Bản án về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 20/2023/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BẠCH THÔNG, TỈNH BẮC KẠN

BẢN ÁN 20/2023/HS-ST NGÀY 23/05/2023 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 23/5/2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 14/2023/TLST- HS ngày 30/3/2023 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 16/2023/QĐXXST- HS ngày 26/4/2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 06/2023/QĐST-HS ngày 10/5/2023 đối với các bị cáo:

Triệu Phúc Đ (tên gọi khác: Không); sinh ngày 17/01/1997 tại huyện B, tỉnh Bắc Kạn; nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Thôn L, xã C, huyện B, tỉnh Bắc Kạn; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Dao; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Triệu Kim Th và bà Triệu Thị L; vợ, con: Chưa có; tiền sự: Không; tiền án: 01 - Bản án số 17/2016/HSST ngày 29/6/2016 của Tòa án nhân dân huyện Bạch Thông xử phạt bị cáo 24 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng”; về trách nhiệm dân sự buộc bị cáo phải bồi thường tổng số tiền 28.313.500 đồng, trong đó bồi thường cho UBND huyện Bạch Thông 21.301.000 đồng, bồi thường cho Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ 7.012.500 đồng; phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 1.415.675 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Bị cáo kháng cáo. Bản án số 27/2016/HSPT ngày 16/9/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn xử phạt 18 tháng tù. Đến ngày 24/10/2022, bị cáo chưa chấp hành xong nghĩa vụ bồi thường cho UBND huyện Bạch Thông với số tiền còn phải bồi thường là 14.717.175 đồng và chưa bồi thường cho Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ số tiền 7.012.500 đồng; hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” - Có mặt.

Hoàng Thông T (tên gọi khác: Không); sinh ngày 08/12/1994 tại huyện Bạch T, tỉnh Bắc Kạn; nơi ĐKHKTT: Thôn 8, tổ 4, xã B, huyện B, tỉnh Bình Phước; chỗ ở hiện nay: Thôn L, xã C, huyện B, tỉnh Bắc Kạn; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Dao; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng Nguyên M và bà Hoàng Thị Đ; vợ là Hoàng Thị A; có 01 con; tiền sự: Không; tiền án: 01 - Bản án số 17/2016/HSST ngày 29/6/2016 của Tòa án nhân dân huyện Bạch Thông xử phạt 30 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng về tội “Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Về trách nhiệm dân sự phải bồi thường tổng số tiền 29.998.600 đồng, trong đó bồi thường cho UBND huyện Bạch Thông 10.608.300 đồng, bồi thường cho Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ 19.390.300 đồng; phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 1.499.930 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Đến ngày 24/10/2022, bị cáo chưa bồi thường cho UBND huyện Bạch Thông số tiền 2.532.855 đồng, chưa bồi thường cho Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ số tiền 19.390.300 đồng; hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” - Có mặt.

* Nguyên đơn dân sự:

- y ban nhân dân huyện B, tỉnh Bắc Kạn.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Trịnh Tiến S - Chức vụ: Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện (Văn bản ủy quyền số: 217/UBND- NNPTNT ngày 13/02/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện B) (Có đơn xin xét xử vắng mặt)

- Ban Quản lý Khu bảo tồng thiên nhiên K Người đại diện theo ủy quyền: Ông Ma Khắc D, Chức vụ: Phụ trách Trạm kiểm lâm C - Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên K (Văn bản ủy quyền số 48/QĐ-KBT ngày 09/02/2023 Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên K) - Có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

- Sằm Phúc Đ1, sinh năm 1991; trú tại: Thôn L, xã C, huyện B, tỉnh Bắc Kạn - Vắng mặt (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

- Nguyễn Như H, sinh năm 1990; trú tại: Xóm T, xã H, huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên - Vắng mặt (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng thời là người làm chứng:

