TOÀ ÁN NHÂN DÂN QUẬN N, THÀNH PHỐ H
BẢN ÁN 08/2022/KDTM-ST NGÀY 26/09/2022 VỀ TRANH CHẤP BỒI HOÀN TIỀN BẢO HIỂM
Ngày 26 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân quận N, thành phố H xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 06/2022/TLST-KDTM ngày 07 tháng 4 năm 2022 về tranh chấp bồi hoàn tiền bảo hiểm theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 27/2022/QĐXXST-KDTM ngày 31 tháng 8 năm 2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số 33/2022/QĐXXST-KDTM ngày 19 tháng 9 năm 2022 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Hiểm Phi nhân thọ C VN (viết tắt là Công ty C); địa chỉ trụ sở: Số 46-48-50 đường P, phường B, quận 1, thành phố H.
Người đại diện hợp pháp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Hiểm Phi nhân thọ C VN: Chị Nguyễn Thị Kim Th, sinh năm 1986; nơi cư trú: Số 3/159 ấp N, xã T, huyện H, thành phố H, là người đại diện theo ủy quyền (theo giấy ủy quyền số 034 ngày 26/8/2022); có mặt.
- Bị đơn: Công ty Cổ Phần TTTTXATBPCCC HP (viết tắt là Công ty PCCC H); địa chỉ trụ sở: Số 2/28 N, phường Đ, quận N, thành phố H.
Người đại diện hợp pháp: Ông Trần Doãn P, sinh năm 1976; Chức vụ: Giám đốc Công ty PCCC H, là người đại diện theo pháp luật; có mặt.
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc Tế S (VN) (viết tắt là Công ty S); địa chỉ trụ sở: Thôn T, phường H, quận D, thành phố H; vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự tranh chấp bồi hoàn tiền bảo hiểm ngày 17/5/2021, trong bản tự khai, quá trình giải quyết tại Tòa án và tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Ngày 08/05/2017, Công ty TNHH Quốc Tế S (VN) và Công ty Cổ Phần TTTTXATBPCCC HP đã ký Hợp đồng kinh tế số 33-HĐKT/2017 để thiết kế, cung cấp, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy cho Nhà xưởng sản xuất của Công ty S địa chỉ tại Thôn T, phường H, quận D, thành phố H.
Ngày 31/07/2017 Công ty TNHH Bảo Hiểm Phi nhân thọ C VN và Công ty S đã ký kết Hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc số CI17F4001470 (mở rộng cháy và các rủi ro đặc biệt). Thời hạn bảo hiểm từ 12h00 ngày 31/07/2017 đến 12h00 ngày 31/07/2018.
Khoảng 13h30 ngày 03/06/2018 máy móc và hàng hóa tại phòng Thêu của Công ty S bị hư hỏng do ống thủy ngân của một đầu phun nước bị bục dẫn đến nước cứu hỏa phụt xuống các thiết bị và hàng hóa bên dưới. Nước cứu hỏa đã phun trực tiếp lên 03 máy thêu B20S tràn qua sàn của phòng bên cạnh.
Biên bản hiện trường ngày 04/06/2018 đã ghi nhận như sau:
“Vào hồi 13h30 ngày 03/06/2018 trong lúc đi kiểm tra bảo vệ Công ty S phát hiện có nước chảy ra từ trong phòng Thêu của Công ty nên đã tắt bơm chữa cháy tự động và báo lên cấp trên. Sau khi làm thủ tục mở khóa cửa (Công ty trong ngày nghỉ không có công nhân làm việc) phát hiện một đầu phun chữa cháy tự động phía trên máy thêu số 02 bị vỡ thủy ngân và phun nước (không có phát hiện cháy nổ hay mùi khét) làm ướt các máy thêu phía dưới cùng một số bán thành phẩm, chỉ và bàn làm việc,…” Nguyên nhân sự việc đầu phun chữa cháy tự động bị vỡ thủy ngân và phun nước được Công ty TNHH Giám định và Tư vấn kỹ thuật (viết tắt là R) xác nhận trong Báo cáo cuối cùng ngày 25/09/2018 như sau “Căn cứ vào các dấu vết để lại tại hiện trường, nguyên nhân tổn thất do lỗi khuyết tật vật liệu của sprinkler dẫn đến sprinkler tự bục làm phụt nước cứu hỏa, hư hỏng máy móc và hàng hóa”.
Dựa vào hồ sơ khắc phục, giá trị khiếu nại và các chào giá thu thập trên thị trường, Công ty TNHH Giám định và Tư vấn kỹ thuật đã xác định được trị giá thiệt hại của Công ty S là 313.051.979 đồng.
