TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BẮC MÊ, TỈNH HÀ GIANG
BẢN ÁN 33/2022/HS-ST NGÀY 16/12/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN
Ngày 16 tháng 12 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Hà Giang, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 33/2022/TLST-HS ngày 23/11/2022 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 32/2022/QĐXXST-HS ngày 02 tháng 12 năm 2022 đối với.
Bị cáo: Giàng A V; sinh năm 1992; nơi sinh: Huyện B, tỉnh Hà Giang; nơi cư trú: Thôn L, xã M, huyện B, tỉnh Hà Giang; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Giàng A V, sinh năm 1965 và con bà: Thào Thị M, sinh năm 1967; có 07 chị em, bị cáo là con thứ 05 trong gia đình; có vợ: Giàng Thị H, sinh năm 1993; có 03 con, con lớn nhất sinh năm 2011 và con nhỏ nhất sinh năm 2018; tiền sự, tiền án: Không; nhân thân: Không; tạm giữ: ngày 23/9/2022; tạm giam: ngày 02/10/2022. Hiện đang áp dụng biện tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện B, tỉnh Hà Giang (Có mặt).
Người bào chữa cho bị cáo: Ông Cao Xuân B - Luật sư thực hiện trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Giang (Có mặt).
Nguyên đơn dân sự: Ban quản lý rừng đặc dụng Dù Già thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang; người đại diện theo ủy quyền ông Nguyễn Tiến B - Cán bộ (Có mặt).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
- Mã Xuân D, sinh năm 1998; nơi cư trú: Thôn L, xã M, huyện B, tỉnh Hà Giang. Hiện đang chấp hành án tại Trại giam Quyết T Bộ Công an (Có mặt).
- Thào A V, sinh năm 1997; nơi cư trú: Thôn L, xã M, huyện B, tỉnh Hà Giang. Hiện đang chấp hành án tại Trại giam Quyết T Bộ Công an (Có mặt).
Người làm chứng: Mã A T, sinh năm 2000; Mã Văn T1, sinh năm 1996. Hiện đang chấp hành án tại Trại giam Quyết T Bộ Công an (Có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Cây thứ nhất: Khoảng tháng 4/2021, Giàng A V một mình đem 01 máy cưa xăng lên rừng đặc dụng tìm cây Nghiến xẻ thớt bán, khi đến nơi quan sát thấy 01 cây Nghiến thân đứng lá còn tươi Giàng A V dùng máy cưa cắt hạ 01 cây Nghiến đổ xuống phát hiện cây gỗ bị rỗng nên không khai thác mà đi về nhà. Khoảng 03 ngày sau Mã Văn T1; Mã A T đem theo 01 máy cưa đến khai thác phần thân cây Nghiến trên xẻ thành các cục dạng thớt vận chuyển về bán cho một người lạ không biết họ và tên, tổng khối lượng 14,99m 3, phần Mã Văn T1, Mã A T khai thác đem ra khỏi rừng là 7,97m3, gỗ còn tại hiện trường là 7,07m3.
Cây thứ hai: Khoảng tháng 4/2021, Giàng A V tiếp tục lên khu rừng đặc dụng cách vị trí cây thứ nhất Vàng đã cắt hạ khoảng 50m phát hiện 01 cây gỗ nghiến thân đứng lá còn tươi dùng máy cưa cắt đổ cây Nghiến sau đó để máy cưa trên rừng đi về nhà, ngày hôm sau đi cùng Mã Xuân D và Thào A V lên khu rừng xẻ phần thân cây nghiến thành các cục gỗ dạng thớt, kích thước dày 05cm, rộng 45cm vận chuyển về bán cho người đàn ông không rõ tên tuổi địa chỉ , tổng khối lượng là 7,89m3 phần bị khai thác khối lượng 6,24m3, phần gỗ còn tại hiện trường là 1,74m3.
