Bản án về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp số 459/2020/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HN

BẢN ÁN 459/2020/HS-ST NGÀY 07/12/2020 VỀ TỘI XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Trong ngày 07 tháng 12 năm 2020, tại trụ sở Tòa án, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 59/2020/TLST-HS ngày 03 tháng 03 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 131/2020/QĐXXST-HS ngày 16 tháng 04 năm 2020 đối với:

Bị cáo: Đinh Thị Mai H1, sinh năm 1979 tại HN; Giới tính: Nữ.

ĐKHKTT và chỗ ở: A4H, tập thể văn phòng Chính phủ số 28 ngõ a, ngách 4/14 đường PM, phường PM, quận ĐĐ, thành phố HN.

Quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: kinh; tôn giáo: không; trình độ học vấn: 12/12; nghề nghiệp: Lao động tự do;

Con ông Đinh Thế C–Sinh năm:1945; con bà Nguyễn Thị M–Sinh năm: 1950; có chồng là Nguyễn Công T – Sinh năm: 1976 (đã ly hôn). Có 03 con: lớn nhất sinh năm: 2003; nhỏ nhất sinh năm: 2015.

Tiền án, tiền sự: Không. Danh chỉ bản: 304 ngày 21/08/2019 PC03 – CAHN bị cáo hiện đang áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1./ Công ty Beiersdorf AG chủ sở hữu nhãn hiệu “NiVEA, hình” theo đăng ký quốc tế số 1108512 ngày 20/01/2012 thời hạn hiệu lực đến ngày 20/01/2022. Do Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ sở hữu trí tuệ Việt Anh (Địa chỉ: Số 49 phố P, phường H, quận Hoàn Kiếm, thành phố HN) là đại diện ủy quyền chỉ định tại Việt Nam.

2./ Công ty Stafford-Miller (Ireland) Limited là chủ sở hữu nhãn hiệu “ Sensodyne” theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 142436 đăng ký bảo hộ tại Việt nam ngày 09/02/2010. Do Công Ty TNHH quốc tế BMVN (trụ sở: phòng 1002, tầng 10, Indochina Plaza HN, 241 đường X, phường D, quận Cầu Giấy, thành phố HN) là đại diện ủy quyền chỉ định tại Việt Nam.

3./ Công ty Procter & Gamble Company là chủ sở hữu nhãn hiệu “Head&Shoulder” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đqăng ký nhãn hiệu số 254, đăng ký bảo hộ tại Việt Nam ngày 28/05/2012. Do Công ty TNHH Quốc tế BMVN ( trụ sở: phòng 1002, tầng **, I Plaza, 241 đường X, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố HN) là đại diện ủy quyền chỉ định tại Việt Nam.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo cáo trạng, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 07/6/2018, Đội Quản lý thị trường số 17 - Chi cục Quản lý thị trường thành phố HN, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Cơ sở kinh doanh mỹ phẩm Huyền, địa chỉ: Số 220 Đội Cấn, quận Ba Đình, HN do Đinh Thị Mai H1 là chủ cơ sở. Kết quả kiểm tra phát hiện và thu giữ:

- 2.280 chai dưỡng thể nhãn hiệu “NIVEA, body moisturiser, Rich Nourishing, loại 400 ml.

- 6.048 tuýp kem đánh răng nhãn hiệu “SENSODYNE, Extra Fresh”, loại 100 ml.

- 2.256 chai sữa tắm nhãn hiệu Algemarin, exclusive perfume, shower gel, loại 300 ml.

- 4.932 chai dầu gội đầu nhãn hiệu Head&Shoulder, anti-dandruff shampoo, apple fresh, loại 480 ml.

- 364 chai sữa tắm ong nhãn hiệu “LifeSpa, Skin whitening formula, Vitamin E”, loại 500 ml.

- 994 chai sữa tắm cừu nhãn hiệu “LifeSpa, Skin whitening formula, Vitamin E, C”, loại 500 ml.

