Bản án về tội vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng số 571/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 571/2022/HS-PT NGÀY 17/08/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KẾ TOÁN GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Ngày 17 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 382/2022/TLPT-HS ngày 05 tháng 5 năm 2022; do có kháng cáo của bị cáo Thái Thị Huyền T đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2022/HS-ST ngày 30/3/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

* Bị cáo có kháng cáo:

Thái Thị Huyền T, tên gọi khác: Không; sinh ngày 05/9/1990 tại Thái Nguyên; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Tổ 7, phường T1, thành phố T2, tỉnh Thái Nguyên; nghề nghiệp trước khi bị khởi tố: Kế toán Công ty Bảo hiểm T3; trình độ học vấn: 12/12; giới tính: Nữ; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông Thái Văn T4 và bà Phạm Thị T5; có chồng là Đinh Việt H và 03 con, con lớn nhất sinh năm 2014, con nhỏ nhất sinh năm 2019; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại tại địa phương, có mặt.

* Các bị cáo không kháng cáo nhưng liên quan đến nội dung kháng cáo được Tòa án triệu tập:

1. Hoàng Thị N, tên gọi khác: Không; sinh ngày 20/02/1974 tại Thái Nguyên; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Tổ 23, phường P, thành phố T2, tỉnh Thái Nguyên; nghề nghiệp: Nguyên Giám đốc Công ty Bảo hiểm T3; trình độ học vấn: 12/12; giới tính: Nữ; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông Hoàng Hoa H1 và bà Lưu Thị L; có chồng là Đă ng Thanh H2 đã ly hôn và 01 con; bị cáo là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã đình chỉ sinh hoạt đảng; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại tại địa phương, có mặt.

2. Lê Hồng V, tên gọi khác: Không; sinh ngày 05/8/1988 tại Thái Nguyên; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Tổ dân phố G, thị trấn G1, huyện P1, tỉnh Thái Nguyên; nghề nghiệp: Nguyên thủ quỹ Công ty Bảo hiểm T3; trình độ học vấn: 12/12; giới tính: Nữ; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; con ông Lê Khắc M và bà Nguyễn Thị L1; có chồng là Đàm Công Đ và 02 con, con lớn sinh năm 2012, con nhỏ sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 12/3/2021 đến ngày 02/6/2021, được tại ngoại tại địa phương cho đến nay, có mặt.

3. Nguyễn Tuấn A, tên gọi khác: Không; sinh ngày 13/01/1985 tại Thái Nguyên; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Tổ dân phố G2, thị trấn G1, huyện P1, tỉnh Thái Nguyên; nghề nghiệp: Nguyên kế toán viên Công ty Bảo hiểm T3; trình độ học vấn: 12/12; giới tính: Nam; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; con ông Nguyễn Đình T6 và bà Th; có vợ là Trịnh Thị T7 và 01 con; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại tại địa phương, có mặt.

* Người bào chữa cho bị cáo Thái Thị Huyền T: Các Luật sư Nguyễn Đào T8, Nguyễn Tiến S và Lê Ngọc Q, Luật sư Văn phòng Luật sư H3, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, các Luật sư đều có mặt.

* Bị hại không kháng cáo nhưng được Tòa án triệu tập: Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm SH;

- Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Văn T9, chức vụ: Tổng Giám đốc, vắng mặt;

- Người đại diện theo ủy quyền là ông Nghiêm Xuân K, sinh năm 1957, chức vụ: Phó Giám đốc Ban Pháp chế và Kiểm soát nội bộ và ông Trịnh Khánh T10, sinh năm 1972, chức vụ: Trưởng Phòng Pháp chế, Ban Kiểm soát nội bộ (theo văn bản ủy quyền số 67/2022/UQ-BSH-PC&KSNB, ngày 11/8/2022) cả hai ông đều có mặt.

* Ngoài ra còn có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Anh Đặng Hoàng M1, vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty Bảo hiểm T3 (sau đây viết tắt là Công ty), là Công ty thành viên trực thuộc 100% vốn của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm SH (sau đây viết tắt là Tổng Công ty), có ngành nghề kinh doanh cung cấp dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ. Giám đốc Công ty là bà Hoàng Thị N, Phòng Kế toán tổng hợp Công ty gồm: Phụ trách kế toán là bà Thái Thị Huyền T, Lê Hồng V thủ quỹ, Nguyễn Tuấn A kế toán viên. Phòng Kế toán có chức năng nhiệm vụ thực hiện công tác kế toán, tài chính, lưu trữ thống kê và các công tác khác theo chỉ đạo của Giám đốc Công ty, các quy định của Tổng Công ty và theo sự chỉ đạo của phụ trách kế toán. Nghiệp vụ kinh tế phát sinh chủ yếu của Công ty là hoạt động thu, chi tiền mặt, tiền gửi vào tài khoản ngân hàng, Công ty hạch toán bằng phần mềm kế toán do Tổng Công ty quản lý, tài khoản và mật khẩu truy cập phần mềm kế toán được cấp cho Giám đốc Công ty để theo dõi, quản lý, cấp cho phụ trách kế toán để truy cập thực hiện các bút toán, hạch toán kế toán.

