Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 32/2023/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KBANG, TỈNH GIA LAI

BẢN ÁN 32/2023/HS-ST NGÀY 28/11/2023 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 28/11/2023, tại trụ sở TAND huyện Kbang, tỉnh G xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 31/2023/HS-ST ngày 03/11/2023 đối với bị cáo:

Kiều Ngọc T1, sinh nămgày 06/9/1990 tại: Kbang, G; nơi thường trú: Thôn X, xã S, huyện K, tỉnh G; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 9/12; tiền án: 01 tiền án về tội: “Trộm cắp tài sản” và “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức”, ngày 11/01/2018, bị TAND huyện Kbang, tỉnh G xử phạt 42 tháng tù theo Bản án số 02/2018/HSST; tiền sự: Không; con ông Kiều Quốc L và bà Nguyễn Thị H1 (đều đã chết), vợ là Nguyễn Thị H2 (đã ly hôn) và 01 con; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 21/7/2023 cho đến nay, có mặt tại phiên tòa.

Bị hại: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (TNHH MTV) Lâm nghiệp L;

Đại diện theo uỷ quyền: Ông Phạm Khắc H3 – Phó Giám đốc Công ty (vắng mặt nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Anh Kiều Ngọc C, sinh năm 1986;

Địa chỉ: Thôn X, xã S, huyện K, tỉnh G (vắng mặt).

2. Anh Đinh Trung T2, sinh năm 1976 (vắng mặt);

3. Anh Nguyễn Hữu S, sinh năm 1996 (vắng mặt);

Hiện đang chấp hành án tại Trại giam G, huyện M, tỉnh G.

4. Anh Kiều Tuấn Đ, sinh năm 1993;

Địa chủ: Thôn X, xã S, huyện K, tỉnh G (vắng mặt).

5. Anh Lương Văn N, sinh năm 1993;

Địa chỉ: Thôn X, xã S, huyện K, tỉnh G (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Sáng ngày 01/6/2020, Kiều Ngọc T1 và em ruột là Kiều Tuấn Đ, cùng trú tại:

Thôn X, xã S, huyện K, tỉnh G và Lương Văn N, trú tại: Thôn X, xã S ăn sáng tại quán của gia đình Nguyễn Hữu S ở thôn X, xã S. Tại đây, T1 rủ N, Đ và S vào rừng Đ cắt mấy cây Bằng lăng về bán kiếm tiền thì được cả nhóm đồng ý tham gia.

Sau khi ăn sáng xong, T1 điều khiển xe mô tô chở N mang theo cưa xăng của T1 đi theo đường làng T, xã S vào rừng xã Đ thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp L (Công ty L) quản lý. Đến nơi, T1 nói N cảnh giới lực lượng chức năng ở đường mòn, T1 cầm cưa xăng đi xuống bãi cây Bằng lăng đã để ý trước đó rồi tiến hành cắt hạ các cây gỗ. Khoảng hơn 01 giờ đồng hồ sau, nghe T1 gọi, N đi xuống thì thấy 10 cây gỗ Bằng lăng đã bị cắt hạ đổ xuống đất, các cây gỗ nằm cạnh gốc. T1 nói với N để nguyên các cây gỗ, ngày mai gọi thêm người vào rừng tiếp tục cưa xẻ, bổ hộp rồi cả hai đi về xã S.

Khoảng 18 giờ cùng ngày, N và Đ đến nhà T1 uống rượu. T1 nói với Đ về việc vào buổi sáng cùng ngày T1 và N đã vào rừng cắt hạ 10 cây gỗ Bằng lăng, hẹn Đ sáng ngày mai đến nhà T1 tập trung đi vào rừng cưa xẻ, bổ hộp các cây gỗ Bằng lăng đã cắt hạ, Đ đồng ý rồi đi về.

