Bản án về tranh chấp bảo hiểm xã hội số 04/2022/LĐ-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 04/2022/LĐ-PT NGÀY 24/08/2022 VỀ TRANH CHẤP BẢO HIỂM XÃ HỘI

Ngày 24 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số: 03/2022/TLPT-LĐ ngày 23/5/2022 về việc “Tranh chấp đòi tiền bảo hiểm trong lao động”.

Do bản án lao động sơ thẩm số: 01/2022/DS-ST, ngày 12/4/2022 của Toà án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 04/2022/QĐ-PT ngày 14 tháng 7 năm 2022, Quyết định hoãn phiên tòa số: 02/2022/QĐ-PT ngày 12/8/2022 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Ông Phan Văn N1, sinh năm 1972; địa chỉ: Thôn 6, xã Ea Ktur, huyện C, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

2. Ông Tần Mạnh N2, sinh năm 1974, có mặt.

3. Bà Lê Thị Xuân N3, sinh năm 1983, vắng mặt

Người đại diện theo ủy quyền của bà N3: Ông Tần Mạnh N2, sinh năm 1974, có mặt.

Cùng địa chỉ: Thôn X, xã Y, huyện C, tỉnh Đắk Lắk;

4. Bà Lê Thị Kim N4, sinh năm 1981, có mặt.

5. Bà Phan Thị N5, sinh năm 1982, có mặt.

6. Bà Phan Thị N6, sinh năm 1986, vắng mặt.

7. Bà Vũ Thị Hồng N7, sinh năm 1985, vắng mặt.

Cùng địa chỉ: Thôn J, xã K, huyện C, tỉnh Đắk Lắk.

8. Ông Nguyễn Thành N8, sinh năm 1978, Địa chỉ: Thôn W, xã K, huyện C, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bà N6, bà N7: Ông Nguyễn Thành N8, sinh năm 1978; Địa chỉ: Thôn W, xã K, huyện C, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

- Bị đơn: Công ty V; Địa chỉ: Km 12, QL 27, xã Ea Ktur, huyện C, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn B - Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc Công ty;

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Trọng H, sinh năm 1972; Địa chỉ: MHĐ, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có đơn xin xét xử vắng mặt.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk;

Địa chỉ: DK, phường TA, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trương Văn B1 - Chức vụ: Phó trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra- Bảo hiểm xã hội tỉnh Đăk Lăk, vắng mặt.

- Người có kháng cáo: Nguyên đơn ông Phan Văn N1, ông Tần Mạnh N2, bà Lê Thị Xuân N3, bà Lê Thị Kim N4, bà Phan Thị N5, bà Phan Thị N6, bà Vũ Thị Hồng N7, ông Nguyễn Thành N8.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Nguyên đơn ông Phan Văn N1 trình bày:

Ông Phan Văn N1 vào làm công nhân của Xí nghiệp liên hiệp cà phê Việt Đức nay là Công ty V (sau đây viết tắt là Công ty V) theo hợp đồng lao động từ ngày 01/6/1990 ông đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội (viết tắt là BHXH) bắt buộc theo quy định của pháp luật, từ năm 1990 cho đến nay ông vẫn đóng bảo hiểm 100%. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp cụ thể là Công ty V đã không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về việc đóng các mức phí bảo hiểm theo luật định, cụ thể Công ty đã bắt công nhân (người lao động) tự đóng xã hội bắt buộc 100% các mức phí bảo hiểm, xét thấy quyền lợi bị ảnh hưởng ông khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét buộc Công ty V phải trả lại cho ông số tiền mà theo quy định thì Công ty phải đóng vào quỹ bảo hiểm cho người lao động, số tiền cụ thể như sau: Từ năm 1990-1993 đóng bằng cà phê; năm 1995: 523.872 đồng; năm 1996: 523.872 đồng; năm 1997: 628.646 đồng; năm 1998: 628.646 đồng; năm 1999: 628.646 đồng; năm 2000: 785.808 đồng; năm 2003: 1.002.456 đồng; năm 2004: 1.796.985 đồng; năm 2005: 2.058.768 đồng; năm 2006: 2.058.768 đồng; năm 2007: 2.058.768 đồng; năm 2008: 2.129.412 đồng; năm 2009: 5.335.200 đồng; năm 2010: 6.657.600 đồng; năm 2011: 7.265.600 đồng; năm 2012: 9.352.560 đồng; tháng 01/2013: 837.900 đồng;

Từ năm 1995-2013 ông đóng bằng tiền (chứng cứ có các giấy tờ báo nộp các loại phí bảo hiểm kèm theo). Ông đã chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty kể từ ngày 01/02/2013.

Tổng cộng số tiền mà ông yêu cầu Công ty V phải trả lại cho ông số tiền bảo hiểm xã hội thuộc nghĩa vụ của Công ty là 44.273.508 đồng.

