Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 21/2021/HS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

BẢN ÁN 21/2021/HS-PT NGÀY 16/09/2021 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 16 tháng 9 năm 2021, tại phòng xét xử hình sự Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 21/2021/TLPT-HS ngày 16 tháng 7 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 29/2021/QĐXXPT-HS ngày 27 tháng 8 năm 2021 đối với:

* Bị cáo có kháng cáo:

- Triệu Văn P (tên gọi khác: H), sinh năm 1997 tại huyện Q, tỉnh Hà Giang; nơi cư trú: Thôn T, xã B, huyện Q, tỉnh Hà Giang; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hoá: 09/12; dân tộc: Dao; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Triệu Trung T và bà Triệu Thị S; có vợ và 02 con; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: không; bị cáo hiện nay đang tại ngoại theo quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú số 22/2021/HSST ngày 14/6/2021 của Tòa án nhân huyện Q, tỉnh Hà Giang. Có mặt.

- Phàn Tiến S1, sinh năm 1990 tại huyện Q, tỉnh Hà Giang; nơi cư trú: Thôn T, xã B, huyện Q, tỉnh Hà Giang; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hoá: 9/12; dân tộc: Dao; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phàn Văn C và bà Triệu Thị N; có vợ và 03 con; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: không; bị cáo hiên nay đang tại ngoại theo quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú số 23/2021/HSST ngày 14/6/2021 của Tòa án nhân huyện Q, tỉnh Hà Giang. Có mặt.

- Người bào chữa cho các bị cáo: Cao Xuân H - Luật sư thuộc văn phòng Luật sư H. Có mặt.

- Ngoài ra trong vụ án còn có nguyên đơn dân sự; người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị nên Tòa án cấp phúc thẩm không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng tháng 02 năm 2020, Triệu Văn P đi tìm hoa phong lan tại khu rừng tự nhiên mỏ ao xanh thuộc tổ 4, thị trấn Yên B, huyện Q, tỉnh Hà Giang thì nhìn thấy 01 cây sâng. P về nhà và kể với Phàn Tiến S1 về cây gỗ này và nói muốn chặt cây này mang về làm nhà. S1 nói lúc nào đi thì S1 đi cùng. Khoảng cuối tháng 4 năm 2020, P có ý định chặt cây gỗ này và gọi điện rủ S1 lên rừng, lúc đó khoảng 15 giờ 30 phút. S1 đồng ý và đến nhà P. P mang theo máy cưa xăng và một số đồ dùng cần thiết cho việc cưa hạ cây, để trong gùi. S1 cũng biết việc P có mang theo máy cưa xăng như trên. P và S1 đi bộ theo đường mòn hướng lên rừng mỏ ao xanh. Khi lên đến đỉnh dốc gần cây gỗ sâng mà P phát hiện thì S1 ngồi nghỉ còn P mang máy cưa đến vị trí cây gỗ sâng, dùng máy cưa cắt hạ cây gỗ này. Sau khi cây đổ, P tiếp tục dùng máy cưa cắt một đoạn phần gốc và kê đoạn này lên đà. Sau đó , P gọi S1 thì thấy S1 trả lời ở phía dưới dốc hướng về mỏ ao xanh. P mang máy cưa xăng và các đồ vật khác đi xuống chỗ S. S1 hỏi mượn P máy cưa và P đưa cho S1 mượn máy cưa và các đồ vật kèm theo rồi đi theo đường về thôn T, đi được một đoạn thì P dừng lại chờ S1. Còn S1 thì mang máy cưa của P đi chặt hạ một cây sâng to, cây này do S1 phát hiện từ trước khi còn làm công nhân ở mỏ ao xanh, có ý định sẽ khai thác lấy gỗ mang về làm nhà. Sau khi cây đổ thì S1 tắt máy cưa để tháo lam xích, cho cưa xăng vào gùi, đi theo đường mòn xuống đến khe nước thì gặp P và cùng đi về. Ngày hôm sau và mấy ngày tiếp theo, P đem máy cưa và các vật dụng cần thiết lên chỗ cây sâng đã chặt, xẻ được 12 thanh gỗ có khối lượng 1,689m3 rồi nhờ S1 cùng Triệu Trung P1, Phùng Kim S2 đi vận chuyển đến gần nhà P; sau đó P và vợ là Triệu Thị N tiếp tục vận chuyển gỗ về cất giấu, ngâm dưới ao nhưng đã bị cơ quan chức năng phát hiện lập biên bản thu giữ.

