Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm số 2860/2022/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 2860/2022/DS-ST NGÀY 28/07/2022 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM

Ngày 28 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 404/2021/TLST-DS ngày 19 tháng 5 năm 2021 về việc “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 4307/2022/QĐXXST-DS ngày 30 tháng 6 năm 2022, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Trần Văn T, sinh năm 1981 (có mặt) Thường trú: xã C, huyện P, tỉnh Bình Định.

Tạm trú: Đường T, Khu phố B, phường T, thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:

Luật sư Bùi Trọng H – Công ty Luật B.C.M thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương (có mặt).

Địa chỉ: Đường Đ, Phường H, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Bị đơn: Ông Lê A, sinh năm 1976 (có mặt) Cư trú: Đường T, Khu phố B, phường T, thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Trần Thị Mỹ H, sinh năm 1985 (có mặt) Thường trú: xã C, huyện P, tỉnh Bình Định.

Tạm trú: Đường T, Khu phố B, phường T, thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Người làm chứng:

Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1992 (có đơn xin vắng mặt) Thường trú: E, huyện S, tỉnh Phú Yên.

Cư trú: Đường T, Khu phố B, phường T, thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Nguyên đơn ông Trần Văn T trình bày:

Ngày 10/6/2020, ông Trần Văn T bị ông Lê A từ phía sau dùng lưỡi búa đánh thẳng vào đầu tại cửa Bắc chợ Phú Thuận, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông T bị thương nặng nên được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau đó, ông T đã tố cáo ông A đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 7 và yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi của ông A gây ra. Kết luận giám định ngày 03/7/2020 của Trung tâm pháp y – Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và Kết luận giám định ngày 30/7/2020 của Viện pháp y quốc gia Phân viện tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 01%.

Ông T khởi kiện yêu cầu ông A bồi thường thiệt hại với số tiền 328.577.000 đồng, trừ số tiền đã bồi thường 20.000.000 đồng, còn lại là 308.577.000 đồng, bao gồm:

+ Chi phí khám chữa bệnh: 16.502.000 đồng, chi phí này bao gồm các chi phí khám chữa bệnh, rửa vết thương, tiền thuốc tại 03 cơ sở khám chữa bệnh là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Tâm thần Bình Định trong khoảng thời gian từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2021.

+ Chi phí đi lại khám chữa bệnh: 3.575.000 đồng, là chi phí thuê xe đưa đi đến cơ sở khám chữa bệnh và đi về nhà vì ông T không tự lái xe máy được.

+ Chi phí bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe: 150.0000 đồng/ngày, tính từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2021 là 11 tháng, tương đương số tiền: 49.500.000 đồng, chi phí này là chi phí ăn uống của một người bình thường trong một ngày. Khi bị thương tật, ông T có chế độ ăn uống theo nhu cầu của người bệnh với chi phí cao hơn nhưng ông T chỉ yêu cầu như mức người bình thường, không bị thương tật gì.

+ Thu nhập thực tế bị mất là 500.000 đồng/ngày, tính từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2021 là 11 tháng, tương đương số tiền: 165.000.000 đồng. Từ tháng 6/2020 đến nay, ông T không đi làm được, không tạo ra thu nhập, chỉ ở nhà ăn uống, nghỉ ngơi, không làm công việc gì. Khi chưa bị thương tật, thu nhập hàng tháng của ông T là 15.000.000 đồng/tháng, cũng có tháng cao hơn, tháng thấp hơn nhưng không có dưới 15.000.000 đồng/tháng. Bà H cũng là người buôn bán hành, tỏi như ông T, vợ chồng buôn bán riêng, thu nhập hàng tháng của bà H cũng 15.000.000 đồng.

+ Chi phí và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc trong thời gian 01 tháng: 19.500.000 đồng, bao gồm thu nhập buôn bán hành tỏi 15.000.000 đồng/tháng (tương đương 500.000 đồng/ngày) và chi phí ăn uống của bà H trong 01 tháng là 4.500.000 đồng (tương đương 150.000 đồng/ngày). Trong thời gian 01 tháng ông T bị thương tật, mọi sinh hoạt đều do vợ là bà Trần Thị Mỹ H chăm lo, bà H không đi buôn bán hành, tỏi được nên mất thu nhập và trong thời gian này bà H cũng phải ăn uống để chăm sóc cho ông T.

