Bản án về tội vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí số 944/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 944/2022/HS-PT NGÀY 19/12/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC GÂY THẤT THOÁT, LÃNG PHÍ

Ngày 19 tháng 12 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 184/2022/TLPT-HS ngày 21 tháng 02 năm 2022 đối với bị cáo Trần Tuấn V do có kháng cáo Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2022/HS-ST ngày 26/01/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

1. Bị cáo có kháng cáo: Trần Tuấn V, sinh ngày 07 tháng 3 năm 1962 tại thành phố Hồ Chí Minh; nơi đăng ký thường trú: 151/20/11 đường L, phường T, thành phố V, tỉnh B; nghề nghiệp: Cựu Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần D tỉnh B; Trình độ văn hóa: 12/12; Dân tộc: kinh; Giới tính: nam; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn S, sinh năm 1922 (đã chết) và bà Phạm Thị C, sinh năm 1929 (đã chết); vợ: Nguyễn Thị Hồng Đ, sinh năm 1969, con: có 02 con, lớn nhất sinh năm 1997, nhỏ nhất sinh năm 2003; tiền án: không; tiền sự: không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 20/01/2020, có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo Trần Tuấn V:

+ Luật sư Bùi Thành L – Văn phòng Luật sư Bùi Thành L thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, có mặt.

+ Luật sư Nguyễn Thanh L – Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh L và cộng sự BLT thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, có mặt.

+ Luật sư Phùng Thị H – Văn phòng Luật sư C thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, có mặt.

2. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (không kháng cáo):

2.1. Công ty cổ phần D tỉnh B. Địa chỉ: số 206 đường V, phường T1, thành phố V, tỉnh B, xin vắng mặt.

2.2. Công ty V. Địa chỉ: A1.0506, tầng 5, tháp A1, tòa nhà T, số 346 đường B, Phường 1, Quận 6, thành phố Hồ Chí Minh, vắng mặt.

2.3. Ông Nguyễn Văn M, sinh năm 1975. Địa chỉ: Thôn Đ, xã ĐN, huyện L, tỉnh Lâm Đồng, vắng mặt.

2.4. Ông Phạm D, sinh năm 1957. Địa chỉ: 157/2 đường P, Phường 2, thành phố Đ, tỉnh Lâm Đồng, vắng mặt.

2.5. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh B.

- Người đại diện theo ủy quyền:

- Bà Nguyễn Thị Minh V – Trưởng phòng Đầu tư và phát triển, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh B, có mặt.

- Bà Trần Thị H – Phó trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh B, có mặt.

2.6. Sở Tài chính tỉnh B. Người đại diện theo ủy quyền:

- Bà Võ Thị Bích T – Phó trưởng phòng Phòng Quản lý giá công sản và Tài chính doanh nghiệp, Sở tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có mặt.

- Bà Nguyễn Ánh H – Chuyên viên Phòng Quản lý giá công sản và Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xin vắng mặt.

(Theo văn bản số 4459/STC-VP ngày 22 tháng 9 năm 2022).

2.7. Ủy ban nhân dân tỉnh B. Người đại diện theo ủy quyền - Ông Trương Kim T – Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xin vắng mặt.

- Bà Võ Thị Bích T – Phó trưởng phòng Phòng Quản lý giá công sản và Tài chính doanh nghiệp, Sở tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có mặt.

- Bà Nguyễn Ánh H - Chuyên viên Phòng Quản lý giá công sản và Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xin vắng mặt.

(Theo văn bản số 712/UBND-VP ngày 18 tháng 01 năm 2022).

3. Người giám định:

- Ông Bùi Tiến D – Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp. Nơi công tác: Sở Tài chính tỉnh B, có mặt.

- Ông Nguyễn Văn T – Phụ trách phòng Thanh tra sở. Nơi công tác: Sở Tài chính tỉnh B, xin vắng mặt.

- Bà Phạm Thị Quỳnh H – Phó phòng Quản lý giá công sản. Nơi công tác: Sở Tài chính tỉnh B, vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty cổ phần D tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (viết tắt Công ty D) được thành lập theo Quyết định số 5078/QĐ-UBND ngày 28/12/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Viết tắt UBND tỉnh B) về việc phê duyệt phương án chuyển Công ty D tỉnh thành Công ty cổ phần; Quyết định 3981/QĐ- UBND ngày 06/11/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh B về việc cử người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty D; Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty cổ phần số 3500101812 thay đổi lần thứ 12 ngày 19/01/2012, Trần Tuấn V là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, đồng thời là người đại diện 58,58% phần vốn góp của nhà nước tại Công ty D.

1. Việc chuyển nhượng vốn của bên Liên doanh nước ngoài trong Công ty liên doanh khách sạn V - S:

Công ty liên doanh khách sạn V - S (gồm Công ty D và Công ty S1 Trading Co.Ltd - Hồng Kông) được thành lập ngày 20/7/1993, theo Giấy phép đầu tư số 639/GP của Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư và được điều chỉnh theo các Quyết định điều chỉnh Giấy phép đầu tư số 639/GPĐC4 ngày 10/9/1999, số 639/GPĐC6 ngày 14/9/2004 của Bộ Kế hoạch và đầu tư. Theo nội dung Giấy phép đầu tư thì Công ty D có vốn pháp định: 4.344.000 USD. Trong đó: Công ty D góp:

1.320.000 USD bằng giá trị quyền sử dụng 5.005 m2 đất, chiếm 30% vốn pháp định; Công ty S1 góp 3.024.000 USD chiếm 70% vốn pháp định; Vốn đầu tư:

5.044.000 USD. Thời hạn hoạt động của Liên doanh là 40 năm kể từ ngày cấp Giấy phép đầu tư số 639/GP. Công ty Liên doanh phải nộp tiền thuê đất từ năm thứ 31 trở đi.

Thực hiện chủ trương chuyển Công ty Liên doanh thành Công ty 100% vốn trong nước, ngày 26/2/2007, Công ty D có Văn bản số 17/CV-DL gửi UBND tỉnh B xin chủ trương nhận chuyển nhượng vốn đầu tư và thương hiệu S của Công ty S1 trong Công ty liên doanh khách sạn V - S.

Ngày 05/3/2007, UBND tỉnh B có văn bản số 1207/UBND- VP gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và đầu tư và Công ty D nội dung: Đồng ý việc nhận chuyển nhượng vốn đầu tư và thương hiệu S của bên nước ngoài...; Giao Sở Tài chính nghiên cứu và đề xuất UBND tỉnh xử lý các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính, việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất của phía Việt Nam trong những năm qua...; Giám đốc Công ty D có trách nhiệm tiến hành thỏa thuận phía đối tác nước ngoài trong Liên doanh về giá chuyển nhượng, phương thức chuyển nhượng, các điều kiện chuyển nhượng; Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bên Liên doanh lập hồ sơ chuyển nhượng theo hiện hành.

