Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 239/2021/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 239/2021/HS-PT NGÀY 23/09/2021 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 23 tháng 9 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 233/2021/TLPT-HS ngày 23 tháng 8 năm 2021 đối với các bị cáo Nguyễn Công N, Đỗ Văn X, Hoàng Văn M, Nguyễn Thanh T. Do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2021/HS-ST ngày 09/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

- Các bị cáo có kháng cáo:

1. Họ và tên: Nguyễn Công N; sinh năm 1985, tại tỉnh Đắk Lắk. Nơi cư trú: Buôn D, xã D, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 06/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Xuân X và bà Đỗ Thị N; bị cáo có vợ là H’K Ênuôl, có 02 con (con lớn sinh năm 2015, con nhỏ sinh năm 2017); tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại - Có mặt.

2. Họ và tên: Đỗ Văn X; sinh năm 1994, tại tỉnh Đắk Lắk. Nơi cư trú: Thôn 1, xã B, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 06/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đỗ Văn T và bà Nguyễn Thị H, bị cáo có vợ là Hồ Thị L và có 01 con sinh năm 2018;

tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại - Có mặt.

3. Họ và tên: Hoàng Văn M; sinh năm 1985, tại tỉnh Đắk Lắk. Nơi cư trú: Thôn 2, xã B, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn:

09/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Hoàng B (Đã chết) và bà Nguyễn Thị N; bị cáo có vợ là Trương Thị T và có 02 con (con lớn sinh năm 2012, con nhỏ sinh năm 2017); tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại - Có mặt.

4. Họ và tên: Nguyễn Thanh T; sinh năm 1993, tại tỉnh Đắk Lắk. Nơi cư trú: Thôn 2, xã B, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn:

06/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Phật giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Hữu T và bà Võ Thị X; có vợ Nguyễn Thị B và có 02 con (con lớn sinh năm 2015, con nhỏ sinh năm 2021); tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại - Có mặt.

- N đơn dân sự: Ban tự quản buôn D, xã D, huyện K, tỉnh Đắk Lắk Người đại diện theo pháp luật: Bà Lê Thị M; Chức vụ: Buôn trưởng buôn D, xã D, huyện K, tỉnh Đắk Lắk – Vắng mặt.

- Người làm chứng: Anh Hồ Văn H; địa chỉ: Thôn 1, xã D, huyện K, tỉnh Đắk Lắk – Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng tháng 5 năm 2020, Nguyễn Công N phát hiện 01 cây gỗ ở khe suối gần rẫy nhà mình tại lô 7, khoảnh 14, Tiểu Khu 1015a, thuộc buôn D, xã D, huyện K đã bị đổ ngã, chưa bật gốc nên Nguyễn Công N đã nảy sinh ý định khai thác cây gỗ trên, nhưng do không có công cụ nên đến khoảng đầu tháng 11/2020, N gặp Đỗ Văn X (làm rẫy gần rẫy nhà N), nói với X có cây gỗ Thung gần rẫy bị đổ ngã, nếu kiếm được người cưa thì N sẽ cho X một hộp, nghe vậy thì X đồng ý. Chiều ngày 08/11/2020, X đến nhà Hoàng Văn M tại Thôn 2, xã B, huyện K, nói lại sự việc cho M nghe thì M hỏi cây ở đâu, X nói cây ở trong rẫy thuộc xã D. M đồng ý cưa nhưng hai bên chưa thỏa thuận tiền công là bao nhiêu. Sau đó Một điện thoại cho Nguyễn Thanh T ở cùng thôn, để rủ T cùng tham gia được T đồng ý.

Khoảng 20 giờ ngày 10/11/2020, N điện thoại cho X hỏi xem đã tìm được người cưa cây chưa thì được X nói là tìm được rồi và hẹn hôm sau vào cưa cây. Sáng ngày 11/11/2020, Một điều khiển xe mô tô hiệu Dream, không biển kiểm soát chở T, khi đi T mang theo 01 cưa xăng hiệu STILL màu trắng cam, 01 dũa bằng kim loại dài 30cm, 01 lục giác bằng kim loại, 01 thước cuộn bằng kim loại đi vào rẫy của X, còn X thì mượn xe mô tô của một thanh niên (không rõ nhân thân, lai lịch) chở theo 01 can nhựa bên trong chứa 1,5 lít nhớt, 01 can nhựa bên trong chứa 05 lít xăng cùng đi vào rẫy của mình, khi đến nơi thì gặp N, M, T và anh Hồ Văn H trú tại thôn N, xã E, huyện K là người làm rẫy cùng X đang đứng nói chuyện, X nói M, T hỏi N xem cưa cây như vậy có sao không, thì N nói cây đã bị đổ bung gốc, có gì N sẽ chịu trách nhiệm. Sau đó, mọi người cùng đi đến tọa độ X0442410-Y1373561 thuộc lô 7, khoảnh 14, tiểu khu 1015a ở buôn D, xã D, huyện K thì thấy một cây gỗ Thung bị đổ, chưa bật gốc, ngọn đổ về phía khe nước chảy sườn dốc. Lúc này X, M, T phát hiện cây gỗ không nằm trong khu vực rẫy như N nói, mà nằm trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên nhưng vẫn đồng ý cưa cây theo yêu cầu của N, đứng nói chuyện một lúc thì X và H đi về, còn M phụ T đổ xăng, nhớt vào máy cưa; sau đó N, T lấy thước dây để đo phần thân làm 03 phần, đo theo hướng từ ngọn xuống gốc cây, rồi T dùng máy cưa cắt một lóng có kích thước dài 3,6m, đường kính 90 cm với khối lượng 2,035m3 gỗ tròn thì lóng gỗ này lăn xuống nằm giữa khe suối, khi đang chuẩn bị cắt lóng thứ hai thì cưa bị hỏng nên M và T mang cưa về sửa, còn N vẫn ở lại vị trí cây gỗ Thung thì bị Công an xã D phát hiện bắt quả tang.

