Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 40/2020/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 40/2020/HS-PT NGÀY 06/05/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 06 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 40/2020/TLPT-HS ngày 09/3/2020 đối với bị cáo Võ Đại D cùng đồng phạm; do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đam Rông đối với bản án hình sự sơ thẩm số 29/2019/HS-ST ngày 20/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

* Các bị cáo bị kháng nghị.

1. Họ và tên: Võ Đại D. Sinh năm 1985 tại Phú Yên. Nơi ĐKHKTT và cư trú: Thôn Lạc Chỉ, xã HMĐ, huyện TH, tỉnh Phú Yên. Quốc tịch: Việt Nam. Dân tộc: Kinh. Giới tính: Nam. Tôn giáo: Không. Học vấn: 12/12. Nghề nghiệp: Làm nông. Con ông Võ Thế Nh, sinh năm 1949 và bà Nguyễn Thị Th, sinh năm 1960. Có vợ là: Phạm Thị Hồng D, sinh năm 1985. Con: Có 02 con, lớn nhất sinh năm 2002, nhỏ nhất sinh năm 2015. Hiện vợ và các con đang sinh sống tại xã HMĐ, huyện TH, tỉnh Phú Yên.

Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giữ ngày 15 tháng 7 năm 2019, được thay thế biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú ngày 24 tháng 7 năm 2019. Có mặt.

2. Họ và tên: Võ Hồng L. Sinh năm 1979 tại Phú Yên. Nơi ĐKHKTT và cư trú: Thôn Lạc Chỉ, xã HMĐ, huyện TH, tỉnh Phú Yên. Quốc tịch: Việt Nam. Giới tính: Nam. Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không. Học vấn: 10/12. Nghề nghiệp: Làm nông. Con ông Võ Thế Nh, sinh năm 1949 và bà Nguyễn Thị Th, sinh năm 1960. Có vợ là Lương Thị Mỹ N, sinh năm 1991. Con: Có 02 con, lớn nhất sinh năm 2010, nhỏ nhất sinh năm 2013. Hiện vợ và các con đang sinh sống tại xã HMĐ, huyện TH, tỉnh Phú Yên.

Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam ngày 15 tháng 7 năm 2019, được thay thế biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú ngày 10 tháng 10 năm 2019. Có mặt.

3. Họ và tên: Phạm Văn H. Sinh năm 1991 tại Quảng Ngãi. Nơi ĐKHKTT và cư trú: Thôn MK, xã ĐT, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Quốc tịch: Việt Nam. Giới tính: Nam. Dân tộc: Hrê. Tôn giáo: Không. Học vấn: 02/12. Nghề nghiệp: Làm nông. Con ông Phạm Văn L và bà Phạm Thị Đ. Có vợ là Cơ Liêng K’Ph, sinh năm 1995. Con: Có 02 con, lớn nhất sinh năm 2015, nhỏ nhất sinh năm 2018. Hiện vợ và các con đang sinh sống tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Tiền án, tiền sự: Không.

Nhân thân: Ngày 18/9/2014 bị Tòa án nhân dân huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi xử phạt 18 tháng tù về tội cố ý gây thương tích; chấp hành xong ngày 22/6/2015.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