Ngày 15/3/2007, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 376/SKHĐT-ĐTNN gửi Công ty D và Công ty S1 hướng dẫn thủ tục hồ sơ chuyển nhượng và yêu cầu phải có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh B về giá nhận chuyển nhượng.

Ngày 24/3/2007, Công ty D có biên bản số 02/BB-HĐQT họp Hội đồng quản trị thống nhất mua lại vốn đầu tư và thương hiệu S của Công ty S1 với giá 3.800.000 USD.

Ngày 04/4/2007, Sở Tài chính có văn bản số 558/STC-TCDN gửi UBND tỉnh B và Công ty D thể hiện: Theo báo cáo tài chính năm 2006 của Công ty liên doanh khách sạn V - S đã được kiểm toán thì tổng vốn góp thực tế của các bên tính đến ngày 31/12/2006 là 4.344.000 USD, trong đó đối tác nước ngoài góp: 3.024.000 USD chiếm 70%, phía Công ty D góp 1.320.000 USD chiếm 30%. Các khoản lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2006 chưa xử lý là: 12,882 tỷ đồng. Ngoài ra còn có khoản chênh lệch tỷ giá vốn góp có nguồn gốc ngoại tệ chưa hạch toán có khả năng làm mất vốn đến 31/12/2006 là 21,958 tỷ đồng. Sở Tài chính có ý kiến: “Căn cứ Điều 91 Luật doanh nghiệp…Hội đồng quản trị quyết định giá mua lại cổ phần, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại…” Ngày 05/4/2007, Công ty S1 và Công ty D ký Hợp đồng chuyển nhượng vốn đầu tư và thương hiệu S với giá 3.800.000 USD. Cùng ngày 05/4/2007 Công ty D có Văn bản số 50/CV-DL gửi UBND tỉnh B đề nghị duyệt giá chuyển nhượng vốn đầu tư và thương hiệu bên nước ngoài trong liên doanh, theo đó: Giá chuyển nhượng là 3.800.000 USD; Điều kiện chuyển nhượng: Công ty D nhận lại toàn bộ số lỗ lũy kế của Liên doanh khách sạn V - S từ khi thành lập . .

.(không chia số lỗ lũy kế đó cho bên nước ngoài). Đề nghị UBND tỉnh B duyệt giá chuyển nhượng của Công ty D không căn cứ hướng dẫn của Sở Tài chính về khả năng mất vốn làm cơ sở xác định giá mua lại phần vốn góp của bên nước ngoài trong Liên doanh.

Ngày 13/4/2007, Công ty S1 thông báo số tài khoản giao dịch do Công ty S1 mở tại Việt Nam là: Tài khoản số 008.1000.564579 tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Vũng Tàu.

Ngày 27/4/2007, UBND tỉnh B có văn bản số 2373/UBND- VP gửi Công ty D, nội dung chỉ đạo: “…Hội đồng quản trị Công ty D quyết định giá nhận chuyển nhượng phần vốn góp của bên nước ngoài trong Công ty Liên doanh khách sạn V - S theo quy định hiện hành; Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Công ty D có trách nhiệm quản lý, bảo toàn vốn đầu tư và sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả....; Giao Sở Tài chính hướng dẫn Công ty D đàm phán về giá chuyển nhượng và điều kiện chuyển nhượng với phía đối tác nước ngoài trong liên doanh, đồng thời theo dõi việc thực hiện”.

Ngày 02/5/2007, Công ty D có Văn bản số 70/KT.CPDL gửi Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Vũng Tàu: “…Việc sử dụng tiền được chuyển vào tài khoản số 008.1000.564579 tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Vũng Tàu (tiền đặt cọc mua khách sạn Sammy theo hợp đồng chuyển nhượng ngày 05/4/2007) phải được sự đồng ý từ cả hai đối tác bên chuyển nhượng Công ty S1 và bên nhận chuyển nhượng Công ty D”.

Ngày 03/5/2007, Công ty D có Ủy nhiệm chi số 04/5 chuyển số tiền 40.122.500.000 đồng (tương đương 2.500.000 USD x 16.049 đồng/1USD) vào tài khoản 008.1000.564579 của Công ty S1.

Ngày 05/5/2007, Công ty D và Công ty S1 có đơn đăng ký chuyển nhượng vốn đầu tư gửi UBND tỉnh B.

Ngày 16/5/2007, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh B có Tờ trình số 696/SKHĐT-ĐTNN xác nhận hồ sơ chuyển nhượng đã đảm bảo đầy đủ, hợp lệ theo quy định và đề nghị UBND tỉnh B xem xét, phê duyệt Quyết định về việc chuyển Công ty liên doanh khách sạn V - S thành doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam.

Ngày 24/5/2007, UBND tỉnh B có Quyết định số 1891/QĐ- UBND chuyển Công ty liên doanh khách sạn V - S thành doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam.

Ngày 18/6/2007, Sở KH&ĐT tỉnh B cấp Giấy chứng nhận Khách sạn V - S là chi nhánh của Công ty D.

Ngày 02/6/2007, Công ty D có văn bản số 98/KT-CPDL đề nghị Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Mỹ hỗ trợ bảo lãnh thanh toán 1.300.000 USD bằng vốn vay tại ngân hàng.

Ngày 06/6/2007, Công ty D có công văn số 100/KT-CPDL đề nghị ngân hàng Vietcombank chi nhánh Vũng Tàu để Công ty S1 toàn quyền sử dụng tài khoản số 008.1000.564579.

Đến ngày 19/6/2007, Sở Tài chính có văn bản số 1116/STC-TCDN gửi Công ty D có ý kiến: “Các khoản lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2006 là 12,882 tỷ đồng; khoản chênh lệch tỷ giá vốn góp có nguồn gốc ngoại tệ chưa hạch toán có khả năng làm mất vốn đến 31/12/2006 là 21,958 tỷ đồng. Như vậy, khoản lỗ và khoản chênh lệch tỷ giá vốn góp có nguồn gốc ngoại tệ chưa hạch toán mà phía đối tác phải gánh chịu tương đương với tỷ lệ vốn góp 70% là: 24,388 tỷ đồng, tương đương 1.524.250 USD. Vì vậy, thực tế số vốn góp của phía đối tác nước ngoài trong Liên doanh tính đến thời điểm 31/12/2006 chỉ còn lại là: 3.024.000 USD - 1.524.250 USD = 1.499.750 USD; Lưu ý: khi đơn vị bán không tổ chức đấu giá bán cổ phần hoặc phần vốn góp để xác định được giá mua cổ phần không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua, đề nghị Công ty D cần phải thuê tổ chức trung gian thẩm định giá, đồng thời phải xem xét đến phần vốn góp thực tế của phía đối tác nước ngoài trong Liên doanh đến thời điểm 31/12/2006, theo số liệu báo cáo của doanh nghiệp đang hạch toán trên sổ sách sau khi trừ đi các khoản mất vốn thì phần vốn góp của phía nước ngoài trong Liên doanh chỉ còn khoảng 1.499.750 USD, đây là số liệu để làm cơ sở cho việc thỏa thuận về giá chuyển nhượng với phía đối tác nước ngoài trong liên doanh.

