Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 09/2023/HS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KBANG - TỈNH GIA LAI

BẢN ÁN 09/2023/HS-ST NGÀY 07/03/2023 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 07/3/2023, tại trụ sở TAND huyện Kbang, tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 01/2023/HS-ST ngày 31/01/2023 đối với bị cáo:

Trần Văn K, sinh năm 1983 tại: N, Hà Tĩnh; nơi thường trú: Thôn M, xã X huyện N, tỉnh Hà Tĩnh; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 12/12; tiền án, tiền sự: Không; con ông Trần Văn C1 và bà Hồ Thị M1, vợ là Đậu Thị M2 và 02 con; bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 09/12/2022 cho đến nay, có mặt tại phiên tòa.

Bị hại: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (TNHH MTV) Lâm nghiệp K;

Địa chỉ: Xã K, huyện K, tỉnh Gia Lai.

Đại diện theo uỷ quyền: Ông Nguyễn Thành V1-Phó Giám đốc Công ty (vắng mặt nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1.Anh Chu Thanh H1, sinh năm 1985;

Địa chỉ: Thôn X, xã Đ, huyện K, tỉnh Gia Lai.

2.Anh Đặng Trung H2, sinh năm 1992;

Địa chỉ: Thôn T, xã S, huyện K, tỉnh Gia Lai.

3.Anh Triệu Văn T1, sinh năm 1994;

Địa chỉ: Thôn X, xã S, huyện K, tỉnh Gia Lai.

4.Anh Nguyễn Khánh L, sinh năm 1999;

Địa chỉ: Thôn T, xã T, thị xã A, tỉnh Gia Lai.

5. Anh Đặng Hữu P, sinh năm 1988;

Địa chỉ: Thôn H, xã S, huyện K, tỉnh Gia Lai.

6. Anh Nguyễn Anh T2, sinh năm 1997; Địa chỉ: Xã Đ, huyện K, tỉnh Gia Lai.

7. Anh Đinh Văn B, sinh năm 1989;

8. Anh Đinh M3, sinh năm 1999;

9.Anh Đinh Thanh T3, sinh năm 2001;

10.Anh Đinh T4, sinh năm 1995;

11.Anh Đinh N, sinh năm 1997;

Cùng địa chỉ: Làng S, xã K, huyện K, tỉnh Gia Lai.

12.Anh Trần Văn Q, sinh năm 1982;

13. Anh Trần S, sinh năm 1996;

Cùng địa chỉ: Tổ dân phố X, thị trấn K, huyện K, tỉnh Gia Lai.

14. Anh Đinh Thái H3, sinh năm 1987; Địa chỉ: Xã T, thị xã A, tỉnh Gia Lai.

15. Anh Lương Thái C2, sinh năm 1992;

Địa chỉ: Tổ dân phố Y, thị trấn K, huyện K, tỉnh Gia Lai.

(Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều vắng mặt).

Người làm chứng:

1. Anh Nguyễn Văn C3, sinh năm 1986 (vắng mặt nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt);

2. Anh Lê Phú T5, sinh năm 1986 (vắng mặt nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt);

3. Anh Nguyễn Văn V2, sinh năm 1993 (vắng mặt); Cùng địa chỉ: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp K;

NỘI DUNG VỤ ÁN

Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào trưa ngày 13/11/2020, Văn Kim S2 điện thoại liên lạc và thuê Triệu Văn T1, Đặng Trung H2, Đặng Hữu P, Chu Thanh H1, Nguyễn Khánh L, Đinh Thái H3, Đinh Văn B, Đinh Thanh T3, Đinh M3, Nguyễn Anh T2, Trần Văn K và hai đối tượng tên M4, L2 (chưa rõ nhân thân, lại lịch) lên rừng, tại lô 1, khoảnh 2, tiểu khu 90 lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp K (Công ty K) quản lý, thuộc địa giới hành chính xã K, huyện K, tỉnh Gia Lai để khai thác gỗ trái phép.

Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, S2 cùng các đối tượng trên mang theo 03 máy cưa xăng, đồ đạc đi lên rừng và thấy có một cây gỗ hương đã chết khô bị bật gốc ngã đổ tự nhiên (gọi là cây số 3) và một cây gỗ hương đã bị bật gốc hoàn toàn ngã đổ tự nhiên, còn T3 ơi (gọi là cây số 4, theo biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 18/11/2020). Theo hướng dẫn của S2, các đối tượng trên đã thực hiện việc cắt lóng rồi xẻ hộp cây gỗ hương số 3. Đến khoảng 01 giờ sáng ngày 14/11/2020, S2 dẫn T1, H2, B và H1 đi lên chỗ cây gỗ hương số 4 để cắt lóng, những người còn lại tiếp tục xẻ gỗ ở cây gỗ hương số 3. Trong lúc khai thác hai cây gỗ hương nói trên thì S2 nói T3 và M3 về trước để buổi sáng hôm sau thuê người đi kéo, chuyển gỗ đã xẻ ở cây số 3 đi. Đến khoảng 03 giờ sáng ngày 14/11/2020, nhóm của S2 xẻ xong gỗ ở cây gỗ hương số 3 và đang cắt lóng dở ở cây gỗ hương số 4 thì ra về. Đến sáng ngày 14/11/2020, S2 liên lạc với T3 và M3 nói gọi người đi kéo gỗ đã xẻ xuống dòng suối Nia về hướng cầu sắt làng V, xã K để chuyển đi. T3 đã gọi Đinh Văn L3 và Đinh D, M3 gọi Đinh L4, Đinh N2 và Đinh N3 đi kéo gỗ với tiền công thỏa thuận là 500.000 đồng/ngày.

Theo hướng dẫn của S2 thì M4 đã cùng T3, M3, L3, D, L4, N2 và N3 đi lên rừng và kéo gỗ đã xẻ hộp ở cây số 3 xuống suối Nia. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, S2 tiếp tục cùng K, H3, H2, T2, B, T1, L2, T4, N và L5 đi lên rừng tiếp tục cắt lóng xẻ cây số 4. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, S2 nói cả nhóm kéo gỗ ở suối Nia xuống cầu làng V, xã K còn S2 tiếp tục tham gia với nhóm cắt lóng, xẻ hộp ở cây số 4. Đến khoảng 00 giờ ngày 15/11/2020, S2 nói nhóm B, T4, T1 ở lại tiếp tục xẻ hộp cây số 4; S2 cùng K, H3, H2, T2, N, L5 và L2 đi đến cắt lóng cây gỗ hương mà nhóm S2 đã cắt hạ vào tháng 9/2020, gọi là cây số 5 theo biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 18/11/2020). Khi các đối tượng kéo gỗ đến cầu làng V, xã K thì S2 đi đến cùng cả nhóm kéo và bốc gỗ lên hai xe ô tô do Trần S và Lương Thái C2 điều khiển. Sau đó, S và C2 điều khiển mỗi người một xe ô tô chở gỗ đến đường liên xã gần xóm Đ, làng Đ, xã K để chuyển đi nơi khác. Đến khoảng 07 giờ cùng ngày 15/11/2020, S2 tiếp tục điện cho T3 và M3 gọi người đi kéo gỗ đã xẻ ở cây gỗ hương số 4 xuống cầu làng V. T3 đã gọi D và L3, M3 đã gọi L4, N2 và N3 đi kéo gỗ xuống suối Nia, số gỗ này cũng được bốc lên xe và vận chuyển đi.

Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, tối cùng ngày 15/11/2020, theo yêu cầu của S2 thì H2, P, B, N và T4 mang theo cưa xăng của B đi lên dọn cành, bìa ở cây gỗ hương số 3; H3 và T2 đi lên dọn cành, bìa ở cây gỗ hương số 4. Ngày 16/11/2020, S2 tiếp tục thuê các đối tượng lên xẻ tiếp cây gỗ hương số 5 cho đến sáng ngày 16/11/2020 thì xẻ xong, T3 và M3 gọi người lên tiếp tục kéo gỗ xẻ chuyển đi. Đến khoảng 18 giờ ngày 16/11/2020, S2 nói K, H3, L, T2, H1, L5, M4 và L2 đi lên rừng để xẻ gỗ của cây gỗ hương số 5. Một lúc sau, T1 dẫn Đinh T5 đi lên rừng tham gia làm cây gỗ hương này; B, P và H2 thì được S2 nói đi dọn, đốt cành, bìa ở cây gỗ hương số 3 đã cắt, xẻ. K, H3, L, T2, H1, L5, M4, L2 và T5 làm gỗ đến khoảng 02 giờ sáng ngày 17/11/2020 thì xẻ xong gỗ của cây gỗ hương số 5. Khoảng 07 giờ ngày 17/11/2020, S2 liên lạc với T3 và M3 nói tiếp tục gọi người đi kéo gỗ từ cây gỗ hương số 5 xuống cầu làng V; M3 đã gọi L4, N2, N3, Đinh K2, Đinh K3, Đinh A L6, Đinh G, Đinh C3 và Đinh H4, T3 gọi Đinh T6 cùng đi kéo gỗ xẻ từ cây gỗ hương số 5 xuống lòng suối Nia. Sau đó, S2 nói T1, H1, M4 đi theo nhóm kéo gỗ. Đến khoảng 12 giờ ngày 17/11/2020, khi các đối tượng đang vận chuyển gỗ trái phép thì bị lực lượng bảo vệ rừng phát hiện nên đã bỏ trốn, để gỗ lại hiện trường.

Ngày 18/11/2020, Hạt Kiểm lâm huyện Kbang đã phối hợp các ngành chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác định: Tại lô 1, khoảnh 2 và lô 5, khoảnh 1, tiểu khu 90 lâm phần do Công ty K quản lý thuộc địa giới hành chính xã K, huyện K, tỉnh Gia Lai, thuộc loại rừng sản xuất, trạng thái rừng thường xanh trung bình. Tại hiện trường có 04 cây gỗ hương bị khai thác trái phép (trong đó, có 02 cây bị bật gốc hoàn toàn bị ngã đổ tự nhiên từ trước, 02 cây bị cắt đổ) và 01 cây gỗ bằng lăng bị đổ lây do việc khai thác cây gỗ hương số 01 gây ra với tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại của 05 cây gỗ bị khai thác trái phép là 19,452m3 và 0,38 ster củi, cụ thể như sau:

- Cây số 1 chủng loại gỗ hương nhóm I – thông thường, thuộc lô 5, khoảnh 1, tiểu khu 90 (L5, K1, TK90) có khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 2,208m3.

- Cây số 2 chủng loại gỗ bằng lăng nhóm V thuộc L5, K1, TK90 (bị đổ lây) có khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 0,343m3.

- Cây số 3 chủng loại gỗ hương nhóm I – thông thường, thuộc L1, K2, TK90 bị cắt hạ khai thác trái phép có khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 6,904m3.

- Cây số 4 chủng loại gỗ hương nhóm I – thông thường, thuộc L1, K2, TK90 bị bật gốc ngã đổ, bị khai thác trái phép có khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 3,172m3 và 0,38 ster củi.

- Cây số 5 chủng loại gỗ hương nhóm I – thông thường, thuộc L1, K2, TK90 bị bật gốc ngã đổ, đã bị khai thác trái phép có khối lượng gỗ tròn thiệt hại là 6,825m3.

