Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 124/2021/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 124/2021/HS-PT NGÀY 27/04/2021 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 27 tháng 4 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 85/2021/HSPT, ngày 10/3/2021 đối với các bị cáo Trần Quang Q, Trần Hồng W, Phạm Văn E và Trần Nhật R về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 03/2021/HS-ST ngày 11/01/2021 của Tòa án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

Bị cáo có kháng cáo:

1. Họ và tên: Trần Quang Q. Tên gọi khác: Cu Anh, sinh ngày 20 tháng 4 năm 1983 tại huyện T, tỉnh Đắk Lắk.

Nơi cư trú: Thôn Y, xã U, huyện T, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: làm nông; trình độ văn hóa (học vấn): 6/12; tôn giáo: Không. Con ông Trần O và bà Nguyễn Thị P; có vợ là Trịnh Nguyên A và 03 con, con lớn nhất sinh năm 2006, con nhỏ nhất sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: không; bị bắt, tạm giam từ ngày 09/01/2020 đến ngày 24/3/2020 được thay thế biện pháp ngăn chặn cho bảo lĩnh. Có mặt.

2. Họ và tên: Trần Hồng W. Tên gọi khác: Lùn, sinh ngày 29 tháng 4 năm 1998 tại huyện T, tỉnh Đắk Lắk.

Nơi cư trú: Thôn Y, xã U, huyện T, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: làm nông; trình độ văn hóa (học vấn): 6/12; tôn giáo: không. Con ông Trần Văn S và bà Chu Thị Thanh D; chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: không; bị bắt, tạm giam từ ngày 09/01/2020 đến ngày 24/3/2020 được thay thế biện pháp ngăn chặn cho bảo lĩnh. Có mặt.

3. Họ và tên: Phạm Văn E. Tên gọi khác: Đùm, sinh ngày 20 tháng 4 năm 1995 tại huyện T, tỉnh Đắk Lắk.

Nơi cư trú: Thôn Y, xã U, huyện T, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: làm nông; trình độ văn hóa (học vấn): 6/12; tôn giáo: Công giáo. Con ông Phạm Thế G và bà Trần Thị Kim H; có vợ là Trần Hoài J và 01 con sinh năm 2017; tiền án, tiền sự: không; bị bắt, tạm giam từ ngày 09/01/2020 đến ngày 24/3/2020 được thay thế biện pháp ngăn chặn cho bảo lĩnh. Có mặt.

4. Họ và tên: Trần Nhật R. Tên gọi khác:  H, sinh ngày 08 tháng 12 năm 1984 tại huyện T, tỉnh Đắk Lắk.

Nơi cư trú: Thôn Y, xã U, huyện T, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: làm nông; trình độ văn hóa (học vấn): 12/12; tôn giáo: không. Con ông Trần Anh K và bà Nguyễn Thị L; có vợ là Trần Thị Z và 02 con, con lớn nhất sinh năm 2011, con nhỏ nhất sinh năm 2016; tiền án, tiền sự: không; bị bắt, tạm giam từ ngày 05/02/2020 đến ngày 24/3/2020 được thay thế biện pháp ngăn chặn cho bảo lĩnh. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng tháng 10/2019, Trần Hồng W, Phạm Văn E, Trần Quang Q và Trần Nhật R rủ nhau lên rừng đặc dụng KN thuộc địa giới hành chính xã U, huyện T khai thác gỗ trái phép để xẻ phách đưa về sử dụng.

Sau khi chuẩn bị dụng cụ xong, W điều khiển xe máy hiệu Wave biển số đăng ký 47L1-xxxxx, Q và E đi xe máy hiệu Dream biển số đăng ký 47H3-xxxx, R điều khiển xe máy hiệu Taurus biển số đăng ký 47P4-yyyy do R mượn của anh B mang theo các vật dụng đi đến khu vực rẫy nhà ông X, sau đó cả nhóm để xe máy tại đây rồi đi bộ lên rừng đặc dụng KN đến vị trí tọa độ tọa độ Xxxxxxxx – Yyyyyyyy thuộc lô 69, khoảnh 1, tiểu khu 1024 rừng đặc dụng KN, địa giới hành chính xã U, T để cưa hạ một cây gỗ Tung. Khoảng 15 giờ cùng ngày, W, E, Q và R cưa cây gỗ Tung đổ xuống nhưng do trời tối nên cả nhóm dấu dụng cụ gồm cưa, dao rựa, can đựng xăng, nhớt, thước dây trong bụi cây rồi đi về.

