Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm số 32/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

BẢN ÁN 32/2023/DS-PT NGÀY 10/03/2023 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM

Ngày 10 tháng 3 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 01/2023/TLPT-DS ngày 12 tháng 01 năm 2023 về việc “tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 77/2022/DSST ngày 22 tháng 11 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 36/2023/QĐPT-DS ngày 23 tháng 02 năm 2023, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Q, sinh năm: 1969; Cư trú tại: Khóm Tân V, thị trấn Tân Q, huyện B, tỉnh Vĩnh Long.

- Bị đơn: Ông Nguyễn Văn H, sinh năm: 1967; HKTT: Khóm Tân V, thị trấn Tân Q, huyện B, tỉnh Vĩnh Long; Nơi tạm trú: Ấp Tân L, xã T, huyện B, tỉnh Vĩnh Long.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Anh Đào Thanh N1, sinh năm: 1998; Cư trú tại: Ấp Tân L, xã T, huyện B, tỉnh Vĩnh Long. (Văn bản ủy quyền ngày 15/02/2022).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thị Phương N2, sinh năm: 1964; Cư trú tại: Ấp Tân L, xã T, huyện B, tỉnh Vĩnh Long.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Nguyễn Thị Q và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị Phương N2.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện ngày 06 tháng 12 năm 2021, đơn khởi kiện bổ sung ngày 02 tháng 3 năm 2022 và trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn bà Nguyễn Thị Q trình bày:

Vào khoảng 12 giờ ngày 10/10/2019, mẹ bà là cụ Tăng Thị B cùng anh trai bà là ông Nguyễn Hữu M đến ấp Tân L, xã T, huyện B, tỉnh Vĩnh Long để thăm mảnh đất và phát hiện ông H có đặt một số chậu kiểng trên đất của cụ B, ông M và cụ B đến nhà bà H1 (vợ ông H) để hỏi ông H “khi nào dời mấy chậu mai ra khỏi đất”. Ông H đã trả lời cụ B “Bà về bển đi, tôi uống xong mấy chai bia tôi sẽ đập bể đầu con bà”. Sau đó, cụ B quay trở về nhà và kể lại sự việc cho chị em bà nghe (gồm Nguyễn Thị Q, Nguyễn Thị Phương N2, Nguyễn Thị Phương O). Nghe xong chị em bà đã đến nhà ông H để nói chuyện nhằm mục đích ngăn chặn việc ông H xúc phạm mẹ của bà. Khi đến trước nhà ông H, bà N2 đứng ở phía ngoài, bà vào bên trong một mình. Lúc này ông H từ phía sau bất ngờ tấn công bà N2 và bà O. Lúc đầu ông H dùng tay để đánh nhưng sau đó ông H dùng chai nước ngọt (có nước bên trong chai) đập vào đầu bà N, nhưng bà không xác định được có gây thương tích hay không. Vì thấy chị mình bị ông H đánh nên bà chạy đến ngăn cản và ông H có dùng chân đá, đạp vào bụng bà. Khi bà bị ngã người ra phía sau thì ông H cầm chai nước ngọt thứ hai (có nước bên trong chai) đập vào đầu bà nhưng do nón bảo hiểm tuột ra khỏi đầu nên bà bị rách da đầu chảy máu làm bà ngất xỉu. Lúc này có con gái của bà là chị Bùi Thị Mỹ T chứng kiến và cũng bị ông H đá, đạp vào người. Sau đó, bà được đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực kết hợp quân dân y T sơ cứu. Cùng ngày 10/10/2019, bà được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương C để điều trị đến ngày 18/10/2019 thì ra viện với tổng chi phí điều trị là 15.069.572 đồng. Đến ngày 06/11/2019 bà tái khám tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương C với số tiền 597.696 đồng. Lúc nằm viện điều trị và khi về nhà chờ hồi phục, bà được bà Nguyển Thị Phương N2 chăm sóc tổng cộng là 30 ngày. Bà N2 bán hoa quả, trái cây thu nhập trung bình 200.000 đồng/ngày.