- 6.216 chai sữa tắm ong, cừu chưa có nhãn; 30 kg nhãn sữa tắm ong và sữa tắm cừu Lifespamilk.

Ngày 11/3/2019, Cơ quan CSĐT – Công an TP HN đã tiến hành khám xét chỗ ở của Đinh Thị Mai H1 tại 28, ngõ 4, ngách 4/14, đường PM, phường PM, quận ĐĐ, HNvà thu giữ:1.440 chai dầu gội đầu nhãn hiệu Head&shoulders, anti-dandruff shampoo, cool menthol, methol dingin, loại 480 ml.Huyền không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ đối với toàn bộ số hàng hóa trên.

Quá trình điều tra xác định:

Từ năm 2014, Đinh Thị Mai H1 kinh doanh mỹ phẩm, hàng tiêu dùng nhưng không đăng ký kinh doanh và không có cửa hàng. Quá trình kinh doanh, Huyền biết thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng các loại mỹ phẩm, kem đánh răng mang các nhãn hiệu nổi tiếng như: Nivea; Sensodyne; Algemarin; Head&Shoulder... Năm 2016, thông qua mối quan hệ xã hội Huyền quen biết một người đàn ông tên Dũng (hiện không xác định được tên, tuổi và địa chỉ) kinh doanh buôn bán mỹ phẩm, kem đánh răng mang các nhãn hiệu trên, nguồn hàng xách tay, được sản xuất tại nước thứ ba, có giá rẻ. Dũng cho Huyền số điện thoại 01883762564để liên hệ. Khoảng đầu năm 2018, Huyền mua của Dũng 02 (hai) lô hàng với số lượng từ 70 đến 80 thùng, mỗi thùng có 06 sản phẩm các loại sữa tắm NIVEA, dầu gội Head & Shoulder, kem đánh răng Sensodyne, với giá 200.000.000 đồng.Huyền mua bán với Dũng theo phương thức mua buôn và bán lại cho các cửa hàng tạp hóa để kiếm lời. Số hàng trên, Huyền đã bán cho một số cửa hàng tạp hóa (không xác định được địa chỉ) và hưởng lợi được khoảng 20.000.000 đồng. Sau khi bán xong số hàng trên, Huyền dừng không bán hàng.

Cho đến đầu tháng 6/2018, Dũng gọi điện thoại cho Huyền chào bán số lượng lớn các sản phẩm mỹ phẩm mang nhãn hiệu: Sensodyne, Nivea, Head & Shoulder, Algemarin, LifeSpa, với giá 400.000.000 đồng, Huyền đồng ý mua. Do số lượng hàng hoá lớn nên đến ngày 05/6/2019, Huyền thuê kho tại địa chỉ 220 Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, HN với bà Võ Thị Quế (sinh năm: 1957, trú tại:

218C Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, HN) để chứa hàng hóa, giá thuê là 2.000.000 đồng/tháng (không ký kết hợp đồng bằng văn bản). Khi thuê kho, Huyền trao đổi với quản lý kho là bà Võ Thị Quế, còn việc thanh toán tiền, Huyền nộp cho ông Nguyễn Hữu Hoàn là bảo vệ. Sau khi thuê được kho, ngày 06/6/2019 Huyền yêu cầu Dũng chuyển hàng đến địa chỉ 220 Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, HN gồm: 2.280 chai dưỡng thể nhãn hiệu NIVEA; 6.048 tuýp kem đánh răng nhãn hiệu SENSODYNE; 2.256 chai sữa tắm nhãn hiệu Algemarin; 4.932 chai dầu gội đầu nhãn hiệu Head&Shoulder; 364 chai sữa tắm ong nhãn hiệu LifeSpa; 994 chai sữa tắm cừu nhãn hiệu LifeSpa; 6.216 chai sữa tắm ong, sữa tắm cừu chưa có tem nhãn mác, 30 kg tem nhãn sữa tắm ong và sữa tắm cừu Lifespamilk. Do kho hàng nhỏ, Huyền yêu cầu Dũng chuyển số hàng còn lại đến nhà Huyền tại địa chỉ số 28, ngõ 4, ngách 4/12, đường PM, phường PM, quận ĐĐ, HN để cất giữ gồm: 1.440 chai dầu gội nhãn hiệu Head&Shoulders. Trong số hàng mỹ phẩm Huyền mua của Dũng có loại sữa tắm ong, sữa tắm cừu nhãn hiệu LifeSpa chưa có nhãn mác. Dũng gửi kèm số nhãn mác này và bảo Huyền dán. Sau khi nhận hàng, Huyền đã thanh toán trả trước bằng tiền mặt cho Dũng là 120.000.000 đồng và hẹn thanh toán số tiền còn lại sau khi Huyền kiểm xong hàng.

