Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 31/2020/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

BẢN ÁN 31/2020/HS-PT NGÀY 22/07/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 22 tháng 7 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 15/2020/TLPT- HS ngày 12 tháng 02 năm 2020 đối với bị cáo H, V, L, K, K, P, do có kháng cáo của các bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 01/2020/HS-ST ngày 07 tháng 01 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Chư P, tỉnh Gia Lai.

* Bị cáo có kháng cáo:

1. H (tên gọi khác: Hới); Sinh năm: 1990 tại Chư P, Gia Lai. Nơi ĐKNKTT và chỗ ở hiện nay: Làng X, xã C, huyện Chư P, tỉnh Gia Lai. Nghề nghiệp: Làm nông. Trình độ học vấn: 01/12. Dân tộc: Jrai. Giới tính: Nam. Tôn giáo: Công giáo. Quốc tịch: Việt Nam. Con ông H, sinh năm 1962 và bà J, sinh năm 1962. Có vợ là A Nhứch, sinh năm 1990 và có hai con, con lớn sinh năm 2013, con nhỏ sinh năm 2018. Tiền án, tiền sự: Không. Nhân thân: Tốt.

Ngày 27/5/2019, bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

2. V, sinh năm 1995, tại Chư P, Gia Lai. Nơi ĐKNKTT và chỗ ở hiện nay: Làng X, xã C, huyện Chư P, tỉnh Gia Lai. Nghề nghiệp: Làm nông. Trình độ học vấn: 4/12. Dân tộc: Jrai. Giới tính: Nam. Quốc tịch: Việt Nam. Tôn giáo: Công giáo. Con ông V, sinh năm 1970 và bà E, sinh năm 1969. Bị cáo có vợ BL, sinh năm 1998 và có một con sinh năm 2018. Tiền án, tiền sự: Không. Nhân thân: Tốt.

Ngày 24/6/2019, bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

3. K (tên gọi khác: Kất), sinh năm 1996, tại Chư P, Gia Lai. Nơi ĐKNKTT và chỗ ở hiện nay: Làng Ia Gri, xã C, huyện Chư P, tỉnh Gia Lai. Nghề nghiệp: Làm nông. Trình độ học vấn: 5/12. Dân tộc: Jrai. Giới tính: Nam. Quốc tịch: Việt Nam. Tôn giáo: Thiên chúa. Con ông Ư, sinh năm 1970 (đã chết) và bà P, sinh năm 1973. Bị cáo chưa có vợ. Tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Tốt.

Ngày 24/6/2019, bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

4. L, sinh năm 1983, tại Chư P, Gia Lai. Nơi ĐKNKTT và chỗ ở hiện nay: Làng X, xã C, huyện Chư P, tỉnh Gia Lai. Nghề nghiệp: Làm nông. Trình độ học vấn: 02/12. Dân tộc: Jrai. Giới tính: Nam. Quốc tịch: Việt Nam. Tôn giáo: Thiên chúa. Con ông N (đã chết) và bà J, sinh năm 1966. Bị cáo có vợ AY, sinh năm 1984 và có hai con, con lớn sinh năm 2006, con nhỏ sinh năm 2013. Tiền án, tiền sự: Không. Nhân thân: Tốt.

Ngày 24/6/2019, bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

5. P, sinh ngày 21/8/2000, tại Đức Cơ, Gia Lai. Nơi ĐKNKTT: Làng Khóp, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Nơi cư trú: Làng X, xã C, huyện Chư P, tỉnh Gia Lai. Nghề nghiệp: Làm nông. Trình độ học vấn: 3/12. Dân tộc: Jrai. Giới tính: Nam. Quốc tịch: Việt Nam. Tôn giáo: Công Giáo. Con ông V, sinh năm 1970 và bà B; sinh năm 1969. Bị cáo có vợ là Y, sinh năm 1998 và có một con sinh năm 2017. Tiền án, tiền sự: Không. Nhân thân: Tốt.

