Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 22/2020/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 22/2020/HS-PT NGÀY 07/08/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 07/8/2020 tại phòng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử Phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 20/2020/HSPT, ngày 03/7/2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 18/2020/QĐXXPT-HS ngày 23/7/2020 đối với bị cáo Tráng A T. Do có kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, tỉnh Điện Biên đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 19/2020/HS-ST ngày 27/5/2020 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Điện Biên.

Bị cáo Tráng A T (tên gọi khác: Không), sinh năm: 1978, tại: huyện M, tỉnh Yên Bái; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Bản N, xã B, huyện P, tỉnh Điện Biên; Dân tộc: Mông; Quốc Tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hóa: Không. Bố đẻ: ông Tráng Chừ S (Đã chết), và mẹ đẻ: bà Giàng Thị D, sinh năm: 1940. Bị cáo có vợ Hờ Thị U, sinh năm: 1984 và có 05 người con; Nhân thân: Bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; Bị cáo bị áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 03/3/2020. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho Bị cáo: có ông Bùi Bình M- Luật sư, Văn phòng luật sư P thuộc Đoàn luật sư tỉnh Điện Biên. Có mặt

- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Tráng A S, sinh năm 1988; Trú tại: bản N, xã B, huyện P, tỉnh Điện Biên. Có mặt.

2. Tráng A G, sinh năm 1976; Trú tại: bản N, xã B, huyện P, tỉnh Điện Biên. Có mặt.

- Người có nghĩa vụ liên quan:

Tráng A D, sinh năm 1986; Trú tại: bản N, xã B, huyện P, tỉnh Điện Biên. Có mặt

- Người phiên dịch tiếng dân tộc Mông: Ông Sùng A C, sinh năm: 2000; Trú tại: Tổ dân phố X, phường M, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên. Có mặt.

Bản án hình sự sơ thẩm còn triệu tập một số người làm chứng. Tại phiên tòa Phúc thẩm xét thấy không cần thiết triệu tập người làm chứng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ và diễn biến tại phiên tòa thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 10/4/2019 tổ công tác của Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng thực hiện kế hoạch kiểm tra tại bản N, xã B, huyện P, tỉnh Điện Biên đã phát hiện số lượng gỗ lớn được cất giữ tại lán của Tráng A T và nhà cũ của Tráng A G có 43 lóng, cột tròn có đường kính trung bình từ 40 cm đến 65 cm, chiều dài từ 02 mét đến 08 mét. Sau khi phát hiện vụ việc Chi cục kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã làm việc với chính quyền địa phương, xác minh vụ việc. Qua điều tra, xác minh Tráng A T, Tráng A G và Tráng A S cùng trú tại bản N, xã B, huyện P khai nhận: Toàn bộ số gỗ trên là của T, G, S cất giữ để sau này làm nhà ở. Tại lán của Tráng A T cất giữ 29 cột trong đó 14 cột là của T;14 cột là của G và 01 cột là của S. Tại nhà cũ bỏ hoang của Tráng A T có 14 cột trong đó 13 cột là của S; 01 cột là của G.

Tại cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện P, Tráng A T khai nhận: Khoảng năm 2009 trong một lần ăn cơm tại nhà Tráng A G (là anh trai của T) G có nói với Tráng A T và Tráng A S (S là chú họ của T và G) là Tráng A G định phát khu rừng gần nhà để làm nương, nhưng có nhiều cây gỗ to phải lấy về để sau này làm nhà ở cho con cháu. Năm 2009 đến năm 2010 Tráng A T đã chặt hạ được 14 cột dài từ 06 đến 07 mét (Không có giấy phép) và mượn máy Ba lăng xích của Tráng A G để kéo gỗ về đến đầu dốc gần nhà T, quá trình kéo gỗ T đã cùng đổi công với G và S để cùng nhau kéo gỗ. Tráng A T dựng lán che bảo vệ gỗ, Tráng A G, Tráng A S cũng đi chặt hạ được gỗ (Không có giấy phép) và kéo gỗ về xếp trong lán của T. Xếp tại nhà bỏ hoang cũ của Tráng A G.

Tại thời điểm kiểm tra tại lán của T có 29 cột có khối lượng 40,814 m3. Trong đó của T 14 cột có khối lượng 19,458 m3; Tráng A G 14 cột có khối lượng 19,982 m3; Tráng A S 01 cột có khối lượng 1,374 m3.

Tại nhà hoang, cũ của Tráng A G có 14 cột có khối lượng 20,245 m3, trong đó của Tráng A S là 13 cột; của G 01 cột.