Sằm Phúc K, sinh năm 1994; trú tại: Thôn L, xã C, huyện B, tỉnh Bắc Kạn - Vắng mặt (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 18 giờ 40 phút ngày 24/10/2022, tại thôn L, xã C, huyện B, tỉnh Bắc Kạn, Tổ công tác Công an huyện Bạch Thông phối hợp với Công an xã C, huyện Bạch Thông bắt quả tang Sằm Phúc K (sinh năm 1994; trú tại: Thôn L, xã C, huyện B, tỉnh Bắc Kạn) điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Yamaha Exciter biển kiểm soát (BKS) 97B1 - 595.xx chở Hoàng Thông T (sinh năm 1994; nơi ĐKHKTT: Thôn 8, tổ 4, xã B, huyện B, tỉnh Bình Phước; chỗ ở: Thôn L, xã C, huyện B, tỉnh Bắc Kạn) đang vận chuyển 01 khúc gỗ nghiến hình trụ tròn chiều dài 52,3cm, đường kính 18cm có khối lượng 0,013m3, được bọc ngoài bằng một chiếc áo khoác màu trắng. K, T khai nhận khúc gỗ nghiến trên là của K, T và Triệu Phúc Đ (sinh năm 1997; trú tại: Thôn L, xã C, huyện B, tỉnh Bắc Kạn) khai thác ngày 22/10/2022 tại thôn L, xã C, huyện B. Sau đó đem cất giấu. Đến ngày 24/10/2022 chở ra ven đường Quốc lộ 3B thuộc xã C, huyện N bán cho Nguyễn Như H (sinh năm 1990; trú tại: Xóm T, xã H, huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên) thì bị bắt quả tang.

Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Sằm Phúc K, Hoàng Thông T, Triệu Phúc Đ, Nguyễn Như H phát hiện, tạm giữ tại nhà Đ 02 khúc gỗ nghiến, 01 khúc gỗ tròn đường kính 33cm, dày 06cm có khối lượng 0,005m3, khúc 02 có hình dạng phức tạp nặng 19,5kg có khối lượng 0,019m3. Phát hiện, thu giữ nhà H 02 khúc gỗ nghiến hình trụ tròn có tổng khối lượng 0,047m3, khúc 01 đường kính 29 cm, dài 34cm; khúc 02 đường kính 27cm, dài 45 cm.

Quá trình điều tra, đã xác định được:

Vào năm 2019, Triệu Phúc Đ đi lên khu vực đất nông nghiệp thuộc khoảnh 18, tiểu khu 379, xã C, huyện B nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, nhặt được 01 khúc gỗ nghiến có hình dạng phức tạp nặng 19,5kg có khối lượng 0,019m3 mang về nhà cất giấu.

Tháng 9/2022, Đ đi lên khu vực đất nông nghiệp thuộc khoảnh 18, tiểu khu 379, xã C, huyện Bạch T nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, nhặt được 01 khúc gỗ nghiến tròn đường kính 33cm, dày 06cm có khối lượng 0,005m3 mang về nhà cất giấu.