+ Chi phí tổn thất về tinh thần 74.500.000 đồng, tương đương 50 tháng lương cơ sở (lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng).

Ngoài ra, nguyên đơn không còn yêu cầu nào khác.

Ngoài các chứng cứ đã nộp, ông T không cung cấp được chứng cứ nào khác chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình như chứng cứ về việc đi lại khám chữa bệnh, chứng cứ chứng minh thu nhập hàng tháng của ông T, cũng như của bà H vì ông T, bà H là những người buôn bán hành, tỏi nhỏ lẻ, mua đi bán lại sử dụng bằng tiền mặt, không có bất cứ giấy tờ nào về việc mua bán. Vợ chồng ông T mua hành, tỏi ở chợ đầu mối Tam Bình, Thủ Đức và bán lẻ lại. Trước khi bị thương tật, vợ chồng thuê nhà trọ ở Thủ Đức để ở và buôn bán. Từ khi bị thương tật thì ông T chuyển về Bình Định sinh sống với con nhỏ, chỉ ở nhà, không đi làm do sức khỏe bị suy yếu, còn bà H vẫn ở Thành phố Hồ Chí Minh đi bán.

2. Bị đơn ông Lê A trình bày:

Ông A không đồng ý với ý kiến của ông T cho rằng ông A dùng búa từ phía sau đánh thẳng vào đầu ông T. Ông A đã bồi thường thiệt hại cho ông T là 20.000.000 đồng. Thương tật do ông A gây ra cho ông T chỉ 01% nên ông A không đồng ý bồi thường tiếp các khoản khác cho ông T. Ông A cũng là người buôn bán hành, tỏi như ông T, bà H. Thu nhập hàng tháng của ông A là 6.000.000 đồng/tháng, không có tháng nào mà ông A buôn bán được 15.000.000 đồng/tháng như ông T, bà H xác định. Do đó, ông A không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị Mỹ H trình bày: Bà H có cùng ý kiến với chồng là ông Trần Văn T.

4. Người làm chứng ông Nguyễn Văn T trình bày:

Ông T2 làm nghề buôn bán hành, tỏi giống ông T, ông A. Ông T2 mua hành, tỏi ở chợ đầu mối Tam Bình, sau đó đi bán lẻ ở chợ Gò Vấp. Thu nhập hàng tháng của ông T2 khoảng 12.000.000 đồng. Ông T2 buôn bán lẻ, chỉ sử dụng tiền mặt, không sử dụng hóa đơn nên không có chứng cứ cung cấp cho Tòa án. Do bận công việc, ông T2 xin được vắng mặt trong suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ án.

5. Tại phiên tòa:

5.1 Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn luật sư Bùi Trọng Hiển yêu cầu ông Lê A phải bồi thường cho ông T các khoản tiền sau:

+ Chi phí khám, chữa bệnh: 18.045.225 đồng, gồm tiền thuốc, khám bệnh theo hóa đơn là 17.545.225 đồng và tiền rửa vết thương 10 ngày, mỗi ngày 50.000 đồng, số tiền là 500.000 đồng.

+ Chi phí đi lại khám chữa bệnh, tái khám trong khoảng thời gian từ tháng 6/2020 đến nay là 3.575.000 đồng.

+ Chi phí bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe: 150.000 đồng/ngày, tính từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2021 là 11 tháng, tương đương số tiền: 49.500.000 đồng.

+ Thu nhập thực tế bị mất của ông T là 500.000 đồng/ngày (tương đương 15.000.000 đồng/tháng), tính từ tháng 6/2020 đến tháng 7/2022 là 25 tháng, tương đương số tiền: 375.000.000 đồng.

+ Chi phí và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc là bà H trong thời gian 01 tháng phải chăm sóc cho ông T, gồm tiền ăn của bà H là 4.500.000 đồng và thu nhập của bà H bị mất là 15.000.000 đồng/tháng, tổng cộng là 19.500.000 đồng.

+ Chi phí tổn thất về tinh thần 74.500.000 đồng, tương đương 50 tháng lương cơ sở (lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng).