- Nguyên đơn ông Tần Mạnh N2 trình bày:

Ông N2 vào làm công nhân của Công ty V theo hợp đồng lao động từ ngày 10/01/2003 và được tham gia đóng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, từ năm 2003 cho đến nay ông đóng bảo hiểm bắt buộc 100%. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp cụ thể là Công ty V đã không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về việc đóng các mức phí bảo hiểm theo luật định, cụ thể Công ty đã bắt công nhân (người lao động) tự đóng 100% các mức phí bảo hiểm, xét thấy quyền lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng ông khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét buộc Công ty V phải trả lại cho ông số tiền mà theo quy định thì Công ty phải đóng vào quỹ bảo hiểm cho người lao động, cụ thể số tiền như sau: Năm 2003: 1.094.460 đồng; năm 2004: 1.094.460 đồng; năm 2005: 1.094.460 đồng; năm 2006: 1.415.250 đồng; năm 2007: 1.422.900 đồng; năm 2008: 2.157.840 đồng; năm 2009: 2.234.430 đồng; năm 2010: 3.122.800 đồng; năm 2011: 3.537.200 đồng; năm 2012: 4.553.220 đồng; năm 2013: 5.128.200 đồng; năm 2014: 6.739.920 đồng; năm 2015: 6.739.920 đồng; năm 2016: 7.539.840 đồng; năm 2017: 7.429.884 đồng; năm 2018: 8.276.688 đồng; năm 2019: 9.807.336 đồng.

Tổng cộng số tiền mà ông yêu cầu Công ty V phải trả lại cho ông số tiền bảo hiểm xã hội thuộc nghĩa vụ của Công ty là 73.388.808 đồng.

- Nguyên đơn bà Lê Thị Xuân N3; Người đại diện theo ủy quyền: Ông Tần Mạnh N2 trình bày:

Bà N3 vào làm công nhân của Công ty V theo hợp đồng lao động từ ngày 26/12/2007 và được tham gia đóng bảo hiểm theo quy định của pháp luật từ năm 2008 cho đến nay bà đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 100%. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp cụ thể là Công ty V đã không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về việc đóng các mức phí bảo hiểm theo luật định, cụ thể Công ty đã bắt công nhân (người lao động) tự đóng 100% các mức phí bảo hiểm, xét thấy quyền lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bà khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét buộc Công ty V phải trả lại cho bà số tiền mà theo quy định thì Công ty phải đóng vào quỹ bảo hiểm cho người lao động, cụ thể số tiền như sau: Năm 2008: 1.807.920 đồng; năm 2009: 1.251.990 đồng; năm 2010: 2.011.900 đồng; năm 2011: 2.963.600 đồng; năm 2012: 2.172.135 đồng; năm 2013: 5.128.200 đồng; năm 2014: 5.616.600 đồng; năm 2015: 5.616.600 đồng; năm 2016: 7.539.840 đồng; năm 2017: 7.429.884 đồng; năm 2018: 8.276.688 đồng; năm 2019: 9.807.336 đồng.

Tổng cộng số tiền bà yêu cầu Công ty V phải trả cho bà số tiền bảo hiểm xã hội thuộc nghĩa vụ của Công ty là 59.622.693 đồng.

- Nguyên đơn bà Lê Thị Kim N4 trình bày:

Bà N4 vào làm công nhân của Công ty V theo hợp đồng lao động từ ngày 25/5/2007 và tham gia đóng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, từ năm 2007 cho đến nay bà vẫn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 100%. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp cụ thể là Công ty V đã không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về việc đóng các mức phí bảo hiểm theo luật định, cụ thể Công ty đã bắt công nhân (người lao động) tự đóng 100% các mức phí bảo hiểm, xét thấy quyền lợi bị ảnh hưởng bà khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét buộc Công ty V phải trả lại cho bà số tiền mà theo quy định thì Công ty phải đóng vào quỹ bảo hiểm cho người lao động, cụ thể số tiền như sau: Năm 2007: 515.000 đồng; năm 2008: Bà đã nộp nhưng không nhớ là bao nhiêu, hiện nay không còn giữ giấy tờ; năm 2009: Bà đã nộp nhưng không nhớ là bao nhiêu, hiện nay không còn giữ giấy tờ; năm 2010: tôi đã nộp 02 lần (mỗi lần 1.000.000 đồng), tổng cộng 2.000.000 đồng; năm 2011: 933.500 đồng; năm 2012: 6.056.110 đồng; năm 2013: 8.054.400 đồng; năm 2014: 8.898.750 đồng; năm 2015: 8.899.000 đồng; năm 2016: 11.323.000 đồng; năm 2017: 12.068.000 đồng; năm 2018: 12.829.000 đồng; năm 2019: nộp 02 lần, lần 01 nộp 4.000.000 đồng (không có giấy tờ), lần 02 nộp 11.559.000 đồng.

Tổng cộng số tiền bà yêu cầu Công ty V phải trả lại cho bà số tiền bảo hiểm xã hội thuộc nghĩa vụ của Công ty là 59.867.221 đồng.

- Nguyên đơn bà Phan Thị N5 trình bày:

Bà N5 vào làm công nhân của Công ty V theo hợp đồng lao động từ ngày 01/01/2008 bà tham gia đóng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, từ năm 2008 cho đến nay, bà vẫn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 100%. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp cụ thể là Công ty V đã không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về việc đóng các mức phí bảo hiểm theo luật định, cụ thể Công ty đã bắt công nhân (người lao động) tự đóng 100% các mức phí bảo hiểm, xét thấy quyền lợi bị ảnh hưởng bà khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét buộc Công ty V phải trả lại cho bà số tiền mà theo quy định thì Công ty phải đóng vào quỹ bảo hiểm cho người lao động, cụ thể số tiền như sau: Năm 2008: 1.205.280 đồng; năm 2009: 2.053.440 đồng; năm 2010: 2.616.400 đồng; năm 2011: 2.963.600 đồng; năm 2012: 3.814.860 đồng; năm 2013: 5.128.200 đồng; năm 2014: 5.616.600 đồng; năm 2015: 5.616.600 đồng; năm 2016: 7.159.680 đồng; năm 2017: 7.492.578 đồng; năm 2018: 8.276.688 đồng; năm 2019: 9.807.336 đồng;

Tổng cộng số tiền bà yêu cầu Công ty V phải trả lại cho bà số tiền bảo hiểm xã hội thuộc nghĩa vụ của Công ty là 56.134.662 đồng.