Ngày 20/10/2022, Đ rủ K lên khu vực rừng thuộc lô 16, khoảnh 12, tiểu khu 379, xã C, huyện B, là rừng tự nhiên, quy hoạch là rừng đặc dụng, trạng thái rừng tự nhiên núi đá rộng thường xanh nghèo kiệt do Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K quản lý để khai thác gỗ nghiến, K đồng ý. K mang theo 01 máy cưa lốc nhãn hiệu Master 365 có lam và xích dài 75cm. Đến nơi phát hiện 01 cây gỗ nghiến còn sống, thân thẳng đứng, lá còn xanh. Đ, K thay nhau sử dụng cưa máy cưa cắt phần thân, rễ cây gỗ rồi đẽo được 03 khúc gỗ nghiến (khúc 1 có đường kính 35cm, dài 20cm; khúc 2 có kích thước 83cm x 50cm x 07cm; khúc 3 có đường kính 35cm, dài 20cm) và để lại 07 tấm gỗ có tổng khối lượng 0,196m3. Sau đó Đ, K vận chuyển khúc 01 và khúc 03 có tổng khối lượng 0,038m3. Khúc 02 bị mục rỗng và 07 tấm gỗ trong quá trình cắt, đẽo để lại hiện trường có tổng lượng là 0,158m3. Cùng ngày 20/10/2022, Đ, K đi lên khu rừng thuộc lô 1, khoảnh 2, tiểu khu 200A, xã K, huyện N, tỉnh Bắc Kạn là rừng tự nhiên, quy hoạch là rừng đặc dụng, trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đá lá rộng thường xanh giàu, do Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K quản lý (thôn L, xã C, huyện B nhận giao khoán) phát hiện một cây gỗ nghiến đã đổ trước đó có một khúc gỗ có thể khai thác nên Đ, K thay nhau dùng máy cưa cắt khúc gỗ ra, rồi đẽo được 01 khúc kích thước 40cm, dài 10cm, khối lượng 0,012m3 rồi mang ra khỏi hiện trường, tại hiện trường còn lại 02 tấm gỗ trong quá trình cắt, đẽo có tổng khối lượng 0,02m3. Sau khi khai thác xong, tối ngày 22/10/2022 và 23/10/2022, Đ cùng K sử dụng xe mô tô nhãn hiệu Yamaha Exciter BKS 97B1 - 595.xx chở 03 khúc gỗ nghiến (tổng khối lượng 0,05m3) mang ra ven đường quốc lộ thuộc thôn N, xã C, huyện N cất giấu với mục đích để bán. Tuy nhiên, sau khi các đối tượng bị bắt quả tang, khám nghiệm nơi cất giấu thì phát hiện 03 khúc gỗ trên đã bị mất, không biết người lấy.

Ngày 22/10/2022, Đ rủ K, T lên khu rừng thuộc lô 77, khoảnh 13, tiểu khu 379, xã C, huyện B, là rừng tự nhiên, quy hoạch là rừng đặc dụng, trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đó lá rộng thường xanh trung bình, do Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K quản lý với mục đích khai thác gỗ nghiến. Đến nơi, cả nhóm thấy 01 cây gỗ nghiến còn sống, thân thẳng đứng, lá còn xanh có thể khai thác lấy gỗ. Đ, K thay nhau dùng cưa máy cắt vào thân cây được một khúc, T hộ kê để Đ, K đẽo được khúc gỗ có đường kính 18cm, dài 52,3cm khối lượng 0,013m3 rồi mang về cất giấu ở bụi cây ven đường. Ngày 23/10/2022, Đ và Nguyễn Như H gọi điện hẹn nhau khoảng 19 giờ ngày 24/10/2022 H lên xã C, huyện N xem gỗ nên chiều 24/10/2022, Đ nói với K cùng nhau vận chuyển khúc gỗ có khối lượng 0,013m3 mang sang xã C, huyện N tiêu thụ. Khi K, T đi đến cuối thôn L, xã C thì bị Công an bắt quả tang.

Tại Bản kết luận định giá tài sản số 02/KL-HĐĐGTS ngày 14/02/2023 của Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự huyện Bạch Thông kết luận: Khối lượng gỗ nghiến 0,005m3 có giá trị là 15.000 đồng; khối lượng gỗ nghiến 0,019m3 có giá trị là 57.000 đồng; khối lượng gỗ nghiến 0,196m3 có giá trị là 588.000 đồng; khối lượng gỗ nghiến 0,032m3 có giá trị 96.000 đồng; khối lượng gỗ nghiến 0,013m3 có giá trị 39.000 đồng. Tổng giá trị là 795.000đ (bảy trăm chín mươi lăm nghìn đồng).

Tại Bản cáo trạng số 16/CT-VKSBT ngày 27/3/2023 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn truy tố Triệu Phúc Đ, Hoàng Thông T về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại điểm m khoản 1 Điều 232 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Bạch Thông giữ nguyên nội dung truy tố đối với các bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX):

- Áp dụng điểm m khoản 1 Điều 232; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 17; Điều 38 của Bộ luật Hình sự.

Xử phạt Triệu Phúc Đ từ 09 đến 12 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

- Áp dụng điểm m khoản 1 Điều 232, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38 của Bộ luật Hình sự.

Xử phạt Hoàng Thông T từ 06 đến 09 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

- Về hình phạt bổ sung: Không đề nghị áp dụng.