Bà yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Nguyễn Văn H bồi thường thiệt hại cho bà các khoản sau: Tiền viện phí và thuốc 15.069.572 đồng; Tiền tổn thất tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm là 50 tháng lương cơ sở bằng 74.500.000 đồng; Tiền ngày công lao động do chấn thương vùng đầu ảnh hưởng đến sức lao động, bà nghỉ 03 tháng (90 ngày), mỗi ngày bà thu nhập từ bán quán nước trung bình là 200.000 đồng/ngày, tổng cộng tiền mất thu nhập của bà bằng 18.000.000 đồng; Tiền ngày công lao động của người nuôi bệnh (bà N2) 30 ngày (từ ngày 10/10/2019 đến ngày 10/11/2019) là 6.000.000 đồng; Chi phí đi lại khám bệnh và tiền ăn, tiền bồi dưỡng trong thời gian 90 ngày (từ ngày 10/10/2019 đến ngày 10/01/2020) là 5.000.000 đồng. Tổng cộng các khoản bằng 118.569.572 đồng.

Tại bản tự khai ngày 03/3/2022 và trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn ông Nguyễn Văn H do người đại diện hợp pháp là anh Đào Thanh N1 trình bày: Vào lúc 10 giờ 45 phút ngày 10/10/2019, ông Nguyễn Hữu M là anh ruột của bà Nguyễn Thị Phương H1 (vợ ông H) đến nhà ông H và yêu cầu ông phải dời các chậu kiểng, ông H chưa kịp di dời thì ông M đã đập phá hàng loạt chậu kiểng. Sau đó, ông H cùng ông Mai Thái P vào quán Thành Đ gần nhà để nhậu, thì nghe tiếng bà H hô lên vì bà Nguyễn Thị Phương O, bà Nguyễn Thị Phương N2 và bà Nguyễn Thị Qxông vào nhà kiếm ông H gây sự và đập phá đồ đạc. Thấy vậy, ông H chạy về nhà và vừa tới cửa thì lập tức bà O, bà N và bà Q lao vào bóp cổ, tấn công gây thương tích cho ông H, trong hoàn cảnh đó ông H đã dùng chai nước ngọt đánh vào đầu bà Q, mục đích gây thương tích bà Q là để áp chế hành vi tấn công và nhằm răn đe cảnh cáo bà O, bà N2 không hành hung, đập phá đồ đạc của ông H nữa, mặc dù trước đó ông H đã yêu cầu bà O, bà N2 buông ra. Bà Q cùng bà N2 đã có hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản, đập bể một cửa kính nhôm, làm hư hỏng phần đầu đèn xe nhãn hiệu Wave và gây thương tích cho ông H ở phần đầu (thái dương bên phải). Quá trình giải quyết tại Cơ quan điều tra ông H đã rút đơn yêu cầu khởi tố và không yêu cầu bồi thường thiệt hại (tài sản, sức khỏe...), song bà Q vẫn liên tục gửi đơn tố cáo ông H đến Công an huyện B. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra đã kết luận việc ông H dùng chai bia là hung khí nguy hiểm đánh bà Q là cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần kích động mạnh, song hành vi trên không cấu thành tội phạm do thương tích của bà Qlà 8%. Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra Cơ quan Công an cũng chứng minh được bà Q, bà O, bà N2 đã có hành vi trái pháp luật, như xâm phạm chỗ ở hợp pháp công dân, cố ý làm hư hỏng tài sản và gây thương tích. Từ đó, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra huyện B đã bác toàn bộ đơn khiếu nại và giữ nguyên quan điểm không khởi tố vụ án hình sự. Ông H thừa nhận có đánh bà Q nhưng không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của bà Q vì ông H cho rằng ông phòng vệ chính đáng. Ngoài ra, ông không đồng ý bồi thường các khoản theo yêu cầu của bà N2 vì ông H không đánh bà N2.

