Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 39/2019/HSST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐẮK SONG, TỈNH ĐẮK NÔNG

BẢN ÁN 39/2019/HSST NGÀY 12/08/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 12 tháng 8 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 31/2019/TLST-HS ngày 18 tháng 6 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 38/2019/QĐXXST-HS ngày 16/7/2019 và quyết định hoãn phiên tòa số 27/2019/HSST-QĐ ngày 31/7/2019 đối với bị cáo:

Phạm Văn D, sinh năm 1974 tại tỉnh Ninh Bình; nơi cư trú: Thôn H, xã T, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông; trình độ văn hoá: 05/12; nghề nghiệp: Làm nông; con ông Phạm Văn Đ và bà Phạm Thị H (đã chết); có vợ là Đào Thị M và 03 con; tiền án: Không; tiền sự: Ngày 14/5/2018 bị Hạt kiểm lâm huyện Đ xử phạt hành chính về hành vi chế biến lâm sản trái phép; bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, tại ngoại; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Tháng 02 năm 2014, D mở xưởng mộc dân dụng và đăng ký kinh doanh tại Phòng Tài Chính - Kế hoạch huyện Đ, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 63C00000017, ngày 21/02/2014.

Quá trình mở xưởng mộc, D mua một số gỗ không rõ ngồn gốc xuất xứ và giấy tờ của người khác rồi mang về tập kết tại xưởng để chế biến đồ mộc. Ngày 08/5/2018, Hạt Kiểm Lâm huyện Đ phối hợp với Công an xã T tiến hành kiểm tra xưởng mộc của D thì phát hiện tại xưởng có 0,276 m3 gỗ xẻ. Do Phạm Văn D không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số gỗ nói trên nên đã bị Hạt Kiểm lâm huyện Đ lập biên bản vi phạm hành chính số 000679/BB-VPHC ngày 08/5/2018, về hành vi chế biến lâm sản trái phép. Ngày 14/5/2018, Hạt Kiểm Lâm huyện Đ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 000669/QĐ-XPVPHC đối với Phạm Văn D về hành vi chế biến lâm sản trái phép, quy định tại điểm c, khoản 1, điều 23 Nghị định số 157/2013/NĐCP ngày 11/11/2013 của Chính phủ với số tiền xử phạt 3.000.000 đồng. Ngày 05/06/2018, Phạm Văn D đã nộp tiền phạt tại Kho bạc nhà nước huyện Đ theo quyết định xử phạt nói trên.

Khoảng 08 giờ 00’, ngày 29/01/2018, D nhận được điện thoại của một người đàn ông nói là ở xã M, hỏi D có xẻ gỗ không thì D trả lời có. Người này thuê D xẻ 03 hộp gỗ với giá hai bên thỏa thuận là 600.000 đồng/ 01 khối thì D đồng ý. Khoảng 10 giờ 00’cùng ngày, người đàn ông nói trên điều khiển 01 xe tải màu trắng, loại xe đông lạnh (không rõ biển kiểm soát) chạy vào xưởng gỗ của D đổ 03 hộp gỗ xuống sân. D biết số gỗ này là của người đàn ông lúc trước đã gọi điện thoại thuê D xẻ. Khoảng 12 giờ 00’ cùng ngày, D đưa số gỗ nói trên vào xưởng, chuẩn bị xẻ thì bị Phòng Cảnh sát môi trường (PC03) Công an tỉnh Đ cùng với Hạt Kiểm lâm huyện Đ kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, Phạm Văn D không xuất trình được giấy tờ liên quan đến 03 hộp gỗ nói trên nên Hạt Kiểm Lâm huyện Đ và Phòng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đ đã lập biên bản vi phạm hành chính số 001680 ngày 29/01/2018 D về hành vi chế biến lâm sản trái phép, với khối lượng gỗ là 1,488 m3. Sau khi bị lập biên bản, Phạm Văn D sử dụng điện thoại Nokia, màu đen gọi lại cho người đã thuê xẻ gỗ đến để làm việc nhưng không được. Do bực tức, D đã đập vỡ chiếc điện thoại trên rồi ném đi.

Ngày 11/02/2019, Hạt Kiểm Lâm huyện Đ đã ra quyết định xử phạt hành chính số 000240/QĐ-XPVPHC đối với Phạm Văn D, với số tiền 15.100.000 đồng. Tuy nhiên, quá trình xác minh nhận thấy hành vi của Phạm Văn D có dấu hiệu tội phạm, vì trước đó D đã vi phạm hành chính chưa hết thời hiệu lại tiếp tục vi phạm nên ngày 14/02/2019, Hạt Kiểm Lâm huyện Đ đã ra quyết định số 01/QĐ-TĐC, tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt hành chính số 000240/QĐ-XPVPHC trước đó. Đồng thời, chuyển hồ sơ đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Song để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Ngày 02/05/2019, Hạt Kiểm Lâm huyện Đ ra quyết định số 108/QĐ-XPVPHC về việc hủy bỏ Quyết định xử phạt hành chính số 000240/QĐ-XPVPHC ngày 11/02/ 2019 của Hạt Kiểm Lâm huyện Đ.

