm Tòa án thụ lý vụ án….. Các yêu cầu này của Ông Kh là không có căn cứ, Ông Kh làm đơn tới các cơ quan ban ngành để giải quyết thì Ông Kh phải có trách nhiệm đi đến các nơi đó để giải quyết đơn từ của mình.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Bà Đào Thị Ch (Vợ Ông Kh) trình bày: Hoàn toàn nhất trí với lời trình bày của Ông Kh và ủy quyền toàn bộ cho Ông Kh tham gia tố tụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của bà trong vụ án.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Bà Nguyễn Thị Ph (vợ Ông X) hoàn toàn nhất trí với lời trình bày của Ông X và ủy quyền toàn bộ cho Ông X tham gia tố tụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của bà trong vụ án.

- Ông Nguyễn Văn T2 (Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thôn Tân Hương trình bày: Theo thông tin địa phương nắm được thì tất cả các hộ gia đình khi làm khoán diện tích đất cấy lúa của nhà Ông Kh hàng vụ, hàng năm đã thanh toán đầy đủ các khoản phí dịch vụ với hợp tác xã, các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, địa phương (nếu có), thanh toán theo đúng phần diện tích đất cấy lúa mà nhà Ông Kh được chia, hợp tác xã không thu thừa bất cứ khoản nào của nhà Ông Kh hoặc của các hộ đã cấy ruộng khoán nhà Ông Kh. Trong thời gian các hộ làm khoán diện tích đất cấy lúa nhà Ông Kh thì giữa các hộ làm khoán không có sự tranh chấp thiếu thừa gì về diện tích đất giữa các bên. Khi các hộ nhận làm ruộng khoán thì vẫn cấy theo mô mốc cũ của nhà Ông Kh. Đến khoảng năm 2019 nhà ông Tăng bắt đầu nhận cấy ruộng khoán của nhà Ông Kh, khi nhận cấy ruộng hai bên không ngăn mô mốc cụ thể, mà chỉ cấy cách nhau hàng lúa, thời điểm đó nhà ông Tăng thiếu mạ nên đã cấy lúa thụt vào rộng hơn so với quy định. Khi cấy thụt vào, nhà Ông X có thắc mắc là sao không cấy nốt phần diện tích mà chừa ra nhiều thế nhưng nhà ông Tăng không cấy nốt phần diện tích đất thừa, do vậy nhà Ông X mới cấy nốt sang phần còn trống.

- Bà Nga, ông Tăng, bà Hiên, bà Cúc ông Xuyênh, bà Nụ là đại diện các gia đình đã cấy ruộng khoán của nhà Ông Kh đều khẳng định: Khi làm khoán diện tích đất cấy lúa nhà Ông Kh đã thanh toán đầy đủ tiền sản cho Ông Kh theo đúng thỏa thuận giữa các bên, thanh toán tiền sản thóc theo đúng phần diện tích đất lúa Ông Kh đã được Nhà nước chia theo định xuất, không còn nợ Ông Kh bất cứ khoản tiền nào, đã thanh toán đầy đủ các khoản dịch vụ với hợp tác xã, với Nhà nước và chính quyền địa phương (nếu có), hiện nay các ông bà không còn nợ bất cứ nghĩa vụ tài chính nào đối với Ông Kh, với nhà nước, địa phương. Khi nhận diện tích đất khoán của Ông Kh, ông Xuyênh, bà Nụ, bà Nga, bà Cúc đều thừa nhận đã nhận theo mô mốc cũ, nhận đủ, đúng diện tích đất khoán theo phần diện tích đất nhà nước chia cho nhà Ông Kh. Quá trình cấy lúa không có bất cứ tranh chấp gì với các hộ xung quanh về sự thiếu thừa của diện tích đất.

