Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm số 432/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 432/2021/DS-PT NGÀY 04/05/2021 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO DANH DỰ, NHÂN PHẨM, UY TÍN BỊ XÂM PHẠM

Trong các ngày 26 tháng 4 và 04 tháng 5 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 38/DSPT ngày 13/01/2020 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 287/2019/DS-ST ngày 21/10/2019 của Tòa án nhân dân Quận O, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo;

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1022/2021/QĐXXPT-DS ngày 15/3/2021, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty TNHH Y tế A.

Địa chỉ trụ sở: Số 6 XD, (lô Md5-1, khu A XC), XB, P. XA, Quận O, TP. Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp theo uỷ quyền: Bà Lê Thị B, sinh năm 1989 và bà Nguyễn Ái G, sinh năm 1995 (Giấy ủy quyền ngày 06/01/2020).

Địa chỉ: Phòng 1602, toà nhà GP, 35 XH, phường XG, Quận XE, Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt)

Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Mộng C, sinh năm 1980. (có mặt) Địa chỉ: 13 PM, Đường số 1, HV, Phường PA, Quận O, TP. Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp theo uỷ quyền: Ông Nguyễn Trần D, sinh năm 1986 (Giấy ủy quyền ngày 08/01/2019). (có mặt) Địa chỉ: 17 TK, phường TĐ, Quận XE, Thành phố Hồ Chí Minh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và trong quá trình tố tụng, nguyên đơn Công ty TNHH Y tế A có đại diện hợp pháp theo ủy quyền là bà Lê Thị B và bà Nguyễn Ái G trình bày:

Vào sáng ngày 19/6/2018, bà Nguyễn Thị Mộng C đến Bệnh viện M để thăm khám. Thông tin bà C cung cấp cho các bác sĩ của Bệnh viện M là: khoảng 3 đến 4 tuần trước khi đến Bệnh viện M (cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6) bà C đã dùng hai lần thuốc ngừa thai khẩn cấp. Những tuần sau đó, bà C bị chảy máu bất thường nên bà quyết định đến Bệnh viện M; trước đây, bà đã từng sinh mổ 2 lần. Các bác sĩ đã thực hiện hai khảo sát sau: Xét nghiệm thử thai nhanh bằng nước tiểu (que thử thai Quickstick), kết quả âm tính; Siêu âm được thực hiện bởi một chuyên gia siêu âm thai, kết quả siêu âm cho thấy không có túi thai và có túi dịch hỗn hợp, nhiều khả năng là máu đông. Từ kết quả trên, bác sĩ Bệnh viện M quyết định tháo lưu máu trong lòng tử cung bằng phương pháp hút hoặc bằng thuốc Misoprostol (phương pháp dùng thuốc Misoprostol là do bà C chọn vì bà lo ngại phương pháp hút sẽ gây đau). Sau đó bà C về nhà và được được bác sĩ dặn dò rằng nếu bà C bị chảy máu nhiều thì bà phải quay lại bệnh viện.

Bà C bắt đầu bị chảy máu nhiều vào tối muộn và trở lại Bệnh viện M vào lúc 11h30 đêm cùng ngày (19/6/2018). Khi đó, xét nghiệm thử thai nhanh bằng nước tiểu có kết quả dương tính. Bà C được thăm khám bởi bác sĩ trực khoa sản và được thực hiện thủ thuật hút lòng tử cung cầm máu. Bà ngưng xuất huyết sau đó và nằm viện vài ngày trước khi xuất viện. Khi bà C xuất viện vào ngày 22/6/2018, bà khăng khăng yêu cầu các bác sĩ điều trị phải xóa bỏ thông tin về việc bà đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp trong tóm tắt xuất viện của bà, một tài liệu quan trọng trong hồ sơ bệnh án nên các bác sĩ của Bệnh viện M đã từ chối sửa hồ sơ bệnh án theo yêu cầu của bà.

Vào lúc 9h47 sáng ngày 23/6/2018, bà C đã đăng tải trên trang Facebook “C Nguyen” của bà một bài viết có tiêu đề “KHI BẠN CÓ THAI NHƯNG BỆNH VIỆN NÓI KHÔNG VÀ CHO THUỐC PHÁ THAI ĐỂ ĐẨY DỊCH Ứ”. Trong bài viết này, bà C đã nói rằng bà được cho thuốc phá thai trong khi bà đang có thai và kể lại một cách đầy kịch tính tình huống bà được cấp cứu tại Bệnh viện M và chiến đấu giữa sự sống và cái chết, tự hỏi về đạo đức của các bác sĩ Bệnh viện M và kết luận bằng cách yêu cầu mọi người chia sẻ bài viết của mình. Thực tế là bà C đã đăng bài viết này sau khi đã được bác sĩ giải thích rõ ràng rằng bà đã bị sảy thai có thể do bà đã uống thuốc ngừa thai khẩn cấp vài tuần trước đó (điều mà bà không đề cập đến trong bài viết của mình), và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu kéo dài của bà và đó là lý do tại sao bà đến thăm khám tại Bệnh viện M. Hơn nữa, hầu hết những gì bà mô tả đã xảy ra tại Bệnh viện M vào tối hôm đó hoàn toàn đều là lời dựng chuyện của bà, bởi lẽ một số nhân chứng bao gồm người chăm sóc bà, y tá và bác sĩ đều chứng kiến sự thật diễn ra lúc đó không đúng như lời bà kể lại. Ví dụ như, bà C hoàn toàn tỉnh táo, bà không hề có phản ứng gì khi được thông báo rằng xét nghiệm thai kỳ dương tính và bà cũng chưa bao giờ "khóc như một đứa trẻ”. Rất nhiều chi tiết khác trong bài viết của bà hoàn toàn sai sự thật và được bà sáng tác nên. Cách câu chuyện được kể nhằm mục đích cố tình gây ấn tượng mạnh mẽ để thu hút cảm xúc của các bà mẹ và của tất cả mọi người nói chung. Bà đã kể lại sự việc như thể đây là một sự cố y khoa nghiêm trọng, là một tội ác và tóm tắt lại một cách đơn giản là các bác sĩ của Bệnh viện M đã giết chết bào thai của bà.