Ngày 14/8/2007, Công ty D có Lệnh chuyển tiền, yêu cầu Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Mỹ thanh toán số tiền 1.300.000 USD cho Công ty S1 vào tài khoản tại Ngân hàng Nayang Commercial Bank Hồng Kông.

Về Giá trị thương hiệu S trong Hợp đồng chuyển nhượng: Theo Hợp đồng chuyển nhượng ngày 05/4/2007 giữa Công ty D và Công ty S1 Trading Co.Ltd, giá chuyển nhượng là 3.800.000 USD, bao gồm “vốn đầu tư và thương hiệu S”. Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ thành lập liên doanh, thấy rằng: phần vốn góp của bên nước ngoài trong Liên doanh (bao gồm: vốn pháp định và vốn đầu tư) không có giá trị thương hiệu S trong giá trị phần vốn góp. Quá trình hạch toán tài chính tại Liên doanh tới thời điểm chuyển nhượng vốn, không có giá trị thương hiệu S trong giá trị tài sản của Liên doanh khách sạn V - S. Theo Văn ngày 24/12/2019 của Sở Tài chính xác định giá trị thương hiệu S trong Liên doanh khách sạn V – S như sau: Theo hồ sơ sổ sách kế toán của Công ty Liên doanh khách sạn V - S thì Công ty liên doanh khách sạn V - S không hạch toán thương hiệu S (tài sản vô hình) của Công ty S1 Trading Co.Ltd. Mặt khác, theo Hợp đồng chuyển nhượng vốn đầu tư và thương hiệu S ngày 05/4/2007 . . . giá chuyển nhượng 3,8 triệu USD bao gồm thương hiệu S, tuy nhiên không xác định giá trị thương hiệu trong giá chuyển nhượng. Do đó, không có cơ sở xác định giá trị thương hiệu S trong giá trị doanh nghiệp của Công ty liên doanh khách sạn V - S.

Tại Kết luận giám định ngày 06/11/2019 của Tổ Giám định Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định thiệt hại của Công ty D qua việc chuyển nhượng vốn đầu và thương hiệu của bên liên doanh nước ngoài trong Công ty liên doanh như sau: Theo Chứng thư thẩm định giá số 3493 ngày 09/9/2019 của Công ty Thẩm định giá đất Việt xác định tổng giá trị thực tế phần vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2006 là 70.528.839.036 đồng. Công ty S1 chiếm 70% vốn tương đương 49.370.187.325 đồng. Thực tế công ty cổ phần D BR-VT nhận chuyển nhượng vốn góp của Công ty S1 với giá 3.800.000 USD tương đương 61.195.500.000 đồng. Từ cơ sở trên Tổ giám định xác định thiệt hại trên giá trị của Công ty theo chứng thư thẩm định giá tại thời điểm 31/12/2006, việc chuyển nhượng đã làm Công ty D thiệt hại số tiền 11.825.312.675 đồng (61.195.500.000 đồng - 49.370.187.325 đồng). Căn cứ phần vốn nhà nước tại Công ty D (60,71%), do đó thiệt hại của nhà nước tại Công ty D là: 7.179.147.325 đồng.

2. Việc chuyển nhượng lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Du lịch N:

Ngày 06/12/1997, Công ty Cổ phần V Vũng Tàu (viết tắt: Công ty V) và Sở Địa chính nay là Sở Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng số 11/HĐTĐ về việc cho Công ty V thuê 176.641m2 đất để xây dựng bãi tắm Thùy Vân đoạn từ tường rào khu du lịch Paradise đến khách sạn Tháng Mười, trong đó có 32.838,3m2 khu du lịch N (viết tắt KDL N). Tại Khoản 1 Điều 3 của Hợp đồng nêu trên xác định “Trong thời hạn thực hiện hợp đồng, Công ty V không được chuyển giao khu đất thuê cho tổ chức, cá nhân khác dưới bất cứ hình thức nào nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép”.

Ngày 25/8/2000, UBND tỉnh B có Quyết định số 3860/QĐ- UB phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh bãi tắm Thùy Vân đoạn ngã ba Đài liệt sỹ đến Tôm Càng xanh cho Công ty V làm chủ đầu tư, tổng mức vốn đầu tư khoảng: 15.182.600.000 đồng. Ngày 23/5/2001 UBND tỉnh B đã có văn bản số 1792/UB-VP chấp thuận cho Công ty V tự thi công công trình bằng nguồn vốn Liên doanh liên kết với các tổ chức, cá nhân khác. Ngày 14/10/2002, UBND tỉnh B có văn bản số 5962/UBND-VP cho phép điều chỉnh quyết định thuê đất xây dựng bãi tắm Thùy Vân từ Công ty V sang nhà đầu tư thứ phát.

Thực hiện văn bản số 5962/UBND-VP, Công ty V đã nộp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: H 124749, số vào sổ: 00282 QSDĐ/Q2 ngày 31/12/1997 và Hợp đồng số 11/HĐ/TĐ ngày 06/12/1997 cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Thực hiện chủ trương mở rộng kinh doanh.

Ngày 02/8/2012, Công ty D ký Hợp đồng thuê cơ sở vật chất số:

17/HĐTCSVC/2012 thuê KDL N của Công ty V, diện tích 32.828m2; thời gian thuê: 05 năm; giá thuê: 4 tỷ đồng/năm. Ngày 05/11/2012, Công ty D có văn bản số 131/CV-DL đề nghị UBND tỉnh cho phép tham gia góp vốn thành lập Công ty N.

Ngày 05/11/2012, Công ty D và Công ty V đã ký kết biên bản thỏa thuận về việc thành lập Công ty N, có vốn điều lệ là 30 tỷ đồng, theo đó: Công ty V góp vốn bằng giá trị tài sản, quyền thuê cơ sở hạ tầng khu du lịch N trên cơ sở thuê công ty thẩm định giá để Hội đồng quản trị quyết định giá tham gia góp vốn thành lập Công ty N không dưới 25 tỷ đồng. Trong đó, Công ty D sẽ mua lại phần vốn góp của Công ty V là 15 tỷ đồng; Công ty Cổ phần du lịch góp vốn bằng tài sản, công cụ, giá trị đầu tư tại KDL N trên cơ sở thẩm định giá với giá dự kiến là 03 tỷ đồng; Các cổ đông khác góp 02 tỷ đồng...Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Công ty cổ phần D cam kết cùng các cổ đông khác mua lại phần vốn góp 10 tỷ đồng của Công ty V tại Công ty cổ phần KDL N theo đúng mệnh giá trong vòng 1 tháng. Ngày 19/11/2012, UBND tỉnh B có văn bản số 7594/UBND-VP đồng ý chủ trương của Công ty D.