Bản kết luận giám định ngày 26/11/2020, của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk và Trường đại học Tây Nguyên kết luận: Địa điểm khai thác gỗ có tọa độ 04555377- 1377398, thuộc lô 7, khoảnh 14, tiểu khu 1015a, xã D, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; Loại rừng: Rừng gỗ tự nhiên núi đất, thường xanh nghèo (LRTX nghèo) mục đích sử dụng là rừng sản xuất, trạng thái rừng xanh thường; Về chủng loại gỗ: 01 cây gỗ có tên Việt Nam là Thung, nhóm VII, tên khoa học Tetrameles Nudiflora R Br; Về khối lượng gỗ: Tổng khối lượng gỗ là 15.089m3/8 lóng gỗ tròn.

Bản kết luận định giá tài sản số: 01/2021/KL-ĐG ngày 03/01/2021 của Hội đồng định giá tài sản huyện Krông Ana kết luận: 08 lóng gỗ thung (được cắt từ cây gỗ Thung trên) nhóm VII, khối lượng 15.089m3 có tổng giá trị là 52.811.500 đồng.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 27/2021/HS-ST ngày 09/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 232 của Bộ luật hình sự.

Tuyên bố: Các bị cáo Nguyễn Công N, Đỗ Văn X, Hoàng Văn M, Nguyễn Thanh T phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

- Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232, điểm i, s khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

+ Xử phạt: Nguyễn Công N 01 (một) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày bắt thi hành án.

- Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232, điểm i, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự.

+ Xử phạt bị cáo Đỗ Văn X 09 (chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời hạn thử thách là 01 năm 06 tháng kể từ ngày tuyên án.

+ Xử phạt bị cáo Hoàng Văn M 09 (chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời hạn thử thách là 01 năm 06 tháng kể từ ngày tuyên án.

+ Xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh T 09 (chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời hạn thử thách là 01 năm 06 tháng kể từ ngày tuyên án.

Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 48 Bộ luật dân sự, Điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự, các Điều 584, 585, 586, 587, 589 Bộ luật dân sự.

Buộc bị cáo Nguyễn Công N phải bồi thường cho Ban tự quản buôn D, xã D, huyện K, tỉnh Đắk Lắk số tiền 20.811.500 đồng và buộc các bị cáo Đỗ Văn X, Hoàng Văn M, Nguyễn Thanh T phải bồi thường cho Ban tự quản buôn D, xã D, huyện K, tỉnh Đắk Lắk mỗi người 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, chế định án treo, về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 23/6/2021, bị cáo N có đơn kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại trách nhiệm dân sự, theo hướng bị cáo không phải bồi thường số tiền 20.811.500 đồng.

Các bị cáo Đỗ Văn X, Hoàng Văn M, Nguyễn Thanh T, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Các bị cáo cho rằng hành vi của các bị cáo chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính chứ chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đề nghị xem xét lại phần trách nhiệm dân sự theo hướng các bị cáo không phải bồi thường mỗi người số tiền 10.000.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đều giữ nguyên kháng cáo và đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, các bị cáo cho rằng bản án sơ thẩm buộc các bị cáo phải bồi thường toàn bộ giá trị 15,089m3 gỗ, trị giá 52.811.500 đồng là không đúng. Bởi, số gỗ các bị cáo khai thác trái phép đã được cơ quan chức năng thu giữ trả lại cho chủ sở hữu nên đề nghị Hội đồng xét xử phức thẩm sửa án sơ thẩm về phần bồi thường thiệt hại của các bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên tòa đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo và cho rằng: Bản án sơ thẩm tuyên xử các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm b khoản 1 Điều 232 BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật. Xét mức hình phạt 01 năm tù đối với bị cáo N; mức hình phạt 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đối với các bị cáo X, M, T mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với các bị cáo là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà các bị cáo gây ra.

Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền 52.811.500 đồng là giá trị 15,089m3 gỗ Thung là không đúng. Vì cây gỗ các bị cáo khai thác trái phép bị bắt giữ chưa di dời khỏi hiện trường, chưa chiếm đoạt hoặc thu lợi được từ số gỗ khai thác trái phép và đại diện cho chủ sở hữu hợp pháp là Ban tự quản buôn D cũng không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên tội danh, hình phạt đối với các bị cáo; chấp nhận kháng cáo của các bị cáo về phần trách nhiệm dân sự, sửa bản án sơ thẩm số 27/2021/HS-ST ngày 09/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, theo hướng không buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại.

