Bản án về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp số 38/2020/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHÚ GIÁO, TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 38/2020/HS-ST NGÀY 22/06/2020 VỀ TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI DO VI PHẠM QUY TẮC NGHỀ NGHIỆP

Ngày 22 tháng 6 năm 2020, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh D, Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh D xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 27/2020/TLST - HS ngày 03 tháng 4 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 44/2020/QĐXXST-HS ngày 08 tháng 6 năm 2020 đối với bị cáo:

Họ và tên: Nguyễn Phan Tấn S, sinh năm 1997 tại D; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Ấp BH, xã AB, huyện G, tỉnh D; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ văn hóa (học vấn): 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn P, sinh năm 1975 và bà Phan Thị Đ, sinh năm 1977; tiền án: Không, tiền sự: Không; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 25/12/2019 cho đến nay. Có mặt.

- Bị hại: Ông Lê Thanh H, sinh năm 1986; Nơi ĐKHKTT: Ấp LT, xã ML, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang (chết);

Người đại diện hợp pháp của bị hại: Ông Lê Văn L, sinh năm 1966 (Vắng mặt) và bà Trần Thị Bé E, sinh năm 1957 (có mặt); Cùng địa chỉ thường trú: Ấp LT, xã ML, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang - Là cha, mẹ của bị hại;

- Bị đơn dân sự: Trung tâm VTVT. Người đại diện theo pháp luật: Ông Huỳnh Văn Q, chức vụ: Giám đốc. Có mặt.

- Người làm chứng: Ông Hồ Thanh D. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyễn Phan Tấn S là nhân viên kỹ thuật của Công ty VTVT, được phân công làm việc tại VTVT. Khoảng 11 giờ ngày 23/7/2019, Nguyễn Phan Tấn S được phân công nhiệm vụ đến nhà bà Lê Thị Thùy T tại ấp KN, xã VH, huyện G, tỉnh D để sửa mạng internet cho bà T. S đi cùng với ông Lê Thanh H đến nhà bà T kiểm tra đường truyền mạng internet. Sau khi kiểm tra, S phát hiện đường dây cáp quang internet phía ngoài đường ĐT741 cách nhà bà T khoảng 200m bị đứt nên S quyết định thay dây cáp. Khi S làm công việc của mình thì ông H thấy thời gian vào buổi trưa nên mới phụ giúp S cầm một đầu dây của cuộn dây cáp, còn S cầm một đầu kéo đến hộp cáp quang chính. Khi kéo đoạn dây cáp quang đến nhà bà Lê Thị Cẩm L1, S dùng một cây kìm bằng kim loại, có cán bọc bằng nhựa màu xanh nẹp vào đầu dây cáp rồi quăng qua mái nhà bà L1 mục đích đưa đầu dây cáp quang đến hộp cáp chính. Khi S ném cây kìm kẹp đầu dây cáp quang qua mái nhà thì cây kìm vướng trên đường dây điện trung thế làm điện phát nổ, bị rò rỉ, truyền sang sợi dây cáp đến chỗ đầu dây mà ông H đang cầm làm cho ông H bị điện giật, hậu quả ông H chết.

Kết luận giám định pháp y tử thi số 576/GĐPY ngày 21/8/2019 và Kết luận giám định pháp y về mô bệnh học số 109.19/MPH ngày 21/8/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh D kết luận: Nguyên nhân chết của ông Lê Thanh H là do bị chạm điện, các cơ quan biến đổi do nhiệt-dòng ion, phù phổi, xuất huyết phổi dẫn đến bị chết.

Ngày 19/11/2019, VTVT có Công văn số 2299, xác định: Nguyễn Phan Tấn S khi kéo dây cáp viễn thông đã buộc một đầu dây cáp quang vào một cây kìm ném qua mái nhà để đi đường dây cáp quang, cây kìm được ném qua mái nhà vướng vào dây điện trung thế và dây điện phát nổ, điện bị rò rỉ sang đường dây cáp quang dẫn đến ông Lê Thanh H đang cầm một đầu dây cáp bị điện giật, hậu quả ông H chết là không đúng quy định về an toàn lao động theo quy định tại Quyết định số 257/QĐ-VNPT- BDG-NSTH ngày 01/3/2018 của VTVT.

Quá trình điều tra, Cơ quan Điều tra Công an huyện G thu giữ:

- 01 (một) cuộn cáp có dạng hình trụ tròn bằng nhựa, màu đen, kích thước 25x40cm, giữa cuộn cáp có lỗ rỗng đường kính 10cm, 01 (một) thanh sắt dài 01m, đường kính 3,5cm (dạng thanh sắt chống bạc dù); 01 (một) cái kìm bằng sắt, có cán bộc nhựa màu xanh đỏ.