Về cây gỗ sâng do S1 cưa hạ, thời gian sau S1 nhờ P cùng đi xẻ, P đồng ý và cùng S1 đi lên rừng, dùng cưa xăng của P cắt cây gỗ sâng thành nhiều khúc, xẻ một phần được 25 thanh gỗ có khối lượng 2,636m3 rồi ra về, sau đó S1 một mình vận chuyển 25 thanh gỗ này ra khỏi rừng, số gỗ này Cơ quan điều tra đã phát hiện thu giữ.

Quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, định vị, vị trí, đánh số thứ tự, đo kích thước gốc cây và kích thước gỗ tại hiện trường. Căn cứ kết quả khám nghiệm hiện trường, lời khai nhận của P, S1 và các tài liệu chứng cứ khác, xác định được cây sâng do Triệu Văn P cưa hạ là cây sâng được đánh số 01 trong biên bản khám nghiệm hiện trường 10 giờ 00 phút ngày 20/5/2020; cây sâng do Phàn Tiến S1 cưa hạ được đánh số 17 trong biên bản khám nghiệm hiện trường hồi 08 giờ 45 phút ngày 28/4/2020.

Trên cơ sở kết quả khám nghiệm hiện trường, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Q có công văn số 102/CV- CQĐT ngày 21/5/2020, đề nghị Hạt kiểm lâm huyện Q xác định loại rừng, chủng loại, khối lượng gỗ.

Tại công văn số 53a/HKL ngày 21/5/2020 của Hạt kiểm lâm huyện Q xác định:

"1. Đối với hiện trạng rừng.

Từ tọa độ các cây gỗ đã bị chặt hạ đã được xác định trong biên bản khám nghiệm hiện trường, đối chiếu với bản đồ điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và đất lâm nghiệp thị trấn Yên Bình giai đoạn 2016-2025 được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt tại quyết định 1619/QĐ-UBND ngày 30/7/2018, xác định được:

+ Cây số 15, 16, 17, 18, 19 (trong biên bản khám nghiệm hiện trường hồi 08 giờ 45 ngày 28/4/2020) thuộc lô 15, 14, 11, 8 khoảnh 8 tiểu khu 308b; cây số 01 (trong biên bản khám nghiệm hiện trường 10 giờ 00 ngày 20/5/2020) thuộc lô 299097 khoảnh 8 tiểu khu 308b, hiện trạng là rừng tự nhiên, chức năng rừng phòng hộ.

+ Các cây gỗ còn lại (trong biên bản khám nghiệm hiện trường hồi 08 giờ 45 ngày 28/4/2020) thuộc lô 6, 10, 12, khoảnh 8, tiểu khu 308b, hiện trạng là rừng tự nhiên, chức năng rừng sản xuất.

2. Về khối lượng gỗ khai thác trái phép: Trên cơ sở kết quả đo đạc thực tế tại biên bản hiện trường, Hạt kiểm lâm xác định được khối lượng của từng cây gỗ (gồm khối lượng gỗ tại hiện trường và khối lượng gỗ đã mất).

3. Về chủng loại gỗ bị khai thác gồm: gỗ Trai lý nhóm IIA thuộc loại gỗ quý hiếm; gỗ Sâng, gỗ Kháo, Xoan Đào nhóm VI, gỗ Đu đủ (Sồi Bấc) nhóm VIII thuộc loại gỗ thông thường.

(Có bảng kê kèm theo)".