Các bị cáo đồng ý với quan điểm của Kiểm sát viên về phần trách nhiệm dân sự; bị cáo Nguyễn Công N đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xét lời khai của các bị cáo tại phiên toà phúc thẩm là phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên toà sơ thẩm; phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở để kết luận: Ngày 11/11/2020, tại tọa độ 04555377-1377398, lô 7, khoảnh 14, tiểu khu 1015a, thuộc buôn D, xã D, huyện K, tỉnh Đắk Lắk là rừng gỗ tự nhiên núi đất, thường xanh nghèo mục đích sử dụng là rừng sản xuất, trạng thái rừng xanh thường; các bị cáo N, X, M và T đã thực hiện hành vi khai thác trái phép 01 cây gỗ Thung có khối lượng 15,089m3, thuộc nhóm VII, là thực vật thông thường, trị giá 52.811.500 đồng. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm tuyên xử các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” với tình tiết định tội là khai thác trái phép rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ 10 mét khối (m3) đến dưới 20 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường, theo điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự là có căn cứ.

[2] Xét kháng cáo của các bị cáo, nhận thấy: Tính chất, vai trò phạm tội của các bị cáo mang tính đồng phạm giản đơn. Trong đó bị cáo Nguyễn Công N là người khởi xướng, đã trực tiếp rủ rê lôi kéo Đỗ Văn X, Hoàng Văn M, Nguyễn Thanh T cùng phạm tội nên bị cáo phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án và phải chịu mức phạt tưng xứng với hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện, cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian để cải tạo, giáo dục bị cáo và phòng chống tội phạm nói chung.

Đối với các bị cáo Đỗ Văn X, Hoàng Văn M, Nguyễn Thanh T, tuy là người bị N rủ và thuê khai thác gỗ, các bị cáo cũng hoàn toàn nhận thức được vị trí cây gỗ Thung mà các bị cáo khai thác thuộc rừng tự nhiên, nhưng do hám lợi nên các bị cáo đã cố tình thực hiện cắt hạ cây gỗ trên thì bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Vì vậy, kháng cáo của các bị cáo cho rằng hành vi của các bị cáo chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự là không có căn cứ.

Xét mức hình phạt 01 năm tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo Nguyễn Công N là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo gây ra. Tuy nhiên, sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; Bị cáo có nhân thân tốt và có một thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự và có nhiều thành tích khen thưởng. Do đó, cần chấp nhận kháng cáo của bị cáo để giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt là phù hợp.

[3] Về trách nhiệm dân sự: Tòa án cấp sơ thẩm buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền 52.811.500 đồng giá trị của 15,089m3 gỗ Thung là không đúng. Bởi lẽ, khối lượng gỗ các bị cáo khai thác trái phép đã được thu giữ trả lại cho chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu hợp pháp là Ban tự quản buôn D cũng không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại.

Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy cần chấp nhận kháng cáo của các bị cáo về phần trách nhiệm dân sự; chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Nguyễn Công N về phần hình phạt - Sửa bản án sơ thẩm số 27/2021/HS-ST ngày 09/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

[4] Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận nên các bị cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự 2015;

Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

- Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Công N, Đỗ Văn X, Hoàng Văn M, Nguyễn Thanh T. Sửa bản án sơ thẩm số 27/2021/HS-ST ngày 09/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk về phần trách nhiệm dân sự và về phần hình phạt của bị cáo Nguyễn Công N.

[2] Điều luật áp dụng và mức hình phạt:

- Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232; các điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự;

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Công N 10 (mười) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày bắt thi hành án.

- Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232, điểm i, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Đỗ Văn X 09 (chín) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” nhưng cho hưởng án treo. Thời hạn thử thách là 01 (một) năm 06 (sáu) tháng kể từ ngày tuyên án.

Xử phạt: Bị cáo Hoàng Văn M 09 (chín) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” nhưng cho hưởng án treo. Thời hạn thử thách là 01 (một) năm 06 (sáu) tháng kể từ ngày tuyên án.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thanh T 09 (chín) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” nhưng cho hưởng án treo. Thời hạn thử thách là 01 (một) năm 06 (sáu) kể từ ngày tuyên án.

Giao các bị cáo Đỗ Văn X, Hoàng Văn M, Nguyễn Thanh T cho Ủy ban nhân dân xã B, huyện K, tỉnh Đắk Lắk là nơi các bị cáo cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình các bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 2019 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật hình sự.

Trường hợp các bị cáo X, Một, T thay đổi nơi cư trú, thì được thực hiện theo quy định của pháp luật Thi hành án hình sự.

[3] Về trách nhiệm dân sự: Các bị cáo không phải bồi thường thiệt hại.

[4] Về án phí: Các bị cáo Nguyễn Công N, Đỗ Văn X, Hoàng Văn M, Nguyễn Thanh T không phải chịu án phí phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

464
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 239/2021/HS-PT

Số hiệu:239/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:23/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về