Bài viết của bà đã thu hút sự quan tâm của công chúng với hơn 3000 lượt chia sẻ, 101 lời bình luận và hơn 4.500 người thích bài viết của bà. Ngay lập tức, bài viết đã được lan truyền trên mạng, đến với các nhà báo và sau đó tin tức được khuyếch tán tràn lan và tạo nên một cuộc khủng hoảng truyền thông nhấn chìm M. Gần 300 bài báo đã được đăng tải bằng hình thức báo giấy cũng như báo mạng. Rất nhiều trong số đó có giọng điệu công kích và tiêu đề phản cảm chỉ đơn thuần kể lại những gì bà C đã viết, làm người đọc hiểu sai bản chất sự việc và phương pháp điều trị của Bệnh viện M; khiến người đọc tin rằng Bệnh viện M đã mắc phải một sai lầm y khoa tồi tệ.

Dưới áp lực truyền thông, Bác sĩ N – Tổng Giám đốc bệnh viện đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào tối muộn thứ bảy ngày 23/6/2018; ông cùng với tất cả những người quản lý tại Bệnh viện M đã phải dành toàn bộ ngày chủ nhật 24/6 và thứ hai 25/6 để xem xét toàn bộ sự việc đã xảy ra. Tất cả điều dưỡng, nữ hộ sinh và các bác sĩ có liên quan đều được phỏng vấn. Ban quản lý và các cán bộ y tế chủ chốt của Bệnh viện đã dành toàn bộ thời gian vào thứ hai (25/6) và thứ ba (26/6) để tham gia vào các cuộc họp và trả lời các câu hỏi của nhà báo. Các nhà báo liên tục gọi điện đến Bệnh viện M để hỏi thông tin và yêu cầu một cuộc họp báo phải được tổ chức gấp rút để cung cấp cho họ thông tin chính xác vì đã có nhiều bài báo được đăng tải đã hủy hoại danh tiếng của Bệnh viện M.

Vì lý do đó, Bệnh viện M đã phải thuê một công ty truyền thông để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng truyền thông.

Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bệnh viện M đã thành lập một Hội đồng chuyên môn vào ngày 26/6/2016, bao gồm các chuyên gia nổi tiếng đầu ngành từ Bệnh viện U. Hội đồng chuyên môn đã xem xét kỹ hồ sơ bệnh án, chất vấn các bác sĩ và nhân viên có liên quan và đưa ra kết luận là các chẩn đoán, phương pháp điều trị và chăm sóc bệnh nhân của Bệnh viện M là phù hợp. Hơn thế nữa, các nhà báo đã liên hệ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Y tế, buộc các cơ quan này phải có phản ứng chính thức đối với sự việc. Vào ngày 26/6/2018, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh và Bộ Y tế đã ban hành công văn yêu cầu Bệnh viện M giải trình về trường hợp của bà C. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã đến Bệnh viện M và niêm phong toàn bộ hồ sơ bệnh án của bà C.

Căn cứ vào diễn biến sự việc nêu trên, những thông tin sai lệch mà Bà C đã cung cấp, cách thức bà kêu gọi người đọc chia sẻ lan truyền thông tin, sau đó được các phương tiện truyền thông, cả báo giấy lẫn báo mạng, thậm chí là truyền hình đưa tin, rõ ràng là một sự phỉ báng vô căn cứ, làm tổn hại đến danh tiếng và uy tín của Bệnh viện M và các bác sĩ. Sự việc buộc Bệnh viện M phải tiến hành những biện pháp tốn kém nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng truyền thông và hạn chế thiệt hại cho uy tín của Bệnh viện M do bài viết trên Facebook của bà C; buộc Bệnh viện M cùng toàn thể đội ngũ y bác sĩ phải mất một khoảng thời gian và công sức đáng kể để truyền đạt sự thật đến công chúng.

Do bà C đã có hành vi vi phạm pháp luật như đã nêu ở trên, căn cứ vào Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Bệnh viện M khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà C: Xóa bỏ toàn bộ các bài viết trên trang Facebook của bà liên quan đến vụ việc này; Phải xin lỗi công khai Bệnh viện M bằng cách gửi thư xin lỗi đến ít nhất 3 tờ báo theo chỉ định của Bệnh viện M; Phải bồi thường cho Bệnh viện M những thiệt hại sau: Chi phí lập vi bằng: 6.200.000 đồng; Chi phí thuê công ty truyền thông xử lý khủng hoảng truyền thông: 1.362.308.640 đồng; Bồi thường tổn thất về tinh thần do uy tín của Bệnh viện M bị xâm phạm bằng số tiền là 13.900.000 đồng.

Bị đơn bà Nguyễn Thị Mộng C có đại diện hợp pháp theo uỷ quyền là ông Nguyễn Trần D trình bày:

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn vì: Bác sĩ của Bệnh viện M chủ quan, thiếu sót và có phần cẩu thả trong việc áp dụng phương pháp lâm sàng, kiểm tra cận lâm sàng, không đánh giá tiền sử bệnh của bệnh nhân dẫn đến việc kết luận tình trạng bệnh của bệnh nhân không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ của bà C, cụ thể: Que thử thai cho kết quả âm tính. Đối với trường hợp này, cần xác định rằng que thử thai không đảm bảo việc cho kết quả chính xác 100% là bệnh nhân có thai hay không có thai, do đó Bác sĩ không được căn cứ vào kết quả que thử thai âm tính để khẳng định một bệnh nhân không có thai; Chính vì việc này nên mới dẫn đến kết quả kiểm tra que thử thai lần 2 ngày 20/6/2018 cho kết quả dương tính (bệnh nhân có mang thai); Bác sĩ thực hiện siêu âm vùng chậu ngã âm đạo: kết quả siêu âm xác định không có thai nhưng có dịch ứ. Từ các kết quả trên, bác sĩ kết luận bà C không có thai, dẫn đến việc cho bà C sử dụng thuốc Misoprotol tab 200mcg.