4. Họ và tên: Nguyễn Văn T. Sinh năm 1987 tại Phú Yên. Nơi ĐKHKTT và cư trú: Thôn MK, xã ĐT, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Quốc tịch: Việt Nam. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Học vấn: 0/12. Nghề nghiệp: Làm nông. Con ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1963 và bà Lê Thị Y, sinh năm 1967. Có vợ là Cơ Liêng K’C, sinh năm 2001. Con: Có 01 con, sinh năm 2019. Hiện vợ và con đang sinh sống tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Võ Đại D, sinh năm 1985 và Võ Hồng L, sinh năm 1979 là hai anh em ruột, cùng trú tại xã HMĐ, huyện TH, tỉnh Phú Yên. Năm 2017 D đến làm thuê tại xã Đạ Long, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, thì nghe nói trong rừng thuộc xã Đạ Long có nhiều cây gỗ Xá xị, chứa tinh dầu. Đến tháng 6 năm 2019, D nảy sinh ý định đi lên rừng khai thác cây Xá xị, chiết xuất tinh dầu, bán lấy tiền. Sau đó, D một mình đi lên tiểu khu 65, thuộc xã Đạ Long để tìm và phát hiện một khu vực có nhiều cây Xá xị còn sống và nhiều gốc cây Xá xị khô. Nên D về lại xã HMĐ, huyện TH, tỉnh Phú Yên, bàn với Võ Hồng L, rủ L cùng tham gia đi khai thác Xá xị, thì Lịch đồng ý. D tiếp tục liên lạc với Phạm Văn H, sinh năm 1991 và Nguyễn Văn T, sinh năm 1987, cùng trú tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, thuê H và Tứ tham gia với tiền công 250.000 đồng/ngày, H và Tứ đồng ý.

Đến cuối tháng 6 năm 2019, D chuẩn bị các công cụ gồm: 01 nồi bằng kim loại, cao 01m, đường kính 1,3m; 02 máy cưa xăng cầm tay, nhãn hiệu Katsu màu xanh; 02 xà beng, loại dài 0,9m; 01 trục bào; 01 máy nổ chạy dầu, loại D6; 01 xẻng; 04 cái cuốc; 01 con dao phát; bạt; ống nước; can nhựa; xoong nồi và đồ ăn rồi cùng với Lịch, H và Tứ chuyển toàn bộ các công cụ, đồ đạc lên rừng thuộc lô b, khoảnh 1, tiểu khu 65, xã Đạ Long, huyện Đam Rông.

Sau khi vận chuyển xong các công cụ, đồ đạc lên khu vực đã chọn. Sáng ngày 01 tháng 7 năm 2019, Võ Đại D, Võ Hồng L, Phạm Văn H và Nguyễn Văn T bắt đầu cùng dựng lán trại, chôn nồi nấu, kê máy nổ, máy bào, làm bể nước ngưng đọng để thực hiện việc khai thác, chiết xuất tinh dầu từ gỗ Xá xị. Tại hiện trường, Lịch, H và Tứ dùng cuốc, xẻng, xà beng đào gốc các cây Xá xị còn sống, khi rễ trật ra, cây tự đổ bật gốc rồi dùng máy cưa cắt phần gốc thành các cục gỗ nhỏ. Đối với gốc cây Xá xị đã bị cắt phần thân từ trước, thì dùng cuốc, xẻng, xà beng đào lên rồi dùng máy cưa cắt thành các cục nhỏ, vác về khu vực lán trại.Võ Đại D ở tại khu vực lán trại, dùng máy cưa cưa hạ các cây gỗ tạp quanh khu vực lán làm củi đốt. D bào nhỏ các cục gốc, rễ cây Xá xị, bỏ vào nồi nấu. Khi gỗ Xá xị bị đun nóng, tinh dầu bốc hơi được dẫn qua ống vào bể nước ngưng đọng thành giọt và chảy vào can nhựa. Cứ như vậy, các bị cáo đã khai thác, chiết xuất được 02 can rưỡi, loại can 30 lít tinh dầu từ gỗ Xá xị. Sau đó D liên lạc, gửi qua xe khách bán cho một người phụ nữ tên Liên tại Thành phố Đà Nẵng (không rõ nhân thân, lịch) 01 can tinh dầu Xá xị với số tiền 6.000.000 đồng. D đã trả cho H 1.500.000 đồng, trả cho Tứ 2.000.000 đồng, số còn lại trả tiền mua công cụ, đồ đạc trước đó. Các bị cáo thực hiện hành vi khai thác, chiết xuất tinh dầu Xá xị từ ngày 01 đến trưa ngày 10 tháng 7 năm 2019, thì bị phát hiện, nên bỏ lại toàn bộ công cụ, đồ đạc tại hiện trường rồi đi về.

