TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN M’ĐRẮK, TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 21/2022/HS-ST NGÀY 11/11/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN
Ngày 11 tháng 11 năm 2022, tại hội trường xét xử Tòa án nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm vụ án Hình sự thụ lý số 20/2022/TLST-HS ngày 11 tháng 10 năm 2022, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 20/2022/QĐXXST-HS ngày 25 tháng 10 năm 2022 đối với các bị cáo:
1. Lương Văn N sinh ngày 03 tháng 02 năm 1989 tại huyện M, tỉnh Đắk Lắk; Nơi đăng ký thường trú: Khối 8, phường TL, thành phố BMT, tỉnh Đắk Lắk; Chỗ ở hiện nay: Tổ dân phố 07, thị trấn M, huyện M, tỉnh Đắk Lắk; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Giới tính: Nam; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: làm nông; Con ông Lương Danh Th và bà Trần Thị N1; Vợ Vũ Thị Kim Ng và có 02 con (con lớn sinh năm 2014, con nhỏ sinh năm 2017). Tiền án: Không. Tiền sự: Ngày 30/9/2021 bị Công an huyện M’Đrắk xử phạt vi phạm hành chính 20.000.000đồng, về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép, đã chấp hành xong. Bị cáo hiện đang tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
2. Nguyễn Anh S, sinh ngày 20 tháng 4 năm 1997 tại thị xã NH, tỉnh Khánh Hòa; Nơi cư trú: Tổ dân phố số 02, thị trấn M, huyện M, tỉnh Đắk Lắk; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Giới tính: Nam; Trình độ học vấn: 6/12; Nghề nghiệp: Lái xe; Con ông: Nguyễn Anh D và bà Lê Thị Ngọc Thu Th. Tiền án: Không; Tiền sự: Ngày 06/12/2021 bị Hạt kiểm lâm huyện M’Đrắk xử phạt hành chính10.000.000đồng về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép, đã chấp hành xong. Bị cáo hiện đang tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
3. Ngời tham gia tố tụng khác:
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Anh Y Nh K, sinh năm 1988. Nơi cư trú: Thôn 2, xã K, huyện M, tỉnh Đắk Lắk. Ông Y Nh có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt.
+ Bà Trần Thị N1, sinh năm 1959. Nơi cư trú: Tổ dân phố 07, thị trấn M, huyện M, tỉnh Đắk Lắk. Bà Nội có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt.
+ Anh Y L B, sinh năm 1994. Nơi cư trú: Buôn U, xã K, huyện M, tỉnh Đắk Lắk. Ông Y L có mặt tại phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng tháng 4/2022, Lương Văn N thấy 03 hộp gỗ xẻ bên đường tại thôn 18, xã CưM’ta, N hỏi người dân địa phương là gỗ của ai thì có một người đàn ông (chưa xác định được nhân thân lai lịch) tự nhận là gỗ của mình và đồng ý bán gỗ cho N với giá 1.000.000đồng, N trả tiền gỗ nhưng chưa chở về. Chiều ngày 04/6/2022, N mượn xe ô tô biển kiểm soát (BKS) 47C-X của anh Y Nh K. Nam điện thoại cho Nguyễn Anh S nhờ S điều khiển xe ô tô đi chở 03 hộp gỗ xẻ nói trên về cho N. S rủ anh Y L đi chơi cùng. N điều khiển xe mô tô BKS 21F1-X dẫn S đến nơi có 03 hộp gỗ xẻ mà N mua nói trên. N nhờ một số người đi đường (chưa xác định được nhân thân lai lịch) bốc số gỗ nói trên lên xe, sau đó N điều khiển xe mô tô đi trước còn S điều khiển xe ô tô chạy theo sau. Đến 17 giờ 30 phút cùng ngày, khi xe đi đến đoạn đường bê tông thuộc thôn Tân Lập, xã Cư M’ta thì bị Công an huyện phát hiện, thu giữ.
Tại kết luận giám định ngày 23/6/2022 của Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk kết luận: 03 hộp gỗ, khối lượng 0,346m³(quy tròn 0,553m³). Trong đó: Gỗ Trâm nhóm V khối lượng: 0,207m³, gỗ Chò nhóm IIIkhối lượng 0,139m³.