Tuy nhiên, việc căn cứ vào những kết quả kiểm tra nêu trên để kết luận và đưa ra phương án điều trị là chưa đầy đủ và thiếu cơ sở, bởi lẽ: Kết quả siêu âm chỉ xác định có dịch ứ mà không xem xét và đề cập đến vị trí vết mổ thai cũ, dẫn đến không phát hiện được nhau thai bám ở sẹo vết mổ cũ. Trong khi đó, việc này là bắt buộc phải kiểm tra nếu không khi điều trị sẽ dẫn đến nguy hiểm chết người hoặc để lại hậu quả nghiêm trọng, khi điều trị dễ dẫn đến chảy máu nghiêm trọng chỗ thai bám, thậm chí có thể làm nứt vỡ sẹo mổ tử cung; Bác sĩ chưa thực hiện xét nghiệm chỉ số Beta HCG, trong khi đó việc thử chỉ tiêu này là cơ sở chính xác để xác định việc bệnh nhân có thai hay không, từ đó mới đưa ra kết quả chính xác làm cơ sở cho việc điều trị. Do bác sĩ không tiến hành xét nghiệm chỉ số Beta HCG nên việc đưa ra kết luận bà C không có thai là hoàn toàn không chính xác và không đảm bảo các trình tự về mặt y khoa. Sau khi cho bà C uống thuốc Misoprotol tab 200mcg và xảy ra tình trạng băng huyết nặng như bà C đã đề cập trong bản tự khai, bác sĩ Bệnh viện M mới tiến hành xét nghiệm chỉ số Beta HCG và xác định bà C bị băng huyết là do sảy thai, đồng thời tiến hành phẫu thuật để nạo hút buồng tử cung và đặt bóng chèn.

Tuy nhiên sau đó bệnh viện vẫn chưa xác định được có nhau thai bám ở sẹo vết mổ cũ, dẫn đến việc còn sót nhau thai ở sẹo và bà C tiếp tục bị ra máu, do đó bà C phải tiếp tục khám ở Bệnh viện U. Kết quả là bà C lại phải tiếp tục phẫu thuật lần thứ hai trong tình trạng rất nguy hiểm do lần phẫu thuật trước đó chỉ cách 07 ngày, rất nguy hiểm đến tính mạng và sức khoẻ của bản thân bà C.

Bệnh viện nhiều lần khẳng định việc bà C sử dụng thuốc tránh thai Postinor dẫn đến bị sảy thai. Tuy nhiên, căn cứ theo Quyết định số 315/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu chuyên môn “hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh sản phụ khoa” của Bộ Y tế ngày 29 tháng 01 năm 2015 thì Cơ chế tác dụng của thuốc chủ yếu lên chất nhầy cổ tử cung, gây ức chế rụng trứng chỉ khoảng 57%. Bên cạnh đó, theo công dụng của thuốc được công bố tại trang web chính thức của Postinor: https://postinor.com.vn/su-dung-postinor-nhu-the-nao/ cũng khẳng định “Nếu bạn đã mang thai, bởi vì Postinor sẽ không có tác dụng ngừa thai mặc dù nó không gây hại cho bạn hoặc thai nhi.” và “Thuốc ngừa thai khẩn cấp không có tác dụng nếu bạn đã mang thai và cũng không ảnh hưởng đến việc thành lập bào thai hay em bé.” Như vậy, việc Bệnh viện M cho rằng bà C bị sảy thai do uống thuốc ngừa thai khẩn cấp là không phù hợp về mặt chuyên môn cũng như trên thực tế. Do đó, bà C không loại trừ việc Bệnh viện M khẳng định như vậy để lẩn tránh trách nhiệm làm bà C bị sảy thai.

Từ đó, có thể kết luận rằng những sai sót chuyên môn của các bác sĩ mà bà C đã nêu trên đây thực tế gây những tổn thất không chỉ về mặt sức khoẻ không gì có thể bù đắp được, mà còn gây cho gia đình bà C sự tốn kém về mặt chi phí khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời mất cơ hội làm việc và thu nhập trong thời gian điều trị bệnh của bà C và của người thân.

Các chứng cứ do Bệnh viện M cung cấp không có giá trị pháp lý, không đủ cơ sở chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của Bệnh viện M, cụ thể:

- Các hình ảnh được thừa phát lại ghi nhận trong Vi bằng không xác định được nguồn gốc xuất xứ của chứng cứ: Theo Vi bằng số 920 ngày 25/06/2018 của VPTPL Quận 8, Bệnh viện M đã cung cấp 06 hình ảnh do bà Dương Thành Thúy Đoan chụp lại từ màn hình máy tính bàn hiệu LG làm chứng cứ trong vụ án này. 06 hình ảnh là tài liệu nhìn được là nguồn chứng cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, Bệnh viện M không chứng minh được xuất xứ của 06 hình ảnh trong vi bằng được chụp lại từ máy tính LG có Model là bao nhiêu.

- Biên bản họp hội đồng chuyên môn không đảm bảo tính khách quan, không có giá trị pháp lý về hình thức và nội dung, cụ thể:

Thứ nhất, không đảm bảo tính khách quan: Bệnh viện M là nơi gây ra tai biến cho bệnh nhân. Tuy nhiên trong hội đồng chuyên môn lại có 3/6 thành viên là người của Bệnh viện M, gồm ông Giám đốc Bệnh viện M, bác sỹ Nguyễn Thi S PGĐ y khoa Bệnh viện M, cô nguyễn Thị T là điều dưỡng viên của Bệnh viện M.

Thứ hai, hình thức biên bản không đúng quy định pháp luật: Thành phần của hội đồng chuyên môn không đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật khám, chữa bệnh năm 2009, Cụ thể: Ông Giám đốc Bệnh viện M, bác sỹ Nguyễn Thi S PGĐ y khoa Bệnh viện M, cô nguyễn Thị T đều không phải là chuyên gia theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật khám, chữa bệnh năm 2009.

Thứ ba, nội dung biên bản không phù hợp với nguyên tắc theo quy định, đánh giá không chính xác, không đánh giá đầy đủ và toàn diện các phương pháp lâm sàng, cụ thể:

Trong biên bản họp chỉ có 2 ý kiến chuyên môn của bác sỹ Hà Tố Qvà bác sỹ Mỹ P (của Bệnh viện U) chỉ dựa trên kết quả siêu âm và thông tin không đầy đủ do chính Bệnh viện M đưa ra. Không có sự thảo luận giữa các thành viên hội đồng là trái với nguyên tắc tại khoản 2 Điều 75 Luật khám, chữa bệnh năm 2009 “Hội đồng hoạt động theo nguyên tắc thảo luận tập thể”. Không có sự tham gia của các bên liên quan có tranh chấp là bà C. Do đó, không hợp pháp về hình thức, cũng như nội dung để làm cơ sở giải quyết vụ án.