Ngày 26/11/2012, Công ty V ký hợp đồng số 380-12/HĐ-TĐG-VT với Công ty Cổ phần thẩm định giá EXIM về thẩm định giá tài sản KDL N, với mục đích xác định giá trị tài sản làm cơ sở đàm phán góp vốn.

Ngày 12/12/2012, công ty EXIM có Chứng thư thẩm định giá số VT1718/12/EXIMA xác định: “ Giá quyền sử dụng đất và công trình xây dựng thuộc KDL N vào thời điểm tháng 11/2012 là: 25.157.815.906 đồng, trong đó: Công trình xây dựng là: 19.419.984.500 đồng; Lợi thế quyền thuê đất là:

5.737.831.406 đồng”;

Ngày 13/12/2012, Công ty V và Công ty D có Biên bản thỏa thuận bổ sung; nội dung: Lợi thế vị trí địa lý: 5.580.015.500 đồng (thay lợi thế quyền thuê đất);Công trình xây dựng: 19.419.984.500 đồng. Tổng cộng: 25.000.000.000 đồng. Tổng giá trị tài sản KDL N là 27,5 tỷ đồng (25 tỷ đồng + 10% VAT). Trước ngày 26/12/2012, Công ty D sẽ chuyển khoản ứng trước cho Công ty V số tiền 15 tỷ đồng. Khi Công ty N được thành lập, Công ty D phải thanh toán cho Công ty V số tiền còn lại là 12,5 tỷ đồng (25 tỷ đồng + 10% VAT - 15 tỷ đồng) trong vòng 1 tháng” kể từ ngày Công ty N được thành lập”;

Ngày 20/12/2012, Công ty D có Nghị quyết số 04-2012/NQ-HĐQT/CPDL- BRVT, nội dung: Nhất trí nội dung cho phép Công ty D góp vốn bằng tiền mặt để thành lập Công ty N với số tiền 18 tỷ đồng (15 tỷ mua vốn góp của Công ty V + 03 tỷ đồng góp vốn), chiếm tỷ lệ vốn góp 60%; Chấp thuận mức giá chuyển nhượng KDL N là 25 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế VAT) vì mức giá này đã có thẩm định của công ty thẩm định giá theo giá thị trường là khách quan; Nhất trí chủ trương nếu sau khi thành lập Công ty N mà Công ty V có nhu cầu chuyển nhượng 10 tỷ còn lại thì sẽ huy động vốn của các cổ đông khác, trường hợp các cổ đông khác không mua thì giao Trần Tuấn V quyết định việc mua lại; Cử Trần Tuấn V là người đại diện phần vốn góp để thực hiện quyền sở hữu cổ phần của Công ty D trong Công ty N; Giao cho Trần Tuấn V tiến hành các thủ tục thành lập, thực hiện tiến độ góp vốn và mọi vấn đề khác có liên quan đến việc thành lập Công ty N và tự chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật” … Ngày 10/01/2013, Công ty N được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp: 3502213663. Vốn điều lệ 30 tỷ đồng gồm 04 cổ đông: Công ty D 28 tỷ đồng chiếm 60% vốn điều lệ; Công ty V 10 tỷ đồng chiếm 33,33 % vốn điều lệ.

Ngày 23/01/2013, Công ty V, Công ty D và Công ty N ký Hợp đồng chuyển nhượng tài sản, công trình xây dựng tại KDL N, tổng giá trị chưa thuế là 25 tỷ đồng. Giá trị chuyển nhượng căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần EXIMA trong đó lợi thế quyền thuê đất 5.801.015.500 đồng; Công trình xây dựng: 19.419.984.500 đồng. Tổng cộng: 25.000.000.000 đồng. Tại mục 2.2 của Hợp đồng không số ngày 23/01/2013 đã ký giữa ba bên gồm: Công ty V, Công ty D, Công ty N đã ghi rõ phương thức và thời hạn thanh toán (Lần 1: ứng trước 15 tỷ; lần 2: kể khi có quyết định thành lập Công ty N thanh toán đủ 12,5 tỷ còn lại)… Ngày 30/01/2013, Công ty V, Công ty D và Công ty N ký Phụ lục hợp đồng, điều chỉnh nội dung thay thế “lợi thế quyền thuê đất” thành “Lợi thế vị trí địa lý” với giá trị: 5.580.015.500 đồng.

Ngày 17/4/2013, Công ty V có văn bản số 57/VRC/2013 về việc xin ngừng kinh doanh và chuyển quyền thuê đất đoạn từ ngã ba Đài liệt sỹ đến Tôm Càng xanh cho Công ty N, gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và môi trường, Chi cục Thuế TP. Vũng Tàu nhưng không được chấp thuận theo văn bản phúc đáp số 1595/STN&MT, ngày 30/7/2013 của Sở Tài Nguyên và Môi trường “…khu vực đất Bãi Sau thành phố V không cho các doanh nghiệp thuê đất hoặc giao đất, mà chỉ được cho các đơn vị thuê sử dụng hạ tầng. Do đó việc Công ty cổ phần xây lắp địa ốc Vũng Tàu đề nghị xin ngừng kinh doanh và chuyển quyền thuê đất cho Công ty Cổ phần Du lịch N là chưa có cơ sở để giải quyết”...

Ngày 25/6/2013, Công ty V có văn bản số 45/CV-XL về việc xin rút vốn góp cổ phần và thôi không tham gia cổ đông sáng lập của Công ty N.

Ngày 31/7/2013, ba bên gồm Công ty V, Công ty D, Công ty N ký biên bản đối chiếu công nợ việc thực hiện hợp đồng chuyển nhượng KDL N, theo đó Công ty V xác nhận Công ty D đã thanh toán hộ Công ty N toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng trị giá 27,5 tỷ đồng (bao gồm VAT).

Ngày 24/10/2013 Công ty N thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vốn điều lệ 30 tỷ đồng gồm 05 cổ đông: Công ty D 28 tỷ đồng chiếm 93,33 % vốn điều lệ; Công ty V không còn cổ phần do đã chuyển nhượng cho Công ty D.