Tại đơn yêu cầu độc lập ngày 06/9/2022 và trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị Phương N2 trình bày:

Bà thống nhất lời trình bày của bà Nguyễn Thị Q về nội dung sự việc xảy ra vào ngày 10/10/2019. Bà là người bị ông H đánh trước (đánh lén) và gây thương tích cho bà (sưng ở vùng đầu, khó thở ở vùng ngực). Vào thời điểm bà bị ông H đánh, bà không đi khám cũng như nhập viện để điều trị các vết thương do phải chăm sóc bà Q ở bệnh viện. Sau đó, bà thấy khó chịu nên đã đến bệnh viện B để khám. Cụ thể các lần khám và điều trị của bà như sau: Vào ngày 23/10/2019, ngày 12/11/2019, ngày 16/12/2019 khám bệnh và được bác sĩ ở Trung tâm y tế huyện B ra đơn thuốc về uống. Ngày 17/12/2019 khám bệnh và nhập viện điều trị tại Trung tâm y tế huyện B do bị rối loạn chức năng tiền đình đến ngày 25/12/2019 được xuất viện (Hóa đơn bán hàng ngày 25/12/2019). Vào các ngày 13/02/2020, ngày 27/02/2020 tái khám bệnh và được bác sĩ Trung tâm y tế huyện B ra đơn thuốc về uống. Sức khỏe và tinh thần hiện tại của bà đã giảm sút, khả năng lao động kém. Vì vậy, bà yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông H bồi thường các khoản: Tiền mất thu nhập 90 ngày (từ ngày 10/10/2019 đến ngày 10/01/2020), do bà làm nghề mua bán hàng rong trung bình 200.000 đồng/ngày, tổng cộng bằng 18.000.000 đồng; Tiền bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, tổn thất tinh thần, tiền chi phí bảo hiểm cả năm (tiền mua bảo hiểm trong một năm), tiền chi phí thuốc để điều trị tiếp tục sau này (trong thời gian một năm kể từ ngày 10/10/2019, bà phải sử dụng thuốc uống điều trị) là 14.900.000 đồng; Tiền chi phí ăn uống trong thời gian bà nằm viện là 2.000.000 đồng; Hóa đơn thanh toán tiền viện phí (đã trừ bảo hiểm) 403.827 đồng. Tổng cộng các khoản bằng 35.303.827 đồng.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 77/2022/DSST ngày 22 tháng 11 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đã quyết định:

Áp dụng các Điều 584, Điều 585, Điều 586, Điều 590 và Điều 357 của Bộ luật Dân sự 2015; khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 229, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; điểm d khoản 1 Điều 12 và khoản 4 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Q. Buộc ông Nguyễn Văn H bồi thường thiệt hại sức khỏe cho bà Nguyễn Thị Q bằng 10.497.800 đồng (Mười triệu bốn trăm chín mươi bảy nghìn tám trăm đồng).

2. Không chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Nguyễn Thị Phương N2 yêu cầu ông Nguyễn Văn H bồi thường 35.303.827 đồng (Ba mươi lăm triệu ba trăm lẻ ba nghìn tám trăm hai mươi bảy đồng).

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí sơ thẩm, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của đương sự theo luật định.

Ngày 07 tháng 12 năm 2022, nguyên đơn bà Nguyễn Thị Q có đơn kháng cáo với nội dung yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng buộc ông Nguyễn Văn H bồi thường cho bà toàn bộ số tiền bồi thường thiệt hại theo yêu cầu khởi kiện là 118.569.572 đồng.