- Bệnh viện M không có tài liệu, chứng cứ chứng minh bài viết trên trang cá nhân của bà C gây ảnh tiêu cực từ truyền thông.

Thứ nhất, Facebook là trang cá nhân, do đó bà C được toàn quyền thể hiện tâm tư, cảm xúc của chính mình. Hơn nữa, những nội dung trong trang cá nhân bà C thể hiện đều là sự thật, cụ thể: Bệnh viện M khẳng định bà C không có thai tại buổi thăm khám sáng ngày 19/06/2019 đó là sự thật. Toàn bộ sự việc từ lúc bà C sau khi sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ Bệnh viện M kê toa thì bị băng huyết phải quay lại M để cấp cứu đó cũng là sự thật. Tối ngày 19/06/2019, bà C được Bệnh viện M thông báo là có thai và thai đã hư đó là sự thật. Bà C không có nghĩa vụ phải chứng minh có hay không có việc bà C khóc như một đứa trẻ, cảm xúc đó thuộc quyền cá nhân bà C. Bệnh viện M đã lấy ý kiến của nhân viên, bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện M để khẳng định rằng “Bà C hoàn toàn tỉnh táo, không khóc như một đứa trẻ” là bao biện và không đủ độ tin cậy, bên cạnh đó cũng không loại trừ khả năng chính Bệnh viện M đã áp đặt ý chí lên nhân viên, bác sĩ để họ phải đưa ra ý kiến “Bà C hoàn toàn tỉnh táo, không khóc như một đứa trẻ”. Qua đó có thể nhận thấy rằng, Bệnh viện M đang có một hành động vô tâm, Bệnh viện M đang vô tâm trước nỗi đau của bệnh nhân. Bệnh viện M cho rằng, bà C không ghi nhận nội dung “bà C đã dùng viên thuốc tránh thai khẩn cấp trước đó dẫn đến hư thai”, quan điểm này hoàn toàn không phù hợp, bởi lẽ: Tại thời điểm xuất viện ngày 22/06/2018, chính Bệnh viện M cũng không xác định được nguyên nhân của sự việc, chỉ nói là có thể thì làm sao có thể yêu cầu bà C đưa ra những nội dung không thuộc chuyên môn của bà C, những nội dung đó không phải là sự thật. Do đó, bà C không có nghĩa vụ phải thể hiện những điều không đúng với sự thật đó trong bài viết.

Thứ hai, Bệnh viện M không cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh có sự khủng hoảng truyền thông từ bài viết của Bà C, cụ thể: Tại mục 6 đơn khởi kiện, bản tự khai, bản ý kiến ngày 02/08/2019, Bệnh viện M khẳng định các số liệu “bài viết thu hút sự quan tâm của công chúng với hơn 3000 lượt chia sẻ, 101 lời bình luận và hơn 4500 thích; gần 300 bài báo được đăng tải với hình thức báo giấy cũng như báo mạng, rất nhiều trong số đó có giọng điệu công kích và tiêu đề phản cảm” làm cơ sở xác định mức ảnh hưởng, sự khủng hoảng truyền thông từ bài viết của bà C. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra, giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ ngày 14/08/2019, Bệnh viện M không cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh cho số liệu được Bệnh viện M đã đưa ra tại mục 6 đơn khởi kiện là “bài viết thu hút sự quan tâm của công chúng với hơn 3000 lượt chia sẻ, 101 lời bình luận và hơn 4500; gần 300 bài báo được đăng tải với hình thức báo giấy cũng như báo mạng, rất nhiều trong số đó có giọng điệu công kích và tiêu đề phản cảm” để chứng minh có sự khủng hoảng truyền thông từ bài viết của bà C. Bệnh viện M cho rằng sau bài viết ngày 23/06/2018, bà C đã đăng thêm những bài viết khác liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, Bệnh viện M không cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh có tồn tại những bài viết khác có liên quan vụ việc.

Thứ ba, chính những hành động không đúng đắn, phát ngôn thiếu chuyên môn của lãnh đạo Bệnh viện M đã gây ra làn sóng dư luận trong giới y bác sĩ, cộng đồng và dư luận, cụ thể: Bệnh viện M đã tổ chức họp báo và phát biểu trên các kênh truyền thông “khẳng định dù ngày 19/06/2018 có kiểm tra Beta HCG xác định bà C có thai hay không thì vẫn sử dụng thuốc Misoprotol là phù hợp, chính phát biểu sai lầm và thiếu chuyên môn đó của những người đứng đầu Bệnh viện M đã tạo ra làn sóng phản ứng từ chính giới y, bác sĩ trong ngành và cả cộng động truyền thông. Theo mục III phụ lục 1 hợp đồng ứng phó đã thể hiện, Bệnh viên M đã YÊU CẦU công ty TRUYỀN THÔNG sử dụng những thủ thuật như nâng đỡ viral, seeding comment và mua lượt share về nội dung “câu chuyện y đức” để tạo sự lan truyền sự việc cho giới truyền thông và cộng đồng. Chính hành động sử dụng các thủ thuật trên của Bệnh viên M là nguyên nhân khơi dậy, lan truyền sự việc trong từ giới truyền thông. Do đó, bà C không có lỗi trong cuộc khủng hoảng truyền thông của Bệnh viện M. Bệnh viên M phải tự chịu đối với sai sót về chuyên môn, về những hành động thiếu chuẩn mực, y đức, thiếu trách nhiệm và vô tâm đối với bệnh nhân.