- Về trách nhiệm dân sự: Do đại diện Ủy ban nhân dân huyện B không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường nên không xem xét. Buộc Triệu Phúc Đ, Sằm Phúc K phải liên đới bồi thường cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K với số tiền 150.000 đồng.

- Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự, Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

+ Tịch thu hóa giá nộp ngân sách Nhà nước 01 xe mô tô nhãn hiệu Yamaha Exciter 150, BKS 97B1-595.xx; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Realme, màu xanh, đã cũ, đã qua sử dụng niêm phong trong phong bì ký hiệu “ĐTK”; 01 điện thoại động nhãn hiệu Iphone 11 màu trắng, màn hình cảm ứng, cũ, đã qua sử dụng niêm phong trong phong bì ký hiệu “ĐT Đ”.

+ Tịch thu tiêu hủy 01 chiếc áo khoác màu trắng, đã cũ bẩn.

+ Trả lại cho Sằm Phúc Đ1 01 chiếc cưa màu cam, cũ, đã qua sử dụng nhãn hiệu Master 365 có lam và xích.

+ Trả lại Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K: 01 khúc gỗ nghiến đường kính 33cm, dày 06cm có khối lượng 0,005m3; 01 khúc gỗ nghiến hình dạng phức tạp nặng 19,5kg có khối lượng 0,019m3; 01 khúc gỗ nghiến hình trụ tròn dài 52,3cm, đường kính 18cm có khối lượng 0,013m3.

Tiếp tục tạm giữ số tiền 200.000 đồng của bị cáo Đ để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Đ.

- Về án phí: Áp dụng Nghị quyết số 326/2026/UBTVQH14, miễn án phí cho các bị cáo.

Tại phiên tòa:

Các bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm như cáo trạng đã truy tố.

Đại diện Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K yêu cầu Triệu Phúc Đ và Sằm Phúc K phải liên đới bồi thường 03 khúc gỗ không thu hồi được với số tiền là 150.000 đồng. Bị cáo Đ tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại này cho Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K, không yêu cầu Sằm Phúc K phải liên đới bồi thường.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, những người tham gia tố tụng không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Về nội dung vụ án:

Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi như bản cáo trạng đã truy tố. Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của nguyên đơn dân sự; phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Do đó có đủ cơ sở kết luận: Với mục đích khai thác, tàng trữ gỗ để sử dụng và bán kiếm lời nên Triệu Phúc Đ đã nhiều lần thực hiện hành vi khai thác, tàng trữ, mua bán gỗ nghiến nhóm IIA. Hoàng Thông T có hành vi khai thác, mua bán gỗ nghiến (nhóm IIA). Cụ thể: Năm 2019 và tháng 9/2022, Đ đã tàng trữ gỗ nghiến tại khu vực đất nông nghiệp thuộc khoảnh 18, tiểu khu 379, xã C, huyện B nằm ngoài quy hoạch 03 loại rừng 02 khúc gỗ nghiến có tổng khối lượng 0,024m3. Ngày 20/10/2022, Đ khai thác cây gỗ nghiến tại lô 16, khoảnh 12, tiểu khu 379 xã C, huyện B và lô 1, khoảnh 2, tiểu khu 200A, xã K, huyện N tổng khối lượng 0,228m3, sau khi khai thác vận chuyển 0,05m3 gỗ nghiến xã C, huyện N tập kết để bán thì bị mất. Ngày 22/10/2022, Đ, T khai thác gỗ nghiến tại lô 77, khoảnh 13, tiểu khu 379 xã C khối lượng gỗ 0,013m3. Đến ngày 24/10/2022, T vận chuyển gỗ đi bán thì bị bắt quả tang. Tổng khối lượng gỗ Đ, T khai thác, tàng trữ giá trị 795.000 đồng.