Tại Bản kết luận số 303/CNR-TH ngày 01/7/2019 của Viện nghiên cứu công nghiệp rừng kết luận: 43 lóng, khúc thuộc loại gỗ Dẻ giáp và gỗ Chò xót (tên khác Vối thuốc, răng cưa, Trín). Hai loại Dẻ giáp (Castanopsis armata) và Chò xót (Schima superba) không có tên trong “Danh mục loài nguy cấp, quí, hiếm được ưu tiên bảo vệ” ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 và “Danh mục thực vật, động vật nguy cấp, quí, hiếm” ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/0/2019 của Chính phủ.

Gỗ Dẻ giáp (Castanopsis armata) và Chò xót (Schima superba) được xếp vào nhóm V trong bản phân hạng tạm thời các loại gỗ sử dụng thống nhất trong cả nước ban hành kèm theo Quyết định số 2198-CNR ngày 26/11/1977 của Bộ lâm nghiệp, nay là Bộ nông nghiệp & phát triển nông thôn.

Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử cơ quan tiến hành tố tụng huyện P, tỉnh Điện Biên đã căn cứ vào điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư 27/2018/TT- BNNPTNT về quản lý truy suất nguồn gốc lâm sản về sai số trong đo gỗ tròn là cộng, trừ 10%.

Khối lượng gỗ do Tráng A T tàng trữ trái phép là: 40,814m3 - 4,0814m3= 36,733m3.

Khối lượng gỗ do Tráng A G tàng trữ trái phép là: 20,245m3 - 2,0245m3 = 18,221m3.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 19/2020/HSST ngày 27/5/2020 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Điện Biên đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Tráng A T phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Áp dụng điểm k khoản 1 Điều 232, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1, khoản 2 và khoản 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Tráng A T 18 (mười tám) tháng tù, cho hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách 36 tháng,tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của Bị cáo.

Đối với Tráng A G, Tráng A S thuộc trường hợp xử lý hành chính theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 23 Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản và tại giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra Công an huyện P đã chuyển hành vi tàng trữ trái phép gỗ của Tráng A G, Tráng A S đến Chi cục kiểm lâm tỉnh xử lý theo thẩm quyền.

Sau khi tuyên án Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên có Quyết định kháng nghị số 01/QĐ-VKS-P7 ngày 24/6/2020 với nội dung: Việc đo đạc theo biên bản kiểm tra lâm sản của Chi cục kiểm lâm tỉnh Điện Biên ngày12/4/2019 và các ngày 21,22/5/2019 tại bản N, xã B, huyện P, tỉnh Điện Biên, tổng là 43 cột gỗ có khối lượng 57,856m3 là có căn cứ chính xác để xử lý theo quy định của pháp luật, vì khi đo đã căn cứ vào điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy suất nguồn gốc lâm sản đã tính khối lượng gỗ tròn được phép sai số cho từng lóng, khúc gỗ cho một lần đo là mười phần trăm ( ± 10%). Do đó việc trừ tiếp10% khối lượng gỗ các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện P, tỉnh Điện Biên là không có căn cứ, dẫn đến bỏ lọt hành vi phạm tội của Tráng A G và tính khối lượng gỗ của Tráng A T là không chính xác. Bản án số 19/2020/HSST ngày 27/5/2020 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Điện Biên đã vi phạm điểm a, điểm b khoản1 Điều 358 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên kháng nghị tòa bộ Bản án số 19/2020/HSST ngày 27/5/2020 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Điện Biên và để nghị Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử phúc thẩm theo hướng: Áp dụng điểm a, điểm b khoản 1 Điều 358 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Hủy Bản án số 19/2020/HSST ngày 27/5/2020 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Điện Biên để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục chung.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát ngồi duy trì công tố vẫn giữ nguyên nội dung, quyết định kháng nghị số 01/QĐ-VKS-P7 ngày 24/6/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên.

Luật sư bào chữa cho Bị cáo đồng thuận với quan điểm của Kiểm sát viên và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra theo thủ tục chung.

