TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
BẢN ÁN 154/2023/HS-PT NGÀY 19/09/2023 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC LÂM SẢN
Ngày 19 tháng 9 năm 2023, tại Hội trường Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa phúc thẩm công khai xét xử vụ án hình sự thụ lý số 119/2023/HSPT ngày 18 tháng 8 năm 2023 đối với bị cáo Nguyễn Thị Bích T, do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 34/2023/HSST ngày 04/7/2023 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Hà Tĩnh.
* Bị cáo kháng cáo:
Họ và tên: Nguyễn Thị Bích T; sinh ngày: 03/02/1966; tại huyện H, tỉnh Hà Tĩnh; nơi cư trú: Thôn Khe 5, xã Sơn Kim 1, huyện H, tỉnh Hà Tĩnh; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 10/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Nguyễn Công L (Đã chết) và bà Đặng Thị L; chồng: Phạm Mạnh H, con 03 đứa (lớn nhất sinh năm 1988, nhỏ nhất sinh năm 2004); anh chị em ruột có 04 người, bị cáo là con thứ 02; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt tại phiên tòa.
* Những người tham gia tố tụng khác có kháng cáo hoặc liên quan đến kháng cáo: Không
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Năm 2002, ông Nguyễn Văn S được Công ty Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn giao 47 ha rừng tại khoảnh 6, tiểu khu 51 thuộc thôn Khe 5, xã Sơn Kim 1, huyện H, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi được giao, ông S trồng dặm thêm trên diện tích rừng này các loại cây thân gỗ như Trầm, Cồng, Lim Xanh, Ràng Ràng, Trẹo.... Năm 2010 có chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng và gia đình ông S chỉ được cấp với hạn mức 241.482m2 rừng (trong đó diện tích rừng tự nhiên 119,993m2, diện tích rừng trồng 94,549m2), nên nhờ ông Trần Ngọc Q và bà Nguyễn Thị Tùng là anh rể và chị gái của mình đứng tên 261,574m2 rừng (trong đó diện tích rừng tự nhiên 185,555m2, diện tích rừng trồng 103,019m2). Sau khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, ông Q giao lại cho ông S quản lý, sử dụng và phát triển rừng. Ông S tiếp tục trồng cây gỗ keo trên phần diện tích rừng trồng và đã nhiều lần khai thác gỗ keo. Tháng 9/2022 ông S tiếp tục bán khoảng 01 ha cây gỗ keo cho Nguyễn Thị Bích T với giá 50.000.000 đồng và đến khoảng cuối tháng 11/2022 thì T khai thác. Quá trình khai thác, T thấy khối lượng gỗ keo mình mua không đạt sản phẩm so với dự toán. Để bù lỗ, T nảy sinh ý định khai thác những cây có đường kính lớn cạnh vùng giáp ranh diện tích khu vực cây keo đã mua. Sau đó T thuê ông Nguyễn Huy B và ông Lê Vĩnh B khai thác trong thời gian 03 ngày (Quá trình khai thác ông B và ông B2 không biết diện tích rừng mình khai thác là rừng cấm khai thác). Việc T khai thác rừng tự nhiên thì ông S, ông Q và bà T không biết. Ngày 13/12/2022 thì bị lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản.
Ngày 14/12/2022 Hạt kiểm lâm huyện Hương Sơn phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác định có 172 gốc bị chặt, đường kính trung bình 22,33cm, chiều cao gốc chặt bình quân 27,40cm, tại hiện trường và các điểm tập kết có 212 lóng gỗ tròn, loại gỗ thông thường từ N2 – N8, khối lượng 11,232m3. Số cây chưa bị tác động là 125 cây, các loài cây thuộc danh mục thực vật rừng thông thường, chủ yếu là Gió trầm, Lim, Máu chó, Nang, Mỡ, Cồng... Vị trí rừng bị khai thác thuộc thửa đất số 89, khoảnh 6, tiểu khu 51, thôn khe 5, xã Sơn Kim 1, huyện H, tỉnh Hà Tĩnh. Loại rừng: Rừng tự nhiên, quy hoạch sản xuát, trạng thái rừng tự nhiên lá rộng thường xanh nghèo. Diện tích rừng bị tác động là 6.600m2.
Theo quyết định số 607/QĐ-UBND ngày 03/3/2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tình Hà Tĩnh đến năm 2020 thì rừng thuộc thửa đất số 89, khoảnh 6, tiểu khu 51, thôn Khe 5, xã Sơn Kim 1, huyện H, tỉnh Hà Tĩnh là rừng tự nhiên quy hoạch sản xuất.
* Tại bản kết luận định giá tài sản số 03/KL-HĐĐGTS ngày 13/3/2023 của Hội đồng định giá UBND huyện Hương Sơn, kết luận:
Giá trị lâm sản bị chặt phá đối với rừng tự nhiên, quy hoạch rừng sản xuất với khối lượng 11,232m3 tại khoảnh 6, tiểu khu 51, thôn Khe 5, xã Sơn Kim 1, huyện H, tỉnh Hà Tĩnh là 22.797.900 đồng.
