Bản án về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp số 98/2021/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHÚC THỌ, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 98/2021/HS-ST NGÀY 17/12/2021 VỀ TỘI XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Ngày 17 tháng 12 năm 2021 tại Tòa án nhân dân huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 91/2021/TLST-HS ngày 15 tháng 11 năm 2021, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 99/2021/QĐXXST-HS ngày 06 tháng 12 năm 2021 đối với các bị cáo:

1. Trần Văn Q, sinh năm 1984; nơi sinh, nơi cư trú: Thôn T, xã T, huyện Ph, Thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn L và bà Hoàng Thị Th; có vợ và 03 con, con lớn sinh năm 2008, con nhỏ sinh năm 2019; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.

2. Nguyễn Thị N, sinh năm 1989; nơi sinh, nơi cư trú: Thôn T, xã T, huyện Ph, Thành phố Hà Nội; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị T1; có chồng và 03 con, con lớn sinh năm 2008, con nhỏ sinh năm 2019; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.

Nguyên đơn dân sự: Công ty F; địa chỉ: Số 717-1, S, thành phố Y, Yamaguchi 754-0894 Nhật Bản. Đại diện theo ủy quyền: Công ty Luật TNHH Phạm & Liên danh; địa chỉ: Số 8 phố T, quận H, Thành phố Hà Nội (Vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Khoảng giữa năm 2019 bị cáo Trần Văn Q và vợ là bị cáo Nguyễn Thị N bắt đầu mở xưởng sản xuất kinh doanh quần áo thời trang, có đăng ký kinh doanh, nhưng do quần áo sản xuất ra không phù hợp với thị hiếu của khách hàng, bán không được nhiều hàng, lợi nhuận kinh doanh thấp. Đến đầu năm 2021 vợ chồng bị cáo nảy sinh ý định sản xuất quần áo giả mạo thương hiệu GU bán kèm với các loại quần áo thời trang thông thường để có lãi suất cao. Mặc dù, nhận thức được hành vi giả mạo nhãn hiệu quốc tế là vi phạm pháp luật, nhưng vì lợi nhuận cao nên vợ chồng bị cáo vẫn thực hiện.

Cụ thể: Vợ chồng bị cáo đã chuẩn bị các dụng cụ, nguyên liệu vải, phụ kiện, tem nhãn, mác... để sản xuất quần áo. Các bị cáo đi mua vải cây thô tại các cửa hàng bán vải xung quanh xã T, huyện Ph, Thành phố Hà Nội (Đối với vải thô thì chỉ có màu sắc, không có thêu dệt, không in dập chìm các thương hiệu được bảo hộ). Bị cáo Q tìm mua nhãn mác giả mạo thương hiệu của hãng GU trên mạng Internet. Sau đó, hai vợ chồng bị cáo trực tiếp làm các công đoạn gia công, sản xuất, đóng bao bì quần áo tại xưởng. Bị cáo Q là người trực tiếp dong vải, cắt vải tấm lớn thành phôi, rồi chuyển xe khách lên khu vực tỉnh Phú Thọ thuê thợ làm nghề may mặc nhỏ lẻ gia công nhưng chưa gắn tem nhãn mác, in thêu nhãn hiệu GU. Sau khi gia công xong, thợ sẽ đóng bao tải chuyển theo xe khách về xưởng. Sau đó, vợ chồng bị cáo trực tiếp là nhiệt, in dập nhãn mác giả mạo nhãn hiệu của thương hiệu GU đã đặt mua trên mạng Internet, rồi gắn lên vị trí dễ nhìn trên mặt bên ngoài quần áo, dùng ghim bấm cài mác thương hiệu GU lên bên trong cổ áo các sản phẩm, đóng gói vào các bao bì nilon và cất vào bao tải chuyển cho khách bán ngoài thị trường. Mỗi chiếc áo sản xuất xong gắn mác thương hiệu GU như vậy, vợ chồng bị cáo bán dao động từ 50.000 đồng đến 107.000 đồng/01 áo tùy chất lượng, thu lợi nhuận khoảng 2.000 đồng/01 áo.