Tại bản Kết luận giám định số 01/KLGĐ ngày 01/03/2019 của Hạt Kiểm Lâm huyện Đ kết luận: 03 hộp gỗ xẻ bị tạm giữ là gỗ Huỳnh Đường thuộc nhóm I thông thường có khối lượng 1,488 m3, giá trị 18.332.160 đồng.

Tại bản cáo trạng số 33/CTr-VKS ngày 17/6/2019,Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đắk Song đã truy tố Phạm Văn D về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại điểm m khoản 1 Điều 232 BLHS.

Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đắk Song vẫn giữ nguyên quyết định truy tố đối với Phạm Văn D về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” .Sau khi xem xét, đánh giá các tình tiết định tội, giảm nhẹ trách nhiện hình sự. Đề nghị tuyên bố bị cáo Phạm Văn D phạm tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”; áp dụng điểm m khoản 1 Điều 232, điểm i, s khoản 1 Điều 51, khoản 1 khoản Điều 65 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo Phạm Văn D từ 06 đến 09 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 12 tháng đến 18 tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Phạm Văn D cho Uỷ ban nhân dân xã T, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông nơi bị cáo đang cư trú giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.

Việc xử lý vật chứng: Đề nghị HĐXX căn cứ điểm a khoản 1Điều 47 BLHS; điểm b khoản 2 Điều 106 BLTTHS: Đối với 03 hộp gỗ có kích thước: (04 x 0,5 x 0,31) m; (2,2 x 0,5cm x 0,42) m; (2,2 x 0,44 x 0,42) m có tổng khối lượng là 1,488m3. Quá trình điều tra xác định là vật chứng mà Phạm Văn D tàng trữ để chế biến trái phép nên cần tịch thu nộp ngân sách Nhà nước.

Đối với 01 cưa CD đứng đã qua sử dụng, cao 2,1m, bàn xẻ gỗ rộng 80cm, mâm cưa trên cách bàn xẻ 60cm; phía sau có gắn 01 mô tơ màu xanh không nhãn hiệu, có kích thước (18 x 25) cm mà Phạm Văn D sử dụng để xẻ gỗ. Quá trình điều tra xác định chiếc cưa nói trên D chưa sử dụng xẻ gỗ. Mặt khác, D có giấy phép kinh doanh đối với ngành nghề được sử dụng cưa CD nên đề nghị trả lại cho Phạm Văn D là chủ sở hữu hợp pháp chiếc cưa trên.

Bị cáo không bào chữa gì về hành vi phạm tội của mình mà chỉ xin Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, những người tham gia tố tụng không ai có ý kiến, khiếu nại gì về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tháng 02 năm 2014, Phạm Văn D đăng ký kinh doanh rồi mở xưởng mộc dân dụng tại Thôn H, xã T, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông. Ngày 08/5/2018, D bị Hạt Kiểm Lâm huyện Đ lập biên bản về hành vi chế biến 0,276 m3 gỗ trái phép. Ngày 14/5/2018, Hạt Kiểm Lâm huyện Đ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Phạm Văn D về hành vi chế biến lâm sản trái phép, xử phạt với số tiền 3.000.000 đồng. Ngày 05/06/2018, Phạm Văn D chấp hành quyết định xử phạt nói trên.

Ngày 29/01/2018, Phạm Văn D tiếp tục bị Phòng Cảnh sát môi trường (PC 03) Công an tỉnh Đ và Hạt Kiểm lâm huyện Đ lập biên bản về hành vi chế biến lâm sản trái phép 1,488 m3 gỗ.

Tại bản Kết luận giám định số 01/KLGĐ ngày 01/03/2019 của Hạt Kiểm Lâm huyện Đ kết luận: 03 hộp gỗ xẻ bị tạm giữ là gỗ Huỳnh Đường thuộc nhóm I thông thường, có khối lượng 1,488 m3, giá trị 18.332.160 đồng.

Mặc dù số lượng gỗ chưa đủ yếu tố cấu thành tội nhưng do Phạm Văn D đã bị xử phạt vi phạm hành chính trước, chưa hết thời hiệu mà còn vi phạm. Với tình tiết định tội trên nên hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, quy định tại điểm m khoản 1, Điều 232 BLHS.