Để đảm bảo an toàn tài sản, tiền vốn, toàn bộ doanh thu đầu vào và chi phí kinh doanh đầu ra, được Tổng Công ty quản lý chặt chẽ dưới hình thức chuyên thu, chuyên chi. Công ty đăng ký với Tổng Công ty sử dụng 02 tài khoản tại Ngân hàng B, chi nhánh Thái Nguyên, trong đó 01 tài khoản chuyên thu, 01 tài khoản chuyên chi, được quản lý theo hình thức thu, chi tự động. Tài khoản chuyên thu chỉ dùng để thu tiền phí bảo hiểm và tiền khác, không thực hiện việc chi tiền, (tài khoản số 1004457946). Tài khoản chuyên chi chỉ dùng chi tiêu các khoản chi phí phát sinh hàng ngày, không dùng để thu tiền, (tài khoản số 1007610269). Định kỳ 8 giờ sáng các ngày làm việc trong tuần, Tổng Công ty sẽ cấp cho Công ty 70.000.000 đồng/ngày, từ 11/04/2019 là 100.000.000 đồng/ngày vào tài khoản chuyên chi đầu ra. Phát sinh chi như: Lương, chi phí hoa hồng, chi phí kinh doanh, các chi phí khác, Công ty sẽ chủ động sử dụng bằng 2 hình thức, tiền mặt, rút tiền bằng Séc và chuyển khoản trực tiếp (ủy nhiệm chi). Đến cuối giờ giao dịch hàng ngày, số tiền còn lại trong 02 tài khoản chuyên thu, chuyên chi, sẽ được tự động chuyển về tài khoản của Tổng Công ty. Ngoài quản lý bằng hình thức chuyên thu, chuyên chi tự động đối với tiền gửi tại ngân hàng, đối với tiền mặt, Tổng Công ty hạn chế thấp nhất số dư tiền mặt tại quỹ để đảm bảo an toàn tài sản. Tổng Công ty đã ban hành Quyết định số 77/2018/QĐ-BSH-BKT về số dư tiền mặt tại quỹ, trong đó quy định Công ty được dư tối đa là 30.000.000 đồng tại quỹ tiền mặt. Đến 17 giờ hàng ngày, nếu số dư tiền mặt tại quỹ nhiều hơn 30.000.000 đồng, thì Công ty phải xuất quỹ số tiền vượt quá nộp vào tài khoản ngân hàng của Công ty, để tự động chuyển về tài khoản của Tổng Công ty.

Trong thời gian từ ngày 01/01/2019 đến ngày 05/9/2019, Công ty đã thu đầu vào tổng số tiền 16.319.913.895 đồng, bao gồm 11.462.913.895 đồng là tiền doanh thu khách hàng mua bảo hiểm và 4.857.000.000 đồng được rút bằng Séc từ tài khoản chuyên chi. Theo quy định 4.857.000.000 đồng sau khi được rút phải nhập quỹ tiền mặt và ghi nhận vào phần thu đầu vào của Công ty, rồi mới thực hiện chi theo quy định. Trong quá trình kinh doanh hoạt động, Công ty phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật và quy định của Tổng Công ty. Để đảm bảo an toàn tài sản, tiền vốn, qua kiểm tra trên hệ thống kế toán, Tổng Công ty xác định nguồn chi đầu ra của Công ty là 16.489.310.658 đồng, trên hệ thống kế toán có ghi nhận 07 phiếu chi, nội dung chi nộp tiền tại ngân hàng với tổng số tiền 2.510.000.000 đồng, nhưng qua đối chiếu tài khoản ngân hàng của Công ty không có 2.510.000.000 đồng trong tài khoản. Sau khi rà soát, Tổng Công ty xác định nguồn chi đầu ra không phải 16.489.310.658 đồng, mà thực tế là 13.979.310.658 đồng, nhưng đã thất thoát 2.510.000.000 đồng. Tổng Công ty đã có đơn trình báo gửi Cơ quan Công an để điều tra làm rõ số tiền thất thoát nêu trên.

Quá trình điều tra xác định, khoảng tháng 4 năm 2018, Công ty thành lập 01 Phòng Kinh doanh lấy tên Phòng nghiệp vụ 2, L3, địa chỉ tại phường L3, quận L3, Thành phố Hà Nội do ông Đặng Hoàng M1, sinh năm 1987, trú tại phường B1, quận H4, Thành phố Hà Nội làm Trưởng phòng. Trong quá trình làm việc, bị cáo T đã tự thống nhất với ông M1, sẽ thanh toán các chi phí kinh doanh của Phòng nghiệp vụ 2, L3 với Công ty bằng hình thức chuyển khoản, từ tài khoản cá nhân của T đến tài khoản cá nhân của ông M1, sau đó ông M1 đến Công ty để ký nhận, hoàn thiện các chứng từ. Để thực hiện việc này, trong khoảng thời gian từ 01/01/2019 đến 31/08/2019, T đã tự mình chỉ đạo Lê Hồng V thủ quỹ và Nguyễn Tuấn A kế toán viên, sử dụng tiền của Công ty được rút từ tài khoản chuyên chi do V quản lý, để nộp chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của T, với tổng số tiền 4.592.388.000 đồng. Số tiền này được nộp vào tài khoản cá nhân của T bằng nguồn tiền rút từ tài khoản chuyên chi và tiền do V quản lý, cụ thể:

Nguồn tiền rút từ tài khoản chuyên chi: Trong thời gian từ ngày 01/01/2019 đến ngày 31/08/2019, T, V và A đã thực hiện rút tiền từ tài khoản chuyên chi bằng Séc 48 lần, với tổng số tiền là 4.857.000.000 đồng, cụ thể: T rút séc 19 lần với tổng số tiền là 1.646.000.000 đồng, V rút séc 15 lần với tổng số tiền là 1.841.000.000 đồng, A rút Séc 14 lần với tổng số tiền là 1.370.000.000 đồng. Theo quy định, số tiền được rút từ tài khoản chuyên chi phải nhập quỹ tiền mặt, sau đó mới thực hiện chi theo quy định. Tuy nhiên, sau khi rút séc, T, V và A không nhập tiền về quỹ tiền mặt, mà đem nộp vào tài khoản cá nhân của T. Quá trình điều tra xác định tổng số tiền được nộp vào tài khoản cá nhân của T là 3.204.000.000 đồng, trong đó: T tự nộp vào tài khoản của mình là 1.411.000.000 đồng, V nộp tiền vào tài khoản cá nhân T là 948.000.000 đồng, A nộp vào tài khoản T là 845.000.000 đồng. Số tiền đã nhập quỹ tiền mặt có chứng từ là 693.000.000 đồng, còn lại 960.000.000 đồng, T, V và A đổ lỗi cho nhau, số tiền 235.000.000 đồng T khai đã nhập quỹ tiền mặt, nhưng V chỉ xác nhận T nhập quỹ 10.000.000 đồng; số tiền 360.000.000 đồng V khai đưa tiền mặt cho T, nhưng T không nhận; số tiền 375.000.000 đồng A khai đưa cho T, nhưng T xác nhận chỉ nhận 100.000.000 đồng vào ngày 18/01/2019, sau đó đã đưa cho N, nhưng N không thừa nhận việc đã nhận số tiền 100.000.000 đồng của T.

Nguồn tiền nộp vào tài khoản cá nhân của T do V thủ quỹ quản lý, cụ thể: T đã chỉ đạo V xuất quỹ tiền mặt nộp vào tài khoản cá nhân của T với số tiền 805.000.000 đồng. Trong đó, V trực tiếp nộp 380.000.000 đồng, V xuất quỹ đưa cho T nộp 220.000.000 đồng, V xuất quỹ đưa cho A nộp 100.000.000 đồng, V xuất quỹ đưa cho Nguyễn Thị Minh H5 nộp 105.000.000 đồng. Ngoài số tiền mặt xuất từ quỹ ra, V còn chuyển khoản 583.388.000 đồng vào tài khoản cá nhân của T, cán bộ kinh doanh nộp tiền phí bảo hiểm trực tiếp vào tài khoản cá nhân của V. Như vậy, tổng số tiền của Công ty được nộp vào tài khoản cá nhân của T là 4.592.388.000 đồng, T đã chuyển khoản chi phí hoạt động kinh doanh cho Phòng Nghiệp vụ 2, L3 3.213.370.300 đồng, còn lại 1.379.017.700 đồng T đã chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích cá nhân. Trong đó; T đã rút chuyển sang tài khoản khác của T 146.500.000 đồng; chuyển khoản cho chồng là Đinh Việt H 378.873.000 đồng; chuyển khoản cho 13 người với tổng số tiền 548.760.000 đồng, (qua xác minh đây là các giao dịch vay mượn, mua bán hàng hóa, dịch vụ, vật tư phục vụ đầu tư xây dựng nhà hàng và mua thực phẩm cho các nhà hàng, mua đồ dùng cá nhân của T), còn lại 304.884.700 đồng T đã sử dụng vào nhiều mục đích chi tiêu khác.

Để che giấu số tiền chiếm đoạt thất thoát nêu trên, T đã lập khống 04 phiếu chi nộp tiền tại ngân hàng, với tổng số tiền là 1.850.000.000 đồng, gồm: Phiếu chi số 531A ngày 02/5/2019 với số tiền 350.000.000 đồng; số 557A ngày 14/5/2019 với số tiền 500.000.000 đồng; số 642A ngày 29/5/2019 với số tiền 500.000.000 đồng; số 809 ngày 30/6/2019 với số tiền 500.000.000 đồng. Sau khi lập 04 phiếu chi, T đã yêu cầu V ký nhận vào mục người nhận tiền và thủ quỹ, với lý do để cân đối quỹ tạm thời, tiếp đó T trình N ký tại mục thủ trưởng đơn vị, T ký nhận tại mục người lập phiếu và kế toán trưởng, sau đó các phiếu chi này được nhập vào hệ thống quản lý của Tổng Công ty. Khi Ban Kế toán Tổng Công ty kiểm tra trên hệ thống thấy 04 phiếu chi nộp tiền tại ngân hàng nêu trên, nhưng lại không có tiền trong tài khoản, nên đã yêu cầu T giải trình và gửi hình ảnh giấy nộp tiền tại ngân hàng tương ứng với 04 phiếu chi nêu trên. T lấy lý do đã nộp tiền, nhưng do hệ thống ngân hàng lỗi, nên chưa có tiền về tài khoản của Công ty, T yêu cầu V phô tô các giấy nộp tiền được lưu trước đây, để T trực tiếp lập giả 09 giấy nộp tiền bằng cách sử dụng các bản phô tô giấy nộp tiền được lưu trước đó, cắt ghép các thông tin về ngày, tháng, số bút toán, để dán đè lên và phô tô lại thành giấy nộp tiền khác, có nội dung giả mạo việc nộp 1.850.000.000 đồng vào ngân hàng B. Sau khi hoàn thành T chụp ảnh gửi qua email cho Tổng Công ty. Do số tiền quỹ vẫn thiếu hụt, để chuẩn bị hồ sơ cho Tổng Công ty kiểm tra, T tiếp tục hạch toán và lập khống trên hệ thống thêm 03 phiếu chi nộp tiền tại ngân hàng B, với tổng số tiền 660.000.000 đồng, gồm: Phiếu chi số 882 ngày 01/7/2019 với số tiền 60.000.000 đồng; phiếu chi không số ngày 31/7/2019 với số tiền 300.000.000 đồng; phiếu chi không số ngày 01/8/2019 với số tiền 300.000.000 đồng. Để cân đối quỹ khi Tổng Công ty kiểm tra, trong phiếu chi không số ngày 31/7/2019 và 01/8/2019, với số tiền 600.000.000 đồng không có chữ ký của bất kỳ ai.

