Bản án về tội vi phạm quy định quản lý rừng số 27/2021/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

BẢN ÁN 27/2021/HS-PT NGÀY 29/12/2021 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH QUẢN LÝ RỪNG

Trong ngày 29 tháng 12 năm 2021, tại Trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Kon Tum, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 64/2021/HSPT ngày 04/11/2021, do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum. Tại Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 129/QĐ-VKS-P7 kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2021/HSST ngày 28/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện K đối với:

Bị cáo ĐINH CÔNG NH (tên gọi khác: Không); Sinh ngày 19 tháng 5 năm 1990 tại tỉnh Kon Tum; Nơi ĐKHKTT: Thị trấn M, huyện K, tỉnh Kon Tum (Chỗ ở hiện nay: Thôn P, xã Y, thành phố KT, tỉnh Kon Tum); nghề nghiệp: Nhân viên quản lý, bảo vệ rừng; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Ka dong; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Đinh Công V (đã chết) và bà Y H (đã chết); gia đình bị cáo có 05 chị em, bị cáo là con thứ tư; có vợ là Y B sinh năm 1992 và 02 con, con lớn nhất sinh năm 2011, con nhỏ nhất sinh năm 2020; Tiền án, Tiền sự: Không; Nhân thân: tốt; bị cáo Đinh Công N bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam từ ngày 21/12/2020 đến ngày 26/01/2021 được thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh đến nay (bị cáo có mặt tại phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào ngày 29/7/2014, Đinh Công Nh được Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp KP, tỉnh Kon Tum tuyển dụng vào làm việc cho công ty với vị trí là nhân viên quản lý, bảo vệ rừng và được điều động đến Chi nhánh lâm trường MB để công tác từ ngày 01/8/2014. Đến ngày 18/3/2019, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp KP ban hành Quyết định số 54/QĐ-C.Ty bổ nhiệm Đinh Công Nh giữ chức vụ Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ĐR thuộc Lâm trường MB từ ngày 18/3/2019. Trong quá trình công tác, thấy hoàn cảnh của một số người dân tộc thiểu số tại thôn N, xã ĐR khó khăn nên Đinh Công Nh đã trực tiếp nhận đơn xin xẻ gỗ làm nhà và cho phép những người dân này vào rừng khai thác gỗ trái phép. Cụ thể:

Vụ thứ nhất: Vào khoảng tháng 5 năm 2019, Đinh Ngọc L nảy sinh ý định vào rừng để xẻ gỗ làm nhà. Do đó, L đã đến gặp và A In để rủ I đi vào rừng để phụ giúp việc xẻ gỗ. Vì cũng có nhu cầu làm nhà mới nên A I đồng ý. Sau đó, L và I cùng đi đến Trạm quản lý, bảo vệ rừng thuộc Lâm trường MB tại thôn Đắk Chờ với mục đích xin đơn xẻ gỗ làm nhà. L và I gặp Đinh Công Nh, Nh in cho L và I mỗi người 01 tờ đơn để điền thông tin, L và I điền thông tin xong thì mang đến cho trưởng thôn là A B xác nhận rồi nộp lại cho Nh. Lúc này, Nh đồng ý cho L và I lên rừng xẻ gỗ làm nhà. Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2019 đến khoảng tháng 10/2019, Đinh Ngọc L và A I đã nhiều lần mang cưa lên rừng để cắt xẻ gỗ với tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại được giám định là 25,326 mét khối gỗ tròn (nhóm gỗ thông thường). Ngày 10/12/2019, tổ công tác liên ngành thuộc Ủy ban nhân dân xã ĐR phối hợp với Chi nhánh Lâm trường MB kiểm tra tại khu vực rừng thuộc Tiểu khu 387 và 388 phát hiện vụ việc khai thác lâm sản trái phép cùng 101 hộp gỗ xẻ tại hiện trường nên lập bảng kê và tiến hành thu giữ, bàn giao cho Hạt kiểm lâm huyện K xử lý theo thẩm quyền. Với hành vi trên, ngày 05/01/2021, Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Kon Tum đã xét xử và tuyên phạt Đinh Ngọc L 36 tháng tù, A I 15 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật, Đinh Ngọc L và A I đang chấp hành án.

Vụ thứ hai: Vào năm 2019, do cần gỗ để làm nhà nên A Nh đi đến Trạm bảo vệ rừng thuộc Lâm trường MB đóng tại thôn Đắk Chờ, xã ĐR gặp Đinh Công Nh là cán bộ Lâm trường và đặt vấn đề xin xẻ gỗ làm nhà. Đinh Công Nh in và đưa cho A Nh một tờ đơn. A Nh điền thông tin, xin xác nhận của thôn trưởng A B, rồi nộp lại cho Đinh Công Nh. Lúc này, Đinh Công Nh đồng ý cho A Nh xẻ gỗ làm nhà. Sau khi được bị cáo cho phép, A Nh và 1 số đối tượng đã vào rừng cưa gỗ nhiều lần, nhiều ngày. Tổng số gỗ bị thiệt hại được giám định là 12,575 mét khối gỗ tròn, nhóm gỗ thông thường.