Theo trách nhiệm quy định trong Hợp đồng bảo hiểm số CI17F4001470, ngày 11/10/2018, Công ty TNHH Bảo Hiểm Phi nhân thọ C VN đã bồi thường cho Công ty S số tiền là: 313.051.979, tương ứng số tiền mà Công ty TNHH Giám định và Tư vấn kỹ thuật đã xác định trong báo cáo giám định cuối cùng ngày 25/09/2018.
Ngày 02/10/2018 Công ty S đã chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn cho C để yêu cầu Công ty PCCC H bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
Căn cứ vào quy định trong Hợp đồng kinh tế số 33- HĐKT/2017 tại Điều VI: bảo hành (Trang 7) có quy định trách nhiệm bảo hành của Công ty PCCC H đối với các thiết bị phòng cháy chữa cháy đã cung cấp cho Công ty S như sau:
“Các thiết bị Phòng cháy chữa cháy do Bên B cung cấp lắp đặt được bảo hành 12 tháng kể từ ngày bàn giao đưa vào sử dụng.
… Những hư hỏng thuộc phạm vi bảo hành:
Trong thời gian bảo hành, mọi hư hỏng phát sinh do chất lượng sản phẩm kém, sai sót trong khâu lắp ráp kỹ thuật đều được sửa chữa bảo hành.” Vào ngày 05/06/2018 Công ty PCCC H đã tiến hành thay đầu phun chữa cháy tự động bị khuyết tật cho Công ty S (căn cứ Biên bản thay đầu phun chữa cháy ngày 05/06/2018).
Từ những căn cứ trên và quy định tại khoản 1 Điều 449 Bộ Luật Dân sự “Ngoài việc yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo hành, bên mua có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra trong thời hạn bảo hành” do đó Công ty S có quyền yêu cầu Công ty PCCC H có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi khuyết tật của thiết bị mà Công ty PCCC H đã cung cấp Công ty S gây ra.
Ngày 23/03/2021, C đã gửi Công văn số 007-LD/2021/CI yêu cầu Công ty PCCC H hoàn trả số tiền 313.051.979 đồng. Tuy nhiên, Công ty PCCC H vẫn không thực hiện trách nhiệm của mình.
Do Công ty PCCC H vẫn không thực hiện nghĩa vụ, ngày 06/04/2021 C đã gửi Công văn số 008-LD/2021/CI yêu cầu Công ty PCCC H hoàn trả số tiền 313.051.979 đồng trước ngày 13/4/2021. Tuy nhiên, đến nay C vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào do Công ty PCCC H chi trả.
Theo Hợp đồng kinh tế số 33-HĐKT/2017 công ty PCCC H ký ngày 08/05/2017 về thiết kế, cung cấp, lắp đặt hệ thống Phòng cháy chữa cháy cho nhà xưởng sản xuất thuộc Công ty S thì khi đầu phun bị vỡ và Công ty PCCC H đã đến thay đầu phun mới. Tại biên bản giám định đầu phun của công ty R lý do vỡ đầu phun do khuyết tật vật liệu tại đầu phun. Do vậy có đầy đủ tài liệu chứng minh thiệt hại do khuyết tật vật liệu từ phía công ty PCCC H. Vì vậy C yêu cầu Tòa án nhân dân quận N buộc Công ty PCCC H bồi hoàn số tiền bảo hiểm là 313.000.000 đồng.
Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn trình bày C lựa chọn Công ty R thực hiện giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất trên cơ sở đồng ý của Công ty S vì Công ty S có quyền yêu cầu chỉ định giám định viên độc lập. Khi R thực hiện việc giám định Công ty S không thông báo cho Công ty PCCC H vì thời điểm đó C chưa được Công ty S thế quyền và Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng không quy định phải thông báo thiệt hại cho Công ty PCCC H.
Đối với đầu phun bị thay thế do bị lỗi, C đã bàn giao cho Công ty S sau khi giám định, bên C cũng như R không quản lý đầu phun này.
Về án phí: Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
* Đại diện bị đơn trình bày trong bản tự khai, quá trình giải quyết tại Tòa án và tại phiên tòa như sau:
Bị đơn xác nhận là công ty PCCC H đã ký Hợp đồng kinh tế số 33- HĐKT/2017 ký ngày 08/05/2017 về thiết kế, cung cấp, lắp đặt hệ thống Phòng cháy chữa cháy cho nhà xưởng sản xuất thuộc Công ty S có địa chỉ tại thôn T, phường H, quận D, thành phố H. Hai bên đã thực hiện xong hợp đồng, công ty PCCC H đã lắp đặt xong hệ thống thiết bị đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, theo đúng bản vẽ và đã được cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy nghiệm thu công trình. Phía công ty S đã thanh toán đủ tiền cung ứng lắp đặt thiết bị theo hợp đồng giữa hai bên (chỉ giữ lại tiền bảo hành là 5% giá trị công trình).