Sau đó W, E, Q, R tiếp tục đi lên vị trí cây Tung đã cưa hạ để cắt lóng, xẻ phách. Vì phần thân dài 09m tính từ gốc bị bọng, khó cắt nên E và Q chỉ cắt lóng từ phần thân cách gốc 09m hướng về phía ngọn và cắt được 03 lóng; mỗi lóng gỗ Q và E xẻ ra thành 02 phách gỗ. Sau khi xẻ được 02 phách gỗ từ lóng gỗ đầu tiên, W, E, Q, R dùng tời máy của Trần Văn N để gần đó tời gỗ lên đỉnh dốc rồi dùng trâu của ông Trần Văn N và trâu của anh M đang chăn thả tại khu vực ruộng gần đó kéo gỗ về theo lối đường mòn. Sau khi kéo được 02 phách gỗ về khu vực rẫy cà phê nhà ông X, thì E và W mượn xe máy cày tay của Trần Văn N chở về khu vực ruộng hoang ở thôn Y, xã U cất dấu.

Với cách thức như trên, W, E, Q và R tiếp tục vận chuyển 04 phách gỗ xẻ từ hai lóng gỗ còn lại về khu vực ruộng hoang trên cất dấu. Tổng cộng, W, E, Q và R xẻ được 06 phách gỗ, tổng khối lượng được quy tròn là 7,833m3 (bảy phẩy tám trăm ba mươi ba mét khối).

Khi nghe thông tin cơ quan Công an đang điều tra, sợ bị phát hiện nên W, E, Q và R lấy thùng xe lôi có hai càng tay bằng gỗ, trục bánh xe máy (chưa xác định được chủ sở hữu) để ở ngã ba cầu bà M thuộc thôn Y, xã U vận chuyển 06 phách gỗ Tung trên đến cất dấu sau vườn của nhà bà Nguyễn Thị N, vườn nhà ông Kiều NH và vườn nhà ông Nguyễn ĐT cùng trú tại thôn Y, xã U, huyện T.

Tại Kết luận giám định ngày 20/12/2019 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk kết luận:

Tổng khối lượng cây gỗ Tung mà Trần Hồng W, Trần Nhật R, Phạm Văn E, Trần Quang Q khai thác trái phép được quy tròn là 30,9733 (ba mươi phẩy chín trăm bảy mươi ba mét khối), gồm: Gỗ tròn tại hiện trường là 21,425m3, gỗ xẻ tại hiện trường được quy tròn là 1,714m3, gỗ xẻ đưa về sử dụng được quy tròn là 9,093m3; Vị trí tọa độ cây gỗ Tung mà Trần Hồng W, Trần Nhật R, Phạm Văn E, Trần Quang Q khai thác trái phép là rừng tự nhiên, có mục đích chính hiện nay là rừng đặc dụng.

Tại Bản kết luận định giá tài sản số 05/KLĐG ngày 24/02/2020 của Hội đồng định giá tài sản huyện T kết luận: Tổng giá trị lâm sản mà Trần Hồng W, Trần Nhật R, Phạm Văn E, Trần Quang Q khai thác trái phép là 57.707.500 đồng (năm mươi bảy triệu bảy trăm lẻ bảy nghìn năm trăm đồng).

Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 03/2021/HS-ST ngày 11/01/2021 của Tòa án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

- Căn cứ vào: Điểm e khoản 3 Điều 232 của Bộ luật hình sự.

Tuyên bố: Các bị cáo Trần Quang Q, Phạm Văn E, Trần Hồng W và Trần Nhật R phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

- Căn cứ vào: Điểm e khoản 3 Điều 232, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54 của Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Trần Quang Q 03 (ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 09/01/2020 đến ngày 24/3/2020.

Xử phạt: Bị cáo Phạm Văn E 03 (ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 09/01/2020 đến ngày 24/3/2020.

Xử phạt: Bị cáo Trần Hồng W 02 (hai) năm 09 (chín) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 09/01/2020 đến ngày 24/3/2020.

Xử phạt: Bị cáo Trần Nhật R 02 (hai) năm 03 (ba) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được khấu trừ thời gian tạm giam từ ngày 05/02/2020 đến ngày 24/3/2020.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn xử phạt đối với bị cáo Trần Văn N, quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 22/01/2021 và ngày 25/01/2021, các bị cáo Trần Quang Q, Trần Hồng W, Phạm Văn E và Trần Nhật R kháng cáo với nội dung xin hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Quá trình tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã đN giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo và cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Trần Quang Q, Trần Hồng W, Phạm Văn E và Trần Nhật R về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm e khoản 3 Điều 232 của Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Xét mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo là thỏa đáng tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo. Tuy nhiên, thấy rằng các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Các bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng. Do đó, không cần thiết phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà chỉ cần áp dụng biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện cho bị cáo được hưởng án treo là phù hợp. Vì vậy, đề nghị HĐXX căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của các bị cáo - sửa bản án sơ thẩm về biện pháp chấp hành hình phạt.