- Vợ chồng ông Tăng, bà Hiên trình bày bổ sung: Bắt đầu từ vụ chiêm năm 2019, khi nhận diện tích đất khoán của nhà Ông Kh, thì Ông Kh có bàn giao mô mốc cho ông bà, ông bà cấy lúa theo đúng diện tích, mô mốc đất đã giao, không biết diện tích đất thiếu đủ như thế nào. Vợ chồng ông bà thừa nhận trước khi cấy lúa có cày bừa ruộng, và khi cày bừa là sang phẳng ruộng của tất cả các hộ, ranh giới để phân biệt ruộng nhà này với ruộng nhà kia là khi cấy, các nhà sẽ cấy cách nhau một hàng lúa. Đối với phần diện tích đất ruộng nhà ông bà đã cấy lúa thiếu nhưng ông bà đã trả sản cho nhà Ông Kh, nộp các khoản dịch vụ và nghĩa vụ tài chính với địa phương, với Nhà nước đầy đủ. Phần nộp thừa của nhà ông bà là bao nhiêu, tự ông bà với Ông Kh sẽ trao đổi, thỏa thuận với nhau, không yêu cầu và nếu có nộp thừa cho địa phương, hợp tác xã thì việc nộp thừa này cũng không đề nghị Tòa án xem xét giải quyết trong vụ án này, tự gia đình ông bà sẽ giải quyết với địa phương và hợp tác xã.

Tại Công văn trả lời số 175 ngày 10/8/2021 của UBND xã Thái Bảo có nêu: Đối với phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước được Nhà nước giao cho hộ Ông Nguyễn Gia Kh và ông Nguyễn Văn Xuềnh không phải nộp thuế, các loại phí hay nghĩa vụ tài chính gì cho Nhà nước.

Với nội dung như trên bản án sơ thẩm số 14/2021/DS-ST ngày 29/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện GB, tỉnh BN đã căn cứ khoản 2 và 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, 39, 91, 92, 147, 271, 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 115, 163, 164, 170, 584, 588, 589 Bộ luật dân sự; khoản 1 Điều 26, Điều 166, khoản 1 Điều 170 Luật đất đai năm 2013; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Ông Nguyễn Gia Kh về việc buộc Ông Nguyễn Văn X phải bồi thường tiền sản lượng của phần diện tích đất cấy lúa tại hai xứ đồng Đám Mạ và Cầu Dúc là 46,5m2 x19 vụ= 2.044.000đ.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường tiền công, tiền xăng xe đi lại của Ông Nguyễn Gia Kh khi đi đến các cơ quan liên quan để nộp đơn từ, giải quyết tranh chấp về phần diện tích đất cấy lúa tại hai xứ đồng Đám Mạ và Cầu Dúc là 46,5m2. Tổng số 37 lượt đi = 3.700.000đ.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên xử về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 04/10/2021 Ông Nguyễn Gia Kh có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn là Ông Kh trình bày, tranh luận giữ nguyên đơn khởi kiện và đơn kháng cáo; bị đơn trình bày, tranh luận giữ nguyên ý kiến của mình. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh BN tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý phúc thẩm cho đến phần tranh luận tại phiên tòa là đảm bảo theo đúng trình tự, quy định của pháp luật và đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308, 148 Bộ luật tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 14/2021/DSST ngày 29/9/2021 của TAND huyện GB.

Ông Kh không phải chịu án phí phúc thẩm (do là người cao tuổi).

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng: Xét kháng cáo của Ông Nguyễn Gia Kh được nộp trong hạn luật định, có nội dung phù hợp là kháng cáo hợp lệ nên được được xem xét giải quyết theo trình tự xét xử phúc thẩm.

[2]. Về nội dung vụ án:

Thứ nhất, về diện tích đất trồng lúa của hộ Ông Kh và Ông X tại hai xứ đồng Đám Mạ và Cầu Dúc đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quá trình giải quyết vụ án tại phiên tòa cũng như các tài liệu hòa giải tranh chấp cả nguyên đơn và bị đơn đều khẳng định phần diện tích đất trồng lúa nước Ông X đã cấy lấn sang nhà Ông Kh ở khu đồng Đám Mạ là 38m2, ở xứ đồng Cầu Dúc là 8,5m2. Tổng diện tích đất mà Ông X sử dụng của gia đình ông Khánh là 46,5m2. Hiện nay phần diện tích 46,5m2 đất trồng lúa nước này Ông X đã trả lại cho nhà Ông Kh đầy đủ, căn cứ Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự, bản án sơ thẩm công nhận các tình tiết trên là sự thật khách quan không phải chứng minh là có căn cứ.