Ngày 07 tháng 12 năm 2022, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị Phương N2 có đơn kháng cáo với nội dung yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng buộc ông Nguyễn Văn H bồi thường thiệt hại cho bà về tổn thất về tinh thần, mất ngày công lao động với tổng số tiền là 35.303.827 đồng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử và Thư ký đã tiến hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung: Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà Q, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà N2. Áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa một phần bản án sơ thẩm. Buộc bị đơn ông Nguyễn Văn H phải bồi thường thiệt hại các chi phí điều trị, mất thu nhập cho bà Q là 10.887.317 đồng. Bà Q, bà N2 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn vẫn giữ nguyên đơn khởi kiện, nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, các đương sự cũng không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và cũng không có nộp thêm chứng cứ nào khác.

Qua chứng cứ có trong hồ sơ, lời trình bày tranh luận của các đương sự, ý kiến Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Về tố tụng:

Ngày 22 tháng 11 năm 2022, Tòa án nhân dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long tuyên án sơ thẩm. Ngày 07 tháng 12 năm 2022, nguyên đơn bà Nguyễn Thị Q và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị Phương N2 nộp đơn kháng cáo là còn trong thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Về nội dung:

[2.1] Tại biên bản sự việc ngày 10/10/2019 của Công an xã T, huyện B, tỉnh Vĩnh Long thể hiện xảy ra sự việc đánh nhau giữa bà Nguyễn Thị Q và bà Nguyễn Thị Phương N2 với ông Nguyễn Văn H, dẫn đến hậu quả bà Q bị thương tích ở vùng đầu phải điều trị tại bệnh viện. Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện B tiến hành điều tra và quyết định trưng cầu Trung tâm pháp y – Sở Y tế Vĩnh Long giám định, kết luận tỷ lệ thương tật của bà Q là 8% và của ông H là 2%. Kết thúc quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện B đã ban hành quyết định số 05/QĐ-CQCSĐT ngày 07/3/2020 không khởi tố vụ án hình sự do hành vi không cấu thành tội phạm, nên bà Q đã khởi kiện yêu cầu ông H bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà tổng cộng là 118.569.572 đồng nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận số tiền bồi thường 10.497.800 đồng. Cho nên, bà Q kháng cáo yêu cầu ông H bồi thường thiệt hại là 118.569.572 đồng. Căn cứ vào Điều 584, Điều 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các đơn toa thuốc, chứng từ chi phí điều trị mà bà Q cung cấp cho Tòa án cấp sơ thẩm có một phần chi phí chưa phù hợp với quy định nêu trên. Do đó, cần xem xét các chi phí điều trị cho phù hợp.

Chi phí khám bệnh, chữa bệnh: Ngày 10/10/2019, bà Q được sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực kết hợp quân dân y T và chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương C (nhập viện ngày 10/10/2019, ra viện ngày 18/10/2019) với số tiền là 7.243.438 đồng; ngày 21/10/2019, bà Q tái khám tại Bệnh viện Đa khoa khu vực kết hợp quân dân y T với số tiền là 224.000 đồng; ngày 06/11/2019, bà Q tiếp tục tái khám tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương C với số tiền là 667.969 đồng, tổng chi phí khám chữa bệnh thực tế là 8.135.407 đồng, nhưng bà Q yêu cầu 15.069.572 đồng trong đó trùng lắp 03 hóa đơn thể hiện hóa đơn (BL11) số tiền 953.028 đồng, hóa đơn (BL12) số tiền 3.052.000 đồng, hóa đơn (BL13) số tiền 3.118.910 đồng, tổng cộng số tiền 7.123.938 đồng nên không chấp nhận số tiền này. Về chi phí thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đến cơ sở khám chữa bệnh và trở về nơi ở, xét chi phí thực tế 2.000.000 đồng là phù hợp và có căn cứ nên được chấp nhận.

Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho bà Q: Bà Q yêu cầu chi phí bồi dưỡng sức khỏe là 3.000.000 đồng. Xét bà Q nằm viện trong thời gian 09 ngày (từ ngày 10/10/2019 đến ngày 18/10/2019) và tái khám 02 ngày (ngày 21/10/2019, ngày 06/11/2019) nên căn cứ điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/6/2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì “chi phí bồi dưỡng được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám bệnh và được xác định theo số ngày trong hồ sơ bệnh án” và “ngày lương tối thiểu vùng được xác định là 01 tháng lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định chia cho 26 ngày”. Đối chiếu quy định tại mục 2 phụ lục danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2019, điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 157/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì Bệnh viện Đa khoa Trung ương C thuộc khu vực II và có mức lương tối thiểu vùng là 3.710.000 đồng/tháng. Do đó, chấp nhận chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho bà Q theo số ngày trong hồ sơ bệnh án là 11 ngày x 3.710.000 đồng/26 ngày = 1.569.615 đồng.

Về thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút: Bà Q yêu cầu tiền mất thu nhập vì không lao động được do bị đánh 90 ngày, mỗi ngày 200.000đ = 18.000.000 đồng. Xét bà Q nhập viện lần đầu tại Bệnh viện đa khoa Trung ương C là ngày 10/10/2019, xuất viện ngày 18/10/2019, đến ngày 21/10/2019 và ngày 06/11/2019, bà Q tiếp tục tái khám tại Bệnh viện đa khoa Trung ương C. Như vậy, tổng thời gian điều trị bệnh và phục hồi sức khỏe của bà Q kéo dài từ ngày 10/10/2019 đến ngày 06/11/2019 là 27 ngày và tại tòa phúc thẩm bà Q cũng chấp nhận thời gian mất thu nhập của bà là 27 ngày. Cho nên, cấp sơ thẩm chấp nhận thu nhập bị mất trong 09 ngày là không phù hợp. Tại phiên tòa, bà Q và ông H thừa nhận mức thu nhập trung bình của lao động tại địa phương là 200.000 đồng/ngày nên thu nhập bị mất của bà Q được bồi thường là 27 ngày x 200.000 đồng/ngày = 5.400.000 đồng.

Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại: Bà Q yêu cầu bồi thường thu nhập bị mất của bà N2 trong thời gian 30 ngày là 6.000.000 đồng. Xét bà N2 trực tiếp chăm sóc bà Q trong thời gian nằm viện là 9 ngày nên chỉ chấp nhận thu nhập thực tế bị mất của bà N2 trong thời gian chăm sóc bà Q nằm viện là 9 ngày x 200.000 đồng = 1.800.000 đồng.

Bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần: Bà Q yêu cầu bồi thường 50 tháng lương cơ sở bằng 74.500.000 đồng nhưng tỷ lệ thương tật của bà Q là 8% và qua thu thập chứng cứ của vụ án thể hiện sau khi xuất viện thì bà Q vẫn tới lui sinh hoạt và đi tái khám, do đó chỉ chấp nhận mức bồi thường để bù đắp tổn thất về tinh thần mà bà Q 4 tháng lương cơ sở là có căn cứ: 1.490.000 đồng/tháng x 4 tháng = 5.960.000 đồng.

Với căn cứ nêu trên thì chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe cho bà Q có cơ sở chấp nhận gồm chi phí điều trị: 8.135.407 đồng, chi phí thuê phương tiện điều trị: 2.000.000 đồng, chi phí bồi dưỡng sức khỏe là 1.569.615 đồng, phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc là 1.800.000 đồng, thu nhập bị mất của bà Q là 5.400.000 đồng, tổn thất tinh thần là 5.969.000 đồng, tổng cộng là 24.874.022 đồng.

Tuy nhiên, sự việc xảy ra giữa hai bên dẫn đến hậu quả bà Q có tỷ lệ thương tật là 8%, thiệt hại xảy ra đối với bà Q là kết quả tất yếu từ hành vi của ông H dùng chai nước ngọt đập vào đầu bà Q gây thương tích, nhưng khi xảy ra sự việc thì bà Q cũng có một phần lỗi nên phải chịu thiệt hại trên phần lỗi do mình gây ra là 30%, ông H có lỗi nhiều hơn nên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà Q tương ứng với mức lỗi gây ra là 70%. Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 585 của Bộ luật Dân sự năm 2015, ông H phải bồi thường cho bà Q số tiền 24.874.022 đồng x 70% = 17.412.000 đồng.