Tại Kết luận giám định số 5453/KL-STC ngày 30/12/2020 của Sở Tài chính tỉnh Thái Nguyên, kết luận: Xác định hành vi của Hoàng Thị N Giám đốc Công ty, Thái Thị Huyền T Phó Trưởng phòng kế toán, Lê Hồng V thủ quỹ, Nguyễn Tuấn A kế toán viên và những người có liên quan đã có hành vi vi phạm chế độ tài chính, kế toán theo quy định của pháp luật, cụ thể:

Thực hiện không đúng Điều 5, Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015 về yêu cầu kế toán:

“1. Phản ánh đầy đủ nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh vào chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính.

2. Phản ánh kịp thời, đúng thời gian quy định thông tin, số liệu kế toán...

...4. Phản ánh trung thực, khách quan hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế, tài chính...” Sai nguyên tắc của tài khoản tiền mặt quy định tại Điều 12 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014, về hướng dẫn chế độ kế toán đối với các doanh nghiệp, tài khoản 111, tiền mặt:

“1. Nguyên tắc kế toán … c) Khi tiến hành nhập, xuất quỹ tiền mặt phải có phiếu thu, phiếu chi và có đủ chữ ký của người nhận, người giao, người có thẩm quyền cho phép nhập, xuất quỹ theo quy định của chế độ chứng từ kế toán. Một số trường hợp đặc biệt phải có lệnh nhập quỹ, xuất quỹ đính kèm.

d) Kế toán quỹ tiền mặt phải có trách nhiệm mở sổ kế toán quỹ tiền mặt, ghi chép hàng ngày liên tục theo trình tự phát sinh các khoản thu, chi, xuất, nhập quỹ tiền mặt, ngoại tệ và tính ra số tồn quỹ tại mọi thời điểm.

đ) Thủ quỹ chịu trách nhiệm quản lý và nhập, xuất quỹ tiền mặt, hàng ngày thủ quỹ phải kiểm kê số tồn quỹ tiền mặt thực tế, đối chiếu số liệu sổ quỹ tiền mặt và sổ kế toán tiền mặt. Nếu có chênh lệch, kế toán và thủ quỹ phải kiểm tra lại để xác định nguyên nhân và kiến nghị biện pháp xử lý chênh lệch.” Thực tế tại Công ty như sau: Hàng tháng, thủ quỹ có lập Biên bản kiểm kê quỹ trình Giám đốc ký duyệt, chuyển về cho Tổng Công ty. Tuy nhiên, thủ quỹ, kế toán không tiến hành kiểm kê thực tế và đối chiếu với sổ sách, số liệu trên biên bản kiểm kê và thực tế là không khớp nhau. Lập phiếu chi nhưng tiền không có tại quỹ, các cá nhân có liên quan rút tiền tại ngân hàng, sau đó nộp vào tài khoản cá nhân của T, rồi chuyển cho các đối tượng khác hoặc đưa tiền mặt cho T, để chi các khoản chi khác cho Công ty. Việc sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện các giao dịch của Công ty là do các cá nhân tự thực hiện. Giả mạo chứng từ kế toán, quy định tại Điều 13, Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015, về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

“1. Giả mạo, khai man hoặc thỏa thuận, ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa chứng từ kế toán hoặc tài liệu kế toán khác;

... 3. Để ngoài sổ kế toán tài sản, nợ phải trả của đơn vị kế toán hoặc có liên quan đến đơn vị kế toán.” Cụ thể: Các cá nhân đã lập giả tổng cộng 07 phiếu chi tiền mặt, cùng các giấy nộp tiền vào tài khoản của Công ty mở tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần B, chi nhánh T2, với tổng số tiền 2.510.000.000 đồng. T đã lập các phiếu chi và trực tiếp lập giả giấy nộp tiền vào ngân hàng, bằng cách sửa ngày, tháng trên các giấy nộp tiền phô tô do T nhờ thủ quỹ V phô tô từ các giấy nộp tiền cũ, trình N ký và N đã ký tại các phiếu chi với tổng số tiền 1.850.000.000 đồng, gồm:

- Phiếu chi số 531A ngày 02/5/2019 với số tiền 350.000.000 đồng, bằng 03 giấy nộp tiền vào tài khoản ghi ngày 02/5/2019.

- Phiếu chi số 557A ngày 14/5/2019 với số tiền 500.000.000 đồng bằng 02 giấy nộp tiền vào tài khoản ghi ngày 14/5/2019.

- Phiếu chi số 642A ngày 29/5/2019 với số tiền 500.000.000 đồng, bằng 02 giấy nộp tiền vào tài khoản ghi ngày 29/5/2019.

