Bản án về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ số 72/2023/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 72/2023/HS-PT NGÀY 31/05/2023 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Ngày 31 tháng 5 năm 2023 tại Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 49/2023/TLPT-HS ngày 03 tháng 4 năm 2023 đối với bị cáo ĐVP do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 27/2023/HS-ST ngày 16 tháng 02 năm 2023 của Tòa án nhân dân thị xã (nay là thành phố) Z, tỉnh Bình Dương.

- Bị cáo có kháng cáo: ĐVP (tên gọi khác: B) sinh ngày 22 tháng 10 năm 1981 tại tỉnh Bình Dương; nơi cư trú: khu phố J, phường W, thành phố Z, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: lái xe; trình độ văn hóa (học vấn): lớp 5/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông ĐVĐ1 và bà NTS; có vợ là bà HNP, có 03 con (lớn nhất sinh năm 2001, nhỏ nhất sinh năm 2016); tiền án, tiền sự: không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 04 tháng 3 năm 2022 đến nay (có mặt).

- Người đại diện hợp pháp của bị hại: Ông CĐ sinh năm 1964 (chồng của bị hại LTST, đại diện theo ủy quyền của các con của bị hại T tại văn bản ngày 21 tháng 9 năm 2022); nơi cư trú: ấp J1, xã W1, huyện Z1, tỉnh Sóc Trăng (không kháng cáo, đến dự phiên tòa phúc thẩm để trình bày ý kiến về kháng cáo của bị cáo).

Ngoài ra, có 06 người đại diện hợp pháp của bị hại, 01 bị đơn dân sự không kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bị cáo ĐVP có giấy phép lái xe ô tô hạng C (số ABC do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương cấp ngày 07 tháng 01 năm 2020, có giá trị đến ngày 07 tháng 01 năm 2025), lái xe cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn DEF Việt Nam.

Khoảng 07 giờ 50 phút ngày 24 tháng 01 năm 2022, bị cáo P điều khiển xe ô tô tải biển số GHI lưu thông trên đường ĐT746 (thuộc khu phố F, phường W, thị xã (nay là thành phố) Z, tỉnh Bình Dương) theo hướng từ Ủy ban nhân dân phường W (thành phố Z, tỉnh Bình Dương) về cầu KLM, đến đoạn mở của dải phân cách cố định và có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, đã không chú ý quan sát, không giảm tốc độ (lưu thông với tốc độ từ 60 đến 62 km/giờ), không nhường đường cho người đi bộ, không đảm bảo an toàn, để phía bên phải đầu xe ô tô tải va chạm với bà LTST đang bế cháu nội là CTTA đi bộ qua đường (gần phần đường có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ từ lề phía bên phải theo chiều đi của xe bị cáo). Tai nạn làm bà T và cháu A bị thương, chết trên đường đi cấp cứu.

Tại Kết luận giám định pháp y tử thi số 71/GĐPY ngày 26 tháng 01 năm 2022, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bình Dương xác định nguyên nhân chết của bà LTST là: Đa chấn thương. Tại Kết luận giám định pháp y tử thi số 71A/GĐPY ngày 26 tháng 01 năm 2022, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bình Dương xác định nguyên nhân chết của cháu CTTA là: Đa chấn thương.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2023/HS-ST ngày 16 tháng 02 năm 2023, Tòa án nhân dân thị xã (nay là thành phố) Z, tỉnh Bình Dương đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo ĐVP phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Về trách nhiệm hình sự:

Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 260; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 38 của Bộ luật Hình sự:

Xử phạt bị cáo ĐVP 03 (Ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 24 tháng 02 năm 2023, bị cáo ĐVP kháng cáo xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu ý kiến: Bị cáo kháng cáo nhưng không có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới. Bị cáo điều khiển xe không giảm tốc độ khi đi đến đoạn đường có biển báo hiệu và vạch kẻ đường dành cho người đi bộ qua đường, đã vi phạm khoản 4 Điều 11 của Luật Giao thông đường bộ, làm chết 02 người nên Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 03 năm tù (ở mức khởi điểm của khung hình phạt quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 260 của Bộ luật Hình sự) là không nặng. Tình hình tai nạn giao thông hiện nay đang có chiều hướng tăng, cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Bị cáo tự bào chữa: Bị cáo xin Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng án treo để bị cáo về đi làm nuôi con nhỏ và con bị bệnh tâm thần.

Đại diện Viện kiểm sát không đối đáp, tranh luận.

Khi nói lời sau cùng, bị cáo P xin Hội đồng xét xử giảm hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo để bị cáo về đi làm trả nợ cho Công ty của bị cáo vì bị cáo là lao động chính trong gia đình, phải nuôi con nhỏ và con bị bệnh tâm thần.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Kháng cáo của bị cáo P làm trong thời hạn luật định, hợp lệ nên vụ án được xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thị xã (nay là thành phố) Z, tỉnh Bình Dương, hành vi của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử sơ thẩm thực hiện việc điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo và người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[3] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo P thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như Tòa án cấp sơ thẩm xác định. Lời nhận tội của bị cáo P phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, phù hợp với dữ liệu hình ảnh và các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nên có đủ cơ sở kết luận hành vi của bị cáo như Tòa án cấp sơ thẩm xác định: Khoảng 07 giờ 50 phút ngày 24 tháng 01 năm 2022, bị cáo P điều khiển xe ô tô tải lưu thông trên đường ĐT746 (thuộc khu phố F, phường W, thị xã (nay là thành phố) Z, Bình Dương) theo hướng từ Ủy ban nhân dân phường W (thành phố Z, tỉnh Bình Dương) về cầu KLM, đến đoạn mở của dải phân cách cố định và có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, đã không chú ý quan sát, không giảm tốc độ (lưu thông với tốc độ từ 60 đến 62 km/giờ), không nhường đường cho người đi bộ, không đảm bảo an toàn, để phía bên phải đầu xe ô tô tải va chạm với bà T đang bế cháu nội đi bộ qua đường (gần phần đường có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, từ lề phía bên phải theo chiều đi của xe bị cáo). Tai nạn làm bà T và cháu A bị thương, chết trên đường đi cấp cứu.