Vào khoảng tháng 6/2019, A T nảy sinh ý định vào rừng xẻ gỗ để dựng nhà mới. A T đã bàn bạc với Y  và được  đồng ý. Sau đó  đến trạm bảo vệ rừng thuộc Lâm trường MB để xin xẻ gỗ làm nhà.  gặp Đinh Công Nh và đề cập vấn đề muốn xẻ gỗ làm nhà. Đinh Công Nh in cho  một tờ đơn xin xẻ gỗ làm nhà và hướng dẫn điền thông tin.  mang đơn đến cho thôn trưởng A B ký xác nhận và nộp lại cho Nh. Nh đồng ý cho  đi xẻ gỗ làm nhà. Sau khi được Nh cho phép khai thác gỗ, A T cùng 1 số đối tượng là A Nh và A T đã vào rừng cưa gỗ tại Khoảnh 4, Khoảnh 6 Tiểu khu 387 thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp KP quản lý. Tổng số gỗ bị thiệt hại được giám định là 11,766 mét khối gỗ tròn, nhóm gỗ thông thường.

Cũng trong tháng 6/2019, do có nhu cầu sửa lại nhà nên A X nảy sinh ý định vào rừng để xẻ gỗ về làm nhà. A X đã đến Trạm quản lý, bảo vệ rừng thuộc Lâm trường MB tại thôn Đắk Chờ. X đã gặp Đinh Công Nh đặt vấn đề xin xẻ gỗ làm nhà. Nh in cho X 01 tờ đơn rồi hướng dẫn X điền thông tin vào đơn, X mang về cho cho A B là trưởng thôn ký xác nhận rồi mang đến nộp lại cho Nh. Sau khi được Nh đồng ý cho A X cắt xẻ gỗ làm nhà. A X cùng 1 số người đã đi lên khu vực rừng thuộc Khoảnh 4 và Khoảnh 6 Tiểu khu 387 thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp KP quản lý cắt hạ, xẻ các cây gỗ ra thành ván, đà, cột theo kích thước làm nhà. Tổng số gỗ bị thiệt hại được giám định là 11,005 mét khối gỗ tròn, nhóm gỗ thông thường.

Cùng khoảng thời gian đó, A Đ nảy sinh ý định vào rừng xẻ gỗ làm nhà bếp, nên A Đ đã đến gặp Đinh Công Nh, được Nh đưa cho A Đ một tờ đơn xin xẻ gỗ, Đ Mang về cho thông trưởng A B ký xác nhận sau đó, Đ đem nộp lại cho Nh và được Nh đồng ý cho vào rừng xẻ gỗ. A Đ và 1 số đối tượng đi lên khu vực rừng thuộc Khoảnh 4 Tiểu khu 388 thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp KP quản lý cắt hạ, xẻ các cây gỗ ra thành ván, đà, cột theo kích thước làm nhà. Tổng số gỗ bị thiệt hại được giám định là 9,614 mét khối gỗ tròn, nhóm gỗ thông thường.

Với hành vi trên, ngày 25/02/2021, Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Kon Tum tuyên phạt A Nh 05 năm 08 tháng tù; A T 05 năm 03 tháng tù; A X 09 tháng tù; A T 09 tháng tù; Y Â 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 tháng về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật, A Nh, A T, A T, A X và Y Â đang chấp hành án. A Đ bị xử lý hành chính theo quy định.

Vụ thứ ba: Vào khoảng tháng 10 năm 2019, do có nhu cầu cần ván gỗ để sửa lại nhà bếp, Đinh Văn V đến trạm quản lý, bảo vệ rừng của Lâm trường MB thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp K gặp Đinh Công Nh là trạm trưởng. Tại đây Nh đã hướng dẫn cho V điền thông tin vào Đơn xin xẻ gỗ làm nhà, sau đó Nh đưa đơn này cho A B là thôn trưởng ký xác nhận, Sau khi được Nh đồng ý cho phép xẻ gỗ thì Đinh Văn V, thuê 1 số đối tượng A Đ và A T đi khai thác gỗ cho V tại Khoảnh 6, Khoảnh 7 Tiểu khu 387 và Khoảnh 4 Tiểu khu 388 lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp K quản lý, thuộc địa giới hành chính xã ĐR, huyện K, tỉnh Kon Tum. Tổng số gỗ bị thiệt hại được giám định là 23,401 mét khối gỗ tròn, nhóm gỗ thông thường. Với hành vi này, ngày 30/12/2020 Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Kon Tum đã tuyên phạt Đinh Văn V 30 tháng tù; A Đ 26 tháng tù; A M 24 tháng tù; A T 18 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Hiện Bản án đã có hiệu lực pháp luật, Đinh văn V, A Đ, A T và A M đang chấp hành án.

