TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 88/2018/DS-PT NGÀY 21/06/2018 VỀ TRANH CHẤP VỀ BỒI THƯỜNG KINH PHÍ ĐÀO TẠO
Ngày 21 tháng 6 năm 2018, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa công khai tại trụ sở xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý số 68/TB-TLVA ngày 20/12/2017 “Tranh chấp về bồi thường kinh phí đào tạo” đối với bản án dân sự sơ thẩm số 46/2017/DS-ST ngày 30/08/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 68B/2018/QĐ-PT ngày 06/6/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Trung tâm X; địa chỉ: thành phố Đà Nẵng. Người đại diện theo pháp luật là bà Dương Thúy H (giám đốc Trung tâm) vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền:
+ Anh Nguyễn Ngọc C, sinh năm 1985; địa chỉ thành phố Đà Nẵng; có mặt.
+ Chị Đỗ Thị Hạnh C, sinh năm 1983; địa chỉ: thành phố Đà Nẵng; có mặt.
+ Chị Nguyễn Thị Thu T, sinh năm 1988; địa chỉ: thành phố Đà Nẵng; có mặt.
2. Bị đơn:
2.1. Chị Hồ Thị Như M, sinh năm 1985; đang ở nước ngoài, vắng mặt;
2.2. Ông Hồ Hữu N, sinh năm 1957; trú tại: thành phố Đà Nẵng, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Tại Đơn khởi kiện đề ngày 26/5/2015 và quá trình tố tụng, nguyên đơn là Trung tâm X trình bày:
Chị Hồ Thị Như M (học sinh trường PTTH L) được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cử đi học đại học tại Trường Đại học O, Vương Quốc Anh theo Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố, thời gian học 03 năm, bắt đầu từ năm 2005, với học bổng 20.000 USD/năm. Chị M tốt nghiệp Đại học O tháng 8/2008, đạt loại giỏi; tổng kinh phí Chị M nhận từ ngân sách thành phố là 958.030.000 đồng. Sau khi tốt nghiệp đại học, Chị M gửi đơn xin gia hạn thời gian về thành phố làm việc để tiếp tục học thạc sĩ ở Anh bằng kinh phí tự túc, được UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý.
Năm 2010, sau khi hoàn thành chương trình học thạc sĩ, Chị M trở về, được UBND thành phố Đà Nẵng phân công công tác tại Viện nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố của Thành phố; tháng 10/2011, Chị M được điều chuyển đến công tác tại Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố. Ngày 22/8/2012, Trung tâm X nhận được Công văn số 17/BC-BQLKCNC của Ban quản lý khu công nghệ cao Thành phố cho biết Chị M có đơn xin nghỉ phép từ ngày 23/7/2012 đến ngày 31/7/2012 để đi thăm gia đình ở Vương quốc Anh. Ngày 11/8/2012, Ban quản lý khu công nghệ cao nhận được Mail của Chị M gửi về từ Vương quốc Anh xin nghỉ việc, Ban quản lý có Mail phản hồi không chấp nhận cho Chị M, đồng thời yêu cầu Chị M về nước nhận công tác, nhưng Chị M không hồi đáp. Ngày 21/5/2013, Ban quản lý Khu công nghệ cao ban hành Quyết định sa thải Chị M, có nội dung đã chấm dứt hợp đồng với Chị M kể từ ngày 16/8/2012. Nay Trung tâm phát triển nguồn nhân lực cao thành phố Đà Nẵng khởi kiện yêu cầu Chị M và ông Hồ Hữu N (cha Chị M) liên đới bồi thường cho Ngân sách thành phố 1.916.060.000 đồng (gấp đôi kinh phí đào tạo, theo như cam kết trong Hợp đồng mà ông N và Chị M đã ký với Thành phố).
- Bị đơn là chị Hồ Thị Như M: Không chấp hành theo các Giấy triệu tập phải có mặt tại Tòa án , cũng như không gửi ý kiến phản hồi đến Tòa án.
- Bị đơn là ông Hồ Hữu N trình bày: Ông là cha của Chị M, Ông thừa nhận có cùng Chị M ký Hợp đồng số 01/2005/HDDA-LQĐ ngày 29/9/2005 với Sở Giáo dục Đào tạo thành phố Đà Nẵng, Trường PTTH chuyên L và Trung tâm X về việc Chị M được cử đi học nước ngoài. Trong quá trình Chị M học tập, Ông đã luôn theo dõi, động viên con học tập tốt, động viên con học xong về nước ngay để phục vụ Thành phố và Chị M đã trở về Thành phố làm việc một thời gian. Như vậy, theo ông N thì ông đã hoàn thành nghĩa vụ của Ông theo Hợp đồng; còn Chị M đã trưởng thành có gia đình riêng nên không chịu sự quản lý, giám hộ của Ông nên nay Ông không đồng ý bồi hoàn kinh phí đào tạo cho
Thành phố. Tuy nhiên, có lúc ông N lại trình bày hiện nay hoàn cảnh kinh tế của gia đình Ông khó khăn, đồng thời yêu cầu Tòa án áp dụng Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo; theo ông N nếu áp dụng Nghị định 143 này thì Ông và Chị M đồng ý bồi hoàn cho Thành phố 684.000.000 đồng {Số tiền Thành phố đã đầu tư – (Số tiền Thành phố đã đầu tư / 7 năm x 21 tháng là thời gian Chị M đã về công tác tại Thành phố)}.
- Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 46/2017/DS-ST ngày 30/8/2017, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định:
Căn cứ vào Điều 37, Điều 40, Điều 273, Điều 464, Điều 468, Điều 469, Điều 479 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 388, Điều 405, khoản 4 Điều 426, Điều 427 Bộ luật dân sự 2005; Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng đối với ông Hồ Hữu N và bà Hồ Thị Như M.
2. Buộc ông Hồ Hữu N và bà Hồ Thị Như M có nghĩa vụ liên đới bồi thường kinh phí đào tạo cho Trung tâm X số tiền: 1.916.060.000 đ.
3. Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.
4. Án phí dân sự sơ thẩm: ông Hồ Hữu N và chị Hồ Thị Như M phải chịu 69.481.800 đồng.
- Ngày 08/9/2017, ông Hồ Hữu N kháng cáo cho rằng:
+ Ông không vi phạm hợp đồng vì Ông đã động viên con học tốt, động viên con sau khi học xong về nước làm việc, nay Chị M đã trưởng thành nên Ông không còn trách nhiệm giám hộ cho Chị M. Chị M cũng không vi phạm hợp đồng vì sau khi tốt nghiệp, Chị M đã về nước công tác 2 năm; hợp đồng quy định thời gian phải làm việc cho thành phố là 7 năm nhưng không liên tục và Chị M đã có đơn xin tạm hoãn công tác để lo việc gia đình, sẽ quay lại làm việc vào thời điểm thích hợp;
+ Đề nghị cấp phúc thẩm áp dụng Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức và Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo của Chính phủ để buộc cha con ông hoàn lại chi phí đào tạo theo tính toán của Ông là khoảng 684.000.000 đồng.
+ Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm miễn án phí dân sự sơ thẩm cho Ông vì hiện nay Ông đã nghỉ hưu, kinh tế khó khăn.
- Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay:
+ Nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm;
+ Bị đơn không rút đơn kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng Nghị định 143/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ để buộc cha con Ông bồi hoàn số tiền Ngân sách Thành phố đã đầu tư – Số tiền tương ứng với thời gian Chị M đã phục vụ Thành phố.
+ Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:
Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; Về nội dung đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
- Căn cứ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ việc hỏi và tranh luận tại phiên tòa; căn cứ ý kiến của những người tham gia tố tụng và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Thực hiện chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về đầu tư đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển Thành phố thì ngày 29/9/2005, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, đại diện Trường PTTH chuyên L, ông Hồ Hữu N và chị Hồ Thị Như M ký Hợp đồng số 01/2005/HDDA-LQĐ về việc “Thực hiện Đề án hỗ trợ đào tạo bậc Đại học tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước cho học sinh Trường THPT chuyên L” bằng ngân sách của Thành phố. Nội dung Hợp đồng thể hiện Chị M được UBND thành phố Đà Nẵng cử đi học bậc đại học ngành kinh tế và quản lý tại trường Đại học O, Vương Quốc Anh, thời gian học 03 năm, bắt đầu học từ năm 2005 với mức học bổng do Ngân sách thành phố chi trả là 20.000 USD/năm, “2.4. Sau khi tốt nghiệp đại học, phải trở về làm việc tại thành phố trong thời gian 7 năm trở lên và chấp hành sự phân công công tác của tổ chức; 2.5. Cùng với gia đình, liên đới chịu trách nhiệm bồi thường gấp 5 lần toàn bộ kinh phí (bao gồm kinh phí đầu tư và lãi suất lũy tiến vay tiêu dùng từng kỳ) do Thành phố hỗ trợ kể từ khi bắt đầu vào học tại trường THPT chuyên L; đối với học sinh các trường THPT khác thì bồi thường khoản kinh phí do nhà nước đầu tư tính từ khi bắt đầu học ở cơ sở đào tạo, nếu gia đình và học sinh không thực hiện đúng hợp đồng”.