- Phiếu chi số 809 ngày 30/6/2019 với số tiền 500.000.000 đồng, bằng 02 giấy nộp tiền vào tài khoản ghi ngày 30/6/2019.

* T đã lập 02 phiếu chi gồm:

- Phiếu chi không số ngày 31/7/2019 với số tiền 300.000.000 đồng, không có giấy nộp tiền vào tài khoản, không có chữ ký của Giám đốc, phụ trách kế toán và thủ quỹ.

- Phiếu chi không số ngày 01/8/2019 với số tiền 300.000.000 đồng, không có giấy nộp tiền vào tài khoản, không có chữ ký của Giám đốc, phụ trách kế toán, thủ quỹ.

* V đã lập phiếu chi số 822 ngày 01/7/2019 với số tiền 60.000.000 đồng, không có giấy nộp tiền vào tài khoản.

Tại Kết luận giám định số 807/KL-KTHS ngày 05/5/2021 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên, kết luận: Chữ ký dưới mục thủ trưởng đơn vị, so với mẫu chữ ký của N do cùng một người ký ra. Chữ ký dưới mục Kế toán trưởng, người lập phiếu, so với mẫu chữ ký của T do cùng một người ký ra. Chữ ký dưới mục thủ quỹ, người nhận tiền, so với mẫu chữ ký của V do cùng một người ký ra.

Ngày 14/5/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên nhận được Công văn số 18/2021/PC&KSNB-BSH của Tổng Công ty với nội dung: Sau khi đối chiếu lại các nghiệp vụ kinh tế phát sinh thu, chi tại Công ty Bảo hiểm T3 theo đơn đề nghị của Hoàng Thị N. Tổng Công ty xác định lại số tiền bị thiệt hại là 1.910.000.000 đồng, không phải thiệt hại như ban đầu do Tổng Công ty đề nghị là 2.510.000.000 đồng và cung cấp các tài liệu có liên quan đến 02 phiếu chi không có số ngày 31/7/2019 và 01/8/2019, với tổng số tiền là 600.000.000 đồng. Kết quả điều tra bổ sung xác định: Công ty đã ký 02 hợp đồng ngày 20/3/2019 và ngày 08/8/2019 với các khách hàng là Công ty Cổ phần T11 và Công ty Cổ phần C, với tổng số tiền 676.731.693 đồng, được hạch toán vào phần thu, nhưng do khách hàng nợ phí nên thực tế chưa thu được tiền về quỹ. Do đối phó với đoàn kiểm tra, T lập và hạch toán trên hệ thống kế toán, để hợp thức số tiền còn lại thiếu hụt trong quỹ tiền mặt do khách hàng nợ phí bảo hiểm bằng 02 phiếu chi, không có số ngày 31/7/2019 và ngày 01/8/2019, với tổng số tiền là 600.000.000 đồng và không có chữ ký của ai. Ngày 22/11/2019, Công ty đã thu được số tiền 676.731.693 đồng theo hợp đồng đã ký kết với Công ty T11 và C. Tại thời điểm này do T nghỉ chế độ thai sản sau đó bị đình chỉ công tác, nên đã dẫn đến sai sót trong quá trình hạch toán thu, chi tại Công ty.

Tại Kết luận giám định bổ sung số 3029/KL-STC, ngày 09/8/2021 của Sở Tài chính tỉnh Thái Nguyên, kết luận: Tổng Công ty không bị thiệt hại 600.000.000 đồng tại phiếu chi ngày 31/7/2019 và ngày 01/8/2019. Số tiền gây thiệt hại cho Tổng Công ty là 1.910.000.000 đồng. Hoàng Thị N Giám đốc Công ty đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, để T chiếm đoạt 1.379.017.700 đồng chi tiêu cá nhân, số tiền còn lại 530.982.300 đồng bị thiệt hại qua điều tra không chứng minh và xác định được ai là người chiếm đoạt, sử dụng. Lê Hồng V thủ quỹ đã thực hiện không đúng các quy định về kế toán dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho Tổng Công ty 1.910.000.000 đồng, trong đó T chiếm đoạt số tiền 1.379.017.700 đồng. Nguyễn Tuấn A kế toán viên đã thực hiện không đúng nguyên tắc tài chính trong việc rút 1.370.000.000 đồng, số tiền trên A nộp vào tài khoản của T 845.000.000 đồng; nhập về quỹ 150.000.000 đồng; đưa tiền mặt cho T 100.000.000 đồng, số tiền còn lại gây thất thoát là 275.000.000 đồng, A khai đã chuyển cho T, nhưng T không thừa nhận.

Với nội dung trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2022/HS-ST ngày 30/3/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Thái Thị Huyền T phạm tội “Tham ô tài sản” và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Căn cứ điểm a khoản 4, khoản 5 Điều 353; điểm d khoản 2 Điều 221; điểm b, s, n khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 38; Điều 17; Điều 58; Điều 55 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Thái Thị Huyền T 15 năm tù về tội “Tham ô tài sản” và 01 năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả 02 tội là 16 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành bản án. Cấm bị cáo Thái Thị Huyền T đảm nhiệm chức vụ liên quan đến hành vi phạm tội trong thời gian 01 năm, sau khi chấp hành xong hình phạt.