Tại điểm m khoản 1Điều 232 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 243 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) …;

…;

m) Khai thác, tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép gỗ hoặc thực vật rừng ngoài gỗ có khối lượng hoặc trị giá dưới mức quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm l khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

[3] Xét hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng, xâm hại đến sự ổn định và bền vững của môi trường sinh thái. Bị cáo có đầy đủ năng lực và điều kiện để nhận thức được việc chế biến gỗ không giấy tờ hợp pháp theo quy định đều bị xử lý nghiêm, nhưng do ý thức coi thường pháp luật nên bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Đ nói riêng, tỉnh Đắk Nông nói chung các hành vi phá rừng, chế biến lâm sản trái phép diễn ra hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng và môi trường. Vì vậy, HĐXX cần áp dụng một hình phạt nghiêm nhằm giáo dục bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, số lượng gỗ bị cáo xẻ cho người không biết lai lịch, chưa đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng do bị cáo đã bị xử phạt hành chính chưa hết thời hiệu nên bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Xét tính chất mức độ, phạm tội thì hình thức xử phạt hành chính là tình tiết định tội, bị cáo là người làm nghề mộc, có đăng ký kinh doanh, việc vi phạm thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, bị cáo không thuộc trường hợp không được hưởng án treo nên HĐXX xét thấy cần áp dụng Điều 65 BLHS cũng đủ tác dụng răn đe, phòng ngừa chung cũng như giáo dục bị cáo.

[4] Về các tình tiết giảm nhẹ: Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo bị xử phạt hành chính nhưng đã phải chịu tình tiết định tội nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ là phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Vì vậy, các tình tiết giảm nhẹ bị cáo được áp dụng quy định tại điểm i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

[5] Xét quan điểm và đường lối xử lý của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đắk Song là có căn cứ phù hợp với pháp luật nên chấp nhận.

[6] Đối với đối tượng thuê D xẻ 1,488m3 gỗ Huỳnh đường, do không điều tra rõ được nhân thân lai lịch nên không có căn cứ xử lý.

[7] Đối với chiếc điện thoại D dùng liên lạc với đối tượng thuê xẻ gỗ kh ông còn giá trị truy thu nên không đề cập xử lý.

[8] Về vật chứng của vụ án: Đối với 03 hộp gỗ có kích thước: hộp 1(50 cm x 31cm x 04m); hộp 2 (50cm x 31cm x2,2m); hộp 3 (44cm x 42 cm x 2,2 m) có tổng khối lượng là 1,488m3. Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa xác định là vật chứng Phạm Văn D tàng trữ để chế biến trái phép nên cần tịch thu nộp Ngân sách Nhà nước.

Đối với 01 cưa CD đứng đã qua sử dụng, cao 2,1m, bàn xẻ gỗ rộng 80cm, mâm cưa trên cách bàn xẻ 60cm; phía sau có gắn 01 mô tơ màu xanh không nhãn hiệu, có kích thước (18 x 25) cm mà Phạm Văn D sử dụng để xẻ gỗ. Quá trình điều tra xác định chiếc cưa nói trên D chưa sử dụng xẻ gỗ. Mặt khác, D có giấy phép kinh doanh đối với ngành nghề được sử dụng cưa CD nên HĐXX xét thấy trả lại cho Phạm Văn D là chủ sở hữu hợp pháp chiếc cưa nói trên là phù hợp.

[9] Về hình hạt bổ sung: Hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn nên không có căn cứ áp dụng.

[10] Về án phí: Bị cáo phải nộp án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

[11] Về quyền kháng cáo: Bị cáo được quyền kháng cáo bản án theo quy định pháp luật;

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1.Tuyên bố bị cáo Phạm Văn D phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Áp dụng điểm m khoản 1, Điều 232 BLHS; điểm i, s khoản 1 Điều 51, khoản 1 khoản 2 Điều 65 Bộ luật hình sự:

Xử phạt bị cáo Phạm Văn D 09 (chín) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (một) năm 06 (sáu) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Phạm Văn D cho Uỷ ban nhân dân xã T, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông nơi bị cáo đang cư trú giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.

Trường hợp bị cáo Phạm Văn D thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu bị cáo Phạm Văn D cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

2.Về vật chứng của vụ án: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS; điểm b khoản 2 Điều 106 BLTTHS: Tịch thu nộp Ngân sách Nhà nước trị giá của 03 hộp gỗ có kích thước: hộp 1(50 cm x 31cm x 04m); hộp 2 (50cm x 31cm x2,2m); hộp 3 (44cm x 42 cm x 2,2 m) là gỗ Huỳnh Đường thuộc nhóm I thông thường, có tổng khối lượng là 1,488m3.

Trả lại cho Phạm Văn D là chủ sở hữu hợp pháp 01 cưa CD đứng đã qua sử dụng, cao 2,1m, bàn xẻ gỗ rộng 80cm, mâm cưa trên cách bàn xẻ 60cm; phía sau có gắn 01 mô tơ màu xanh không nhãn hiệu, có kích thước (18x25) cm.

(Đặc điểm vật chứng như biên bản bàn giao giữa cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Song và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ ngày 28/6/2019).

4.Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 3, khoản 1 Điều 21, điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Buộc bị cáo Phạm Văn D phải nộp 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí Hình sự sơ thẩm.

5.Quyền kháng cáo: Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2128
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 39/2019/HSST

Số hiệu:39/2019/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Đắk Song - Đăk Nông
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/08/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về