Các bị cáo không tranh luận, bào chữa gì, mà chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với lời khai mà các bị cáo khai tại phiên tòa sơ thẩm, tại cơ quan điều tra, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã được thu thập, đánh giá trong hồ sơ vụ án. Vì vậy có đủ căn cứ để kết luận: Khoảng tháng 10 năm 2019, các bị cáo Phạm Văn E, Trần Quang Q, Trần Hồng W và Trần Nhật R có hành vi khai thác trái phép 01 cây gỗ có khối lượng quy là 30,973m3, chủng loại Tung, nhóm VII tại lô 69, khoảnh 1, tiểu khu 1024 do Ban quản lý rừng đặc dụng KN quản lý, thuộc địa giới hành chính xã U, huyện T, tỉnh Đắk Lắk. Vị trí tọa độ cây gỗ Tung do Trần Hồng W, Trần Nhật R, Phạm Văn E, Trần Quang Q khai thác trái phép là rừng tự nhiên, có mục đích chính hiện nay là rừng đặc dụng. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Trần Quang Q, Phạm Văn E, Trần Hồng W và Trần Nhật R về tội: “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm e khoản 3 Điều 232 BLHS năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

[2] Xét mức hình phạt mà cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo Trần Quang Q, Phạm Văn E, Trần Hồng W và Trần Nhật R là phù hợp so với tính chất, mức độ hành vi mà các bị cáo gây ra. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo nên mức hình phạt đối với các bị cáo là phù hợp. Tuy nhiên, xét thấy các bị cáo đều là người có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, các bị cáo đều có nơi cư trú rõ ràng. Do đó, không cần thiết phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà chỉ cần áp dụng biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện cho các bị cáo được hưởng án treo, để các bị cáo tự cải tạo ngoài xã hội dưới sự giám sát giáo dục của gia đình và chính quyền địa phương nơi cư trú cũng đủ tác dụng giáo dục, răn đe các bị cáo, đồng thời vẫn đảm bảo tác dụng răn đe phòng ngừa chung cho toàn xã hội, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và chính sách khoan hồng của nhà nước ta. Do vậy, cần chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, sửa bản án hình sự sơ thẩm số 03/2021/HS-ST ngày 11-01-2021 của Tòa án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk về biện pháp chấp hành hình phạt đối với các bị cáo.

[3] Về án phí: Do được chấp nhận kháng cáo nên các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự.

Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Trần Quang Q, Phạm Văn E, Trần Hồng W và Trần Nhật R. Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 03/2021/HS-ST ngày 11-01-2021 của Tòa án nhân dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk về biện pháp chấp hành hình phạt đối với các bị cáo Trần Quang Q, Phạm Văn E, Trần Hồng W và Trần Nhật R.

[2] Về điều luật áp dụng và mức hình phạt:

Áp dụng điểm e khoản 3 Điều 232; điểm b, s khoản 1, khoản 2, Điều 51; khoản 1 Điều 54; khoản 1, khoản 2 và khoản 5 Điều 65 Bộ luật hình sự:

Xử phạt: Bị cáo Trần Quang Q 03 năm tù về tội: “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản”, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Xử phạt: Bị cáo Phạm Văn E 03 năm tù về tội: “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản”, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Xử phạt: Bị cáo Trần Hồng W 02 năm 09 tháng tù về tội: “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản”, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Xử phạt: Bị cáo Trần Nhật R 02 năm 03 tháng tù về tội: “Vi phạm quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản”, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm 06 tháng, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao các bị cáo Trần Quang Q, Phạm Văn E, Trần Hồng W và Trần Nhật R cho Ủy ban nhân dân xã U, huyện T, tỉnh Đắk Lắk giám sát, giáo dục và gia đình các bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

[3] Về án phí: Các bị cáo Trần Quang Q, Trần Hồng W, Phạm Văn E và Trần Nhật R không phải chịu án phí hình sự W thẩm.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[5] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

162
  • Tên bản án:
    Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 124/2021/HS-PT
  • Số hiệu:
    124/2021/HS-PT
  • Cấp xét xử:
    Phúc thẩm
  • Lĩnh vực:
    Hình sự
  • Ngày ban hành:
    27/04/2021
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 124/2021/HS-PT

Số hiệu:124/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:27/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về