- Nguyên đơn bà Phan Thị N6; Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Thành N8 trình bày:

Bà N6 vào làm công nhân của Công ty V theo hợp đồng lao động từ ngày 30/12/2007 bà tham gia đóng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, từ năm 2008 cho đến nay, bà vẫn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 100%. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp cụ thể là Công ty V đã không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về việc đóng các mức phí bảo hiểm theo luật định, cụ thể Công ty đã bắt công nhân (người lao động) tự đóng 100% các mức phí bảo hiểm, xét thấy quyền lợi bị ảnh hưởng bà khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét buộc Công ty V phải trả lại cho bà số tiền mà theo quy định thì Công ty phải đóng vào quỹ bảo hiểm cho người lao động, số tiền cụ thể như sau: Năm 2008: 1.205.280 đồng; năm 2009: 2.053.440 đồng; năm 2010: 2.616.400 đồng; năm 2011: 2.963.600 đồng; năm 2012: 3.825.360 đồng; năm 2013: 4.296.600 đồng; năm 2014: 2.808.300 đồng; năm 2015: 5.616.600 đồng; năm 2016: 7.159.680 đồng; năm 2017: 7.492.578 đồng; năm 2018: 8.276.688 đồng; năm 2019: 9.807.336 đồng;

Tổng cộng số tiền bà yêu cầu Công ty V phải trả lại cho bà số tiền bảo hiểm xã hội thuộc nghĩa vụ của Công ty là 52.505.262 đồng.

- Nguyên đơn bà Vũ Thị Hồng N7; người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Thành N8 trình bày:

Bà N7 vào làm công nhân của Công ty V theo hợp đồng lao động ngày 12/12/2013 bà tham gia đóng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, từ năm 2014 cho đến nay tôi vẫn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 100%. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp cụ thể là Công ty V đã không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về việc đóng các mức phí bảo hiểm theo luật định, cụ thể Công ty đã bắt công nhân (người lao động) tự đóng 100% các mức phí bảo hiểm, xét thấy quyền lợi bị ảnh hưởng bà khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét buộc Công ty V phải trả lại cho bà số tiền mà theo quy định thì Công ty phải đóng vào quỹ bảo hiểm cho người lao động, số tiền cụ thể như sau: Năm 2014: 4.705.800 đồng; năm 2015: 4,705,800 đồng; năm 2016: 6.779.520 đồng; năm 2017: 6.875.700 đồng; năm 2018: 7.859.376 đồng; năm 2019: 9.365.832 đồng.

Tổng cộng số tiền bà yêu cầu Công ty V phải trả lại cho bà số tiền bảo hiểm xã hội thuộc nghĩa vụ của Công ty là 40.292.028 đồng.

- Nguyên đơn ông Nguyễn Thành N8 trình bày:

Ông vào làm công nhân của Công ty V theo hợp đồng lao động từ ngày 05/02/2010 và được tham gia đóng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, từ năm 2010 cho đến nay ông vẫn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 100%. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp cụ thể là Công ty V đã không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về việc đóng các mức phí bảo hiểm theo luật định, cụ thể Công ty đã bắt công nhân (người lao động) tự đóng 100% các mức phí bảo hiểm, xét thấy quyền lợi bị ảnh hưởng ông khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét buộc Công ty V phải trả lại cho ông số tiền mà theo quy định thì Công ty phải đóng vào quỹ bảo hiểm cho người lao động, số tiền cụ thể như sau: Năm 2010: 2.011.900 đồng; năm 2011: 2.963.600 đồng; năm 2012: 3.814.860 đồng; năm 2013: 4.296.600 đồng; năm 2014: 5.616.600 đồng; năm 2015: 5.616.600 đồng; năm 2016: 7.159.680 đồng; năm 2017: 7.055.268 đồng; năm 2018: 7.859.376 đồng; năm 2019: 9.365.832 đồng;

Tổng cộng số tiền ông yêu cầu Công ty V phải trả lại cho ông số tiền bảo hiểm xã hội thuộc nghĩa vụ của Công ty là 55.760.316 đồng.

