Bản án về tội vi pham quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 106/2021/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KS, TỈNH NGHỆ AN

BẢN ÁN 106/2021/HS-ST NGÀY 19/08/2021 VỀ TỘI VI PHAM QUY ĐỊNH VỀ KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

 Ngày 19 tháng 8 năm 2021 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện KS, tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 100/2021/TLST- HS ngày 13 tháng 5 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 114/2021/QĐXXST-HS ngày 06 tháng 8 năm 2021 đối với các các bị cáo:

1, Họ và tên: Vừ Bá M, tên gọi khác: Không;

Sinh năm 1979 tại xã T, huyện KS, tỉnh Nghệ An; Nơi cư trú: bản HG3, xã T, huyện KS, tỉnh Nghệ An;

Nghề nghiệp: Làm rẫy; trình độ văn hóa: lớp 10/12; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Vừ Xông Th (đã chết) và bà Xồng Y Th (đã chết); có vợ là Xồng Y K và 03 (ba) con;

Tiền án, tiền sự: Không;

Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 23/01/2021 đến nay, hiện đang tại ngoại. Có mặt.

2, Họ và tên: Vừ Bá X, tên gọi khác: Không;

Sinh ngày 02/6/1990 tại xã T, huyện KS, tỉnh Nghệ An; Nơi cư trú: bản HG3, xã T, huyện KS, tỉnh Nghệ An;

Nghề nghiệp: Làm rẫy; trình độ văn hóa: lớp 5/12; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Vừ Xìa D (đã chết) và bà Hạ Y L; có vợ là Và Y D va 03 (ba) con;

Tiền án, tiền sự:

Không; Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 23/01/2021 đến nay, hiện đang tại ngoại. Có mặt.

3, Họ và tên: Vừ Bá H, tên gọi khác: Không;

Sinh ngày 09/5/1992 tại xã T, huyện KS, tỉnh Nghệ An; Nơi cư trú: bản HG3, xã T, huyện KS, tỉnh Nghệ An;

Nghề nghiệp: Làm rẫy; trình độ văn hóa: lớp 2/12; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Vừ Xìa D (đã chết) và bà Hạ Y L; có vợ là Và Y R và 02 (hai) con Tiền án, tiền sự: Không; Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 23/01/2021 đến nay, hiện đang tại ngoại. Có mặt.

4, Họ và tên: Vừ Bá T, tên gọi khác: Không;

Sinh ngày 17/3/1999 tại xã T, huyện KS, tỉnh Nghệ An; Nơi cư trú: bản HG3, xã T, huyện KS, tỉnh Nghệ An;

Nghề nghiệp: Làm rẫy; trình độ văn hóa: lớp 5/12; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Vừ Giống C và bà Xồng Y U; có vợ là Già Y S và 02 (hai) con;

Tiền án, tiền sự: không;

Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 23/01/2021 đến nay, hiện đang tại ngoại. Vắng mặt (Đã có đơn xin xét xử vắng mặt).