Đến cuối tháng 5/2021 có một người tự giới thiệu tên là Gia H, người ở xã C, thị xã S, Thành phố Hà Nội gọi điện thoại cho bị cáo Q đặt 300 áo chống nắng GU 2 lớp loại dài giá 79.000 đồng/1 áo; 1.000 áo chống nắng GU 2 lớp loại dài giá 107.000 đồng/1 áo; 1.500 áo GU ngắn 01 lớp 50.000 đồng/1 áo. Khi giao dịch đặt mua quần áo, bị cáo Q nói với người tên là H đây là quần áo giả mạo nhãn hiệu của GU nên giá rẻ hơn hàng chính hãng rất nhiều, dao động từ 50.000 đồng đến 107.000 đồng/01 áo, nếu đồng ý mua thì đặt cọc tiền làm tin trước để tránh việc sau khi sản xuất xong lại không đến lấy hàng. Người tên là H đồng ý, đặt cọc 50.000.000 đồng và hẹn chiều ngày 25/5/2021 sẽ đến lấy hàng. Bị cáo N viết hóa đơn bán hàng gửi cho H, nội dung thể hiện việc H đặt mua hàng và đã đặt cọc 50.000.000 đồng. Đến chiều ngày 25/5/2021, sau khi hoàn thiện lô hàng, đóng gói sản phẩm, bị cáo Q và bị cáo N điều khiển xe ô tô nhãn hiệu TOYOTA, biển kiểm soát 30F-506.59 chuyển hàng đến địa chỉ theo chỉ dẫn thì bị Công an huyện Ph và Đội quản lý thị trường số 20, Thành phố Hà Nội kiểm tra hành chính, lập biên bản thu giữ niêm phong tang vật.

Sau đó lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra xưởng sản xuất quần áo của các bị cáo. Quá trình kiểm tra, tiếp tục phát hiện và thu giữ những đồ vật sau: 2.650 áo chống nắng loại ngắn một lớp giả mạo nhãn hiệu GU; 210 áo chống nắng loại ngắn hai lớp giả mạo nhãn hiệu GU; 960 áo chống nắng loại dài hai lớp giả mạo nhãn hiệu GU; 04 kg nhãn mác giả mạo thương hiệu GU; 4,5 kg túi nilong có in chữ GU; 04 ghim bấm mác; 01 máy ép nhiệt nhãn hiệu NAOMOTO; 03 cuộn vải cây.

Ngày 30/6/2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ph ra quyết định trưng cầu giám định đến Phòng PC09 – Công an Thành phố Hà Nội.

Ngày 24/7/2021 Phòng PC09 – Công an Thành phố Hà Nội kết luận: Chi tiết in nhãn hiệu GU trên mác các mẫu cần giám định với chi tiết in nhãn hiệu GU trên nhãn mác mẫu so sánh không được in ra từ cùng một biểu mẫu.

Cơ quan điều tra Công an huyện Ph ra quyết định trưng cầu giám định đến Viện khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học & Công nghệ để có căn cứ xác định toàn bộ số hàng hóa thu giữ có phải là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hay không.

Ngày 21/7/2021 Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học & Công nghệ Kết luận giám định nêu rõ: Sản phẩm áo chống nắng gắn dấu hiệu GU - mẫu vật 1 - là “Hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu” được bảo hộ cho sản phẩm quần áo thuộc nhóm 25 theo GCNĐKNH số 236830 của Công ty F, Ltd (Theo Điều 213.2 Luật SHTT). Sản phẩm áo chống nắng gắn dấu hiệu GU - mẫu vật 2 - là “Hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu” được bảo hộ cho sản phẩm quần áo thuộc nhóm 25 theo GCNĐKNH số 236830 của Công ty F, Ltd (Theo Điều 213.2 Luật SHTT). Đảm bảo ba tiêu chí để xác định hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm: Hàng hóa có gắn dấu hiệu bị xem xét chính là hàng hóa được bảo hộ. Dấu hiệu bị xem xét trùng, khó phân biệt với nhãn hiệu được bảo hộ. Việc gắn dấu hiệu bị xem xét lên hàng hóa không được phép của chủ sở hữu.