Các nguyên đơn đều thống nhất trình bày: Các nguyên đơn vào làm công nhân của Công ty V, theo các quyết định tuyển dụng, quyết định hợp đồng của Giám đốc Công ty V. Công việc của 08 nguyên đơn mà Công ty giao, nhận khoán trực tiếp trên diện tích đất nhận khoán sản xuất cà phê của Công ty V và đều tham gia đóng bảo hiểm. Trước khi thu tiền, Công ty V sẽ có giấy báo cho các nguyên đơn để chuẩn bị, thông thường các nguyên đơn sẽ đóng bảo hiểm xã hội cùng các khoản tiền như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn (sau đây viết tắt là BHTN, BHYT, KPCĐ). Công ty V báo bao nhiêu thì các nguyên đơn sẽ đóng bấy nhiêu. Nếu đóng sản phẩm hàng năm thì công nhân sẽ đóng bằng cà phê nhưng đóng bảo hiểm thì công nhân nộp tiền mặt, đại diện Công ty sẽ viết phiếu thu cho công nhân. Tất cả các khoản đóng nộp nêu trên thường chỉ ghi 01 biên lai, phiếu thu và ghi chung là bảo hiểm xã hội, do Công ty khi báo đóng tiền không ghi rõ từng khoản tiền phải đóng, nên 08 nguyên đơn không biết rõ từng khoản tiền bảo hiểm phải đóng, nay 08 nguyên đơn tự tính số tiền bảo hiểm thuộc phần trách nhiệm Công ty V phải đóng vào quỹ bảo hiểm cho các nguyên đơn. Về bảng ghi quá trình đóng BHXH và BHTN của Cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Đăk Lăk thì các nguyên đơn không có ý kiến gì.

* Bị đơn Công ty V; Đại diện theo ủy quyền cho bị đơn, ông Trần Trọng H trình bày:

Công ty V là một doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp thuộc Tổng Công ty U, tổ chức sản xuất và giao khoán sản xuất vườn cà phê qua các giai đoạn theo phương án khoán đã được Tổng Công ty U phê duyệt.

Theo phương án khoán giai đoạn 1993-1996; giai đoạn 1997-2002 thì Công ty thu khoán phần nghĩa vụ BHXH bằng sản phẩm bình quân/ha. Từ năm 2003 đến nay Công ty thu khoán phần nghĩa vụ BHXH bằng tiền theo bậc lương thực tế của từng người tham gia BHXH, tỷ lệ đóng căn cứ theo quy định mức đóng BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH theo từng thời kỳ và thời gian thu khoán phần nghĩa vụ này theo quy định của Cơ quan BHXH tỉnh Đắk Lắk.

Theo quy định hiện hành (từ tháng 6/2017 đến nay) thì mức đóng BHXH, BHYT, BHTN, kinh phí công đoàn (2%) là 34%, trong đó doanh nghiệp phải đóng 23,5% (17,5% BHXH, 3% BHYT, 1% BHTN, 2% KPCĐ). Người lao động phải đóng 10,5% (8% BHXH, 1,5% BHYT, 1% BHTN). Công ty thu 34% các khoản bảo hiểm và kinh phí công đoàn của người lao động hằng năm bao gồm: Công ty thu bằng tiền phần nghĩa vụ BHXH các loại 23,5% và thu 10,5% trích nộp của người lao động để đóng cho cơ quan BHXH. Việc người lao động nói Công ty không đóng 23,5% là do nhầm lẫn của Người lao động trong phương thức thu khoán phần BHXH và kinh phí công đoàn. Hàng năm Công ty thu khoán 23,5% phần nghĩa vụ bảo hiểm bằng tiền theo hệ số lương thực tế của từng người và 10,5% của người lao động (trích từ chi phí nhân công) để đóng và giải quyết chế độ BHXH cho người lao động là đúng quy định.

- Đối với yêu cầu khởi kiện của ông Phan Văn N1, thì ông tham gia BHXH từ ngày 01/6/1990 theo Quyết định số 133/TC-XN ngày 01/6/1990. Ông Hùng là người lao động nhận khoán sản xuất 0,69 ha cà phê tại Đội sản xuất số 6 – Công ty V. Quá trình tham gia đóng các khoản bảo hiểm của ông là thực hiện theo phương án khoán giai đoạn (1992-2010), giai đoạn (2011-2015). Công ty thu khoán phần nghĩa vụ BHXH bằng tiền theo hệ số mức lương thực tế từng năm của ông Hùng, cụ thể như sau: Năm 1990 - 2000 theo hệ số 1,64; năm 2003 theo hệ số 1,84; 01/2004 -9/2004 theo hệ số 2,39; 10/2004 – 12/2008 theo hệ số 3,18; 01/2009 – 01/2013 theo hệ số 3,8. Ông đã chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty kể từ ngày 01/02/2013 theo Quyết định số 49/CT-TCCB/QĐ ngày 01/6/2013.

Từ 01/6/2008 đến 31/01/2013, ông đã thực hiện đầy đủ các khoản bảo hiểm theo đúng quy định. Các khoản bảo hiểm từ ngày 01/01/2008 đến ngày 31/01/2013.

- Đối với yêu cầu khởi kiện của ông Tần Mạnh N2, thì ông hiện là công nhân nhận khoán sản xuất 0,76 ha cà phê tại Đội sản xuất số 7 - Công ty V. Ông tham gia BHXH từ ngày 15/01/2003 theo Quyết định số 301/CT-TCCB/QĐ ngày 10/01/2003.

Quá trình tham gia đóng các khoản BHXH, KPCĐ của ông là thực hiện theo phương án khoán giai đoạn (2003-2006), giai đoạn (2007-2010), giai đoạn (2011- 2015), giai đoạn (2016-2017), giai đoạn (2018-2022). Công ty thu khoán phần nghĩa vụ BHXH bằng tiền theo hệ số mức lương thực tế từng năm của ông Hùng, cụ thể như sau: Năm 2003-2005 theo hệ số 1,35; năm 2006-2008 theo hệ số 1,55;

năm 2009-2013 theo hệ số 1,85; năm 2014-2015 theo hệ số 2,22; năm 2016-2019 theo hệ số 1,19; năm 2020 theo hệ số 1,42; năm 15/01/2003 đến 31/12/2021 ông Hùng đã thực hiện đầy đủ các khoản bảo hiểm theo đúng quy định. Ông đã chấm dứt hợp đồng lao động (viết tắt là HĐLĐ) với Công ty kể từ ngày 01/01/2022 theo Quyết định số 103/CT-TCCB/QĐ ngày 10/12/2021.