Tại phiên tòa, Bị cáo không tranh luận gì với Kiểm sát viên và không bổ sung thêm lời bào chữa của Luật sư bào chữa. Nói lời sau cùng Bị cáo cho rằng tại địa bàn xã B, huyện P những người tàng trữ gỗ như Bị cáo còn nhiều, không bị xử lý mà Bị cáo thì lại bị truy tố, xét xử.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên có Quyết định kháng nghị số 01/QĐ-VKS-P7 ngày 24/6/2020 là kháng nghị trong hạn theo quy định tại Điều 337 Bộ luật Tố tụng Hình sự, được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

[2] Về hành vi phạm tội: Tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay, Bị cáo Tráng A T, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Tráng A G, Tráng A S khai nhận: Năm 2009 và năm 2010 cả 03 người đã được đi chặt hạ các cây gỗ to gần nhà Tráng A G kéo mang về cất giữ để sau này làm cột nhà ở. Tráng A T kéo gỗ về gần nhà và dựng lán để che các cột gỗ của T là 14 cột có khối lượng là 19,458 m3; của G 14 cột gỗ có khối lượng 19,982 m3 và 01 cột là của S có khối lượng 1,374 m3. Tổng cộng là 40,814 m3, không có giấy phép.

Tráng A G cất giữ 14 cột tại nhà cũ bỏ hoang của G không có giấy phép có khối lượng 20,245 m3; trong đó của S 13 cột của G 01 cột. Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng của huyện P, tỉnh Điện Biên đã căn cứ vào điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư số 27/2018/TT- BNNPTNT quy định về quản lý, truy suất nguồn gốc lâm sản để tiếp tục lấy tổng khối lượng gỗ đã được cơ quan chuyên môn đo đạc và đã trừ theo từng lóng, khúc khi đo để cộng, trừ tiếp 10% là không đúng theo tinh thần của thông tư 27/2018/TT- BNNPTNT. Do đó việc đánh giá về tính chất, mức độ của vụ án không đầy đủ, toàn diện khách quan, bỏ lọt người có hành vi phạm tội, áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự không chính xác. Tại phiên tòa cấp phúc thẩm không thể bổ sung được.

[3] Xét về nội dung kháng nghị: Việc đo đạc theo biên bản kiểm tra lâm sản ngày 21, 22/5/2019 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên tại bản N, xã B, huyện P, tỉnh Điện Biên thì có 43 cột gỗ Vối thuốc, gỗ dẻ thuộc nhóm V,VI có khối lượng 57,856 m3. Khi đo đã căn cứ vào điểm a, khoản 3 Điều 4 Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT để tính khối lượng gỗ tròn được phép sai số cho từng lóng, khúc gỗ cho một lần đo là 10 phần trăm ( ± 10%). Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện P, tỉnh Điện Biên tiếp tục áp dụng cộng, trừ 10% khối lượng gỗ cất giữ là không chính xác.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát ngồi duy trì công tố phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về vụ án: Số liệu gỗ trong hồ sơ vụ án chưa chính xác, thể hiện như biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 22/5/2019 tại lán của Tráng A T có 26 cột (trong đó của T 14 cột; của Tráng A G 12 cột) được đánh số thứ tự từ 01 đến 26 có tổng khối lượng gỗ 36,664m3; nhà cũ của Tráng A G 17 cột gỗ (của G 03 cột, của S 14 cột) đánh số thứ tự từ 27 đến 43 có khối lượng là 21,192 m3 và bản án nhận định số gỗ tạm giữ tại lán của Tráng A T cơ quan điều tra đã tạm giao cho UBND xã B, huyện P, tỉnh Điện Biên quản lý, đã bị đốt cháy toàn bộ nhưng không có biên bản xác minh, biên bản hiện trường trong hồ sơ vụ án. Do đó, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị và xét xử phúc thẩm theo hướng: Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 19/2020/HSST ngày 27/5/2020 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Điện Biên để khởi tố truy tố, xét xử theo thủ tục chung.

Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy: Quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên và đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ, cần chấp nhận.

Quan điểm của Luật sư bào chữa cho Bị cáo đồng thuận với quan điểm của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.

[4] Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136/BLTTHS và căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 quy định về án phí, lệ phí Tòa án Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm c khoản 1 điều 355; điểm a, điểm b khoản 1 điều 358 và Điều 360 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

1. Chấp nhận kháng nghị số 01/QĐ-VKS-P7 ngày 24/6/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên. Hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số: 19/2020/HS-ST ngày 27/5/2020 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Điện Biên.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện P, tỉnh Điện Biên để điều tra lại theo quy định của pháp luật.

3. Về án phí phúc thẩm: Áp dụng khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự, điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Miễn án phí Hình sự phúc thẩm cho bị cáo Tráng A T

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (07/8/2020).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

169
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 22/2020/HS-PT

Số hiệu:22/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Điện Biên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 07/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về