* Vật chứng thu giữ:
+ 212 Lóng gỗ tròn nhóm loài thông thường từ N2 – N8 có khối lượng 11,232m3 hiện Hạt kiểm lâm huyện Hương Sơn đang quản lý, bảo vệ.
* Vật chứng chuyển đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hương Sơn gồm:
- 01 Chiếc dao phát bằng kim loại dài 66,5cm, phần lưỡi dao dài 27cm màu đen, lưỡi dao có mấu, bề rộng nhất kích thước 5cm, cán dao dài 39,5 cm màu xám, bằng kim loại hình trụ tròn, ruột rỗng, gắn với lưới dao bằng múi hàn.
- 01 Chiếc cưa xăng màu da cam có lưỡi cưa dài 49cm, rộng 08cm, có dây xích quanh lưỡi cưa, trên lưỡi cưa có chữ Hvqovma, cưa đã qua sử dụng (không tìm thấy mã sản phẩm).
* Về dân sự: Ông Trần Ngọc Q và bà Nguyễn Thị T không yêu cầu Nguyễn Thị Bích T phải bồi thường đối với thiệt hại xẩy ra.
Tại Bản án sơ thẩm số 34/2023/HSST ngày 04/7/2023 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Hà Tĩnh tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị Bích T phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác lâm sản”.
- Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 232, các điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự, Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Bích T 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi chấp hành án.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 14/7/2023, bị cáo Nguyễn Thị Bích T kháng cáo bản án sơ thẩm xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.
Tại phiên toà phúc thẩm người kháng cáo vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa sau khi phân tích, đánh giá các tình tiết của vụ án có ý kiến: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e, khoản 1 Điều 357 BLTTHS chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, sửa bản án hình sự sơ thẩm 34/2023/HSST ngày 04/7/2023 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Hà Tĩnh theo hướng cho bị cáo được hưởng án treo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Về tố tụng: Kháng cáo của bị cáo trong hạn luật định nên hợp lệ được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
[2]. Về nội dung:
[2.1]. Căn cứ lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án có đủ cơ sở kết luận: Vào đầu tháng 12/2022, Nguyễn Thị Bích T đã có hành vi thuê người phát sẻ, khai thác 11.232m3 gỗ thuộc nhóm thông thường tại thửa đất số 89, khoảng 6, tiểu khu 51 thuộc thôn Khe 5, xã Sơn Kim 1, huyện H, tỉnh Hà Tĩnh là rừng tự nhiên quy hoạch sản xuất gây thiệt hại 22.797.900 đồng. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng, xâm hại đến sự ổn định bền vững của môi trường sinh thái, môi trường sống của con người được pháp luật bảo vệ. Bị cáo đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có khiếu nại gì về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên; Hội đồng xét xử sơ thẩm. Như vậy, bản án sơ thẩm đã xét xử bị cáo theo tội “Vi phạm quy định về khai thác lâm sản” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 232 của Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, không oan sai.
[2.2]. Xét nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo của bị cáo, thấy:
Quá trình xét xử tại cấp sơ thẩm, hội đồng xét xử sơ thẩm đã xem xét toàn diện tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi của bị cáo, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tổng trị giá tài sản bị cáo gây thiệt hại để lên mức án tương xứng, đảm bảo tính răn đe giáo dục cũng như phòng ngừa chung. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX xét thấy, bị cáo đã xuất trình thêm các tài liệu chứng cứ gồm 01 đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Sơn Kim I; 01 xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Sơn Kim về những đóng góp của bị cáo trong quá trình sinh sống ở địa phương cho quỹ người nghèo, xây dựng bia tưởng niệm Liệt sỹ, phong trào phòng chống dịch covid 19; ngoài ra những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn S và ông Trần Ngọc Q cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo T được hưởng án treo. Đây là các tình tiết giảm nhẹ chưa được HĐXX sơ thẩm xem xét. Mặt khác, sau khi phạm tội, bị cáo đã rất ăn năn hối cải, có nơi cư trú ổn định, từ trước tới nay luôn chấp hành tốt các nội quy, quy định tại địa phương, chưa có tiền án, tiền sự gì. Vì vậy, HĐXX phúc thẩm xét thấy không cần thiết cách ly bị cáo ra khởi đời sống xã hội mà cho bị cáo được hưởng án treo, cải tạo giáo dục tại địa phương là phù hợp và thể hiện được tính khoan hồng của Pháp luật. Vì vậy, HĐXX cần chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho bị cáo được hưởng án treo.
[3]. Về án phí: Bị cáo kháng cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
[1]. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e, khoàn 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự xử:
Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Bích T, sửa bản án hình sự sơ thẩm số 34/2023/HSST ngày 04/7/2023 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Hà Tĩnh.
Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị Bích T, phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác lâm sản” Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232, các điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật Hình sự:
- Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Bích T 06 (Sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 12 tháng, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Giao bị cáo Nguyễn Thị Bích T cho UBND xã Sơn Kim 1, huyện H, tỉnh Hà Tĩnh giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo Điều 92 Luật thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
[2]. Về Án phí: Căn cứ điều 135, 136 Bộ luật tố tụng hình sự; điểm h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội vi phạm quy định khai thác lâm sản số 154/2023/HS-PT
Số hiệu: | 154/2023/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Tĩnh |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 19/09/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về