Theo kết quả khám nghiệm hiện trường ngày 15 tháng 7 năm 2019 và xác minh hiện trường ngày 22 tháng 8 năm 2019, tại lô b, khoảnh 1, tiểu khu 65, thuộc địa giới hành chính xã Đạ Long, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng có 23 cây gỗ bị cưa hạ, tổng khối lượng lâm sản bị thiệt hại là 29,609m3, trong đó: 09 cây Xá xị, tên khoa học là Vù hương-Cinnamomun parthernoxylon, nhóm IIA, phần thân có khối lượng 12,495m3, phần cành ngọn có khối lượng 1,901m3 và phần gốc, rễ còn lại có khối lượng 0,350m3 (350kg), tổng khối lượng 14,746m3; 14 cây gỗ chủng loại Sp (gỗ tạp), nhóm VI có tổng khối lượng 14,863m3, đối tượng rừng sản xuất là rừng tự nhiên, trạng thái rừng Thường xanh trung bình.

Qúa trình điều tra đã thu giữ: 01 máy cưa xăng cầm tay hiệu Katsu màu xanh, kèm theo 01 lam dài 60cm, không có sên; 02 chiếc cuốc, cán bằng tre; 01 dao phát, cán bằng tre; 01 nồi bằng kim loại, cao 01m, đường kính 1,3m, đã tháo rời. Đối với các công cụ, đồ đạc còn lại, Cơ quan điều tra đã tiến hành truy tìm nhưng không thu giữ được. Đối với 29,609m3 gỗ còn lại tại hiện trường, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định xử lý vật chứng số 23 ngày 18 tháng 9 năm 2019, giao cho Hạt kiểm lâm huyện Đam Rông thu hồi, xử lý theo quy định.

Theo Bản kết luận định giá tài sản số 04 ngày 10/10/2019 của Hội đồng định giá tài sản huyện Đam Rông, kết luận: Giá trị thiệt hại về lâm sản của 29,609m3 gỗ là 299.000 đồng, giá trị thiệt hại về môi trường là 897.000 đồng, tổng giá trị thiệt hại về rừng là 1.167.000 đồng.

Tại bản cáo trạng số 30/CT-VKS ngày 06 tháng 11 năm 2019 của viện kiểm sát nhân dân huyện Đam Rông tỉnh Lâm Đồng đã truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Đam Rông tỉnh Lâm Đồng để xét xử các bị cáo Võ Đại D cùng đồng phạm về “ Tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự.

Tại bản án số 29/2019/HS-ST ngày 20/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Đam Rông đã xử;

Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự; điểm b,i, s khoản 1 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo: Võ Đại D 12 (Mười hai) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng tính từ ngày tuyên án;

Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị Phạm Văn H (chín) tháng tù cho hưởng án treo thời gian thử thách là 18 tháng tính từ ngày tuyên án.

Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 36 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo: Võ Hồng L 06 (Sáu) tháng cải tạo không giam giữ, bị cáo Nguyễn Văn T 06 (sáu) tháng cải tạo không giam giữ.

Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.

Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự Buộc các bị cáo Võ Đại D, Võ Hồng L, Phạm Văn H, Nguyễn Văn T phải liên đới bồi thường số tiền 1.167.000 đồng để sung vào công quỹ nhà nước. Được trừ vào số tiền các bị cáo đã tạm nộp theo biên lai số AA/2010/08550 ngày 07/11/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đam Rông.

Ngoài ra, Bản án còn xử lý vật chứng, tuyên án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Tại quyết định số 01/QĐ-VKS ngày 03/12/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đam Rông kháng nghị:

- Áp dụng Điều 58 Bộ luật hình sự khi quyết định hình phạt.