Tổng cộng là 540.120.225 đồng, trừ số tiền đã bồi thường 20.000.000 đồng, còn lại là 520.120.225 đồng.

Các chi phí trên của ông T là phù hợp với Điều 584, Điều 590 Bộ luật Dân sự, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và có căn cứ để chấp nhận.

5.2 Nguyên đơn ông Trần Văn T có cùng ý kiến với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

5.3 Bị đơn ông Lê A không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T, bà H vì ông Lê A đã bồi thường cho ông T 20.000.000 đồng.

5.4 Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị Mỹ H có cùng ý kiến với ông T.

6. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:

6.1 Về tố tụng: Tòa án đã tiến hành thủ tục tố tụng từ khi thụ lý vụ án cho đến khi mở phiên tòa đúng theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự, đồng thời, quyền và nghĩa vụ của đương sự được tôn trọng và bảo đảm đúng quy định.

6.2 Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

- Chấp nhận đối với yêu cầu:

+ Buộc ông Lê A phải bồi thường thiệt hại số tiền ông T bị thiệt hại trừ đi số tiền đã bồi thường 20.000.000 đồng, thiệt hại của ông T bao gồm:

+ Chi phí khám, chữa bệnh 18.045.225 đồng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Tâm thần Bình Định.

+ Thu nhập thực tế bị mất là 500.000 đồng/ngày, trong 11 ngày, tương đương số tiền: 5.500.000 đồng.

+ Một phần chi phí tổn thất về tinh thần.

- Không chấp nhận đối với yêu cầu:

+ Thu nhập thực tế bị mất vượt quá số tiền 5.500.000 đồng, là (375.000.000 đồng- 5.500.000 đồng =) 369.500.000 đồng.

+ Chi phí đi lại khám chữa bệnh: 3.575.000 đồng do không có hóa đơn, chứng từ chứng minh.

+ Chi phí bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe: 150.0000 đồng/ngày, tính từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2021 là 11 tháng, tương đương số tiền: 49.500.000 đồng do không có chỉ định của bác sỹ.

+ Chi phí và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc trong thời gian 01 tháng: 19.500.000 đồng, bao gồm thu nhập buôn bán hành tỏi 15.000.000 đồng/tháng (tương đương 500.000 đồng/ngày) và chi phí ăn uống của bà H trong 01 tháng là 4.500.000 đồng (tương đương 150.000 đồng/ngày) do ông T chỉ bị thương ở đầu, tình trạng tỉnh táo nên không cần người chăm sóc và chi phí ăn uống của bà H không được coi là chi phí hợp lý.

+ Số tiền vượt quá một phần chi phí tốn thất về tinh thần do ông T chỉ bị thương tật tỷ lệ 1%.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, cùng lời trình bày của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án:

Bản án số 143/2021/HS-PT ngày 02/4/2021 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định ông Lê A đã có hành vi gây thiệt hại cho sức khỏe của ông T, tỉ lệ thương tật 01% và đã tách yêu cầu của bị hại Trần Văn T về việc đòi bị cáo Lê A phải bồi thường thiệt hại để giải quyết bằng vụ án khác theo thủ tục tố tụng dân sự. Do đó, ông T khởi kiện yêu cầu ông A bồi thường thiệt hại và ông A đang cư trú tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Căn cứ Khoản 6 Điều 26, Điểm a Khoản 1 Điều 35, Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì quan hệ tranh chấp là tranh chấp về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Về nội dung: Xét yêu cầu của nguyên đơn, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Căn cứ Bản án số 143/2021/HS-PT ngày 02/4/2021 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đã có đủ cơ sở xác định ông Lê A đã có hành vi gây thiệt hại cho sức khỏe của ông T, tỉ lệ thương tật 01%. Do đó, ông T khởi kiện yêu cầu ông A bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm là có căn cứ và đúng theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Căn cứ Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe …

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại, nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị …

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu …

[2.1] Xét yêu cầu bồi thường chi phí khám chữa bệnh: 18.045.225 đồng và chi phí đi lại khám chữa bệnh: 3.575.000 đồng:

Căn cứ Văn bản số 213/BVND115-KHTH ngày 20/01/2022 của Bệnh viện Nhân dân 115 và các hóa đơn khám, chữa bệnh do ông T cung cấp, ông T có đến khám, điều trị ngoại trú vào các ngày 10/6/2020, 12/6/2020, 18/6/2020, 26/6/2020, 04/7/2020, 12/7/2020, 27/7/2020 và ngày 25/9/2020; Văn bản số 100/BVCR-KHTH ngày 18/01/2022 của Bệnh viện Chợ Rẫy và các hóa đơn khám chữa bệnh do ông T cung cấp, ông T có đến khám, điều trị ngoại trú vào ngày 11/8/2020 và ngày 11/9/2020; Văn bản số 991/BV-KHĐD ngày 31/12/2021 của Bệnh viện Tâm thần Bình Định và các hóa đơn khám chữa bệnh do ông T cung cấp, ông T có đến khám bệnh vào các ngày 02/11/2020, 15/3/2021, 19/3/2021. Đồng thời, ông T cũng liệt kê chi phí đi lại từ nơi ở đến cơ sở khám chữa bệnh, chi phí thay băng rửa vết thương 10 ngày.

Xét thấy, các chi phí khám, chữa bệnh, tiền thuê phương tiện đi lại từ nơi ở đến nơi khám chữa bệnh, tiền rửa vết thương mà ông T yêu cầu được xem là các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa và các chi phí thực tế cần thiết khác cho người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự và tiểu mục 1.1, mục 1 phần II của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Ông T bị đánh vào vùng đầu nên việc đi lại khám chữa bệnh tới các bệnh viện chuyên khoa để khám chữa bệnh và Bệnh viện Tâm thần Bình Định để khám về điều trị về rối loạn lo âu do bị ảnh hưởng từ vụ gây thương tích là cần thiết và hoàn toàn phù hợp. Do đó, ông T yêu cầu ông A thanh toán chi phí khám chữa bệnh, chi phí rửa vết thương và chi phí đi lại là hợp lý. Theo các hóa đơn do ông T cung cấp thì chi phí khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Tâm thần Bình Định là 16.154.405 đồng, chi phí rửa vết thương số tiền là 500.000 đồng.

Do vị trí tổn thương tại vùng đầu, thời gian khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Chợ Rẫy, ông T không đi lại được bằng xe máy nên đi taxi cũng là hợp lý. Tuy nhiên, giai đoạn đi lại khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Bình Định là sau một thời gian điều trị tổn thương, ông T không còn khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Chợ Rẫy. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy chỉ chấp nhận phần yêu cầu thanh toán chi phí đi lại khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 10/6/2020 đến hết tháng 9/2020, số tiền 2.875.000 đồng là có căn cứ. Đối với giai đoạn ông T đi lại khám chữa bệnh từ tháng 10/2020 đến nay, số tiền là 700.000 đồng nhưng không cung cấp được các hóa đơn, đơn thuốc khám chữa bệnh tại các Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh viện Chợ Rẫy trong khoảng thời gian này nên không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận.

Vì vậy, Hội đồng xét xử buộc ông A có trách nhiệm bồi thường cho ông T chi phí khám chữa bệnh và tiền rửa vết thương là 16.654.405 đồng và chi phí đi lại khám chữa bệnh là 2.875.000 đồng (3.575.000 đồng – 700.000 đồng).

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn về việc bồi thường chi phí khám chữa bệnh và không chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường chi phí đi lại khám chữa bệnh là không phù hợp.

[2.2] Xét yêu cầu bồi thường chi phí bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe: 150.0000 đồng/ngày, tính từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2021 là 11 tháng, tương đương số tiền: 49.500.000 đồng.

Xét, ông T cho rằng chi phí này là chi phí ăn uống của một người bình thường trong một ngày. Khi bị thương tật, ông T có chế độ ăn uống theo nhu cầu của người bệnh với chi phí cao hơn và ông T tự mua nhưng ông T chỉ yêu cầu như mức người bình thường, không bị thương tật gì.

