Bản án về tội vi phạm quy định khai thác tài nguyên số 01/2022/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

BẢN ÁN 01/2022/HS-ST NGÀY 10/01/2023 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC TÀI NGUYÊN

Trong ngày 10 tháng 01 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 78/2022/TLST-HS ngày 18 tháng 11 năm 2022, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 199/2022/QĐXXST-HS ngày 05 tháng 12 năm 2022, đối với bị cáo:

Đặng Duy T, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1980 tại Thừa Thiên Huế; nơi cư trú: thôn T, xã P, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế; nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hóa: 4/12; Dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Đặng Duy S, sinh năm: 1942 và Nguyễn Thị C; sinh năm: 1944; Vợ: Lê Thị M, sinh năm: 1984; Con: có 05 người, lớn nhất sinh năm 2008, nhỏ nhất sinh năm 2021; tiền án: Không, tiền sự: 01 (Ngày 15 tháng 12 năm 2021, có hành vi khai thác cát trái phép bị Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt vi phạm hành chính số tiền 15.000.000 đồng theo Quyết định số 0003114/QĐ-XPHC ngày 29/12/2021).

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. Ông Đặng Duy H; sinh năm 1975; trú tại: thôn T, xã P, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế; có mặt.

2. Ông Đặng Duy K; sinh năm 1976; trú tại: thôn T, xã P, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế; có mặt.

3. Bà Phan Thị Kim K; sinh năm 1980; trú tại: 125 đường B, phường V, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào sáng ngày 03 tháng 8 năm 2022, Đặng Duy K (sinh năm: 1976; trú tại:

thôn T, xã P, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế), không có giấy phép khai thác khoáng sản hợp lệ, sử dụng điện thoại di động số 0899.914.456 gọi điện thoại đến số 0977.529.906 của Đặng Duy T để thuê đi khai thác cát trái phép. Sau đó, T rủ thêm anh ruột Đặng Duy H (sinh năm: 1975; trú tại: thôn T, xã P, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế) đi khai thác cát thì H đồng ý. Các bên thỏa thuận, T và H sử dụng thuyền nhôm có gắn máy hút cát của K đi khai thác cát, khai thác xong thì đưa về bãi cát của K tại thôn T, xã P, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế và K sẽ trả tiền công 100.000 đồng/người.

Khoảng 20 giờ 30 phút cùng ngày, T và H sử dụng thuyền nhôm có gắn máy hút cát của K đi đến khu vực sông Hương thuộc phường A, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế để tiến hành hoạt động khai thác cát trái phép. T làm nhiệm vụ điều khiển thuyền, còn H điều khiển máy hút để hút cát. Sau khi khai thác đầy thuyền thì T và H chở đến bãi tập kết của K. Đến khoảng 22 giờ 00 phút, khi T và H đang chuẩn bị bơm cát từ thuyền lên bãi thì bị Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện, tiến hành kiểm tra và tạm giữ tang vật có liên quan.

Ngày 23 tháng 8 năm 2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế ra Quyết định trưng cầu số 128/QĐ-CAT, trưng cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế giám định xác định: Loại cát mà các đối tượng khai thác trái phép là loại cát gì? Có phải là tài nguyên khoáng sản không? Tại Công văn số 3069/STNMT-TN ngày 31 tháng 8 năm 2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế xác định là loại cát trát (cát tô) và đây là tài nguyên khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010.

Ngày 31 tháng 8 năm 2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế ra Yêu cầu định giá tài sản số 379/YC-CAT, trưng cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Thừa Thiên Huế xác định: Giá trị 05m3 cát (cát tô) khai thác trái phép vào ngày 03/8/2022.

Tại bản Kết luận định giá về tài sản số 3186/KL-HĐĐGTS ngày 19 tháng 9 năm 2022 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Thừa Thiên Huế, kết luận như sau: 05m3 cát (cát tô) có giá trị là 1.313.635 đồng.

Ngày 08 tháng 8 năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế có Công văn số 2693/STNMT-TN trả lời: Hiện nay, vị trí khai thác khoảng sản không nằm trong khu vực khai thác khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản.

Vật chứng và các đồ vật, tài liệu thu giữ: Thu giữ của Đặng Duy T gồm:

+ 05 m3 cát, thu được khi bắt quả tang các đối tượng.

+ 01 thuyền nhôm, có chiều dài 18,6m, chiều rộng 2,6m, sâu 1m, trên thuyền có gắn 01 máy xe ô tô, 01 ống cao su dài 4m dùng để hút cát.

+ 01 điện thoại di động hiệu ACE, màu xanh và 01 sim điện thoại mạng Viettel số 09775299xx có mã 8984048000075134712, Imei1 359053915546762, Imei2 số 359053915546770.

Thu giữ của Đặng Duy K: 01 sim điện thoại mạng Mobiphone số 0899914456 có mã 8401201133590106.