- Đối với yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Xuân N3, thì bà hiện là công nhân nhận khoán sản xuất 0,6425 ha cà phê tại Đội sản xuất số 7 - Công ty V. Bà tham gia bảo hiểm từ ngày 01/01/2008 theo Quyết định số 348/CT-TCCB/QĐ ngày 26/12/2007.

Quá trình tham gia đóng các khoản bảo hiểm của bà N3 là thực hiện theo phương án khoán giai đoạn (2007-2010), giai đoạn (2011-2015), giai đoạn (2016- 2017), giai đoạn (2018-2022). Công ty thu khoán phần nghĩa vụ BHXH bằng tiền theo hệ số mức lương thực tế từng năm, cụ thể như sau: Năm 2008- 5/2012 theo hệ số 1,55; tháng 6/2012 - 2015 theo hệ số 1,85; 2016-2020 theo hệ số 1,19; từ ngày 01/01/2007 đến 31/12/2021 bà đã thực hiện đầy đủ các khoản bảo hiểm và KPCĐ theo đúng quy định. Bà Thanh đã chấm dứt HĐLĐ với Công ty kể từ ngày 01/01/2022 theo Quyết định số 101/CT-TCCB/QĐ ngày 10/12/2021.

- Đối với yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Kim N4, thì bà hiện là công nhân nhận khoán sản xuất 0,918 ha cà phê tại Đội sản xuất số 6 - Công ty V. bà tham gia BHXH từ ngày 01/06/2007 theo Quyết định số 400/CT-TCCB/QĐ ngày 25/5/2007.

Quá trình tham gia đóng các khoản bảo hiểm của bà là thực hiện theo phương án khoán giai đoạn (2007-2010), giai đoạn (2011-2015), giai đoạn (2016-2017), giai đoạn (2018-2022). Công ty thu khoán phần nghĩa vụ BHXH bằng tiền theo hệ số mức lương thực tế từng năm, cụ thể như sau: Năm 2007-2012 theo hệ số 1,55; năm 2013-2015 theo hệ số 1,85; năm 2016-2020 theo hệ số 1,13; từ ngày 01/6/2007 đến 31/12/2021, bà Liên đã thực hiện đầy đủ các khoản bảo hiểm theo đúng quy định. Bà đã chấm dứt HĐLĐ với Công ty kể từ ngày 01/01/2022 theo Quyết định số 99/QĐ/TCCB ngày 10/12/2021.

- Đối với yêu cầu khởi kiện của bà Phan Thị N5, thì bà hiện là công nhân nhận khoán sản xuất 0,69 ha cà phê tại Đội sản xuất số 6 - Công ty V. Bà tham gia đóng bảo hiểm từ ngày 01/01/2008 theo Quyết định số 458/CT-TCCB/QĐ ngày 21/02/2008.

Quá trình tham gia đóng các khoản bảo hiểm của bà là thực hiện theo phương án khoán giai đoạn (2007-2010), giai đoạn (2011-2015), giai đoạn (2016-2017), giai đoạn (2018-2022). Công ty thu khoán phần nghĩa vụ BHXH bằng tiền theo hệ số mức lương thực tế từng năm, cụ thể như sau: Năm 2008-2012 theo hệ số 1,55; năm 2013-2015 theo hệ số 1,85; năm 2016-2017 theo hệ số 1,13; năm 2018- 2020 theo hệ số 1,19.

Từ ngày 01/01/2008 đến tháng 10/2021, bà đã đóng các khoản bảo hiểm đầy đủ theo đúng quy định. Đến tháng 10/2020, Giám đốc Công ty ra Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà Phan Thị N5, lý do: bà không hoàn thành nhiệm vụ, không nộp các khoản BHXH, BHYT, BHTN (cụ thể không nộp tiền bảo hiểm 09 tháng đầu năm 2020).

- Đối với yêu cầu khởi kiện của bà Phan Thị N6, thì bà hiện là công nhân nhận khoán sản xuất 0,80 ha cà phê tại Đội sản xuất số 6 - Công ty V. Bà tham gia bảo hiểm từ ngày 01/01/2008 theo Quyết định số 445/CT-TCCB/QĐ ngày 30/12/2007.

Quá trình tham gia đóng các khoản bảo hiểm của bà là thực hiện theo phương án khoán giai đoạn (2007-2010), giai đoạn (2011-2015), giai đoạn (2016-2017), giai đoạn (2018-2022). Công ty thu khoán phần nghĩa vụ BHXH bằng tiền theo hệ số mức lương thực tế từng năm, cụ thể như sau: Năm 2008-2013 theo hệ số 1,55; năm 2014-2015 theo hệ số 1,85; năm 2016-2017 theo hệ số 1,13; năm 2018- 2020 theo hệ số 1,19; Từ ngày 01/01/2008 đến 31/12/2021, bà đã đóng các khoản bảo hiểm đầy đủ theo đúng quy định.