Theo chứng thư thẩm định giá số VT1718/12/EXIMA và kết quả làm việc, Công ty cổ phần thẩm định giá EXIM xác nhận: “Tại thời điểm thẩm định giá, các công trình xây dựng thuộc KDL N không có giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình (Phụ lục 3 Chứng thư thẩm định giá). Mục đích của khách hàng (Công ty V) yêu cầu thẩm định giá là xác định giá trị tài sản làm cơ sở đàm phán góp vốn. Do vậy, Công ty EXIMA đã căn cứ Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ (về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần) và điểm 4 mục III Thông tư số 46/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007, của Bộ Tài chính (Hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về tài chính khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần theo quy định tại NĐ số 109/2007/NĐ-CP nêu trên), để tính giá trị lợi thế quyền thuế đất hàng năm cho doanh nghiệp. “... Khách hàng (Công ty V) chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu sử dụng sai mục đích đã ghi tại Phụ lục 1 của Chứng thư thẩm định giá”.

Tại Kết luận giám định ngày 15/8/2019 của Tổ giám định Sở Tài chính xác định: “Việc Công ty D chi trả tiền lợi thế quyền thuê đất cho Công ty V đã gây thiệt hại cho Công ty D số tiền 5.580.015.500 đồng do hợp đồng ký kết giữa Công ty D và Công ty V là không đúng theo quy định Luật đất đai 2003 và Hợp đồng số 11/HĐTĐ ngày 06/12/1997 giữa Công ty V và Sở Địa chính”.

Tại văn bản ngày 25/4/2020, Sở Tài chính xác định: “…Hợp đồng ký kết giữa Công ty D, Công ty N, Công ty V là không đúng quy định Luật đất đai 2003 và Hợp đồng số 11/HĐTĐ ngày 06/12/1997 giữa Công ty V và Sở địa chính. Do đó, việc ký Phụ lục hợp đồng thay đổi nội dung từ “Lợi thế quyền thuê đất” sang nội dung “Lợi thế vị trí địa lý” không làm thay đổi bản chất thiệt hại của Công ty D, Công ty N trong việc nhận chuyển nhượng tài sản”.

Như vậy, việc chuyển nhượng “lợi thế quyền thuê đất” hay “Lợi thế vị trí địa lý” từ Công ty V sang Công ty D đã vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai năm 2003, Luật doanh nghiệp và các quy định có liên quan; gây thiệt hại cho doanh nghiệp số tiền 5.580.015.500 đồng; Trần Tuấn V là Tổng giám đốc, đồng thời là người đại diện 58,58% phần vốn góp của nhà nước tại Công ty D, Trần Tuấn V phải chịu trách nhiệm toàn bộ về thiệt hại nêu trên. Căn cứ giá trị phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp, Trần Tuấn V phải chịu trách nhiệm về số tiền gây thất thoát cho nhà nước là 3.285.513.126 đồng.

Tại Bản cáo trạng số: 12/CT-VKS-P1 ngày 02/02/2021, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B đã truy tố bị cáo Trần Tuấn V về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Ngoài ra Trần Tuấn V chi tạm ứng triển khai dịch vụ trò chơi có thưởng tại khách sạn S Đà Lạt đã không tuân thủ nguyên tắc tài chính, kế toán chỉ đạo chi tạm ứng số tiền 950.000.000 đồng cho phó giám đốc khách sạn S Đà Lạt Nguyễn Văn M để thực hiện việc xin cấp phép dịch vụ trò chơi điện tử có thưởng. Tuy nhiên việc chi, nhận tiền của Công ty D và Nguyễn Văn M theo thủ tục tạm ứng và Nguyễn Văn M đã thực hiện việc hoàn ứng đầy đủ cho Công ty D nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Trần Tuấn V và những người liên quan.

- Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2022/HS-ST ngày 26/01/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã quyết định:

1. Tuyên bố bị cáo Trần Tuấn V phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí ”;

Áp dụng khoản 3 Điều 219; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 Bộ luật hình sự; Tuyên phạt bị cáo Trần Tuấn V 12 (mười hai) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày tạm giam 20/01/2020.

2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), Điều 584, Điều 591 Bộ luật dân sự 2015, buộc bị cáo Trần Tuấn V phải tiếp tục bồi thường cho Công ty cổ phần D tỉnh B số tiền 9.464.660.451 (Chín tỷ bốn trăm sáu mươi bốn triệu sáu trăm sáu mươi nghìn bốn trăm năm mươi mốt) đồng.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí hình sự sơ thẩm và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

- Ngày 28/01/2022 bị cáo Trần Tuấn V có đơn kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bị cáo Trần Tuấn V giữ nguyên kháng cáo kêu oan cho rằng bị cáo không phạm tội vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí vì bị cáo thực hiện đúng chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh bà Rịa - Vũng Tàu và Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc chuyển nhượng phần vốn góp và thương hiệu S của Công ty S1 trong Công ty liên doanh. Bị cáo không có chuyển nhượng lợi thế quyền thuê đất của Công ty V. Việc chuyển trả tiền cho Công ty V là phần vốn góp của Công ty D góp vốn để thành lập Công ty N đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận và Công ty D nộp thay cho Công ty N.

Luật sư Bùi Thành L bào chữa cho bị cáo đề nghị: Bản án sơ thẩm kết tội đối với bị cáo là chưa đủ căn cứ vì bị cáo thực hiện việc chuyển nhượng đúng quy định của pháp luật; về cơ sở để kết luận thiệt hại theo kết quả giám định là không đúng. Theo Chứng thư thẩm định giá Đất Việt đã định giá thì giá trị tài sản của Công ty liên doanh còn thiếu khoảng 29 tỷ đồng chưa được xác định. Vì vậy nếu xác định đúng giá trị tài sản của Công ty liên doanh thì việc chuyển nhượng vốn góp và thương hiệu S không có thiệt hại. Bản án sơ thẩm cho rằng bị cáo chuyển nhượng lợi thế quyền thuê đất của Công ty N là chưa đúng vì bị cáo đại diện Công ty D góp vốn để thành lập Công ty D N và việc trả tiền cho Công ty V là phần tiền góp vốn góp thành lập công ty. Về tố tụng hình sự: Bị cáo Trần Tuấn V không được nhận chứng thư thẩm định giá và kết luận giám định; về việc cử người giám định không phải làm giám định viên và không phải làm giám định theo vụ việc. Việc Giám định thiệt hại tại khu du lịch N chỉ có một người thực hiện giám định là không đúng.