Chị M tốt nghiệp đại học tháng 8/2008, kết quả đạt loại Giỏi, tổng số kinh phí Chị M đã nhận từ ngân sách Thành phố là 958.030.000 đồng; sau khi tốt nghiệp đại học, Chị M có Đơn đề nghị và được Thành phố gia hạn thời gian học khóa học thạc sỹ đến hết ngày 03/9/2010 bằng nguồn kinh phí tự túc. Năm 2010, hoàn thành khóa học thạc sỹ Chị M về nước nhận công tác, được phân công công tác tại Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Thành phố; tháng 10/2011, Chị M được điều chuyển đến công tác tại Ban quản lý khu công nghệ cao. Chị M xin nghỉ phép từ ngày 23/7/2012 đến ngày 31/7/2012 để đi thăm gia đình ở Vương quốc Anh; hết hạn nghỉ phép Chị M không về nước và có Đơn xin nghỉ việc đề ngày 11/8/2012 gửi Ban quản lý khu công nghệ cao (thực tế, xác minh ngày 18/10/2016 tại Cục quản lý Xuất nhập cảnh thì Chị M xuất cảnh lần cuối cùng ngày 27/7/2012, đến nay chưa nhập cảnh lại). Ngày 21/5/2013, Ban quản lý khu công nghệ cao ban hành Quyết định số 46/QĐ-BQLKCNC thi hành kỷ luật sa thải Chị M kể từ ngày 16/8/2012. Ngày 26/5/2015, Trung tâm X (đơn vị tiếp nhận hồ sơ Đề án 47 của Thành phố) khởi kiện yêu cầu Chị M và ông N liên đới bồi thường theo nội dung các điều khoản đã ký tại Hợp đồng số 01/2005/HDDA- LQĐ ngày 29/9/2005.
Xét thấy:
(1). Căn cứ các nội dung và điều khoản cam kết tại Hợp đồng số 01/2005/HĐDA-LQD ngày 29/9/2005 đã viện dẫn trên thì sau khi tốt nghiệp đại học, Chị M phải trở về làm việc tại Thành phố trong thời gian 7 năm trở lên và chấp hành sự phân công công tác của tổ chức; nếu vi phạm hợp đồng thì người được cử đi học và gia đình phải liên đới bồi thường gấp 5 lần khi phí mà Ngân sách đã đầu tư. Sau khi về nước, Chị M mới làm việc cho Thành phố được 21 tháng thì tự ý nghỉ việc khi chưa có sự đồng ý của cơ quan chủ quản là vi phạm Hợp đồng đã ký kết nên ông N và Chị M phải liên đới bồi thường theo Hợp đồng số 01/2005/HĐDA- LQD đã ký kết. Theo Hợp đồng số 01/2005/HĐDA- LQD ngày 29/9/2005 nêu trên thì ông N cam kết cùng Chị M bồi thường gấp 5 lần kinh phí đào tạo mà Ngân sách thành phố đã đầu tư nên tại Quyết định số 4027/QĐ-UBND ngày 12/6/2013 của UBND thành phố đã thông báo ông N và Chị M phải nộp bồi thường 4.790.150.000 đồng. Tuy nhiên, ngày 08/4/2014, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 2201/QĐ-UBND thu hồi, hủy bỏ Quyết định 4027/QĐ-UBND nêu trên; giao Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nghiên cứu, báo cáo về trường hợp của Chị M và các trường hợp tương tự. Được sự đồng ý của UBND Thành phố, ngày 12/12/2014 Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ban hành Văn bản số 444/NLCLC-ĐTBD, thông báo cho ông N và Chị M điều chỉnh mức yêu cầu Chị M, ông N bồi thường là gấp 2 lần kinh phí mà Ngân sách thành phố đã đầu tư (958.030.000đ x 2) = l.916.060.000đ.
(2). Đối với ý kiến của ông N cho rằng Ông không vi phạm hợp đồng vì Ông đã động viên con học tốt, động viên con sau khi học xong về nước làm việc, nay Chị M đã trưởng thành nên Ông không còn trách nhiệm giám hộ cho Chị M. Chị M cũng không vi phạm hợp đồng vì sau khi tốt nghiệp, Chị M đã về nước công tác 2 năm; hợp đồng quy định thời gian phải làm việc cho thành phố là 7 năm nhưng không liên tục và Chị M đã có đơn xin tạm hoãn công tác để lo việc gia đình, sẽ quay lại làm việc vào thời điểm thích hợp thì thấy: Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay ông N thừa nhận cha con Ông tự nguyện khi ký Hợp đồng số 01/2005/HDDA-LQĐ ngày 29/9/2005 với Thành phố nên giao dịch này là tự nguyện, không trái pháp luật, đạo đức xã hội nên thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng có hiệu lực thi hành. Xét Chị M tự ý nghỉ việc là vi phạm hợp đồng và trong nội dung hợp đồng ông N đã cam kết sẽ chịu trách nhiệm liên đới bồi thường khi Chị M vi phạm Hợp đồng nên việc ông N cho rằng Chị M đã trưởng thành, Ông không chịu trách nhiệm của người giám hộ đối với hành vi của Chị M là không đúng với cam kết tự nguyện mà ông N đã ký. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông N liên đới cùng Chị M bồi thường Ngân sách Thành phố là có cơ sở, đúng pháp luật.