Sau khi Đ về, T1 gọi anh ruột là Kiều Ngọc C, trú tại: Thôn 2, xã Sơ Pai và Đinh Trung T2, trú tại: thôn X, xã S đến nhà uống rượu cùng T1 và N. Trong lúc uống rượu, T1 nói với C và T2: “Sáng nay, em với N đã cắt hạ một số cây gỗ Bằng lăng tại khu vực rừng xã Đ”. T1 rủ C và T2 cùng vào rừng xẻ hộp các cây gỗ trên bán kiếm tiền tiêu xài và được C, T2 đồng ý tham gia; T1 hẹn mọi người sáng ngày mai đến nhà T1 để cùng đi làm.

Như đã hẹn, khoảng 07 giờ ngày 02/6/2020, N, Đ, S, C và T2 tập trung tại nhà T1. Sau đó, T1 lái xe mô tô của T1 chở C và 01 cưa xăng của T1 đi trước dẫn đường; Đ lái xe mô tô của Đ chở N mang theo 01 cưa xăng và 01 con dao rựa của Đ; T2 lái xe mô tô độ chế của T2 chở theo 01 cưa xăng của N, còn S lái xe mô tô độ chế của S chở bao đựng xăng, nhớt, nước uống và vật dụng cần thiết do T1 chuẩn bị theo sau. Tất cả đi theo đường làng T, xã S vào lô 4, khoảnh 2, tiểu khu 122, lâm phần do Công ty L quản lý thuộc địa giới hành chính xã Đ, huyện K để khai thác gỗ trái phép. Đến nơi, T1 chỉ 10 cây gỗ Bằng lăng đã bị cắt hạ đổ xuống đất và nói cả nhóm cắt lóng thân, cành theo quy cách dài 02m đến 2,2m rồi cưa xẻ hộp; đối với gốc, ngọn cây gỗ Bằng lăng thì tùy theo kích thước, đặc điểm tiến hành xẻ hộp tận dụng để thu được lợi gỗ nhất. Sau đó, T1, Đ, T2 dùng cưa xăng cưa xẻ các cây gỗ còn N, C và S phụ bật mực, bắn lật, kê gỗ. Cả nhóm làm đến hơn 10 giờ cùng ngày thì T1 nói C về xã S lấy cơm mang vào cho mọi người ăn; ăn xong, cả nhóm lại tiếp tục cưa xẻ gỗ, đến khoảng 18 giờ cùng ngày thì nghỉ đi về.

Khoảng 11 giờ ngày 03/6/2020, cả nhóm tiếp tục vào khu vực rừng trên để thực hiện công việc như hôm trước. T1 mua 06 hộp cơm chở đi sau, khi đi đến ngã ba làng Tơ Kơr, xe của T1 bị hư nên dừng lại sửa. Lúc này, Thái Đình D, trú tại: Thôn X, xã S đi qua, T1 nhờ D mang cơm đi đến ngã ba đường mòn bên trong thì gọi C ra lấy. T1 không nói cho D biết việc nhóm của T1 khai thác gỗ trái phép. T1 sửa xe xong thì đi vào cùng mọi người tiếp tục cắt xẻ gỗ Bằng lăng. Khoảng 15 giờ cùng ngày thì T1 nghe điện thoại rồi nói: “Bị động”, tức là có lực lượng chức năng đi kiểm tra. Nghe vậy, tất cả dọn đồ đạc đi về để lại toàn bộ số gỗ Bằng lăng khai thác trái phép tại hiện trường.

Trong các ngày 02 và 03/6/2020, T1 cùng đồng phạm cắt lóng, xẻ hộp 07 cây gỗ Bằng lăng, gồm 05 cây gỗ số 2, 3, 5, 6, 7 được 28 hộp gỗ xẻ khối lượng 5,381m3 (theo biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 08/6/2020) và 02 cây gỗ Bằng lăng số 6, 7 được 06 hộp gỗ, nhưng không thu giữ được gỗ (theo biên bản kiểm tra hiện trường ngày 23/6/2020). Tổng cộng được 34 hộp gỗ và cắt lóng toàn bộ 03 cây gỗ Bằng lăng số 8, 9, 10 (theo biên bản kiểm tra hiện trường ngày 23/6/2020) được 15 lóng gỗ.