- Tăng hình phạt đối với bị cáo L lên 09 tháng cải tạo không giam giữ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo không thắc mắc, khiếu nại nội dung Bản án sơ thẩm, không thắc mắc về nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát nhân huyện Đam Rông.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đề nghị căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm b khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đam Rông, sửa Bản án sơ thẩm, áp dụng thêm Điều 58 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo nhằm đảm bảo việc tuyên hình phạt đúng quy định pháp luật; tăng hình phạt đối với bị cáo Võ Hồng L lên 09 tháng cải tạo không giam giữ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Vì muốn có tiền để trang trải gia đình, bị cáo Võ Đại D đã rủ các bị cáo Võ Hồng L, Phạm Văn H, Nguyễn Văn T đi khai thác gỗ Xá xị tại tiểu khu 65 thuộc xã Đạ Long là khu rừng phòng hộ để chiết xuất thành tinh dầu rồi bán lấy tiền tiêu xài với tổng khối lượng lâm sản bị thiệt hại là 29,609m3. Giá trị thiệt hại về lâm sản của 29,609m3 gỗ là 299.000 đồng, giá trị thiệt hại về môi trường là 897.000 đồng, tổng giá trị thiệt hại về rừng là 1.167.000 đồng.

Đối chiếu lời khai nhận của các bị cáo, lời khai của người liên quan, kết quả khám nghiệm hiện trường, kết luận định giá trong tố tụng hình sự và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên bố các bị cáo Võ Đại D, Võ Hồng L, Phạm Văn H và Nguyễn Văn T phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[2] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đam Rông;

Trong vụ án này, các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm giản đơn, bị cáo Võ Đại D là người rủ rê và chuẩn bị các công cụ để khai thác rừng, các bị cáo Võ Hồng L, Phạm Văn H và Nguyễn Văn T sau khi được D rủ đi đã nhận lời và tham gia khai thác rừng một cách tích cực. Do vậy, khi tuyên án cần áp dụng Điều 58 Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt đối với các bị cáo nhưng cấp sơ thẩm không áp dụng là không đúng quy định.

Đối với bị cáo Võ Hồng L bị Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt hình phạt Cải tạo không giam giữ, trong quá trình điều tra, bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam từ ngày 15 tháng 7 năm 2019 đến ngày 10 tháng 10 năm 2019 thì thay đổi biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú. Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật hình sự quy định “Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ”; Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Lịch 06 tháng cải tạo không giam giữ nhưng bị cáo đã bị tạm giam 88 ngày x3 = 264 ngày/30 ngày=8 tháng 24 ngày cải tạo không giam giữ là không đúng quy định pháp luật. Do vậy, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đam Rông, sửa bản án sơ thẩm.

[3] Về án phí: Vụ án do Viện kiểm sát kháng nghị, nên các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm b khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự;

1. Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đam Rông, sửa Bản án sơ thẩm.

Tuyên bố các bị cáo Võ Đại D, Võ Hồng L, Phạm Văn H và Nguyễn Văn T phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự; điểm b,i, s khoản 1 Điều 51; Điều 58; Điều 65 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo: Võ Đại D 12 (Mười hai) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 58; Điều 65 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị Phạm Văn H 09 (chín) tháng tù cho hưởng án treo thời gian thử thách là 18 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao các bị cáo Võ Đại D cho Ủy ban nhân dân xã HMĐ, huyện TH, tỉnh Phú Yên; Giao bị cáo Phạm Văn H cho Ủy ban nhân dân xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người bị kết án. Trường hợp người bị kết án thay đổi nơi cư trú thì việc Thi hành án thực hiện theo qui định tại khoản 1 điều 69 Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 58; Điều 36 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo Võ Hồng L, Nguyễn Văn T.

Xử phạt bị cáo Võ Hồng L 09 (chín) tháng cải tạo không giam giữ. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ 15/7/2019 đến ngày 10/10/2019.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 06 (sáu) tháng cải tạo không giam giữ. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.

Giao bị cáo Võ Hồng L cho Ủy ban nhân dân xã HMĐ, huyện TH, tỉnh Phú Yên; Giao bị cáo Nguyễn Văn T cho Ủy ban nhân dân xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng nơi bị cáo cư trú để theo dõi giáo dục, gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương để theo dõi giáo dục bị cáo trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ.

2. Về án phí: Áp dụng Điều 135; Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Các bị cáo Võ Đại D, Võ Hồng L, Phạm Văn H, Nguyễn Văn T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

117
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 40/2020/HS-PT

Số hiệu:40/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: đang cập nhật
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về