Trong ngày 07/6/2018 và ngày 11/03/2019 khi Đội Quản lý thị trường số 17, Cơ quan CSĐT - Công an thành phố HN kiểm tra đã thu giữ toàn bộ số hàng hoá và tem nhãn nêu trên do Huyền chưa kịp bán và tiêu thụ.

Ngày 15/8/2019, Huyền đã giao nộp Cơ quan CSĐT – Công an thành phố HN số tiền 20.000.000 đồng thu lợi bất chính.

Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định, xác minh nguồn gốc xuất xứ đối với số hàng hóa đã thu giữ của Đinh Thị Mai H1, cụ thể:

1. Đối với 2.280 chai dưỡng thể nhãn hiệu “NIVEA, body moisturiser, Rich Nourishing”, loại 400 ml.

- Beiersdorf AG là chủ sở hữu nhãn hiệu “Nivea, hình”, theo đăng ký quốc tế số 1108512 ngày 20/01/2012, thời hạn hiệu lực đến ngày 20/01/2022.

- Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ sở hữu trí tuệ Việt Anh được Công ty Beiersdorf AG chỉ định phối hợp với Cơ quan CSĐT trong việc xử lý vụ việc theo Giấy uỷ quyền ngày 11/01/2017 của công ty Beierdorf có hiệu lực đến ngày 31/12/2018. Những sản phẩmchai dưỡng thể nhãn hiệu NIVEA thu giữ của Đinh Thị Mai H1 nêu trên không phải là sản phẩm của hãng Beierdorf sản xuất tại Tây Ban Nha, đây là hàng giả nhãn hiệu Nivea. Căn cứ vào đặc điểm của sản phẩm này là: bao bì, hình dáng, kích cỡ sản phẩm không giống như những sản phẩm của chủ sở hữu. Công ty Beierdorf không cho phép bán sản phẩm này ở thị trường Việt Nam cũng như thị trường ở các nước khác. Công ty đã cung cấp 03 mẫu sữa dưỡng thể Nivea là sản phẩm hiện Công ty Beiersdorf AG đang sản xuất và bán ra thị trường (sản xuất tại Thái Lan, theo li-xăng của Beiersdorf AG Humburg Germany, phân phối bởi Công ty TNHH Beiersdorf Việt Nam – tem phụ). Đối với sản phẩm Nivea thu giữ của Đinh Thị Mai H1, Công ty chỉ cung cấp được mẫu gần giống để làm mẫu so sánh và giá bán hiện hành của sản phẩm mẫu không phải giá bán của sản phẩm vi phạm. Công ty Việt Anh đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

- Công ty TNHH Beiersdorf Việt Nam– là nhà phân phối mỹ phẩm nhãn hiệu NIVEA tại thị trường Việt Nam xác định: Sản phẩm thu giữ của Đinh Thị Mai H1 không phải là sản phẩm Công ty TNHH Beiersdorf Việt Namphân phối.

- Tiến hành dịch thuật chữ viết về tên thương nhân, địa chỉ, chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm thu giữ của Đinh Thị Mai H1, thể hiện thương nhân là Công ty Beiersdorf AG, địa chỉ: D-20245 Hamburg, sản xuất tại Tây Ban Nha.

- Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự thành phố HN kết luận số hàng hóa trên giá trị 730.994.600 đồng.

2. Đối với 6.048 tuýp kem đánh răng nhãn hiệu “SENSODYNE, Extra Fresh”, loại 100 ml.

- Stafford-Miller (Ireland) Limited là chủ sở hữu nhãn hiệu “Sensodyne” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 142436, đăng ký bảo hộ tại Việt Nam ngày 09/02/2010, thời hạn hiệu lực đến ngày 10/6/2028.

- Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN là đại diện pháp lý nhãn hiệu Sensodyne tại Việt Nam; Công ty cung cấp Phiếu công bố chất lượng sản phẩm số: 27535/17/CBMP - QLD ngày 08/02/2017 của Cục quản lý Dược, Bộ Y tếvà 06 sản phẩm mẫu nhãn hiệu Sensodyne là sản phẩm hiện công ty Stanfford - Miller đang sản xuất và bán ra thị trường. Sản phẩm nhãn hiệu Sensodyne thu giữ của Đinh Thị Mai H1 không phải là sản phẩm do Công ty Stafford-Miller hay bất kỳ chi nhánh/công ty con hoặc bất kỳ đơn vị thứ ba nào được Công ty P&G cho phép sử dụng nhãn hiệu sản xuất và cung cấp tại thị trường Việt Nam và thị trường nước ngoài. Căn cứ xác định: Bao bì được ghi bằng tiếng Ả Rập và tiếng Anh, các sản phẩm như vậy thường bị nghi ngờ là hàng giả mạo nhãn hiệu. Trên bao bì sản phẩm thu giữ của Đinh Thị Mai H1 có sử dụng logo “gsk”, đây là logo cũ, không còn được sử dụng từ năm 2016 trở đi bởi GlaxoSmithKline (GSK) – Công ty mẹ của Công ty Stafford-Miller, năm sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm thu giữ của Đinh Thị Mai H1 là năm 2018. Công ty Sanfford - Miller cung cấp mẫu gần giống để so sánh và giá bán hiện hành của sản phẩm mẫu không phải giá bán của sản phẩm vi phạm (Sản xuất tại Thái Lan, nhập khẩu, phân phối, chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường: Công ty TNHH DKSH Việt Nam – tem phụ). Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

- Công ty TNHH DKSH Việt Nam – là nhà phân phối kem đánh răng nhãn hiệu SENSODYNE tại thị trường Việt Nam xác định: Sản phẩm thu giữ của Đinh Thị Mai H1 không phải là sản phẩm Công ty TNHH DKSH Việt Nam phân phối. Công ty chỉ có sản phẩm gần tương đương là SENSODYNE Repair & Protect Extra Fresh (sản phẩm thu giữ của Huyền là SENSODYNE, Extra Fresh). Công ty cho biết: khi đăng ký sản phẩm với Bộ Y tế, các sản phẩm có tên khác nhau, thông thường thành phần cấu tạo sẽ khác nhau. Công ty cung cấp Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với kem đánh răng SENSODYNE Repair & Protect Extra Fresh, trong danh sách thành phần không có tỷ lệ % (chỉ có tỷ lệ % của Sodium Fluoride là chất có giới hạn về nồng độ, hàm lượng).

- Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ kết luận số sản phẩm nhãn hiệu Sensodyne tạm giữ của Đinh Thị Mai H1 là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trong trường hợp cơ sở kinh doanh mỹ phẩm Huyền không chứng minh được rằng các sản phẩm bị xem xét là do chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng tương ứng hoặc người được các chủ sở hữu đó cho phép sản xuất và đưa ra thị trường.