Cây thứ ba: Cũng trong tháng 4/2021, Giàng A V, Mã Xuân D mang đem theo 01 máy cưa đi lên khu rừng đặc dụng cách cây thứ 2 khoảng 200m cưa đổ 01 cây Nghiến thân đứng lá còn tươi, sau khi cưa đổ V cùng D xẻ thân cây thành các cục dạng thớt vận chuyển xuống đường mòn bán cho 01 người không rõ tên tuổi địa chỉ rồi chia nhau số tiền tiêu xài cá nhân. Tổng khối lượng cây gỗ Nghiến là 8,20m3 phần bị khai thác 0,33m3, gỗ còn lại tại hiện trường là 7,87m3.
Cây thứ tư: Khoảng tháng 4/2021, Giàng A V và Mã Xuân D tiếp tục đi lên khu rừng đặc dụng mang theo 01 máy cưa xăng cắt hạ 01cây gỗ Nghiến còn tươi đứng cách cây thứ 3 khoảng 100m cả hai dùng máy cưa xăng cắt hạ 01 cây gỗ Nghiến, sau khi cây đổ cùng nhau xẻ thân cây thành các cục gỗ dạng thớt vận chuyển bán cho một người đàn ông không rõ tên tuổi địa chỉ, tổng khối lượng 5,80m3, phần bị khai thác là 0,29m3, gỗ còn tại hiện trường là 5,51m3.
Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 11/6/2021, xác định vị trí 04 cây gỗ Nghiến do Giàng A V khai thác thuộc tiểu khu 155; khoảnh 1; lô 5. Đất rừng đặc dụng là rừng tự nhiên (Theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng năm 2018 được UBND tỉnh phê duyệt) do Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già quản lý. Tổng khối lượng gỗ nghiến bị khai thác 36,88m3; gỗ còn hiện trường thu giữ được 22,05m3; số gỗ đã mang ra khỏi hiện trường 14,83m3. Hiện số gỗ trên giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già quản lý tại Bản án số 09/2022/HS-ST ngày 21/4/2022 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Hà Giang.
Kết luận số 368/CNR-VP, ngày 27/7/2021 của Viện nghiên cứu công nghiệp rừng kết luận tên và nhóm gỗ bị thiệt hại: Mẫu ký hiệu M01, M06, M18 và M22 đồng nhất chủng loại gỗ; tên gỗ: nghiến, tên khoa học: Excentrodendron tonkinense (A.Chev.) H.T.Chang&R.H.Miau, nhóm gỗ: II. Gỗ Nghiến đều thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm Nhóm IIA theo quy định của nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật rừng, thực vật hoang dã nguy cấp.
Ngày 28/9/2022, Cơ quan CSĐT Công an huyện B đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành đưa Giàng A V đến xác định hiện trường vị trí đã khai thác, xác định 04 cây gỗ đã khai thác kết quả trùng khớp với biên bản khám nghiệm hiện trường.
Kết luận định giá tài sản ngày 30/9/2021 tổng 04 cây gỗ Nghiến nhóm IIA khối lượng là 36,88m3 trị giá 366.681.315đ (Ba trăm sáu mươi sáu triệu, sáu trăm tám mươi mốt nghìn, ba trăm mười lăm đồng).
Vật chứng vụ án: 04 cây gỗ Nghiến nhóm IIA khối lượng tại hiện trường 22,05m3 đã giao BQLR đặc dụng Du Già quản lý theo bản án số 09/2022/HS-ST ngày 21/4/2022 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Hà Giang.
Đối với 01 máy cưa xăng màu sơn đỏ - đen sau khi khai thác xong đã hỏng Giàng A V bán sắt vụn không truy thu được. Đối với số gỗ xẻ thành các cục dạng thớt V cùng D, V vận chuyển bán cho người đàn ông không rõ tên tuổi địa chỉ nên không truy thu được.