- Người bào chữa cho các các bị cáo: Ông Lê Công Th, trợ giúp viên pháp lý, công tác tại trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Theo cáo trạng số 63/CT-VKS-KS ngày 10/5/2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện KS, tỉnh Nghệ An thì các bị cáo Vừ Bá M, Vừ Bá X, Vừ Bá H và Vừ Bá T đã có hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản và bị truy tố theo điểm k khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, các bị cáo Vừ Bá M, Vừ Bá X, Vừ Bá H và Vừ Bá T đã thừa nhận có có hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản với các tình tiết đúng như nội dung bản Cáo trạng đã nêu, cụ thể là: Vào khoảng cuối tháng 9 năm 2020, sau khi phát hiện tại khu vực đỉnh núi PL thuộc lô 2 khoảnh 13 tiểu khu 458 rừng phòng hộ địa bàn xã T, huyện KS, tỉnh Nghệ An có một cây gỗ Sa mu đã bị ai đó chặt hạ từ lâu, cây gỗ đã khô thì Vừ Bá M, Vừ Bá X, Vừ Bá H và Vừ Bá T đã bàn bạc và thống nhất với nhau đi vào để cưa xẻ cây gỗ Sa mu đó mục đích là đưa về sử dụng (làm ván thưng nhà, làm ván hòm hậu sự). Thực hiện kế hoạch đã bàn bạc, khoảng một tuần sau (khoảng đầu tháng 10/2020), Vừ Bá M, Vừ Bá X, Vừ Bá H và Vừ Bá T mang theo máy cưa xăng đi vào rừng để cưa xẻ gỗ từ cây gỗ Sa mu bị ai đó chặt hạ từ lâu mà các đối tượng đã phát hiện được. Sau ba ngày cưa, các đối tượng đã cưa cây gỗ đó thành ba khúc rồi sau đó cưa mỏng thành 15 (mười lăm) tấm có kích thước khác nhau sau đó vận chuyển đưa về nhà cất dấu để sử dụng làm ván thưng nhà, ván hòm hậu sự. Cụ thể trong 15 tấm gỗ đó Vừ Bá M vận chuyển về nhà mình cất dấu 10 (tấm), còn Vừ Bá H, Vừ Bá X và Vừ Bá T cùng nhau vận chuyển gỗ 04 (bốn) tấm khác về cất giấu tại nhà Vừ Bá H.

Ngày 19/10/2020, Vừ Bá T đang vận chuyển 01 (một) tấm gỗ còn lại trong số 15 tấm gỗ các đối tượng đã cưa xẻ trước đó, kích thước 200cm x 40cm x 06cm có khối lượng 0,048 m3 gỗ xẻ (tương đương 0,0768 m3 gỗ quy tròn) từ trong rừng về nhà của của mình thì bị Ban Công an xã T, huyện KS, tỉnh Nghệ An phát hiện thu giữ;

Qua đấu tranh hành vi của các đối tượng, ngày 29/12/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện KS, tỉnh Nghệ An đã tiến hành thu giữ tại nhà của Vừ Bá M và Vừ Bá H 14 (Mười bốn) tấm gỗ xẻ gồm: 02 (hai) tấm gỗ có kích thước 210cm x 40cm x 06cm; 02 (hai) tấm gỗ có kích thước 210cm x 65cm x 06cm; 02 (hai) tấm gỗ có kích thước 100cm x 40cm x 06cm; 04 (bốn) tấm gỗ có kích thước 210cm x 40cm x 06cm; 02 (hai) tấm gỗ có kích thước 210cm x 65cm x 08cm; 02 (hai) tấm gỗ có kích thước 210cm x 70cm x 06cm, tổng khối lượng 14 tấm gỗ xẻ thu giữ tại nhà các đối tượng là 0,909 m3 tương đương 1,4544 m3 gỗ quy tròn.

Tổng khối lượng gỗ mà các bị cáo đã cất dấu, tàng trữ bị thu giữ, phát hiện (bao gồm 01 tấm thu giữ của Vừ Bá T trong quá trình vận chuyển từ rừng về nhà và 14 tấm thu giữ tại nhà của Vừ Bá M, Vừ Bá H) đã được quy thành gỗ tròn là 1,5312 m3 (Một phẩy năm nghìn ba trăm mười hai mét khối).

Ngoài ra cơ quan điều tra còn thu giữ của các bị cáo 01 (một) máy cưa nhãn hiệu Husqvarna, màu sơn đỏ đen, có đầy đủ các bộ phận liên quan, máy đã qua sử dụng.

Ngày 14/01/2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện KS đã có Quyết định số 19/QĐ trưng cầu Viện nghiên cứu Công nghiệp rừng thuộc Viện hàn lâm khoa hoạc lâm nghiệp Việt Nam để giám định về tên gọi, chủng loại, danh mục số gỗ mà các bị cáo đã tàng trữ.