- Tiến hành dịch thuật chữ viết về tên thương nhân, địa chỉ, chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm thu giữ của Đinh Thị Mai H1, kết quả thể hiện: Sensodyne là nhãn hiệu thương mại của Công ty tập đoàn GlaxoSmithKline, Trung tâm chăm sóc sức khỏe khách hàng GlaxoSmithKline, Brentlord, TW8 9 GS, Vương Quốc Anh, sản xuất bởi Boots cho GlaxoSmithKline, sản xuất tại Vương quốc Anh.

- Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự thành phố HN kết luận số hàng hóa trên có giá trị 235.872.000 đồng.

3. Đối với 4.932 chai dầu gội đầu nhãn hiệu “Head&Shoulder, anti- dandruff shampoo, apple fresh”, loại 480 ml và 1.440 chai dầu gội đầu nhãn hiệu “Head&shoulders, anti-dandruff shampoo, cool menthol, methol dingin”, loại 480 ml.

- Procter & Gamble Company là chủ sở hữu nhãn hiệu “Head&Shoulder” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 254, đăng ký bảo hộ tại Việt Nam ngày 28/5/2012, thời hạn hiệu lực đến ngày 29/6/2025.

- Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN là đại diện pháp lý nhãn hiệu Head&Shoulders tại Việt Nam. Công ty cho biết sản phẩm nhãn hiệu Head&Shoulders thu giữ của Đinh Thị Mai H1 không phải là sản phẩm do Công ty P&G hay bất kỳ chi nhánh/công ty con hoặc bất kỳ đơn vị thứ ba nào được Công ty P&G cho phép sử dụng nhãn hiệu sản xuất và cung cấp tại thị trường Việt Nam và thị trường nước ngoài. Căn cứ xác định: Mã lô tại đáy sản phẩm bị thu giữ có cấu trúc sai lệch so với tiêu chuẩn của Công ty P&G, cụ thể: dưới đáy của các sản phẩm chính hãng phải có hạn sử dụng được ghi theo cấu trúc “EXP: MMYY”, trong khi các sản phẩm thu giữ không ghi hạn sử dụng. Công ty cung cấp cho Cơ quan CSĐT 06 mẫu sản phẩm gần giống “Head&Shoulders, anti-dandruff shampoo, cool menthol” (Sản xuất tại: Thái Lan bởi Công ty Protect&Gamble Manufacturing Thailand, Chachoengsao, Thái Lan; Nhập khẩu bởi Công ty TNHH Protect&Gamble Việt nam). Công ty BMVN đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

- Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và công nghệ kết luận số sản phẩm nhãn hiệu Head&Shoulders tạm giữ của Đinh Thị Mai H1 là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu trong trường hợp cơ sở kinh doanh mỹ phẩm Huyền không chứng minh được rằng các sản phẩm bị xem xét là do chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng tương ứng hoặc người được các chủ sở hữu đó cho phép sản xuất và đưa ra thị trường.

- Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự thành phố HN kết luận: 4.932 chai dầu gội đầu nhãn hiệu Head&Shoulder, anti-dandruff shampoo, apple fresh, loại 480 ml có giá trị 534.300.000 đồng; 1.440 chai dầu gội đầu nhãn hiệu Head&Shoulders, anti-dandruff shampoo,cool menthol, methol dingin, loại 480 ml có giá trị 172.800.000 đồng.

4. Đối với 2.256 chai sữa tắm nhãn hiệu “Algemarin, exclusive perfume, shower gel”, loại 300 ml.

- Bottger GmbH Pharmauzeutische und Kosmetische Praparate là chủ sở hữu nhãn hiệu “Algemarin” được bảo hộ theo đăng ký quốc tế số 304198 ngày 30/5/2001, thời hạn hiệu lực đến ngày: 26/10/2025. Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ không có thông tin gì khác về chủ sở hữu nhãn hiệu.

- Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự thành phố HN kết luận: 2.256 chai sữa tắm cá ngựa Algemarin, loại 300 ml có giá trị 259.440.000 đồng.

* Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ kết luận: Số sản phẩm nhãn hiệu Nivea, Sensodyne, Head&Shoulders, Algemarin tạm giữ của Đinh Thị Mai H1 là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, trong trường hợp cơ sở kinh doanh mỹ phẩm Huyền không chứng minh được rằng các sản phẩm bị xem xét là do chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng tương ứng hoặc người được các chủ sở hữu đó cho phép sản xuất và đưa ra thị trường.

- Chi cục Quản lý thị trường HN đã tiến hành giám định chất lượng toàn bộ số hàng hóa bị thu giữ theo Thông tư 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, kết quả đạt tiêu chuẩn.

Riêng đối với 364 chai sữa tắm ong nhãn hiệu “LifeSpa, Skin whitening formula, Vitamin E”, loại 500 ml; 994 chai sữa tắm cừu nhãn hiệu “LifeSpa, Skin whitening formula, Vitamin E, C”, loại 500 ml; 6.216 chai sữa tắm ong, cừu chưa có nhãn và 30 kg nhãn sữa tắm ong và sữa tắm cừu Lifespamilk.

- Công ty TNHH sản xuất và thương mại Song Sanh, địa chỉ: số 4, đường số 1, KCN Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh là chủ sở hữu nhãn hiệu “Lifespa” của các sản phẩm sữa tắm, kem dưỡng thể, mặt nạ giấy đắp mặt, sữa rửa mặt, kem thoa mặt. Ngày cấp bảo hộ 06/6/2018, ngày công bố văn bằng 25/7/2018, thời hạn hiệu lực đến ngày 11/7/2026.

- Công ty TNHH sản xuất và thương mại Song Sanh xác định: các sản phẩm thu giữ của Đinh Thị Mai H1 không phải là sản phẩm được Công ty cho phép sản xuất và đưa ra thị trường; Đinh Thị Mai H1 không được Công ty uỷ quyền hoặc cho phép sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam; Công ty chưa đưa vào sản xuất sản phẩm nào mang thương hiệu LifeSpa.

Đối với số sản phẩm nhãn hiệu LifeSpa của Đinh Thị Mai H1 bị thu giữ vào ngày 07/6/2018, trước thời điểm công ty TNHH Sản xuất và thương mại Song Sanh công bố bằng bảo hộ (ngày 25/7/2018), Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Song Sanh cũng chưa sản xuất, đưa ra thị trường sản phẩm nào nên không xem xét xử lý Đinh Thị Mai H1 đối với việc kinh doanh những sản phẩm nhãn hiệu LifeSpa.

* Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh đối với các tài khoản của Đinh Thị Mai H1 tại hệ thống các ngân hàng trên lãnh thổ Việt Nam, xác định: một số tài khoản mở tại ngân hàng không phát sinh giao dịch nhận tiền, chuyển tiền; có giao dịch chuyển tiền đi nhưng không rõ nội dung....

* Đối với đối tượng tên Dũng, quá trình điều tra không xác định được địa chỉ, Dũng đã sử dụng số điện thoại 01883762564 để liên lạc, trao đổi thực hiện hành vi mua bán với Huyền.

Xác minh tại Công ty cổ phần viễn thông HN về số điện thoại 01883762564 - chủ thuê bao mang tên Phùng Bích Ngân, địa chỉ: Long An. Từ ngày 01/5/2018 chỉ phát sinh 03 cuộc gọi đến nhưng không phải là số điện thoại của Huyền. Do vậy, Cơ quan CSĐT – Công an thành phố HN không xác định được đối tượng tên Dũng.

Đối với bà Võ Thị Quế là người quản lý kho, ông Nguyễn Hữu Hoàn là nhân viên bảo vệkho tại 220 Đội Cấn, quận Ba Đình, HN, không biết Huyền buôn bán và cất giữ hàng giả nên Cơ quan điều tra không đề cập xử lý.