Tại kết luận định giá tài sản số: 141/KL-HĐĐG ngày 07/9/2022 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện M'Đrắk kết luận: 03 hộp gỗ trị giá là 1.261.300đồng.
Vật chứng tạm giữ: 03 hộp gỗ xẻ, 01 xe ô tô BKS 47C – X mang tên Nguyễn Hn và 01 xe mô tô biển kiểm soát 21F1 – X mang tên Phạm Ngọc T; 01 Điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA 1202 kèm sim của Lương Văn N và 01 Điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA TA-1174 kèm sim của Nguyễn Anh S.
*Tại bản cáo trạng số 21/CT-VKS ngày 11/10/2022 của Viện kiểm sát nhân dân huyện M’Đrắk truy tố bị cáo Lương Văn N và Nguyễn Anh S về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm m khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự (BLHS).
* Quá trình xét hỏi tại phiên toà, bị cáo Lương Văn N và Nguyễn Anh S khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nội dung bản cáo trạng đã truy tố. Bị cáo Nam hiện làm nông, thu nhập hàng tháng bình quân khoảng 5.200.000đồng, hiện nay bị cáo là lao động chính, duy nhất trong gia đình. Bị cáo S hiện làm nghề lái xe, thu nhập bình quân khoảng 5.500.000đồng/tháng.
* Quá trình điều tra, và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không yêu cầu gì.
* Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện M’Đrắk giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX):
- Tuyên bố bị cáo Lương Văn N và Nguyễn Anh S phạm tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản".
+ Áp dụng Khoản 1, 4 Điều 232 BLHS; Điều 36 BLHS, Điểm i, s Khoản 1 Điều 51 đề nghị xử phạt bị cáo Lương Văn N từ 15 tháng đến 18 tháng cải tạo không giam giữ, khấu trừ thu nhập từ 5% đến 10%/tháng. Phạt bổ sung: Phạt tiền từ 10.000.000đồng đến 15.000.000đồng.
+ Áp dụng Khoản 1 Điều 232 BLHS; Điều 36, Điểm i, s Khoản 1 Điều 51 BLHS đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Anh S từ 12 tháng đến 15 tháng cải tạo không giam giữ, khấu trừ thu nhập từ 5% đến 10%/tháng.
- Xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 46, 47 BLHS, Điều 106 BLTTHS:
+ Chấp nhận việc Cơ quan CSĐT Công an huyện M’Drắk ra Quyết định xử lý vật chứng trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp là là anh Y Nh K 01 xe ô tô BKS 47C – X và trả cho bà Trần Thị N1 01 xe mô tô biên kiểm soát 21F1 – X mang tên Phạm Ngọc T;
+ Tịch thu sung quỹ Nhà Nước 03 hộp gỗ xẻ; 01 điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA 1202; 01 điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA 1174.
* Các bị cáo không có ý kiến tranh luận, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện M’Đrắk, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện huyện M’Đrắk, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến hoặc khiếu nại gì về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2]Về nội dung:
[2.1] Lời khai của bị cáo phù hợp với các chứng cứ, tài liệu đã được thu thập trong hồ sơ vụ án, HĐXX có đủ cơ sở pháp lý để kết luận:
Tháng 4 năm 2022, bị cáo Lương Văn N mua gỗ không có hồ sơ pháp lý tại thôn 18 xã Cư M’ta. Ngày 04/6/022 bị cáo N nhờ bị cáo S điều khiển xe ô tô BKS 47C- X vận chuyển 03 hộp gỗ xẻ có khối lượng 0,346m3 (quy tròn 0,533m3) thuộc chủng loại gỗ Trâm nhóm V và gỗ Chò nhóm III, thông thường (không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm). Hành vi mà các bị cáo đã thực hiện nằm trong mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 22, Điều 23 Nghị định số 35/2019/ND-CP ngày 25/4/2019 của Chính Phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Theo đó, mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa về hành vi vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép quy định tại điểm d khoản 7 Điều 22 và điểm d khoản 7 Điều 23 Nghị định này, đối với gỗ thuộc loại thông thường đến dưới 20m3.