Thứ hai, về thời gian Ông X lấn đất và trồng lúa trên phần đất nhà Ông Kh: Ông Kh cho rằng thời gian Ông X cấy lúa trên diện tích 46,5m2 là 10 năm bắt đầu từ thời điểm năm 2009, căn cứ ông Khánh đưa ra mốc thời gian này là vì thời điểm đó nhà nước thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, ruộng đất nhà ông được phân chia lại. Gia đình ông cấy lúa theo mô mốc từ đó đến nay nhưng không phát hiện ra là nhà ông cấy thiếu diện tích, đến năm 2019 ông mới phát hiện ra. Tuy nhiên, ông Khánh không đưa được căn cứ cụ thể để chứng minh cho việc gia đình Ông X sử dụng đất của nhà ông từ năm 2009.

Thứ ba, tại thời điểm ông Khánh phát hiện gia đình nhà mình bị thiếu đất ruộng thì gia đình Ông Kh không trực tiếp trồng lúa (khoảng từ năm 2015 đến vụ chiêm năm 2019). Trong khoảng thời gian này gia đình ông Khánh đều được những người nhận khoán trả đủ sản lượng khoán và được đóng đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Nếu thực sự chứng minh được thiệt hại từ việc sử dụng diện tích đất ruộng bị thiếu thì người bị thiệt hại thực tế phải là những người nhận khoán ruộng của gia đình ông Khánh.

Mặt khác, theo lời khai của các hộ gia đình đã cấy ruộng khoán nhà Ông Kh là ông Xuyênh, ông Trịnh Văn Thành, ông Hoàng Văn Thành thì các hộ này đều xác định là cấy đúng, đủ diện tích. Trong quá trình cấy ruộng nhà ông Khánh đã trả tiền sản cho nhà Ông Kh đầy đủ, đã nộp các khoản đóng góp và các nghĩa vụ tài chính đầy đủ với Nhà nước với địa phương, không có ý kiến thắc mắc, không yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết vấn đề gì. Ngay cả thời điểm tại vụ chiêm năm 2019, khi nhà ông Tăng cấy ruộng bị thiếu, thì ông Tăng vẫn trả sản đầy đủ cho Ông Kh, vẫn nộp các khoản phí dịch vụ đối với địa phương trên phần diện tích đất Ông Kh đã khoán, gia đình ông Tăng cũng không có bất kỳ yêu cầu gì đối với việc gia đình ông Xuyềnh cấy sang phần ruộng mà ông đã nhận khoán của ông Khánh. Gia đình ông Khánh cũng được nhận sản đủ và để cho những người nhận khoán ruộng canh tác bình thường mà không có bất kỳ khiếu nại gì trong suốt khoảng thời gian từ năm 2015- vụ chiêm 2019. Như vậy, việc bản án sơ thẩm nhận định tại thời điểm năm 2019 mặc dù ông Khánh phát hiện ra ruộng nhà mình bị thiếu thì gia đình ông Khánh cũng không phát sinh thiệt hại gì là có căn cứ.

Thứ tư, tại thời điểm gia đình Ông Kh trực tiếp trồng lúa (Từ khoảng năm 2009 đến năm 2015): Ông Kh thừa nhận thời điểm năm 2009 khi thực hiện chính sách dồn điển đổi thửa, chính quyền địa phương có tiến hành đo đạc, kiểm đếm và phân chia diện tích đất đầy đủ cho từng nhà. Sau khi đo đạc và phân chia xong, địa phương có gọi từng hộ gia đình ra nhận đất và bàn giao mô mốc cụ thể. Ông Kh có ra nhận đất và đã nhận đúng, nhận đủ diện tích đất được địa phương chia, có mô mốc cụ thể. Nhận ruộng xong, gia đình ông trồng lúa theo đúng mô mốc, diện tích đất mà địa phương đã chia. Sau này khi khoán cho các hộ khác trồng lúa thì ông căn cứ vào mô mốc địa phương đã chia từ thời điểm năm 2009 để khoán cho các hộ. Thời điểm gia đình ông trực tiếp trồng lúa thì cũng không có tranh chấp gì về phần diện tích đất đối với nhà Ông X. Trình bày của Ông Kh là phù hợp với lời trình bày của các hộ đã cấy ruộng khoán của nhà Ông Kh (ông Xuyênh, ông Trịnh Văn Thành ông Hoàng Văn Thành) là khi nhận đất khoán thì nhận đúng, đủ diện tích đất, không có tranh chấp gì, nhận đúng mô mốc cũ từ trước của nhà Ông Kh.