Theo quy định tại tiểu mục 1.1, mục 1 phần II của Nghị quyết số 03/2006/NQ- HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì chi phí hợp lý cho việc bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe … bao gồm: … tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ… Hội đồng xét xử xét thấy, ông T không cung cấp được chứng cứ chứng minh bác sỹ khám chữa bệnh cho ông T có chỉ định ông T phải mua thuốc bổ, tiếp đạm và những thực phẩm khác để bồi dưỡng phục hồi sức khỏe nên Hội đồng xét xử không có cơ sở chấp nhận yêu cầu này của ông T.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn là có cơ sở.

[2.3] Xét yêu cầu bồi thường thu nhập thực tế bị mất là 500.000 đồng/ngày, tính từ tháng 6/2020 đến tháng 7/2022 là 25 tháng, tương đương số tiền: 375.000.000 đồng:

Xét thấy, ông T bị tỉ lệ thương tật 01% và chỉ khám chữa bệnh ngoại trú và thời gian khám bệnh ngoại trú từ ngày 10/6/2020 đến hết tháng 9/2020, thời gian làm tròn là 04 tháng. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy, ông A cần có trách nhiệm bồi thường thu nhập bị mất trong thời gian này cho ông T là hợp lý. Ông T yêu cầu bồi thường thu nhập bị mất từ tháng 10/2020 đến tháng 7/2022 là không có cơ sở, Hội đồng xét xử không chấp nhận phần yêu cầu khởi kiện này của ông T.

Xét, ông T buôn bán hành tỏi, ông T, bà H cho rằng thu nhập hàng tháng của mỗi người là 15.000.000 đồng, ông A cho rằng chỉ có 6.000.000 đồng, người làm chứng cho rằng 12.000.000 đồng. Do việc buôn bán hành tỏi các bên chỉ giao dịch bằng tiền mặt, không có hóa đơn, chứng từ, không thể xác định được và cũng không ổn định. Do vậy, theo Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 và tiểu mục 1.2, mục 1 phần II của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006, cần lấy mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại do các bên đưa ra để làm căn cứ xác định thu nhập. Từ đó, có thể xác định mức thu nhập trung bình hàng tháng của ông T là 11.000.000 đồng. Như vậy, thu nhập bị mất trong thời gian chữa bệnh của ông T mà ông A có trách nhiệm bồi thường là 44.000.000 đồng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn, bồi thường thu nhập thực tế bị mất trong khoảng thời gian 11 ngày đi khám chữa bệnh, mỗi ngày 500.000 đồng là chưa thỏa đáng.

[2.4] Xét yêu cầu bồi thường chi phí và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc (là bà H, vợ ông T) trong thời gian 01 tháng là 19.500.000 đồng.

Ông T, bà H cho rằng chi phí này bao gồm thu nhập buôn bán hành tỏi 15.000.000 đồng/tháng (tương đương 500.000 đồng/ngày) và chi phí ăn uống của bà H trong 01 tháng là 4.500.000 đồng (tương đương 150.000 đồng/ngày). Trong thời gian 01 tháng ông T bị thương tật, mọi sinh hoạt đều do vợ là bà Trần Thị Mỹ H chăm lo, bà H không đi buôn bán hành, tỏi được nên mất thu nhập và trong thời gian này bà H cũng phải ăn uống để chăm sóc cho ông T.

Xét thấy, ông T chỉ bị thương tật tỷ lệ 1%, tại vùng đầu, chỉ khám chữa bệnh ngoại trú.

Theo Giấy chứng nhận thương tích ngày 24/7/2020 của Bệnh viện 115 xác nhận bệnh nhân Trần Văn T, sinh năm 1981 vào viện lúc 09 giờ 05 phút, ngày 10/6/2020, ra viện lúc 10 giờ 50 phút, ngày 10/6/2020; chuẩn đoán: chấn thương đầu, vết thương thái dương phải; tình trạng thương tích lúc vào viện: bệnh tỉnh, tiếp xúc được, sưng nề, vết thương vùng thái dương phải c#5cm; tình trạng thương tích lúc ra viện: sinh hiệu ổn, toa về + lời dặn.