Trước khi thực hiện hành vi khai thác, tàng trữ, vận chuyển, mua bán gỗ nghiến trên, Triệu Phúc Đ và Hoàng Thông T không làm thủ tục xin phép cơ quan chức năng có thẩm quyền và không được cơ quan chức năng nào cấp phép cho khai thác gỗ tại khu rừng trên. Hành vi khai thác, tàng trữ, vận chuyển, mua bán gỗ nghiến của Đ, T dưới mức quy định tại điểm e, điểm k khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên Đ, T đã bị kết án về tội “Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng” chưa được xóa án tích nên hành vi của Đ, T đã phạm tội “Vi phạm quy định về khai tác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại điểm m khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự.

Như vậy, Cáo trạng số 16/CT-VKSBT ngày 27/3/2023 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Bạch Thông truy tố các bị cáo Đ, T về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm m khoản 1 Điều 232 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Điều luật có nội dung:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 243 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

...

m) Khai thác, tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép gỗ hoặc thực vật rừng ngoài gỗ có khối lượng hoặc giá trị dưới mức quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm l khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một rong các hành vi quy định tại Điểm này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm ...

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.

Xét tính chất, hành vi của các bị cáo gây ra đã xâm phạm đến chế độ về quản lý và bảo vệ rừng của Nhà nước, tổn hại đến môi trường vì vậy cần buộc các bị cáo phải chịu một hình phạt nhất định nhằm giáo dục các bị cáo và phòng ngừa chung.

[3]. Xét nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo:

- Bị cáo Triệu Phúc Đ có nhân thân xấu, đã bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng”, chưa được xóa án tích. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo luôn thành khẩn khai báo; có ông nội là Triệu Nguyên T là thương binh, được tặng Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Ba; ngày 09/5/2023 bị cáo nộp số tiền 200.000 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bạch Thông để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Bị cáo thực hiện hành vi khai thác, tàng trữ, mua bán trái phép gỗ nghiến nhiều lần nên phải chịu tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự là “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.

- Bị cáo Hoàng Thông T có nhân thân xấu, đã bị kết án về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, chưa được xóa án tích. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo luôn thành khẩn khai báo; bị cáo có bác ruột là Hoàng Văn P là liệt sĩ được tặng thưởng Huân chương kháng chiến, Huân chương giải phóng hạng Ba nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự.

Xét vai trò của các bị cáo trong vụ án thấy các bị cáo không phân công, bàn bạc, cấu kết chặt chẽ nên chỉ là đồng phạm giản đơn. Bị cáo Đ là người khởi xướng, rủ rê bị cáo T và là người thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần nên phải chịu mức hình phạt cao hơn. Các bị cáo đều có nhân thân xấu, từng bị kết án về tội “Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng” nên cần buộc phải đi chấp hành án tại cơ sở giam giữ mới đảm bảo tính giáo dục cho bị cáo và tính răn đe phòng ngừa chung cho xã hội. Vì vậy, mức hình phạt do Kiểm sát viên đề nghị áp dụng đối với các bị cáo là phù hợp, cần chấp nhận.

[4]. Hình phạt bổ sung là phạt tiền: Xét thấy các bị cáo có thu nhập không ổn định; sống tại xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên không có khả năng thi hành. Vì vậy, HĐXX không áp dụng.

[5]. Đối với hành vi của những người khác trong vụ án:

Đối với Sằm Phúc K có hành vi khai thác 0,241m3, vận chuyển 0,063m3 trái phép gỗ nghiến sang xã C, huyện N để tập kết bán, xét thấy khối lượng gỗ chưa đủ định lượng cấu thành tội phạm; năm 2016 bị kết án về tội “Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng” nhưng đã được xóa án tích nên CQCSĐT đã chuyển hồ sơ đến Hạt Kiểm lâm Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên K xử lý hành chính theo thẩm quyền là đúng pháp luật.

Đối với Nguyễn Như H có hành vi đặt, hẹn xem 04 khúc gỗ nghiến có tổng khối lượng 0,063m3 với Triệu Phúc Đ và tàng trữ 02 khúc gỗ nghiến có khối lượng 0,047m3, chưa đủ định lượng cấu thành tội phạm và chưa có tiền án, tiền sự về hành vi nêu trên nên CQCSĐT chuyển hồ sơ đến Hạt Kiểm lâm huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên xử lý hành chính theo thẩm quyền là đúng pháp luật.