Bản cáo trạng số 49/ CT-VKSHN-P2 ngày 19/02/2020 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố HN truy tố bị cáo Đinh Thị Mai H1 về tội: “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo điểm đ khoản 2 Điều 226 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại phiên tòa:

Bị cáo khai nhận hành vi phạm tội như Cáo trạng đã truy tố, thừa nhận việc bị truy tố về tội Xâm phạm quyền sở hữu cong nghiệp là đúng người, đúng tội, không kêu oan và mong hội đồng xét xử khoan hồng giảm nhẹ hình phạt.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố HN duy trì công tố tại phiên toà giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo theo bản cáo trạng. Bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội phù hợp nội dung bản Cáo trạng.

Về nhân thân bị cáo:

Bị cáo chưa có tiền án tiền sự, thành khẩn khai báo, đã tự nguyện nộp số tiền thu lời bất chính là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình Sự.

Đề nghị Tòa án áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 226 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo từ 30 đến 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; thời hạn thử thách 60 tháng. Tịch thu tiêu hủy số tang vật; tịch thu xung công số tiền 20.000.000 đồng do bị cáo nộp tiền thu lời bất chính.

Bị cáo phải chịu án phí hình sự theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về tính hợp pháp của hành vi quyết định tố tụng:

Các hành vi quyết định tố tụng của Điều tra viên Cơ quan cảnh sát Điều tra và Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên toà, bị cáo không khiếu nại về hành vi quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó hành vi quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng đã được thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi phạm tội:

Lời khai nhận của bị cáo phù hợp với lời khai của các nhân chứng và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ đủ cơ sở khẳng định rằng:

Khoảng tháng 6/2019, Huyền mua của đối tượng tên Dũng một số lượng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm: 2.280 chai dưỡng thể nhãn hiệu Nivea; 6.048 tuýp kem đánh răng nhãn hiệu Sensodyne; 6.372 chai dầu gội đầu nhãn hiệu Head&Shoulders; 2.256 chai sữa tắm nhãn hiệu Algemarin với mục đích để bán lại kiếm lời. Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ kết luận: Số sản phẩm nhãn hiệu Nivea, Sensodyne, Head&Shoulders, Algemarin thu giữ của Đinh Thị Mai H1 là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, trong trường hợp cơ sở kinh doanh mỹ phẩm Huyền không chứng minh được rằng các sản phẩm bị xem xét là do chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng tương ứng hoặc người được các chủ sở hữu đó cho phép sản xuất và đưa ra thị trường. Tổng giá trị hàng hoá vi phạm là 1.933.406.600 đồng. Các sản phẩm nêu trên đều thuộc loại hàng hóa có nhãn hiệu nổi tiếng thế giới và đều có văn bằng bảo hộ đối với tùng sản phẩm cùng loại được chủ sở hữu văn bằng bảo hộ đang ký và cho phép lưu hành tại thì trường Việt Nam. Bị cáo khai rằng khi buôn bán chỉ biết đó là sản phẩm sản xuất và lưu hành tại Thái Lan và một số nước khác nhập lậu vào Việt Nam nên có mức giá rẻ hơn sản phẩm nhập chính ngạch và thị hiếu người tiêu dùng lại ưa chuộng dòng sản phẩm này; điều này cho thấy bị cáo biết và đủ điều kiện để phải biết rằng việc buôn bán kinh doanh các sản phẩm thuộc nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường trong nước đều có sự bảo hộ và cho phép của chủ nhãn hiệu hàng hóa đã đăng kí bảo hộ tại Việt Nam. Việc bị cáo đã buôn bán loại hàng hóa mà mình biết là do nhập lậu đã xâm phạm đến quyền của sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu hiệu hàng hóa.

Đủ cơ sở kết luận bị cáo phạm tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”; điều luật quy định: “1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hoá vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”. Hành vi của bị cáo phạm vào theo điểm đ khoản 2 điều 226 Bộ luật hình sự năm 2015. Do đó cần áp dụng hình phạt tương ứng với tính chất mức độ hành vi.