[2.2] Bà N2 kháng cáo yêu cầu ông H bồi thường cho bà khoản tiền tổn thất về tinh thần, mất ngày công lao động với tổng số tiền là 35.303.827 đồng. Sau khi xảy ra sự việc bà N không có điều trị tại cơ sở y tế hay tại nhà mà vẫn chăm sóc cho bà Q tại bệnh viện. Đến ngày 23/10/2019, bà mới đến Trung tâm y tế huyện B khám bệnh với chuẩn đoán đụng dập đầu gối – thiếu calci do chế độ ăn và từ ngày 17/12/2019 đến ngày 25/12/2019 bà nhập viện điều trị với chuẩn đoán rối loạn chức năng tiền đình, đau vùng cổ gáy thoái hóa khớp gốc trái, thiếu máu. Xét các bệnh của bà N2 là bệnh mãn tính không phải do tác động ngoại lực gây ra, hơn nữa sau khi sự việc xảy ra bà N2 không có điều trị tại cơ sở y tế mà vẫn có thể chăm sóc cho bà Q tại bệnh viện, đến ngày 23/10/2019 bà N2 mới khám bệnh nên không có cơ sở xác định những thiệt hại do sức khỏe của bà N2 là do hành vi của ông H gây ra. Đồng thời, tại biên bản lấy lời khai ngày 21/10/2019 và ngày 16/12/2019 của Cơ quan cảnh sát điều tra huyện B, bà N2 đều xác định ông H có cầm chai nước ngọt đánh vào đầu bà nhưng không gây thương tích do bà có đội mũ bảo hiểm. Riêng yêu cầu về mất ngày công lao động trong thời gian chăm sóc người bị thiệt hại, phần yêu cầu này bà Q đã yêu cầu và được chấp nhận một phần nên Hội đồng xét xử không xem xét yêu cầu này của bà N2.

Từ những căn cứ nêu trên chấp nhận một phần kháng cáo của bà Q, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà N2, sửa một phần bản án sơ thẩm số: 77/2022/DSST ngày 22 tháng 11 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.

Chấp nhận một phần khởi kiện của bà Nguyễn Thị Q. Buộc ông Nguyễn Văn H bồi thường cho bà Q với số tiền là 17.412.000 đồng.

Không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà N2.

[3] Xét thấy đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát có một phần phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[4] Án phí dân sự:

Ông H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trên số tiền có nghĩa vụ bồi thường cho bà Q: 17.412.000 đồng x 5% = 870.600 đồng. Bà Q, bà N2 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 12, Điều 26, Điều 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Áp dụng Điều 584, Điều 585, Điều 586, Điều 587, Điều 590, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 7 Nghị quyết số 02/2022/NQ- HĐTP ngày 06/6/2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Tuyên xử:

Chấp nhận một phần kháng cáo của bà Nguyễn Thị Q, không chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị Phương N2; sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số: 77/2022/DSST ngày 22 tháng 11 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Q.

Buộc ông Nguyễn Văn H có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bà Nguyễn Thị Q với số tiền là 17.412.000 đồng. (Mười bảy triệu bốn trăm mười hai ngàn đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Không chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Nguyễn Thị Phương N2 yêu cầu ông Nguyễn Văn H bồi thường số tiền 35.303.827 đồng.

3. Về án phí dân sự:

Ông Nguyễn Văn H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 870.600 đồng. Bà Nguyễn Thị Q, bà Nguyễn Thị Phương N2 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

4. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án; quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

459
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm số 32/2023/DS-PT

Số hiệu:32/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Vĩnh Long
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 10/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về