Đối với Sằm Phúc Đ1 là chủ sở hữu chiếc máy cưa nhãn hiệu Master 365 có lam và xích dài 75cm, nhưng không biết Kiều sử dụng cưa máy để khai thác gỗ nghiến trái phép nên CQCSĐT không xem xét xử lý hành vi của Đ1 là đúng pháp luật.

[6]. Về trách nhiệm dân sự: Trong quá trình điều tra, đại diện Ủy ban nhân dân huyện B có đơn yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, trong đơn xin xét xử vắng mặt đề ngày 22/5/2023, đại diện Ủy ban nhân dân huyện Bạch Thông có ý kiến không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường. Do vậy, HĐXX không xem xét.

Tại phiên tòa, đại diện Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K yêu cầu Triệu Phúc Đ và Sằm Phúc K phải liên đới bồi thường số gỗ bị mất không thu hồi được là 150.000 đồng. Bị cáo Đ nhất trí bồi thường số tiền trên, không yêu cầu Sằm Văn K phải liên đới bồi thường và đại điện Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K nhất trí. Xét thấy thỏa thuận trên là tự nguyên, không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên cần ghi nhận.

[7]. Về vật chứng:

- 01 khúc gỗ nghiến tròn đường kính 33cm, dày 06cm có khối lượng 0,005m3; 01 khúc gỗ nghiến có hình dạng phức tạp nặng 19,5kg có khối lượng 0,019m3; 01 khúc gỗ nghiến hình trụ tròn chiều dài 52,3cm, đường kính 18cm có khối lượng 0,013m3 bị cáo Đ nhặt tại khu vực nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng nhưng địa bàn xã C thuộc địa phận quản lý của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K và đại diện Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K có yêu cầu trả lại nên cần trả lại cho Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K để xử lý theo thẩm quyền.

- 01 chiếc áo khoác màu trắng là tài sản của Hoàng Thông T dùng để bọc gỗ, vận chuyển đi tiêu thụ không còn giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy.

- 01 xe mô tô nhãn hiệu Yamaha Exciter BKS 97B1 - 595.xx số khung RLCUG0610GY3xxxxxxx, số mày G3D4E33xxxx; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Realme, màu xanh, màn hình cảm ứng, cũ, đã qua sử dụng là tài sản của Sằm Phúc K sử dụng vào việc liên lạc và vận chuyển gỗ khai thác trái phép nên cần tịch thu hóa giá nộp ngân sách Nhà nước.

- 01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone11 màu trắng, màn hình cảm ứng, cũ, đã qua sử dụng là tài sản của Triệu Phúc Đ sử dụng liên lạc bán gỗ cho Nguyễn Như H và gọi điện cho Sằm Văn K đi bán gỗ cho H nên cần tịch thu hóa giá nộp ngân sách Nhà nước.

- 01 máy cưa lốc màu cam, cũ, đã qua sử dụng, nhãn hiệu Master 365 có lam và xích dài 75cm là tài sản của Sằm Phúc Đ1. Việc Sằm Phúc K mang máy cưa đi khai thác gỗ trái phép ông Đ1 không biết. Trong đơn xin xét xử vắng mặt, ông Đ1 không yêu cầu phải trả lại nên cần hóa giá nộp ngân sách Nhà nước.

- 01 (một) chiếc cưa lốc màu cam, cũ, đã qua sử dụng, nhãn hiệu Husvarna 353 có lam xích dài 75cm thu của Triệu Phúc Đ không có liên quan đến hành vi phạm tội nên CQCSĐT đã trả lại cho Đ là đúng pháp luật.

- 01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone màu trắng, màn hình cảm ứng, cũ, đã qua sử dụng thu của Hoàng Thông T xét thấy không có liên quan đến hành vi phạm tội nên CQCSĐT đã trả lại cho T là đúng pháp luật.

- 10 tấm, khúc gỗ nghiến có tổng khối lượng 0,178m3 CQCSĐT đã trả lại cho Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K là đúng pháp luật.

- 03 khúc gỗ nghiến có tổng khối lượng 0,05m3 Đ và K đã mang ra khỏi hiện trường, không thu hồi được.