Về trách nhiệm dân sự: Đại diện nguyên đơn dân sự yêu cầu Giàng A V, Mã Xuân D, Thào A V bồi thường số gỗ khai thác ra khỏi rừng là 6,86m 3 trị giá 69.972.000đ (Sáu mươi chín triệu, chín trăm bảy mươi hai nghìn).
Tại bản cáo trạng số 35/CT-VKSBM ngày 22/11/2022 của Viện kiểm sát nhân dân huyện B truy tố bị cáo Giàng A V về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản theo điểm e khoản 3 Điều 232 Bộ luật Hình sự.
Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa phát biểu quan điểm luận tội, sau khi phân tích các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình điều tra cũng như diễn biến tại phiên tòa. Đề nghị Hội đồng xét xử:
- Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Giàng A V phạm tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.
- Hình phạt: Áp dụng điểm e khoản 3 Điều 232, điều 38, điều 50; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự. Xử phạt: Giàng A V từ 05 (năm) năm 02 (hai) tháng tù đến 05 (năm) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù từ ngày 23/9/2022.
- Về hình phạt bổ sung: Không; về vật chứng: Không.
- Về trách nhiệm dân sự: Buộc Giàng A V, Mã Xuân D, Thào A V bồi thường BQLRĐD Du Già 69.972.000đ; trong đó Thào A V là 21.216.000đ; Mã Xuân D là 24.378.000đ; Giàng A V là 24.378.000đ để nộp sung vào ngân sách nhà nước.
- Về án phí: Áp dụng Điều 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự; điểm đ khoản 1 điều 12, điều 14, khoản 6 điều 15 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định. Miễn toàn bộ án cho bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bào chữa cho bị cáo: Hành vi phạm tội của bị cáo Giàng A V là nguy hiểm cho xã hội đã trực tiếp xâm phạm đến chế độ bảo vệ rừng và quản lý lâm lâm sản của nhà nước. Hành vi khai thác cây rừng trái phép thuộc loài nguy cấp quý hiếm, nhà nước yêu cầu bảo vệ một cách nghiêm ngặt, ngoài ra ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Hành vi của bị cáo truy tố, xét xử về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản theo Điều 232 BLHS là đúng người, đúng tội. Xét về động cơ mục đích, nhân thân bị cáo nguyên nhân điều kiện phạm tội do không có việc làm ổn định, điều kiện kinh tế gia đình gặp khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế, dịch bệnh covid19 kéo dài, công tác quản lý bảo vệ rừng của lực lượng chức năng không thường xuyên, nhiều người trong xã thực hiện hành vi phạm tội nhưng chưa bị phát hiện xử lý kịp thời. Về nhân thân Giàng A V có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, thành khẩn khai báo, nhất thời phạm tội do ảnh hưởng tập quán lạc hậu là lao động chính trong gia đình. Đề nghị HĐXX áp dụng e khoản 3 Điều 232, điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Giàng A V 05 (năm) năm tù; về trách nhiệm dân sự; về án phí nhất trí với quan điểm của Kiểm sát viên.
Bị cáo Giàng A V nhất trí với ý kiến của Luật sư thực hiện Trợ giúp pháp lý bào chữa không bổ sung thêm gì và thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhất trí quan điểm của Kiểm sát viên đề nghị, không có ý kiến tranh luận.
Bị cáo bị cáo nói lời sau cùng xin được giảm nhẹ hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tố tụng: Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện B, Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân huyện B, Kiểm sát viên. Trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, Luật sư thực hiện Trợ giúp pháp lý, nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Về căn cứ định tội, định khung hình phạt: Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa hoàn toàn phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, biên bản xác định hiện trường, bản ảnh hiện trường và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đủ cơ sở kết luận: Khoảng tháng 4/2021 Giàng A V đã có hành vi khai thác trái phép 04 cây gỗ Nghiến nhóm IIA tổng khối lượng 36,88m3 giá trị 366.681.315 đồng. Vị trí khai thác thuộc tiểu khu 155, khoảnh 1, lô 5 đối tượng rừng: Đất rừng đặc dụng là rừng tự nhiên do Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già quản lý (Theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng năm 2018 được UBND tỉnh phê duyệt). Như vậy, bản Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố bị cáo Giàng A V về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, theo điểm e khoản 3 Điều 232 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng quy định của pháp luật.