Kết luận giám định số 27/CNR-VP ngày 15/01/2021 của Viện nghiên cứu Công nghiệp rừng thuộc Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã khẳng định: Căn cứ vào đặc điểm cấu tạo thô đại và hiển vi của mẫu giám định có số đăng ký từ 14725-1 đến 14725-3, kiểm tra so sánh với mẫu tham chiếu, tài liệu và kết luận: Mẫu ký hiệu 01, 02, 03 gửi tới giám định là gỗ. 03 (ba) mẫu gỗ có số đăng ký từ 14725-1 đến 14725-3 đồng nhất một chủng loại gỗ; tên loại gỗ như sau: Tên Việt Nam: Sa mu dầu (Sa mộc dầu); tên khoa học: Cunninghamia konishii Hayata (Cunninghamia kawakamii Hayata).

Loại gỗ Sa mu dầu (Sa mộc dầu) (Cunninghamia konishii) được xếp Nhóm I trong “Bảng phân loại tạm thời các loại gỗ sử dụng thống nhất trong cả nước" ban hành kèm theo Quyết định số 2198-CNR ngày 26 tháng 11 năm 1977 của Bộ Lâm nghiệp - nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Loài cây gỗ Sa mu dầu (Sa mộc dầu) (Cunninghamia konishii) thuộc Nhóm IA trong "Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm" ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Loài cây gỗ Sa mu dầu (Sa mộc dầu) (Cunninghamia konishii) có trong “Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiểm được uu tiên bảo vệ" ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Các bị cáo đều thừa nhận không biết cây gỗ đó bị chặt hạ từ khi nào, khi phát hiện cây gỗ bị chặt hạ lâu ngày và đã khô thì cùng bàn bạc, thống nhất cưa xẻ thành 15 tấm kích thước khác nhau để đưa về cất dấu, chia nhau sử dụng làm ván thưng nhà và ván hòm hậu sự. Bị cáo Vừ Bá T vắng mặt tại phiên tòa, tuy nhiên quá trình điều tra cũng như trong đơn xị xét xử vằng mặt đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình như nội dung mà các bị cáo khác trong vụ án đã khai.

Trong số 15 (mười lăm) tấm gỗ Sa mu đã bị phát hiện, thu giữ của các bị cáo thì 01 (một) tấm đã được cơ quan chức năng sử dụng hết trong quá trình phục vụ công tác giám định, còn lại 14 (mười bốn) tấm hiện đang được bảo quản tại Kho vật chứng của Chi cục Thi hành án dân sự huyện KS.

Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa vẫn giữ nguyên quyết định truy tố, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo Vừ Bá M, Vừ Bá X, Vừ Bá H và Vừ Bá T phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, đề nghị áp dụng điểm k khoản 1 Điều 232, các điểm i, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự để xử phạt bị cáo Vừ Bá M mức án từ 07 (Bảy) đến 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 14 (Mười bốn) tháng đến 18 (Mười tám) tháng; xử phạt các bị cáo Vừ Bá X, Vừ Bá H, Vừ Bá T mỗi bị cáo mức án từ từ 06 (Sáu) đến 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 14 (Mười bốn) tháng đến 18 (Mười tám) tháng, giao các bị cáo cho chính quyền địa phương nơi cư trú, giám sát trong thời gian thử thách, đề nghị miễn hình phạt bổ sung cho các bị cáo và xử lý vật chứng theo quy định.

Người bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết: Các bị cáo là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức pháp luật hạn chế, phạm tội do thiếu hiểu biết, quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa luôn có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình hoàn cảnh khó khăn để cho các bị cáo được hưởng án treo như đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát, qua đó cũng thể hiện được chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật.