[4] Hành vi của bị cáo P vi phạm khoản 4 Điều 11 của Luật Giao thông đường bộ, làm chết 02 người. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo P phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 260 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là đúng.

[5] Hành vi của bị cáo P là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm an toàn giao thông và tính mạng của các bị hại, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội nên cần phải nghiêm trị nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

[6] Bị cáo P không có tình tiết tăng nặng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải trong quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm, tự nguyện bồi thường thiệt hại cho người đại diện hợp pháp của các bị hại tổng cộng 262.000.000 (hai trăm sáu mươi hai triệu) đồng, được người đại diện hợp pháp của các bị hại gửi đơn bãi nại có nội dung xin giảm nhẹ hình phạt nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với bị cáo là phù hợp.

[7] Tòa án cấp sơ thẩm nhận định tại đoạn [5] của Bản án sơ thẩm: “...Vạch kẻ đường tại vị trí tai nạn đã quá mờ không đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ, bị hại qua đường không đúng vị trí vạch kẻ đường, mặt đường ướt và dốc, bị hại qua đường cũng không chú ý quan sát. Đây cũng là một phần nguyên nhân, điều kiện xảy ra tai nạn...” là có căn cứ. Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định bị hại T có một phần lỗi gây ra tai nạn và không chấp nhận ý kiến của bị cáo cho rằng những tình tiết nêu trên chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét.

[8] Kèm đơn kháng cáo, bị cáo P nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm tài liệu thể hiện bị cáo có con đầu bị bệnh tâm thần thuộc loại khuyết tật mức độ đặc biệt nặng. Đây là tình tiết giảm nhẹ của bị cáo chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng đối với bị cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, là lao động chính trong gia đình, có vợ không lao động được vì phải ở nhà chăm 03 người con (trong đó có người bị khuyết tật nêu trên).

[9] Bị cáo phạm tội thuộc trường hợp làm chết 02 người theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 260 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, trong trường hợp này, 02 bị hại lưu thông trong tình trạng người lớn bế trẻ em nên tính chất của hành vi phạm tội của bị cáo có phần nhẹ hơn các trường hợp làm chết 02 người đang tham gia giao thông tách rời nhau.

[10] Trong đơn kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo nêu nguyên nhân bị cáo gây tai nạn một phần do phía trước xe của bị cáo có nhiều xe máy đang lưu thông cùng chiều nên khi bị cáo thấy bị hại thì đạp thắng xe, đánh lái sang làn bên trái không kịp. Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận ý kiến này của bị cáo vì khi có nhiều xe máy chạy trước làm khuất tầm nhìn, bị cáo phải giảm tốc độ để đảm bảo an toàn.

[11] Cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo P, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã xử phạt bị cáo là 03 năm tù ở mức khởi điểm của khung hình phạt được áp dụng là thỏa đáng, không nặng. Mặc dù bị cáo có tình tiết giảm nhẹ mới được áp dụng tại Tòa án cấp phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm không có cơ sở chấp nhận phần kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo.

[12] Bị cáo P bị xử phạt tù không quá 03 năm, không có tiền án, không có tiền sự, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong đó có tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có tình tiết giảm nhẹ mới được áp dụng tại phiên tòa phúc thẩm, được người đại diện hợp pháp của bị hại T đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm cho hưởng án treo, có nơi cư trú rõ ràng, không cần chấp hành hình phạt tù cũng có khả năng tự cải tạo, không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không thuộc trường hợp không cho hưởng án treo nên bị cáo đủ điều kiện hưởng án treo theo quy định tại Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị cáo P, sửa một phần quyết định của Bản án sơ thẩm về biện pháp chấp hành hình phạt đối với bị cáo.

[13] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương có phần phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử phúc thẩm nên được chấp nhận một phần.

[14] Kháng cáo của bị cáo P được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại Điều 135, Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự và điểm h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 344; Điều 345; điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 355 và điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Không chấp nhận phần kháng cáo của bị cáo ĐVP về hình phạt, chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo ĐVP về biện pháp chấp hành hình phạt, sửa một phần quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2023/HS-ST ngày 16 tháng 02 năm 2023 của Tòa án nhân dân thị xã (nay là thành phố) Z, tỉnh Bình Dương về biện pháp chấp hành hình phạt đối với bị cáo ĐVP.

Tuyên bố bị cáo ĐVP phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 260; các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt bị cáo ĐVP 03 (ba) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 (năm) năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo ĐVP cho Ủy ban nhân dân phường W, thành phố Z, tỉnh Bình Dương giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Hội đồng xét xử phúc thẩm giải thích về án treo cho bị cáo.

Bị cáo ĐVP không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

52
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ số 72/2023/HS-PT

Số hiệu:72/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 31/05/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về