Ngày 08/6/2020, các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác định: Vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra tại lô 4, khoảnh 2, tiểu khu 122, lâm phần Công ty L quản lý, địa phận xã Đ, huyện K, tỉnh G thuộc loại rừng phòng hộ; trạng thái rừng thường xanh trung bình (TXB). Vị trí hiện trường khai thác cách UBND xã Đ về hướng Đông Nam khoảng 3,5km theo đường chim bay. Phát hiện có 12 cây gỗ Bằng lăng (loài thông thường) bị khai thác trái phép, toàn bộ số cây bị cắt hạ trái phép bằng phương tiện cưa xăng; hầu hết cành, nhánh, lá cây vẫn còn màu xanh; một số cây lá đã khô rụng. Tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại của 12 cây gỗ Bằng lăng là 31,221m3.

Ngày 23/6/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện đã phối hợp cùng các ngành chức năng tiến hành kiểm tra hiện trường theo sự chỉ dẫn của Đinh Trung T2 tại lô 4, khoảnh 2, tiểu khu 122 lâm phần do Công ty L quản lý thuộc địa giới hành chính xã Đ, huyện Kbang. Kết quả kiểm tra hiện trường xác định: 10 cây gỗ Bằng lăng do T1 cùng đồng phạm khai thác trái phép có tổng khối lượng gỗ tròn bị thiệt hại là 23,236m3. Trong đó, 05 cây gỗ Bằng lăng là các cây gỗ số 2, 3, 5, 6, 7 (theo biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 08/6/2020) có khối lượng thiệt hại là 14,545m3 và 05 cây gỗ Bằng lăng số 6, 7, 8, 9, 10 (theo biên bản kiểm tra hiện trường ngày 23/6/2020) có khối lượng thiệt hại là 8,691m3.

Vào các ngày 19/6/2020 và 10/7/2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kbang đã trưng cầu Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc trong tố tụng hình sự huyện Kbang về giá trị thiệt hại của tổng khối lượng gỗ bị cắt hạ, giá trị phải bồi thường đối với rừng tự nhiên, giá trị của số gỗ thu được. Căn cứ các Bản kết luận định giá tài sản số: 21/KL-HĐĐG, 29/KL-HĐĐG ngày 20/6/2020 và ngày 20/7/2020 của Hội đồng định giá tài sản đã xác định:

- Giá trị thiệt hại của 23,236m3 gỗ tròn (chủng loại Bằng lăng) tại thời điểm tháng 6/2020 là: (133.635.400 đồng + 60.544.200 đồng) - 23,236m3 x 2.400.000 đồng/m3 = 138.413.200 đồng.

- Giá trị còn lại của 5,381m3 gỗ xẻ (28 hộp chủng loại Bằng lăng) tại thời điểm tháng 6/2020 là: 57.375.680 đồng - (5,381m3 x 1,6) x 2.400.000đồng/m3 = 36.712.640 đồng.

- Giá trị phải bồi thường đối với rừng tự nhiên của 23,236m3 gỗ tròn, thuộc loại rừng phòng hộ; là rừng tự nhiên tại thời điểm tháng 6/2020 là: 138.413.200 đồng x 4 = 553.652.800 đồng.

- Giá trị của 28 hộp gỗ khối lượng 5,381m3 là 36.712.640 đồng.

*Trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án: Giá trị phải bồi thường đối với rừng tự nhiên của 23,236m3 gỗ tròn, thuộc loại rừng phòng hộ, là rừng tự nhiên; trạng thái rừng thường xanh trung bình thuộc lô 4, khoảnh 2, tiểu khu 122, lâm phần do Công ty L quản lý theo Thông tư số 32/2018/BNNPTNT tại thời điểm tháng 6/2020 là: 138.413.200 đồng x 4 = 553.652.800 đồng + Giá trị thiệt hại của 23,236m3 gỗ tròn là 138.413.200 đồng = 692.066.000 đồng.

Sau khi trừ đi giá trị của số gỗ thu được thì các bị cáo phải liên đới bồi thường là 692.066.000 đồng - 36.712.640 đồng = 655.353.360 đồng, bao gồm: 101.700.560 đồng thiệt hại về lâm sản và 553.652.800 đồng thiệt hại đối với rừng tự nhiên.