Đối chiếu bảng kê của Hạt kiểm lâm với các cây gỗ các bị cáo khai thác trái phép trong vụ án này, xác định được cây gỗ sâng được đánh số 17 trong biên bản khám nghiệm hiện trường hồi 08 giờ 45 phút ngày 28/4/2020 do Phàn Tiến S1 cưa hạ có khối lượng 17,2m3 ; cây gỗ sâng được đánh số 01 trong biên bản khám nghiệm hiện trường 10 giờ 00 ngày 20/5/2020 do Triệu Văn P cưa hạ có khối lượng 7,89m3, đều khai thác tại rừng phòng hộ là rừng tự nhiên.

Đối với Triệu Trung P1, Phùng Kim S2, Triệu Thị N, xét thấy hành vi chưa đến mức xử lý hình sự, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Q đề nghị hạt kiểm lâm huyện Q xem xét xử lý hành chính về hành vi vận chuyển gỗ trái phép.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 11/2021/HSST ngày 14 tháng 6 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Hà Giang quyết định:

Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Triệu Văn P (tên gọi khác: H) và Phàn Tiến S1 phạm tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản".

Về hình phạt:

Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 232, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 58 của Bộ luật Hình sự 2015;

- Xử phạt bị cáo Phàn Tiến S1 25 (hai mươi lăm) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án phạt tù;

- Xử phạt bị cáo Triệu Văn P 24 (hai mươi bốn) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án phạt tù.

Ngoài ra bản án còn quyết định về vật chứng, án phí, quyền kháng cáo của bị cáo, nguyên đơn dân sự, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Ngày 21/6/2021, bị cáo Triệu Văn P; bị cáo Phàn Tiến S1 c đơn kháng cáo với nội dung kháng cáo xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo. Tại phiên tòa, các bị cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Người bào chữa cho các bị cáo: Đề nghị Hội đ ng xét xử căn cứ Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự sửa bản án hình sự sơ thẩm số 11/2021/HSST ngày 14 tháng 6 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Hà Giang. Áp dụng thêm điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo và áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự xử cho bị cáo P và bị cáo S1 được hưởng án treo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang tại phiên tòa, sau khi phân tích về tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội của các bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng: Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 11/2021/HS-ST ngày 14/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Hà Giang.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về thủ tục tố tụng: Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Triệu Văn P; bị cáo Phàn Tiến S1 có đơn kháng cáo theo đúng quy định tại các Điều 331, Điều 332, Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự, nên kháng cáo của các bị cáo được chấp nhận xem xét.

[2] Về nội dung kháng cáo của các bị cáo về việc xin giảm nhẹ hình phạt Hội đồng xét xử xét thấy:

[3] Về tội danh và Điều luật áp dụng: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Triệu Văn P và bị cáo Phàn Tiến S1 tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" quy định theo điểm d khoản 2 Điều 232 của Bộ luật hình sự là đúng người đúng tội, đúng pháp luật, không oan. Các bị cáo không kháng cáo về tội danh và Điều luật áp dụng.

[4] Về hình phạt: Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, đánh giá đầy đủ tính chất, vai trò của từng bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của từng bị cáo. Trong vụ án này các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là đồng phạm giản đơn, trong đó bị cáo S1 là người thực hành, tự mình khai thác, còn bị cáo P là người giúp sức cho mượn công cụ phương tiện để khai thác gỗ. Do đó , mức hình phạt được áp dụng đối với bị cáo S1 cao hơn bị cáo P là đúng pháp luật.

[5] Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[6] Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Quá trinh điều tra, truy tố, xét xử, các bị cáo Triệu Văn P, Phàn Tiến S1 thành khẩn khai áo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu chưa có tiền án, tiền sự là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhận thức về pháp luật còn hạn chế; Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ hình sự được quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo và xử phạt bị cáo Phàn Tiến S1 25 (Hai mươi năm) tháng tù, bị cáo Triệu Văn P 24( Hai mươi bốn ) tháng tù là có căn cứ phù hợp với tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội đối với từng bị cáo. Vì vậy kháng cáo của bị cáo S1 và bị cáo P về việc xin giảm nhẹ hình phạt là không có căn cứ.