Về trách nhiệm dân sự: Nguyễn Phan Tấn S đã thăm hỏi, hỗ trợ cho gia đình ông H số tiền 3.000.000đ, VTVT hỗ trợ số tiền 35.000.000đ cho gia đình ông H. Người đại diện hợp pháp của bị hại H đã nhận tiền bồi thường và không yêu cầu gì thêm.

Cáo trạng số 30/CT - VKSPG ngày 01/4/2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện G đã truy tố bị cáo Nguyễn Phan Tấn S về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp” theo quy định tại khoản 1 Điều 129 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự).

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố vẫn giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bố bị cáo Nguyễn Phan Tấn S phạm tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”, đồng thời đánh giá các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự, về nhân thân của bị cáo, đề nghị HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 129, các điểm b, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật Hình sự đề nghị mức xử phạt đối với bị cáo Nguyễn Phan Tấn S từ 15 (mười lăm) tháng tù đến 18 (mười tám) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 30 (ba mươi) tháng đến 36 (ba mươi sáu) tháng. Về xử lý vật chứng, đề nghị HĐXX áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự: Trả lại cho VTVT 01 (một) cuộn cáp có dạng hình trụ tròn bằng nhựa, màu đen, kích thước 25x40cm, giữa cuộn cáp có lỗ rỗng đường kính 10cm, 01 (một) thanh sắt dài 01m, đường kính 3,5cm (dạng thanh sắt chống bạc dù); 01 (một) cái kìm bằng sắt, có cán bộc nhựa màu xanh đỏ. Về trách nhiệm dân sự, người đại diện hợp pháp của bị hại không yêu cầu gì thêm nên không đề cập đến.

Bị cáo S trình bày hành vi thống nhất với hành vi mà cáo trạng mô tả, không tranh luận gì đối với lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát về tội danh, mức hình phạt. Bị cáo nói lời sau cùng: Bị cáo rất hối hận về hành vi của bị cáo và xin lỗi gia đình người bị hại.

Người đại diện hợp pháp của bị hại: Không yêu cầu bị cáo và VTVT phải bồi thường gì thêm, xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, cho bị cáo được hưởng án treo như đề nghị của Viện kiểm sát.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn dân sự trình bày: Không yêu cầu bị cáo phải hoàn trả số tiền đã bồi thường cho gia đình bị hại, xin xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện G, tỉnh D, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện G, tỉnh D, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên toà bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị hại, người đại diện hợp pháp của bị đơn dân sự, người làm chứng không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp. Người đại diện hợp pháp của bị hại ông Lê Văn L (cha của bị hại) và người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát, bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị hại bà Trần Thị Bé E (mẹ của bị hại), người đại diện hợp pháp của bị đơn dân sự không ai đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, hồ sơ vụ án thể hiện đã có lời khai của người đại diện hợp pháp của bị hại ông Lê Văn L (cha của bị hại), người làm chứng đã đầy đủ, việc vắng mặt không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, căn cứ Điều 292, Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự, HĐXX vẫn tiến hành xét xử.

[2] Về nội dung vụ án: Quá trình điều tra cũng như tại phiên toà công khai, có căn cứ để xác định: Bị cáo S là nhân viên kỹ thuật của VTVT, làm việc tại huyện G và chịu sự quản lý của VTVT. Bị cáo đã được đào tạo nghề nghiệp, đào tạo về quy trình an toàn vệ sinh lao động về mạng lưới cáp quang. Ngành nghề mà bị cáo làm do nhà nước quy định phải có tính chất nghiệp vụ để đảm bảo an toàn cho mọi người. Đồng thời, VTVT đã ban hành Quyết định số 257/QĐ-VNPT-BDG-NSTH ngày 01/3/2018 về việc ban hành Quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Bị cáo S đã được VTVT tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động và đã được công nhận đạt kết quả huấn luyện. Bị cáo biết ngành nghề của bị cáo phải tuân thủ những quy tắc an toàn, nếu vi phạm thì sẽ có khả năng dẫn đến chết người nhưng bị cáo vì lỗi vô ý cẩu thả mà ngày 23/7/2019 có hành vi kéo dây cáp quang để sửa chữa mạng lưới internet cho khách hàng của VTVT không đảm bảo an toàn, gây cháy nổ dây điện trung thế, điện bị rò rỉ truyền sang dây cáp quang gây ra hậu quả là ông Lê Thanh H đang kéo đầu dây cáp quang còn lại cùng với bị cáo bị điện giật chết. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo đã đủ tuổi, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, Cáo trạng số 30/CT - VKSPG ngày 01/4/2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện G, tỉnh D đã truy tố bị cáo Nguyễn Phan Tấn S về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp” theo quy định tại khoản 1 Điều 129 của Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[4] Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, HĐXX quyết định một mức hình phạt tương xứng đối với bị cáo để răn đe, cải tạo, giáo dục bị cáo, đồng thời nêu gương phòng ngừa chung cho xã hội. Khi quyết định hình phạt, HĐXX xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo để quyết định hình phạt phù hợp như sau:

Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo đã tự nguyện bồi thường thiệt hại một phần cho gia đình bị hại, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điểm b, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, bị cáo phạm tội lần đầu, người đại diện hợp pháp của bị hại đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo mức án nhẹ nhất, bị cáo có bà cố ngoại là Nguyễn Thị Sáu được truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, có cậu ruột, dì ruột là Liệt sĩ. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

[5] Xét thấy, bị cáo có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng, có nhân thân tốt, có 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

HĐXX xét thấy bị cáo có khả năng tự cải tạo, không cần phải bắt bị cáo phải chấp hành hình phạt tù và việc cho bị cáo hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến công cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn mà cho bị cáo chấp hành hình phạt tù có điều kiện theo quy định tại Điều 65 của Bộ luật Hình sự cũng đủ tác dụng răn đe, giáo dục và cải tạo bị cáo.

[6] Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện G đề nghị xử phạt bị cáo mức hình phạt như trên là phù hợp với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo nên HĐXX xem xét chấp nhận. Người đại diện hợp pháp của bị cáo đề nghị cho bị cáo mức án nhẹ nhất và đề nghị cho cáo hưởng án treo là phù hợp nên HĐXX chấp nhận.

[7] Về vật chứng vụ án:

Đối với 01 (một) cuộn cáp có dạng hình trụ tròn bằng nhựa, màu đen, kích thước 25x40cm, giữa cuộn cáp có lỗ rỗng đường kính 10cm; 01 (một) cái kìm bằng sắt, có cán bộc nhựa màu xanh đỏ; 01 (một) thanh sắt dài 01m, đường kính 3,5cm, dạng thanh sắt chống bạc dù (½ thanh sắt bị rỉ sét, tại vị trí ½ thanh sắt có vết nhiệt hóa ám khói kích thước 30x2cm) là tài sản của VTVT, người đại diện hợp pháp của bị đơn dân sự không có ý kiến gì, nếu trả lại thì sẽ nhận nên HĐXX trả lại cho VTVT.

[8] Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo đã bồi thường cho người đại diện hợp pháp của bị hại số tiền 3.000.00đ (ba triệu đồng), VTVT đã bồi thường cho người đại diện hợp pháp của bị hại số tiền 35.000.000đ (ba mươi lăm triệu đồng). Người đại diện hợp pháp của bị hại không yêu cầu bồi thường gì thêm nên HĐXX ghi nhận. Người đại diện hợp pháp của VTVT không yêu cầu bị cáo S phải trả lại số tiền 35.000.000đ (ba mươi lăm triệu đồng) đã bồi thường cho gia đình bị hại nên HĐXX ghi nhận.

[9] Về án phí: Bị cáo phải nộp án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 129, các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 47, Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; các Điều 106, 135, 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo; Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

1. Tuyên bố bị cáo Nguyễn Phan Tấn S phạm tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”.

2. Về điều luật áp dụng và mức hình phạt:

Áp dụng khoản 1 Điều 129, các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

Xử phạt bị cáo Nguyễn Phan Tấn S 15 (mười lăm) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 30 (ba mươi) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (22/6/2020).

Giao bị cáo Nguyễn Phan Tấn S cho Ủy ban nhân dân xã AB, huyện G, tỉnh D giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

3. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự tuyên:

+ Trả lại cho VTVT 01 (một) cuộn cáp có dạng hình trụ tròn bằng nhựa, màu đen, kích thước 25x40cm, giữa cuộn cáp có lỗ rỗng đường kính 10cm; 01 (một) cái kìm bằng sắt, có cán bộc nhựa màu xanh đỏ; 01 (một) thanh sắt dài 01m, đường kính 3,5cm (dạng thanh sắt chống bạc dù), ½ thanh sắt bị rỉ sét, tại vị trí ½ thanh sắt có vết nhiệt hóa ám khói kích thước 30x2cm).

(Theo Biên bản giao nhận vật chứng ngày 01/4/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G, tỉnh D).

4. Về án phí: Áp dụng các Điều 135, 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án buộc: Bị cáo Nguyễn Phan Tấn S phải nộp 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

5. Về quyền kháng cáo:

Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị hại, bị đơn dân sự được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa tuyên án.

Người đại diện hợp pháp của bị hại vắng mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

56
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp số 38/2020/HS-ST

Số hiệu:38/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Phú Giáo - Bình Dương
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:22/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về