Các bị cáo nói lời sau cùng đều thừa nhận hành vi tàng trữ 1,5312 m3 gỗ Sa mu dầu trái phép là vi phạm pháp luật, các bị cáo nhận tội và mong Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt, xin được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Những người tham gia tố tụng không có ý kiến gì hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của Cơ quan điều tra, Điều tra viên; Viện kiểm sát, Kiểm sát viên đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi của các bị cáo: Lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với lời khai của người làm chứng, vật chứng thu giữ, kết luận giám định và các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được trong quá trình điều tra có tại hồ sơ vụ án, phù hợp với nội dung bản Cáo trạng truy tố, như vậy đủ cơ sở để kết luận: trong khoảng thời gian từ ngày 19/10/2020 đến ngày 29/12/2020, qua kiểm tra, xác minh tin báo, các cơ quan chức năng đã phát hiện các bị cáo Vừ Bá M, Vừ Bá X, Vừ Bá H, Vừ Bá T đã có hành vi cất giấu, tàng trữ trái phép 1,5312 m3 (Một phẩy năm nghìn ba trăm mười hai mét khối) gỗ Sa mu dầu (Sa mộc dầu) là loại gỗ có trong "Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ", thuộc nhóm IA trong “Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm”, hành vi đó của các bị cáo đã vượt quá mức tối đa về xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm e khoản 6 Điều 23 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, do đó hành vi của các bị cáo Vừ Bá M, Vừ Bá X, Vừ Bá H và Vừ Bá T đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm k khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung là “Tàng trữ trái phép từ 1,5 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”. Cáo trạng truy tố các bị cáo theo tội danh và điều khoản như trên là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

[3] Về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thấy rằng. Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm chế độ quản lý và bảo vệ rừng của Nhà nước, trực tiếp xâm phạm đến hệ sinh thái rừng được Nhà nước bảo vệ, gây mất trật tự trị an và an toàn xã hội tại địa phương, hậu quả của hành vi mà các bị cáo đã thực hiện là không thể lường trước được, gây mất cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học rừng, gây xói mòn đất, lũ lụt, khô hạn. Do đó cần xử lý các bị cáo Vừ Bá M, Vừ Bá X, Vừ Bá H và Vừ Bá T mức án nghiêm khắc, tương xứng với hành vi các bị cáo đã gây ra nhằm cải tạo giáo dục riêng và răn đe phòng ngừa chung. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử cũng thấy, các bị cáo phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa đã thành khẩn khai báo và luôn có thái độ ăn năn hối cải về hành vi mà mình đã gây ra vì vậy các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

[3.1] Đây là vụ án có đồng phạm, vì vậy phải phân hóa vai trò của mỗi bị cáo để lên cho mỗi bị cáo một mức án phù hợp với hành vi mà từng bị cáo đã gây ra: Bị cáo Vừ Bá M thực hiện tội phạm chủ động và tích cực nhất, số lượng gỗ cất dấu trong nhà cũng nhiều nhất nên giữ vai trò chính và phải chịu mức án cao hơn. Các bị cáo Vừ Bá X, Vừ Bá H, Vừ Bá T cũng thực hiện tội phạm một cách tích cực nên phải chịu trách nhiệm do chính hành vi mà mình đã gây ra.

[3.2] Xét các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, nhân thân đều chưa có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú ổn định, rõ ràng, có khả năng tự cải tạo, ngoài ra cũng cần xem xét đến một phần lỗi của đơn vị chủ rừng đã buông lỏng và thiếu trách nhiệm trong việc quản lý và bảo vệ rừng, công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng trong nhân dân chưa thực sự tốt, bản thân bị cáo là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức pháp luật hạn chế, phần nào còn bị ảnh hưởng do truyền thống tập tục lâu đời của đồng bào các dân tộc ở miền núi đó là cuộc sống mưu sinh chủ yếu dựa vào rừng, ý thức chủ quan của bị cáo trong việc thực hiện hành vi tàng trữ trái phép gỗ thuộc danh mục cấm không vì mục đích lợi nhuận. Do đó chưa cần thiết phải áp dụng đối với các bị cáo biện pháp cách ly ra khỏi xã hội mà chỉ cần áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự cho bị cáo được hưởng án treo, giao cho chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú giám sát, giáo dục cũng đủ để cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành người có ích cho xã hội.

[4] Hình phạt bổ sung: Thấy rằng các bị cáo là dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn nên miễn hình phạt bổ sung cho các bị cáo.

[5] Về vật chứng vụ án: Số gỗ Sa mu dầu đã thu giữ của các bị cáo là 15 (Mười lăm) tấm, sau khi cơ quan chức năng đã sử dụng hết 01 (một) tấm để phục vụ công tác giám định thì số còn lại là 14 (Mười bốn ) tấm có kích thước khác nhau, đây là vật chứng do phạm tội mà có nên phải tịch thu bán thanh lý nộp ngân sách Nhà nước; 01 (một) máy cưa xăng, nhãn hiệu Husqvarna, màu sơn đỏ đen là công cụ phạm tội nên cũng phải tịch thu bán thanh lý nộp ngân sách Nhà nước.