Điều 232 Bộ luật Hình sự quy định ...3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
...e) Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên ...10 mét khối (m 3) trở lên gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA.
[3] Đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội: Hành vi phạm tội của bị cáo Giàng A V thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, bị cáo biết hành vi khai thác gỗ trái phép là vi phạm pháp luật, nhưng bị cáo vẫn cố ý thực hiện, tại phiên tòa bị cáo thừa nhận được nghe cơ quan chức của huyện, xã tuyên truyền Luật lâm nghiệp và các văn bản liên quan đến việc bảo vệ rừng. Trong khi toàn Đảng, toàn dân phát động phong trào trồng cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống sói mòn sạt lở. Huyện B đã có nhiều giải pháp quyết liệt tuyên truyền bảo vệ rừng, nhưng tình hình khai thác gỗ trái phép trên địa bàn diễn ra rất phức tạp. Bị cáo khai thác trái phép với số lượng gỗ lớn, gây thiệt hại rất nghiêm trọng tài sản của nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường rừng, bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi khai thác gỗ không có giấy phép là trái pháp luật. Mục đích cắt hạ gỗ xẻ thành thớt bán lấy tiền tiêu xài cá nhân. Nên cần xử phạt bị cáo bằng chế tài Luật hình sự tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội bị cáo gây ra. Do đó, cần cách ly bị cáo với xã hội một thời gian nhất định để giáo dục bị cáo nói riêng và phòng ngừa tội phạm chung.
[4] Khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.
[5] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo Giàng A V khai thác 04 cây gỗ nghiến, mỗi cây đều đủ định lượng thuộc trường hợp phạm tội hai lần trở lên phải chịu trách nhiệm tình tiết tăng nặng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.
[6] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo Giàng A V trong quá trình điều tra và tại phiên tòa thành khẩn khai báo, chưa có tiền án, tiền sự, sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người dân tộc thiểu số. Bị cáo sau khi phạm tội đã đến cơ quan CSĐT Công an huyện B đầu thú về hành vi phạm tội. Bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2, Điều 51 Bộ luật Hình sự. Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo thể hiện chính sách khoan hồng của nhà nước.
[7] Bị cáo Giàng A V đang bị tạm giam tại nhà tạm giữ Công an huyện B, Hội đồng xét xử xét thấy cần tiếp tục quyết định tạm giam bị cáo để đảm bảo cho việc thi hành án theo quy định tại Điều 329 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
[8] Trong vụ án có đối tượng liên quan:
[8.1] Đối với Mã Văn T1, Mã A T khai thác phần thân cây do Giàng A V cắt hạ khối lượng là 7,97m3; Mã Xuân D tham gia cùng Vàng khai thác 03 cây gỗ khối lượng là 21,80m3; Thào A V tham gia khai thác cùng Mã Xuân D và Giàng A V 01 phần thân cây gỗ nghiến khối lượng là 6,24m3, các đối tượng trên đã bị xét xử bằng bản án số 09/2022/HS-ST ngày 21/4/2022 của Tòa án nhân dân huyện B nên Cơ quan điều tra Công an huyện B không đề cập xử lý là đúng quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử không xem xét.
[8.2] Đối với người đàn ông không rõ tên tuổi, địa chỉ mua thớt của Giàng A V, Mã Xuân D, Thào A V. Cơ quan CSĐT tiến hành điều tra xác minh nhưng không đủ cơ sở để xác định nhân thân lai lịch do vậy không có căn cứ để xử lý. Hội đồng xét xử không xem xét.