(3). Đối với ý kiến của ông N đề nghị áp dụng Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 và Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ để xem xét, quyết định số tiền Ông và Chị M phải bồi hoàn cho ngân sách Thành phố thì thấy Nghị định 54/2005/NSĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo đối với đối tượng là cán bộ, công chức viên chức; Chị M khi ký Hợp đồng với Thành phố không phải là cán bộ, công chức, viên chức mà ký với tư cách người lao động với Thành phố (đơn vị đầu tư chi phí đào tạo, mục đích sử dụng lao động có chất lượng cao) nên Chị M không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP nêu trên. Đối với yêu cầu của Ông N yêu cầu vận dụng Nghị định 143/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ khi tính toán số tiền ông N và Chị M phải bồi hoàn thì thấy: Thời điểm Chị M ký Hợp đồng với Thành phố và thời điểm Chị M tự ý nghỉ việc vi phạm hợp đồng đều trước ngày Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ban hành và đến ngày 10/12/2013 Nghị định 143 mới có hiệu lực thi hành nên không áp dụng Nghị định này để xem xét, quyết định số tiền ông N, Chị M phải bồi hoàn cho ngân sách Thành phố. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay ông N thừa nhận cha con Ông tự nguyện khi ký Hợp đồng số 01/2005/HDDA-LQĐ ngày 29/9/2005; nội dung giao kết của các bên tại Hợp đồng không trái pháp luật và đạo đức xã hội nên giao dịch này có hiệu lực thi hành. Xét ông N, Chị M đã cam kết trong Hợp đồng là nếu Chị M vi phạm Hợp đồng thì ông N, Chị M đồng ý bồi thường cho Thành phố 5 lần kinh phí đào tạo mà Ngân sách thành phố đã đầu tư; tuy nhiên, UBND thành phố đã chấp nhận đề xuất của Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chỉ yêu cầu ông N, Chị M liên đới bồi thường gấp 2 lần kinh phí mà Ngân sách thành phố đã đầu tư là đã có lợi cho Chị M và ông N nên cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông N.
(4). Về án phí:
Yêu cầu khởi kiện của Trung tâm X được chấp nhận nên Tòa án cấp sơ thẩm, buộc Chị M và ông N chịu án phí dân sự sơ thẩm {36.000.000đ + (1.916.060.000 đ - 800.000.000đ) x 3%} = 69.481.800 đồng là đúng quy định của pháp luật (Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án). Xét kháng cáo xin giảm án phí dân sự sơ thẩm của ông N với do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Ông đã trên 60 tuổi, bị bệnh tim mạch, tâm thần..vv (đơn được chính quyền địa phương xác nhận chữ ký) thì thấy việc chịu án phí dân sự sơ thẩm là nghĩa vụ liên đới của ông N và Chị M, chứ không phải của riêng ông N và thực tế Chị M đang sống ở nước ngoài nên không có cơ sở tính toán để giảm một phần án phí dân sự sơ thẩm cho ông N.
Ông N kháng cáo không được chấp nhận nên ông N phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Từ những phân tích trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 tuyên xử không chấp nhận kháng cáo của ông Hồ Hữu N, giữ nguyên quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm số 46/2017/DS-ST ngày 30/8/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng, cụ thể như sau:
1. Áp dụng các Điều 37, 40, 273, 464, 468, 479 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 388, 405, khoản 4 Điều 426, Điều 427 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án; Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Trung tâm X đối với ông Hồ Hữu N và chị Hồ Thị Như M. Buộc ông Hồ Hữu N và chị Hồ Thị Như M có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho Trung tâm X số tiền 1.916.060.000 đồng (một tỷ chín trăm mười sáu triệu, không trăm sáu mươi ngàn đồng). Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải trả lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.
Ông Hồ Hữu N và chị Hồ Thị Như M phải chịu 69.481.800đ (sáu mươi chín triệu, bốn trăm tám mươi mốt ngàn, tám trăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
2. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Hồ Hữu N phải chịu 300.000 đồng, trừ vào số tiền 300.000 đồng ông N đã nộp tạm ứng án phí kháng cáo tại Biên lai thu số 001179 ngày 12/9/2017 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng.
Bản án về tranh chấp bồi thường kinh phí đào tạo số 88/2018/DS-PT
Số hiệu: | 88/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 21/06/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về