- 02 khúc gỗ nghiến hình trụ tròn gồm: Khúc 01 có đường kính 29cm, dài 34cm; khúc 02 đường kính 27cm, dài 45cm có tổng khối lượng 0,047m3 thu giữ tại nhà Nguyễn Như H CQCSĐT đã chuyển đến Hạt Kiểm lâm huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên cùng hồ sơ để xử lý hành chính theo thẩm quyền.

- Số tiền 200.000 đồng bị cáo Đ nộp theo Biên lai thu số 0000528 ngày 09/5/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bạch Thông để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường nên cần tiếp tục tạm giữ để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường cho bị cáo Đ. Số tiền còn thừa trả lại cho bị cáo Đ.

[8]. Về án phí: Các bị cáo là người dân tộc thiểu số cư trú tại xã C, huyện B là xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và có đơn xin miễn án phí nên miễn án phí cho các bị cáo.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

* Căn cứ điểm m khoản 1 Điều 232; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 17; Điều 38 của Bộ luật Hình sự.

Tuyên bố bị cáo Triệu Phúc Đ phạm “Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Xử phạt bị cáo Triệu Phúc Đ 09 (chín) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

* Căn cứ điểm m khoản 1 Điều 232; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38 của Bộ luật Hình sự Tuyên bố bị cáo Hoàng Thông T phạm “Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Xử phạt bị cáo Hoàng Thông T 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

* Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 584, Điều 585, Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015:

Ghi nhận sự thỏa thuận bị cáo Triệu Phúc Đ tự nguyện bồi thường cho Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K số tiền 150.000đ (một trăm năm mươi nghìn đồng).

* Về vật chứng: Áp dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự; Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Trả lại cho Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K: 01 (một) khúc gỗ nghiến tròn đường kính 33cm, dày 06cm có khối lượng 0,005m3; 01(một) khúc gỗ nghiến có hình dạng phức tạp nặng 19,5kg có khối lượng 0,019m3; 01 (một) khúc gỗ nghiến hình trụ tròn chiều dài 52,3cm, đường kính 18cm có khối lượng 0,013m3.

- Tịch thu tiêu hủy: 01 (một) chiếc áo khoác màu trắng đã cũ bẩn.

- Tịch thu hóa giá nộp ngân sách Nhà nước: 01 (một) xe mô tô nhãn hiệu Yamaha exciter 150, màu xanh, biển kiểm soát 97B1-595.xx, số khung RLCUG0610GY3xxxxxxx, số máy G3D4E33xxxx. Xe dán nhiều họa tiết, không có gương chiếu hậu bên phải, xe cũ đã qua sử dụng; 01 (một) điện thoại di động nhãn hiệu Realme, màu xanh, màn hình cảm ứng, cũ, đã qua sử dụng niêm phong trong phong bì ký hiệu “ĐTK”; 01 (một) điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 11 màu trắng, màn hình cảm ứng, cũ, đã qua sử dụng niêm phong trong phong bì ký hiệu “ĐT Đ”; 01 (một) máy cưa lốc màu cam, cũ, đã qua sử dụng, nhãn hiệu Master 365 có lam và xích dài 75cm.

(Tình trạng vật chứng như Biên bản giao, nhận vật chứng lập ngày 28/3/2023 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bạch Thông và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bạch Thông).

- Tiếp tục tạm giữ số tiền 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu số 0000528 ngày 09/5/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bạch Thông để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Triệu Phúc Đ. Số tiền còn thừa trả lại cho bị cáo Đ.

* Về án phí: Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14, Điều 15 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14: Các bị cáo được miễn án phí hình sự sơ thẩm. Bị cáo Triệu Phúc Đ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

“Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”.

* Quyền kháng cáo: Các bị cáo, nguyên đơn dân sự Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên K có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Nguyên đơn dân sự Ủy ban nhân dân huyện B, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Sằm Phúc K, Sằm Phúc Đ1, Nguyễn Như H có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

66
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 20/2023/HS-ST

Số hiệu:20/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bạch Thông - Bắc Kạn
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 23/05/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về