- Đối với yêu cầu khởi kiện của bà Vũ Thị Hồng N7, thì bà hiện là công nhân nhận khoán sản xuất 0,70 ha cà phê tại Đội sản xuất số 6 - Công ty V. Chị tham gia bảo hiểm từ ngày 01/01/2014 theo Quyết định số 61/CT-TCCB/QĐ ngày 26/12/2007.

Quá trình tham gia đóng các khoản bảo hiểm của bà là thực hiện theo phương án khoán giai đoạn (2011-2015), giai đoạn (2016-2017), giai đoạn (2018-2022). Công ty thu khoán phần nghĩa vụ BHXH bằng tiền theo hệ số mức lương thực tế từng năm, cụ thể như sau: Năm 2014-2015 theo hệ số 1,55; từ 2016- 6/2017 theo hệ số 1,07; tháng 7/2017-2019 theo hệ số 1,13; từ năm 2020 đến nay theo hệ số 1,19. Từ 01/01/2014 đến 31/12/2021, bà đã đóng các khoản bảo hiểm đầy đủ theo đúng quy định.

- Đối với yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Thành N8, thì ông hiện là công nhân nhận khoán sản xuất 0,70 ha cà phê tại Đội sản xuất số 7. Ông tham gia BHXH từ ngày 01/01/2010 theo Quyết định số 40/CT-TCCB/QĐ ngày 05/02/2010.

Quá trình tham gia đóng các khoản BHXH của ông là thực hiện theo phương án khoán giai đoạn (2007-2010), giai đoạn (2011-2015), giai đoạn (2016-2017), giai đoạn (2018-2022). Công ty thu khoán phần nghĩa vụ BHXH bằng tiền theo hệ số mức lương thực tế từng năm, cụ thể như sau: Năm 2010-2013 theo hệ số 1,55; năm 2014-2015 theo hệ số 1,85; năm 2016-2019 theo hệ số 1,13 Năm 2020 theo hệ số 1,42; từ 01/01/2010 đến 31/12/2021, ông đã đóng các khoản bảo hiểm đầy đủ theo đúng quy định. Ông đã chấm dứt HĐLĐ với Công ty kể từ ngày 01/01/2022 theo Quyết định số 100/QĐ/TCCB ngày 10/12/2021.

Việc thắc mắc, khiếu nại của người lao động về việc phải đóng 100% bằng tiền BHXH, đã được đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm Sở Lao động-Thương binh và xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh Đắk Lắk, Cơ quan BHXH tỉnh Đắk Lắk làm việc liên quan đến nội dung này vào ngày 12/6/2020, đã kết luận Công ty thực hiện việc thu và đóng BHXH cho người lao động đúng theo phương án khoán qua các giai đoạn được Tổng Công ty U phê duyệt.

Các khoản tiền bảo hiểm mà 08 nguyên đơn đã nộp về Công ty, thì sau khi thu Công ty đã nộp về Cơ quan BHXH tỉnh theo quy định và đã thực hiện đầy đủ các chế độ liên quan theo quy định của Luật BHXH.

Căn cứ vào các phương án khoán qua các giai đoạn; Căn cứ vào các Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng ủy mở rộng; Căn cứ vào quy định mức đóng BHXH bắt buộc của Cơ quan BHXH theo từng thời kỳ, nay các nguyên đơn yêu cầu Công ty V trả lại số tiền bảo hiểm đã đóng là không đúng và trái với quy định của pháp luật. Vì vậy, Công ty V không đồng ý toàn bộ nội dung đơn khởi kiện của 08 nguyên đơn.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk trình bày:

Căn cứ Điều 2, Điều 91 và Điều 92 Luật BHXH số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Luật số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014 sửa đổi bổ sung Luật BHXH số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006; Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ về việc hướng dẫn một số điều của Luật BHXH số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006; Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/12015 của Chính phủ về việc hướng dẫn một số điều của Luật BHXH số 58/2014/QH11 ngày 20/11/2014 quy định mức đóng và phương thức đóng của người lao động, người sử dụng lao động.

Theo quy định trên, người lao động thuộc đối tượng đăng ký đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN) bắt buộc phải có ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ đủ 01 tháng trở lên, HĐLĐ 03 tháng, 06 tháng, HĐLĐ không xác định thời hạn với người sử dụng lao động. Trên cơ sở HĐLĐ thể hiện mức tiền lương tháng, phụ cấp lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN hằng tháng, người sử dụng lao động có trách nhiệm trích từ tiền lương, tiền công tháng của người lao động và phần người sử dụng lao động theo tỷ lệ % Luật quy định để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH; tại Điều 43 của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ quy định: “… Người sử dụng lao động thuộc các doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương, tiền công theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh thì mức đóng hằng tháng; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, hằng quý hoặc sáu tháng một lần trên cơ sở người sử dụng lao động đăng ký với tổ chức BHXH”.