Ngày 30/6/2021 Cơ quan điều tra ra quyết định định giá tài sản để xác định giá trị đối với các tang vật thu giữ. Ngày 13/7/2021 Hội đồng định giá tài sản huyện Ph kết luận: 2.650 áo chống nắng loại ngắn 1 lớp gắn nhãn hiệu GU có giá 132.500.000 đồng. 210 áo chống nắng loại ngắn 2 lớp gắn nhãn hiệu GU có giá 16.590.000 đồng. 960 áo chống nắng loại dài 2 lớp gắn nhãn hiệu GU có giá 102.720.000 đồng. Tổng toàn bộ số tang vật là áo chống nắng yêu cầu định giá có giá trị là 251.810.000 đồng.

Tại bản Cáo trạng số: 90/CT-VKS ngày 12 tháng 11 năm 2021, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội truy tố các bị cáo về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, theo qui định tại khoản 1 Điều 226 của Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa hôm nay, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm giữ nguyên quyết định truy tố đối với các bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo phạm tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 226; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 35 của Bộ luật hình sự để xử phạt mỗi bị cáo từ 50.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng. Về dân sự: Không đề nghị xem xét. Về tang vật: Đề nghị tịch thu phát mại xung quỹ Nhà nước những tang vật liên quan đến vụ án; tịch thu tiêu hủy những đồ vật là giả nhãn hiệu GU; truy thu bộc các bị cáo phải nộp lại số tiền 50 triệu đồng là số tiền nhận đặt cọc để làm áo chống nắng giả nhãn hiệu GU; trả lại cho bị cáo Nguyễn Thị N một điện thoại di động; trả lại cho các bị cáo một ô tô. Về án phí: Đề nghị buộc các bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Các bị cáo tại phiên tòa thừa nhận nội dung bản Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố bị cáo là đúng, các bị cáo nhận thức hành vi của mình là sai nên rất hối hận và xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt ở mức án thấp nhất.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Kiểm sát viên đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng.

[2]. Về nội dung vụ án: Tại phiên tòa các bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, phù hợp với lời khai tại Cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của nguyên đơn dân sự và các tài liệu chứng cứ khác. Như vậy, có đủ cơ sở để Hội đồng xét xử khẳng định:

Vào khoảng thời gian cuối tháng 5/2021, tại xưởng sản xuất quần áo của gia đình các bị cáo thuộc thôn T, xã T, huyện Ph, Thành phố Hà Nội. Các bị cáo Trần Văn Q, Nguyễn Thị N đã sản xuất áo chống nắng gắn nhãn mác giả nhãn hiệu GU của công ty F, Ltd đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam. Sau đó bán 3.820 sản phẩm là áo chống nắng, bao gồm 2.650 áo chống nắng loại ngắn 1 lớp; 210 áo chống nắng loại ngắn 2 lớp; 960 áo chống nắng loại dài 2 lớp, nhằm mục đích thu lợi bất chính. Tại bản Kết luận giám định của Viện khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học & Công nghệ thì toàn bộ 3.820 sản phẩm áo chống nắng gắn dấu hiệu GU đều giả mạo nhãn hiệu GU của công ty F, Ltd đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam là sản phẩm hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ cho sản phẩm quần áo thuộc nhóm 25 theo GCNĐKNH số 236830 của Công ty F, Ltd (Theo điều 213.2 Luật sở hữu trí tuệ). Đảm bảo ba tiêu chí để xác định hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm: Hàng hóa có gắn dấu hiệu bị xem xét chính là hàng hóa được bảo hộ; dấu hiệu bị xem xét trùng, khó phân biệt với nhãn hiệu được bảo hộ; việc gắn dấu hiệu bị xem xét lên hàng hóa không được phép của chủ sở hữu.