[9] Về hình phạt bổ sung: Quy định tại khoản 4 Điều 232 Bộ luật Hình sự thì “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000đ đến 50.000.000đ”. Tuy nhiên, các tài liệu chứng cứ và tại phiên tòa là người dân lao động thuần túy, thu nhập không ổn định, sống ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là người dân tộc thiểu số. Vì vậy Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền đối với bị cáo.
[10] Trách nhiệm dân sự: Đại diện nguyên đơn dân sự yêu cầu bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án liên đới bồi thường số gỗ khai thác vận chuyển ra khỏi rừng không truy thu được 6,86m3 trị giá 69.972.000đ để nộp sung vào ngân sách nhà nước; trong đó Mã Xuân D là 24.378.000đ; Thào A V là 21.216.000đ; Giàng A V là 24.378.000đ. Xét thấy là phù hợp được chấp nhận.
[11] Số tiền bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án khai thác gỗ nghiến đã xẻ thành thớt bán khoản thu lời bất chính từ việc phạm tội mà có theo quy định của pháp luật phải truy thu nộp ngân sách nhà nước, nhưng thời gian xảy ra vụ án đã lâu không nhớ cụ thể số tiền thu lời bất chính. Xét bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có hoàn cảnh khó khăn nên Hội đồng xét xử không truy thu số tiền.
[12] Về xử lý vật chứng: Đối với 04 cây gỗ Nghiến nhóm IIA đã xử lý bằng bản án có hiệu lực pháp luật do đó không xem xét trong vụ án này. Đối với 01 máy cưa xăng sau khi khai thác xong đã hỏng Giàng A V bán sắt vụn không thu được. Hội đồng xét xử không xem xét.
[13] Từ những căn cứ trên đại diện Viện Kiểm sát đề nghị là có căn cứ được chấp nhận.
[14] Tại phiên tòa Luật sư thực hiện trợ giúp viên bào chữa cho bị cáo Giàng A V 05 (Năm) năm tù không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong việc răn đe, đấu tranh tội phạm phòng ngừa chung. Hội đồng xét xử không chấp nhận.
[15] Về án phí: Bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và có đơn đề nghị miễn nộp án phí, nên được miễn toàn bộ tiền án phí.
[16] Quyền kháng cáo: Bị cáo; nguyên đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên.
QUYẾT ĐỊNH
1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Giàng A V phạm tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.
2. Hình phạt: Áp dụng điểm e khoản 3 Điều 232, điều 38, điều 50; điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Giàng A V 05 (năm) năm 02 (hai) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 23/9/2022.
3. Về hình phạt bổ sung: Không.
4. Về vật chứng: Không.
5. Về trách nhiệm dân sự:
Áp dụng Điều 48 Bộ luật Hình sự; Điều 584, 585, 586, 587 và Điều 589 của Bộ luật dân sự. Buộc bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án bồi thường cho Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang tổng số tiền 69.972.000 đồng (Sáu mươi chín triệu chín trăm bẩy mươi hai nghìn) để nộp sung vào ngân sách nhà nước; trong đó:
- Anh Mã Xuân D số tiền 24.378.000 đồng (Hai mươi tư triệu ba trăm bẩy mươi tám nghìn đồng).
- Anh Thào A V số tiền 21.216.000 đồng (Hai mươi mốt triệu hai trăm mười sáu nghìn đồng).
- Bị cáo: Giàng A V số tiền 24.378.000 đồng (Hai mươi tư triệu ba trăm bẩy mươi tám nghìn đồng).
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
6. Về án phí: Áp dụng Điều 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự; điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14, khoản 6 Điều 15 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.
Bị cáo Giàng A V được miễn nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự có giá ngạch; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án Mã Xuân D, Thào A V được miễn nộp tiền án phí dân sự có giá ngạch.
7. Về quyền kháng cáo: Bị cáo; nguyên đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 33/2022/HS-ST
Số hiệu: | 33/2022/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Bắc Mê - Hà Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 16/12/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về