Đối với vật chứng là số cát thu giữ được giao cho bà Phan Thị Thu H, đại diện bến thủy nội địa cát sạn T, xã M quản lý. Chiếc thuyền nhôm được giao cho bà Trần Thị Mộng V là người trông giữ tang vật tại khu G4, xã M bảo quản. Các vật chứng khác được tạm giữ theo quy định của pháp luật.

Tại bản cáo trạng số 24/CT-VKSTTH-P1 ngày 17/11/2022, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã truy tố bị cáo Đặng Duy T về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 227 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị áp dụng điểm đ, khoản 1, Điều 227; các điểm h, i, s khoản 1, Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015; Xử phạt bị cáo Đặng Duy T từ 06 đến 09 tháng tù cho hưởng án treo.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự và Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị:

- Tịch thu sung công quỹ Nhà nước: 05 m3 cát và 01 điện thoại di động hiệu ACE, màu xanh.

- Tịch thu sung vào Ngân sách Nhà nước 50% giá trị, trả lại cho bà Khánh 50% giá trị 01 thuyền nhôm.

- Tịch thu tiêu hủy 02 sim điện thoại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế; Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, Hội đồng xét xử không xem xét.

[2] Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận:

Do cần tiền để tiêu xài nên vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 03 tháng 8 năm 2022, Đặng Duy T không có giấy phép khai thác cát đã có hành vi khai thác trái phép 05m3 cát có giá trị là 1.313.635 đồng tại khu vực sông Hương thuộc phường A, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế, là khu vực không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Bị cáo có 01 tiền sự về hành vi khai thác cát trái phép nay lại tiếp tục vi phạm. Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế truy tố bị cáo Đặng Duy T về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 227 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội và phù hợp với quy định của pháp luật.

[3] Đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, làm mất trật tự, an ninh tại địa phương. Vì vậy, cần phải xử phạt bị cáo mức án phù hợp nhằm để giáo dục bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt cần xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần vì bị cáo không phạm vào tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào và được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn và người phạm tội thành khẩn khai báo được quy định tại các điểm h, i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015, bị cáo có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng. Vì vậy, không bắt bị cáo đi chấp hành hình phạt tù thì không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm mà tạo điều kiện cho bị cáo lao động tại cộng đồng và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình ngay trong môi trường xã hội bình thường, nên xử phạt bị 06 tháng tù cho hưởng án treo theo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tại phiên tòa là phù hợp.

[4] Về xử lý vật chứng:

- Tịch thu sung công quỹ Nhà nước: 05 m3 cát và 01 điện thoại di động hiệu ACE, màu xanh.

- Tịch thu tiêu hủy 01 sim điện thoại mạng Mobiphone số 0899914456 có mã 8401201133590106 và 01 sim điện thoại mạng Viettel số 09775299xx có mã 8984048000075134712, Imei1 359053915546762, Imei2 số 359053915546770.

- Đối với 01 thuyền nhôm có gắn 01 máy xe ô tô, 01 ống cao su dài 4m dùng để hút cát là tài sản của vợ chồng ông Đặng Duy Khoa và bà Phan Thị Kim Khánh. Khoa giao cho bị cáo T làm phương tiện phạm tội nhưng bà K không biết. Vì vậy, cần tịch thu sung vào Ngân sách Nhà nước 50% giá trị, trả lại cho bà K 50% giá trị.

[5] Về án phí hình sự sơ thẩm: Buộc bị cáo phải chịu theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Đặng Duy T phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.

Áp dụng điểm đ, khoản 1, Điều 227, các điểm h, i, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015;

Xử phạt bị cáo Đặng Duy T 06 tháng tù cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 01 (Một) năm kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Đặng Duy T cho Ủy ban nhân dân xã P, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế giám sát, giáo dục người được hưởng án treo trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 Bộ luật hình sự.

2. Về xử lý vật chứng: Căn cứ dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự và Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự;

Tịch thu sung công quỹ Nhà nước: 05 m3 cát và 01 điện thoại di động hiệu ACE, màu xanh có mã IMEI1 359053915546762, IMEI1 359053915546770.

Tịch thu sung vào Ngân sách Nhà nước 50% giá trị tài sản thuộc sở hữu của Đặng Duy K , trả lại 50% giá trị tài sản thuộc sở hữu của bà K cho bà Phan Thị Kim K là 01 thuyền nhôm, có chiều dài 18,6m, chiều rộng 2,6m, sâu 1m, trên thuyền có gắn 01 máy xe ô tô, 01 ống cao su.

Tịch thu tiêu hủy 01 sim điện thoại mạng Viettel số 09775299xx có mã 8984048000075134712, Imei1 359053915546762, Imei2 số 359053915546770 và sim điện thoại mạng Mobiphone số 0899914456 có mã 8401201133590106. (Theo Biên bản giao nhận vật chứng ngày 22/11/2022).

2. Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án buộc các bị cáo Đặng Duy T phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

3. Về quyền kháng cáo: Bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

76
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định khai thác tài nguyên số 01/2022/HS-ST

Số hiệu:01/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thừa Thiên Huế
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 10/01/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về