Ngoài ra, bản án còn quyết định hình phạt đối với bị cáo Hoàng Thị N 36 tháng tù cho hưởng án treo, về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của doanh nghiệp”; xử phạt bị cáo Lê Hồng V 36 tháng tù cho hưởng án treo, Nguyễn Tuấn A 24 tháng tù cho hưởng án treo đều về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Bản án còn buộc trách nhiệm dân sự, quyết định xử lý vật chứng, tuyên lãi suất chậm thi hành án, nghĩa vụ chịu án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 14/4/2022 Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên nhận được đơn kháng cáo của bị cáo Thái Thị Huyền T với nội dung kháng cáo toàn bộ bản án; cùng ngày 14/4/2022 Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên có biên bản làm việc với bị cáo T để xác định nội dung kháng cáo; tại buổi làm việc này bị cáo T khẳng định nội dung kháng cáo là kêu oan đối với tội “Tham ô tài sản” và xin giảm nhẹ hình phạt đối với tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khẳng định là kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử sơ thẩm lại.

Bị cáo trình bày: Bị cáo thừa nhận việc cùng với Lê Hồng V, Nguyễn Tuấn A rút tiền từ tài khoản của Công ty, sau đó nhập vào tài khoản cá nhân của bị cáo để bị cáo thanh toán các khoản chi hợp pháp cho Phòng nghiệp vụ 2 L3, cũng như thanh toán các khoản chi phí hoạt động cho Công ty là trái với nguyên tắc tài chính, kế toán. Trong số tiền này có 395.500.000đ là số tiền bị cáo đã chi cho nhân viên Công ty và người thân đi tham quan, du lịch ở Hàn Quốc đã được Công ty TNHH Dịch vụ Lữ Hành và Du lịch TV xác nhận; số tiền hơn 170.000.000đ là số tiền bị cáo chi phí hợp lý cho hoạt động của Công ty, nhưng khi bị cáo bị đình chỉ công tác thì không có điều kiện để hoàn tất thủ tục thanh, quyết toán đối với số tiền này. Hơn nữa, việc làm của bị cáo không thể chỉ mình bị cáo thực hiện được và có sự chỉ đạo của Giám đốc Hoàng Thị N và sự giúp sức của Lê Hồng V và Nguyễn Tuấn A; việc V và A khai đưa tiền mặt cho bị cáo là không có căn cứ, bị cáo chỉ thừa nhận số tiền mà V, A chuyển vào tài khoản của bị cáo, số tiền mà V, A rút nhưng không chuyển khoản cho bị cáo thì V và A đã chiếm đoạt và phải chịu trách nhiệm đối với số tiền đó. Bản án sơ thẩm đang quy kết bị cáo chiếm đoạt số tiền hơn 1,3 tỷ đồng là không có căn cứ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích hợp pháp của bị cáo. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra làm rõ các nội dung trên.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm: Sau khi phân tích, đánh giá tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo thấy rằng: Việc bị cáo T chiếm đoạt được tài sản của Công ty là có sự tiếp tay, giúp sức của Lê Hồng V và Nguyễn Tuấn A, nhưng cấp sơ thẩm đang quy kết Lê Hồng V và Nguyễn Tuấn A về tội “ Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, trong khi bị cáo T lại bị quy kết hai tội là “Tham ô tài sản” và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” là chưa chuẩn xác, có dấu hiệu bỏ lọt đồng phạm về tội “Tham ô tài sản”. Hơn nữa, cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ số tiền cụ thể mà Lê Hồng V, Nguyễn Tuấn A rút từ tài khoản của Công ty, sau đó chuyển cho T qua tài khoản cá nhân và số tiền V, A không chứng minh được chuyển đi đâu, cho ai; số tiền bị cáo T chi phí cho Công ty đi du lịch chưa được điều tra, làm rõ có hay không việc này.

Vì vậy, để giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355; khoản 1, khoản 3 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự; hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử sơ thẩm lại.

Luật sư Lê Ngọc Q trình bày bài bào chữa: Nhất trí với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội về việc đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Bởi vì: Trong vụ án này để bị cáo thực hiện được hành vi phạm tội thì có sự giúp sức trực tiếp của Lê Hồng V và Nguyễn Tuấn A, cũng như Giám đốc Công ty là Hoàng Thị N; nhưng cấp sơ thẩm chưa điều tra xác minh làm rõ vai trò đồng phạm của những người này, mà V, A, N lại bị quy kết về tội phạm khác là thiếu căn cứ. Số tiền bị cáo T bị quy kết chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng, số tiền còn lại không chứng minh được ai là người chiếm đoạt là vô lý; vì V, A là những người trực tiếp rút tiền từ tài khoản của Công ty, nhưng lại không chứng minh được tiền đi đâu nên phải chịu trách nhiệm đối với số tiền không chứng minh được. Cơ quan Điều tra cũng chưa làm rõ được tiền mặt tồn trong quỹ Công ty là bao nhiêu, có hay không việc sử dụng tài khoản của cá nhân để phục vụ cho hoạt động của Công ty. Do đó, đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử sơ thẩm lại.