Như vậy qua các tài liệu chứng cứ mà Tòa án đã thu thập được chỉ có căn cứ xác định tại thời điểm năm 2019, khi nhà ông Tăng cấy ruộng khoán của nhà Ông Kh thì đã cấy thiếu 46,5m2 ở cả hai khu đồng Đám Mạ và Cầu Dúc. Ông Kh cho rằng nhà mình đã bị nhà Ông X cấy lấn sang 19 vụ nhưng không cung cấp được chứng cứ, tài liệu chứng minh. Trong khi bản án sơ thẩm đã làm rõ được thời gian từ năm 2009 đến vụ chiêm năm 2019 (trước thời điểm nhà ông Tăng cấy ruộng khoán của nhà Ông Kh) thì bản thân Ông Kh và các hộ cấy ruộng khoán của nhà Ông Kh trước đó đều cấy đúng, cấy đủ diện tích. Mặc dù năm 2019 ông Xuyềnh thừa nhận có cấy lấn sang ruộng nhà ông Khánh là 46,5m2 nhưng thời điểm này gia đình ông Khánh không canh tác mà khoán cho gia đình ông Tăng cấy lúa, ông Tăng đã thanh toán đầy đủ nghĩa vụ cho gia đình ông Khánh và ông Tăng cũng không có yêu cầu gì đối với việc gia đình ông Xuyềnh cấy sang phần ruộng mà gia đình ông nhận khoán. Do ông Khánh không phát sinh thiệt hại nên cũng không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Ông X với ông Khánh. Việc bản án sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm là 2.044.000đ/19 vụ/diện tích lấn chiếm 46,5m2 là có căn cứ.

Thứ năm, do không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Ông X đối với ông Khánh nên bản án sơ thẩm đã bác yêu cầu của ông Khánh về việc buộc Ông X phải bồi thường 3.700.000đ tiền công, tiền xăng xe đi lại của Ông Nguyễn Gia Kh khi đi đến các cơ quan liên quan để nộp đơn từ, giải quyết tranh chấp là có căn cứ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Khánh cũng không đưa được ra căn cứ nào để Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo, cần bác toàn bộ kháng cáo của ông Khánh, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[3]. Án phí: Ông Kh phải chịu án phí theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Thụ trên 60 tuổi nên theo quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì thuộc trường hợp miễn án phí nên Hội đồng xét xử miễn toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm cho Ông Kh.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 148; khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; Các Điều 115, 163, 164, 170, 584, 588, 589 Bộ luật dân sự; khoản 1 Điều 26, Điều 166, khoản 1 Điều 170 Luật đất đai năm 2013; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Xử: Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Ông Nguyễn Gia Kh về việc buộc Ông Nguyễn Văn X phải bồi thường tiền sản lượng của phần diện tích đất cấy lúa tại hai xứ đồng Đám Mạ và Cầu Dúc là 46,5m2 x19 vụ= 2.044.000đ.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường tiền công, tiền xăng xe đi lại của Ông Nguyễn Gia Kh khi đi đến các cơ quan liên quan để nộp đơn từ, giải quyết tranh chấp về phần diện tích đất cấy lúa tại hai xứ đồng Đám Mạ và Cầu Dúc là 46,5m2. Tổng số 37 lượt đi = 3.700.000đ.

3. Về án phí: Miễn toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm cho Ông Nguyễn Gia Kh.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

169
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm số 13/2021/DS-PT

Số hiệu:13/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về