Khối lượng gỗ hương xẻ hộp đã thu giữ trong quá trình khám nghiệm hiện trường vụ án tại hai địa điểm: Tại vị trí suối Nia gồm 16 hộp có khối lượng gỗ xẻ là 2,061m3; tại vị trí cây gỗ hương số 01 gồm 08 hộp có khối lượng gỗ xẻ là 0,465m3; thu giữ 01 lóng gỗ tròn tại cây gỗ hương số 01, có khối lượng gỗ tròn là 1,271m3.

*Căn cứ Bản kết luận định giá tài sản số: 05/KL-HĐĐG ngày 05/02/2021 của Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc trong tố tụng hình sự huyện Kbang xác định:

- Giá trị thiệt hại của cây số 01, chủng loại gỗ hương tại thời điểm phát hiện tháng 11/2020 khối lượng gỗ tròn 2,208m3 là: 79.803.500 đồng.

- Giá trị thiệt hại của cây số 02, chủng loại gỗ bằng lăng tại thời điểm phát hiện tháng 11/2020 khối lượng gỗ tròn 0,343m3 là: 343.000 đồng.

- Giá trị thiệt hại của cây số 03, chủng loại gỗ hương tại thời điểm phát hiện tháng 11/2020 khối lượng gỗ tròn 6,904m3, trị giá là: 263.509.000 đồng.

- Giá trị thiệt hại của cây số 04, chủng loại gỗ hương tại thời điểm phát hiện tháng 11/2020 khối lượng gỗ tròn 3,172m3 và củi là: 0,38 ster là: 105.551.850 đồng.

- Giá trị thiệt hại của cây số 05, chủng loại gỗ hương tại thời điểm phát hiện tháng 11/2020 khối lượng gỗ tròn 6,825m3 là: 277.614.000 đồng.

*Giá trị phải bồi thường đối với rừng tự nhiên đối với:

- Cây số 01, chủng loại gỗ hương tại thời điểm phát hiện tháng 11/2020 (có khối lượng gỗ tròn thiệt hại là: 2,208m3) là: 239.410.500 đồng.

- Cây số 02, chủng loại gỗ bằng lăng khối lượng gỗ tròn thiệt hại 0,343m3 là:

1.029.000 đồng.

- Cây số 03, chủng loại gỗ hương tại thời điểm phát hiện tháng 11/2020 khối lượng gỗ tròn thiệt hại 6,904m3, trị giá là: 790.527.000 đồng.

- Cây gỗ hương số 04 và cây gỗ hương số 05 do bị bật gốc hoàn toàn, ngã đỗ tự nhiên nên không xác định.

- Giá trị của số gỗ xẻ còn lại tại hiện trường đã thu giữ được:

Giá trị của số gỗ xẻ còn lại tại suối Nia đã thu giữ tại thời điểm tháng 11/2020 là: 122.163.000 đồng.

Giá trị của số gỗ xẻ còn lại tại cây gỗ số 01 đã thu giữ tại thời điểm tháng 11/2020 là: 14.880.000 đồng.

Ngày 19/8/2021, TAND huyện Kbang đã đưa các bị cáo Triệu Văn T1, Chu Thanh H1, Đặng Trung H2, Nguyễn Khánh L, Đặng Hữu P, Nguyễn Anh T2, Đinh Văn B, Đinh Văn M3, Đinh Thanh T3, Đinh T4 và Đinh N ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm b, khoản 1, Điều 232 Bộ luật hình sự, đồng thời xử lý xong toàn bộ vật chứng và phần bồi thường dân sự trong vụ án này (Bản án hình sự sơ thẩm số: 18/2021/HS-ST).

Ngày 07/10/2022, TAND huyện Kbang tiếp tục đưa các bị cáo Văn Kim S2 và Đinh Thái H3 ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự và xét xử bị cáo Lương Thái C2 về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm m khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự (Bản án hình sự sơ thẩm số: 31/2022/HSST).

Ngày 29/11/2022, VKSND huyện Kbang đã ban hành Cáo trạng số: 38/CT-VKS truy tố đối với Trần S về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm m khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự.