Luật sư Nguyễn Đào T8 bổ sung: Nhất trí như ý kiến của Luật sư Q. Trong vụ án này nếu không có sự chỉ đạo của Hoàng Thị N thì bị cáo T không thể thực hiện được. Hơn nữa, việc làm của bị cáo T ngoài sự giúp sức của V, A thì cần xem xét thêm vai trò của Đặng Hoàng M1 là trưởng Phòng nghiệp vụ 2 L3.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa bị cáo Thái Thị Huyền T khai nhận hành vi của mình đã thực hiện như bản án sơ thẩm đã mô tả. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng bị cáo không chiếm đoạt số tiền hơn 1,3 tỷ đồng như bản án sơ thẩm quy kết; số tiền này tuy có chuyển vào tài khoản cá nhân của bị cáo, nhưng thực chất để chi phí nhiều khoản cho Công ty sau khi được sự chỉ đạo của Hoàng Thị N; trong đó có khoản tiền 395.500.000đ là bị cáo đã chi phí cho Công ty đi tham quan, du lịch tại Hàn Quốc và hơn 170.000.000đ bị cáo đã chi phí phục vụ cho hoạt động của Công ty, nhưng do bị cáo bị đình chỉ công tác nên chưa thanh, quyết toán được số tiền này; bị cáo đã nhiều lần yêu cầu Lê Hồng V đối chiếu các chi phí; đặc biệt là chi phí cho Phòng nghiệp vụ L3; theo đúng bản chất thì bị cáo không thể tự chỉ đạo yêu cầu rút séc rồi nộp vào tài khoản cá nhân bị cáo nhiều lần với chỉ một lý do là để thanh toán cho Phòng nghiệp vụ L3 được. Vào thời điểm cuối tháng, bị cáo sẽ đối chiếu chi phí cho tất cả nhân viên trong Công ty; phiếu chi sẽ chuyển cho Lê Hồng V đối chiếu và lưu trữ; việc làm của bị cáo là công khai và không thể tự một mình bị cáo làm được. Tuy nhiên, bị cáo cũng không chứng minh được số tiền hơn 1,3 tỷ đồng bị cáo chi phí hợp lý, hợp lệ. Hội đồng xét xử thấy rằng: Bị cáo Thái Thị Huyền T là Phó Phòng kế toán phụ trách phòng kế toán trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình, lợi dụng vào nhiệm vụ được giao để chiếm đoạt tiền của Công ty mà mình có trách nhiệm quản lý. Ngoài ra, bị cáo còn có hành vi làm giả các tài liệu là các chứng từ kế toán, xác nhận sai số liệu, thông tin kế toán sai sự thật để chiếm tiền và che giấu hành vi phạm tội của mình. Cụ thể bị cáo đã làm giả 09 giấy nộp tiền bằng cách sử dụng các bản phô tô giấy nộp tiền được lưu trước đó, cắt ghép các thông tin về ngày, tháng, số bút toán để dán đè lên và phô tô lại thành giấy nộp tiền có nội dung giả mạo, sau đó bị cáo sử dụng các giấy nộp tiền giả này chụp ảnh gửi qua email cho Tổng Công ty. Do đó, ngoài hành vi tham ô bị quy kết như bản án sơ thẩm, thì các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm chưa điều tra, làm rõ dấu hiệu có hay không “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” để xác định có hay không bị cáo phạm thêm tội mới là chưa điều tra, giải quyết triệt để vụ án.

[2] Trong vụ án này, ngoài bị cáo Thái Thị Huyền T thì còn có Lê Hồng V là thủ quỹ của Công ty, chịu trách nhiệm trong công tác quản lý quỹ, không thực hiện đúng nguyên tắc quản lý quỹ, tiếp tay cho T thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, Nguyễn Tuấn A kế toán viên, chịu trách nhiệm trong công tác kế toán, tiếp tay cho T thực hiện không đúng quy trình quản lý kế toán. Lê Hồng V và Nguyễn Tuấn A ngoài việc không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, V còn rút séc 15 lần với tổng số tiền là 1.841.000.000 đồng, A rút séc 14 lần với tổng số tiền là 1.370.000.000 đồng từ tài khoản của Công ty. Theo quy định, số tiền được rút từ tài khoản chuyên chi phải nhập quỹ tiền mặt, sau đó mới thực hiện chi theo quy định. Tuy nhiên, sau khi rút séc, T, V và A không nhập tiền về quỹ tiền mặt, mà đem nộp vào tài khoản cá nhân của T, tạo điều kiện cho bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Quá trình điều tra xác định tổng số tiền được nộp vào tài khoản cá nhân của T là 3.204.000.000 đồng, trong đó: T tự nộp vào tài khoản của mình là 1.411.000.000 đồng, V nộp tiền vào tài khoản cá nhân T là 948.000.000 đồng, A nộp vào tài khoản T là 845.000.000 đồng. Số tiền đã nhập quỹ tiền mặt có chứng từ là 693.000.000 đồng, còn lại 960.000.000 đồng, T, V và A đổ lỗi cho nhau, số tiền 235.000.000 đồng T khai đã nhập quỹ tiền mặt, nhưng V chỉ xác nhận T nhập quỹ 10.000.000 đồng; số tiền 360.000.000 đồng V khai đưa tiền mặt cho T, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm T không nhận; số tiền 375.000.000 đồng A khai đưa cho T, nhưng T không thừa nhận đã nhận tiền mặt từ Lê Hồng V và Nguyễn Tuấn A, nên không có việc bị cáo nhận của A 100.000.000 đồng vào ngày 18/01/2019. Như vậy, Lê Hồng V và Nguyễn Tuấn A tuy biết việc làm của mình là trái pháp luật, nhưng vẫn tiếp tay, giúp sức cho bị cáo T thực hiện hành vi phạm tội, nên hành vi của V, A có dấu hiệu đồng phạm với vai trò giúp sức cho Thái Thị Huyền T trong việc chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, đối với số tiền 360.000.000đ Lê Hồng V khai đưa cho T; số tiền 375.000.000đ A khai đưa cho T nhưng không có tài liệu gì chứng minh, bị cáo T không thừa nhận đã nhận tiền mặt, nên Lê Hồng V và Nguyễn Tuấn A phải chịu trách nhiệm đối với số tiền mình đã rút nhưng không chứng minh được đã chuyển đi đâu; cấp sơ thẩm xác định số tiền này thất thoát chưa chứng minh được ai chiếm đoạt là thiếu căn cứ, không phù hợp.