Tại Đơn yêu cầu phản tố ngày 06/5/2019, bà C yêu cầu Tòa án xem xét các sai phạm của Bệnh viện M cụ thể như sau:

1/ Xâm phạm Quyền được khám bệnh, chữa bệnh: Ngày 25/06/2018, bà C trở lại Bệnh viện M tái khám theo đúng lịch hẹn, khi đang được thăm khám trong Phòng khám sản cùng bác sĩ Vĩnh Thành thì Ban giám đốc Bệnh viện M (gồm Giám đốc điều hành và Giám đốc truyền thông) đã đường đột vào trong phòng khám, cắt ngang buổi thăm khám của bà C và buộc bà C phải ra về. Bà C đã ngất xỉu khi đang đợi thang máy và được nhân viên y tế tại đây đưa ngược trở lại khoa sản. Như vậy, hành vi ngăn cản không cho bà C được tái khám của Giám đốc Bệnh viện M trước hết đã vi phạm đạo đức nghề y, đồng thời còn vi phạm quyền của người bệnh quy định tại Điều 7 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Không những thế, đối với trường hợp của bà C, việc bà C đang trong tình trạng cần phải được theo dõi chặt chẽ sau khi phẫu thuật nhưng lại bị ngăn cản là nguy cơ tiềm tàng dẫn đến các tình trạng nguy hiểm đối với bản thân bà C do không được kiểm tra thăm khám kịp thời. Thực tế là ngay sau khi bị ngăn cản không được tiếp tục khám chữa bệnh bà C đã bị ngất xỉu, sau đó khi kiểm tra tại Bệnh viện U cũng xác định bà C vẫn còn bị sót khối nhau ở sẹo MLT (O00.8.0) như kết luận tại hồ sơ bệnh án của bà C tại Bệnh viện này.

2/ Xâm phạm Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư: Ngày 26/06/2018, Bệnh viện M tổ chức họp báo vào lúc 15:00 công bố toàn bộ hồ sơ bệnh án và thông tin cá nhân của bà C cho các cơ quan báo chí và phương tiện truyền thông mà chưa có bất kỳ sự đồng ý nào của bà C. Việc Bệnh viện M tự ý công bố hồ sơ bệnh án và thông tin cá nhân của Bệnh nhân đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc khám bệnh, chữa bệnh tại khoản 2 Điều 3 và Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư quy định tại Điều 8 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Hồ sơ bệnh án là thông tin cực kỳ bí mật và nhạy cảm của mỗi cá nhân, do đó, việc cung cấp thông tin bệnh án của bà C trên báo chí mà không được sự đồng ý của bà C là vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của bà C.

3/ Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà C: Ngày 29/06/2018, Công ty TNHH Y tế A có công văn số 532-2018/MH-CEO báo cáo Bộ y tế về vụ việc. Trong đó, tại kết luận Công ty TNHH Y tế A có khẳng định nội dung “Không biết vì lý do gì, mặc dù chúng tôi nghi ngờ rằng bệnh nhân đã không nói cho chồng cô ấy biết về việc cô ấy đã dùng thuốc tránh thai khẩn cấp và có lẽ thấy có lỗi về điều đó nên quyết định viết nên một câu chuyện kết tội các bác sĩ của chúng tôi đã giết thai nhi của cô ấy bằng cách cho uống thuốc phá thai trong khi cô ấy đang mang thai”. Kết luận trên đây được Công ty TNHH Y tế A công khai gửi trực tiếp cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế Tp.HCM, Phòng thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là một kết luận hoàn toàn bịa đặt, suy diễn và là sự vu khống trắng trợn mà hậu quả của nó là gây ra sự hiểu nhầm nghiêm trọng dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc của gia đình bà C; tác động đến tâm lý nặng nề, cũng như làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân bà C.

Do đó, bà C yêu cầu phản tố:

1/ Buộc người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Y tế A phải xin lỗi bà C trước tòa và tiến hành cải chính thông tin, xin lỗi công khai bằng cách gửi văn bản với nội dung được bà C đồng ý đăng trên ít nhất 03 (ba) tờ báo theo chỉ định của bà C.

2/ Buộc Công ty TNHH Y tế A đính chính kết luận tại công văn số 532- 2018/MH-CEO do Công ty TNHH Y tế A gửi Bộ Y tế ngày 29/06/2018 và xóa bỏ “Bản tin đính chính trên trang Fanpage M”.

3/ Tuyên phạt Công ty TNHH Y tế A theo quy định của pháp luật về các hành vi vi phạm nguyên tắc hành nghề khám chữa bệnh của Luật khám bệnh, chữa bệnh như bà C trình bày trên đây.

4/ Buộc Công ty TNHH Y tế A bồi thường một lần cho bà C các khoản thiệt hại với tổng số tiền là 143.212.310 đồng (bằng chữ: Một trăm bốn mươi ba triệu hai trăm mười hai ngàn ba trăm mười đồng), bao gồm các thiệt hại sau:

Tổn thất về chi phí điều trị, chăm sóc và mất thu nhập trong thời gian điều trị bệnh với số tiền là 45.912.310 đồng, gồm các chi phí: Chi phí điều trị tại Bệnh viện M là 35.656.321 đồng; Chi phí điều trị tại Bệnh viện U là 9.253.189 đồng; Chi phí điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Xét nghiệm, thuốc Rối loạn lo âu khác F41 là 1.002.800 đồng; Thiệt hại về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm (50 lần mức lương cơ sở) với số tiền là 69.500.000 đồng; Thiệt hại về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (10 lần mức lương cơ sở) với số tiền là 13.900.000 đồng; Thiệt hại về tinh thần do công bố và sử dụng thông tin cá nhân trái phép (10 lần mức lương cơ sở) với số tiền là 13.900.000 đồng.

Bản án sơ thẩm số 287/2019/DS-ST ngày 21/10/2019 của Tòa án nhân dân Quận O, Thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

- Căn cứ khoản 6 Điều 26; khoản 1 Điều 35; các Điều 146, 147, 203 Bộ luật TTTDS;

- Căn cứ Điều 34, 38 và 592 Bộ luật Dân sự 2015;

- Căn cứ Nghị định 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ hướng dẫn về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án;

- Căn cứ Luật thi hành án dân sự. Xử:

1. Về nội dung: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn 1.1. Buộc bà Nguyễn Thị Mộng C xóa bỏ toàn bộ các bài viết trên trang cá nhân Facebook của bà C liên quan đến vụ việc này;

1.2. Buộc Bà C phải xin lỗi công khai Công ty TNHH Y tế A bằng cách gửi thư xin lỗi đến ít nhất 3 tờ báo theo chỉ định của Công ty TNHH Y tế A;

1.3. Buộc bà Nguyễn Thị Mộng C phải bồi thường cho tổn thất về tinh thần do uy tín của Bệnh viện M bị xâm phạm là 13.900.000đ (Mười ba triệu chín trăm ngàn đồng).

Kể từ ngày người có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành khoản tiền nêu trên thì hàng tháng còn phải chịu lãi theo mức lãi suất phát sinh tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.

2. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn chi phí thuê Công ty truyền thông xử lý khủng hoảng truyền thông: 1.362.308.640 đồng và chi phí lập vi bằng 6.200.000 đồng.

3. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn.

4. Về án phí dân sự sơ thẩm: Nguyên đơn phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm là 53.055.259 đồng nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm nguyên đơn đã nộp là 26.641.480 đồng, theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2017/0026390 ngày 10/12/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận O Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, nguyên đơn còn phải nộp 26.413.779 đồng (Hai mươi sáu triệu bốn trăm mươi ba ngàn bảy trăm bảy mươi chín) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Bị đơn phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm là 4.170.000 đồng nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm nguyên đơn đã nộp là 3.880.308 đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2017/0031034 ngày 07/5/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận O, Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, nguyên đơn còn phải nộp 289.692 đồng (Hai trăm tám mươi chín ngàn sáu trăm chín mươi hai) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Các đương sự có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án sơ thẩm đến Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa tuyên án.

Ngày 30/10/2019, nguyên đơn có đơn kháng cáo với nội dung: Kháng cáo một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 287/2019/DS-ST ngày 21/10/2019 của Tòa án nhân dân Quận O. Yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Lý do kháng cáo: Không đồng ý về việc Toà sơ thẩm không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với yêu cầu buộc bị đơn bồi thường chi phí khắc phục thiệt hại là chi phí lập vi bằng và thuê công ty truyền thông xử lý khủng hoảng truyền thông.

Ngày 01/11/2019, bị đơn có đơn kháng cáo với nội dung: Kháng cáo toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 287/2019/DS-ST ngày 21/10/2019 của Tòa án nhân dân Quận O. Yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn. Lý do kháng cáo: Toà án sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có cơ sở, không phù hợp với quy định pháp luật; Toà án sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn là không đúng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, bị đơn không rút yêu cầu phản tố, các đương sự không thỏa thuận được với nhau.

Giai đoạn phúc thẩm, nguyên đơn và bị đơn đã bổ sung xác định cụ thể nội dung yêu cầu. Tòa án đã trưng cầu và thu thập thêm tài liệu chứng cứ là Kết luận của Hội đồng chuyên môn thuộc Bộ Y tế.

Đại diện Viện kiểm sát sau khi phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, phân tích nhận định về nội dung kháng cáo của đương sự, đã có ý kiến nhận xét và đề nghị như sau:

- Về tố tụng:

Giai đoạn phúc thẩm, Hội đồng xét xử thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự được đảm bảo để thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

- Về nội dung:

Tại giai đoạn phúc thẩm, Tòa án có thu thập bổ sung kết luận của Hội đồng chuyên môn thuộc Bộ Y tế. Từ kết luận này có cơ sở chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn về yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe. Tuy nhiên, do vấn đề này chưa được giải quyết tại cấp sơ thẩm nên căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, đề nghị phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Đơn kháng cáo của nguyên đơn và của bị đơn đảm bảo đúng quy định về thời hạn và thủ tục kháng cáo. Quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết vụ án sơ thẩm đã xác định đúng. Về người tham gia tố tụng trong vụ án, cấp sơ thẩm đã đưa tham gia đủ và tống đạt các văn bản tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Đối với nội dung tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh tại vụ án, căn cứ khoản 2 Điều 80 Luật Khám bệnh, Chữa bệnh quy định các bên tranh chấp có trách nhiệm tự hòa giải, trường hợp hòa giải không thành thì các bên có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật. Đây là quy định về điều kiện khởi kiện theo Bộ luật Tố tụng dân sự. Xét tại “Biên bản họp” ngày 22/6/2018 và Văn bản số 523-2018/MH-CEO ngày 26/6/2018 của Bệnh viện M thì có thể xác định đây là trường hợp các bên đã hòa giải tranh chấp không thành nên có đủ điều kiện khởi kiện.

[3] Căn cứ hồ sơ vụ án giai đoạn sơ thẩm và tài liệu chứng cứ thu thập bổ sung tại giai đoạn phúc thẩm, Hội đồng xét thấy:

Căn cứ Hồ sơ bệnh án và theo kết luận của Hội đồng chuyên môn thuộc Bộ Y tế (tại Văn bản số 946/BYT-BMTE ngày 09/02/2021 của Bộ Y tế), có cơ sở xác định trước khi khám tại Bệnh viện M vào ngày 19/6/2018, bà Nguyễn Thị Mộng C có tiền sử mổ lấy thai 02 lần, trước khi khám tại Bệnh viện M trong khoảng 1 tháng bà C có sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp 02 lần. Trong lần mang thai này, bà C có tình trạng thai làm tổ ở sẹo mổ cũ, gai rau phát triển vào lớp cơ tử cung, đây là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm.

Đối chiếu với toàn bộ nội dung bài viết của bà C đăng trên trang mạng Facebook “C Nguyen” vào ngày 23/6/2018, thấy các tình tiết nêu trên hoàn toàn không được bà C đề cập tại bài viết.

Bài viết của bà C thể hiện nội dung một bà mẹ mang thai khoẻ mạnh bình thường đã gặp sự cố y khoa khi khám, chữa bệnh.

Như vậy, từ việc bài viết không thể hiện đầy đủ toàn bộ các dữ liệu thông tin, các tình tiết nội dung sự việc đã làm cho người đọc hiểu không đúng bản chất toàn bộ sự việc. Từ bài viết đăng của bà C dẫn đến hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội và cả các phương tiện thông tin truyền thông đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của Bệnh viện M. Án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn gỡ bỏ bài đăng, xin lỗi công khai và bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do uy tín bị xâm phạm là có căn cứ, theo quy định tại Điều 34, khoản 2 Điều 592 Bộ luật dân sự. Tuy nhiên xét về nội dung, phạm vi việc xin lỗi cần được phúc thẩm sửa án sơ thẩm cho phù hợp với tính chất, mức độ lỗi và phương thức thực hiện phải cụ thể để đảm bảo cho việc thi hành án.