[7] Xét kháng cáo của bị cáo S1 và bị cáo P về việc xin hưởng án treo Hội đồng xét xử xét thấy:

[8] Về trách nhiệm dân sự: Hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra thiệt hại với giá trị thiệt hại là 932.800.000 đồng, theo kết luận số 284 KL-HĐĐG ngày 31/8/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Tại Tòa án cấp sơ thẩm, nguyên đơn dân sự là Ủy ban nhân dân huyện Q, tỉnh Hà Giang không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại. Vì vậy, cấp sơ thẩm không xem xét là có căn cứ.

[9] Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo S1 và bị cáo P tự nguyện khắc phục một phần hậu quả với số tiền 4.000.000 đồng, trong đó mỗi bị cáo nộp 2.000.000 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q, tỉnh Hà Giang. Do nguyên đơn dân sự không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại nên việc các bị cáo nộp số tiền nêu trên không phải tình tiết phát sinh mới để được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

[10] Hành vi phạm tội của bị cáo S và bị cáo P là nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội. Các bị cáo bị truy tố và xét xử theo khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự có khung hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Các bị cáo khai thác gỗ trái phép rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân trong khu vực. Do đó , hành vi phạm tội của các bị cáo cần được nghiêm trị theo quy định của pháp luật.

[11] Xét thấy việc cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định là cần thiết để các bị cáo c đủ thời gian cải tạo trở thành người có ích cho xã hội sau này, đáp ứng yêu cầu đấu tranh và phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

[12] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo S và bị cáo P không có tình tiết phát sinh mới nên kháng cáo của các bị cáo về việc xin cho hưởng án treo là không có căn cứ.

[13] Quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với nhân định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[14] Ý kiến của Luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị giảm án cho các bị cáo và cho các bị cáo hưởng án treo là không có căn cứ nên không được chấp nhận.

[15] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử thấy kháng cáo của bị cáo Phàn Tiến S1 và bị cáo Triệu Văn P không có căn cứ để chấp nhận, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm số 11/2021/HS-ST ngày 14/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Hà Giang.

[16] Đối với số tiền bị cáo S1 và bị cáo P đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q tuyên trả lại cho các bị cáo.

[17] Về án phí hình sự phúc thẩm: Các bị cáo là hộ cận nghèo nên được miễn án phí theo quy định của pháp luật.

[18] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phàn Tiến S1 và bị cáo Triệu Văn P giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 11/2021/HS-ST ngày 14/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Hà Giang.

Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Triệu Văn P (tên gọi khác: H) và Phàn Tiến S1 phạm tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.

Về hình phạt: Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 232, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 58 của Bộ luật Hình sự;

- Xử phạt bị cáo Phàn Tiến S1 25 (hai mươi lăm) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án phạt tù;

- Xử phạt bị cáo Triệu Văn P 24 (hai mươi bốn) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án phạt tù.

Về trách nhiệm dân sự: Tuyên trả cho bị cáo Triệu Văn P số tiền 2.000.000đ ( Hai triệu đồng chẵn) đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q, tỉnh Hà Giang theo biên lai thu số 02598 ngày 07/7/2021.

Tuyên trả cho bị cáo Phàn Tiến S1 số tiền 2.000.000đ (Hai triệu đồng chẵn) đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q, tỉnh Hà Giang theo biên lai thu số 02599 ngày 07/7/2021.

Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự, khoản 1 Điều 6, điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 6 Điều 15 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy an Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án, miễn án phí hình sự phúc thẩm cho các bị cáo Triệu Văn P và Phàn Tiến S1.

Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm số 11/2021/HS-ST ngày 14/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Hà Giang không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1413
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 21/2021/HS-PT

Số hiệu:21/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 16/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về