[3] Từ phân tích trên thấy rằng, do T, V, A đã lợi dụng chức vụ được giao đã làm trái quy định để chiếm đoạt tiền của Công ty, gây thất thoát 1.910.000.000đ đã đủ yếu tố cấu thành tội “Tham ô tài sản” nên cần thu hút để xử lý về tội danh nêu trên, nhưng cấp sơ thẩm lại xem xét để xử lý Lê Hồng V và Nguyễn Tuấn A về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, từ đó dẫn đến quy kết bị cáo T thêm tội danh này là thiếu căn cứ, dẫn đến một hành vi bị cáo bị xử lý hai lần là gây bất lợi cho bị cáo T. Hơn nữa, quá trình điều tra Thái Thị Huyền T khai nhận việc làm của bị cáo T có sự đồng thuận, chỉ đạo của Hoàng Thị N và trong số tiền chuyển vào tài khoản của bị cáo có một số bị cáo đã rút ra để đưa trực tiếp cho N, nên giữa bị cáo T và N đã có nhiều tin nhắn trao đổi qua lại về việc liên quan đến số tiền này, Cơ quan Điều tra cũng đã thu giữ được nội dung các tin nhắn này, nhưng không điều tra làm rõ có hay không việc Hoàng Thị N chỉ đạo, đồng thuận với bị cáo T là điều tra chưa đầy đủ. Mặc dù sau khi xét xử Hoàng Thị N, Nguyễn Tuấn A và Lê Hồng V không kháng cáo, nhưng việc xác định đúng tội danh đối với Nguyễn Tuấn A và Lê Hồng V, cũng như có hay không việc Hoàng Thị N chỉ đạo Thái Thị Huyền T liên quan đến xác định có hay không có hành vi phạm tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” của bị cáo T. Vì vậy, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm thấy cần thiết phải xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

[4] Hơn nữa, bị cáo T cho rằng số tiền bị cáo chiếm đoạt được bị cáo đã chi một phần vào việc phục vụ cho Công ty đi du lịch theo hợp đồng ký kết với Công ty TNHH Dịch vụ Lữ Hành và Du lịch TV với số tiền 395.500.000đ, có xác nhận của Công ty du lịch; đây là chế độ mà Tổng Công ty quy định. Tại phiên tòa phúc thẩm Hoàng Thị N (Giám đốc Công ty), cũng như đại diện cho Tổng Công ty thừa nhận có việc Công ty đi du lịch tại Hàn Quốc; theo Hoàng Thị N thì việc đi tham quan, du lịch là chủ trưởng của Công ty trên cơ sở quy định của Tổng Công ty; người chịu trách nhiệm cho chuyến đi là bị cáo T từ việc ký kết hợp đồng; thu, chi… Tại phiên tòa phúc thẩm, Hoàng Thị N cũng không khẳng định được số tiền chi phí cho chuyến đi là bao nhiêu, cũng như đã được thanh, quyết toán giữa Công ty với bị cáo T hay chưa. Hơn nữa, theo bị cáo T trong số tiền bị thất thoát thì còn khoảng hơn 170.000.000đ bị cáo đã cho Công ty tạm ứng để chi phí hợp lý vào hoạt động của Công ty, nhưng khi bị cáo bị đình chỉ công tác thì số tiền này chưa được xem xét để quyết toán cho bị cáo. Tuy nhiên, Cơ quan Điều tra chưa điều tra làm rõ các nội dung này, nhưng đã quy kết bị cáo T chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng là chưa có căn cứ vững chắc.

[5] Tổng hợp các phân tích trên thấy rằng, cấp sơ thẩm chưa điều tra, làm rõ vai trò đồng phạm của Lê Hồng V, Nguyễn Tuấn A đối với bị cáo Thái Thị Huyền T, nhưng lại quy kết V, A về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” là tội có khung hình phạt nhẹ hơn tội “Tham ô tài sản”. Hơn nữa, chưa điều tra, làm rõ có hay không sự chỉ đạo của Hoàng Thị N, chưa điều tra làm rõ số tiền cụ thể từng bị cáo đã chiếm để đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo được pháp chế xã hội chủ nghĩa; đồng thời đảm bảo được quyền lợi cho bị cáo T; Hội đồng xét xử thấy cần chấp nhận kháng cáo của bị cáo Thái Thị Huyền T, hủy bản án sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm lại như đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội là có căn cứ, phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 355; điểm a khoản 1, khoản 3 khoản 4 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự.

[6] Do hủy bản án sơ thẩm số để điều tra truy tố, xét xử sơ thẩm lại nên bị cáo T không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355; điểm a khoản 1, khoản 3, khoản 4 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự.

1. Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2022/HS-ST ngày 30/3/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên để điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên để giải quyết theo thủ tục chung theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

3. Về án phí: Bị cáo Thái Thị Huyền T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2138
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng số 571/2022/HS-PT

Số hiệu:571/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:17/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về