Như vậy, với cương vị là Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng xã Đắk Ring thuộc Chi nhánh Lâm trường MB, Đinh Công Nh đã tự ý cho phép Đinh Ngọc L, A I, A Nh, A T, Y Â, Đinh Văn V, A X và A Đ khai thác trái phép gỗ tại Tiểu khu 387 và 388 thuộc lâm phần do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp K quản lý, thuộc địa giới hành chính xã ĐR, huyện K, tỉnh Kon Tum với tổng khối lượng gỗ bị khai thác trái phép là 93,687 mét khối gỗ tròn, nhóm gỗ thông thường, tại rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2021/HSST ngày 28/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Kon Tum quyết định như sau:

1. Tuyên bố bị cáo Đinh Công Nh phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý rừng”.

Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 233; Điều 38; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Xử phạt bị cáo Đinh Công Nh 04 (bốn) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án và được trừ thời gian bị tạm giam trước đó là 37 (ba bảy) ngày (từ 21/12/2020 đến ngày 26/01/2021).

2. Về hình phạt bổ sung: Áp dụng khoản 4 Điều 233 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Cấm bị cáo Đinh Công Nh làm công việc liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Ngoài ra, cấp sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, án phí, quyền kháng cáo.

Ngày 25/10/2021, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm số 129/QĐ-VKS-P7 kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2021/HSST ngày 28/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện K, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự; không áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự và tăng hình phạt tù đối với bị cáo Đinh Công Nh.

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Tại quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum đối với bản án hình sự sơ thẩm số 18/2021/HSST ngày 28/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện K, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm, xem xét không áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự và theo hướng tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Đinh Công Nh. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát đã rút kháng nghị về nội dung này.

Đối với nội dung kháng nghị, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Qua phân tích hành vi phạm tội, tình tiết tặng nặng, giảm nhẹ Đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên nội dung kháng nghị này.

Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355, điểm a khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh KonTum, sửa án sơ thẩm, áp dụng thêm tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên” đối với bị cáo Đinh Công Nh.

Đối với bị cáo Đinh Công Nh, nói lời sau cùng, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Viện kiểm sát kháng nghị bản án sơ thẩm trong thời hạn quy định tại Điều 331 và Điều 333 của Bộ luật tố tụng hình sự. Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, những người tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm không vi phạm tố tụng gì.

[2] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum xét thấy:

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã rút một phần kháng nghị về nội dung không áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự đối với bị cáo, rút kháng nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo; việc rút kháng nghị về nội dung này không làm xấu đi tình trạng của bị cáo nên chấp nhận.

Do đó, Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 342 Bộ luật tố tụng hình sự.

Đình chỉ đối với phần kháng nghị đã rút này của Viện kiểm sát.

Về nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Đinh Công Nh, Hội đồng xét xử xét thấy:

Bị cáo Đinh Công Nh, với chức vụ là Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng xã ĐR, thuộc Chi nhánh Lâm trường MB. Bị cáo đã đồng ý để cho 08 đối tượng vào rừng khai thác gỗ trong 06 đợt, nhiều lần, nhiều ngày ở các vị trí khu vực rừng khác nhau, kéo dài trong khoảng thời gian từ tháng 5/2019 đến tháng 10/2019. Trong đó, có 5 lần khối lượng gỗ các đối tượng khai thác trái phép từ 10m3 trở lên, đủ định lượng theo điểm c khoản 1 Điều 233 Bộ luật hình sự, tổng khối lượng gỗ khai thác là lớn 93,687m3 gỗ tròn, loài thông thường tại rừng sản xuất là rừng tự nhiên, có trị giá 1.408.439.000 đồng. Vì vậy, bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với bị cáo Đinh Công Nh là còn thiếu sót.

Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum về nội dung này là có cơ sở, đúng pháp luật nên được Hội đồng xét xử chấp nhận, sửa một phần án sơ thẩm về áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trên đối với bị cáo.

[3] Về án phí hình sự phúc thẩm: Vụ án thuộc trường hợp không phải chịu án phí theo quy định pháp luật.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 3 Điều 342; điểm b khoản 1 Điều 355; điểm a khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự.

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng nghị do Viện kiểm sát đã rút về nội dung: Không áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự và tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Đinh công Nh.

2. Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum, sửa một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2021/HSST ngày 28/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện K về áp dụng thêm tình tiết tăng nặng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Đinh Công Nh cụ thể:

Áp dụng điểm c khoản 3 Điều 233; Điều 38; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015.

Tuyên bố: Bị cáo Đinh Công Nh phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý rừng”.

Xử phạt: Bị cáo Đinh Công Nh (Tên gọi khác: không) 04 (Bốn) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án và được trừ thời gian bị tạm giam trước đó là 37 (ba mươi bảy) ngày (từ 21/12/2020 đến ngày 26/01/2021).

3. Về án phí hình sự phúc thẩm: Căn cứ điểm d khoản 1 điều 11 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí tòa án: Vụ án thuộc trường hợp không phải chịu án phí phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (29/12/2021).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

159
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định quản lý rừng số 27/2021/HS-PT

Số hiệu:27/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kon Tum
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 29/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về