Vật chứng vụ án: Quá trình điều tra xác định Trần Văn K dùng 01 chiếc điện thoại di động, loại bàn phím màu đen để liên lạc với Văn Kim S2 và dùng 01 đèn pin đội đầu màu cam để thực hiện việc khai thác gỗ. Sau khi vụ án xảy ra, K đã làm thất lạc nên Cơ quan điều tra đã ghi nhận trong biên bản làm việc và không xử lý là có căn cứ.

Tại Bản cáo trạng số: 01/CT-VKS ngày 30/01/2023, VKSND huyện Kbang đã truy tố Trần Văn K về tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS).

Tại phiên toà, đại diện VKSND huyện Kbang, tỉnh Gia Lai vẫn giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo về tội danh, điều luật áp dụng như Bản Cáo trạng đã nêu và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bố bị cáo Trần Văn K phạm tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”; đề nghị áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232, các điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, các Điều 38 và 58 của BLHS để xử phạt bị cáo từ 09 tháng đến 01 năm tù.

Xét điều kiện hoàn cảnh của bị cáo không có tài sản và thu nhập ổn định nên đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền đối với bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng, đã được xử lý xong trong Bản án hình sự sơ thẩm số: 18/2021/HSST ngày 19/8/2021 của TAND huyện Kbang, tỉnh Gia Lai nên không đề nghị xem xét.

Buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm (HSST) theo quy định.

Tại phiên tòa, bị cáo Trần Văn K khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung Bản cáo trạng đã nêu, không tranh luận gì với đại diện Viện kiểm sát, tỏ thái độ ăn năn hối cải và xin giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa; Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Kbang, Điều tra viên, VKSND huyện Kbang, KSV trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS). Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người đại diện theo uỷ quyền của bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người nào ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, của người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, của người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa, bị cáo Trần Văn K đã khai nhận phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan CSĐT Công an huyện Kbang và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, qua đó có đủ cơ sở để xác định rằng:

Do được Văn Kim S2 thuê nên trong khoảng thời gian từ ngày 13/11/2020 đến ngày 17/11/2020, Trần Văn K đã cùng Văn Kim S2, Chu Thanh H1, Đặng Trung H2, Triệu Văn T1, Nguyễn Khánh L, Đặng Hữu P, Đinh Thái H3, Nguyễn Anh T2, Đinh Văn B, Đinh M3, Đinh Thanh T3, Đinh N, Đinh T4, Đinh L5, Lương Thái C2, Trần S và hai đối tượng tên M4, L2 (chưa xác định được nhân thân, lai lịch) đã khai thác trái phép 03 cây gỗ hương tại lô 1 khoảnh 2 tiểu khu 90 là rừng sản xuất do Công ty K quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Kong, huyện Kbang tỉnh Gia Lai, gây thiệt hại về lâm sản với tổng khối lượng là 16,901m3 gỗ tròn và 0,38 ster củi.

Như vậy, hành vi nêu trên của Trần Văn K đã phạm vào tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 232 BLHS như truy tố của VKSND huyện Kbang là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

[3] Hành vi phạm tội của bị cáo đã trực tiếp xâm phạm, gây thiệt hại và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng của đất nước, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và gây thiệt hại về kinh tế cho Công ty K. Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, bị cáo biết được việc vào rừng khai thác gỗ trái phép bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vẫn thực hiện với lỗi cố ý; trong vụ án này, bị cáo phạm tội với vai trò là đồng phạm thực hành.

