Bản án về tranh chấp bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật số 04/2022/QĐLĐ-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 10, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 04/2022/QĐLĐ-ST NGÀY 08/04/2022 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG DO ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRÁI PHÁP LUẬT

Ngày 08 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân Quận 10, địa chỉ: 27 đường Thành Thái, Phường 14, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án lao động về “Tranh chấp bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật” thụ lý số 20/2020/TLST-LĐ ngày 01 tháng 12 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 23/2022/QĐXXST-LĐ ngày 15 tháng 02 năm 2022, Quyết định hoãn phiên tòa số 34/2022/HPT-LĐ ngày 10 tháng 3 năm 2022, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông K, sinh năm 1991 (có mặt).

Địa chỉ: Tân Hóa, Phường 1, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh

- Bị đơn: Công ty P. (vắng mặt).

Người đại diện theo pháp luật : Bà H (vắng mặt).

Địa chỉ: đường H, Phường 13, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện của ông K, các bản khai và tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thì nội dung vụ án như sau:

Ngày 28/12/2017 tôi vào làm việc tại Công Ty P (Công ty) ở vị trí nhân viên in với mức lương 9.000.000đ/ tháng, Công ty không trao cho tôi hợp đồng lao động tuy nhiên có tham gia Bảo hiểm xã hội cho tôi.

Từ ngày 01/04/2018 : Lương và phụ cấp : 11.000.000đ Từ tháng 03/2019 đến 27/05/2020: giữ vị trí Trưởng Văn Phòng : lương và phụ cấp 13.000.000đ.

Vi phạm của Công Ty :

Ngày 27/05/2020 tôi đang làm việc bình thường thì đến 9h sáng ngày 27/05/2020 thì tôi bị Công Ty thông báo cho nghỉ ngay từ ngày 27/05/2020 theo Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 08/2020/QD-IXP với lý do rất phi lý là tôi làm việc riêng trong giờ làm việc. Việc này làm tôi hết sức bức xúc vì tôi không làm việc riêng, Công ty cũng không hề đưa ra được bất cứ bằng chứng nào về việc tôi làm việc riêng, việc Công ty đuổi việc tôi cũng không tuân theo bất cứ quy trình nào của Bộ Luật Lao động, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi.

Tôi bị Công ty cho nghỉ từ ngày 27/05/2020 nhưng đến ngày 23/06/2020 Công ty mới bàn giao cho tôi Quyết định về việc chấm dứt Hợp đồng lao động.

Tôi đã nhiều lần làm việc và yêu cầu cầu Công ty hủy bỏ Quyết định chấm dứt hợp đồng vô căn cứ trên để tôi đi làm trở lại nhưng Công ty vẫn cố tình đuổi việc tôi. Công ty cũng không hề trả tôi lương và phụ cấp tháng 5/2020, không hề chi trả bất cứ khoản trợ cấp nào cho tôi.

Tôi làm việc đến 27/05/2020 nhưng Công ty chỉ đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho tôi đến tháng 3 năm 2020, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của tôi.

Đến 18/07/2020 Phòng nhân sự Công ty gửi mail thông báo sẽ hoàn trả lương cho tôi sau 30 ngày kể từ ngày tôi đến đóng phạt cho Công Ty 10.000 đồng để xác nhận về việc tôi có làm việc riêng trong giờ làm việc, tôi đã dứt khoát không đồng ý vì Công Ty đã và đang làm sai với tôi! Phải chăng họ không có chứng cứ chứng minh cho Quyết định chấm dứt hợp đồng hết sức phi lý của mình nên phải dụ tôi xác nhận mình có lỗi! Trong quá trình làm việc, từ tháng 01/2018 đến tháng 12/2019 Công Ty đã tạm giữ bằng cấp bản gốc của tôi bao gồm Bằng tốt nghiệp và chỉ hoàn trả sau khi tôi nộp đủ 3 triệu tiền ký quỹ thay cho Văn bằng bản gốc vào tháng 12/2019. Hiện nay Công ty vẫn giữ tiền ký quỹ này của tôi.