Tuy nhiên, các bị cáo đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép. Tính đến ngày 04/6/2022, các bị cáo chưa được xóa tiền sự về xử phạt vi phạm hành chính, nay lại vi phạm. Do vậy, hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm m khoản 1 Điều 232 BLHS.
Tại điểm k và điểm m khoản 1 Điều 232 BLHS quy định:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 243 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
............
k) Tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép từ ...20 mét khối (m3) đến dưới 40 mét khối (m3) gỗ loài thực vật rừng thông thường;
m) Khai thác, tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép gỗ hoặc thực vật rừng ngoài gỗ có khối lượng hoặc trị giá dưới mức quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm 1 khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.” [2.2] Xét tính chất, mức độ cũng như hậu quả do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra là nguy hiểm cho xã hội. Các bị cáo phải nhận thức rừng là tài nguyên quý báu, là bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái, việc mua bán, vận chuyển lâm sản do Nhà nước quản lý. Với ý thức coi thường pháp luật, các bị cáo mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép là tiếp tay cho người khác khai thác lâm sản trái phép. Hành vi phạm tội của các bị cáo xâm phạm đến chế độ quản lý và bảo vệ rừng của Nhà nước. Nên hành vi của các bị cáo cần được nghiêm trị bằng pháp luật.
Các bị cáo cùng tham gia thực hiện hành vi phạm tội nhưng không bàn bạc, phân công nhiệm vụ, vai trò cụ thể nên chỉ mang tính chất đồng phạm giản đơn. HĐXX cần xem xét tính chất, mức độ cũng như các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của mỗi bị cáo để lượng hình cho tương xứng. Bị cáo N vì trục lợi mua gỗ và nhờ bị cáo S chở gỗ về nhà. Bị cáo S biết gỗ không có hồ sơ pháp lý nhưng vì nể nang nên đã có hành vi vận chuyển gỗ cho bị cáo N. Do đó cần xử lý bị cáo N có phần nghiêm khắc hơn so với bị cáo S.
Bị cáo N có hành vi mua bán trái phép gỗ, nên áp dụng hình phạt bổ sung phạt tiền 10.000.000đồng quy định tại khoản 4 Điều 232 BLHS là cần thiết.
[2.3] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ: Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng. Các bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội quy định tại điểm i, s khoản 1 Điều 51 BLHS.
Bị cáo Lương Văn N là lao động chính trong gia đình, mẹ và vợ đau ốm, bố đã già yếu, con còn nhỏ. Gia đình bị cáo S thuộc hộ cận nghèo. Các bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt, nơi cư trú cụ thể, rõ ràng, hành vi phạm tội mang tính chất giản đơn, nên không cần cách ly bị cáo khỏi xã hội. Do đó cần áp dụng khoan 1 Điều 36 BLHS, phạt cải tạo không giam giữ cũng đủ tác dụng răn đe giáo dục các bị cáo.
Theo biên bản xác minh và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, các bị cáo đều không có thu nhập cố định. Bị cáo N làm nghề nông, thu nhập bình quân khoảng 5.200.000đồng/tháng. Bị cáo S làm nghề lái xe, thu nhập bình quân khoảng 5.500.000đồng/tháng. Cần khấu trừ 5%/mức thu nhập bình quân của các bị cáo trong thời gian cải tạo không giam giữ để sung quỹ Nhà nước. Cụ thể bị cáo N 260.000đồng/tháng, bị cáo S 275.000đồng/tháng.
[2.4] Đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
- Anh Y L B không có tiền án, tiền sự liên quan đến hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Anh Y L được Sí rủ đi chơi cùng, không tham gia vận chuyển gỗ, Y L không biết việc Lương Văn N và Nguyễn Anh S đi vận chuyển gỗ trái phép và không có hành vi giúp sức cho N và S nên không đồng phạm với các bị cáo, nên HĐXX không xem xét trong vụ án.