Ngày 03/6/2018 đã xảy ra sự kiện ống thủy ngân của một đầu phun nước bị bục dẫn đến nước cứu hỏa phụt xuống các thiết bị và hàng hóa. Vì sự việc xảy ra vào ban đêm nên đến sáng ngày 04/6/2018 Công ty S đã thông báo cho Công ty PCCC H. Công ty PCCC H và Công ty S đã lập biên bản hiện trường ngày 04/6/2018 có sự tham gia của đại diện công ty S, Công ty PCCC H và tổ trưởng tổ bảo vệ Công ty S.
Khi xảy ra sự kiện vỡ đầu phun chưa hết thời gian bảo hành của công ty PCCC H (thời hạn bảo hành 12 tháng kể từ ngày bàn giao công trình, thời hạn bàn giao công trình khoảng tháng 8/2017). Do còn thời hạn bảo hành nên Công ty PCCC H đã thay đầu phun mới cho Công ty S theo biên bản ngày 05/6/2018 có đại diện hai bên công ty ký xác nhận vì Công ty PCCC H là đơn vị hoạt động dịch vụ nên ngay khi có sự cố xảy ra phải khắc phục ngay hậu quả cho khách hàng là thay thế đầu phun mới mà không thực hiện việc giám định. Công ty PCCC khẳng định mọi thiết bị phòng cháy chữa cháy đều đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng (do bị đơn nhập khẩu thiết bị được kiểm định, sau khi lắp đặt đều được Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy nhiệm thu, đảm bảo chất lượng thiết bị và lắp đặt. Khi sự kiện vỡ đầu phun xảy ra Công ty S làm việc với Công ty C làm việc với công ty R về nguyên nhân vỡ đầu phun nhưng không thông báo cho Công ty PCCC H. Công ty PCCC H không được tham gia chứng kiến , không biết được nguyên nhân vỡ đầu phun và thiệt hại xảy ra. Nên bị đơn không biết C là công ty nào, không có mối quan hệ gì với bị đơn nên Công ty PCCC H không trả lời công văn của C và cũng không làm việc với Công ty S Là nhà cung cấp thiết bị phòng cháy chữa cháy, bị đơn khẳng định không có việc đầu phun tự vỡ mà phải có tác động của lực hoặc nhiệt lên đầu phun mới xảy ra hiện tượng vỡ đầu phun. Vị trí của đầu phun ở trên cao nên khả năng xảy ra tác động của ngoại lực là khó. Kết luận giám định xác định do khuyết tật vật liệu và biên bản giám định xác định không có mùi khét, khói không có nghĩa là không có tác động của nhiệt vì sự kiện đầu phun bị vỡ xảy ra vào ban đêm nhưng đến hôm sau mới xem xét hiện trường. Hiện tại do không thể giám định lại đầu phun vỡ tại thời điểm ngày 04/6/2018 tại công ty S nên không thể xác định nguyên nhân dẫn đến thiệt hại cho Công ty S. Vì vậy Công ty PCCC H không chấp nhận yêu cầu khời kiện đòi tiền bồi hoàn tiền bảo hiểm của Công ty C vì Công ty PCCC H không có lỗi đối với thiệt hại gây ra cho Công ty S.
Công ty bị PCCC H đề nghị Công ty R cung cấp tài liệu chứng minh đủ điều kiện thực hiện giám định đầu phun sprinkler nhưng tài liệu R cung cấp là không đủ căn cứ pháp lý. Do vậy, bị đơn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty S được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt tại phiên tòa 02 lần không có lý do. Trong quá trình giải quyết vụ án cũng không có mặt tại Tòa án tham gia phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải; không có quan điểm gửi Tòa án.
Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa; việc chấp hành pháp luật của nguyên đơn, bị đơn kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án về cơ bản đã đảm bảo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty S không thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về việc tham gia phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải; vắng mặt 2 lần tại phiên tòa không có lý do dù đã được triệu tập hợp lệ. Vì vậy, Tòa án giải quyết vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là đúng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227; khoản 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về quan điểm giải quyết vụ án: Đây là vụ án tranh chấp giữa các tổ chức có đăng ký kinh doanh, vì mục đích lợi nhuận; bị đơn cư trú trên địa bàn quận N nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận N. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của đương sự; qua quá trình hỏi công khai tại phiên tòa, xét thấy sau khi thiệt hại về cháy nổ xảy ra, bị đơn Công ty PCCC H đã thay đầu phun bị vỡ cho Công ty S mà không thực hiện việc giám định nguyên nhân hỏng vỡ đầu phun, đồng thời không tiến hành xác định thiệt hại của Công ty S đối với dây chuyền, máy móc sản xuất do việc vỡ đầu phun gây ra. Việc vỡ đầu phun xảy ra khi chưa hết thời hạn bảo hành cung cấp, lắp đặt thiết bị PCCC của bị đơn nên bị đơn phải lỗi trong việc xảy ra thiệt hại tại nhà máy của Công ty S. Do có việc ký kết hợp đồng bảo hiểm đối với dây chuyền sản xuất máy thêu giữa C và Công ty S nên khi sự kiện bảo hiểm xảy ra làm thiệt hại tài sản Công ty S đã yêu cầu C thực hiện việc giám định tổn thất, nguyên nhân tổn thất và chi trả thiệt hại. Căn cứ vào báo cáo giám định cuối cùng của Công ty giám định R, C đã chi trả thiệt hại cho Công ty S và yêu cầu bị đơn bồi hoàn số tiền bảo hiểm là 313.000.000 đồng là có căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Vì vậy, căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227; khoản 3 Điều 228, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các điều 46, 47, 48, 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm; các điều 116, 117 của Bộ luật Dân sự; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/ UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn buộc bị đơn Công ty PCCC H phải thanh toán cho C số tiền bảo hiểm mà C đã chi trả cho Công ty S là 313.000.000 đồng Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
Về án phí, bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm cho toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận là 15.650.000 đồng. Nguyên đơn không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, trả lại số tiền tạm ứng án phí nguyên đơn đã nộp. Các đương sự được quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và đã được thẩm tra tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
- Xét về áp dụng pháp luật tố tụng:
[1] Đây là vụ án tranh chấp về bồi hoàn tiền bảo hiểm giữa các tổ chức có đăng ký kinh doanh là C và Công ty PCCC được quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự. Bị đơn có trụ sở hoạt động trên địa bàn quận N, thành phố H nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận N theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Về việc vắng mặt người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
[2] Trong quá trình giải quyết vụ án, đại diện người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty S đã được triệu tập hợp lệ nhưng không đến trụ sở Tòa án để tham gia phiên họp tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, cũng không có quan điểm giải quyết vụ án. Tại phiên tòa ngày 19/9/2022, đại diện người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Công ty S vắng mặt tại phiên tòa lần thứ nhất không có lý do nên Hội đồng xét xử đã ra Quyết định hoãn phiên tòa và tống đạt Quyết định hoãn phiên tòa cho Công ty S theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa hôm nay, đại diện người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt lần thứ hai không có lý do dù đã được triệu tập hợp lệ nên Tòa án tiến hành xét xử vụ án vắng mặt người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Xét về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
[3] Hợp đồng thiết kế, cung cấp, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy số 33-HĐKT/2017 ngày 08/5/2017 giữa Công ty PCCC H và Công ty S; Hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc số CI17F4001470 ngày 31/7/2017 giữa C và Công ty S đều hợp pháp phù hợp với quy định tại các điều 116, 117 Bộ luật Dân sự, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra (đầu phun chữa cháy tự động bị vỡ thủy ngân và phun nước làm ướt các máy thêu phía dưới của Công ty S; nguyên đơn đã yêu cầu bên giám định độc lập là Công ty R thực hiện việc giám định thiệt hại và nguyên nhân tổn thất tại nhà máy của Công ty S theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Sự kiện bảo hiểm là thiệt hại xảy ra đối với dây chuyền sản xuất máy móc tại nhà máy của Công ty S; nguyên nhân xảy ra tổn thất là do vỡ đầu phun cứu hỏa sprinkler của Công ty PCCC. C có nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm và được quyền truy đòi tiền bảo hiểm đối với bên thứ ba gây ra tổn thất là Công ty PCCC theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 17 Luậ Kinh doanh bảo hiểm; Công ty S có nghĩa vụ chuyển quyền đòi bồi thường thiệt hại cho C sau khi đã nhận tiền bảo hiểm theo quy định tại các điều 40, 46, 47, khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