Tại phiên tòa ngày hôm nay, ông K yêu cầu:

Yêu cầu tòa buộc Công ty P trả lại và thanh toán cho tôi các khoản dưới đây do đơn phương chấm dứt HĐLD trái pháp luật :

1. Trả lại tiền lương tháng 5/2020 của ông K (13 triệu đồng, Công Ty ứng trước 03 triệu đồng): 10.000.000 đồng.

2. Trả lại tiền ký quỹ của ông K- Công Ty còn đang giữ là: 3.000.000 đồng.

3. Thanh toán cho ông K tiền lương trong những ngày không được làm việc tính từ 01/06/2020 đến ngày 08/04/2022 (ngày xét xử sơ thẩm) là 13.000.000đ/ tháng x 22 tháng + 433.000đ x 7 ngày = 289.031.000 đồng.

4. Bồi thường cho ông K tiền lương tương ứng với 45 ngày làm việc do đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động không báo trước là 19.500.000 đồng.

5. Bồi thường cho ông K 02 tháng lương để chấm dứt Hợp đồng lao động là 26.000.000 đồng.

Tổng số tiền cần thanh toán: 347.531.000 ( ba trăm bốn mươi bảy triệu, năm trăm ba mươi mốt nghìn) đồng.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Quận 10 phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và hội đồng xét xử tuân theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Nguyên đơn đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử thực hiện các thủ tục xét xử vắng mặt đối với bị đơn đúng quy định của pháp luật.

Về nội dung: Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 10. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Ông K có ký hợp đồng lao động với Công ty P. Quan hệ tranh chấp trong vụ án theo đơn khởi kiện của nguyên đơn là ông K yêu cầu Công ty P phải bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là quan hệ tranh chấp về lao động. Bị đơn có trụ sở tại Quận 10, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Quận 10.

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự thì tranh chấp trong vụ án này là về bồi thường thiệt hại nên không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải.

Bị đơn Công ty P đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai, mà vẫn vắng mặt không có lý do. Căn cứ khoản 2 Điều 227, khoản 1, 3 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 Tòa tiến hành xét xử vụ án vắng mặt bị đơn.

[2] Về nội dung tranh chấp:

[2.1] Ngày 28/12/2017 ông K vào làm việc tại Công ty P (gọi tắt là Công ty) ở vị trí nhân viên in với mức lương 9.000.000đ/ tháng. Công ty không trao cho ông K hợp đồng lao động tuy nhiên có tham gia Bảo hiểm xã hội cho ông K.

Hai bên chỉ ký hợp đồng có thời hạn 01 năm từ ngày 01/03/2018 đến 01/03/2019 sau đó hai bên không ký hợp đồng sau khi hết thời hạn hợp đồng nên theo quy định của pháp luật hợp đồng sẽ trở thành Hợp đồng không xác định thời hạn.

Từ ngày 01/04/2018 : Lương và phụ cấp : 11.000.000đ Từ tháng 03/2019 đến 27/05/2020: giữ vị trí Trưởng Văn Phòng : lương và phụ cấp 13.000.000đ.

Vi phạm của Công Ty :

Ngày 27/05/2020 ông K đang làm việc bình thường thì đến 9h sáng ngày 27/05/2020 thì ông K bị Công Ty thông báo cho nghỉ ngay từ ngày 27/05/2020 theo Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 08/2020/QD-IXP với lý do rất phi lý là ông K làm việc riêng trong giờ làm việc. Công ty cũng không hề đưa ra được bất cứ bằng chứng nào về việc ông K làm việc riêng. Việc Công ty đuổi việc ông K cũng không tuân theo bất cứ quy trình nào của Bộ Luật Lao động, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông K.

Ông K bị Công ty cho nghỉ từ ngày 27/05/2020 nhưng đến ngày 23/06/2020 Công ty mới bàn giao cho ông K Quyết định về việc chấm dứt Hợp đồng lao động.

Ông K đã nhiều lần làm việc và yêu cầu cầu Công ty hủy bỏ Quyết định chấm dứt hợp đồng vô căn cứ trên để ông K đi làm trở lại nhưng Công ty vẫn cố tình đuổi việc ông K. Công ty cũng không hề trả ông K lương và phụ cấp tháng 5/2020, không hề chi trả bất cứ khoản trợ cấp nào cho ông K.