Sau khi bỏ trốn, Kiều Ngọc T1 bị bắt theo Quyết định truy nã, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kbang đã phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra bị can đối với T1.

Về vật chứng của vụ án gồm: 01 xe mô tô độ chế, 01 cưa xăng và 01 điện thoại nhãn hiệu NOKIA mà T1 đã sử dụng vào việc phạm tội. Sau khi gây án, T1 đã bán xe mô tô độ chế cho một người đàn ông không rõ nhân thân lai lịch, cưa xăng T1 đã làm thất lạc, điện thoại T1 đã vứt bỏ nên Cơ quan điều tra không thu giữ được các vật chứng trên.

Tại các Bản án hình sự sơ thẩm số: 08/2021/HSST ngày 11/3/2021 và 33/2022/HSST ngày 17/11/2022 của TAND huyện Kbang đã xét xử, xử phạt các bị cáo Nguyễn Hữu S, Đinh Trung T2, Kiều Ngọc C, Kiều Tuấn Đ và Lương Văn N hình phạt tù giam; đồng thời đã giải quyết xong về phần xử lý vật chứng và bồi thường dân sự đối với từng bị cáo. Vì vậy, vụ án này chỉ xử lý hình sự đối với Kiều Ngọc T1.

Tại Bản cáo trạng số: 30/CT-VKS ngày 31/10/2023, VKSND huyện Kbang đã truy tố Kiều Ngọc T1 về tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung 2017 (gọi tắt là BLHS).

Tại phiên toà, đại diện VKSND huyện Kbang, tỉnh G vẫn giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo về tội danh, điều luật áp dụng như Bản cáo trạng đã nêu và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bố bị cáo Kiều Ngọc T1 phạm tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”; đề nghị áp dụng điểm d khoản 2 Điều 232, điểm s khoản 1 Điều 51, điểm h khoản 1 Điều 52, các Điều 38 và 58 của BLHS để xử phạt bị cáo T1 từ 3 năm đến 3 năm 03 tháng tù.

Xét điều kiện hoàn cảnh của bị cáo không có tài sản và thu nhập ổn định nên đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng đã được xử lý xong trong các Bản án hình sự sơ thẩm số: 08/2021/HSST ngày 11/3/2021 và số 33/2022/HSST ngày 17/11/2022 của TAND huyện Kbang, tỉnh G nên đề nghị không xem xét.

Buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm (HSST) theo quy định.

Tại phiên tòa, bị cáo Kiều Ngọc T1 khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung Bản cáo trạng đã nêu, không tranh luận gì với đại diện Viện kiểm sát, tỏ thái độ ăn năn hối cải và xin giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa; Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan CSĐT Công an huyện Kbang, Điều tra viên, VKSND huyện Kbang, KSV trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS). Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người đại diện của bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người nào ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, của người tiến hành tố tụng.

Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, của người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa, bị cáo Kiều Ngọc T1 đã khai nhận phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan CSĐT Công an huyện Kbang và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, qua đó có đủ cơ sở để xác định rằng:

Ngày 02/6/2020 và ngày 03/6/2020, Kiều Ngọc T1 đã cùng Kiều Tuấn Đ, Lương Văn N, Đinh Trung T2, Kiều Ngọc C và Nguyễn Hữu S đã có hành vi khai thác trái phép 10 cây gỗ Bằng lăng tại lô 4 khoảnh 2 tiểu khu 122 lâm phần do Công ty L quản lý thuộc địa giới hành chính xã Đ, huyện K, tỉnh G; gây thiệt hại với tổng khối lượng gỗ tròn là 23,236 m3, thiệt hại về lâm sản là 138.413.200 đồng và thiệt hại đối với rừng tự nhiên là 553.652.800 đồng.