Ngày 24/6/2019, bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

6. K, sinh năm 1987 tại Chư P, Gia Lai. Nơi ĐKNKTT và chỗ ở: Làng X, xã C, huyện Chư P, tỉnh Gia Lai. Nghề nghiệp: Làm nông. Trình độ học vấn: 0/12. Dân tộc: Jrai. Giới tính: Nam. Quốc tịch: Việt Nam. Tôn giáo: Thiên chúa. Con ông N, sinh năm 1962 và bà T, sinh năm 1964. Bị cáo có vợ tên là P, sinh năm 1985 và có hai con, con lớn sinh năm 2013, con nhỏ sinh năm 2017. Tiền án, tiền sự: Không. Nhân thân: Tốt.

Ngày 24/6/2019, bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

* Bị hại: Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư P, Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Đình V – Phó Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư P. Có mặt

* Người phiên dịch tiếng Jrai: Bà Nay H’Yan. Có mặt.

* Ngoài ra trong vụ án còn có bị cáo Ph, Bl, H, Q nhưng không có kháng cáo, cũng không bị kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1.Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do H quen biết người đàn ông tên D ở thành phố P (không rõ lai lịch, địa chỉ cụ thể), D đặt vấn đề với H về việc thu mua gỗ. Nên vào cuối tháng 3/2019, H gặp V, Bl, Ph, L, P, K, H, Q và K tại quán cà phê ở trong Làng X, xã C. Tại đây, H rủ những người này đi khai thác gỗ về bán lấy tiền tiêu, do trong thời điểm rảnh rỗi không có việc làm nên những người này đồng ý. H đứng ra mua các đồ dùng cần thiết như đồ ăn, mắm, muối, nước uống, xăng, nhớt, còn những người tham gia thì mang theo cơm gạo. Qua ngày hôm sau, H cùng những người nêu trên đi bộ lên rừng mang theo đồ dùng sinh hoạt cần thiết. H và V mỗi người mang theo 01 cưa máy dùng để cưa cắt gỗ. Khi cả nhóm đi lên rừng và tìm thấy bãi gỗ ở Tiểu khu 204 thuộc lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư P thuộc địa giới hành chính xã Ia Khươl, huyện Chư P, cách Làng X, xã C khoảng 4 km thì cả nhóm dừng lại và tiến hành khai thác. Trong thời gian 3 ngày H, Ph, V, Quang là những người trực tiếp cưa hạ được 04 cây gỗ, cắt được 04 hộp và 02 lóng gỗ. Các cây được đánh số 13, 15, 18, 19 trong biên bản khám nghiệm hiện trường, khi những người trực tiếp cưa thì những người còn lại cùng lật gỗ phụ cưa. Khi H cưa xong cây gỗ thì về nhà lấy xe máy cày của H lên vị trí cưa gỗ, đồng thời H là người trực tiếp điều khiển xe kéo gỗ, còn V, P, K thì phụ kéo gỗ được 04 hộp gỗ về tập kết ở dưới chân núi gần Làng X, xã C. Sau đó, H gọi điện thoại cho Dũng vào đo đếm bán được số tiền 12.400.000 đồng rồi Dũng chở gỗ đi. Số tiền có được, sau khi trừ đi chi phí hết 400.000 đồng, số tiền còn lại H chia đều cho cả nhóm mỗi người được 1.200.000 đồng. Số tiền có được tất cả đã tiêu xài hết.