[4] Xét kháng cáo của nguyên đơn đối với yêu cầu bồi thường chi phí lập vi bằng và thuê công ty truyền thông xử lý khủng hoảng truyền thông: Chứng cứ nguyên đơn cung cấp là “Hợp đồng ứng phó và xử lý khủng hoảng truyền thông” số 014/2018/HĐCOM/SPL-MH ngày 26/6/2018. Xét thấy: Bài viết của bị đơn đăng vào ngày 23/6/2018 nhưng nguyên đơn ký hợp đồng xử lý truyền thông thời gian từ ngày 20/6/2018, như vậy khoản chi phí này là không hợp lý và việc lập vi bằng là chi phí thu thập chứng cứ, như án sơ thẩm đã nhận định, vì vậy không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.

[5] Căn cứ kết luận của Hội đồng chuyên môn thuộc Bộ Y tế (Tại Văn bản số 946/BYT-BMTE ngày 09/02/2021 của Bộ Y tế) đã xác định: Bệnh viện M trong lần khám đầu ngày 19/6/2018: “không phát hiện được người bệnh có thai tại sẹo mổ cũ”; “không chẩn đoán được tình trạng có thai của người bệnh, từ đó dẫn đến xử trí không phù hợp”; trong lần nhập viện ngày 20/6/2018: “chưa chẩn đoán chính xác bệnh lý của người bệnh là “chửa tại sẹo mổ lấy thai” nên xử lý chưa triệt để. Người bệnh sau đó đã được Bệnh viện U điều trị triệt để”.

Hội đồng xét thấy có cơ sở xác định Bệnh viện M cũng đã có sai sót trong khám, chữa bệnh cho bà Nguyễn Thị Mộng C, sai sót này đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bà C nên buộc nguyên đơn phải có trách nhiệm bồi thường. Thiệt hại trong trường hợp này là khoản chi phí điều trị của bị đơn tại Bệnh viện U và khoản bù đắp tổn thất về tinh thần, theo quy định tại Điều 73, 76 Luật Khám bệnh, Chữa bệnh và Điều 590 Bộ luật dân sự. Nội dung kháng cáo này của bị đơn là có căn cứ chấp nhận.

[6] Về kháng cáo của bị đơn đối với yêu cầu phản tố về việc nguyên đơn xâm phạm quyền được khám bệnh, chữa bệnh: Bị đơn cho rằng nguyên đơn, cụ thể là giám đốc điều hành và giám đốc truyền thông của Bệnh viện M, đã có hành vi ngăn cản, không cho bị đơn được tái khám tại Bệnh viện M vào ngày 25/6/2018, đồng thời bị đơn cung cấp bản dịch “File ghi âm số 003” nội dung các cuộc nói chuyện để chứng minh. Hội đồng xét thấy nội dung tài liệu của bị đơn cung cấp không chứng minh được có hành vi xâm phạm quyền được khám bệnh, chữa bệnh như án sơ thẩm đã nhận định.

[7] Về “Thông cáo báo chí” lúc 22h45 ngày 23/6/2018 của Bệnh viện M, được công khai tại buổi họp báo ngày 26/6/2018: Xuất phát từ bài đăng không thể hiện đầy đủ toàn bộ các dữ liệu thông tin, các tình tiết nội dung sự việc của bị đơn (như nhận định tại mục [3]), sự việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động bình thường của Bệnh viện M nên Bệnh viện M phải có thông tin phản hồi về bài viết của bị đơn. Những thông tin cần thiết có liên quan đến bệnh án cần thiết phải đưa ra là cơ sở để phản hồi đối với các thông tin tại bài đăng của bị đơn. Đây là các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 584, khoản 4 và 5 Điều 585 Bộ luật dân sự.

Về Công văn số 532-2018/MH-CEO ngày 29/06/2018 của Công ty TNHH Y tế A gửi Bộ Y tế, đây là văn bản nội bộ nguyên đơn báo cáo theo yêu cầu của cơ quan chủ quản trước thông tin và dư luận từ bài viết của bị đơn. Nội dung phần trích dẫn của bị đơn cũng là ý kiến báo cáo của nguyên đơn về lý do bị đơn yêu cầu Bệnh viện phải xóa bỏ thông tin có sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp khi lập hồ sơ bệnh án. Cách thức trình bày ý kiến tại công văn của nguyên đơn là chưa phù hợp nhưng đây là đoạn trích trong một văn bản mang tính chất báo cáo nội bộ, chưa đủ cơ sở chứng minh hậu quả xâm phạm danh dự, nhân phẩm của bị đơn, như án sơ thẩm đã nhận định.

[8] Từ những căn cứ nhận định trên, có cơ sở xác định việc bị đơn đăng tải công khai trên trang mạng xã hội bài viết không đầy đủ thông tin sự việc, theo hướng một chiều, thu hút đông đảo số lượng người đọc và truyền thông dư luận đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của Bệnh viện M; đồng thời cũng có cơ sở xác định Bệnh viện M có phần sai sót trong việc khám, điều trị cho bị đơn đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bị đơn. Mỗi bên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình tương ứng với đối tượng bị xâm phạm và mức độ lỗi theo quy định pháp luật như đã viện dẫn. Vì vậy, có căn cứ sửa một phần bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn và không chấp nhận các nội dung kháng cáo về yêu cầu nguyên đơn xin lỗi, đính chính, xử phạt và các khoản bồi thường số tiền 110.371.431 đồng. Các chứng cứ vụ án đã được thu thập đầy đủ và không có sự vi phạm nghiêm trọng tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, do đó không có căn cứ hủy án như đề nghị của Viện kiểm sát.

[9] Án phí sơ thẩm: Các đương sự không có hồ sơ xin miễn, giảm án phí nên phải chịu theo quy định. Án phí phúc thẩm: Các đương sự không phải chịu và được trả lại tạm ứng đã nộp.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ Điều 34, 38, 584, 590 và 592 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 73, 76 Luật Khám bệnh, Chữa bệnh.

Căn cứ Nghị định 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ hướng dẫn về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn; Sửa Bản án sơ thẩm số 287/2019/DS-ST ngày 21/10/2019 của Tòa án nhân dân Quận O, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

1.1. Buộc bà Nguyễn Thị Mộng C xóa bỏ toàn bộ bài viết “KHI BẠN CÓ THAI NHƯNG BỆNH VIỆN NÓI KHÔNG VÀ CHO THUỐC PHÁ THAI ĐỂ ĐẨY DỊCH Ứ” đăng ngày 23/6/2018, cả các bài bằng tiếng Việt và tiếng Anh đăng sau đó, trên trang Facebook cá nhân “C Nguyen” của bà C.