[4] Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc giám định tổn thất và nguyên nhân tổn thất, cả C và Công ty S đều không thông báo cho Công ty PCCC H biết việc giám định, nguyên nhân cũng như mức độ tổn thất đã xảy ra. Mặc dù quan điểm của nguyên đơn cho rằng Luật Kinh doanh bảo hiểm không quy định phải thông báo cho bị đơn trong trường hợp này. Tuy nhiên, việc giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất xảy ra ảnh hưởng đến quyền phải bồi thường của bị đơn. Hơn nữa, nếu được thông báo bị đơn còn có quyền trưng cầu giám định viên độc lập để xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất. Do vậy, việc không thông báo này của C và S ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Công ty PCCC H. Sau khi giám định thì đối tượng giám định được xác định nguyên nhân gây ra tổn thất là đầu phun cứu hỏa sprinkler không còn, cả C, Công ty S và Công ty giám định R đều không xác định được đầu phun bị vỡ hiện đang ở đâu. Do vậy, yêu cầu giám định lại, chỉ định giám định viên độc lập của bị đơn không thể thực hiện được, ảnh hưởng đến quyền của bị đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
[5] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy: Sau khi xảy ra sự kiện bảo hiểm xảy ra, C đã chi trả tiền bảo hiểm cho Công ty S nên có quyền truy đòi người thứ ba gây ra thiệt hại là Công ty PCCC H phải bồi hoàn tiền bảo hiểm. Công ty PCCC H sau khi thiệt hại xảy ra đã thay đầu phun bị vỡ mà không xác định nguyên nhân vỡ đầu phun. Khi giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất C và Công ty S đều không thông báo cho Công ty PCCC H; đầu phun sprinkler bị vỡ được xác định là do lỗi khuyết tật vật liệu, sau khi giám định không được bảo quản. Do vậy, Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của C đối với Công ty PCCC, buộc bị đơn phải bồi hoàn 60% số tiền bảo hiểm đã chi trả là 313.000.000 đồng x 60% = 187.800.000 đồng.
- Về án phí:
[6] Căn cứ khoản 1 Điều 147; khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Một phần yêu cầu khởi kiện của C được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm cho phần yêu cầu không được chấp nhận là:
5% x (313.000.000 đồng - 187.800.000 đồng) = 6.260.000 đồng [7] Bị đơn Công ty PCCC H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là:
5% x 187.800.000 đồng = 9.390.000 đồng.
[8] Các đương sự có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 147; điểm b khoản 2 Điều 227; khoản 3 Điều 228; Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ vào điểm e khoản 1 Điều 17; các điều 40; 46; 47; 48; khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm;
Căn cứ vào các điều 116, 117, 119 của Bộ luật Dân sự;
Căn cứ vào khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Hiểm Phi nhân thọ C VN đối với bị đơn Công ty Cổ Phần TTTTXATBPCCC HP 1. Bị đơn Công ty Cổ Phần TTTTXATBPCCC HP phải trả cho nguyên đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Hiểm Phi nhân thọ C VN số tiền bồi hoàn theo Hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc số CI17F4001470 ngày 31/7/2017 giữa C và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc Tế S (VN) đối với sự kiện bảo hiểm xảy ra ngày 03/06/2018 là 187.800.000 đồng (Một trăm tám mươi bẩy triệu tám trăm nghìn) đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Hiểm Phi nhân thọ C VN) cho đến khi thi hành án xong, hàng tháng bên phải thi hành án (Công ty Cổ Phần TTTTXATBPCCC HP) còn phải chịu tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
2. Về án phí:
Nguyên đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Hiểm Phi nhân thọ C VN phải chịu 6.260.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp là 7.826.000 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 6616 ngày 07 tháng 4 năm 2022 của Chi cục Thi hành án dân sự quận N, thành phố H. Trả lại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Hiểm Phi nhân thọ C VN số tiền 1.566.000 (Một triệu năm trăm sáu mươi sáu nghìn) đồng.
Bị đơn Công ty Cổ Phần TTTTXATBPCCC HP phải chịu 9.390.000 (Chín triệu ba trăm chín mươi nghìn) đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
3. Quyền kháng cáo đối với bản án:
Nguyên đơn Nguyên đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Hiểm Phi nhân thọ C VN, bị đơn Công ty Cổ Phần TTTTXATBPCCC HP được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc Tế S (VN) được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự;
thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp bồi hoàn tiền bảo hiểm số 08/2022/KDTM-ST
Số hiệu: | 08/2022/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận Nam Từ Liêm - Hà Nội |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 26/09/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về