Do đó, việc thu và nộp BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN, cơ quan BHXH tỉnh Đắk Lắk đối chiếu và thu đối với Công ty V nói riêng, khối Cà phê, cao su nói chung trên cơ sở mức tiền lương đơn vị ký kết với người lao động trong HĐLĐ và danh sách Công ty lập, BHXH kịp thời, đầy đủ, đúng quy định cho người lao động. Về nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động, Công ty V mới hoàn thành đóng đến hết tháng 11/2020; việc thu và nộp BHXH của người lao động thuộc trách nhiệm của Công ty V nên cơ quan BHXH tỉnh không thể xác định cụ thể các ông Phan Văn N1, ông Tần Mạnh N2, bà Lê Thị Xuân N3, bà Lê Thị Kim N4, bà Phan Thị N5, bà Phan Thị N6, bà Vũ Thị Hồng N7 và ông Nguyễn Thành N8 đã thực hiện nghĩa vụ nộp đầy đủ và kịp thời hay chưa. BHXH tỉnh Đắk Lắk đã cung cấp và gửi kèm bản chi tiết quá trình đóng BHXH của 08 nguyên đơn để Tòa án làm căn cứ xem xét.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 01/2022/LĐ-ST, ngày 12/4/2022 của Toà án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã tuyên xử:

Căn cứ vào khoản 1 Điều 32; điểm c khoản 1 Điều 35; Điều 147; Điều 220; điểm b khoản 2 Điều 227, Điều 228, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự.

Căn cứ vào các Điều 26, Điều 28, Điều 29, Điều 33, khoản 1 Điều 141, Điều 149 Bộ luật lao động năm 1994; khoản 1 Điều 186 Bộ luật lao động năm 2012. Điều 91, Điều 92 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006; Điều 18, Điều 19, Điều 21, Điều 82, Khoản 1 Điều 86, khoản 2 Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; Điều 43 của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ và điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về “Mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án về mức thu án phí, lệ phí Tòa án”.

Tuyên xử:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn ông Phan Văn N1, ông Tần Mạnh N2, bà Lê Thị Xuân N3, bà Lê Thị Kim N4, bà Phan Thị N5, bà Phan Thị N6, bà Vũ Thị Hồng N7 và ông Nguyễn Thành N8, về việc yêu cầu Công ty V phải trả lại tiền bảo hiểm xã hội đã đóng cho: Ông Phan Văn N1 44.273.508 đồng, ông Tần Mạnh N2 73.388.808 đồng, bà Lê Thị Xuân N3 59.622.693 đồng, bà Lê Thị Kim N4 59.867.221 đồng, bà Phan Thị N5 56.134.662 đồng, bà Phan Thị N6 52.505.262 đồng, bà Vũ Thị Hồng N7 40.292.028 đồng, ông Nguyễn Thành N8 55.760.316 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 25/4/2022 và ngày 26/4/2022, tất cả các nguyên đơn ông Phan Văn N1, ông Tần Mạnh N2, bà Lê Thị Xuân N3, bà Lê Thị Kim N4, bà Phan Thị N5, bà Phan Thị N6, bà Vũ Thị Hồng N7, ông Nguyễn Thành N8 kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đề nghị cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện.

Tại phiên tòa, các nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện, đơn kháng cáo. Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn không đồng ý với nội dung đơn khởi kiện, đơn kháng cáo của nguyên đơn.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk phát biểu quan điểm:

Về tố tụng: Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký Tòa án, các đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Qua phân tích đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của các đương sự đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận đơn kháng cáo của các nguyên đơn ông Phan Văn N1, ông Tần Mạnh N2, bà Lê Thị Xuân N3, bà Lê Thị Kim N4, bà Phan Thị N5, bà Phan Thị N6, bà Vũ Thị Hồng N7, ông Nguyễn Thành N8 - Giữ nguyên bản án lao động sơ thẩm số: 01/2022/LĐ-ST, ngày 12/4/2022 của Toà án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ các tài liệu chứng cứ, lời trình bày của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, HĐXX nhận định:

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của các nguyên đơn ông Phan Văn N1, ông Tần Mạnh N2, bà Lê Thị Xuân N3, bà Lê Thị Kim N4, bà Phan Thị N5, bà Phan Thị N6, bà Vũ Thị Hồng N7, ông Nguyễn Thành N8 nộp trong hạn luật định và thuộc trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí nên vụ án được giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

[2]. Xét đơn kháng cáo của ông Phan Văn N1, ông Tần Mạnh N2, bà Lê Thị Xuân N3, bà Lê Thị Kim N4, bà Phan Thị N5, bà Phan Thị N6, bà Vũ Thị Hồng N7, ông Nguyễn Thành N8 về việc đề nghị cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện, HĐXX thấy rằng:

Theo quy định tại Điều 21 của Nghị định số 43-CP ngày 22/6/1993 của Chính phủ về quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội và Điều 36 Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính Phủ về việc ban hành điều lệ bảo hiểm xã hội, thì người sử dụng lao động đóng BHXH bằng 15% so với tổng quỹ lương của những người tham gia BHXH trong đơn vị, người lao động đóng bằng 5% tiền lương tháng.

Theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì tỷ lệ trích đóng các khoản bảo hiểm xã hội kể từ năm 2017 đến nay: Người sử dụng lao động là 21,5% (BHXH: 17,5%, Bảo hiểm y tế (BHYT): 3%, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN): 1%) và người lao động là 10,5% (BHXH: 8%, BHYT: 1,5%, BHTN: 1%).