Luật sư Nguyễn Thanh L bào chữa cho bị cáo đề nghị: Án sơ thẩm căn cứ vào Công văn cứ vào Công văn 558 và Công văn 1116 của sở Tài Chính để xác định bị cáo vi phạm pháp luật là không đúng vì Công văn 558 và Công văn 1116 của Sở Tài Chính yêu cầu Công ty D thực hiện theo quy định tại Điều 91 Luật Doanh nghiệp để mua lại cổ phần là không đúng vì công ty liên doanh là công ty trách nhiệm hữu hạn do các bên góp vốn. Từ đó Sở Tài Chính xác định khả năng mất vốn là chưa đủ căn cứ. Mặt khác tại Công văn 2373 của Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định giá chuyển nhượng và bị cáo Trần Tuấn V đã chấp hành đúng chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh nên bị cáo không phạm tội như án sơ thẩm đã quy kết đối với bị cáo Trần Tuấn V.

Luật sư Phùng Thị H bào chữa cho bị cáo đề nghị: Không đồng tình với bản án sơ thẩm đã xử và lời kết tội của Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa. Bản án sơ thẩm nhận định bị cáo không tuân thủ theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chuyển nhượng vốn góp và thương hiệu S của Công ty S1 là không đúngvới tình tiết khách quan của vụ án; trong giám định không đúng thủ tục và không đầy đủ; công ty thẩm định giá không thực hiện việc thẩm định giá thương hiệu S; việc thẩm định giá tài sản của Công ty liên doanh đến ngày 31/12/2006 mà không xem xét giá trị tài sản của công ty từ ngày 01/01/2007 đến ngày 05/4/2007 là không đúng trong khi bị cáo thực hiện ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp vào ngày 05/4/2007. Do đó bị cáo không vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí. Đề nghị trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa. Mặt khác, căn cứ vào hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty V thể hiện Công ty V xuất hóa đơn cho Công ty Cổ phần Du lịch N. Do đó việc công ty chuyển trả tiền cho Công ty V là phần tiền do Công ty D góp vốn vào Công ty Cổ phần Du lịch N. Án sơ thẩm xác định bị cáo đại diện Công ty D chuyển nhượng lợi thế quyền thuê đất của Công ty V gây thất thoát tài sản nhà nước là không có căn cứ. Đề nghị hủy án sơ thẩm, đình chỉ việc giải quyết vụ án, tuyên bố trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa.

- Đại diện UBND tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu và đại diện Sở Tài chính có ý kiến: UBND tỉnh có văn bản giao sở Tài Chính hướng dẫn thủ tục chuyển nhượng vốn góp nhưng Sở Tài chính chưa có văn bản thì bị cáo đại diện Công ty D ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp và thương hiệu S vào ngày 05/4/2007.

- Đại diện sở Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến: Khi Công ty D có văn bản xin chuyển nhượng vốn góp cả thương hiệu của công ty nước ngoài trong công ty liên doanh, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch đầu tư hướng dẫn thủ tục chuyển nhượng vốn góp và Sở Kế hoạch đầu tư đã hướng dẫn thủ Công ty D nộp hồ sơ. Lúc đầu Sở kế hoạch đầu tư nhầm tưởng phải có quyết định của UBND tỉnh về giá chuyển nhượng nên Sở Kế hoạch đầu tư có ban hành văn bản số 376 yêu cầu Công ty D phải có văn bản đồng ý của UBND tỉnh về giá chuyển nhượng và sau đó biết được Công ty D tự quyết định về giá nên sau khi tiếp nhận hồ sơ của Công ty D, Sở kế hoạch và Đầu tư kiểm tra đủ thủ tục nên có tờ trình 696 để trình UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định chuẩn y việc chuyển nhượng vốn góp và thương hiệu S.

Đại diện Viện Kiểm sát cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

Về thủ tục: Người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự; Đơn kháng cáo của bị cáo hợp lệ làm trong thời hạn luật định, đủ điều kiện để xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

Về nội dung kháng cáo: Xét thấy bản án sơ thẩm tuyên xử bị cáo Trần Tuấn V phạm tội “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự 2015 là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị bác đơn kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Đơn kháng cáo của bị cáo làm trong thời hạn luật định, đủ điều kiện để thụ lý xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Trần Tuấn V cho rằng mình không phạm tội. Người bào chữa cho bị cáo Trần Tuấn V cho rằng không đủ căn cứ kết tội đối với bị cáo nên đề nghị tuyên bố bị cáo không phạm tội. Hội đồng xét xử nhận thấy:

[2.1] Hồ sơ vụ án thể hiện Trần Tuấn V - Giám đốc Công ty D tỉnh B là người đại diện quản lý 61,6% phần vốn nhà nước tại Công ty D lịch tỉnh B. Ngày 05/4/2007 bị cáo Trần Tuấn V đại diện Công ty D ký hợp đồng chuyển nhượng vốn đầu tư và thương hiệu S trong Công ty Liên doanh khách sạn V – S với giá 3.800.000USD. Tại Kết luận giám định ngày 06/11/2019 của Tổ Giám định Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu xác định thiệt hại của Công ty D: “Theo Chứng thư thẩm định giá số 3493 ngày 09/9/2019 của Công ty Thẩm định giá đất Việt xác định tổng giá trị thực tế phần vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2006 là 70.528.839.036 đồng, Công ty S1 chiếm 70% vốn tương đương 49.370.187.325 đồng. Thực tế Công ty D nhận chuyển nhượng vốn góp của Công ty S1 với giá 3.800.000 USD tương đương 61.195.500.000 đồng. Từ cơ sở trên Tổ giám định đã xác định thiệt hại trên giá trị của Công ty theo chứng thư thẩm định giá tại thời điểm 31/12/2006, việc chuyển nhượng đã làm Công ty D thiệt hại số tiền 11.825.312.675 đồng (61.195.500.000 đồng - 49.370.187.325 đồng). Căn cứ phần vốn nhà nước tại Công ty D (60,71%), do đó thiệt hại của nhà nước tại Công ty D là: 7.179.147.325 đồng”.

Ngày 23/01/2013, Công ty V, Công ty D và Công ty N ký Hợp đồng chuyển nhượng tài sản, công trình xây dựng tại KDL N, giá trị chuyển nhượng căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần EXIMA trong đó lợi thế quyền thuê đất 5.801.015.500 đồng; Công trình xây dựng: 19.419.984.500 đồng. Tổng cộng:

25.000.000.000 đồng. Ngày 30/01/2013, Công ty V, Công ty D và Công ty N ký Phụ lục hợp đồng, điều chỉnh nội dung thay thế “lợi thế quyền thuê đất” thành “Lợi thế vị trí địa lý” với giá trị: 5.580.015.500 đồng. Tại Kết luận giám định ngày 15/8/2019 của Tổ giám định Sở Tài chính tỉnh B xác định: “Việc Công ty D chi trả tiền lợi thế quyền thuê đất cho Công ty V đã gây thiệt hại cho Công ty D số tiền 5.580.015.500 đồng do hợp đồng ký kết giữa Công ty D và Công ty V là không đúng theo quy định Luật đất đai 2003 và Hợp đồng số 11/HĐTĐ ngày 06/12/1997 giữa Công ty V và Sở Địa chính”. Làm thất thoát của nhà nước tại Công ty D với số tiền là 3.285.513.126 đồng.