Vì vậy, HĐXX thấy cần phải xử phạt bị cáo hình phạt tù với mức án nghiêm khắc, cách ly bị cáo ra ngoài xã hội một thời gian để cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành người lương thiện và nâng cao hiệu quả phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, xét bị cáo phạm tội không có tình tiết tăng nặng, có nhân thân tốt và có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đó là: Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải, bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; sau khi phạm tội một thời gian, bị cáo đã ra đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội; gia đình bị cáo thuộc diện có công với cách mạng và có hoàn cảnh khó khăn, bị cáo có 2 con còn nhỏ đang tuổi ăn học, bố bị cáo là thương binh với tỉ lệ thương tật là 23%, được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì; bị cáo giữ vai trò thứ yếu trong vụ án, chỉ tham gia kéo gỗ thuê theo sự phân công của Văn Kim S2, chưa được hưởng lợi gì từ việc phạm tội; đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của BLHS. Vì vậy, HĐXX cũng đã xem xét để giảm nhẹ một phần hình phạt áp dụng đối với bị cáo và thấy cần xử phạt bị cáo mức hình phạt ở mức khởi điểm mà Viện kiểm sát đã đề nghị là thỏa đáng và tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.

[5] Đối với những đồng phạm cùng với Trần Văn K, gồm: Văn Kim S2, Chu Thanh H1, Đặng Trung H2, Triệu Văn T1, Nguyễn Khánh L, Đặng Hữu P, Đinh Thái H3, Nguyễn Anh T2, Đinh Văn B, Đinh M3, Đinh Thanh T3, Đinh N, Đinh T4, Đinh L5, Lương Thái C2 và Trần S đã được xét xử, giải quyết xong trong các vụ án trước. Vì vậy, những người này tham gia tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.

Liên quan trong vụ án, có 02 đối tượng tên M4 và L2 được Văn Kim S2 thuê khai thác gỗ trái phép, đối tượng tên L7 mua gỗ trái phép của S2, hiện các đối tượng này đã bỏ trốn khỏi địa phương, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kbang tiếp tục điều tra, xác minh khi nào làm rõ sẽ xử lý sau. Vì vậy, HĐXX không xem xét xử lý trong vụ án này.

Liên quan trong vụ án còn có Đinh T, Đinh Văn L3, Đinh D, Đinh L4, Đinh N, Đinh N3, Đinh K2, Đinh K3, Đinh A L6, Đinh G, Đinh C3, Đinh H4, Đinh T6 là những người tham gia vận chuyển gỗ thuê cho Văn Kim S2. Quá trình điều tra, xác định những người này thực hiện hành vi khai thác, vận chuyển gỗ chưa đủ định lượng, chưa có tiền án tiền sự về hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Kbang không đề nghị xử lý về hình sự, chuyển hồ sơ cho Hạt Kiểm lâm huyện Kbang xử lý vi phạm hành chính là đúng pháp luật nên HĐXX không xem xét đến nữa.

[6] Về trách nhiệm dân sự: Do đã được xử lý xong trong các vụ án trước, các bị cáo đồng phạm với Trần Văn K bị tuyên nghĩa vụ bồi thường không có yêu cầu K phải hoàn trả nên HĐXX không xem xét giải quyết trong vụ án này. Nếu giữa Trần Văn K và các bị cáo đồng phạm có tranh chấp với nhau về trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì có quyền khởi kiện trong vụ án dân sự khác.

[7] Về xử lý vật chứng: Đã được xử lý xong trong các vụ án trước nên HĐXX không xem xét đến nữa.

[8] Về án phí: Bị cáo Trần Văn K phải chịu án phí HSST theo quy định.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Trần Văn K phạm tội:“Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

- Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232; các Điều 38, 58; các điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của BLHS;

Xử phạt bị cáo Trần Văn K 09 (chín) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị tạm giữ (ngày 09/12/2022).

Không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.

Về án phí: Buộc bị cáo Trần Văn K phải chịu 200.000 đồng án phí HSST.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 07/3/2023), bị cáo có quyền làm đơn kháng cáo đề nghị TAND tỉnh Gia Lai xét xử phúc thẩm. Thời hạn và quyền kháng cáo nêu trên của người đại diện của bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa được tính từ ngày người đó nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

27
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 09/2023/HS-ST

Số hiệu:09/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện KBang - Gia Lai
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:07/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về