1.2. Buộc bà Nguyễn Thị Mộng C phải xin lỗi công khai Bệnh viện M bằng cách đăng lên 3 tờ báo là Báo Thanh niên, Báo Tuổi trẻ và Báo Phụ nữ, mỗi bài đăng một kỳ (một số), nội dung như sau:

“XIN LỖI CÔNG KHAI Tôi Nguyễn Thị Mộng C, tài khoản trang Facebook là “C Nguyen”, vào ngày 23/6/2018 tôi có đăng trên trang Facebook “C Nguyen” bài viết tựa đề “KHI BẠN CÓ THAI NHƯNG BỆNH VIỆN NÓI KHÔNG VÀ CHO THUỐC PHÁ THAI ĐỂ ĐẨY DỊCH Ứ”.

Bài viết đã không thể hiện đầy đủ các thông tin của sự việc, từ đó người đọc hiểu không chính xác nội dung toàn bộ sự việc, làm ảnh hưởng đến uy tín của Bệnh viện M.

Tôi Nguyễn Thị Mộng C công khai xin lỗi Bệnh viện M”.

Chi phí đăng báo do bà Nguyễn Thị Mộng C phải chịu.

1.3. Buộc bà Nguyễn Thị Mộng C phải bồi thường tổn thất về tinh thần do uy tín của Bệnh viện M bị xâm phạm là 13.900.000 đồng.

2. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải bồi thường chi phí thuê công ty truyền thông xử lý khủng hoảng truyền thông là 1.362.308.640 đồng và chi phí lập vi bằng là 6.200.000 đồng.

3. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn:

Buộc Công ty TNHH Y tế A phải bồi thường thiệt hại cho bà Nguyễn Thị Mộng C số tiền là 9.253.189 đồng và bồi thường tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm là 69.500.000 đồng.

4. Không chấp nhận các yêu cầu phản tố khác còn lại của bị đơn về yêu cầu nguyên đơn xin lỗi, đính chính, xử phạt và các khoản bồi thường với số tiền là 110.371.431 đồng.

5. Kể từ ngày người có đơn yêu cầu thi hành án đối với khoản tiền, nếu người phải thi hành án chậm thi hành thì hàng tháng còn phải chịu lãi tương ứng với thời gian chậm trả, theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.

6. Án phí dân sự sơ thẩm: Nguyên đơn phải chịu là 55.417.854 đồng, được trừ vào tiền tạm ứng đã nộp là 26.641.480 đồng (theo biên lai thu số AA/2017/0026390 ngày 10/12/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận O). Nguyên đơn phải nộp thêm 26.691.374 đồng.

Bị đơn phải chịu là 6.213.571 đồng, được trừ vào tiền tạm ứng đã nộp là 3.880.308 đồng (theo biên lai thu số AA/2018/0031034 ngày 07/5/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận O). Bị đơn còn phải nộp thêm 2.333.263 đồng.

Án phí phúc thẩm: Các đương sự không phải chịu. Trả lại cho Công ty TNHH Y tế A tiền tạm ứng 300.000 đồng (theo biên lai thu số AA/2018/0031790 ngày 04/11/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận O); Trả lại cho bà Nguyễn Thị Mộng C tiền tạm ứng 300.000 đồng (theo biên lai thu tiền số AA/2018/0031788 ngày 01/11/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận O).

Trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các điều 6, 7, 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1081
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm số 432/2021/DS-PT

Số hiệu:432/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 04/05/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về
Vào sáng ngày 19/6/2018, bà C đến Bệnh viện M để thăm khám. Bà C cung cấp cho các bác sĩ là: khoảng 3 đến 4 tuần trước, bàdùng hai lần thuốc ngừa thai khẩn cấp, khi thấy chảy máu bất thường nên bà đến Bệnh viện M. Bệnh viện đã thực hiện các biện pháp y tế, vào tối muộn cùng ngày bà trở lại khi bị chảy máu nhiều. Xét nghiệm thử thai nhanh bằng nước tiểu có kết quả dương tính. Bà C được thăm khám bởi bác sĩ trực khoa sản và được thực hiện thủ thuật hút lòng tử cung cầm máu. Khi bà C xuất viện vào ngày 22/6/2018, bà khăng khăng yêu cầu các bác sĩ điều trị phải xóa bỏ thông tin về việc bà đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp trong tóm tắt xuất viện của bà, một tài liệu quan trọng trong hồ sơ bệnh án nên các bác sĩ của Bệnh viện M đã từ chối sửa hồ sơ bệnh án theo yêu cầu của bà.

Vào lúc 9h47 sáng ngày 23/6/2018, bà C đã đăng tải trên trang Facebook “C Nguyen” bài viết có tiêu đề “KHI BẠN CÓ THAI NHƯNG BỆNH VIỆN NÓI KHÔNG VÀ CHO THUỐC PHÁ THAI ĐỂ ĐẨY DỊCH Ứ”. Bà C đã viết rằng bà được cho thuốc phá thai trong khi bà đang có thai và kể lại một cách đầy kịch tính tình huống bà được cấp cứu tại Bệnh viện M và chiến đấu giữa sự sống và cái chết, tự hỏi về đạo đức của các bác sĩ Bệnh viện M và kết luận bằng cách yêu cầu mọi người chia sẻ bài viết của mình. Những tình tiết này hoàn toàn sai so với thực tế làm ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần các y bác sĩ và hình ảnh Bệnh viện M.

Bệnh viện M khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà C: Xóa bỏ toàn bộ các bài viết trên trang Facebook của bà liên quan đến vụ việc này; Phải xin lỗi công khai Bệnh viện M bằng cách gửi thư xin lỗi đến ít nhất 3 tờ báo theo chỉ định của Bệnh viện M; Phải bồi thường cho Bệnh viện M những thiệt hại sau: Chi phí lập vi bằng: 6.200.000 đồng; Chi phí thuê công ty truyền thông xử lý khủng hoảng truyền thông: 1.362.308.640 đồng; Bồi thường tổn thất về tinh thần do uy tín của Bệnh viện M bị xâm phạm bằng số tiền là 13.900.000 đồng.

Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Bệnh viện M.