[2] Bị cáo Trần Tuấn V khai, trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng vốn đầu tư và thương hiệu của Công ty S1 trong Công ty liên doanh, bị cáo đã thực hiện đầy đủ thủ tục từ việc xin ý kiến của UBND tỉnh B, họp Hội đồng quản trị và thống nhất giá chuyển nhượng vốn góp và thương hiệu S với giá 3.800.000 triệu USD; bị cáo cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị duyệt giá chuyển nhượng của Công ty D không căn cứ hướng dẫn của Sở Tài Chính về khả năng mất vốn và cơ sở xác định giá mua lại phần vốn góp của bên nước ngoài trong Liên doanh.

Bị cáo và người bào chữa cho bị cáo cho rằng mặc dù khi chưa có quyết định chuẩn y của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng bị cáo có ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp ngày 05/4/2007 và đến ngày 03/5/2007 Công ty D có ủy nhiệm chi chuyển tiền cho Công ty S1 để đặt cọc số tiền 40.122.500.000 đồng (tương đương 2.500.000 triệu USD) vào tài khoản của Công ty S1 tại Ngân hàng, tuy nhiên Công ty S1 chỉ sử dụng được tiền khi có sự đồng ý bằng văn bản của Công ty D gửi Ngân hàng. Cho đến ngày 24/5/2007, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Quyết định số 1891/QĐ-UBND với nội dung chuẩn y việc chuyển nhượng toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Công ty S1 trong Công ty liên doanh khách sạn V - S cho Công ty cổ phần D tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thì bị cáo mới ký Công văn 100 ngày 06/6/2007 gửi Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Vũng Tàu đồng ý cho Công ty S1 sử dụng tài khoản tại ngân hàng với số tiền 2.500.000 triệu USD. Như vậy bị cáo đã thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc thực hiện chuyển nhượng vốn góp và thương hiệu S của bên nước ngoài Công ty liên doanh để chuyển Công ty liên doanh thành Doanh nghiệp 100% vốn trong nước. Nên bị cáo không vi phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại Công ty D.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thừa nhận lời khai của bị cáo Trần Tuấn V là đúng, sau khi Công ty D có văn bản xin chủ trương xin chuyển nhượng vốn góp và thương hiệu của Công ty S1 trong công ty liên doanh, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch đầu tư hướng dẫn Công ty D thực hiện thủ tục chuyển nhượng vốn góp và Sở Kế hoạch đầu tư đã hướng dẫn Công ty D lập thủ tục và nộp hồ sơ, do lúc đầu Sở Kế hoạch Đầu tư nhầm tưởng phải có quyết định của UBND tỉnh về giá chuyển nhượng nên Sở Kế hoạch đầu tư có ban hành văn bản số 376 yêu cầu Công ty D nộp hồ sơ phải có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh về giá chuyển nhượng, nhưng sau đó Sở kế hoạch đầu tư biết được Công ty D tự quyết định về giá chuyển nhượng, vì vậy khi tiếp nhận hồ sơ của Công ty D, Sở kế hoạch và Đầu tư kiểm tra đủ thủ tục thì có tờ trình số 696 để trình UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định chuẩn y việc chuyển nhượng vốn góp và thương hiệu S. Còn người đại diện Sở Tài Chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì khai rằng khi Công ty D có văn bản xin chủ trương chuyển nhượng vốn, UBND tỉnh có Văn bản yêu cầu Sở Tài chính hướng dẫn thủ tục chuyển nhượng vốn góp, nhưng sở Tài Chính chưa có văn bản thì bị cáo đại diện Công ty D ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp và thương hiệu S vào ngày 05/4/2007. Khi sở Tài Chính đã có văn bản số 1116 có ý kiến về việc Hội đồng quản trị quyết định giá mua lại cổ phần, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại nhưng bị cáo Trần Tuấn V tiếp tục chuyển tiền cho Công ty S1 làm thất thoát tiền của Nhà nước.

Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì ngày 16/5/2007, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh BR-VT có Tờ trình số 696/SKHĐT-ĐTNN xác nhận hồ sơ chuyển nhượng đã đảm bảo đầy đủ, hợp lệ theo quy định và đề nghị UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Quyết định về việc chuyển Công ty liên doanh khách sạn V - S thành doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam; Ngày 24/5/2007 UBND tỉnh căn cứ vào tờ trình của Sở Kế hoạch đầu tư, đã ban hành Quyết định số: 1891/QĐ-UBND với nội dung chuẩn y việc chuyển nhượng toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Công ty S1 trong Công ty liên doanh khách sạn V - S. Đến ngày 02/6/2007, Công ty D có văn bản số 98/KT- CPDL đề nghị Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Mỹ hỗ trợ bảo lãnh thanh toán 1.300.000 USD bằng vốn vay tại ngân hàng. Ngày 06/6/2007, Công ty D có công văn số 100/KT-CPDL đề nghị ngân hàng Vietcombank chi nhánh Vũng Tàu để Công ty S1 toàn quyền sử dụng tài khoản số 008.1000.564579. Cho đến ngày 19/6/2007, Sở Tài chính mới ban hành văn bản số 1116/STC-TCDN gửi Công ty D có ý kiến: “…theo số liệu báo cáo của doanh nghiệp đang hạch toán trên sổ sách sau khi trừ đi các khoản mất vốn thì phần vốn góp của phía nước ngoài trong Liên doanh chỉ còn khoảng 1.499.750 USD, đây là số liệu để làm cơ sở cho việc thỏa thuận về giá chuyển nhượng với phía đối tác nước ngoài trong liên doanh”.

Trong qua quá trình điều tra, sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có ý kiến: “Căn cứ hồ sơ nhận chuyển nhượng vốn đầu tư lưu giữ thể hiện Văn bản số 2373 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao Hội đồng quản trị Công ty D quyết định giá chuyển nhượng; căn cứ biên bản họp hội đồng quản trị đã tiến hành biểu quyết và nhất trí 100% thống nhất gái chuyển nhượng là 3.800.000 USD; căn cứ Luật đầu tư năm 2005, Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có báo cáo UBND tỉnh tại Tờ trình số 696/SKHĐT-ĐTNN ngày 16/5/2017. Nhưng đến ngày 19/6/2007 sở Tài chính mới có ý kiến về giá chuyển nhượng” (Bút lục 680); Văn phòng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có ý kiến: “Về trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch ban hành Quyết định 1891/QĐ-UBND là Sở kế hoạch Đầu tư. Do Quyết định 1891 là Quyết định chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (không phải là quyết định phê duyệt giá chuyển nhượng) và do sở kế hoạch đầu tư xác nhận “hồ sơ đã đảm bảo đầy đủ, hợp lệ theo quy định của Luật đầu tư” (Bút lục 781).