[6] Về án phí: Các bị cáo là người bị kết án nên phải chịu tiền án phí hình sự sơ thẩm.

[7] Về kháng cáo: Các bị cáo, nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Về tội danh và mức hình phạt:

- Căn cứ vào điểm k khoản 1 Điều 232, các điểm i, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự: Tuyên bố bị cáo Vừ Bá M phạm tội “Vi pham quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Xử phạt các bị cáo Vừ Bá M 07 (Bảy) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 14 (Mười bốn) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 19/8/2021).

- Căn cứ vào điểm k khoản 1 Điều 232, các điểm i, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự: Tuyên bố bị cáo Vừ Bá X phạm tội “Vi pham quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Xử phạt các bị cáo Vừ Bá X 06 (Sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 (Mười hai) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 19/8/2021).

- Căn cứ vào điểm k khoản 1 Điều 232, các điểm i, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự: Tuyên bố bị cáo Vừ Bá H phạm tội “Vi pham quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Xử phạt các bị cáo Vừ Bá H 06 (Sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 (Mười hai) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 19/8/2021).

- Căn cứ vào điểm k khoản 1 Điều 232, các điểm i, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự: Tuyên bố bị cáo Vừ Bá T phạm tội “Vi pham quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Xử phạt các bị cáo Vừ Bá T 06 (Sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 (Mười hai) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 19/8/2021).

Giao các bị cáo Vừ Bá M, Vừ Bá X, Vừ Bá H, Vừ Bá T cho Ủy ban nhân dân xã T, huyện KS, tỉnh Nghệ An giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 (Hai) lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

2. Về xử lý vật chứng: Căn cứ các điểm a, b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự, các điểm a, b khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự: Tịch thu bán thanh lý nộp ngân sách Nhà nước các vật chứng sau đây:

- 14 (mười bốn) tấm gỗ sa mu có kích thước như sau:

 

STT

Số

hiệu

Số lượng

(thanh)

Dài

(m)

Rộng

(m)

Dày

(m)

Khối Lượng

(m3)

Ghi

chú

01

01M

01

1

0,4

0,06

0,024

 

02

02M

01

1

0,4

0,06

0,024

 

03

03M

01

2,1

0,4

0,06

0,0504

 

04

04M

01

2,1

0,4

0,06

0,0504

 

05

05M

01

2,1

0,4

0,06

0,0504

 

06

06M

01

2,1

0,4

0,06

0,0504

 

07

07M

01

2,1

0,65

0,08

0,1092

 

08

08M

01

2,1

0,65

0,08

0,1092

 

09

09M

01

2,1

0,7

0,06

0,0882

 

10

10M

01

2,1

0,7

0,06

0,0882

 

11

11H

01

2,1

0,4

0,06

0,0504

 

 


Các vật chứng hiện đang được quản lý, lưu giữ, bảo quản tại kho vật chứng Chi cục Thi hành án dân sự huyện KS theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 12/5/2021.- - 01 (một) chiếc máy cưa xăng có nhãn hiệu Husqvarna 365, màu sơn đỏ đen, máy cũ đã qua sử dụng.

3. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự, điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu án phí, lệ phí Tòa án: Buộc các bị cáo Vừ Bá M, Vừ Bá X, Vừ Bá H, Vừ Bá T mỗi người phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) tiền án phí Hình sự sơ thẩm.

4. Về quyền kháng cáo: Căn cứ các Điều 331, 333 Bộ luật Tố tụng Hình sự: Tuyên bố, các bị cáo có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 19/8/2021); bị cáo vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được tống đạt bản án hoặc bản án được niêm yết công khai./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

230
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi pham quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 106/2021/HS-ST

Số hiệu:106/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Kỳ Sơn - Nghệ An
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/08/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về