Ông K làm việc đến 27/5/2020 nhưng Công ty chỉ đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho ông K đến tháng 3 năm 2020, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của ông K.

Đến 18/07/2020 Phòng nhân sự Công ty gửi mail thông báo sẽ hoàn trả lương cho ông K sau 30 ngày kể từ ngày ông K đến đóng phạt cho Công Ty 10.000 đồng để xác nhận về việc ông K có làm việc riêng trong giờ làm việc. Ông K đã dứt khoát không đồng ý vì Công Ty đã và đang vi phạm nghiêm trọng Bộ luật lao động.

Trong quá trình làm việc, từ tháng 01/2018 đến tháng 12/2019 Công Ty đã giữ Bằng tốt nghiệp (bản chính)- ông K đã nộp cho Công ty vào tháng 12/2019 và chỉ hoàn trả sau khi ông K nộp đủ 03 triệu đồng tiền ký quỹ. Hiện nay Công ty vẫn giữ tiền ký quỹ này của ông K là đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ luật lao động.

Từ những tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và lời trình bày của ông K; Hội đồng xét xử thấy đã đủ căn cứ xác định Công ty P đã đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật với ông K, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ luật lao động.

[2.2] Công ty P không đến tòa làm việc, trình bày ý kiến, thể hiện rõ việc Công ty không muốn nhận lại ông K vào làm việc lại, do đó ông K cũng không có yêu cầu buộc Công ty nhận ông vào làm việc lại là hoàn toàn chính đáng.

Vì vậy những yêu cầu của ông K:

Yêu cầu buộc Công ty P trả lại và thanh toán cho ông K các khoản tiền do đơn phương chấm dứt HĐLD trái pháp luật gồm:

1. Trả lại tiền lương tháng 5/2020 của ông K (13 triệu đồng, Công Ty ứng trước 03 triệu đồng): 10.000.000 đồng.

2. Trả lại tiền ký quỹ của ông K- Công Ty còn đang giữ là: 3.000.000 đồng.

3. Thanh toán cho ông K tiền lương trong những ngày không được làm việc tính từ 01/06/2020 đến ngày 08/04/2022 ( ngày xét xử sơ thẩm) là 13.000.000đ/ tháng x 22 tháng + 433.000đ x 7 ngày = 289.031.000 đồng.

4. Bồi thường cho ông K tiền lương tương ứng với 45 ngày làm việc do đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động không báo trước là 19.500.000 đồng.

5. Bồi thường cho ông K 02 tháng lương để chấm dứt Hợp đồng lao động là 26.000.000 đồng.

Tổng số tiền ông K yêu cầu Công ty P trả lại và thanh toán cho ông là: 347.531.000 ( ba trăm bốn mươi bảy triệu, năm trăm ba mươi mốt nghìn) đồng.

Các yêu cầu trên của ông K là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật, được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[3] Về án phí lao động sơ thẩm: Do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận, vì vậy bị đơn Công ty P phải chịu án phí sơ thẩm theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Áp dụng điểm a,b khoản 1 Điều 32; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; Điều 273 Bộ luật tố Tụng dân sự năm 2015.

- Áp dụng Điều 39; Điều 41 Bộ luật lao động năm 2019.

- Áp dụng khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và danh mục mức án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo.

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn- ông K:

Tuyên xử:

Công ty P đã đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật với ông K.

Chấm dứt Hợp đồng lao động giữa Công ty P với ông K kể từ ngày 08/4/2022.

Buộc Công ty P phải trả cho ông K, với tổng số tiền là: 347.531.000 (ba trăm bốn mươi bảy triệu, năm trăm ba mươi mốt nghìn) đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành chưa thi hành khoản tiền trên, thì hàng tháng bên phải thi hành còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Án phí lao động sơ thẩm: 10.425.930 (mười triệu, bốn trăm hai lăm nghìn, chín trăm ba mươi) đồng, Công ty P phải chịu.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Thời hạn kháng cáo của ông K đối với bản án là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Thời hạn kháng cáo của Công ty P đối với bản án là 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1504
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật số 04/2022/QĐLĐ-ST

Số hiệu:04/2022/QĐLĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận 10 - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 08/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về