Như vậy, hành vi nêu trên của Kiều Ngọc T1 đã phạm vào tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 232 BLHS như truy tố của VKSND huyện Kbang là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

[3] Hành vi phạm tội của bị cáo đã trực tiếp xâm phạm, gây thiệt hại và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng của đất nước, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và gây thiệt hại về kinh tế cho Công ty L. Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, bị cáo biết được việc vào rừng khai thác gỗ trái phép bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vẫn thực hiện với lỗi cố ý; trong vụ án này, bị cáo là người khởi xướng, rủ rê các bị cáo khác cùng tham gia khai thác gỗ trái phép và bị cáo cũng là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo có 01 tiền án về tội: “Trộm cắp tài sản” và “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” nhưng không lấy đó làm bài học cho mình mà lại tiếp tục phạm tội; vì vậy, lần phạm tội này của bị cáo thuộc trường hợp tái phạm là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS. Do đó, HĐXX thấy cần phải xử phạt bị cáo hình phạt tù với mức án nghiêm khắc, tương xứng với tính chất và mức độ phạm tội của bị cáo, cách ly bị cáo ra ngoài xã hội một thời gian để cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành người lương thiện và nâng cao hiệu quả phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, xét quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã khai báo thành khẩn và ăn năn hối cải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS. Vì vậy, HĐXX cũng đã xem xét để giảm nhẹ một phần hình phạt áp dụng đối với bị cáo.

[4] Về hình phạt bổ sung: Xét bị cáo không có việc làm và thu nhập ổn định nên HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với các bị cáo.

[5] Đối với những đồng phạm của Kiều Ngọc T1 là Kiều Ngọc C, Đinh Trung T2, Nguyễn Hữu S, Kiều Tuấn Đ và Lương Văn N đã được xét xử, giải quyết xong trong các vụ án trước. Vì vậy, những người này tham gia tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.

Quá trình điều tra, Kiều Ngọc T1 khai báo nội dung liên quan đến Lê Ngọc Q là đối tượng đặt vấn đề mua gỗ, chỉ T1 đến khu vực có gỗ để khai thác, tạm ứng tiền để T1 chuẩn bị đồ ăn, dụng cụ khai thác gỗ và Lê Hữu Đ là nhân viên bảo vệ rừng thời điểm xảy ra vụ việc đã phát hiện nhưng không xử lý, lập biên bản theo quy định. Cơ quan điều tra tiến hành đối chất giữa T1 với Q và T1 với Đ, qua đó xác định nội dung T1 khai là không có thật nên cơ quan chức năng không xử lý đối với Q và Đ là đúng quy định của pháp luật.

[6] Về trách nhiệm dân sự: Phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã được xử lý xong trong các vụ án trước, các bị cáo đồng phạm với T1 bị tuyên nghĩa vụ bồi thường thiệt hại chưa có yêu cầu cụ thể đối với T1 nên HĐXX không xem xét giải quyết trong vụ án này. Nếu giữa T1 và các anh Kiều Ngọc C, Đinh Trung T2, Nguyễn Hữu S, Kiều Tuấn Đ và Lương Văn N có tranh chấp với nhau về trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì có quyền khởi kiện trong vụ án dân sự khác.

[7] Về án phí: Bị cáo Kiều Ngọc T1 phải chịu án phí HSST theo quy định.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

 Tuyên bố bị cáo Kiều Ngọc T1 phạm tội:“Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 232; các Điều 38, 58; điểm s khoản 1 Điều 51;

điểm h khoản 1 Điều 52 của BLHS;

Xử phạt bị cáo Kiều Ngọc T1 03 (ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị giam giữ (ngày 21/7/2023).

Không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.

- Áp dụng khoản 2 Điều 136 của BLTTHS và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án;

Buộc bị cáo Kiều Ngọc T1 phải chịu 200.000 đồng án phí HSST.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 28/11/2023), bị cáo có quyền làm đơn kháng cáo đề nghị TAND tỉnh G xét xử phúc thẩm. Thời hạn và quyền kháng cáo nêu trên của người đại diện của bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa được tính từ ngày người đó nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

46
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 32/2023/HS-ST

Số hiệu:32/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện KBang - Gia Lai
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:28/11/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về