Như vậy, tình trạng sức khỏe của ông T không phải là không đi lại được, không phải nằm một chỗ cần người chăm sóc và tinh thần tỉnh táo, cũng không điều trị nội trú nên ông T cho rằng cần người chăm sóc là không có cơ sở. Do đó, ông T yêu cầu ông A bồi thường thu nhập của bà H bị mất là 01 tháng lương và chi phí ăn uống của bà H trong 01 tháng là không có cơ sở và không phù hợp với tiểu mục 1.3, mục 1 phần II của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006. Vì vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của ông T.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn là có cơ sở.

[2.5] Xét yêu cầu bồi thường chi phí tổn thất về tinh thần 74.500.000 đồng, tương đương 50 tháng lương cơ sở (lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng).

Căn cứ Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Theo Điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 quy định: Thiệt hại do tổn thất về tinh thần là thiệt hại mà người bị hại phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.

Ông T bị thiệt hại về sức khỏe với tỉ lệ thương tật 01%, tuy nhiên, do ông A đã dùng hung khí nguy hiểm nên cũng gây ra những bất tiện trong cuộc sống so với điều kiện bình thường của ông T, điều này cũng tạo ra những buồn phiền cho ông T. Tuy nhiên, ông T yêu cầu ông A bồi thường 50 tháng lương cơ sở là không hợp lý. Do đó, Hội đồng xét xử buộc ông A có trách nhiệm bồi thường cho ông T 01 tháng lương cơ sở là 1.490.000 đồng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là hợp lý.

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử buộc ông A có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông T do gây thiệt hại cho sức khỏe của ông T số tiền tổng cộng là 65.019.405 đồng, ông A đã bồi thường 20.000.000 đồng. Do vậy, ông A phải bồi thường thêm cho ông T số tiền là 45.019.405 đồng.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có cơ sở.

[3] Về án phí dân sự sơ thẩm: Bị đơn phải chịu án phí trên số tiền phải thanh toán cho nguyên đơn. Nguyên đơn được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 6 Điều 26, Điểm a Khoản 1 Điều 35, Điểm a Khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 186, Điều 271, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ Điều 584, Điều 590, Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014. Căn cứ Luật phí và lệ phí năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Văn T.

Buộc ông Lê A có trách nhiệm bồi thường cho ông Trần Văn T số tiền 45.019.405 (Bốn mươi lăm triệu không trăm mười chín nghìn bốn trăm lẻ năm) đồng.

2. Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện sau của ông Trần Văn T:

- Yêu cầu bồi thường chi phí khám chữa bệnh vượt quá số tiền 16.654.405 (Mười sáu triệu sáu trăm năm mươi bốn nghìn bốn trăm lẻ năm) đồng.

- Yêu cầu bồi thường chi phí xăng xe đi lại tái khám từ tháng 10/2020 đến nay, số tiền là 700.000 (Bảy trăm nghìn) đồng.

- Yêu cầu bồi thường chi phí bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, số tiền: 49.500.000 (Bốn mươi chín triệu năm trăm nghìn) đồng.

- Phần yêu cầu bồi thường thu nhập thực tế bị mất của ông Trần Văn T từ tháng 10/2020 đến tháng 07/2022 và phần yêu cầu bồi thường thu nhập thực tế bị mất của ông Trần Văn T từ ngày 10/6/2020 đến hết tháng 9/2020 vượt quá số tiền 11.000.000 (Mười một triệu) đồng/tháng.

- Yêu cầu bồi thường chi phí và thu nhập thực tế bị mất của bà Trần Thị Mỹ H trong thời gian 01 tháng là 19.500.000 (Mười chín triệu năm trăm nghìn) đồng.

- Phần yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần vượt quá 01 tháng lương cơ sở.

3. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của ông Trần Văn T cho đến khi thi hành án xong, ông Lê A còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

4. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Ông Lê A phải chịu là 2.250.970 (Hai triệu hai trăm năm mươi nghìn chín trăm bảy mươi) đồng.

Ông Trần Văn T được miễn nộp tạm ứng án phí và án phí.

5. Về quyền kháng cáo:

Ông Trần Văn T, ông Lê A, bà Trần Thị Mỹ H được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

6. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

317
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm số 2860/2022/DS-ST

Số hiệu:2860/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân TP. Thủ Đức - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 28/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về