Hội đồng định giá tài sản huyện Ph, Thành phố Hà Nội kết luận, tổng giá trị sản phẩm áo giả mạo nhãn hiệu GU mà các bị cáo thu lời bất chính là 251.810.000 đồng. Như vậy với hành vi như trên của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, được quy định tại khoản 1 Điều 226 của Bộ luật hình sự. Do vậy, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3]. Xét tính chất mức độ của vụ án: Các bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước và gây mất trật tự trong hoạt động sản xuất kinh doanh lành mạnh giữa các cá nhân, tổ chức với nhau. Do vậy, cần phải xử lý hình phạt đối với các bị cáo tương xứng với hành vi đã gây ra để giáo dục đối với các bị cáo.

[4]. Xét về vai trò của các bị cáo: Hai bị cáo là vợ chồng, đều cùng thống nhất sản xuất gắn nhãn mác giả thương hiệu GU để bán thu lời bất chính, do đó có vai trò như nhau.

[5]. Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[6]. Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; các bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, các bị cáo đang phải nuôi con nhỏ, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Do vậy cần áp dụng quy định tại điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

[7]. Về nhân thân: Các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng.

[8]. Về dân sự: Quá trình giải quyết vụ án, đại diện nguyên đơn dân sự không đề nghị các bị cáo phải bồi thường thiệt hại, nên không xem xét.

[9]. Về hình phạt bổ sung: Các bị cáo là lao động tự do, không có thu nhập ổn định, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền đối với các bị cáo.

[10]. Đối với người thợ gia công quần áo cho các bị cáo, các bị cáo khai nhận chỉ biết người đó là nữ giới ở khu vực tỉnh Phú Thọ; không biết rõ tên tuổi, địa chỉ, quen biết nhau qua mạng xã hội, chưa gặp nhau trực tiếp bao giờ. Các bị cáo không có quan hệ gì đối với người này, đồng thời người phụ nữ này chỉ gia công quần áo thô, không gắn nhãn mác gì, không biết mục đích các bị cáo thuê gia công để làm gì, không được hưởng lợi gì từ việc này. Do không có căn cứ để xác minh làm rõ, nên Cơ quan điều tra không xử lý trong vụ án.

Đối với người bán nhãn mác giả mạo nhãn hiệu GU cho các bị cáo; các bị cáo khai nhận mua nhãn mác giả mạo nhãn hiệu GU trên mạng Internet của một người không quen biết. Các bị cáo không cung cấp được thông tin, địa chỉ của người này. Do không đủ cơ sở để xác minh làm rõ, nên Cơ quan điều tra không đề cập xử lý.

Đối với người có tên là Gia H, theo lời khai của các bị cáo là người đặt mua áo giả mạo nhãn hiệu GU. Quá trình điều tra các bị cáo khai nhận, vào khoảng cuối tháng 5/2021 có một người thanh niên dùng số điện thoại 0877835058 gọi điện đặt mua hàng của bị cáo Q và tự giới thiệu tên là Gia H, người ở xã C, thị xã S, Thành phố Hà Nội. Quá trình điều tra, các bị cáo khai chỉ biết người mua tên H, người ở khu vực xã C, thị xã S, Thành phố Hà Nội làm nghề buôn bán quần áo. H có dáng người cao đậm, khoảng 1m70, không xăm trổ, không có dị hình, dị tật. Ngoài ra không cung cấp được thông tin gì thêm. Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh phối hợp với Công an địa phương rà soát đối tượng, nhưng chưa xác định được người đặt mua hàng tên Gia H có đặc điểm nhận dạng như trên.