Đến đầu tháng 4/2019, H lại rủ cả nhóm đi khai thác gỗ, lần này do một số người bận công việc không đi được, nên chỉ có H, K, L, P, K, V đi. Cũng như lần trước, những người tham gia mang theo cơm gạo, còn H chuẩn bị các đồ dùng cần thiết, H và V mỗi người mang theo 01 cưa máy, rồi cả nhóm đi lên khu rừng đã khai thác lần trước. Trong thời gian 2 ngày H, V, L là những người trực tiếp cưa hạ được 03 cây gỗ, cắt ra được 06 lóng gỗ, những người khác thì phụ cưa. Các cây được đánh số 06, 07, 12 trong biên bản khám nghiệm hiện trường. Sau khi cưa xong cây thì H về nhà để lấy xe máy cày của H lên để kéo gỗ về. Khi đưa xe lên đến rừng, H là người trực tiếp điều khiển xe kéo được 04 lóng gỗ, những người còn lại thì phụ kéo gỗ về tập kết ở dưới chân núi. Sau khi đưa gỗ về, H gọi điện thoại rồi bán cho Dũng được 12.000.000 đồng. Số tiền có được, sau khi trừ đi chi phí sửa xe máy cày hết 8.400.000 đồng, số tiền còn lại H chia cho mỗi người cùng đi khai thác được 600.000 đồng. Số tiền có được tất cả đã tiêu xài hết.

Vào ngày 23/4/2019, H tiếp tục rủ V, Bl, Ph, L, K, P, K, H, Quang đi khai thác gỗ. Tuy nhiên, lần này H không trực tiếp lên rừng mà nói cả nhóm đi lên rừng khai thác gỗ, còn H ở nhà chuẩn bị xe máy cày, khi nào cưa xong gỗ thì H sẽ lên kéo gỗ về. Nên buổi chiều cùng ngày, V, Bl, Ph, L, Kất, P, K, H, Quang tự chuẩn bị đồ dùng sinh hoạt, ăn uống, mang theo 02 máy cưa của H và của V lên vị trí rừng đã khai thác trước đây rồi nghỉ ngơi. Sáng ngày hôm sau, H và L là những người trực tiếp cưa hạ được 02 cây gỗ, cắt được 05 lóng gỗ. Các cây được đánh số 01 và 17 trong biên bản khám nghiệm hiện trường, những người còn lại thì phụ cưa. Đến trưa cùng ngày, khi cả nhóm đang cưa gỗ thì bị lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Gia Lai phát hiện, nên cả nhóm chưa kịp kéo gỗ về.

Sau khi phát hiện vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chư P đã tổ chức khám nghiệm hiện trường theo quy định. Kết qủa khám nghiệm hiện trường xác định: Tại hiện trường có tổng số 20 cây gỗ đã bị cưa cắt lấy đi phần thân chỉ còn lại gốc, cành ngọn và 09 lóng gỗ có khối lượng 7,957m3, bao gồm các loại gỗ như: Dẻ xanh, Bời Lời, SP5, SP6, Trâm Tía thuộc khoảnh 10 Tiểu khu 204 thuộc lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư P quản lý.

Tại Kết luận giám định ngày 08/5/2019, của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai kết luận: 20 cây gỗ có khối lượng gỗ thân là 29,071m3; gỗ cành ngọn là 4,368m3; củi là 3,093ster; gỗ từ nhóm 4 đến nhóm 6.

Tại Kết luận định giá số 17/KL-ĐGTS ngày 22/7/2019, của Hội đồng định giá tài sản huyện Chư P kết luận: 33,439m3 gỗ và 3,093 ster củi có tổng giá trị là 112.110.770 đồng.

Tại Kết luận định giá số 22/KL-ĐGTS ngày 14/10/2019, của Hội đồng định giá tài sản huyện Chư P kết luận: 7,957m3 gỗ có tổng giá trị là 27.857.900 đồng.

Qua trưng cầu xác định về loại rừng, tiểu khu, Hạt kiểm lâm huyện Chư P xác định: Số cây trên được khai thác tại lô 1, 2 khoảnh 10, tiểu khu 204 thuộc lâm phần do BQLRPH Đông bắc Chư P quản lý, địa giới hành chính xã Ia Kh, huyện Chư P; loại rừng: Rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

Trên cơ sở kết quả khám nghiệm hiện trường, Công văn số 153/HKL ngày 24/5/2019, của Hạt Kiểm lâm huyện Chư P, Kết luận giám định ngày 08/5/2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, Kết luận định giá số 17 ngày 22/7/2019, của Hội đồng định giá tài sản huyện Chư P và lời khai nhận của các đối tượng xác định:

Vào cuối tháng 3/2019, H, V, Bl, Ph, L, K, H, K, P và Q cưa được 04 cây gỗ thuộc rừng sản xuất là rừng tự nhiên, xẻ được 04 hộp và 02 lóng, gỗ từ nhóm IV đến nhóm VI, thuộc Tiểu khu 204, có khối lượng 7,972m3 (trong đó gỗ là 7,484m3, củi là 0.488m3); giá trị thiệt hại của 04 cây gỗ là 25.059.320 đồng, giá trị thiệt hại về môi trường là 75.177.960 đồng.

Vào đầu tháng 4/2019, H, V, Bl, Ph, L, P cưa được 03 cây gỗ thuộc rừng sản xuất là rừng tự nhiên, cắt được 06 lóng, gỗ từ nhóm IV đến nhóm VI, thuộc tiểu khu 204, có khối lượng 4.774m3 (trong đó gỗ là 4.504m3, củi là 0.270 m3); giá trị thiệt hại của 03 cây gỗ là 15.788.450 đồng, giá trị thiệt hại về môi trường là 47.365.350 đồng.

Vào ngày 24/4/2019, H, V, Bl, Ph, L, K, H, K, P và Q cưa được 02 cây gỗ thuộc rừng sản xuất là rừng tự nhiên, cắt được 05 lóng, gỗ từ nhóm IV đến nhóm VI, thuộc tiểu khu 204, có khối lượng 3.239m3 (trong đó gỗ là 3.043m3, củi là 0.196m3); giá trị thiệt hại của 02 cây gỗ là 10.100.460 đồng, giá trị thiệt hại về môi trường là 30.301.380 đồng.

Đối với 11 cây gỗ trong tổng số 20 cây gỗ bị khai thác trái phép trên ở hiện trường, hiện chưa chứng minh được người thực hiện hành vi khai thác.

2. Giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm:

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 01/2020/HSST ngày 07/01/2020 của Tòa án nhân dân huyện Chư P, tỉnh Gia Lai đã quyết định:

- Về tội danh và hình phạt:

Tuyên bố các bị cáo H, V, K, K, L, P phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 58 của Bộ luật hình sự. Xử phạt:

Bị cáo H 18 (mười tám) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Bị cáo V, K, K, L, P, mỗi bị cáo 15 (mười lăm) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

- Về dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự; Điều 584, Điều 586, Điều 587, Điều 589 Bộ luật dân sự Buộc các bị cáo H, V, L, K, P, K, mỗi bị cáo phải bồi thường giá trị cây gỗ là 3.668.257đ và thiệt hại về môi trường là 18.442.159đ, tổng cộng là 22.110.416 đồng cho Nhà nước thông qua Ban quản lý rừng phòng hộ Đông bắc Chư P.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên tội danh, hình phạt, trách nhiệm bồi thường đối với các bị cáo Q, Bl, Ph, H; tuyên quyết định xử lý vật chứng, truy thu số tiền phạm tội sung công quỹ Nhà nước, nghĩa vụ chịu án phí, quyền kháng cáo của các bị cáo và bị hại theo luật định.

3.Kháng cáo của bị cáo:

Ngày 10/01/2020, các bị cáo H, V, L, P, K, K kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, chuyển thành án treo và xin được giảm tiền bồi thường thiệt hại.

4. Diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm:

Trong giai đoạn phúc thẩm: Các bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung bản án sơ thẩm. Các bị cáo H, P, K, V, L, K cung cấp đơn có nội dung trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn; biên lai thể hiện các bị cáo đã nộp tiền bồi thường thiệt hại, sung quỹ Nhà nước, án phí hình sự, dân sự sơ thẩm; các bị cáo K, L, K, P có giấy chứng nhận hộ nghèo, cận nghèo. Các bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Trong phần tranh luận, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, hưởng án treo và giảm tiền bồi thường của các bị cáo. Giữ nguyên bản án sơ thẩm

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo khai nhận rõ hành vi phạm tội của mình phù hợp với nội dung bản án sơ thẩm: Trong khoảng thời gian từ đầu tháng 3 năm 2019 đến ngày 24/4/2019, các bị cáo H, V, Bl, Ph, L, K, P, K, H, Q lên tiểu khu 204 thuộc lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư P quản lý nằm trên địa phận xã Ia Kh, huyện Chư P khai thác gỗ trái phép về bán lại cho người khác. Tổng số gỗ khai thác trái phép là 09 cây, có khối lượng 15,985m3, bao gồm các loại gỗ Dẻ xanh, Trâm tía, Bời lời, SP5, SP 6, gỗ từ nhóm IV đến nhóm VI, thuộc rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Trong đó các bị cáo H, V, L, K, P, K đã ba lần tham gia khai thác trái phép gỗ có khối lượng 16,004 m3, các bị cáo Q, Ph, H, Bl đã hai lần khai thác gỗ trái phép có khối lượng 11,211m3. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự có căn cứ, đúng pháp luật.

[2] Xét kháng cáo xin hưởng án treo của các bị cáo, thấy rằng: Bị cáo H là người trực tiếp khởi xướng, rủ rê, điều hành các bị cáo khác và bị cáo cũng là người thực hành tích cực trong việc khai thác gỗ trái phép, chuẩn bị máy cưa để cắt hạ cây rừng, vận chuyển và thực hiện giao dịch mua bán. Các bị cáo V, K, L, K, P tham gia với vai trò là người giúp sức, trong đó bị cáo V là người chuẩn bị công cụ cưa máy thực hiện hành vi khai thác gỗ trái phép. Hành vi khai thác gỗ trái phép của các bị cáo gây thiệt hại về lâm sản, ảnh hưởng và thiệt hại đến môi trường, gây thiệt hại cho Nhà nước, nên các bị cáo phải chịu hình phạt tù tương xứng hành vi phạm tội, nên không chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của các bị cáo.

[3] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo: Bản thân các bị cáo khi phạm tội đều tỏ ra ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; đều là người dân tộc thiểu số có đơn xác nhận hoàn cảnh gia đình khó khăn. Giai đoạn phúc thẩm, các bị cáo cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ mới là đã bồi thường khắc phục một phần thiệt hại, chủ động nộp tiền sung quỹ nhà nước và án phí hình sự, dân sự sơ thẩm, gia đình các bị cáo V, K, L, P, K thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Do giai đoạn phúc thẩm phát sinh thêm tình tiết giảm nhẹ mới, nên chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.

[4] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ tiền bồi thường thiệt hại của các bị cáo, thấy rằng: Các bị cáo gây thiệt hại về lâm sản, thiệt hại về môi trường, thiệt hại cho Nhà nước nên phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại mà mình gây ra. Trong đơn kháng cáo và tại phiên tòa, các bị cáo xin giảm tiền bồi thường thiệt hại, tuy nhiên đại diện theo ủy quyền của bị hại Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư P là cơ quan được Nhà nước giao quản lý rừng, không có thẩm quyền xét giảm tiền bồi thường đối với thiệt hại do các bị cáo gây ra, nên không có cơ sở để xem xét chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.

Các bị cáo H, V, K, L, P, K, mỗi bị cáo phải nộp tiền bồi thường cho Nhà nước là 22.110.416 đồng, tiền sung công quỹ Nhà nước là 3.240.000 đồng, tiền án phí hình sự, dân sự sơ thẩm là 1.305.520 đồng. Tổng cộng là 26.655.936 đồng.

Tại giai đoạn phúc thẩm, các bị cáo đã nộp biên lai thể hiện số tiền án phí, tiền sung công quỹ Nhà nước và tiền thu theo bản án sơ thẩm. Do đó số tiền các bị cáo đã nộp sẽ được trừ vào theo thứ tự tiền án phí hình sự, dân sự sơ thẩm, tiền sung công quỹ Nhà nước, còn lại sẽ được trừ vào tiền bồi thường cho Nhà nước.