Cấp sơ thẩm chưa xem xét đánh giá đúng tính chất và mức độ của hành vi của những người liên quan, các cơ quan trong việc làm tham mưu cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Chuẩn y việc chuyển nhượng toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Công ty S1 trong Công ty liên doanh khách sạn V - S dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước để xử lý trách nhiệm là chưa đúng với quy định của pháp luật.

[3] Đối với việc xác định thiệt hại trong việc chuyển nhượng vốn đầu và thương hiệu của bên liên doanh nước ngoài trong Công ty liên doanh: Theo Giấy phép đầu tư điều chỉnh lần 6 ngày 14/9/2004 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì thời hạn hoạt động của Công ty liên doanh khách sạn V - S được điều chỉnh lên 40 năm, tính từ ngày cấp giấy phép lần đầu. Đến thời điểm năm 2006 thì Công ty Liên doanh khách sạn V – S đã hoạt động 14 năm, thời gian hoąt động còn lại của Công ty liên doanh theo Giấy phép đầu tư là 26 năm. Do đó giá trị tài sản của Công ty liên doanh là phần góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất của Công ty D được phân bổ cho 26 năm còn lại và 16 năm miễn tiền thuê đất (Công ty liên doanh chỉ nộp tiền thuê đất từ năm thứ 31 trở đi). Nhưng tại Chứng thư thẩm định giá Đất Việt số 3493 ngày 09/9/2019 xác định giá trị quyền thuê đất của Công ty liên doanh còn lại 8,56 năm, đồng thời xác định số năm còn lại của Công ty liên doanh được miễn tiền thuê đất chưa đúng.

Mặt khác, trong hồ sơ vụ án thể hiện Công ty cổ phần D tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có ký hợp đồng cho thuê thương hiệu S để Công ty TNHH TM-DV-V Đà Lạt để sử dụng cho Khách sạn S Dalat, giá thuê 01 năm là: 100.000.000 đồng + 50 phòng nghỉ miễn phí cho Ban Giám đốc và CB-NV của Công ty CP D Bà Rịa - Vũng Tàu; Công ty cổ phần D Bà Rịa - Vũng Tàu còn sử dụng Thương hiệu S cho khách sạn ở Vũng Tàu. Nhưng Chứng thư thẩm định giá cũng chưa xem xét định giá giá trị của thương hiệu S để xác định giá trị tài sản thực tế của Công ty liên doanh là chưa đầy đủ.

Do Chứng thư thẩm định giá số 3493 ngày 09/9/2019 của Công ty Thẩm định giá đất Việt xác định tổng giá trị tài sản thực tế của Công ty Liên doanh khách sạn V – S chưa chính xác, nhưng Tổ Giám định của Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại căn cứ Chứng thư thẩm định giá để làm cơ sở trên để xác định thiệt hại việc chuyển nhượng vốn góp và thương hiệu S đã làm thiệt hại của nhà nước số tiền 7.179.147.325 đồng là chưa đủ căn cứ.

[4] Về thủ tục giám định: Căn cứ Quyết định trưng cầu giám định số:

09/QĐTCGĐ-PC46.Đ6 18/4/2018 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trưng cầu Giám định viên thuộc sở Tài Chính giám định thiệt hại về tài chính do bị cáo chuyển nhượng vốn góp và thương hiệu S của Công ty S1 gây thiệt hại tài sản nhà nước như thế nào? tuy nhiên tại kết luận giám định ngày 06/11/2019 (Bút lục số 805) chưa xác định rõ tư cách người giám định tham gia tổ giám định theo quy định tại Điều 18, Điều 20 Luật giám định tư pháp và Điều 7 của Thông tư số: 138/2013/TT-BTC Ngày 09/10/2013 của Bộ Tài Chính Hướng dẫn một số nội dung của Luật giám định tư pháp và Nghị định số: 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp.

Căn cứ Quyết định trưng cầu giám định số: 12/QĐTCGĐ-PC46.Đ6 02/5/2018 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trưng cầu Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giám định thiệt hại về tài chính do Công ty D chuyển quyền thuê đất cho Công ty V với số tiền 5.580.015.500 đồng có gây thiệt hại cho Công ty D hay không? Gây thiệt hại như thế nào (nếu có)? Tuy nhiên tại Kết luận Giám định ngày 15/8/2019 tổ giám định do cá nhân ông Bùi Tiến D - Chức vụ Trưởng phòng tài chính doanh nghiệp tiến hành giám định và ký tên Kết luận giám định (có xác nhận chữ ký của của Phó giám đốc Sở Tài Chính) là không đúng với quy định: “Trường hợp trưng cầu, yêu cầu tổ chức thực hiện giám định thì người đứng đầu tổ chức phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định và tổ chức được trưng cầu, yêu cầu chịu trách nhiệm về kết luận giám định” theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Giám định tư pháp; điểm b khoản 3 Công văn số: 4713/BTP- BTTP Ngày 14/6/2013 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thực hiện một số quy định của Luật giám định tư pháp.

[5] Cáo trạng và bản án sơ thẩm xác định bị cáo thực hiện việc chi trả tiền lợi thế quyền thuê đất cho Công ty V số tiền 5.580.015.500 đồng đã làm thất thoát tài sản của nhà nước tại Công ty D với số tiền 3.285.513.126 đồng. Tuy nhiên không xem xét xử lý số tiền 5.580.015.500 đồng hiện do Công ty V đang quản lý là chưa đúng theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự.

Mặt khác, cấp sơ thẩm xác định bị cáo chuyển nhượng lợi thế quyền thuê đất của Công ty V khi góp vốn thành lập Công ty N. Tuy nhiên tại biên bản đối chiếu công nợ ngày 23/01/2013 Công ty V xác nhận Công ty D đã thanh toán hộ cho Công ty N toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng trị giá 28 tỷ đồng (Bút lục 88); hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty V xuất hóa đơn cho Công ty Cổ phần Du lịch N số tiền 27,5 tỷ đồng nhưng chưa được làm rõ.

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất hủy Bản án sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.

Xét quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh là chưa phù hợp với nhận định trên.

[6] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do hủy án sơ thẩm nên bị cáo Trần Tuấn V không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355; khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 11/2022/HS-ST ngày 26/01/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để điều tra lại vụ án theo thủ tục chung.

2. Bị cáo Trần Tuấn V không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

293
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí số 944/2022/HS-PT

Số hiệu:944/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/12/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về