- Cơ quan điều tra chưa xác định được nhân thân lai lịch đối tượng bán gỗ cho bị cáo Nam, nên HĐXX không có căn cứ xử lý. [2.5] Các biện pháp tư pháp:
- Đối với xe xe ô tô BKS 47C – X là tài sản thuộc quyền sở hữu Y Nh K, xe mô tô biên kiểm soát 21F1 – X là tài sản thuộc quyền sở hữu của bà Trần Thị N1. Anh Y Nh và bà N1 không có lỗi trong việc các bị cáo sử dụng làm phương tiện thực hiện hành vi phạm tội. Việc Cơ quan CSĐT Công an huyện M'Đrắk trả lại là có căn cứ nên cần chấp nhận.
- Đối với 03 hộp gỗ xẻ khối lượng 0,346m³ không có hồ sơ pháp lý nên cần tịch thu sung ngân sách Nhà nước.
- Đối với điện thoai di động nhãn hiệu NOKIA 1202 kèm sim của Lương Văn N và Điện thoai di động nhãn hiệu NOKIA TA-1174 kèm sim của Nguyễn Anh S , các bị cáo sử dụng để liên hệ với nhau, là vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội, còn giá trị sử dụng nên cần sung vào ngân sách Nhà nước.
[2.6] Về án phí: Bị cáo Lương văn N và Nguyễn Anh S phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Lương Văn N và Nguyễn Anh S phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
2. Về hình phạt:
2.1. Căn cứ vào điểm m khoản 1 và khoản 4 Điều 232; điểm i, s khoản 1 Điều 51 và Điều 36 BLHS:
- Hình phạt chính: Phạt bị cáo Lương Văn N 01 (một) năm 03 (ba) tháng tháng cải tạo không giam giữ. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày UBND thị trấn M’Đrắk được giao giám sát, giáo dục bị cáo Nam nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Khấu trừ một phần thu nhập hàng tháng của bị cáo Lương Văn N trong thời gian cải tạo không giam giữ để sung quỹ nhà nước, cụ thể mỗi tháng 260.000đồng.
- Hình phạt bổ sung: Phạt bị cáo Lương Văn N 10.000.000đông (Mười triệu đồng).
2.2. Căn cứ vào điểm m khoản 1 Điều 232; điểm i, s khoản 1 Điều 51 và Điều 36 BLHS: Phạt bị cáo Nguyễn Anh S 01 (một) năm cải tạo không giam giữ. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày UBND thị trấn M’Đrắk được giao giám sát, giáo dục bị cáo Sí nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Khấu trừ một phần thu nhập hàng tháng của bị cáo Nguyễn Anh S trong thời gian cải tạo không giam giữ để sung quỹ nhà nước, cụ thể mỗi tháng 275.000đồng.
* Giao bị cáo Lương Văn N và Nguyễn Anh S cho UBND thị trấn M’Đrắk giám sát và giáo dục các bị cáo. Gia đình các bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ.
3. Biện pháp tư pháp: Áp dụng khoản 1 Điều 47 BLHS và Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự:
- Tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước 03 hộp gỗ xẻ khối lượng 0,346m³.
Trong đó: Gỗ Trâm nhóm V khối lượng: 0,207m³, gỗ Chò nhóm III khối lượng 0,139m³; 01 điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA 1202 kèm sim của Lương Văn Nam và 01 điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA TA-1174 kèm sinh của Nguyễn Anh Sí.
Đặc điểm vật chứng theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 01/11/2022 giữa cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện M’Đrăk với Chi cục thi hành án dân sự huyện M’Đrăk.
- Chấp nhận cơ quan điều trả xe ô tô tải BKS47C – X cho anh Y Nho K vàxe mô tô BKS 21F1 – X cho bà Trần Thị Nội.
4. Về án phí: Áp dụng Điều 136 BLTTHS, điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Bị cáo Lương Văn N và Nguyễn Anh S mỗi bị cáo phải chịu 200.000đồng tiền án phí Hình sự sơ thẩm.
5. Thông báo quyền kháng cáo:
- Các bị cáo có quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm trong hạn luật định là 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.
- Đương sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 21/2022/HS-ST
Số hiệu: | 21/2022/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện M'Đrắk - Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 11/11/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về