Ngoài hành vi buôn bán trên, bị cáo còn tự khai ra đã từng mua bán sản phẩm cùng loại đối với đối tượng Dũng trước đó, thu lời 20.000.000 đồng và nộp số tiền này cho cơ quan điều tra. Lần này phạm tội khi mới nhập hàng hóa thì bị phát hiện thu giữ toàn bộ chưa gây hậu quả thiệt hại cho chủ sở hữu cũng như người tiêu dùng.

Nhân thân của bị cáo chưa có tiền án tiền sự; có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, tự giác khai ra và nộp thu lời bất chính, chưa gây hậu quả là các tình tiết được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi lượng hình theo các điểm s khoản 1, khoản 2 điều 51 Bộ luật Hình sự 2015. Ngoài ra cần áp dụng hình phạt bổ sung phạt tiền đối với bị cáo theo quy định tại khoản 3 điều 226 Bộ luật Hình sự.

Số tang vật vụ án hiện đang lưu giữ tại kho cơ quan điều tra cho tịch thu tiêu hủy; số tiền thu lời bị cáo nộp cho tịch thu xung công.

Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1./ Tuyên bố bị cáo Đinh Thị Mai H1 phạm tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

2./ Áp dụng:

- Điểm đ khoản 2; khoản 3 Điều 226; Điều 48, Điều 50; điểm i, h,s khoản 1 khoản 2 Điều 51; điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015;

- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí:

Xử phạt: Đinh Thị Mai H1 30 (ba mươi) tháng tù nhưng cho hưởng án treo;

thời hạn thử thách là 60 (sáu mươi) tháng kể từ ngày tuyên án là ngày 07/12/2020.

Hình phạt bổ sung: Phạt tiền bị cáo số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu) Giao bị cáo Đinh Thị Mai H1 cho Ủy ban nhân dân phường PM, quận ĐĐ, thành phố HN để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

3. Tịch thu tiêu hủy tang vật vụ án đang lưu gửi tại kho cơ quan Cảnh sát điều tra công an thành phố HN theo công văn đề nghị số 364/CTHADS-KHTC ngày 04/11/2019:

- 2.280 chai dưỡng thể nhãn hiệu “NIVEA, body moisturiser, Rich Nourishing, loại 400 ml.

- 6.048 tuýp kem đánh răng nhãn hiệu “SENSODYNE, Extra Fresh”, loại 100 ml.

- 2.256 chai sữa tắm nhãn hiệu Algemarin, exclusive perfume, shower gel, loại 300 ml.

- 4.932 chai dầu gội đầu nhãn hiệu Head&Shoulder, anti-dandruff shampoo, apple fresh, loại 480 ml.

- 364 chai sữa tắm ong nhãn hiệu “LifeSpa, Skin whitening formula, Vitamin E”, loại 500 ml.

- 994 chai sữa tắm cừu nhãn hiệu “LifeSpa, Skin whitening formula, Vitamin E, C”, loại 500 ml.

- 6.216 chai sữa tắm ong, cừu chưa có nhãn;

- 30 kg nhãn sữa tắm ong và sữa tắm cừu.

- 1.440 (đựng trong 40 thùng được niêm phong) chai dầu gội đầu nhãn hiệu Head&shoulders, anti-dandruff shampoo, cool menthol, methol dingin, loại 480 ml 4. Tịch thu xung công quỹ Nhà nước số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu) đang lưu tại tài khoản tạm giữ số 39499052463 của Công an Thành phố HN mở tại Kho bạc Nhà nước HN (theo giấy nộp tiền vào tài khoản do điều tra viên Chử Hoài Nam nộp ngày 21/08/2019) theo công văn số 4422/PC03-DD10 ngày 07/11/2019 của Phòng PC03 Công an Thành phố HN.

thẩm.

5. Về án phí: Bị cáo phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn) án phí hình sự sơ 6. Bị cáo có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (do người ủy quyền tại Việt Nam) có có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày người đại diện ủy quyền nhận được tống đạt bản án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1995
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp số 459/2020/HS-ST

Số hiệu:459/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:07/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về