Bị cáo H đã nộp 13.700.000 đồng gồm 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, 1.105.520 đồng án phí dân sự sơ thẩm, 3.240.000 đồng tiền sung công quỹ Nhà nước, và 9.154.480 đồng tiền bồi thường thiệt hại, do đó còn phải nộp số tiển 12.955.936 đồng Bị cáo V đã nộp 7.000.000 đồng gồm 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, 1.105.520 đồng án phí dân sự sơ thẩm, 3.240.000 đồng tiền sung công quỹ Nhà nước, và 2.454.480 đồng tiền bồi thường thiệt hại, do đó còn phải nộp số tiền 19.655.936 đồng Bị cáo P đã nộp 5.000.000 đồng gồm 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, 1.105.520 đồng án phí dân sự sơ thẩm, 3.240.000 đồng tiền sung công quỹ Nhà nước, và 454.480 đồng tiền bồi thường thiệt hại, do đó còn phải nộp số tiền 21.655.936 đồng Bị cáo K đã nộp 13.000.000 đồng gồm 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, 1.105.520 đồng án phí dân sự sơ thẩm, 3.240.000 đồng tiền sung công quỹ Nhà nước, và 8.454.480 đồng tiền bồi thường thiệt hại , do đó còn phải nộp số tiền 13.655.936 đồng Bị cáo K đã nộp 8.500.000 đồng gồm 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, 1.105.520 đồng án phí dân sự sơ thẩm, 3.240.000 đồng tiền sung công quỹ Nhà nước, và 3.954.480 đồng tiền bồi thường thiệt hại, do đó còn phải nộp số tiền 18.155.936 đồng Bị cáo L đã nộp 9.500.000 đồng gồm 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, 1.105.520 đồng án phí dân sự sơ thẩm, 3.240.000 đồng tiền sung công quỹ Nhà nước, và 4.954.480 đồng tiền bồi thường thiệt hại, do đó còn phải nộp số tiền 17.155.936 đồng Các bị cáo đã nộp đủ án phí hình sự, dân sự sơ thẩm, tiền sung công quỹ Nhà nước.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự, 1.Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo H, V, K, L, K, P. Sửa bản án sơ thẩm số 01/2020/HSST ngày 7/01/2020 của Tòa án nhân dân huyện Chư P, tỉnh Gia Lai về phần hình phạt đối với các bị cáo H, V, K, L, K, P.

Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 58 của Bộ luật hình sự. Xử phạt:

Bị cáo H 16 (mười sáu) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Bị cáo V 13 (mười ba) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Bị cáo K 13 (mười ba) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Bị cáo L 13 (mười ba) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Bị cáo K 13 (mười ba) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Bị cáo P 13 (mười ba) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

2. Về dân sự: Không chấp nhận kháng cáo xin giảm tiền bồi thường của các bị cáo H, V, K, L, P, K.

Căn cứ vào các Điều 48 Bộ luật hình sự, Điều 584, 585, 587, 589 Bộ luật dân sự: Buộc các bị cáo H,V, K, L, K, P phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước thông qua ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư P số tiền:

Bị cáo H phải nộp số tiển 12.955.936 đồng Bị cáo V phải nộp số tiền 19.655.936 đồng Bị cáo P phải nộp số tiền 21.655.936 đồng Bị cáo K phải nộp số tiền 13.655.936 đồng Bị cáo K phải nộp số tiền 18.155.936 đồng Bị cáo L phải nộp số tiền 17.155.936 đồng Các bị cáo đã nộp đủ số tiền án phí hình sự, dân sự sơ thẩm, tiền sung công quỹ Nhà nước Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự;

thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

3. Về án phí: Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí tòa án: Các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

5 . Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

57
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 31/2020/HS-PT

Số hiệu:31/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Gia Lai
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:22/07/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về