Xét thấy Công ty V là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, tổ chức sản xuất và giao khoán sản xuất vườn cà phê qua các giai đoạn theo phương án khoán đã được Tổng Công ty U phê duyệt. Trên cơ sở mức thu đóng từng thời kỳ, các khoản BHXH thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động, theo quy định được tính trên cơ sở định mức lao động, khoản này là chi phí của Công ty theo quy định được kết cấu vào giá thành là phần quy đổi ra sản phẩm thu khoán (trong phần cứng chung) của Công ty trong phương án khoán sản xuất được Tổng công ty phê duyệt theo từng giai đoạn đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, còn đối với phần thuộc nghĩa vụ của người lao động (10,5%), thì sẽ trích từ tiền lương, tiền công của người lao động để đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trong phương án giao khoán sản xuất cà phê (cụ thể là trong các chỉ tiêu tính toán khi giao khoán vườn cà phê vối tại Công ty V) đã được Tổng công ty phê duyệt theo từng giai đoạn (BL 78 tập 1, BL 71-124, 149- 197 tập 2), Công ty đã tiến hành ký kết hợp đồng giao khoán với từng người lao động, trong đó có quy định mức sản phẩm thu khoán (Phần cứng người lao động phải nộp cho doanh nghiệp khi nhận chăm sóc vườn cây của Công ty, trong đó có sản phẩm là các khoản tiền BHXH thuộc phần trách nhiệm của người sử dụng lao động được kết cấu vào giá thành sản xuất), đã được ghi trong các hợp đồng giao nhận khoán sản xuất cà phê ký giữa Công ty V với 08 nguyên đơn “Về trách nhiệm của bên giao khoán: Thực hiện các chính sách về BHXH, bảo hộ lao động, tiền tàu xe đi phép theo pháp luật quy định, thỏa thuận của Công ty với người lao động. Thu các khoản BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ để nộp cho người lao động” “Trách nhiệm của bên nhận khoán: Nộp đúng, đủ sản lượng khoán về số lượng, chất lượng, thời gian (bao gồm sản phẩm khoán phần cứng và phần vay vật tư trả bằng sản phẩm…)”.

Tại hội nghị Đại biểu công nhân viên chức bất thường ngày 21/6/2003 (BL 96 - tập 1) đã thống nhất các khoản bảo hiểm xã hội thu theo hệ số mức lương thực tế của từng người, có thể thu bằng tiền hoặc bằng cà phê quả tươi theo thời điểm.

Việc Công ty V thỏa thuận việc thu nộp các khoản tiền BHXH của 08 nguyên đơn theo hệ số mức lương của từng người mà không căn cứ vào diện tích giao khoán, trong các hợp đồng giao nhận khoán sản xuất cà phê, mà theo phương án khoán ký giữa Công ty V với 08 nguyên đơn là phù hợp với đặc thù trong quản lý lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội trong đơn vị sản xuất nông nghiệp, sản xuất cà phê thực hiện giao khoán và không trái với quy định tại khoản 1 Điều 186 Bộ luật lao động năm 2012. Điểm a khoản 1 Điều 2, Điều 19, Điều 21, Điều 82, Khoản 1 Điều 86, khoản 2 Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội.

Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của 08 nguyên đơn là có căn cứ, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn ông Phan Văn N1,ông Tần Mạnh N2, bà Lê Thị Xuân N3, bà Lê Thị Kim N4, bà Phan Thị N5, bà Phan Thị N6, bà Vũ Thị Hồng N7, ông Nguyễn Thành N8.

[3]. Về án phí phúc thẩm: Ông Phan Văn N1,ông Tần Mạnh N2, bà Lê Thị Xuân N3, bà Lê Thị Kim N4, bà Phan Thị N5, bà Phan Thị N6, bà Vũ Thị Hồng N7, ông Nguyễn Thành N8 không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1]. Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

Không chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn ông Phan Văn N1, ông Tần Mạnh N2, bà Lê Thị Xuân N3, bà Lê Thị Kim N4, bà Phan Thị N5, bà Phan Thị N6, bà Vũ Thị Hồng N7, ông Nguyễn Thành N8.

- Giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số: 01/2022/LĐ-ST, ngày 12/4/2022 của Toà án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 32; điểm c khoản 1 Điều 35; Điều 147; Điều 220; điểm b khoản 2 Điều 227, Điều 228, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự.

Căn cứ vào các Điều 26, Điều 28, Điều 29, Điều 33, khoản 1 Điều 141, Điều 149 Bộ luật lao động năm 1994; khoản 1 Điều 186 Bộ luật lao động năm 2012. Điều 91, Điều 92 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006; Điều 18, Điều 19, Điều 21, Điều 82, Khoản 1 Điều 86, khoản 2 Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; Điều 43 của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ và điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án về mức thu án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn ông Phan Văn N1, ông Tần Mạnh N2, bà Lê Thị Xuân N3, bà Lê Thị Kim N4, bà Phan Thị N5, bà Phan Thị N6, bà Vũ Thị Hồng N7 và ông Nguyễn Thành N8, về việc yêu cầu Công ty V phải trả lại tiền bảo hiểm xã hội đã đóng cho: Ông Phan Văn N1 44.273.508 đồng, ông Tần Mạnh N2 73.388.808 đồng, bà Lê Thị Xuân N3 59.622.693 đồng, bà Lê Thị Kim N4 59.867.221 đồng, bà Phan Thị N5 56.134.662 đồng, bà Phan Thị N6 52.505.262 đồng, bà Vũ Thị Hồng N7 40.292.028 đồng, ông Nguyễn Thành N8 55.760.316 đồng.

[2]. Về án phí: Các nguyên đơn là người lao động khởi kiện đòi tiền bảo hiểm xã hội, nên được miễn án phí lao động.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1129
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bảo hiểm xã hội số 04/2022/LĐ-PT

Số hiệu:04/2022/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành:24/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về