[11]. Đối với số tiền 50 triệu đồng mà khách hàng mang tên Gia H đã đặt cọc cho các bị cáo để mua hàng giả nhãn hiệu. Các bị cáo cho rằng đã mua nguyên vật liệu để sản xuất ra hàng giả nhãn hiệu nên không còn tiền để nộp lại, nên xin không nộp lại để xung quỹ Nhà nước. Xét đây là tiền thực tế các bị cáo đã nhận đặt cọc để làm hàng giả nhãn hiệu, vì thế đây là tiền bất chính nên buộc các bị cáo phải nộp lại để xung quỹ Nhà nước.

[12]. Về vật chứng: Đối với tất cả áo chống nắng giả mạo nhãn hiệu GU, đã được niêm phong trong 30 bao tải thì cần phải tách bỏ nhãn hiệu GU ra khỏi toàn bộ quần áo rồi tịch thu phát mại xung quỹ Nhà nước.

Đối với 04 kg nhãn mác giả mạo thương hiệu GU; 4,5 kg túi nilong có in chữ GU, đây là nhãn mác giả nên tịch thu tiêu hủy.

Đối với một điện thoại di động SamSung màu bạc. Đây là chiếc điện thoại liên lạc để phạm tội nên tịch thu phát mại xung quỹ Nhà nước.

Đối với 04 ghim bấm mác; một máy ép nhiệt nhãn hiệu NAOMOTO; 03 cuộn vải cây; một điện thoại di động nhãn hiệu SamSung màu xanh và một ô tô nhãn hiệu VIOS biển kiểm soát 30F – 506.59. Không liên quan đến vụ án nên trả lại cho các bị cáo.

[13]. Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí hình sự theo qui định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 226; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 35; Điều 47 của Bộ luật hình sự. Căn cứ Điều 106; Điều 136, Điều 331, Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Căn cứ vào khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội:

Phạt tiền bị cáo Trần Văn Q 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Phạt tiền bị cáo Nguyễn Thị N 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Tịch thu phát mại xung quỹ Nhà nước tất cả áo chống nắng sau khi đã tách nhãn hiệu giả GU ra khỏi áo chống nắng, toàn bộ số áo chống nắng đã được đựng trong 30 (Ba mươi) bao tải các loại niêm phong dán kín bên trong chứa vật chứng, bên ngoài dán niêm phong có chữ ký của giám định viên Phòng PC09, Điều tra viên và đương sự Trần Văn Q.

Tịch thu tiêu hủy 04 (Bốn) kg nhãn mác ghi chữ GU bằng giấy; 4,5 kg túi nilong có in chữ GU, bên trong không chứa gì.

Tịch thu phát mại xung quỹ Nhà nước một điện thoại di động SamSung màu bạc (Qua xem xét thực tế màu vàng nhạt – rạn nứt vỏ lưng máy).

Trả lại cho các bị cáo 04 (Bốn) ghim bấm mác bằng nhựa đã cũ; 01 (Một) máy ép nhiệt có ghi nhãn hiệu NAOMOTO; 03 (Ba) cuộn vải cây có các màu lần lượt là: Xanh dương, xanh lam và hồng được dán niêm phong (Không xã định được kích thước thực tế); một điện thoại di động nhãn hiệu SamSung màu xanh và 01 (Một) ô tô màu trắng đã cũ, có ghi nhãn hiệu VIOS ở đuôi xe, loại xe 05 chỗ, có gắn biển kiểm soát 30F – 506.59 (Không kiểm tra được tình trạng máy móc thiết bị của xe).

Buộc các bị cáo phải nộp số tiền 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) để xung quỹ Nhà nước.

(Vật chứng do Chi cục thi hành án dân sự huyện Ph, Thành phố Hà Nội quản lý theo Biên bản giao nhận vật chứng ngày 18/11/2021).

Mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Các bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự, có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

718
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp số 98/2021/HS-ST

Số hiệu:98/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Phúc Thọ - Hà Nội
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 17/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về